Én Liệng Truông Mây - Hồi 36 - Phần 3

Chiều hôm đó họ làm một bữa tiệc để chiêu đãi đoàn người từ miền Nam ra cứu trợ. Lía cho người bày cuộc rượu trên đỉnh Kim Sơn để mọi người vừa uống rượu vừa thưởng thức cảnh hoàng hôn. Gió chiều lồng lộng, trời cao trong vắt, bầu không khí thật thanh sảng thích hợp với cuộc uống rượu của những tay giang hồ hiệp sĩ.

Nhân khi tửu hứng, Dương Quán Nhật nâng ly rượu lên vui vẻ nói:

- Từ lâu giang hồ có lời rằng “Kẻ đi lại hành hiệp trên giang hồ nếu chưa gặp được Lía Truông Mây thì chưa phải là hiệp sĩ”, lời nói ấy quả không ngoa. Dương Quán Nhật tôi hôm nay được cùng đại ca nâng ly thật là một điều vui sướng nhất trong đời.

Rồi Quán Nhật ngẩng cổ tu cạn ly rượu. Tiểu Phi cũng nâng ly lên nói theo:

- Đúng vậy, Tiểu Phi này từ lâu cũng đã mong có ngày gặp được đại ca Lía. Bây giờ thì toại nguyện rồi. Chuyện trở thành hiệp sĩ Phi tôi xin nhường lại cho thiên hạ.

Rồi chàng uống cạn ly rượu. Mọi người cũng nâng ly uống cạn. Lía cười ha hả nói:

- Chuyện giang hồ bày vẽ, Lía tôi không để ý tới. Được kết giao sống chết với anh em mới là chuyện tôi quan tâm. Đời người không có gì sảng khoái cho bằng rượu ngon và bằng hữu. Dù sao cũng xin mượn ly rượu này thay tiếng cảm ơn.

Mọi người lại cùng nâng ly. Không khí thật vui vẻ, thân tình. Giây phút này họ quên hẳn những lúc xông pha giữa rừng gươm mũi giáo với cái chết cận kề. Đó là cái hay của rượu. Rượu mang lại hào khí cho con người, nó hun sôi bầu nhiệt huyết và là sợi dây kết chặt những tâm hồn có cùng chung chí hướng đến chết không thôi. Hồ Bân bỗng lên tiếng:

- Đã thế sao đại ca lại còn phàn nàn đệ về chuyện uống rượu?

Lía nhìn sang Hồ Bân nói:

- Uống rượu cũng có năm bảy cách uống. Rượu làm thăng hoa cuộc đời mà cũng làm cho cuộc đời đen tối, trụy lạc. Ta chỉ vì thấy cách uống rượu của đệ có thể dẫn đến kết quả không hay nên mới nhắc nhở thôi.

- Uống rượu như thế nào mới gọi là thăng hoa? Còn thế nào thì trở nên đen tối?

- Đời ta lang bạt đã nhiều, rượu uống không biết bao nhiêu cuộc, nốc cạn không biết bao nhiêu chung, nhưng chỉ có hai lần làm cho ta cảm thấy sảng khoái và nhớ nhất trong đời.

Cha Hồ hỏi chen vào:

- Là hai lần nào?

Lía uống cạn chung, khà một tiếng rồi đáp:

- Lần thứ nhất cùng với một ông lão lái đò trên bến My Lăng, lần thứ hai chính là lần cùng Lâm đệ uống trên đỉnh Trưng Sơn hôm nọ.

Trần Lâm vỗ tay đánh bốp một tiếng nói:

- Đại ca cũng đã uống rượu với ông lão lái đò đó rồi à? Ông ta đáng được phong tặng danh hiệu Tửu Thánh. Hay phải nói là “Tửu trung chi thánh” mới đúng.

- Đệ cũng đã gặp Trần lão rồi à? Đúng vậy, ông ta rất xứng với cái danh hiệu Tửu Thánh.

- Trên đường lên Tây Sơn dạo nọ, đệ có duyên được uống rượu và nói chuyện với Trần công suốt một đêm trăng trên bến My Lăng. Lần nói chuyện đó đã làm thay đổi cả cuộc đời và chí hướng của đệ.

Hồ Bân bưng ly lên nốc cạn rồi hỏi:

- Uống rượu thì cứ nâng bầu uống cạn như đệ đây, sao còn xứng danh hay không xứng danh cho rườm rà? Lại còn chia ra thánh, tăng với tục nữa?

Lía cười nói:

- Lúc trước ta cũng nghĩ như đệ vậy, gặp rượu thì cứ uống tràn cho đã. Nhưng sau lần uống rượu với ông lão, cách nhìn và thưởng thức rượu của ta đã khác hẳn.

- Khác như thế nào?

- Ta là tên phàm phu thô lỗ, ta chỉ biết là cảm hứng về rượu của ta đã có thay đổi nhưng bắt ta phải nói ra khác như thế nào thì ta chịu. Lâm đệ, đệ đã có lần uống rượu với Tửu Thánh chắc cũng có cảm giác như ta, đệ giải thích cho tên hám rượu này nghe giùm đi.

Trần Lâm gật đầu:

- Được. Mọi người uống cạn ly này đi đã.

Ai nấy cùng nâng li uống cạn. Trần Lâm thong thả nói:

- Thông thường người ta chia uống rượu ra làm ba loại, đó là: tục tửu, thường tửu và tiên tửu. Tục tửu là dùng rượu để thỏa mãn con ma men đang đòi hỏi trong người mình. Do đó dẫn đến sự phóng đãng bừa bãi, không còn làm chủ được lí trí. Tục tửu thường trở thành họa tửu, nó đẩy con người đến chỗ trụy lạc, trầm kha. Người uống rượu kiểu này là kẻ “bất tri kỳ vị”, họ uống lấy có, lấy đã cơn ghiền, chứ không uống lấy ngon. Thường tửu là uống với sự sảng khoái, với những người có cùng sở thích, cùng chí hướng. Uống với cái hào khí lãng mạn của những hào khách giang hồ gặp nhau tay đao tay kiếm, hay những lúc trên lưng ngựa giữa chiến trường khi cận kề cái chết. Đó là chén rượu của những tay hào tuấn coi cái chết như một cõi đi về, lấy nghĩa khí làm đầu, non sông làm trọng, sinh tử làm khinh. Đó là chén rượu uống cho biệt ly hôm nay để có đoàn tụ ngày mai, hay những chén rượu uống cho hơi men làm nồng thêm men tình ái. Những người này đôi khi họ uống tràn cho thỏa thích, nhưng đôi khi họ uống với sự thưởng thức của kẻ “tri kỳ vị” biết vị rượu ngon, “tri kỳ hương” biết mùi thơm của rượu. Với họ, có những cuộc rượu dành cho bằng hữu, có rượu dành cho tri kỷ, có rượu dành cho người tình, và có rượu dành cho chính sự cô đơn của bản thân mình.

Trần Lâm dừng lại, uống cạn chung rượu Cung Bản Vũ Tùng vừa rót đưa sang rồi nói tiếp:

- Tiên tửu là cuộc rượu dành cho những tao nhân mặc khách. Rượu ở đây sẽ giúp họ mở rộng cõi tâm linh, thăng hoa cảm xúc khi đối cảnh, đối vật. Từ đó nghệ thuật tuôn trào ra ngón tay hay giọng nói. Tiên tửu đôi khi đòi hỏi một khung cảnh thích hợp nhưng có lúc cũng chẳng màng. Những người này đã đạt đến sự cảm nhận toàn triệt đối với rượu đó là: tri kỳ vị, tri kỳ hương, tri kỳ ảo và tri kỳ linh. Tri kỳ ảo tức là thấy được sự huyền ảo của rượu qua sự phối hợp bởi vị và hương của nó. Chính chất men, tinh thể nước và cách chưng cất đã làm cho rượu có sự biến ảo từ vị, hương đến cảm giác của người biết thưởng thức nó. Từ những sự biến ảo đó, rượu đã có linh hồn. Linh hồn của rượu là sự tích tụ những tinh hoa của thiên nhiên có từ cây trái hoa quả, hợp với linh khí của đất trời qua sự hấp thụ âm dương nhị khí và ngũ hành tinh thể. Chỉ có những bậc Tửu Thánh mới có thể nhận ra cái linh hồn của rượu. Hay nói đúng hơn, linh hồn của rượu đã hòa nhập vào linh hồn của họ, làm thăng hoa tâm hồn họ. Đó là tri kỳ linh. Cho nên trong bốn thứ: tửu, nguyệt, phong, hoa, tức là rượu, trăng, gió và hoa thì rượu được xếp hàng đầu. Cổ nhân đã nói:

“Tự cổ thánh hiền giai tịch mịch

Duy hữu ẩm giả lai kỳ danh.”

(Xưa nay các bậc thánh hiền đều yên lặng

Chỉ có người uống rượu là để lại tên tuổi.)

Cung Bản Vũ Tùng lên tiếng hỏi:

- Như thế cách thức uống rượu của ba bậc kia có khác nhau không?

Trần Lâm đưa mắt nhìn Lưu Phương Tích, chàng ta sửa lại thế ngồi ngay ngắn, tay phe phẩy cây quạt rồi lên tiếng đáp:

- Có chứ.

Vũ Tùng nâng chung rượu mời Phương Tích, hỏi tiếp:

- Khác nhau thế nào?

- Hạng tục tửu thì bạ đâu uống đấy. Gặp chén uống chén, gặp ly uống ly, gặp vò uống vò. Họ uống không cứ bạn bè, thân sơ, được uống là cứ uống. Không được uống cũng tìm đủ mọi cách để có uống. Uống cho đã cơn ghiền, uống cho say mèm rồi bạ đâu nằm lăn ra đó, bất kể xó chợ đầu hè. Uống rượu như họ thường được gọi là “ngưu ẩm”. Hạng thường tửu có cách uống khác hơn một bậc. Cuộc rượu của họ đôi khi cũng lắm hình thức, kiểu cách và trang trọng. Có những cuộc rượu được chuẩn bị rất lâu, rất công phu chỉ để chờ xem một đóa quỳnh nở trên cành dao trong một đêm trăng sáng, hay để ngắm nhìn một chậu lan quí đang nở rộ. Chủ và khách đều phải ăn mặc chỉnh tề, không khí trang trọng, rượu thật ngon và chén phải hợp với từng loại rượu. Nhưng cũng có những cuộc rượu diễn ra với một không khí tự do không câu nệ. Điều đặc biệt là bao giờ những cuộc rượu đó cũng mang một vẻ đẹp, vẻ đẹp ấy chính là tinh thần cuộc rượu. Dù ở nơi trà lâu sang trọng rượu ngon chén bạc hay trong một quán vắng bên đường với rượu bầu chén đất, dù dưới mái lều tranh hay trong một lâu đài tráng lệ thì những chén rượu kết giao, những ly rượu chia ly và tương ngộ... bao giờ cũng chứa đựng cái tình của những người đối ẩm, cái hào khí giữa người và người được hâm nóng bởi hơi men. Rượu càng ngon thì men càng nồng. Men càng nồng thì tình càng thắm, tửu hứng càng cao. Đó là lẽ tự nhiên. Nhưng cũng có khi một bầu rượu nhạt ở ven rừng cũng làm cho ta say ngất ngưởng. Đó là do cái tình chứa trong ly rượu, cái hào khí bốc lên qua hơi men vậy.

Trong cái hào tình đó, ly rượu chia tay thời ly loạn thường tràn đầy cái hạo khí của nam nhi. Tay cầm bầu rượu, tay vung kiếm ngửa cổ ca rằng:

...Tang bồng phỉ chí làm trai

Uống cho túy lúy cuộc đời chinh nhân

Nguyện rằng chưa sạch phong trần

Giang sơn chưa định nát thân không nề

Dưới trăng tuốt lưỡi kiếm thề

Không yên được giặc không về gặp anh.

Thập Đạo tướng quân Lê Hoàn ngày xưa trên lưng chiến mã tay cầm đao chém giặc, tay đưa bầu rượu lên uống cạn giữa sa trường khiến cho bọn giặc Tống khiếp sợ phải chạy dài. Hình ảnh hào hùng ấy đã được ghi rất rõ trong Tống sử.

Cung Bản Vũ Tùng lặng lẽ rót thêm ly rượu nữa, hai tay nâng lên mời Lưu Phương Tích. Phương Tích đưa hai tay đỡ ly rượu, cung kính cúi đầu cảm ơn rồi uống cạn. Đoạn đặt ly xuống nói tiếp:

- Đến như bậc tửu tiên, tửu thánh thì cuộc rượu của họ lại càng kỳ thú hơn. Với họ rượu là cuộc sống. Hay nói đúng hơn họ sống với rượu, với linh hồn của rượu. Họ nhìn ra được linh hồn của rượu nên đem nó hòa nhập vào linh hồn của mình để tạo nên cái cảm giác tê dại đê mê. Và từ trong nỗi đê mê ấy linh hồn của họ hòa nhập vào cái tuyệt mỹ của thiên nhiên, của vũ trụ. Từ đó họ dang tay phóng bút để lại cho đời những tuyệt phẩm thi ca, hội họa... Với thế sự được thua ngoài kia, họ không hề vướng bận. Lòng họ chỉ có câu thơ nét họa, chén rượu cuộc cờ cùng gió mát trăng thanh. Danh sĩ Nguyễn Cư Trinh đã ca ngợi cái hay, cái thú uống rượu ban đêm cùng bằng hữu trong bài “Dạ ẩm thi” như sau:

Tỉnh nhân hà khổ độc hành ngâm

Kế quĩ lưu bằng thả đối châm

Thủ chúc thượng tư thường trú đoản

Tình bôi an dụng vấn canh thâm

Thị phi cửu náo văn lôi nhĩ

Ly loạn nga vong túy nguyệt tâm

Hà tất sơn trung minh nhiên hảo

Phù sinh thiên nhật kỉ phiên âm.

Ý rằng:

Người tỉnh thật khổ khi phải ngâm vịnh một mình

Hãy nghĩ cách kết nối để lưu bạn lại cùng đối ẩm

Có đuốc trong tay, lo gì ngày ngắn

Chén rượu tình thâm, hỏi canh chầy làm gì

Lẽ phải trái ở đời nghe như sấm bên tai

Thái bình hay loạn ly, hễ say là quên hết

Cần gì, cứ say mèm ở chốn sơn trung là tốt

Kiếp phù sinh ngàn ngày, đầm đìa được mấy ngày.

Với họ, cuộc sống ẩn dật thanh bần bầu rượu túi thơ mới đích thực là chân hạnh phúc. Như cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm vậy.

...Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.

Rượu đến gốc cây, ta sẽ nhắp

Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao.

Trần Lâm nghe Lưu Phương Tích thao thao cái tình của rượu, thi hứng bỗng nổi lên liền gõ đũa vào ly ngâm nga:

Thậm oán cường thần loạn quốc gia

Truông Mây tụ nghĩa định can qua

Đồ long vị kết, hà nhân tử?

Hựu, hoãn chinh kỳ tận túy ca

Bạt kiếm truy thù quân Bắc tái

Loan đao tróc tặc ngã Nam Quan

Khuyến quân tống tửu hòa vô lệ

Mạc oán chinh nhân bất phục hoàn.

Dịch nghĩa:

Hận bấy cường thần làm loạn nước nhà

Anh hùng vì nghĩa hợp tại Truông Mây để dẹp cảnh binh đao

Việc giết tên bạo chúa còn chưa kết thúc, đâu biết ai sẽ chết?

Thong thả đã, hãy tạm dừng cuộc chiến tranh để uống thật say và ca hát

Tuốt kiếm đuổi quân thù anh ra ải Bắc

Múa đao diệt giặc tôi vào Nam Quan

Khuyên anh đừng để rượu tiễn đưa hòa với nước mắt

Cũng đừng trách người lính chiến sao không trở về.

Giọng ngâm của chàng sang sảng cao vút, lồng lộng trong gió, vang vọng khắp đỉnh Kim Sơn. Lía lúc này men rượu đã lâng lâng, nghe bài thơ đầy hạo khí thì vụt đứng dậy, rút đao cầm tay cười ha hả nói:

- Ha ha... Hay thay cho câu:

“...Truông Mây tụ nghĩa định can qua

Đồ long vị kết, hà nhân tử?”

Lía này nhất định sẽ không chết trước khi kết thúc cuộc đồ long để có thể dẹp hết can qua đem lại thanh bình, cơm no áo ấm cho đồng bào trăm họ.

Nói xong chàng hét lớn một tiếng như mãnh hổ gầm thét chốn sơn lâm, tay loan đao vun vút. Ánh đao lấp lánh dưới tia nắng hoàng hôn tạo ra một cảnh tượng thật ngoạn mục, hào hùng, kỳ vĩ. Lam Tiểu Muội chăm chăm nhìn người đại ca thân yêu của mình, lòng không biết nghĩ gì mà ánh mắt lại long lanh lên một cách kỳ lạ. Nàng đứng dậy, rút song đao nhảy ra nói lớn:

- Muội cũng quyết phải sống đến ngày kết thúc hội đồ long để cùng đại ca hoàn thành chí nguyện của Truông Mây.

Rồi nàng múa tít song đao hòa cùng với vùng đao ảnh mịt mờ của Lía. Trông họ múa đao đồng điệu thật đẹp mắt. Mọi người vỗ tay tán thưởng, rót rượu đầy ly cùng nhau uống cạn để thưởng thức những giây phút hiếm có trong cuộc đời này.

Cung Bản Vũ Tùng bỗng reo lên:

- Tuyệt diệu hảo từ! Hào khí can vân! Vũ Tùng tôi cũng là người thích rượu, nhưng cho đến hôm nay khi nghe lời cao luận của Lâm huynh và Lưu huynh, lại được chứng kiến cảnh “cao sơn đao ảnh lộng” tôi mới thực sự thấy hết cái tuyệt vời của nó. Như thế thì rượu của các bạn không khác gì trà của chúng tôi. Chúng tôi có trà đạo còn các bạn có tửu đạo. Hà! Sảng khoái thật! Tôi xin mời tất cả một ly!

Lía và Tiểu Muội đã ngưng múa đao và trở lại chỗ ngồi. Tất cả nâng ly cùng Vũ Tùng uống cạn một hơi. Hồng Y Nữ cầm tay Lam Tiểu Muội kéo ra mép núi, nở nụ cười thật tươi nói nhỏ:

- Nhìn tỷ và đại ca múa đao trông như rồng bay phượng múa thật là đẹp đôi. Tiểu muội hận mình không thể ở lại đây để tiếp tục cùng mọi người sống cuộc sống đầy ý nghĩa này.

Lam Tiểu Muội vuốt tóc Hồng Liên nhỏ nhẹ:

- Mỗi người có một phần số, muội đã từng nói với tỷ như thế mà. Dù ở đâu chúng ta cũng có thể sống ý nghĩa cả. Muội cứ về với gia đình, tỷ sẽ luôn nhớ đến muội.

- Muội cũng sẽ nhớ tới tỷ mỗi ngày. Mong sao các người sớm vào Gia Định.

- Nhất định sẽ như vậy.

Hồ Bân khi nhìn thấy cảnh Lía và Tiểu Muội múa đao thì lòng lại dậy lên một nỗi buồn thầm lặng, âm ỉ. Hắn nốc cạn ly rượu của mình rồi hỏi Lưu Phương Tích:

- Như thế thì ta thuộc loại tục nhân, uống tràn tục tửu phải không?

Lía vỗ vai Hồ Bân cười ha hả nói:

- Chưa đến độ như thế.

- Chưa đến độ là thế nào?

- Vì trong men rượu của đệ có phảng phất men tình. Dùng men rượu để cố giết chết men tình cũng là một khoái cảm của cái thú đau thương trong cõi đời này. Ta nói chưa đến độ nghĩa là có khi đệ ở mức của thường nhân, thường tửu, có khi lại rơi vào tục tửu, tục nhân.

Hồ Bân uống cạn một ly nữa rồi nói:

- Đệ không cần phân biệt cái gì là thường cái gì là tục cả. Khi đệ thấy thèm, thấy cần thì cứ rót rượu uống tràn cho thỏa thích. Như vậy là sảng khoái rồi. Đời người mấy nả, bận bịu làm gì với chuyện tục, thanh.

Cha Hồ nhìn Hồ Bân nói:

- Không cần phân biệt tục thanh cũng còn được, nhưng uống rượu đến độ hồ đồ, bất phân nặng nhẹ, lợi hại thì không nên.

Trần Lâm muốn lái câu chuyện sang đề tài khác nên rót đầy hai ly, đưa cho Vũ Tùng một ly nói:

- Ly rượu này coi như đệ tạ lỗi cùng Vũ Tùng huynh về việc so kiếm. Chia tay lần này nếu còn có ngày tái ngộ đệ nguyện sẽ đấu cùng huynh một trận cho thỏa.

Vũ Tùng nhận ly rượu từ tay Trần Lâm mỉm cười nói:

- Cuộc đấu coi như đã xong, ta xin nhận thua một cách khẩu phục tâm phục.

- Sao huynh lại nói thế? Chúng ta còn chưa tái đấu mà?

- Thời gian qua có dịp chiến đấu với anh em Truông Mây, nghĩa khí ở đây cùng tài trí của Lâm huynh đã khuất phục ta từ lâu. Ta nói khẩu phục tâm phục là thật lòng chứ không phải là lời đãi bôi đâu.

Dương Quán Nhật bỗng chen vào:

- Vũ Tùng huynh nói thật đó. Người võ sĩ Nhật họ thua là thua, phục là phục chứ không nói khác đâu. Phản ứng duy nhất của họ là mổ bụng tự sát để trừng phạt sự kém cỏi và bảo vệ danh dự của mình.

Trần Lâm bỗng lên tiếng hỏi Lía:

- Đại ca, nhân có hai mươi chiếc thuyền chở lương thực lần này, Dương huynh muốn chuyển một số dân nghèo ở các trại di cư của chúng ta vào Mỹ Tho để giúp họ lập nghiệp. Giờ chúng ta nên chọn người bằng cách nào?

Lía đáp:

- Việc này kể cũng khó. Trước hết hãy để cho họ tình nguyện, nếu số người tình nguyện quá đông thì ta dành ưu tiên cho những người đăng ký trước. Số còn lại phải chờ chuyến sau vậy. Dương huynh có dự định trở ra lần nữa không?

Quán Nhật đáp:

- Dương gia chúng tôi ở Mỹ Tho và Trần môn chủ ở Cù lao Phố dự trù trong thời gian còn gió nồm sẽ cố gắng đi được càng nhiều chuyến càng tốt. Chúng tôi sẽ hết mình giúp đỡ, bớt được phần nào gánh nặng cho Truông Mây thì hay phần đó.

- Thật cảm ơn lòng hảo tâm của quí vị. Lía tôi xin thay mặt Truông Mây và đồng bào ở đây gởi lời cảm tạ đến những người trong đó.

- Việc chung mà. Chúng tôi chỉ đóng góp một phần nhỏ thôi. Đại ca không cần ái ngại.

Tiểu Phi nói với Trần Lâm:

- Chuyến này đệ cũng sẽ theo đoàn thuyền vào nam để giúp Dương huynh một tay. Nhân tiện dò tìm tin tức của mẹ và em gái. Lâm huynh bảo trọng.

Trần Lâm nói:

- Đệ cũng bảo trọng. Chúc đệ tìm lại được những người thân của mình.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3