Én Liệng Truông Mây - Hồi 37 - Phần 2

Sắc mặt Nguyễn Nhạc như sáng hẳn lên. Trong khi đó, ánh mắt chú học trò nhỏ Nguyễn Huệ cũng chợt lóe lên một tia sáng kỳ lạ rồi trở lại bình thường. Đó là thói quen của Huệ mỗi khi tâm lĩnh được một điều gì quan trọng. Những biểu hiện ấy của hai anh em Nhạc, Huệ không thoát khỏi ánh mắt tinh minh của giáo Hiến. Lại nghe Nhạc hỏi:

- Theo thầy thì Truông Mây đã hội đủ những yếu tố đó chưa?

- Nhìn bề ngoài thì có vẻ đủ, nhưng bên trong hãy còn thiếu.

- Thiếu cái gì thầy?

- Thiên thời chưa hội đủ, địa có lợi nhưng chưa hoàn hảo, nhân có hòa nhưng chưa rộng khắp. Chưa kể sự chính đáng của mục đích đấu tranh.

- Như thế theo thầy, cuộc nổi dậy của các hiệp sĩ Truông Mây là chưa chính đáng à? Thầy đánh giá thế nào về họ?

- Dựa theo nội dung tờ hịch truyền rao trong dân chúng thì Truông Mây chủ trương tiêu diệt tên Quốc phó Trương Phúc Loan và bè đảng, điều đó tuy chính đáng nhưng tôi nghi ngờ về mục tiêu lâu dài, kể cả thành quả của họ.

- Vì sao?

- Họ đã khôn khéo tránh né, không đề cập đến việc họ sẽ làm gì sau khi tiêu diệt Trương Phúc Loan. Điều này chừa cho họ một cánh cửa lớn với dụng ý sau khi diệt được Trương Phúc Loan, họ sẽ đi xa hơn, lật đổ cả phủ chúa.

Nguyễn Nhạc gục gặc đầu tỏ vẻ đồng ý rồi hỏi:

- Theo thầy thì tại sao họ lại phải giấu giếm mục đích sau cùng của mình?

- Dễ hiểu thôi, bởi nếu ngay bây giờ mà họ lộ ra mục đích cuối cùng, họ sẽ gặp phải sự phản đối của tầng lớp sĩ phu trong nước. Lớp sĩ phu này sẽ buộc tội họ là phản loạn và chống đối họ. Ông Biện nên biết rằng, một cuộc nổi dậy mà chỉ dựa vào đám dân cùng khổ hay những người hiệp sĩ võ biền mà không có đám sĩ phu tiếp tay thì coi như cầm chắc sự thất bại đến sáu, bảy phần.

Có vẻ không hài lòng trước ý kiến này, Nguyễn Nhạc biện bác:

- Xin lỗi thầy, tôi nói có khi không phải, nhưng đám sĩ phu trói gà không chặt, suốt ngày chỉ rao giảng đạo đức thánh hiền rặt điều sách vở cũ rích thì so bì thế nào được với lực lượng đông đảo của quần chúng?

- Ông Biện nói đúng nhưng chỉ một phần. Một cuộc cách mạng bao giờ cũng có hai phần: đấu tranh và xây dựng. Sức mạnh của đông đảo quần chúng có thể giúp đưa cuộc đấu tranh đến thắng lợi, nhưng thắng lợi rồi họ sẽ không biết làm thế nào để bảo vệ, xây dựng và phát huy thành quả của thắng lợi đó. Đập phá hoặc thiêu hủy một căn nhà chỉ cần một anh chàng khỏe mạnh với một cái búa hoặc một nùi lửa là xong. Nhưng phá xong muốn xây dựng lại như cũ hoặc đẹp hơn thì phải cần đến bàn tay của người thợ. Trong bối cảnh của một quốc gia, người thợ đó chính là tầng lớp sĩ phu. Những người mà ông Biện vừa cho rằng trói gà không chặt đó. Một cuộc cách mạng toàn diện cần phải có đủ cả hai tầng lớp: quần chúng và kẻ sĩ. Như thế mới thực hiện được cả hai việc: đấu tranh và xây dựng, nếu không đó chỉ là cuộc bạo loạn. Bạo loạn tuy có thể dẫn đến thành công trong đấu tranh nhưng sau đó những người bạo loạn sẽ đưa đất nước đi từ hố sâu này đến một vực thẳm khác.

- Thầy phân tích rất chính xác, tôi đồng ý. Vậy theo thầy cuộc nổi dậy của Truông Mây là cách mạng hay bạo loạn?

- Họ đang làm rất tốt, đúng với tinh thần hiệp sĩ “kiến nghĩa dũng vi”. Họ nhìn thấy đồng bào bị đói khổ, bị áp bức nên xắn tay tương trợ. Họ kêu gọi nhau họp lại, trước làm ăn cướp, đi cướp của nhà giàu phát cho dân nghèo, sau vì người nghèo theo nhiều, lực lượng đủ mạnh, lại thấy cảnh triều đình suy nhược nên tiến thêm bước nữa là hô hào tiêu diệt tên Quốc phó. Cho đến giờ phút này, việc họ đang làm là một cuộc cách mạng.

- Thầy đang nghi ngờ về sức mạnh của họ hay mục đích của họ?

- Cả hai.

- Xin thầy nói rõ lý do.

Giáo Hiến chậm rãi giải thích:

- Làm hiệp sĩ khác với làm chiến sĩ cách mạng. Làm chiến sĩ cách mạng thì thắng lợi là trên hết, đôi khi phải đạp lên mọi thứ để đi tới đích. Còn hiệp sĩ thì thấy việc nghĩa dẫu chết không từ. Chính cái tinh thần ấy đã đẩy Truông Mây vào thế kẹt hiện nay là phải vừa chuẩn bị đánh giặc vừa nuôi một đàn con đông, trong khi nhà lại chật và nghèo. Họ vì lòng nghĩa hiệp mà đứng ra gánh vác miếng ăn cho hàng vạn người nghèo sắp chết đói, đây là một nghĩa cử cao đẹp nhưng cũng chính nghĩa cử ấy sẽ đẩy họ vào chỗ chết. Khi phát động cuộc chiến trở lại, chẳng những họ sẽ không có đủ lương thực để cứu đói mà chính họ cũng chết đói theo đám người nghèo kia. Nói đúng hơn, vì thiếu lương thực cho nên nghĩa binh không thể tác chiến, điều đó đồng nghĩa với thất bại.

- Trường hợp là thầy, thầy sẽ xử sự thế nào khi đám dân nghèo đói cứ kéo đến địa bàn của thầy nằm thoi thóp cầu cứu.

- Tôi sẽ giúp họ, nhưng giúp họ mà biết chắc rằng sau đó mình sẽ cùng chết với họ trong khi tôi còn việc lớn chưa hoàn thành thì trước tiên tôi sẽ tìm mọi cách từ chối hoặc tránh né. Lía xuất thân là một người nghèo khổ, ông ta đã từng chứng kiến cảnh mẹ mình chết vì nghèo, vì đói cho nên có sự tương lân mà ra tay giúp đỡ. Nghĩa cử ấy rất cao đẹp, nhưng ông ta quên rằng mình đang làm cách mạng, đang nắm trong tay hàng ngàn, ngàn sinh mạng của nghĩa binh. Nếu thất bại trong cuộc chiến sắp tới, bao nhiêu ngàn nghĩa binh sẽ vì lòng nhân từ của ông ta mà phải hi sinh. Đã thế, công sức cùng lý tưởng cách mạng cũng bị xóa bỏ.

- Lía có thể vì lòng lân tuất mà ra tay giúp đỡ dân nghèo nhưng tôi tin Trần Lâm, người phụ tá của ông ta sẽ nhìn ra điều nguy hiểm này. Hi vọng họ có thế để gỡ. Hơn nữa, bây giờ lòng nhân nghĩa của Truông Mây đã tiếng lành đồn xa, khắp Nam hà người người kính phục, nhân dân hai huyện Phù Ly và Hoài Nhơn lại một lòng quyết chết để bảo vệ đến cùng cái vùng đất đầy tình thương của họ. Yếu tố nhân hòa mà họ đạt được cũng là thế mạnh giúp họ đứng vững trong cuộc chiến sắp tới. Thêm vào đó, họ còn có mối quan hệ rất tốt với các bản dân tộc cao nguyên, đặc biệt là bản Đá Vách. Đó là một hậu thuẫn khá vững vàng.

- Tôi cũng nghĩ và cũng hi vọng như vậy. Lực lượng người dân tộc là một sức mạnh đáng kể, nếu sự liên kết đó chặt chẽ thì Truông Mây sẽ rất vững chắc. Đáng tiếc lúc đầu họ đã vô tình mắc phải một lỗi lầm nhỏ nên mới tạo ra tình trạng nguy hiểm như hôm nay.

- Như thế tại sao chúng ta không tìm cách giúp họ? Nhất là những kẻ sĩ ưu tú như thầy, bang chủ bang Hành Khất Trần Đại Bằng, sư huynh của thầy?

- Cảm ơn ông Biện đã đề cao. Bang Hành Khất trong thời gian gần đây đã bắt tay chặt chẽ với Truông Mây trong việc giúp đỡ người nghèo đói. Họ đã đóng góp lương thực, nhân lực để phụ với Truông Mây, nhất là trong việc di chuyển đồng bào vào Nam.

- Có nghĩa là sự liên kết ấy cũng chỉ trên căn bản tinh thần nhân đạo cứu người nghèo đói chứ không liên hệ gì đến công cuộc đấu tranh cả?

- Đúng vậy. Cho đến lúc này.

- Còn về sau?

Giáo Hiến trầm ngâm một lúc rồi trả lời:

- Mọi việc trên thế gian này đều kết nối bởi một chữ “duyên”. Có duyên thì tụ, hết duyên thì tan, còn đã vô duyên thì không thể tụ. Huống chi lòng không đủ thành thì duyên càng khó đến.

Nguyễn Nhạc biết trong lòng ông giáo còn nghi ngờ về năng lực của nghĩa binh Truông Mây nên không muốn nói rõ quyết định giúp hay không giúp. Điều này rất hợp với sự mong đợi của ông. Cũng có thể, ông ta đang chờ cái “duyên” mà ông tin vào đó, nó đưa đẩy cuộc đời ông. Nghĩ đến đây Nhạc tự nhủ: “Ta không nên vội vã, phải đợi cho đủ cơ và duyên mới được”.

Nguyễn Huệ từ nãy giờ ngồi nghe, có nhiều điều muốn hỏi nhưng thấy anh cả và thầy tranh luận sôi nổi quá nên không muốn làm đứt dòng tư tưởng của họ. Khi thấy Nguyễn Nhạc đã ngồi im Huệ mới dám lên tiếng hỏi:

- Thưa thầy, lúc nãy thầy nói Chúa Nguyễn đã xưng vương rồi cho đúc ấn riêng, xin xưng thần với nhà Thanh, tự coi miền Nam này là một quốc gia độc lập với Đàng Ngoài của vua Lê. Như vậy việc này có chính đáng không, thưa thầy?

Giáo Hiến nghe Nguyễn Huệ hỏi thì mỉm cười. Ông nhìn cậu học trò nhỏ có đôi mắt sáng quắt và vầng trán rộng trả lời:

- Việc này đã gây ra không ít xáo trộn trong triều đình phủ chúa Đàng Trong. Có một số ít người phản đối vì cho rằng chúng ta vẫn còn là thần dân của nhà Lê, còn lại đa phần thì cho rằng Đàng Trong từ lâu đã là một đất nước riêng, do các đời Chúa Nguyễn bỏ công sức mở mang khai phá, độc lập hoàn toàn với vua Lê ở Đàng Ngoài. Hơn nữa, để tránh dân chúng hoang mang vì lời sấm kia nên họ tán đồng việc Chúa Nguyễn xưng vương, lấy quốc hiệu là An Nam khi đối ngoại với nhà Thanh hay các nước lân bang.

- Những ai phản đối, thưa thầy?

- Đại biểu cho số này phải kể đến quan Hàn lâm học sĩ Nguyễn Quang Tiền. Ông này vì chống đối mà bị bãi chức.

Nguyễn Huệ nghe đến đây lòng cảm thấy phấn khích, bỗng vỗ tay đánh bốp một cái. Sau nghĩ lại thái độ của mình hơi vô lễ nên đỏ mặt ấp úng thưa:

- Xin lỗi thầy, con vô ý. Con xin được hỏi tiếp. Vậy quan điểm của thầy về vấn đề này như thế nào?

- Đây là một vấn đề hết sức tế nhị. Lúc đầu, bá quan vì muốn tránh lời sấm cho nên mới xin chúa xưng vương. Sau vì đã có vương vị nên triều đình mới nghĩ đến phải có một đất nước riêng để cho danh chính. Vì vậy trong các văn thư đối ngoại, chúa Võ tự xưng là An Nam quốc vương...

Nguyễn Huệ nóng nảy chen vào:

- Thưa thầy, như vậy là nước Đại Việt ta trở thành hai nước riêng biệt, độc lập nhau hay sao?

- Lúc đó cả triều thần và Võ vương đều nghĩ như thế. Họ chỉ còn chờ nhà Thanh chấp thuận nữa mà thôi.

- Thầy có đồng tình với họ không?

- Những người có lòng với sự tồn vong của Việt tộc không ai mong muốn điều đó xảy ra cả. Nhưng vì gần hai trăm năm khai phá, mở mang và xây dựng, họ Nguyễn và một số triều thần cho rằng họ xứng đáng có được một cương thổ riêng cho mình.

Nguyễn Nhạc cũng cảm thấy hào hứng với đề tài này nên nói:

- Một dải đất từ sông Gianh vào tới Gia Định, Hà Tiên mênh mông trù phú như vậy cũng đủ để trở thành cương thổ của một quốc gia riêng rồi. Hãy nhìn lại xem, đế quốc Chiêm Thành ngày xưa cương thổ của họ có được bao nhiêu đâu? Tôi đồng tình với họ về việc này đấy.

Nguyễn Huệ đưa tay vẹt mớ tóc quăn rơi xuống trước trán, sắc mặt hơi đỏ lên hỏi:

- Như thế thì bố Lạc Long, mẹ Âu Cơ và câu chuyện trăm con sinh ra trong cùng một bọc trăm trứng mà thầy đã dạy chúng con bây giờ phải kể lại làm sao để hợp với sự phân chia này đây? Hai chữ “đồng bào” từ nay còn sử dụng cho người dân Âu Lạc ở cả hai miền được nữa không, thưa thầy, thưa anh cả?

Giáo Hiến nghe Nguyễn Huệ lập luận như thế thì mừng thầm trong bụng. Từ lâu ông đã chú ý đến cậu học trò nhỏ hay tò mò và rất hiếu học này. Huệ luôn thẳng thắn nêu ra những vấn đề, đặt ra những câu hỏi hóc búa khiến ông vừa ngạc nhiên vừa thích thú, dù lắm khi những câu hỏi đó đã đẩy ông vào thế bí. Ông thấy Nguyễn Nhạc tán đồng còn Nguyễn Huệ thì phản đối nên không muốn đào sâu thêm sự bất đồng chính kiến này nữa. Ông tìm cách kết thúc vấn đề:

- Dù sao thì nhà Thanh cũng không chấp thuận nên việc phân chia thành hai quốc gia đã không còn là vấn đề để bàn cãi nữa.

Nguyễn Huệ nghe vậy liền xoay hướng sang chuyện khác.

- Thưa thầy, lúc nãy thầy nói cuộc nổi dậy mà chỉ dựa vào đám dân cùng khổ hay những người hiệp sĩ võ biền nhưng không có đám sĩ phu tiếp tay thì cầm chắc sự thất bại đến sáu, bảy phần. Rồi thầy lại nói một cuộc cách mạng mà không có kẻ sĩ giúp đỡ thì chỉ là cuộc bạo loạn, cuối cùng cũng sẽ đưa đất nước đi đến một vực thẳm khác. Nhưng nếu như có một vị lãnh đạo thật kiệt xuất đứng ra lãnh đạo đám dân cùng khổ và các tay võ biền kia thì có thể biến cuộc bạo loạn thành cuộc cách mạng toàn diện được không?

Giáo Hiến trả lời một cách thận trọng:

- Có chứ. Đó là trường hợp của những siêu nhân. Có điều, trên thế gian này rất hiếm siêu nhân. Vả lại, dù có bậc siêu nhân thì vị đó cũng sẽ không thể sống mãi để duy trì lâu dài tình trạng tốt đẹp mà mình đã tạo ra được. Vì thông thường chung quanh một siêu nhân luôn có những người rách việc.

- Tại sao, thưa thầy?

- Vì người giỏi thường hay ôm đồm bởi họ thấy những kẻ khác không thể làm việc giống ý mình muốn. Lâu ngày thành ra tài năng của những người chung quanh họ sẽ bị thui chột.

- Như thế tại sao ông ta không truyền dạy, huấn luyện cho những người chung quanh để họ có thể thay mình làm việc?

- Thiên tài là do trời ban cho, không phải ai cũng có được. Sự cố gắng học hỏi trau dồi cũng chỉ giúp người bình thường đạt đến một tài năng hữu hạn thôi. Khả năng vô hạn của siêu nhân là do trời phú, kiến thức truyền dạy chỉ góp thêm một phần nhỏ thôi. Do đó, người thừa hành khó có thể làm thỏa mãn ý muốn của một siêu nhân.

Đôi mắt của Nguyễn Huệ lại long lên một tia sáng nữa.

- Từ xưa đến nay đã có bậc siêu nhân nào vừa là siêu nhân lại vừa thỏa mãn được việc làm của kẻ thừa hành chưa, thưa thầy?

- Người đạt được sự toàn vẹn như thế là bậc thánh nhân rồi. Vì họ vừa có thiên phú về chuyên môn lại vừa có thể xả kỷ nữa. Trong lịch sử của dân tộc ta chưa ai được như thế. Ngay cả Đức Thánh Trần Hưng Đạo, người có thể gạt bỏ thù nhà cùng lời dặn của cha mình để lo cho đại cuộc quốc gia, nhưng cũng phải nhờ đến sự anh minh của vua Trần Nhân Tông, sự trợ giúp của các tướng tài chung quanh và sự đoàn kết giữa nhân dân với triều đình mới có thể đạt được thắng lợi vẻ vang trước quân Mông Cổ. Trong bối cảnh lúc đó, ngài có thể ví với một siêu nhân về quân sự chứ cũng chưa thể gọi là thánh nhân được. Thánh vị của ngài là do triều đình phong tặng sau này mà thôi.

Nguyễn Huệ vẫn chưa chịu thôi:

- Thưa thầy, trong trường hợp bậc siêu nhân lãnh đạo cuộc bạo động đưa đến thành công, sau đó ra sức cầu hiền để kẻ sĩ về giúp thì sao?

- Kẻ sĩ thường sống và chết cho lý tưởng. Hãy xem lý tưởng và đức độ của bậc siêu nhân sau khi thành công là gì và đến mức độ nào mới có thể quyết đoán được.

- Cần đạt những tiêu chuẩn nào để có thể gọi là thánh nhân, thưa thầy?

Giáo Hiến chăm chú nhìn Nguyễn Huệ như muốn đọc xem trong đầu cậu học trò nhỏ này đang nghĩ gì, ông chậm rãi đáp:

- Nhân, trí, dũng. Đó là ba tiêu chuẩn chính mà một thánh nhân cần có. Đạt chữ nhân để có thể yêu thương người, yêu thương đồng bào và dân tộc. Đạt chữ trí để có thể biết vận dụng mọi khả năng của trí tuệ mà điều hành, phục vụ, đưa đất nước và dân tộc đến chỗ độc lập, hạnh phúc, phú cường. Đạt chữ dũng để có đủ khả năng vượt qua mọi chướng ngại, tiêu diệt mọi kẻ thù, đưa đất nước, dân tộc ra khỏi chỗ tối tăm, đến nơi tươi sáng.

Đôi mắt Nguyện Huệ tiếp tục lóe lên một tia sáng nữa rồi an tĩnh trở lại. Nguyễn Nhạc nhìn chú em út của mình cười hỏi:

- Bộ chú mày tính làm siêu nhân hay sao mà hỏi kỹ thế? Xưa nay cũng chưa có anh hề hát bội nào trở thành siêu nhân hay thánh nhân được đâu chú ạ.

Nguyễn Huệ nhìn anh nói:

- Anh cả có thấy rằng làm kép hát dễ hơn là làm hề không? Chọc được thiên hạ cười là cả một khả năng thiên phú đó.

Nguyễn Nhạc nghiêm sắc mặt nói:

- Anh đồng ý với chú mày nhưng từ nay đừng đi theo cái bọn Tứ Linh và Nhưng Huy đó chọc cười thiên hạ nữa. Hãy lo học chữ nghĩa và võ nghệ của thầy giáo Hiến đây để sau này còn có cơ hội tiến thân với đời.

Nguyễn Huệ nghe giọng nói và sắc mặt của anh thì đâm sợ cúi đầu:

- Dạ anh cả.

Giáo Hiến thấy vậy vội nói đỡ cho Huệ:

- Ông Biện cũng không nên xem thường những người có khả năng chọc cười thiên hạ. Chỉ có hai hạng người có thể chọc cười thiên hạ. Hạng thứ nhất là do trời phú cho họ một ngoại hình đặc biệt, cách ăn nói khéo léo... khiến thiên hạ chỉ nhìn thôi cũng đã phải bật cười. Hạng thứ hai là những người có một trí tuệ và nội tâm thiên phú đủ để cười giễu lên tất cả mọi thứ. Hoặc giả không việc gì trên đời này có thể làm khó được họ, hoặc giả họ nhìn thấy được cái lẽ huyền vi của mọi việc nên cười giễu mọi thứ. Và thông thường đằng sau những nụ cười ấy là cả một sự im lặng của suy tư. Cho nên những thiên tài về hài hước đều là những nhà đại trí, những bậc hiền triết siêu hạng.

Nguyễn Nhạc nhìn giáo Hiến hỏi:

- Ba năm nay thầy đã phát hiện được điều gì ở thằng nhỏ này mà lúc nào thầy cũng có ý bênh vực cho nó hết vậy?

- Có phát hiện được một ít. Nhưng chỉ với một ít đó thôi đã khiến tôi phải nghĩ rằng sau này mình sẽ không còn có đủ tư cách để dạy cậu ta được nữa.

- Thầy bụng chứa đầy kinh luân, thằng Lữ và thằng Huệ có học đến mãn đời cũng chưa hết, thầy đâu cần an ủi tôi như thế. Thôi, xin phép thầy tôi về để thầy còn nghỉ ngơi.

Giáo Hiến đứng lên tiễn Nguyễn Nhạc, cả đám học trò cũng đứng dậy cúi đầu chào. Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ bước theo anh ra sân. Lữ hỏi nhỏ:

- Anh cả, công việc trên vùng thượng ra sao? Em muốn về giúp anh một tay. Bọn em lớn rồi, đâu thể để anh một mình chạy ngược chạy xuôi như thế mãi được.

Nguyễn Nhạc gác hai tay lên vai Lữ và Huệ, vừa đi chầm chậm ra cổng vừa nói:

- Coi bộ chú mày mê đạo bùa chú hơn là học chữ nghĩa thánh hiền và võ nghệ phải không? Đúng là công việc bề bộn thật, một mình anh lo không xuể. Dạo này tiền bạc lại thiếu trước hụt sau làm anh điên cái đầu. Chú mày về phụ anh một tay cũng được nhưng phải để vài hôm nữa anh trở xuống thưa với ông giáo đàng hoàng cho phải phép.

Nguyễn Lữ mừng rỡ nói:

- Vậy thì anh xuống sớm sớm nhé.

Nguyễn Nhạc quay sang Huệ nói:

- Ông giáo là nhân tài hiếm thấy thời nay, chú mày phải cố gắng học hỏi để cả nhà còn có nơi nương tựa. Làm người muốn thành đạt lớn thì phải văn võ song toàn. Anh nuôi chú từ nhỏ nên biết rõ khả năng của chú sẽ làm được.

Nguyễn Huệ nói:

- Anh cả an tâm, em sẽ không để anh cả phải thất vọng đâu. Thôi anh cả về đi kẻo khuya quá rồi đó.

Giáo Hiến đứng nơi cửa lớp học nhìn theo sau lưng ba anh em nhà họ Nguyễn lẩm bẩm một mình:

- Ba anh em nhà này mỗi người mang một tính cách rất đặc biệt. Nếu gặp thời thế, sự kết hợp của họ có thể xoay chuyển cả đất trời, làm nên lịch sử chứ chẳng chơi. Ta lưu lạc về nơi xó núi này duyên may mà gặp được họ.

Rồi ông mỉm cười trở về bên nhà của mình.