Én Liệng Truông Mây - Hồi 38 - Phần 2

Chiều hôm sau, trên đỉnh Thạch Bích Sơn có một thiếu niên và một thiếu nữ đang vui vẻ luyện kiếm với nhau. Tín Nhi lại một lần nữa bị H’Linh gí mũi kiếm vào yết hầu. Hắn chán nản quăng kiếm xuống đất nói:

- Thôi ta chịu thua lần nữa. Hẹn lại kỳ sau ta sẽ cố gắng tốt hơn.

H’Linh vui vẻ nói:

- Ngươi đừng chán nản, có lẽ tại ngươi còn bận nhiều việc nên không có thời gian luyện tập. Ta ở đây thì buồn chán quá mức, chẳng có gì làm nên ngày nào cũng lên đây luyện kiếm. Vì vậy mới đạt được kết quả như vậy đó.

- Có lẽ như thế, nhưng dù sao ta cũng phải khen ngươi một câu. Chiêu kiếm đó của ngươi quả đã đạt đến mức tuyệt diệu rồi, còn lâu ta mới có thể theo kịp. Còn ba chiêu Bạch Long tam kiếm thì sao? Ngươi luyện được đến đâu rồi?

- Ta không biết đã đến đâu nữa. Hay chúng ta thử đi.

Tín Nhi nhặt cây kiếm lên cười nói:

- Lần này thì ngươi phải coi chừng đó. Xuất chiêu đi.

- Được. Ta xuất chiêu đây.

H’Linh bước chân theo Cửu cung di ảnh bộ pháp, thân hình nhẹ nhàng di chuyển bao quanh người của Tín Nhi, tay ra chiêu Bạch Long tam kiếm để tấn công. Tín Nhi cũng ung dung dùng Truy phong tróc ảnh né tránh và phản công lại. Hai người cùng sử dụng một bài kiếm, lại không có sát ý nên kiếm chiêu trông thật tự do, thoải mái. Nhưng cũng nhờ đó mà đường kiếm lại biến hóa linh hoạt theo ý muốn của họ. Kiếm đạo, khi đạt được đến mức kiếm và ý hợp nhất thì chiêu thức sẽ biến hóa vô cùng, địch thủ không sao đoán được biến chiêu kế tiếp để mà phòng thủ. Trong lòng Tín Nhi và H’Linh không chất chứa thù hận, lại chẳng có ý cầu thắng cho nên ra chiêu với tâm thức trống không, họ nghĩ sao thì kiếm chiêu xuất ra như vậy. Nhưng thú vị thay, những chiêu thức họ nghĩ đến và phát ra đa phần đều giống nhau. Có lẽ hai tâm hồn ngây thơ trong trắng này có nhiều điểm tương thông một cách tự nhiên.

Sau khi diễn đủ ba mươi sáu thế, cả hai cùng dừng tay rồi phá ra cười vì sự đồng bộ đó. H’Linh lên tiếng:

- Bài kiếm này ngươi ra chiêu thật tuyệt diệu. Ta không bằng ngươi được.

Tín Nhi cười nói:

- Không phải vậy đâu. Có lẽ vì đây là bài long kiếm nên ta có ưu thế hơn. Nếu là phụng kiếm thì chắc ta không bằng được ngươi. Để ta nói Lâm ca chế ra bài Bạch phụng tam kiếm cho ngươi nhé?

H’Linh nhoẻn miệng cười rồi bỗng không hiểu nghĩ gì nàng lại thở dài nói:

- Lâm huynh thật là kỳ tài trong thiên hạ, điều gì cũng vượt hơn hẳn người khác. Đáng tiếc là ta không được như ngươi, hàng ngày có thể chiến đấu bên cạnh huynh ấy.

- Trong con người của Lâm ca có một trái tim và một khối óc vĩ đại nhất thế gian này. Vâng, ngươi nói đúng, là ta may mắn nên mới được gần gũi và làm việc chung với anh ấy.

H’Linh quay người, đưa mắt nhìn xuống dòng sông Trà Khúc đang lấp lánh ánh mặt trời mơ màng nói:

- Chiều nào ta cũng lên đây luyện kiếm. Nhìn bóng chiều lấp lánh trên sông, lòng ta cứ muốn bỏ nơi đây để vào Truông Mây tìm gặp huynh ấy một lần. Cái cảm giác mong muốn và thôi thúc đó rất lạ, chưa bao giờ ta thấy trong đời.

Tín Nhi nhìn cô bạn gái miền sơn cước ngây thơ chất phác từ phía sau mà lòng chợt thấy nao nao. Hắn bước lại đứng gần H’Linh, đưa mắt nhìn xuống dòng sông bên dưới rồi an ủi:

- H’Linh đừng buồn, một ngày nào đó Lâm ca sẽ có cơ hội trở lại thăm H’Linh như đã hứa mà. Ta chưa thấy Lâm ca thất hứa với ai bao giờ.

- Ta đâu có trách Lâm huynh. Ta chỉ nói cho ngươi nghe cái cảm giác của ta khi mỗi buổi chiều ra đứng nơi đây mà thôi. À, ngươi đừng nói lại cho Lâm huynh nghe nhé. Ta sẽ giận ngươi đó.

- Ta hứa. Thôi chúng ta về đi. Mai ta đi sớm, không chào tạm biệt ngươi đâu. Lần này Lâm ca cho ta ra trận đánh giặc. Chà, cái cảm giác đó thật là thú vị và náo nức làm sao. Ngươi không biết được đâu.

H’Linh trợn mắt hỏi:

- Ngươi đánh giặc á?

Rồi nàng chăm chú nhìn Tín Nhi từ trên xuống dưới nói:

- Ờ, mà ngươi trông cũng đã ra dáng chàng chiến sĩ rồi đó. Cố gắng đừng để bị địch gí mũi kiếm vào yết hầu nhé. Hi hi...

Tín Nhi giả bộ chắp hai tay hướng lên trời nói:

- Ơn trời, may mà bên địch không có H’Linh. Nếu không thì cái yết hầu của con sẽ bị thủng mất.

Xong cả hai cùng phá ra cười rồi lên ngựa xuống núi.

Sáng hôm sau, Tín Nhi từ giã bản Đá Vách một mình một ngựa trở về. Thay vì đi theo đường cũ là Trường Lũy và đường thượng đạo thì hắn lại vượt Trường Lũy, băng qua sông Vệ xuống huyện lỵ Mộ Hoa, theo đường trạm chính để đến Thạch Tân. Hắn chọn con đường này là vì có ý muốn dò xét tình hình của đạo quân Nguyễn Phúc Hương. Khi Tín Nhi đang định vượt qua bờ lũy bỗng có tiếng gọi:

- Tín Nhi, chờ ta với!

Nghe tiếng gọi, Tín Nhi giật mình nhận ra đó là tiếng của H’Linh. Hắn vội dừng ngựa. H’Linh đang thúc con Bạch liên như ý câu phóng nhanh tới. Vừa đến nơi nàng đã nói:

- Ta đi cùng ngươi. Ta muốn đến thăm Lâm ca và Truông Mây một chuyến.

Tín Nhi thất kinh nói:

- Không được đâu! Ở dưới đó hiện giờ đang có chiến tranh, nguy hiểm lắm. Ngươi không thể xuống đó bây giờ được. Chờ cho chiến cuộc yên, ta sẽ lên đây đưa ngươi đi, chừng đó ngươi tha hồ muốn ta đưa đi đâu cũng được, nhưng bây giờ thì không được. Nhất định không được.

- Tại sao lại không được? Đợi hết chiến tranh thì biết chúng ta ai còn sống ai sẽ chết? Ngươi đừng cản ta, ta quyết định rồi.

Tín Nhi thấy nàng cương quyết như thế chẳng biết nói sao bèn hỏi:

- Còn cha mẹ ngươi nữa? Ngươi có nói cho họ biết không?

- Ta không nói nhưng ta có viết để lại cho mẹ mấy chữ nói là ta đi Truông Mây thăm Lâm ca chừng mươi hôm sẽ trở về.

Tín Nhi vò đầu bứt tóc nhăn nhó:

- Trời ơi! Cha mẹ ngươi sẽ lo cho ngươi lắm đó. Cha ngươi còn phải ra quân để yểm trợ cho Lâm ca nữa. Ngươi làm thế này có khi hỏng hết đại sự hành quân mà Lâm ca đã vạch ra, sẽ có hàng ngàn người chết vì ngươi. Không chừng có cả Lâm ca trong số đó nữa.

H’Linh hốt hoảng hỏi:

- Thật không? Nghiêm trọng như vậy sao? Ngươi đừng gạt ta đó nhé.

Tín Nhi nghiêm sắc mặt nói:

- Ta nói thật đó. Ta lên đây chuyến này là để trao mật thư liên kết hành quân cho cha ngươi. Nếu kế hoạch sai trật một tí, Lâm ca ắt sẽ gặp nguy hiểm vì trận đánh này do đích thân Lâm ca chỉ huy. Ngươi có nghĩ là cha ngươi sẽ vì lo đi tìm ngươi mà trễ nải cả kế hoạch hành quân không?

H’Linh nghe Tín Nhi nói cũng đâm lo. Nàng sợ nếu lỡ điều đó xảy ra thật thì nàng sẽ ân hận suốt đời. Cuối cùng, nàng buồn bã nói:

- Thôi được, ta không đi nữa. Nhưng ngươi nhớ xong việc thì phải trở về đây ngay để đưa ta đi đó nhé.

Tín Nhi như trút được gánh nặng trong lòng, hắn mừng rỡ nói nhanh:

- Ta hứa, ta hứa! Ta nhất định sẽ trở lại. Bây giờ ngươi trở về đi, ta phải đi ngay nếu không sẽ không kịp.

- Tạm biệt! Chúc chiến thắng!

H’Linh quay ngựa thả nước kiệu trở về. Tín Nhi nhìn theo đến khi khuất bóng nàng mới thở dài một tiếng rồi thúc ngựa phóng nhanh về hướng huyện lỵ Mộ Hoa. Cả hai, một vội vã ra đi, một u buồn trở về đều không hề để ý đến một đôi mắt đầy ắp nỗi ưu sầu và oán hận đang quan sát họ từ nãy giờ. Ở một đỉnh đồi phía xa xa, A Nun đang ngồi trên lưng ngựa dõi theo từng lời nói cử chỉ của hai người.

Từ lúc biết mối tình của mình là vô vọng, A Nun càng thấy thương nhớ H’Linh hơn. Hắn luôn coi H’Linh là một thiên thần chốn núi rừng và cũng hằng mơ ước cưới được nàng làm vợ. Tuy nhiên, lời cầu hôn trước lúc lâm chung của cha nuôi hắn, vốn là già làng đã bị cha nàng từ chối. Vì vậy, trong lòng hắn bây giờ chứa đựng những xúc cảm rất chằng chịt, rối bời. Hắn yêu, hắn hờn, hắn hận H’Linh, hận cha nàng, hận Trần Lâm, Tín Nhi và cả cái bọn người Kinh khi không từ đâu ghé lại làm thay đổi cả không khí yên bình của bản rừng u tịch. A Nun đứng nhìn theo hút bóng H’Linh mới thong thả thúc ngựa trở về. Hắn bỗng thấy có một niềm vui nhen nhúm trong lòng và tự dưng hắn nở một nụ cười bâng quơ.

***

Mất độ ba canh giờ, Tín Nhi mới tới được huyện lỵ Mộ Hoa. Không khí nơi đây thật náo nhiệt vì toán quân hai ngàn người ngựa của Nguyễn Phúc Hương từ Quảng Nam vừa vào đến và đang hạ trại ngoài huyện thành. Nguyễn Phúc Hương cùng viên phó tướng Trương Kế dùng ngựa vào huyện thành để họp bàn về việc tiến quân đánh phá đèo Thạch Tân với quan huyện sở tại cùng tướng Trương Bá Thành. Nguyễn Phúc Hương nói:

- Chiến cuộc lần này, vấn đề lương thảo tất cả đều nhờ quan huyện lo giúp cho. Đó là lệnh trên của quan Quốc phó, chắc ông cũng đã nhận được rồi phải không?

Quan huyện Mộ Hoa Chu Bách nói:

- Dạ có, thưa tiết chế. Tôi đã nhận được lệnh của ngài Quốc phó và chuẩn bị mọi thứ đầy đủ rồi. Có điều, hai năm nay cả đạo Quảng Nam mình bị mất mùa nên lương thực dự trữ của huyện chúng tôi không được nhiều lắm. Nếu chiến cuộc kéo dài hơn một tháng, tôi e lương thảo sẽ thiếu. Việc này tôi đã báo về Phú Xuân, chắc quan tiết chế có biết chứ ạ?

- Tôi có biết. Nhưng ông không phải lo, tôi tin rằng trong vòng một tháng thì Truông Mây đã tan tành rồi.

Quay sang Trương Bá Thành, Phúc Hương hỏi:

- Tướng quân lâu nay có nắm được tình hình phòng thủ của địch trên đèo Cung Quảng và Thạch Tân không?[1]
[1]   Đèo Cung Quảng giáp với núi Diên Trường, Mộ Hoa, ngay gần hồ Diên Trường. Mặt nam của đường đèo này là đèo Thạch Tân, giáp giới Bồng Sơn. Cửa Sa Huỳnh nằm ở giữa hai đèo này.

Bá Thành đáp:

- Theo tôi dò biết được thì trên đèo Cung Quảng hiện bọn cướp có khoảng năm trăm tên, chúng chia ra làm ba trại đóng rải rác ở những nơi hiểm yếu. Tôi nghĩ với lực lượng bốn ngàn quân, chúng ta sẽ chiếm lĩnh đèo Cung Quảng không khó khăn gì.

- Có đường nào khác để bọc ra phía sau đèo không?

- Không có. Đèo Cung Quảng và Thạch Tân là thông lộ duy nhất để vào Bồng Sơn. Trừ phi chúng ta dùng đường thượng đạo.

- Đường thượng đạo hiện nay bọn ác man Đá Vách đang làm chủ. Chúng ta phải đánh trực diện lên đèo thôi. Ông có kế sách gì hay không?

- Theo ngu ý của tôi, chúng ta chỉ có một cách duy nhất là một mặt đem đại quân đến núi Diên Trường đánh thẳng trực diện lên đèo, mặt khác dùng thuyền chở quân đổ bộ vào cửa Sa Huỳnh rồi đánh bọc hậu. Hai mặt giáp công thì dù cho bọn cướp có đem bao nhiêu quân trấn giữ Cung Quảng cũng sẽ bị ta bắt sạch.

Phúc Hương vui mừng nói:

- Kế hay! Tướng quân quả là có tài thao lược. Ở huyện chúng ta có được bao nhiêu thuyền?

Trương Bá Thành nghe vị tiết chế triều đình khen thì phổng mũi lên, hắn vừa rung đùi vừa đáp:

- Tiết chế quá khen, tiểu tướng chỉ là ở đây lâu nên biết rõ địa thế mà nói ra thôi. Về chiến thuyền, tại cửa sông Vệ chúng ta có được khoảng hai mươi chiếc, chở được gần ngàn quân.

Phúc Hương hỏi Trương Kế và Bá Thành:

- Ta sẽ lãnh nhiệm vụ đánh đèo Cung Quảng. Hai người ai dám lãnh mạng đổ bộ vào Sa Huỳnh?

Bá Thành đang hồi cao hứng nên xung phong:

- Tiểu tướng tuy bất tài nhưng xin đảm trách việc này.

- Được, tướng quân đã lãnh mạng thì còn gì hay bằng.

Đoạn Phúc Hương lại quay sang Chu Bách nói:

- Ngày mốt chúng tôi sẽ ra quân. Ông lo chu toàn việc lương thảo nhé, tôi sẽ cho Trương Kế theo hộ tống quân lương.

Quan huyện Chu Bách vui vẻ nói:

- Có Trương tướng quân hộ tống thì còn gì bằng. Mai tôi sẽ đưa Trương tướng quân đến kho lương ở núi Long Phượng để kiểm nhận. Bây giờ cho phép huyện chúng tôi mở tiệc khao quân để chúc mừng tiết chế ra quân thắng lợi. Khi trở về báo công thắng trận, xin tiết chế nói tốt cho tôi một đôi lời trước mặt quan Quốc phó, ơn lớn ấy tôi sẽ không quên.

- Như thế cũng hay. Cho bọn lính tráng nghỉ ngơi dưỡng sức một ngày cũng là điều tốt.

Hôm đó, toán quân theo Nguyễn Phúc Hương và Trương Kế từ Quảng Nam vào được xả trại nghỉ ngơi. Họ kéo nhau vào huyện lỵ tha hồ ăn uống. Cũng may quân lệnh của Phúc Hương rất nghiêm cho nên họ chỉ vui chơi chứ không dám phá phách dân lành.

Tín Nhi đến huyện lỵ Mộ Hoa vào lúc xế chiều, thấy phố xá đầy những lính là lính nên hắn dừng ngựa tại quán rượu Dừng Chân trên đường quan lộ chính để nghe ngóng tình hình. Quán Dừng Chân này khá lớn, tuy cách bài trí đơn sơ nhưng vì nằm trên thông lộ chính nên thực khách rất đông, hơn hai mươi chiếc bàn đều đã có người ngồi, đa số là đám lính xả trại. Tín Nhi chọn một chiếc bàn nhỏ còn trống trong góc và ngồi xuống. Bên ngoài quán, một lũ ăn mày tụ tập lê lết xin ăn. Người tiểu nhị thấy Tín Nhi cưỡi con Hãn Huyết Câu lông đỏ chót biết ngay là ngựa quí, hắn đoán chừng người cưỡi nó cũng thuộc hạng giàu sang nên vội chạy đến vui vẻ chào hỏi:

- Người bạn trẻ của chúng tôi dùng gì? Đi đường chắc mệt lắm phải không?

Tín Nhi nói:

- Cho ta một tô don nóng. Ta nghe nói quán này nấu món don ngon nhất Quảng Ngãi phải không?

Tiểu nhị vui vẻ đáp:

- Người bạn trẻ quả nhiên sành điệu, đến Quảng Ngãi mà không ăn món don ở quán Dừng Chân thì phí cả chuyến đi. Tuy nhiên hôm nay chúng tôi thật xin lỗi vì các anh lính Quảng Nam xả trại đến đây ai cũng gọi món này, vì bất ngờ quá nên quán không đủ bán. Bạn trẻ có thể dùng món ăn khác được không?

- Vậy cho ta cơm, cá bống sông Trà và rau muống luộc, thêm một đĩa chim mía nữa. Mùa này đã có chim mía rồi phải không? Nếu những món này mà cũng không có nữa thì anh nên dẹp quán đi.

- Có chứ, có chứ! Chúng tôi đâu thể để người bạn trẻ coi thường được. Chờ một lát sẽ có ngay thôi. Bạn trẻ có uống gì không?

Tín Nhi nói lớn:

- Ta đã từng nghe xứ Quảng có hai câu ca dao:

Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm

Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say.

Ở đây gần với Quảng Nam, không biết quán của anh có loại rượu tuyệt hảo này không?

- Có chứ, có chứ! Chà, coi bộ người bạn trẻ của tôi là tay sành điệu về ngón ẩm thực, kêu toàn là các món đặc sản của chúng tôi. Hay lắm, hay lắm! Tôi sẽ mang ra ngay.