Én Liệng Truông Mây - Hồi 36 - Phần 2

Mùa hè năm Mậu Tý trời bỗng nóng hơn mọi năm rất nhiều. Mấy tháng liền không có một giọt mưa làm cho ruộng đồng nứt nẻ, lúa, hoa màu, cây trái đều bị thất thu. Cả không gian như mờ phủ một màu lam ảm đạm. Nạn đói năm nay càng trầm trọng hơn, khắp nơi nhân dân ta thán, số người đi ăn mày ngày một đông. Cũng may thời gian này hai bên đang hưu chiến nếu không thì phủ Quy Nhơn đã trở thành cảnh địa ngục trần gian. Riêng hai huyện Hoài Nhơn và Phù Ly, nghĩa binh Truông Mây tìm đủ mọi cách để giúp cho dân chúng nên mọi người nơi đây đỡ khổ hơn những nơi khác. Họ cho người khai nước từ các hồ lớn trong vùng như hồ Hội Sơn, hồ Hội Nhơn, hồ Phú Thuận... để dẫn vào các sông chính Lại Dương và Phù Ly, rồi đắp đê chặn từng khúc một, làm những bờ tràn dẫn nước vào tưới cho đồng ruộng, nhờ thế hoa màu và ruộng lúa ở đây còn thu hoạch được.

Tình trạng khả quan này thu hút rất nhiều ăn mày và dân xiêu tán từ khắp nơi đổ dồn về để kiếm miếng ăn. Vì quá đông nên ăn mày lắm khi trở thành ăn trộm. Họ ăn trộm hoa màu, lúa chín ngoài đồng hay bất kỳ thứ gì có thể ăn được dù chưa kịp chín. Các đầu lĩnh Truông Mây cuối cùng đành phải đem số lương thực dự trữ để phân phát cho họ và tổ chức lực lượng canh phòng trật tự cho người dân. Nhờ vậy mà trật tự hai huyện nhà ổn định hơn, số lượng người ăn mày gia nhập nghĩa binh tăng lên rất nhiều. Bang Hành Khất ở Phú Xuân cử Tiểu Phi và một số bang chúng vào giúp Truông Mây bình ổn những người ăn mày đang ùn ùn đổ tới. Họ cho khai phá những vùng đất còn bỏ hoang rồi thiết lập những trại di cư dọc theo bờ sông Lại Dương và Phù Ly để những người lang thang tạm trú.

Tiểu Phi và Trần Lâm rất vui mừng khi được gặp lại nhau và cùng làm việc chung với nhau. Ở một phương diện nào đó, sự hợp tác giữa nghĩa binh Truông Mây và bang Hành Khất đã rất chặt chẽ. Tuy vậy, vì tình trạng lượng người ăn mày ngày một gia tăng nên cả hai bên đã có một cuộc họp bàn chung để tìm cách giải quyết. Trần Lâm lên tiếng:

- Tình hình bây giờ thật là nan giải. Dân xiêu tán và người ăn mày cứ đổ xô đến hai huyện của chúng ta mong tìm cái ăn và sự giúp đỡ. Chúng ta bỏ mặc họ thì không được, mà lo cho họ thì với một địa phương nhỏ bé như thế này quả thật không thể chứa hết hàng triệu ăn mày trong cả nước. Vả lại, số lương thực dự trữ cho nghĩa binh cũng đã cạn sạch. Không khéo đến khi chiến tranh chúng ta sẽ không có lương thực để tác chiến.

Lía nói:

- Dù sao cũng không thể bỏ mặc họ được. Đồng bào đã tìm đến ta để nương tựa, ta phải tìm mọi cách gúp họ.

Tiểu Phi nói:

- Chúng tôi đã huy động khắp nơi để gom lương thực về đây, hi vọng sẽ giúp các anh được phần nào. Nhưng về lâu về dài chúng ta phải nhờ đến vựa lúa ở miền Nam mới được.

Hồng Y Nữ bỗng reo lên:

- Muội sẽ liên lạc với cha để xin người gởi lương thực ra đây. Chúng ta cũng đừng quên sự trợ giúp từ phía Dương đại ca. Có điều xa xôi quá, chúng ta cần có thời gian.

- Vậy Liên muội viết thư đi, bang Hành Khất sẽ dùng bồ câu đưa thư đến bá phụ và Dương đại ca. Chỉ trong vài ngày là đến nơi rồi.

- Nếu vậy thì hay quá! Mùa này đang lúc gió nồm, hi vọng lương thực sẽ đến đây trong vòng vài mươi ngày nữa.

Lê Trung nói:

- Chúng ta phải giữ bí mật việc này để tránh tai mắt triều đình và bọn cướp biển.

Hồng Y Nữ nói:

- Cháu sẽ nhờ cha gởi người đi theo hộ tống, cả Dương gia ở Mỹ Tho nữa.

Tiểu Phi mừng rỡ nói:

- Nếu có Dương đại ca đi theo thì hay biết mấy. Chúng ta lại có dịp bày trận Bát quái nữa rồi.

Trần Lâm vui vẻ nói:

- Được như vậy thì chúng ta đỡ lo phần nào vấn đề lương thực. Liên muội viết thư ngay đi.

Chợt Vũ Tùng lên tiếng:

- Cho tôi gởi một lá thư với. Hi vọng đoàn thuyền của chúng tôi cũng đang ở Gia Định. Tôi sẽ nhờ họ giúp đỡ thêm cho chúng ta.

Lê Trung mừng rỡ:

- Nếu có sự hỗ trợ của quí quốc thì hay biết dường nào.

- Đây chỉ là tình cảm riêng của tôi mà thôi. Tôi chưa thể liên hệ với sứ quân của tôi được.

Lía nói:

- Như vậy thì hay hơn. Chúng tôi cũng không muốn sự giúp đỡ mang tính chất quốc gia. Chúng ta phải tự lập.

Hồng Liên và Vũ Tùng viết thư xong Tiểu Phi liền cho người trong bang gởi ngay vào Gia Định. Việc lương thực như thế là tạm ổn, mọi người chỉ còn biết chờ đợi và hi vọng.

***

Đó là một buổi chiều khô trên đỉnh Kim Sơn. Thiên Tường ngồi một mình nơi mỏm đá, mắt hướng xa xôi như đang ngắm cảnh chiều tà trên dòng Kim Sơn lấp lánh nhưng tâm hồn lại lạc lỏng tự nơi nao. Trên tay chàng là con dao nhỏ và mẫu gỗ khắc hình khuôn mặt của một người đàn bà. Từ lâu, việc khắc hình mẹ mình đã trở thành thói quen trong những khi chàng rảnh việc. Nhưng dạo gần đây, chàng vô cùng bức bối và tự giận mình vì trong những khoảnh khắc vô tình, mẫu gỗ khắc xong không phải là gương mặt thân yêu của mẹ mà là một gương mặt khác. Gương mặt ấy có vẻ đẹp mê hồn, gương mặt của người đại tẩu mà chàng đã một lần nhìn thấy cả tấm thân gần như lồ lộ của nàng. Nét đẹp ma mị đó không biết từ lúc nào đã in sâu vào cõi lòng hoang lạnh, vào trái tim khô như đá của chàng, chỉ biết rằng dạo gần đây, thỉnh thoảng nó lại xuất hiện trên khuôn mặt của mẫu gỗ mà chàng vẫn hàng ngày lặng câm hí hoáy đẽo gọt. Những lúc như thế, chàng hết sức hoảng hốt, mồ hôi tự nhiên toát ra ướt đẫm. Chàng lập tức dùng hai bàn tay vận lực vào bóp nát mẫu gỗ. Và chàng tìm một nơi nào đó thật vắng vẻ, ngồi im lặng một mình để nghiền ngẫm cái cớ sự hết sức lạ lùng này. Bao nhiêu lần như thế rồi nhưng chàng vẫn không thể hiểu vì đâu, chỉ biết rằng nếu không chú tâm một chút thì mẫu gỗ sẽ có nét mặt hút hồn của người đàn bà đã bị chàng bắt. Xong chàng lại bứt rứt, lại tự nguyền rủa mình, đôi khi còn dùng con dao cứa tay cho máu chảy lai láng để tự trừng phạt.

Chàng ngồi đó chiều nay, mắt xa xăm như kẻ mất hồn, mẫu gỗ trên tay đang mang khuôn mặt đẹp ma mị kia. Bỗng chàng giật mình đánh rơi cả mẫu gỗ xuống đất bởi có tiếng nói vang lên từ sau lưng:

- Tường đệ, đệ làm gì mà ngồi một mình ở đây coi buồn bã quá vậy? Thất tình à?

Thiên Tường quay lại. Thì ra Hồ Bân đang lững thững đi tới, trên tay cầm hũ rượu. Chàng ấp úng:

- À... không có gì, đệ chỉ muốn ngắm cảnh hoàng hôn trên dòng Kim Sơn mà thôi. Tam ca cũng có hứng thú lên đây ngắm hoàng hôn à?

Hồ Bân ậm ừ:

- Vô công rồi nghề đi lang thang lạc lên đây chứ ta đâu có tâm hồn nghệ sĩ như đệ mà thưởng thức cảnh đẹp hoàng hôn.

- Tam ca đang giữ ải Thạch Tân sao lại về đây rồi than là vô công rồi nghề?

Hồ Bân ngửa cổ tợp một hớp rượu trả lời:

- Đại ca kêu ta về đây để cùng đại ca trấn giữ Truông Mây này, giao ải Thạch Tân lại cho Đinh Hồng Liệt và nhị ca. Ở đây thì có cái gì để trấn với giữ chứ?

- Truông Mây là nơi đầu não của phong trào, sao tam ca lại bảo là không có gì?

- Ta vẫn có cảm tưởng họ coi ta là đồ vô dụng. Đệ xem, trong chiến dịch vừa rồi ta có được tham gia gì đâu?

- Tam ca trấn giữ đèo Thạch Tân làm tấm chắn, che cái lưng của chúng ta, sao lại bảo là không tham gia?

Hồ Bân khịt mũi:

- Tấm chắn? Thế bây giờ không cần tấm chắn nữa hay sao? Không phải họ cho ta không chắn nổi, cho ta vô dụng là gì?

- Tam ca nghĩ quấy rồi. Chúng ta chia ra làm bốn trại. Trại một đại ca và tam ca cùng trấn giữ ở đây. Trại hai cha Hồ và chú Nhẫn chia ra giữ hai huyện thành. Trại ba Bàng Châu và tứ ca trấn ở Phù Ly. Trại bốn Đinh thúc và nhị ca trấn giữ Thạch Tân, Lại Dương và An Dũ. Như thế thì đại ca điều tam ca về đây là phải rồi.

Hồ Bân đưa bình rượu cho Thiên Tường nói:

- Dẹp chuyện đó đi. Đệ uống rượu không?

- Uống, nhưng chỉ uống những lúc vui với anh em mà thôi.

- Rượu để chung vui thì ít mà để giải sầu thì nhiều. Ta thấy đệ có vẻ cô độc, buồn bã, sao không dùng rượu để giải khuây?

- Đệ chẳng có nỗi buồn nào cả. Đệ sống cô độc chỉ vì đã quen nếp mà thôi. Tam ca nói thế chắc là đang dùng rượu để tự giải sầu phải không?

Hồ Bân vỗ vỗ vào bình rượu cười nói:

- Ta làm bạn với nó từ lúc ta còn trẻ. Với ta, cuộc sống mà không có rượu cũng như thế gian này không có bóng đàn bà vậy.

Rồi hắn đưa bình rượu cho Thiên Tường. Thiên Tường cầm lấy hớp nhẹ một ngụm rồi trả lại, nói:

- Đó chỉ là sở thích, là thói quen. Đệ tin tam ca còn có một nỗi buồn thầm kín nên mới muốn dùng rượu để giải nó đi. Đúng không?

Hồ Bân tợp thêm một ngụm nữa.

- Trần gian này có biết bao nỗi buồn. Không buồn sao lại đi làm ăn cướp? Hà hà... Nếu chúng ta có đủ mọi thứ trên đời nhỉ? Không biết lúc ấy nỗi buồn còn nữa hay không?

- Chúng ta đã không còn là ăn cướp nữa rồi. Chúng ta đang là những nghĩa sĩ chiến đấu vì hạnh phúc của đồng bào. Đó không phải là nỗi buồn mà là niềm vui. Tam ca thấy có đúng không?

- Nói hay lắm. Nhưng nghĩa sĩ có nỗi buồn của nghĩa sĩ, ăn cướp có nỗi buồn của ăn cướp, dân đen có nỗi buồn của dân đen.

- Tam ca bi quan quá rồi. Hãy nhìn đời bằng con mắt lạc quan thì sẽ thấy cuộc sống vui hơn, hạnh phúc hơn. Bởi vì dù ở đâu, với thân phận nào, giai cấp nào cũng đều có niềm vui và nỗi buồn riêng của nó. Ai thấy được niềm vui sẽ được vui và ngược lại.

Hồ Bân cười ha hả nói:

- Thằng câm này từ sau ngày cắt cổ được tên Hoàng Công Đức bỗng hết câm thành ra còn trẻ mà lý luận giống thầy ta lúc xưa quá. Giỏi lắm! Nhưng chẳng phải đệ cũng đang buồn đó là gì?

- Đệ chẳng có gì buồn phiền cả.

- Chẳng có gì mà ngồi một mình thẫn thờ ở đây như kẻ thất tình vậy à? Đệ đang yêu thầm ai đó phải không?

Thiên Tường nghe hỏi chột dạ:

- Đâu có. Tam ca đừng lấy tâm sự của mình mà gán cho đệ.

- Ta có tâm sự gì mà đem gán cho đệ?

- Tâm sự của tam ca mọi người đều biết, còn hỏi đố đệ làm gì.

Hồ Bân ngửa cổ uống một hơi dài:

- Khà! Mọi người đều biết nhưng chỉ cần một người không biết thì cũng hỏng bét, đúng không? Nhưng ta gán như vậy có đúng không đã?

Bỗng có tiếng hỏi từ đằng sau:

- Gán cái gì mà đúng với không đúng vậy?

Cả hai người giật mình quay lại rồi đồng thanh nói:

- Kìa đại ca, đại tẩu! Hai người lên ngắm cảnh hoàng hôn trên dòng Kim Sơn à?

Lía và Đại Hồng nắm tay nhau đi tới. Đại Hồng mỉm cười, nụ cười đẹp mê hồn khiến cho Thiên Tường đỏ mặt cúi đầu. Nàng nói:

- Tên câm chết tiệt kia nay cũng biết lên đây ngắm cảnh hoàng hôn à? Trời sắp sập rồi chăng?

Thiên Tường vội vã đáp:

- Đệ chỉ lần đầu muốn lên xem thử mà thôi. Đệ đi trước, các người ở lại ngắm cảnh nhé.

Nói rồi chàng bước lẹ xuống mé núi mất dạng. Hồ Bân nói:

- Đệ cũng đi. Hai người vui vẻ.

Rồi hắn cầm bầu rượu uể oải bước đi. Lía nhìn theo nói với Đại Hồng:

- Tam đệ lúc này uống rượu hơi nhiều. Không hiểu hắn có tâm sự gì?

Đại Hồng nói:

- Đàn ông uống rượu nhiều thường do hai vấn đề, công danh và tình ái. Kẻ thất chí về công danh uống rượu giải sầu cho thân phận. Kẻ thất tình uống rượu để cố quên đi hình bóng người mình yêu. Cho nên mấy ông thường hay ngâm nga “dục phá thành sầu tu dụng tửu” gì gì đó.

- Muội rành tâm lý bọn đàn ông chúng ta quá ha?

- Có gì mà rành với không rành. Chuyện ấy vốn nhan nhản trên thế gian mà.

- Thế thì theo muội, tam đệ uống rượu vì lý do nào?

Đại Hồng hơi nheo mắt như nghĩ ngợi:

- Muội cho rằng cả hai.

- Cả hai à? Muội thấy gì mà cho rằng như thế?

- Chỉ có đại ca không thấy chứ ai cũng thấy cả.

- Thế à? Vậy về công danh, vì sao tam đệ thất vọng?

Đại Hồng bước đến ngồi lên phiến đá mà Thiên Tường đã ngồi ban nãy, thong thả đáp:

- Muội hỏi đại ca, Truông Mây này đầu tiên ai làm chủ?

- Của cha Hồ và chú Nhẫn làm chủ.

- Hồ Bân là gì của họ?

- Là cháu ruột mà như là con của cha Hồ.

- Thế bây giờ ai làm chủ?

- Là ta. Nhưng đó là do chính họ tự nguyện trao cho ta.

Giọng Đại Hồng hơi cứng lại:

- Là đại ca hay Lâm đệ?

Lía nói nhanh:

- Lâm đệ vì mọi người, vì sự nghiệp chung của mọi người. Hắn làm việc bán mạng cũng là vì lý tưởng, hạnh phúc của mọi người, của đồng bào. Muội đừng nghĩ quấy. Nhưng điều đó có liên quan gì đến tam đệ?

- Hôm đại ca nói với muội là đã đưa Đinh Hồng Liệt và Lưu Đằng ra Thạch Tân thay cho tam đệ để hắn về trấn thủ Truông Mây với đại ca, muội đã có ngay cái cảm giác này rồi. Cái cảm giác bị nghi ngờ hay thất sủng ấy đàn bà như muội còn cảm thấy, huống hồ tam đệ. Hơn nữa, hắn biết cái đáng lẽ là của hắn giờ đã thuộc về người khác rồi.

Lía cau mày:

- Nếu hắn nghĩ thế thì hắn đã sai. Đã sai mà suốt ngày còn cầm bình rượu thì càng sai bét hơn nữa. Ta sẽ làm việc với hắn. Còn nguyên do thứ hai?

Đại Hồng đưa mắt nhìn xuống dòng Kim Sơn trả lời:

- Tam đệ đang yêu một người mà người đó lại yêu một người khác.

- Thật à? Ai vậy?

- Lam muội.

- Vậy tốt lắm chứ! Ta tán thành việc đó.

- Đại ca tán thành nhưng Lam muội không tán thành thì sao?

- Tất nhiên là đành chịu. Nhưng vì sao Lam muội lại không tán thành? Hồ Bân với Lam muội thật xứng đôi đấy chứ.

- Vì muội ấy đang yêu một người khác.

- Ai vậy?

Đại Hồng nhìn Lía mỉm cười:

- Là người phu quân thân yêu của muội đây chứ còn ai nữa.

Lía nhảy dựng lên:

- Là ta à? Không thể nào! Chúng ta như hai anh em ruột vậy, không thể nào đâu.

- Với đại ca thì không thể nào nhưng với Lam muội thì lại có thể.

- Thật ư? Làm sao muội biết?

- Khó gì. Chỉ vài lần nói chuyện với đám em gái của Lam muội là biết tất chứ gì. Đó là sự thật, mọi người đều biết, chỉ có chàng không biết mà thôi.

Lía thở dài:

- Nếu là vậy thì dở thật. Nhưng nay ta đã lấy vợ rồi, chắc Lam muội sẽ chấp nhận tam đệ thôi. Cho cô ấy thêm chút thời gian.

Đại Hồng mím môi:

- Có vợ hay lấy chồng đâu có nghĩa gì đối với tình yêu. Một khi đã yêu thì đến chết vẫn còn yêu, huống hồ là lấy vợ.

- Muội có cách gì giúp cho họ không?

Nàng trả lời cho Lía mà cũng để nói với chính mình:

- Tình yêu là cái gì đó phức tạp nhất trên thế gian này. Với tình yêu, không có chuyện giúp đỡ vì nó xuất phát từ con tim của mỗi người, không ai có thể can thiệp vào trái tim người khác được. Chỉ có thời gian, nhưng đôi khi thời gian cũng chỉ làm cho con tim chóng già nua chứ không thể làm phai nhạt được tình yêu đã hằn sâu trong đó.

- Hà... Đành vậy! Mong là thời gian sẽ hàn gắn lại tất cả. Thôi chúng ta về đi. Đã tối rồi đấy.

***

Năm ngày sau khi Tiểu Phi cho bồ câu mang thư vào Gia Định, nghĩa binh Truông Mây đã nhận được thư hồi báo sẽ có hai đoàn thuyền chở gạo từ Gia Định ra. Hai mươi ngày sau, Dương Quán Nhật hộ tống một đoàn mười chiếc cập vào Đề Gi. Trần Gia Huy hộ tống một đoàn thuyền cũng mười chiếc cập vào An Dũ. Tổng số gạo lên đến gần hai trăm tấn. Lê Trung lo tiếp nhận số lương thực trên, một phần đưa về Truông Mây dự trữ, còn một phần để lại hai huyện thành, từ từ cấp phát cho các trại di cư. Lía cùng Trần Lâm chia nhau đến Đề Gi và An Dũ để đón các đoàn tàu. Dương Quán Nhật, Tiểu Phi và Trần Lâm đã mấy năm cách biệt, nay gặp lại nhau mừng vui vô kể. Quán Nhật vỗ vai hai người nói:

- Cách biệt mấy năm ta thật nhớ hai đệ vô cùng. Lâm đệ nay đã làm nên chuyện động trời khiến cả thiên hạ ai nấy đều kinh tâm và cúi đầu thán phục. Quán Nhật này cũng được hãnh diện lây. Ha ha...

Tiểu Phi cười nói:

- Có phải Dương huynh chỉ nhớ bọn này không thôi hay là còn nhớ ai khác nữa?

Trần Lâm vội nói:

- Phi đệ đừng có ghẹo Dương huynh nữa. Mọi người trong đó thế nào? Đệ thay mặt anh em Truông Mây cảm ơn sự giúp đỡ của Dương huynh.

Dương Quán Nhật xua tay nói:

- Cái gì mà ơn với nghĩa. Hai đệ chẳng đã từng giúp chúng tôi lúc trước hay sao? Mọi người trong đó vẫn bình an, họ nhắc đến hai đệ luôn.

Tiểu Phi nói:

- Số lương thực của Dương huynh kỳ này sẽ cứu được rất nhiều người khỏi phải chết đói. Thú thật chúng tôi ở đây đã bó tay rồi.

- Đồng ruộng, lúa gạo ở Mỹ Tho và các vùng miền Tây không thiếu gì, chỉ thiếu người canh tác mà thôi. Có lẽ chúng ta nên đưa bớt người trong các trại ở đây vào Nam để họ tự canh tác nuôi lấy mình. Đó mới là kế sách lâu dài. Vùng đất này nhỏ hẹp, thời tiết lại khắc nghiệt không thể kiếm đủ lương thực cho bấy nhiêu người đó được.

Tiểu Phi nói:

- Từ lâu bang Hành Khất cũng đã từng bước nhỏ tiến hành biện pháp ấy. Có điều số người bỏ làng bỏ xóm đi khắp nơi ăn mày ngày càng gia tăng, chúng tôi lại không có phương tiện vận chuyển. Vì vậy nên lượng người đưa vào Nam còn ít lắm.

- Lần này tôi sẽ đưa một số theo đoàn thuyền vào Nam. Vùng đất Mỹ Tho còn nhiều nơi trù phú nhưng thiếu người canh tác. Tôi sẽ giúp cho bọn họ.

Trần Lâm nói:

- Tính như Dương huynh thật lưỡng toàn. Dương huynh dự tính bao giờ trở vô?

- Ở lại đây khoảng năm bảy hôm để chúng ta có dịp hàn huyên cũng như thu xếp cho những người di cư xong tôi sẽ trở vào. Lợi dụng mùa gió nồm này tôi sẽ cố gắng vận chuyển càng nhiều chuyến lương thực cứu trợ càng tốt.

- Được Dương huynh và các nhà hảo tâm ở miền Nam tương trợ thì công việc giúp đỡ những người nghèo ở đây khá hơn nhiều. Nhưng Dương huynh phải cố tránh tai mắt triều đình và bọn cướp mới được.

- Vâng, tôi sẽ lưu tâm việc này.

Tiểu Phi hỏi:

- Dương huynh có cần đến lực lượng bang Hành Khất giúp một tay trong việc vận chuyển không?

Quán Nhật vui vẻ:

- Được như vậy thì tốt lắm!

- Chúng tôi sẽ cho Nguyễn Văn Tuyết đưa người xuống Mỹ Tho để Dương huynh điều động.

Trần Lâm nói:

- Bây giờ chúng ta về Truông Mây để Dương huynh nghỉ ngơi và xem tình hình bên cửa An Dũ thế nào.

Cả bọn từ giã Võ Tiến lên ngựa phóng đi. Khi họ về đến Truông Mây thì Lía cũng đã đưa Trần Gia Huy về tới. Mọi người gặp nhau vui mừng khôn xiết. Trần Gia Huy nói với Trần Lâm:

- Môn chủ gởi lời thăm Lâm huynh và mọi người ở đây. Người dự trù sẽ gởi thêm vài chuyến lương thực nữa để hỗ trợ cho việc cứu đói. Do đó có lẽ chúng tôi sẽ phải trở vào ngay để tận dụng mùa gió nồm.

Trần Lâm cảm kích nói:

- Gia Huy huynh khi trở vào nhớ cho chúng tôi gởi lời cảm ơn đến Trần môn chủ. Có điều kiện chúng tôi sẽ vào thăm.

- Lâm huynh không cần phải cảm ơn đâu. Ngày trước nếu không có Lâm huynh tương trợ thì số người Minh Hương ở Cù lao Phố bây giờ chưa biết sẽ ra sao. Chút lương thực giúp cho đồng bào có thấm vào đâu. Vả lại đây là sự quyên góp của nhiều người ở Cù lao Phố chứ không riêng gì của chúng tôi đâu.

Trần Gia Huy quay sang Vũ Tùng:

- Hai trong số thuyền hàng vừa rồi là của nhóm thương gia các anh đó. Họ nhờ tôi nhắn anh là phải trở về Nhật Bản gấp vì nội bộ sứ quân bên ấy đang có loạn.

Vũ Tùng mặt lộ vẻ lo lắng:

- Tình hình như thế thì tôi phải chia tay với các bạn rồi. Chừng nào bọn họ trở về nước?

- Khi chúng tôi ra đi thì họ cũng lên đường, nhưng họ nói sẽ có đoàn tàu khác sang Gia Định trong tháng này.

Gia Huy nói với Hồng Y Nữ:

- Sư muội kỳ này phải trở về gấp, sư phụ vì nhớ và lo cho sư muội nên trông người suy sụp lắm. Cứ tình hình này, sư phụ sẽ lâm bệnh nay mai.

Hồng Y Nữ hoảng hốt hỏi:

- Cha buồn lắm à? Muội mới đi có mấy tháng thôi mà.

- Huynh nói thật đó. Sư phụ vì nhớ sư muội, lại nghe ngoài này đang chiến tranh nên lo lắm. Sư muội trở về đi.

Trần Lâm chen vào:

- Liên muội nên trở về, đừng để môn chủ lo lắng. Cả những anh em ở đây cũng lo lắng cho muội nữa. Chiến tranh không phải là chuyện đùa giỡn đâu.

Hồng Liên chẩu đôi môi xinh xắn lên nói:

- Vậy là các người xem thường muội, lo muội bị giặc giết chứ gì?

Lam Tiểu Muội ôm vai Hồng Liên dịu dàng nói:

- Lo cho muội thì có lo thật nhưng đâu ai dám xem thường Hồng Y Nữ của tỷ. Dù sao thì muội cũng nên trở về thăm cha. Rồi sẽ có ngày nghĩa binh Truông Mây vào đến Gia Định mà. Chừng đó chúng ta lại có dịp chiến đấu bên nhau, phải không?

- Thôi được! Ai cũng muốn muội đi thì muội phải đi thôi. Nhưng các người phải mau mau tiến binh vào Gia Định đó nhé.

Lía cười nói:

- Chúng tôi nhất định sẽ cố gắng. Liên muội về trong ấy chuẩn bị để giúp chúng tôi một tay.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3