Én Liệng Truông Mây - Hồi 38 - Phần 1
Hồi thứ ba mươi tám
Tiểu Thâu Nhi ra oai đốt kho lương Long Phượng
Đánh binh triều Trần Lâm bày Bát quái trận đồ
Trời đã vào tiết Lập Thu mà nắng vẫn như thiêu như đốt khiến cho ruộng đồng nứt nẻ, cây cỏ héo khô, sông hồ cạn kiệt. Một dải đất từ Thanh Hóa đến Bình Thuận mùa màng mất trắng, chỉ có vùng đồng bằng miền Nam là còn thu hoạch được. Thỉnh thoảng, một vài trận mưa rào đổ xuống bất chợt làm bốc lên mùi đất khô, mùi xú uế khiến những con người ốm yếu càng dễ mắc bệnh hơn. Sự đời thường oái oăm như thế đó. Một khi đã lâm vào cảnh tai ương thì sẽ bị dồn dập, thật đúng với câu “họa vô đơn chí”.
Tuy nhiên, trong tình trạng tồi tệ, con người bao giờ cũng cố sức vùng vẫy để thoát ra. Họ quyết định bỏ cái xứ sở quỉ quái, khắc nghiệt này để tìm đến những nơi tốt hơn mà kiếm sự sống. Và họ lũ lượt ra đi. Dòng người đói khổ lập thành từng nhóm, kéo lê tấm thân tàn cố đến cho được miền Nam xa xôi bằng đường thủy, đường bộ, mong tìm miếng cơm ở nơi trù phú đó. Mười người hết ba, bốn đã bỏ xác dọc đường vì kiệt sức. Những kẻ đồng hành thương tình đào vội cái hố bên đường, lấp tạm cho chim thú khỏi xé thây rồi lại tiếp tục cuộc hành trình thiên lý. Người đói thì thú vật cũng chẳng hơn gì. Những xác chết chôn vội bên đường ấy đã bị chúng đào bới lên để ăn, mùi hôi thối bay xa trong bầu không khí khô khan nóng bức. Đúng là cảnh người chết hai lần.
Thiên tai giáng xuống đầu người dân đói khổ, xác chết rải rác khắp nơi nhưng chẳng thấy triều đình có biện pháp gì cứu giúp. Thật đúng là: “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Ngay cả những hiệp sĩ Truông Mây đầy lòng bác ái cũng đành phải nuốt lệ ngồi nhìn đồng bào ruột thịt chết dần trong các trại tị nạn dọc hai bờ sông Phù Ly và Lại Dương. Tình cảnh này thì cái câu “kiến nghĩa dũng vi” cũng đành xếp xó mà thôi. Sách vở, đạo lý thánh hiền bây giờ không bằng một hạt gạo hay hạt muối trong tay người nông dân. Đây đúng là cái thời của: “hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ” vậy.
Suốt mùa hè, những chuyến tàu lương thực lẻ tẻ từ miền Nam thỉnh thoảng cập vào hai cảng Đề Gi và An Dũ. Lượng lương thực ấy chỉ đủ để cho đám dân tị nạn trong trại ngày hai bữa cháo cầm hơi. Các thủ lĩnh Truông Mây quyết định giữ lại một phần lương thực khả dĩ có thể nuôi quân trong những ngày chinh chiến sắp tới. Nhiều người già yếu trong các trại thấu hiểu nỗi khổ tâm của nghĩa binh nên thà nhịn đói chờ chết chứ không chịu phí lương thực. Họ nói:
- Hãy để dành lương thực cho nghĩa quân có sức đánh giặc. Cầu cho họ chiến thắng để con cháu chúng ta được sung sướng.
Tình cảnh đó, những câu nói, những tấm lòng thành đó khiến cho người nghe không cầm được nước mắt. Chỉ có bọn quan lại Phú Xuân là lòng trơ như đá, quay mặt làm ngơ, lại còn chuẩn bị binh mã để tiễu trừ đám loạn tặc Truông Mây.
Đầu mùa thu năm đó, Phú Xuân phát động chiến dịch tảo thanh Truông Mây bằng bốn đạo với số quân lên đến hơn một vạn.
Đạo thứ nhất do nguyên soái Nguyễn Cửu Thống cùng hai phó tướng là tán lý Trần Hoàng, tổng nhung Thành đem ba ngàn thủy quân, trên năm mươi chiến thuyền kéo vào tấn công cửa biển Đề Gi.
Đạo thứ hai do tiết chế Nguyễn Phúc Hương và tổng nhung Trương Kế đem hai ngàn quân từ Quảng Nam vào hợp cùng hai ngàn quân Quảng Ngãi của Trương Bá Thành đánh phá đèo Thạch Tân.
Đạo thứ ba do Phan Ngọc Chánh cùng Phạm Kiến Tính dùng Trần Trụ làm tiên phong, đem ba ngàn quân từ phủ Quy Nhơn tấn công Phù Ly.
Đạo thứ tư do Tống Phước Hiệp và Nguyễn Văn Hưng dùng Nguyễn Khoa Kiên làm tiên phong, đem ba ngàn quân từ Phú Yên vòng qua núi Dương An vào Vân Canh rồi ngược lên Tây Sơn theo đường Vĩnh Thạnh uy hiếp Truông Mây.
Tin tức các lộ tiến quân của triều đình nhanh chóng bay về đến Truông Mây. Mọi người từ thủ lĩnh, chỉ huy cho đến nghĩa binh đều nức lòng chờ đợi vị quân sư tài ba của họ là Trần Lâm đưa ra kế hoạch tác chiến. Trong khi đó, Trần Lâm đang một mình đứng im lặng trên đỉnh Kim Sơn, hai tay chắp sau lưng, mắt dõi xa xăm như để tìm ra một kế sách vẹn toàn cho cuộc chiến mang tính quyết định này. Ở dưới thành, Lía tìm mãi không thấy Trần Lâm nên biết ngay chàng đang ở trên này. Lía đem theo Thiên Tường lên đỉnh Kim Sơn rồi hai người đến đứng hai bên Trần Lâm. Lía hỏi:
- Kế hoạch ra quân lần này thế nào?
Trần Lâm vẫn không thu mắt về, đáp:
- Trong bốn đạo quân, đạo của Tống Phước Hiệp tấn công vào Truông Mây là mạnh nhất. Phước Hiệp vốn là danh tướng của nhà Nguyễn, đã cùng đám quân sĩ trải qua bao trận chiến khai mở bờ cõi phương Nam, sang tới tận Cao Miên. Họ rất thiện chiến, lại có kinh nghiệm chiến trường. Truông Mây chúng ta tuy địa thế hiểm trở nhưng quân số quá ít nên việc phòng thủ sẽ rất cam go.
- Có kế sách gì vẹn toàn không?
Trần Lâm mím môi quay lại nhìn Lía, im lặng một lúc rồi đáp:
- Có nhưng rất nguy hiểm.
- Kế sách thế nào?
- Đại ca còn nhớ khi lần đầu đưa đệ từ Trưng Sơn về Truông Mây, lúc qua khỏi đèo Giốc Đót chúng ta có đi qua một vùng mà đệ đã gọi là Tử Cốc không?
- Nhớ chứ, lúc đó đệ nói nếu có thể dụ địch lọt vào đây thì chỉ cần một mồi lửa thôi cũng đủ để tiêu diệt cả đạo quân vài ngàn người.
- Đệ định thực hiện lời giả đoán đó, nhưng Tống Phước Hiệp không phải là vị tướng dễ bị mắc mưu, trừ phi...
- Trừ phi cái gì?
- Trừ phi hắn có hi vọng bắt được vị thủ lĩnh đầu não của Truông Mây là đại ca.
Lía hiểu ra liền cười hỏi:
- Đệ định đem tính mạng của ta ra làm miếng mồi ngon dụ Tống Phước Hiệp phải không?
Trần Lâm gật đầu:
- Lọt vào cửa Tử Cốc là đã vào trong lòng của bán tử hồ lô. Đệ gọi thế là vì vùng đất trống được bao bọc bởi những vách núi đứng sững này tạo thành hình một cái hồ lô, phía trong sâu lại có một vực thẳm chạy dài cắt ngang bụng của nó. Khoảng cách từ bên này sang bên kia bờ vực thẳm, chỗ hẹp nhất cũng phải hơn mười lăm trượng (60m). Nhảy qua được bên kia vực thì thoát nạn. Số quân địch lọt vào bên trong, mùa khô này chỉ cần bịt miệng Tử Cốc lại và dùng vài mũi tên lửa là xong, vì trong bụng hồ lô mọc toàn lau sậy và cây dầu. Đại ca có thể nhảy sang bên kia bờ vực với độ rộng hơn mười lăm trượng không?
- Nhảy không thì không được, nhưng nếu bên kia có cây cối thì ta có thể quăng dây cột vào để mượn thêm sức. Như vậy sẽ an toàn.
- Đệ cũng đã suy nghĩ như thế. Vì vậy đại ca cần phải chuẩn bị một sợi dây đủ dài để sử dụng.
- Còn những anh em theo ta thì sao? Cả con ngựa Bạch khởi của ta nữa?
- Trận này đại ca nên tìm một con ngựa tốt khác mà sử dụng. Về các nghĩa binh đi theo với đại ca, chúng ta sẽ tuyển ra khoảng năm mươi người có khinh công cao nhất, ra đi với tinh thần quyết tử. Bởi vì trước khi bỏ chạy, đại ca cùng bọn họ phải đánh một trận sống chết với quân địch, chỉ khi nào hết chiến đấu nổi mới mở đường máu mà thoát ra. Như vậy Tống Phước Hiệp mới mắc bẫy được. Khi vào trong bán tử hồ lô rồi, ai không thể nhảy sang bên kia thì đành phải hi sinh cùng với địch quân vậy.
- Để có thể phá tan cánh quân Tống Phước Hiệp đành phải mạo hiểm. Ta tin rằng anh em sẽ không oán trách gì đâu.
Thiên Tường hỏi:
- Đệ có thể đi theo đại ca trận này không?
Trần Lâm quay nhìn Thiên Tường đáp:
- Đệ là chỉ huy trưởng của đội thiết kỵ, đâu thể tham dự bên này được.
Quay sang Lía, Trần Lâm nói:
- Để bảo đảm an toàn, đại ca nên đưa anh em đến đó thực tập cách nhảy sang bờ vực trước. Nếu không có cây cối mọc sẵn thì ta phải trồng trụ ở những vị trí thích hợp. Nhớ là phải bí mật và đừng để lại dấu vết gì khả nghi cả. Khi binh Tống Phước Hiệp vào Vĩnh Thạnh, hắn sẽ chia chính binh theo ngả đèo Màn Lăng mà vào Thạch Khê vì hắn nghĩ ta sẽ đổ quân phòng bị mặt này, còn cánh kỳ binh do hắn chỉ huy sẽ đi đường đèo Giốc Đót để tiến thẳng xuống Truông Mây. Trường hợp xảy ra đúng như ta dự kiến thì đại ca cùng tam ca cứ làm như vầy... như vầy... là được.
Lía vui vẻ nói:
- Được, để xem trước khi bỏ chạy cây Đoạn Hồn đao của ta sẽ đoạn được bao nhiêu âm hồn của giặc. Hà hà...
Bọn họ rời đỉnh Kim Sơn trở về thành khi mặt trời vừa khuất núi. Hôm sau, Trần Lâm cho triệu tập các đầu lĩnh cùng các tướng chỉ huy tại thành Lại Khánh để họp bàn kế hoạch chống địch. Sau khi nêu rõ chi tiết về tướng lĩnh cũng như quân số của cả bốn đạo quân triều đình xong, Trần Lâm nói:
- Bốn đạo quân triều đình lần này đều do các danh tướng chỉ huy, quân số lại đông hơn so với chúng ta rất nhiều, cho nên tình hình các nơi đều nghiêm trọng như nhau. Biết địch biết ta trăm trận trăm thắng, đó là điều căn bản nhất trong thuật dụng binh. Tất cả đã biết rõ các tướng địch ở các mặt trận, cho nên trong khi tác chiến phải biết lợi dụng triệt để yếu điểm của tướng chỉ huy mà quyết định cách đánh của mình. Điều quan trọng nhất trong chiến dịch lần này là lương thực. Chúng ta đang thiếu lương thực, do đó các tướng chỉ huy phải thông cảm với anh em nghĩa binh trong việc dè xẻn phần ăn để có thể kéo dài ngày tác chiến.
Trương Văn Bảo nói:
- Chúng ta nên đặc biệt lưu ý đến việc cướp lương thực của địch để dùng.
- Ý kiến của tứ ca rất hay. Đúng là chúng ta nên đặt mục tiêu cướp lương thực của địch lên hàng đầu. Tuy nhiên cần nhớ rằng quân địch cũng biết rõ nhu cầu lương thực của ta nên sẽ tương kế tựu kế đem lương thực ra làm mồi nhử chúng ta vào tròng. Tôi không thể chỉ rõ mọi việc mà chỉ nêu ra những điều đáng lưu ý để anh em phòng ngừa khỏi sa vào kế của địch.
Trần Lâm đưa mắt nhìn anh em, không thấy ai có ý kiến gì nên chàng nói tiếp:
- Trong phép dụng binh, điều quan trọng nhất là hình thế. Phải chọn cái thế của đất mà tạo nên cái hình cho mình, dùng cái hình của địch mà tạo cái thế cho ta. Sự kết hợp giữa hình và thế phải tùy cơ, tùy thời mà biến hóa, được như vậy thì ta sẽ vô hình còn địch hữu hình, ta biết địch mà địch không thể biết ta. Cho nên kẻ biết xem thế đất, biết lập thế quân thì đánh đâu thắng đó. Còn ai có ý kiến gì về đơn vị của mình không?
Trương Văn Bảo nói:
- Mấy tháng nay dù khí trời nóng bức, Phan Ngọc Chánh vẫn ráo riết luyện tập binh mã. Hắn thề trả cho được mối nhục khi xưa bằng không hắn nhất định không quay về.
- Đánh với một kẻ liều chết thì thật là nguy hiểm. Tứ ca có kế sách gì chưa?
- Ta đã có một dự tính, không biết có hợp với ý của đệ không?
- Tứ ca đừng nói ra. Chúng ta hãy cùng viết lên lòng bàn tay để xem có trùng hợp nhau không nhé?
- Được.
Rồi hai người viết vào tay mình, xong họ bí mật đưa cho bên kia xem. Cả hai bàn tay đều có bốn chữ “phản khách vi chủ”. Họ cùng phá lên cười rồi chùi chữ viết đi. Văn Bảo hớn hở nói:
- Tuyệt lắm, tuyệt lắm! Vậy là chúng ta cùng có ý nghĩ giống nhau. Ta sẽ thực hiện đúng như vậy.
Trần Lâm nói thêm:
- Đệ sẽ tìm cách trợ giúp tứ ca.
Hồ Bân hỏi:
- Hai người cùng viết cái gì mà vui mừng quá vậy?
Văn Bảo nói:
- Quân cơ bất khả lậu. Tam ca hãy chờ mà xem.
Võ Tiến hỏi:
- Địch đem theo năm mươi chiến thuyền và ba ngàn quân vào đánh Đề Gi, trong khi tôi hiện chỉ có năm trăm quân và ba mươi chiến thuyền nhỏ. Lực lượng cánh này chênh lệch nhau quá lớn.
Đặng Thông lên tiếng:
- Tôi tin Nguyễn Cửu Thống không chỉ đánh vào Đề Gi thôi đâu mà hắn sẽ chia ra để tấn công cả cửa An Dũ nữa. Có điều chưa biết hắn sẽ chỉ huy ở trận đánh nào thôi.
Trần Lâm nói:
- Ý của tôi cũng giống như Đặng tướng quân vậy. Tôi sẽ tăng viện cho hai nơi để có đủ con số An Dũ một ngàn và Đề Gi ngàn rưỡi nghĩa binh. Hai người thấy đã đủ chưa?
Võ Tiến nói:
- Đủ. Với số quân này dù Nguyễn Cửu Thống không chia quân tôi vẫn tin là có thể chiến đấu được.
Đặng Thông cũng nói:
- Tôi cũng tin tưởng như vậy.
Trần Lâm nói:
- Trường hợp Nguyễn Cửu Thống dồn hết lực lượng vào đánh Đề Gi, Đặng tướng quân nên tìm mọi cách, hoặc cướp hoặc đốt thuyền chở lương của họ. Làm được việc này thì toán quân của Cửu Thống sẽ mất hết tinh thần, quân ta dễ thủ thắng hơn. Trường hợp không thực hiện được việc cướp lương, tướng quân nên đem quân theo sau đoàn thuyền của địch để đánh tập hậu mà giúp cho Võ Tiến trong đầm Đạm Thủy. Tôi sẽ cho thám báo dò tìm vị trí của đoàn thuyền lương thực rồi báo cho tướng quân biết.
Đặng Thông nói:
- Ý quân sư thật giống ý tôi.
Trần Lâm lại hỏi:
- Trường hợp Cửu Thống dồn tất cả lực lượng đánh An Dũ thì tướng quân liệu thế nào?
- Thủy triều mùa này có ảnh hưởng rất lớn đối với dòng chảy tại cửa biển An Dũ. Tôi có cho đóng một số thuyền nan nhỏ chứa đồ dẫn hỏa. Trường hợp cả đoàn thuyền của Cửu Thống muốn đổ vào cửa biển thì hắn tất phải chờ lúc thủy triều lên. Tôi sẽ dùng thuyền nhẹ dụ chúng vào sâu rồi lẩn trốn ở những cồn cát có nhiều cây rậm. Đợi khi thủy triều xuống, dòng nước rút nhanh thì cứ việc đốt các thuyền nan nhẹ có đồ dẫn hỏa thả trôi xuống. Như vậy chắc chắn năm mươi chiếc thuyền địch đang kẹt trong lòng sông hẹp sẽ làm mồi cho ngọn lửa của ta. Chừng đó ta phục quân cung thủ tha hồ mà bắn.
Trần Lâm nghe Đặng Thông trình bày mưu kế thì mừng rỡ nói:
- Hay lắm! Kế hoạch như thế thì mặt An Dũ tôi hết lo rồi. Chúng ta vừa chế được hơn ngàn cây nỏ liên châu, mỗi phát bắn được bốn mũi tên, tầm sát thương rất lớn. Tôi sẽ tăng cường cho các đơn vị. Phần Đinh thúc và nhị ca thì sao?
Đinh Hồng Liệt đáp:
- Địa thế đèo Thạch Tân tuy hiểm trở dễ phòng thủ, nhưng địch quân có đến bốn ngàn người ngựa thì chúng ta cũng phải có ít nhất trên ngàn nghĩa binh mới chiến đấu được.
- Cháu sẽ tăng viện thêm một ngàn quân đến Thạch Tân và giúp Đinh thúc một tay để tiêu diệt cánh quân này trước. Có tin Nguyễn Phúc Hương đã kéo quân đến Quảng Ngãi rồi. Phúc Hương là vị tướng đáng gờm của Phú Xuân, ta phải chủ động ra quân tiêu diệt hắn trước để làm nhụt nhuệ khí của địch. Nếu không, để bọn họ đồng loạt ra quân thì chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
- Cháu còn phải lo cho toàn cục, đâu thể cùng ta đem số quân ít ỏi chống lại đại binh của Phúc Hương, rủi ro có gì thì ngọc đá đều tan hết.
- Chú không phải lo. Cháu phá cánh quân này không mất bao nhiêu thời gian đâu.
Hồng Liệt vốn rất tin tưởng vào tài năng của Trần Lâm nên khi nghe chàng quả quyết như thế thì rất an lòng.
Hồ Bân lên tiếng hỏi:
- Còn cánh quân của Tống Phước Hiệp, ta chưa thấy đệ đề cập đến. Cách đối phó thế nào?
Lía nói:
- Cánh này ta và đệ chịu trách nhiệm. Lát nữa về Truông Mây ta sẽ bàn với đệ sau.
Kế hoạch đã bàn bạc xong, các tướng lãnh trở về căn cứ của mình. Mọi người hăm hở nói lời tạm biệt trong khí thế của niềm tin mãnh liệt. Sau khi tất cả đi hết, Trần Lâm gọi Tín Nhi đến, trao cho một phong thư và nói rõ nội dung của thư phòng khi đánh mất. Rồi chàng dặn:
- Đệ đem phong thư này đến Đá Vách trao cho H’Phon rồi về Thạch Tân cùng ta giết giặc nhé.
Tín Nhi vui vẻ nói:
- Lần này Lâm ca cho Tín Nhi xuất trận hả? Vậy thì kể như bọn giặc triều đình toi mạng cả lũ rồi. Hi hi...
Trần Lâm cười vỗ vai nó:
- Việc trọng đại lắm đó. Đi đường cẩn thận. Đi đi. Ráng đừng để người ta gí kiếm vào yết hầu nữa nhé.
Tín Nhi le lưỡi nói:
- Đệ sẽ cố gắng nhưng chưa chắc lắm. Hì hì...
Rồi hắn huýt sáo, tung mình lên con Hãn Huyết Câu hăng hái phóng đi.