Én Liệng Truông Mây - Hồi 37 - Phần 1

Hồi thứ ba mươi bảy

Dân cảm đức hát câu vè chàng Lía

Đất Tây Sơn hào kiệt luận Truông Mây

Vài ngày sau, hai mươi chiếc thương thuyền rời cửa An Dũ và Đề Gi, chở theo đoàn di cư đầu tiên lên đến gần ngàn người vào Mỹ Tho. Những người di dân bấy nay được sự che chở, giúp đỡ của các nghĩa sĩ Truông Mây, giờ lại được đưa đi định cư ở vùng đất trù phú phương Nam khiến họ cảm kích đến tận đáy lòng. Với hai bàn tay trắng, họ không biết làm gì hơn để bày tỏ lòng biết ơn với các nghĩa sĩ ngoài nước mắt. Họ mang theo vào miền đất mới xa xôi hình ảnh của những chàng hiệp sĩ Truông Mây, mà đặc biệt là chú Lía - họ gọi thế, cùng những bài vè mộc mạc để ca tụng chàng.

Có người ở phủ Quy Nhơn

Quán Phù Ly huyện gần miền Bích Khê

Cha xưa lính thú thải về

Ăn cận nằm kề sinh được một trai...

Chuyến di dân ấy đã gây một tiếng vang lớn, lan truyền khắp trời Nam. Những người đói khổ lục tục kéo nhau đến Hoài Nhơn và Phù Ly để xin vào các trại tị nạn mong tìm sự giúp đỡ. Việc này vô tình đã trở thành một vấn nạn hết sức nghiêm trọng, làm đau đầu các thủ lĩnh Truông Mây. Trong một buổi họp, Lê Trung nói:

- Tình trạng dân nghèo kéo đến nương nhờ ngày một đông, chúng ta không có đủ lương thực để giúp họ. Tôi đã cho lệnh đóng cửa các trại di cư, không tiếp nhận thêm nhưng dân ăn mày các nơi vẫn đổ xô về. Đã có một số người già yếu chết vì không chịu nổi cái nóng cực độ của mùa hè năm nay. Chúng ta phải tìm ra biện pháp gấp, nếu không tình hình sẽ còn tồi tệ hơn.

Lía nói:

- Quả thật là nan giải. Chúng ta đang ở trong hoàn cảnh “bỏ thì thương mà vương thì tội”. Đành phải giúp họ theo kiểu nhỏ giọt, hi vọng hạn hán sẽ qua mau để vụ lúa hè - thu có thể canh tác được. Như vậy may ra có phần dễ thở hơn.

- Tôi đã cho họ khai thác các vùng đất cao, ven mé núi... để trồng mì, bắp thay lúa gạo. Nhưng việc đó cũng chỉ đáp ứng được phần nào thôi. Giờ chỉ còn cách là bỏ mặc những người mới đến để tránh tình trạng dân khắp nơi tiếp tục đổ về.

Trần Lâm nói:

- Đành phải như thế. Chúng ta và họ đành phải chịu đựng gian khổ trước mắt để còn lo tính chuyện lâu dài. Tôi vừa nhận được tin triều đình Phú Xuân đang chuẩn bị bốn đạo quân lớn để tấn công chúng ta. Cần phải tích trữ một lượng lương thực lớn để nuôi quân trong cuộc chiến sắp tới. Chúng ta phải nghĩ đến việc chiến tranh trước rồi mới tính đến chuyện cứu trợ sau. Bởi vì nếu cuộc chiến lần này thất bại thì cả tính mạng của chúng ta cũng không còn, đừng nói gì đến chuyện giúp cho người khác. Việc miền Nam cứu trợ nay đã đến tai triều đình rồi, tôi tin chắc họ sẽ tìm cách ngăn chặn hoặc cướp lấy để đẩy chúng ta rơi vào thế chết đói cùng với đám dân nghèo kia.

Lía hỏi:

- Vậy chúng ta phải làm gì?

- Đệ đã đưa tin vào Nam bảo họ không nên đi theo đoàn lớn nữa mà chia ra từng chiếc một để tránh tai mắt. Trong việc này, Tiểu Phi cùng bang Hành Khất đã phải giúp đỡ rất nhiều trong việc hộ tống thuyền.

- Bọn Phú Xuân dự định kế hoạch ra quân thế nào?

- Họ chia quân làm bốn đạo. Đạo thứ nhất từ Quảng Ngãi tấn công đèo Thạch Tân. Đạo thứ hai từ Phú Xuân theo đường biển tấn công vào cửa An Dũ và Đề Gi. Đạo thứ ba xuất phát từ phủ Quy Nhơn đánh thẳng ra Phù Ly. Đạo thứ tư sẽ từ Phú Yên, vòng theo ngọn Dương An Sơn, đi tắt qua Vân Canh rồi ngược lên Tây Sơn vào Vĩnh Thạnh để tấn công Truông Mây này.

Hồ Bân hỏi:

- Kế hoạch chống địch của ta thế nào?

- Đệ còn đang thao luyện quân sĩ nên chưa quyết định. Thao luyện xong mình sẽ gởi quân bổ sung cho các nơi. Chừng nào nắm rõ được lực lượng từng cánh và tướng lãnh của địch thì ta mới có thể đề ra kế hoạch rõ ràng.

Thiên Tường nói:

- Đạo binh thiết kỵ của đệ giờ đã lên đến hơn tám trăm kỵ mã. Đệ muốn chia ra làm bốn phân đội để có thể dùng khi cần tiếp viện cho các nơi, Lâm ca thấy thế nào?

- Như thế rất tốt. Nhưng cứ điểm chính yếu của đội thiết kỵ là Lại Khánh. Trước mắt, đệ lập ra năm toán nhỏ, mỗi toán năm mươi thiết kỵ quân rồi đưa đến bốn căn cứ chính gồm đèo Thạch Tân, cửa An Dũ, cửa Đề Gi và thành Truông Mây. Riêng Truông Mây ở núi Bà, đệ đưa vào đó một trăm thiết kỵ, số còn lại đóng ở Lại Khánh để tùy cơ ứng biến. Đạo quân thiết kỵ của đệ sẽ là nhân tố quyết định trên mọi chiến trường. Đệ phải tập luyện cho họ thật kỹ và tuyển ra những toán trưởng tài giỏi để chỉ huy các toán. Chọn xong, đệ giao họ lại cho ta và đại ca để huấn luyện thêm.

- Đệ sẽ tiến hành ngay.

Trần Lâm dặn Hồ Bân:

- Phần tam ca phải chuẩn bị quân phòng thủ cho căn cứ Truông Mây này thật vững chắc. Tam ca đã nắm hết mọi nguyên tắc và cách phòng vệ ở đây, đệ không có ý kiến gì thêm. Chỉ cần thao diễn cho nghĩa binh và chuẩn bị thêm vũ khí nữa là được.

Cha Hồ nói với Hồ Bân:

- Cuộc chiến sắp tới sẽ rất cam go, ngươi nên điều tiết việc uống rượu lại. Thất bại lần này thì mọi chuyện sẽ ra tro hết cả đấy.

- Cháu biết rồi, chú an tâm.

Lía thở dài buồn bã:

- Chiến tranh sắp tới sẽ còn khiến cho trăm họ đói khổ hơn nữa. Lũ tham quan và bạo chúa ở Phú Xuân thật đáng chết ngàn lần.

Lê Trung nói:

- Chúng ta không còn cách nào khác, bởi vậy mọi việc bây giờ phải ưu tiên cho sự thắng lợi của cuộc chiến sắp tới. Có như thế thì mới giải quyết được tận gốc rễ của vấn đề.

***

Trong suốt mùa hè đó, các chuyến tàu chở lương thực cứu trợ từ miền Nam đã lẻ tẻ từng chiếc một lén lút cập các bến An Dũ, Đề Gi. Sau khi đổ gạo xong, họ đưa những người dân muốn di cư vào Nam. Tiết Đại Thử sắp đến, khí trời oi bức không tả nổi. Người ta nói “nắng tháng tám, nám trái bưởi” quả thật đúng với mùa hạ năm nay. Có điều, ở vùng Phù Ly và Hoài Nhơn chẳng còn trái bưởi nào để cho nắng hun nám cả. Mọi thứ đều bị đám người nghèo khó tập trung ở đây ăn ngấu nghiến, bất kể sống chín. Lương thực thiếu thốn, nắng lại gay gắt nên nhiều người già yếu đã chết vì không chịu đựng nổi. Chẳng riêng gì ở đây, những nơi khác tình cảnh thê lương cũng không kém. Dân thì lang thang chết đói mà triều đình lại âm thầm chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh lớn để chống lại bọn cướp cạn Truông Mây, bọn cướp mà chính chúng đã phải chia hai, chia ba từng hạt gạo, hạt muối để cứu lấy đám dân nghèo mà lẽ ra triều đình phải có trách nhiệm lo lắng cho họ.

Để chuẩn bị cho cuộc chiến đó, triều đình đã thu thuế nặng tay hơn để vét thêm lúa gạo, nhu yếu phẩm. Ngoài ra, phủ Chúa còn cho đúc thêm nhiều tiền kẽm để có tiền cho triều đình chi dụng. Bọn tham quan nhân cơ hội đó đã đúc tiền một cách vô thưởng vô phạt để bỏ vào túi riêng, tạo ra tình trạng lạm phát. Đó là chưa kể lượng tiền đúc lậu từ miền Nam do một số người Minh Hương làm chủ. Đồng tiền trong nước bị mất giá nên không ai còn muốn giữ tiền nữa, họ chỉ muốn giữ của mà thôi. Nhà nông trữ lúa gạo, thương nhân trao đổi bằng hàng chứ không muốn thâu tiền. Từ đó, nạn thiếu gạo càng trầm trọng hơn, dẫn theo nạn đói gia tăng chóng mặt.

Nỗi thống khổ và oán hận thật không còn chỗ nào để chứa trong những thân người gầy gò ốm đói kia. Nhiều người đã giết cả đám quan quân đi thu thuế rồi tự tử chết ngay trên đống lúa hay nơi cửa hàng của mình. Người ta nói người hành không bằng trời hành, nhưng dân chúng bây giờ đã bị cả trời lẫn người hành nên đúng là chỉ còn còn có đường chết thôi. Tự giết mình, không phải ai cũng có đủ can đảm để làm, do đó đại đa số đành phải gồng mình chịu đựng và hướng về Truông Mây để cầu mong họ chiến thắng cuộc chiến này càng nhanh càng tốt.

Người ta ầm ĩ kháo nhau một cách công khai nguyện vọng của mình là đứng về phía bọn cướp Truông Mây mà không còn e dè đám quan binh nữa. Người dân đến lúc tận cùng thì họ đâm liều, họ không dám tự đâm họng mình để chết nhưng họ không còn sợ bị giết bởi quan quân triều đình. Nếu bọn quan lính làm quá, họ sẽ liều mạng để chết chung. Mà ngay cả bọn quan lính, chỉ có một số ít kẻ vô lương mới lợi dụng cơ hội đạp lên sinh mạng của người khác để kiếm chác làm giàu cho riêng mình, còn đại đa số họ thông cảm với đồng bào ruột thịt, vì chính gia đình, những người thân, chòm xóm của họ cũng đang ở trong tình trạng khốn cùng đó.

Riêng với người dân ở hai huyện Phù Ly và Hoài Nhơn, họ đã bày tỏ rõ ràng sự quyết tâm liều chết theo nghĩa binh Truông Mây, nhất định không để cho đám binh triều bén mảng vào vùng đất đầy tình thương yêu bảo bọc này. Người ta khuyên bảo nhau cùng đồng lòng ở ngoài chợ, trong quán ăn hay ngay cả khi tình cờ gặp nhau trên đường. Tinh thần đoàn kết ấy đã làm cho Phú Xuân vô cùng lo ngại và nhân dân những nơi khác bàn tán xôn xao.

***

Tại ngôi trường duy nhất ở huyện Tuy Viễn, thôn An Thái, thầy giáo Hiến cũng đang có cuộc nói chuyện với các học trò về vấn đề thời sự nóng bỏng này. Từ lúc trốn chạy vào Quy Nhơn, Trương Văn Hiến được Nguyễn Nhạc đưa cả gia đình lên An Thái, mua tặng cho một miếng đất ở làng Thắng Công để mở trường dạy học. Vì không muốn tiếng lớn đồn xa nên ông chỉ nhận rất ít học trò và chọn lựa rất kỹ. Những học trò đầu tiên của giáo Hiến tất nhiên phải kể đến anh em Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ ở Kiên Thành, bên bờ bắc sông Côn. Nguyễn Nhạc nghe danh tiếng của Trương Văn Hiến đã lâu, lại sau vài lần trò chuyện đã biết ông là một người văn võ song toàn đúng như lời đồn. Vì vậy Nhạc đã ra sức giúp đỡ cho gia đình giáo Hiến trong những ngày đầu lập nghiệp tại xứ người. Trong mối quan hệ đó, Nhạc tự coi mình như một đệ tử ký danh của giáo Hiến, còn giáo Hiến cư xử với Nhạc như một người bảo trợ, nhất là với ngôi trường này. Hơn nữa, Nguyễn Nhạc càng lớn, uy thế toát ra càng khiến cho người đối diện phải nể vì. Do đó, tuy ở vai vế là em kết nghĩa với Trần Kim Hùng, ông nội vợ của Nhạc, nhưng giáo Hiến cũng phải kính nể Nhạc đôi phần, cách xưng hô giữa hai người mang tính thân tình hơn là vai vế gia đình.

Lúc mới đến học, Nguyễn Lữ chỉ mới mười bốn tuổi, đồng tuổi với Trương Văn Đa, con trai cả của giáo Hiến. Nguyễn Huệ lúc ấy mười ba tuổi, lớn hơn Ngọc Lan, con gái của giáo Hiến hai tuổi. Sau đó giáo Hiến thu nhận thêm vài học trò khác nữa, trong đó có Đặng Văn Long, Nguyễn Văn Huấn, Nguyễn Văn Danh...

Vì bận công việc buôn bán nên thỉnh thoảng Nhạc mới ghé thăm trường của thầy giáo Hiến. Trước là để xem hai em của mình học hành ra sao, sau nữa là nhờ giáo Hiến cố vấn cho những vấn đề nan giải mà ông không thể tự mình quyết định được. Đôi khi, ông còn nhờ giáo Hiến soạn thảo những văn thư báo cáo hoặc đơn từ của bộ phận thuế tại bến Vân Đồn.

Phần Nguyễn Lữ theo học văn võ với giáo Hiến được hai năm thì lại nghiêng nặng về việc tu hành theo đạo Minh giáo, còn gọi là đạo Ma Ní, nghiên cứu tâm linh bùa chú do một người Minh Hương truyền dạy.

Người Minh Hương này là một du khách người Hoa theo đạo Minh giáo, ông đã đến ở trọ trong Tây Sơn Hội Quán của Nguyễn Nhạc gần hai tháng trời. Sau vài lần gặp mặt nói chuyện, ông biết Nguyễn Lữ thích nghiên cứu tâm linh nên đã truyền các pháp môn tu tập của Minh giáo, kể cả những thuật bùa chú và pháp thuật. Trong hai tháng ấy, hằng ngày người Hoa này thường đi lang thang dạo khắp các vùng núi non ở Tây Sơn ngắm cảnh, nhất là vùng núi Thơm ở Kiên Thạnh và núi Ngang ở Trinh Tường. Việc này không qua được cặp mắt tinh đời của Nguyễn Nhạc. Nhạc bèn cho người tâm phúc theo dõi nhưng không thấy có gì lạ. Sau đó người Hoa từ biệt Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ ra đi, hẹn sẽ trở lại thăm cũng như để hướng dẫn thêm cho Lữ việc tu hành và vận dụng pháp thuật.

Quả nhiên hai tháng sau đó ông ta đã trở lại. Sự hồ nghi của Nguyễn Nhạc đối với người Hoa kỳ lạ này vẫn chưa hết nên khi thấy ông ta lại ngao du đi dạo cảnh núi Ngang thì đích thân Nhạc đã lén theo dõi. Người Hoa nọ khi đến một nơi trong dãy núi đã cẩn thận nhìn trước ngó sau rồi lấy ra một chiếc địa bàn đo tới đo lui một lúc lâu, ra chiều băn khoăn suy nghĩ lắm. Sau đó, ông ta chặt hai nhánh trúc còn giữ nguyên lá đem trồng vào hai nơi, một bắc một nam. Xong đâu đó, ông ta ngửa mặt lên trời lâm râm khấn vái rồi nhìn hai cây trúc một lần nữa trước khi trở về.

Nguyễn Nhạc là người lanh lợi, lại từng theo cha đi khắp đó đây nên kiến thức rất rộng, do đó ông biết chắc người Hoa này chính là một thầy địa lý đang đi tìm long mạch. Việc người Hoa đo tới đo lui rồi phải cắm đến hai cây trúc ở hai nơi có lẽ là vì long mạch chính tại cuộc đất này khó xác định nên phải dùng cây trúc để thử.

Mươi ngày sau đó, hôm nào Nhạc cũng lẻn đến nơi hai cây trúc để theo dõi. Một thời gian sau Nhạc thấy cây trúc ở phía bắc đã có hiện tượng héo dần trong khi cây ở phía nam vẫn còn tươi tốt như lúc vừa mới chặt. Để tránh lưu lại dấu vết tạo sự nghi ngờ cho nhà địa lý, Nguyễn Nhạc quyết định đổi chỗ hai cây trúc. Vì bị đứt đoạn giao tiếp với linh khí nên vài hôm sau cả hai cây trúc đều héo úa. Người Hoa nọ vì muốn tránh sự việc bại lộ nên trong suốt thời gian ba tháng mười ngày ông không hề ghé thăm hai cây trúc. Chỉ đến khi ông biết đã có kết quả thử nghiệm mới trở lại. Nhìn thấy cả hai cây trúc đều héo úa, ông thất vọng ngửa mặt lên trời than:

- Lạ thật! Giả cuộc ư? Không thể nào! Rõ ràng đây là cuộc đất đế vương mà? Hay long mạch bị đứt ở đâu đó?

Than xong ông ta bỏ đi lang thang quanh vùng như tìm kiếm nguyên nhân long mạch bị phá. Cuối cùng ông ta quay về, dáng điệu hết sức thất vọng.

Hai hôm sau thì người Hoa giã từ anh em Nguyễn Nhạc ra đi, không trở lại nữa. Phần Nguyễn Nhạc, tuy trong lòng bán tín bán nghi nhưng ông cũng quyết định âm thầm bốc mộ cha mình đem chôn nơi cây trúc phía nam. Để tránh người Hoa có thể trở lại xem xét, chôn xong Nhạc san bằng mặt đất và để nguyên hai cây trúc đã héo như trước. Nhạc làm dấu quanh đó để sau này biết đường xác định vị trí huyệt mả, dự trù vài năm nữa sẽ cho xây dựng mộ bia. Việc làm này ông giấu kín hoàn toàn, ngay cả với những người thân trong gia đình.

Buổi tối hôm đó, khi lớp học của giáo Hiến sắp kết thúc thì Nguyễn Nhạc ghé thăm. Hai bên chào nhau xong, giáo Hiến mời Nhạc ngồi xuống ghế rồi hỏi:

- Ông Biện ghé chơi hay có việc gì không?

Rồi ông gọi sang nhà bên:

- Lan à, pha bình trà mới mời ông Biện nghe con.

Có tiếng đáp vọng lại:

- Dạ, thưa cha!

Nguyễn Nhạc nói:

- Cũng có chút chuyện muốn nhờ thầy phân tích xem sao.

- Là chuyện gì?

- Cũng là chuyện thời sự nóng bỏng hiện nay. Tôi muốn được nghe thầy phân tích xem tình hình sắp tới sẽ thế nào. Hiện giờ, mọi sinh hoạt xã hội đều rất tồi tệ. Dạo này công việc buôn bán khó khăn và trì trệ quá. Hàng hóa ế, giá cả mọi thứ thì cứ tăng vọt từng ngày. Lại thêm cái nạn triều đình tăng thuế nữa. Tình hình này nếu không có cách gỡ, chắc việc kinh doanh của tôi bị phá sản quá. Thầy cho tôi xin vài nhận định cũng như ý kiến xem sao.

Giáo Hiến thở dài nói:

- Muốn hiểu tường tận những nguyên nhân đưa đến tình trạng tồi tệ hiện nay, chúng ta phải lùi lại xa hơn một chút, mở rộng hơn tầm quan sát mới có thể thấy rõ được bối cảnh chung của lịch sử vương triều Nguyễn trong thời gian vừa qua.

Nguyễn Nhạc và đám học trò ai nấy đều sửa lại thế ngồi cho ngay ngắn rồi chăm chú lắng nghe. Nguyễn Nhạc nghe mấy chữ “vương triều Nguyễn” thì lấy làm lạ nên hỏi chen vào:

- Thầy vừa nói là vương triều Nguyễn à?

Giáo Hiến gật đầu đáp:

- Đúng vậy. Là vương triều Nguyễn của Đàng Trong từ ngày chúa Phúc Khoát xưng vương. Do đâu mà có điều này thì chúng ta phải đi sâu vào từng chi tiết nhỏ. Trước tiên là lời sấm “Đến tám đời thì về Trung Đô” không biết từ đâu đã lan truyền trong dân chúng. Sau đó lại thêm tin đồn ở một vùng núi phía nam có một vị đạo sĩ hơn tám mươi tuổi đã căn cứ vào thuyết “thượng ngươn, hạ ngươn” mà quả quyết rằng: “Chỉ có đến tám đời chúa thôi, không hơn. Cho đến khi núi biến thành đồng, cửa biển bị lấp, sao chổi xuất hiện thì vương quốc sẽ chuyền tay người khác”. Những lời đồn đại này đã khiến cho triều đình lo sợ và tìm cách chống lại. Nhân có điềm lạ là cây sung nở hoa, gọi là “ưu đàm khai hoa”, mọi người đều cho rằng đó là điềm cát tường nên triều thần cùng nhau dâng biểu xin chúa xưng vương nhằm thay đổi toàn triệt lời sấm. Vì vậy mà năm Giáp Tý 1744, Chúa Võ đã trở thành Võ vương, cho đúc ấn và xin xưng thần với nhà Thanh, tự coi là một vương quốc riêng ở miền Nam, chia nước ra thành mười hai dinh, một trấn là Hà Tiên và đế đô là Phú Xuân.

- Với những thay đổi đó, sự tình rồi có khá hơn không?

- Chẳng những không khá hơn mà còn tồi tệ hơn.

- Lại là những chuyện gì nữa?

- Sự phát triển thương cảng Cù lao Phố của Trần Thượng Xuyên và vùng Mỹ Tho của Dương Ngạn Địch đã thu hút nhiều thương thuyền nước ngoài, làm cho nhu cầu tiền tệ trao đổi tăng cao. Võ vương bèn thuê Hà Lan và Nhật Bản đúc tiền đồng. Sau vì lượng đồng trong nước không đủ nên năm 1746, phủ chúa đã cho đổi sang đúc tiền kẽm rẻ hơn, lại đúc dưới dạng nhỏ, có lỗ xỏ để tiết kiệm nguyên liệu. Về sau, một phần do sự lũng đoạn của gian thần, một phần do bọn gian thương người Minh Hương đúc tiền lậu rồi dùng tiền đó mua lại hàng hóa với bất kỳ giá nào nên đã khiến cho đồng tiền mất giá một cách tồi tệ và tạo thành lạm phát trầm trọng. Từ lạm phát dẫn đến sự suy thoái của nền kinh tế trong cả nước. Nhân dân không còn tín nhiệm đồng tiền kẽm nữa, thay vì giữ tiền họ chuyển sang giữ hàng hóa, lúa gạo, làm cho tình trạng lương thực khan hiếm, nạn đói ngày một gia tăng và lan rộng khắp nước. Kể từ cuối năm ngoái cho đến năm nay, tại vùng Gia Định và miệt châu thổ sông Cửu Long mà giá thóc gạo đã cao quá mức chịu đựng của người tiêu dùng thì nói chi đến những nơi khác. Tệ hơn thế nữa, dù là giá cắt cổ nhưng cũng chẳng có thóc lúa để mà mua. Từ ngày tên gian tặc Quốc phó Trương Phúc Loan kết bè kết đảng tiếm quyền phủ chúa, tình hình kinh tế trong nước đã trì trệ nay còn tồi tệ hơn. Liên tục những năm gần đây có nhiều hiện tượng kỳ quái xảy ra như năm 1757, tự nhiên cửa biển Tư Dung bị bồi lấp, núi sập, chuột đồng xuất hiện khắp nơi... Cho nên dân chúng càng hoang mang và mất niềm tin đối với phủ chúa. Họ cho rằng lời sấm đã bắt đầu linh ứng. Đã thế, bọn gian tặc Quốc phó lại còn đưa ra chính sách sưu cao thuế nặng, đè đầu đè cổ người dân, moi móc họ đến đồng tiền kẽm cuối cùng khiến cho lòng dân ai nấy đều căm phẫn.

- Theo thầy thì triều đình nên dùng cách gì để ngăn chặn hoặc làm thay đổi tình hình đói kém và thiếu gạo hiện nay?

- Trước hết phải ngăn chặn nạn đúc tiền kẽm giả và giới hạn việc đúc tiền của triều đình. Sau đó phải ổn định giá lúa gạo vì nó là nguồn huyết mạch của toàn dân. Giá lúa gạo có ổn định thì mọi sinh hoạt khác mới ổn định theo được. Mà để giảm giá thóc gạo, triều đình phải lập ra những kho điều tiết ở từng địa phương để thu mua thóc khi giá còn rẻ rồi cho tồn kho. Gặp lúc giá thóc tăng cao mới cho bán ra để ổn định giá cả. Như thế, giá thóc sẽ không quá rẻ làm thiệt hại đến người nông dân, mà cũng không quá mắc gây khó khăn cho người tiêu dùng. Các kho này sẽ làm nhiệm vụ điều tiết thị trường để ổn định đời sống dân chúng, làm giảm bớt nạn đói. Đáng tiếc là triều đình đã không biết làm như vậy.

Nghe giáo Hiến phân tích tình hình và đưa ra biện pháp khắc phục, Nguyễn Nhạc thầm phục trong lòng. Giáo Hiến đúng là người có tài kinh bang tế thế. Nhạc phấn khởi hỏi tiếp:

- Theo ý của thầy thì lời sấm kia có linh ứng thật hay không?

Ngọc Lan đã pha trà xong và mang sang. Nàng rót nước vào hai chiếc tách, đặt bình trà lên bàn rồi cúi đầu chào Nguyễn Nhạc nói:

- Mời ông Biện dùng trà, mời cha dùng trà.

Nguyễn Nhạc mỉm cười:

- Cảm ơn cô Lan. Sắp trở thành cô thiếu nữ xinh đẹp rồi đấy. Nhanh nhỉ?

Ngọc Lan đỏ mặt nói:

- Ông Biện chọc cháu hoài. Cháu xin phép ạ.

Rồi Ngọc Lan trở bước về bên nhà, không quên đưa mắt lén nhìn Nguyễn Huệ. Không ngờ lúc đó Huệ cũng liếc nhìn nàng, bốn mắt giao nhau khiến nàng càng đỏ mặt lúng túng hơn, hệt như kẻ gian đang bị bắt quả tang. Nàng vội cúi đầu đi thẳng.

Nguyễn Nhạc uống hớp trà, giục giáo Hiến:

- Thầy nói về lời sấm truyền ấy đi.

- Lời sấm ấy đã tiên đoán đúng, do đó mới sinh ra tên gian tặc Trương Phúc Loan. Lời tiên đoán nói rằng chỉ có tám đời, tuy sẽ rất khó nhưng tôi e là sẽ linh nghiệm.

Nguyễn Nhạc hơi chồm người tới trước hỏi:

- Thầy căn cứ vào đâu mà cho là rất khó nhưng lại e rằng sẽ linh nghiệm?

- Lòng kẻ sĩ trong thiên hạ hãy còn hướng về nhà Nguyễn, hai chữ “trung quân” sẽ buộc họ và phủ chúa lại với nhau. Vì vậy muốn phủ chúa sập đổ sẽ rất khó bởi kẻ sĩ luôn là rường cột của một quốc gia. Còn nói e rằng sẽ linh nghiệm là vì lòng dân đã quay lưng lại với phủ chúa. Họ đang muốn có một sự thay đổi để thoát ra khỏi tình trạng xã hội quá sức tồi tệ này.

- Thầy thuộc về nhóm kẻ sĩ trong thiên hạ hay nhóm đồng bào cùng khốn kia?

Từ lúc gặp Nguyễn Nhạc và sau ba năm dạy dỗ Lữ, Huệ, giáo Hiến biết ba anh em nhà này vừa có hùng tài vừa có chân mạng. Họ có thể làm nên việc lớn như ông hằng mong đợi, chỉ cần hun đúc thêm đại chí, được đào tạo tốt nữa thì đại nghiệp sẽ thành. Ông biết Nguyễn Nhạc đang thăm dò lập trường chính trị của mình nên tuy đã có chủ kiến từ trước, ông vẫn giả bộ nói khác đi để thử lòng Nguyễn Nhạc.

- Tôi là kẻ thừa kế nghiệp nho gia của tiên phụ, ông Biện đã biết rồi.

Nguyễn Nhạc hơi nhíu mày hỏi tiếp:

- Thế thì theo thầy, tình trạng tồi tệ của xã hội hiện nay vì đâu mà có và rồi sẽ đi về đâu?

Giáo Hiến nhìn thấy cái nhíu mày của Nhạc, trong bụng mừng thầm. Ông đáp:

- Sự tệ hại của xã hội hiện nay, tất cả đều do bọn gian tặc Quốc phó và bè đảng. Trừ tuyệt bọn chúng đi thì mọi việc tồi tệ sẽ kết thúc.

- Thầy có nghĩ là trừ tên Quốc phó này đi thì sẽ lại có một tên Quốc phó khác thay thế không? Vì nhà chúa bây giờ chỉ toàn là một bọn ham chơi, đam mê tửu sắc, đâu còn nghĩ gì đến việc chăn dân, trị nước nữa.

Giáo Hiến vờ đáp:

- Có thể. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải giúp chúa trừ tên Trương Phúc Loan này và ngăn chặn những tên khác mọc lên.

Nguyễn Nhạc có vẻ phật ý hỏi:

- Ở Đàng Ngoài, Chúa Trịnh thâu tóm mọi quyền hành, vua Lê giờ chỉ còn là hư vị, danh là vua nhưng quyền cai trị nước lại nằm trong tay họ Trịnh. Tình trạng này theo thầy thì do đâu mà có?

Khi thấy Nguyễn Nhạc đang cố ý đưa mình vào thế bí, giáo Hiến mừng thầm. Nhưng ông vẫn giả bộ thở dài.

- Đó là thảm trạng của đất nước. Kể từ khi Lê Thái Tổ đánh đuổi quân Minh lập nên nhà Lê, trải qua hơn ba trăm năm đã đem lại cho dân tộc một thời kỳ vàng son cực thịnh nhưng cái thời kỳ ấy đã qua rồi, thay vào đó là tình trạng Chúa Trịnh lộng quyền, đất nước điêu linh. Cuộc thịnh suy thay đổi này là cái lẽ xoay vần của tạo hóa, con người khó lòng cưỡng lại được.

Nguyễn Nhạc nghe giáo Hiến nói thế thì chồm người tới trước hỏi:

- Thế thì cái cuộc thịnh suy của Chúa Nguyễn Đàng Trong có phải cũng là do lẽ tự nhiên của trời đất vần xoay không, thưa thầy?

Giáo Hiến đã nhìn thấy được ý nghĩ trong đầu Nguyễn Nhạc nên đáp:

- Đã là qui luật thì khó lòng tránh khỏi. Có điều vần xoay thế nào, bao giờ mới cáo chung thì còn tùy thuộc vào rất nhiều nhân tố.

- Những nhân tố nào có thể góp phần đưa sự vần xoay đó đến cáo chung?

Giáo Hiến nhìn thẳng vào mắt Nhạc đáp:

- Phải hội đủ thiên thời, địa lợi và nhân hòa.

- Làm sao có thể biết thiên thời đã đến?

- Điềm trời. Ví như lời sấm truyền, lời tiên tri về núi lở, cửa biển lấp, sao chổi mọc...

- Còn địa lợi?

- Địa lợi là vùng đất tốt để phát khởi.

Nhạc lại chồm người tới trước:

- Theo thầy vùng đất nào là vùng đất tốt để phát khởi?

Giáo Hiến bưng tách trà lên hớp một ngụm, nhìn Nguyễn Nhạc rồi chậm rãi đáp:

- Tây Sơn!

Ba anh em Nguyễn Nhạc đồng thốt lên:

- Tây Sơn à?

Giáo Hiến gật gù:

- Đúng. Tây Sơn là nơi mà có thể nói đại địa lợi.

Nguyễn Nhạc uống một hớp trà, nuốt mạnh xuống như để nén lại sự phấn chấn đang trào dâng trong lòng. Nhạc hỏi tiếp:

- Còn nhân hòa?

- Đó là lòng dân, lòng kẻ sĩ.

- Theo ý thầy lúc nãy thì lòng dân đã hòa, chỉ còn lòng kẻ sĩ chưa thuận nữa mà thôi, phải không?

- Có thể nói như vậy.

- Còn gì nữa không thầy?

- Còn. Đó là cần có một người vừa có hùng tâm, vừa có tài trí để có thể nắm vững lấy ba yếu tố thuận lợi kia mà thực hiện sự cáo chung.