Én Liệng Truông Mây - Hồi 38 - Phần 3

Chiếc bàn kế bên có bốn tên lính Quảng Nam đang ngồi uống rượu, nghe Tín Nhi gọi đúng thứ rượu đặc sản của xứ mình liền ngoái cổ nhìn sang. Tín Nhi cũng nhìn họ cúi đầu chào:

- Chào mấy lính đại ca. Hình như các lính đại ca vừa từ Quảng Nam vào phải không? Đường dài vất vả nhỉ?

Một tên trong bọn thấy Tín Nhi còn trẻ mà tỏ ra sành điệu về ăn uống, tính tình lại vui vẻ nên có thiện cảm ngay. Hắn đáp:

- Chúng tôi vừa từ Quảng Nam vào. Không ngờ khí hậu trong này nóng hơn ngoài đó nhiều quá.

- Lúc này mùa gió Lào đã hết nhưng Quảng Ngãi vẫn còn khô và nóng như thiêu, mãi chẳng thấy trận mưa nào. Lính đại ca chắc là nay mai tiến đánh bọn cướp Truông Mây phải không? Đúng rồi, phải diệt cho sạch bọn cướp đó đi. Bọn vô pháp vô thiên cướp của giết người còn chưa đã, nay muốn nổi loạn chống cả triều đình nữa.

Lúc đó tên tiểu nhị đã mang bầu rượu Hồng Đào đến, Tín Nhi nói:

- Cho ta mượn thêm bốn cái chung nữa. Ta phải chúc mừng các lính đại ca này mau chiến thắng để dân ta sớm thoát khỏi cảnh binh đao mới được.

Tiểu nhị vui vẻ vâng dạ rồi chạy đi lấy bốn chung rượu đến. Tín Nhi mang bình rượu và chung bước sang bàn bốn tên lính, cúi đầu chào nói:

- Chào các lính đại ca. Tứ hải giai huynh đệ. Cho phép tiểu đệ mời các lính đại ca một chung rượu uống trước để mừng chiến thắng được không?

Một tên trong bọn nói:

- Chúng tôi chưa đánh giặc mà uống mừng chiến thắng cái nỗi gì. Người bạn nhỏ nói sai rồi.

Tín Nhi cười nói:

- Sai sao được mà sai. Các lính đại ca là những người lính thiện chiến, lại được tiết chế Nguyễn Phúc Hương chỉ huy thì bọn cướp cạn Truông Mây làm sao mà chống cự nổi. Tiểu đệ mời đây là lòng thành chứ không phải tùy hứng mà nói đâu.

Đoạn, Tín Nhi đặt bốn chung rượu xuống bàn rồi rót đầy. Mùi rượu Hồng Đào bay lên thơm ngát làm bốn tên lính nuốt nước bọt. Bọn chúng là lính nghèo nên chỉ dám gọi những thứ rượu thường chứ làm gì có đủ tiền để uống loại rượu đặc sản này. Tín Nhi nâng ly của mình lên nói:

- Mời bốn lính đại ca, chúng ta cùng cạn ly mừng sơ ngộ và mừng chiến thắng.

Nói xong hắn uống cạn, bốn tên lính cũng bưng chung rượu lên uống một hơi hết sạch. Rượu Hồng Đào quả là hảo tửu. Hương thơm nồng, vị vừa cay vừa ngọt khiến người mới uống xong lại muốn uống thêm chung nữa. Tín Nhi vừa rót rượu vào các chung vừa nói:

- Rượu Hồng Đào xứ Quảng quả nhiên danh bất hư truyền. Uống một chung rồi thì không thể không uống chung thứ hai. Nào, đệ mời các lính đại ca một chung nữa cho đúng với lời bình về rượu của thiên hạ. Đất Quảng Nam của các lính đại ca thật là nơi trù phú nhất thiên hạ về phong vật cũng như con người. Nào mời!

Một tên lính nói:

- Người bạn trẻ thật là hào sảng và sành điệu. Nếu chúng tôi từ chối sao còn có thể gọi là nam tử đại trượng phu, bốn bể là nhà được.

Nói xong hắn nâng chung nốc cạn một hơi. Ba tên lính kia cũng nốc cạn. Một tên khác nói:

- Người bạn trẻ này hình như không phải là người địa phương Mộ Hoa phải không? Đã uống với nhau hai chung rượu rồi, coi như là bạn bè cả, mời bạn ngồi xuống đi.

Tín Nhi không khách sáo, nhấc chiếc ghế sang ngồi cùng. Tên tiểu nhị lúc đó cũng vừa mang thức ăn lên. Tín Nhi nói:

- Để hết sang đây. Làm thêm hai đĩa chim mía và cho ta hai bình rượu Hồng Đào nữa nhé.

Tên tiểu nhị vâng dạ. Tín Nhi quay sang trả lời câu hỏi của tên lính ban nãy:

- Vâng, tôi ở huyện Bình Sơn bên bờ bắc sông Trà Bồng. Nay có việc sang thăm người bà con ở gần cửa Mỹ Ý, sông Trà Câu, giáp giới với cửa biển Sa Huỳnh.

Tên lính có vẻ hiền lành nhất bọn vội nói:

- Chà, bạn nhỏ đến đó lúc này thật là nguy hiểm. Sắp có đánh nhau ở cửa Sa Huỳnh đó. Bạn không nên đến đấy thì hơn.

Tín Nhi giả bộ thất kinh hỏi:

- Đánh nhau ở cửa Sa Huỳnh à? Tôi lại tưởng quan tiết chế chỉ tiêu diệt bọn cướp ở đèo Cung Quảng thôi chứ.

- Cả hai nơi. Chúng tôi sẽ đánh ở cả hai mặt thủy và bộ. Bọn tôi trong toán vận lương, ngày mai sẽ bốc lương thực từ kho Long Phượng theo đường thủy vào Sa Huỳnh. Việc này chắc không sai đâu, bạn nên hoãn chuyến đi thăm lại thì hơn.

Chim mía đã được mang lên bốc mùi thơm phức. Tín Nhi rót thêm rượu rồi nói:

- Mời các lính đại ca. Đây là đặc sản Quảng Ngãi, ăn chim mía Quảng Ngãi uống rượu Hồng Đào Quảng Nam là sự kết hợp tuyệt hảo nhất trên thế gian này. Các lính đại ca hãy thử xem lời đệ nói có đúng không.

Bốn tên lính đều có thiện cảm với chàng thiếu niên này nên không khách sáo nữa. Chúng vừa nhai chim mía ram giòn rụm vừa uống rượu Hồng Đào, miệng không ngớt khen ngon. Tín Nhi uống thêm mấy chung nữa, giả say đứng lên nói:

- Loại Hồng Đào này quả thật rất ngon, đáng tiếc tửu lượng của đệ kém quá, không thể uống tiếp được nữa. Chúng ta hãy cùng cạn một chung cuối rồi đệ xin phép chia tay. Giá nào đệ cũng phải đến cửa Mỹ Ý cho bằng được, hi vọng sẽ không bị mắc kẹt trong vòng chiến cuộc quỉ quái này.

Nói xong hắn nâng ly cùng bốn tên lính và uống cạn rồi lấy ra một đỉnh bạc để lên bàn nói:

- Nhờ các lính đại ca thanh toán chỗ thức ăn này cho đệ nhé. Hi vọng chúng ta sẽ có ngày gặp lại.

Bốn tên lính thấy số tiền khá lớn thì mừng lắm nhưng vẫn giả bộ nói:

- Chúng ta mới gặp nhau, đâu thể nào nhận món tiền này của người bạn nhỏ được.

- Ở đời muôn sự của chung, các lính đại ca đừng ngại.

Tín Nhi nói xong câu này thì thầm cười trong bụng. Hắn nghĩ nếu mấy tên lính này biết số tiền kia là do hắn vừa mượn đỡ từ túi của một tên nhà giàu ngoài phố, chắc chúng sẽ không còn ngần ngại nữa. Bọn lính nghe Tín Nhi nói thế lại cho rằng chàng thiếu niên này vốn con nhà giàu quen tính ăn xài rộng rãi nên liền vui vẻ nói:

- Hi vọng chúng ta còn gặp lại. Người bạn nhỏ đi đường cẩn thận nhé.

- Đệ sẽ cố gắng, tạm biệt!

Tín Nhi ra khỏi quán, định thảy cho mấy anh em ăn mày ít tiền nhưng sợ họ sẽ bu lại quấy rầy làm trễ nải công việc nên thôi. Hắn lên ngựa, thả đi chầm chậm trong phố. Bỗng nhìn thấy ký hiệu đặc biệt của nhóm thám báo Truông Mây, hắn liền theo các ký hiệu đó đi tới một con đường nhỏ ngoài huyện lỵ, dẫn đến một khu rừng rậm rạp. Hắn thận trọng quan sát trước sau rồi thúc ngựa vào bên trong khu rừng. Có một gian nhà lá nhỏ ẩn kín trong lùm cây rậm, mé phải ngôi nhà đang cột hai con ngựa. Hắn nhảy xuống ngựa cũng vừa lúc có hai thanh niên từ trong nhà bước ra. Hai người ấy cúi đầu chào Tín Nhi, một người nói:

- Chào đội trưởng, chúng tôi thấy đội trưởng trong quán Dừng Chân nên cố ý lưu lại ám hiệu để gặp đội trưởng thông báo tin tức.

Tí Nhi hỏi:

- Là tin tức hành quân của địch hả?

- Dạ. Chúng tôi dò la được là địch sẽ chia làm hai nhánh tấn công. Một do Trương Bá Thành đi đường biển bọc vào cửa Sa Huỳnh đánh tập hậu chúng ta, còn một do Phúc Hương chỉ huy thì đánh chính diện lên đèo Cung Quảng. Lẽ ra chúng tôi đã báo về cho quân sư rồi nhưng thấy đội trưởng xuất hiện ở đây nên muốn chờ xem đội trưởng có căn dặn gì thêm không.

- Tốt lắm, tôi cũng đã dò biết được tin này và định tìm các anh để nhờ báo về cho Lâm ca. Các anh ở đây có hiểu rành địa thế của kho lương thảo Long Phượng không?

- Có biết. Huyện Mộ Hoa có hai kho là Phú Đăng và Long Phượng. Kho Long Phượng ở núi Long Phượng, cách huyện lỵ khoảng bảy dặm về phía đông. Đó là một khu núi đất không cao lắm, trải dài lên phía tây đến núi An Nghĩa và xuống phía đông tới núi Phúc Lộc. Có tất cả ba trại lính, tổng quân số ước chừng hai trăm người, đóng dọc theo thế núi để bảo vệ kho lương.

- Ngoài con đường trạm chính, ở đây còn có con đường nào khác về đèo Cung Quảng nữa không?

- Có một con đường nhỏ từ núi An Nghĩa chạy vòng theo mé đông hồ La Bích (còn gọi là hồ Diên Trường) đến núi Diên Trường.

- Tốt lắm! Lương thảo của đại quân Nguyễn Phúc Hương đều do kho lương thực này cung cấp. Nếu chúng ta có thể cho nó một mồi lửa thì bốn ngàn quân của Phúc Hương sẽ chưa đánh đã tan, các anh thấy có phải không?

- Đúng là như vậy. Nhưng bọn họ vì sợ Truông Mây chúng ta sử dụng sách đó nên đã cho canh gác kho lương rất kỹ, ta không thể nào lẻn vào đó được đâu.

- Các anh cứ đưa tin về cho Lâm ca đi, báo cáo là tôi đã hoàn thành công việc và đang ở Mộ Hoa dọ thám tình hình. Tôi sẽ có mặt tại nơi giao chiến như đã dự tính. Đồng thời nói với Lâm ca và sư phụ tôi là đêm nay tôi sẽ do thám kho lương của địch rồi liệu thế mà hành động, bảo họ không cần phải lo cho tôi.

- Nếu vậy chúng tôi phải đi ngay nếu không sẽ không kịp.

Tín Nhi lấy cái hầu bao tiền vừa mượn đỡ của thiên hạ ra, giữ lại một ít, còn tất cả trao hết cho hai tên thám báo và nói:

- Các anh giữ lấy chia nhau mà chi dụng dọc đường và xoay xở khi lo nhiệm vụ.

Hai tên thám báo đồng thanh nói:

- Đội trưởng nên giữ lại để chi dụng. Chúng tôi đâu cần nhiều đến thế.

Tín Nhi cười hề hề:

- Hai anh không nhớ biệt hiệu của tôi là gì à? Khi nào cần tôi khắc có tiền mà, các anh khỏi lo.

Hai tên thám báo cũng cười nói:

- Chúng tôi quên mất. Chúng tôi sẽ chia bớt cho những anh em khác vậy.

Nói xong chúng chia tiền cho nhau. Một tên nói:

- Đội trưởng bảo trọng!

Rồi hắn chạy đến nhảy lên lưng ngựa và phóng vút đi như tên bắn. Tín Nhi hỏi tên thám báo còn lại:

- Tổ ba người các anh còn một người nữa đâu?

- Dạ, đang trà trộn trong huyện đường để dò la thêm động tịnh của Nguyễn Phúc Hương.

- Tối nay tôi muốn đi dò thám kho lương xem tình hình ra sao. Nếu tìm ra được chỗ sơ hở của địch, chúng ta sẽ cho chúng một mồi lửa.

- Đã vậy tôi sẽ đi với đội trưởng.

- Không cần, tôi chỉ đến đó dò thám cho biết thôi, khi nào hành sự sẽ nhờ đến các anh. Giờ tôi phải nghỉ dưỡng sức một chút.

- Bên trong có chiếc giường, đội trưởng vào nghỉ đi.

- Được.

Khi tên thám báo về đến đèo Cung Quảng thì Trần Lâm, Triệu Thiên Tường, Lam Tiểu Muội cùng bốn trăm quân thiết kỵ và tám trăm quân bộ cũng đã có mặt ở đó. Sau khi báo cáo tình hình ở Mộ Hoa xong, hắn nói:

- Đêm nay đội trưởng sẽ lén vào kho lương Long Phượng để thám thính, tôi có nên trở lại để giúp không?

Trần Lâm nói:

- Nên lắm. Với thân thủ hiện giờ của Tín Nhi, việc do thám không khó gì nhưng nếu muốn đốt kho lương thì hắn cần phải có sẵn nhiều đồ dẫn hỏa mới dễ dàng hành sự được. Anh hãy mang theo mấy cây nỏ liên châu cùng một số tên lửa và hùng hoàng đến đó, dặn Tín Nhi đợi cho Nguyễn Phúc Hương xuất quân rồi mới hành sự. Số lương thực bọn họ dự trù mang theo bằng đường biển vào Sa Huỳnh cứ để cho họ mang đi, chúng ta sẽ đoạt số lương thực đó để nuôi quân mình.

- Tôi phải chuẩn bị mọi thứ rồi đi ngay mới kịp.

Trần Lâm bảo Thiên Tường:

- Đệ cho một đội trưởng giỏi khinh công và hai con ngựa tốt để họ cùng đi Mộ Hoa giúp cho Tín Nhi. Mọi việc cẩn trọng nhé.

Tên thám báo đi rồi, Trần Lâm nói với Thiên Tường:

- Về toán quân của Trương Bá Thành đổ bộ vào Sa Huỳnh, chúng ta cứ để cho hắn đưa quân lên bộ đánh vào sau lưng chúng ta. Qua khỏi đèo Cung Quảng có một đoạn rất chật hẹp xuyên qua vùng núi nối liền hai đầm Diên Trường (tức đầm An Khê ngày nay) và đầm Nước Mặn, chúng ta sẽ cho phục trăm quân cung thủ ở chỗ đó bịt lối đi lại, chuẩn bị đá và đồ phóng hỏa để buộc địch phải lui xuống. Rồi Tường đệ cho ba trăm quân thiết kỵ từ sau đánh tới ắt bọn địch sẽ bị dồn cả xuống đầm. Tiêu diệt xong bọn này, đệ cho một số anh em trở lại Sa Huỳnh đoạt luôn hai mươi chiếc thuyền mang vào cửa An Dũ. Số còn lại gấp rút đến Diên Trường để tiếp viện cho ta.

Thiên Tường nói:

- Lần này chúng ta phải mạnh tay tiêu diệt bọn quan quân triều đình để gây kinh hoàng cho chúng mới được.

- Nếu có thể chiêu hàng thì tốt hơn là giết. Đệ chuẩn bị bố trí các nơi đi.

Quay sang Đinh Hồng Liệt và Lưu Đằng, Trần Lâm nói:

- Chúng ta sẽ đem toàn bộ quân ở đây qua khỏi đèo Cung Quảng để đón đánh địch ở vùng đất trống giữa bờ đầm La Bích và núi La Bích. Số quân tám trăm người tăng cường lên đây đã được cháu luyện tập thành một Tiểu Bát quái trận, hay còn gọi là trận tiểu thành. Chúng ta sẽ bày trận dựa lưng vào đầm và thế núi, ở trước mặt cho đặt thêm phục binh để bảo vệ vòng ngoài trận.

Đinh Hồng Liệt hỏi:

- Một tiểu trận tám trăm quân có thể đánh nổi đại quân mấy ngàn người của Nguyễn Phúc Hương không?

- Trận này biến hóa khôn lường. Nếu Phúc Hương không hiểu về trận pháp mà dám xông vào phá thì hắn chết chắc, còn giỏi lắm hắn có thể thoát nhưng đại quân của hắn coi như tan rã. Nếu quân của bản Đá Vách đến kịp thời để chặn đường về thì bảo đảm địch sẽ bị tiêu diệt sạch.

- Lợi hại vậy à?

- Cháu cũng không chắc lắm vì đây là lần đầu cháu bày trận này. Nhưng trong khi luyện tập cháu thấy uy lực của nó lớn lắm. Chúng ta hãy chờ xem.

Bàn định xong đâu đó, họ kéo quân đến La Bích bày trận thế và chờ đại quân của Phúc Hương đến. Dàn trận xong Trần Lâm giảng giải:

- Bát trận đồ được Gia Cát Khổng Minh căn cứ theo bát quái (8 quẻ): Càn, Khôn, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khảm, Đoài mà bày thành tám trận chính: Thiên phúc, Địa tải, Long phi, Xà bàn, Hổ dực, Điểu tường, Phong tán, Vân thùy; được án theo tám cửa: Hưu, Sinh, Thương, Đỗ, Cảnh, Tử, Kinh, Khai. Trong đó ba cửa sinh gồm: Sinh, Cảnh, Khai và năm cửa tử gồm: Hưu, Thương, Đỗ, Tử, Kinh. Nếu không hiểu trận pháp mà đi lầm vào cửa tử thì không thể nào ra được. Trận cháu đang dùng đây thực ra là của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông đã dựa vào trận Bát quái của Khổng Minh mà lập ra. Nay cháu chỉnh sửa lại chút ít để lập thành một tiểu trận gồm tám trăm tám mươi người. Dùng kỵ binh, bộ binh, quân cung nỏ và chiến xa nhưng vì đây là trận nhỏ nên thay chiến xa bằng quân thiết kỵ. Sự biến hóa của tiểu trận Bát quái dựa trên sự phân chia thành dọc ngang sáu mươi tư đơn vị chiến đấu, hợp thành một đại phương trận (trận vuông lớn), trong đại phương trận lại phân thành nhiều tiểu phương trận tựa lưng vào nhau tác chiến, đại trận bọc tiểu trận, đại doanh bọc tiểu doanh. Khi địch quân rơi vào trận, trận thế có thể biến từ phương trận vuông thành viên trận tròn bao bọc lấy quân địch, đầu đuôi tiếp ứng lẫn nhau như rắn Thường Sơn có hai đầu, cho nên trận này còn gọi là Thường Sơn trận.

Đinh Hồng Liệt nghe xong giật mình nói:

- Gia Cát Võ Hầu quả thật là “vạn đại quân sư” nên mới nghĩ ra được trận Bát quái kỳ bí như vậy. Trạng Trình từ lý thuyết đó mà biên chế lại cũng thật là thiên tài. Cháu nay chỉ đọc sách mà bày được thành trận thế, lại biết biên giảm tùy nghi thì cũng đáng mặt kỳ tài trong thiên hạ, ta thật khâm phục lắm.

- Hãy chờ xem uy lực của nó như thế nào đã, bây giờ nhận xét e còn hơi sớm.