Én Liệng Truông Mây - Hồi 38 - Phần 4

Đại quân của Nguyễn Phúc Hương sau khi chờ cho toán quân đường thủy của Trương Bá Thành xuất phát rồi mới tiến quân. Khi đại quân còn đang trên đường từ huyện lỵ Mộ Hoa đến Thạch Tân, bỗng có quân tế tác chạy về báo nghĩa quân Truông Mây đã dàn trận sẵn ở núi La Bích đón đường. Nguyễn Phúc Hương bất ngờ, quay sang nói với phó tướng Trương Kế:

- Bọn cướp không cố thủ trên đỉnh đèo mà lại đem quân xuống nơi bằng phẳng để dàn trận, hẳn là chúng có điều sở cậy đây. Chúng ta cứ đến nơi xem tình hình rồi tính.

Trương Kế nói:

- Lời tiết chế nói phải, chúng ta tiến nhanh lên coi thử xem bọn chúng đang bày trò gì ở đấy.

Rồi họ thúc quân tiến nhanh. Khi vừa đến chân núi La Bích đã thấy quân Truông Mây dàn trận hàng ngũ chỉnh tề, cờ xí rợp trời, đủ cả năm sắc của ngũ hành. Trước trận có hai tướng già đứng hai bên một một tướng trẻ đang ghìm ngựa chờ, đằng sau là một toán thiết kỵ khoảng năm mươi người ngựa. Nguyễn Phúc Hương là đại tướng lâu năm của triều đình, khi nhìn thấy cách dàn trận và quân phong của Truông Mây, ông bỗng giật mình nói với Trương Kế:

- Ta nghe Truông Mây có một vị quân sư trẻ tuổi nhưng tài cao xuất chúng, ta còn chưa tin. Nay nhìn thấy cách điều quân khiển tướng của hắn mới biết lời đồn quả không ngoa. Chúng ta phải cẩn thận mới được.

Phúc Hương ra lệnh cho đại quân dừng lại rồi cùng Trương Kế và hai phó tướng từ từ thả ngựa tiến lên phía trước. Bên kia Trần Lâm, Đinh Hồng Liệt và Lưu Đằng cũng chầm chậm tiến ra. Khi khoảng cách đủ để nhìn rõ mặt và nói chuyện được, hai bên đều dừng lại. Trần Lâm cúi đầu chào nói:

- Truông Mây Trần Lâm cùng lão tướng Đinh Hồng Liệt và đại tướng Lưu Đằng xin kính chào quan tiết chế Nguyễn Phúc Hương và tướng quân Trương Kế an khang.

Nguyễn Phúc Hương cũng cúi đầu đáp lễ nói:

- Nghe danh Tiểu Bạch Long Trần Lâm, Thâu Hiệp Đinh Hồng Liệt và tướng quân Lưu Đằng đã lâu, nay mới được gặp mặt. Hân hạnh, hân hạnh!

Trương Kế đứng bên lên tiếng:

- Cho dù đại danh của các ngươi có lừng lẫy đến đâu thì cũng không thể coi thường thiên hạ như thế được. Tiết chế đây là đại tướng rường cột của triều đình, bọn cướp cạn các ngươi lại dám xem thường, đem một toán binh nhỏ bày một trận thế cỏn con để đương trường đối trận với đại quân của tiết chế há chẳng phải là khinh người thái quá ư?

Trần Lâm cười nói:

- Trương tướng quân hoặc là không biết hoặc là đã hiểu lầm rồi. Lâm tôi vì kính trọng tiết chế là tướng tài trong thiên hạ nên mới đem hết sở học bình sinh của mình ra mà lập nên trận pháp này để nhờ tiết chế chỉ điểm thêm cho. Không biết tiết chế và Trương tướng quân có nhận ra đây là trận gì không?

Trương Kế vốn là tay võ biền, làm sao hiểu được trận pháp. Bởi vậy dù biết vừa rồi Trần Lâm vừa có ý khiêu khích vừa có ý miệt thị mình nhưng hắn cũng đành ngậm miệng làm thinh. Hắn quay sang hỏi nhỏ Phúc Hương:

- Hắn nói đã bày thành trận thế, tiết chế có thể nhận ra là trận gì không?

Nguyễn Phúc Hương giục ngựa đến một vùng đất cao gần đó, đưa mắt quan sát thế trận một hồi lâu rồi quay lại nói với Trần Lâm:

- Đây là Tiểu Bát quái trận, gồm có ba cửa sinh và năm cửa tử. Loại trận phổ biến này ai nhìn cũng biết, có gì ghê gớm đâu mà ngươi đem ra hù dọa thiên hạ.

Trần Lâm nghe nói thầm nể phục Phúc Hương là người có kiến thức, chàng hỏi:

- Tiết chế đã biết tên trận, vậy có dám phá trận này chăng?

Phúc Hương làm tướng lâu năm, có đọc qua nhiều binh pháp, hiểu rõ nguyên lí trận Bát quái nhưng sự biến hóa bên trong thì chưa tường tận cho lắm. Ông ta nghe Trần Lâm hỏi trong lòng cũng hơi rúng động nhưng đời làm tướng đã từng trải nhiều lần hung hiểm nên ông lấy lại bình tĩnh rất nhanh rồi nói:

- Có gì mà không dám? Hôm nay đã ngả chiều, chúng ta cùng lui binh nghỉ ngơi, ngày mai ta phá trận được chăng?

- Tiết chế cứ thoải mái nghỉ ngơi mà suy nghĩ cách phá trận. Rạng sáng ngày mai chúng tôi sẽ mở cửa trận chờ ngài.

Nói rồi Trần Lâm cúi đầu chào và ra dấu cho cả bọn quay ngựa trở về. Bên này Phúc Hương cũng quày ngựa lại, ra lệnh cho đại binh lui hai dặm, hạ trại nghỉ ngơi. Đêm đó ông bàn với Trương Kế:

- Loại trận Bát quái này tuy ta biết rõ về hình thế và các cửa sinh, tử nhưng còn sự biến hoá bên trong thì ta không tường tận lắm. Dù vậy, ta đã hứa phá trận thì không thể nuốt lời được. Ngày mai ta đem hai ngàn quân vào phá trận, tướng quân cùng một ngàn quân ở bên ngoài tấn công vào. Ta không tin là không thể phá được trận này.

- Tôi sẽ chia quân ra công phá nhiều nơi. Tôi cũng tin chắc là chúng ta có thể phá tan trận này.

Phúc Hương ậm ừ:

- Hi vọng như thế.

 

***

Bên trại nghĩa quân, Đinh Hồng Liệt hỏi Trần Lâm:

- Nghe kiểu nói của Nguyễn Phúc Hương hình như hắn ta biết cách phá trận. Cháu thấy thế nào?

Trần Lâm mỉm cười đáp:

- Cháu nghĩ hắn chỉ biết về hình thức và nguyên lí trận mà thôi chứ không biết cách phá. Ngày mai thế nào hắn cũng chia quân ra làm hai để một nửa vào phá trận, một nửa tấn công bên ngoài trận.

- Vậy chúng ta phải làm thế nào?

- Tiểu trận Bát quái có thể biến hóa từ phương trận sang viên trận và ngược lại. Trường hợp chúng chia quân như thế thì trận sẽ biến hóa theo nội phương và ngoại viên. Cháu sẽ điều động phương trận bên trong phá giặc vào trận, phần chú cứ làm thế này... thế này... để điều động viên trận chống địch mặt ngoài. Chúng ta còn năm trăm nghĩa binh và hai trăm kỵ binh chờ sẵn nơi sườn núi La Bích do nhị ca và Lam muội điều khiển. Như thế cả hai đạo quân của địch đều bị bao vây. Toán quân của Nguyễn Phúc Hương ở bên trong sẽ bị quân cung thủ của chúng ta giết sạch trước, vì khi trận thế phát động bọn họ sẽ mất hết phương hướng, không biết đâu mà đón đỡ. Sau đó chúng ta thanh toán lớp bên ngoài.

Đinh Hồng Liệt nghe Trần Lâm chỉ cách điều động trận thế xong bèn nói:

- Người xưa quả là có sự thông linh với trời đất, vũ trụ nên mới nghĩ ra được những điều kỳ diệu như thế. Ta nóng lòng muốn nhìn thấy tận mắt sự biến hóa thần thông này.

Trần Lâm bỗng chép miệng nói:

- Không biết Tín Nhi đêm nay có làm nên chuyện không? Lúc đầu cháu nghĩ là cứ để cho hắn trui rèn thêm bản lĩnh nhưng giờ lại thấy hơi lo.

Đinh Hồng Liệt đột nhiên thất sắc la lên:

- Hỏng bét! Hỏng bét rồi! Ta thật là đãng trí. Tín Nhi gặp nguy hiểm rồi.

- Sao chú lại nói vậy?

Hồng Liệt đáp, giọng đầy lo lắng:

- Ở huyện Mộ Hoa có một người rất nguy hiểm, đó là Quỷ Kiếm Ma Đao Lương Bát Vạn. Tên này xuất thân lục lâm, võ nghệ rất cao cường, được liệt vào hàng cao thủ bậc nhất ở Quảng Ngãi. Hắn được trấn thủ Quảng Ngãi chiêu dụ về và phong cho chức đề lĩnh cai quản một trăm quân giữ kho Long Phượng. Hắn sử dụng đao nhưng trong cán đao lại có giấu một thanh kiếm mỏng sắc bén vô cùng. Đặc biệt là hắn thuận cả hai tay nên trong khi giao đấu, đối phương thường bất ngờ bị bại dưới lưỡi kiếm trong tay trái của hắn. Nếu Tín Nhi gặp hắn thì sẽ rất nguy hiểm vì nó còn thiếu kinh nghiệm chiến đấu.

- Tên này cháu đã có thử sức qua trong kỳ đại hội tỉ võ năm xưa. Với bản lãnh của Tín Nhi bây giờ, trừ phi nó mắc lỡm, nếu không thì dù không thắng được, muốn bỏ chạy cũng không khó gì. Chú đừng lo lắng quá.

- Nó thoát thân thì được nhưng còn những người đi cùng thì sao? Tính nó ta biết, dù chết chứ không bao giờ chịu bỏ rơi đồng đội để chạy trốn một mình đâu.

Trần Lâm nghe nói lo lắng, chưa biết tính lẽ nào cho tiện. Lam Tiểu Muội nói:

- Để muội đi giúp Tín Nhi một tay được không?

Trần Lâm nói:

- Muội đi thì tốt rồi nhưng hiện giờ đại binh của Phúc Hương đang trấn giữ quan lộ, làm sao muội có thể đến nơi kịp để giúp Tín Nhi?

- Muội biết có một con đường nhỏ từ đây vòng qua mé đông hồ La Bích đến chân núi An Nghĩa cạnh kho Long Phượng. Muội nghĩ toán thám báo và Tín Nhi sau khi hành sự xong sẽ theo lối này trở về Thạch Tân để tránh đại quân triều đình đang đóng ở quan lộ.

- Nếu vậy muội hãy cùng với hai mươi thiết kỵ quân gấp rút lên đường kẻo không kịp.

Lam Tiểu Muội vâng dạ rồi lập tức ra đi.

***

Đêm hôm đó, Tín Nhi và Hoàng Bá, người đội phó thiết kỵ vừa lên tăng viện, cùng ba thám báo mặc đồ dạ hành, mang theo đầy đủ vật dụng đến chân núi An Nghĩa chuẩn bị hành sự. Tín Nhi nói:

- Tôi và Hoàng Bá sẽ vượt tường vào trong để rắc lưu huỳnh quanh các kho lương thực, ba người ở bên ngoài chờ. Khi nào chúng tôi đốt kho thứ ba thì hãy chia nhau dùng tên lửa bắn vào các kho thứ hai và thứ nhất. Xong đâu đấy, ba anh bỏ chạy về hướng núi Phúc Lộc ở phía đông, tôi và Hoàng Bá sẽ chạy về núi An Nghĩa ở phía tây. Ai thoát được cứ thoát, đừng lo cho người khác mà mang họa cả đám. Các anh nói là có một con đường nhỏ từ An Nghĩa chạy vòng qua hồ La Bích đến Diên Trường phải không? Chúng tôi sẽ dùng con đường đó để trở về Thạch Tân, còn ba anh cứ ở lại đây tiếp tục công việc của mình.

Hoàng Bá nói:

- Kế hoạch thật hoàn hảo. Đêm nay kho lương này mà không cháy rụi mới là chuyện lạ.

Tín Nhi cười nói:

- Tôi theo làm việc cạnh Lâm ca mấy năm nay không học được nhiều cũng phải học được chút ít chứ. Hì hì... Thôi chúng ta bắt đầu.

Gần nửa đêm, kho lương thảo Long Phượng của huyện Mộ Hoa bỗng nhiên bốc cháy dữ dội. Ngọn lửa bộc phát khắp nơi. Trời đêm cuối tháng tám có gió đông thổi nhẹ từ biển vào nên càng làm cho ngọn lửa cháy mạnh hơn. Cả ngày hôm đó, đám quan quân canh giữ kho lương phải vừa xuất kho cho đoàn quân của Trương Bá Thành mang xuống thuyền vào Sa Huỳnh, vừa kiểm kho chuẩn bị cung cấp cho đại quân Nguyễn Phúc Hương ra trận nên ai nấy đều đã mệt lử, đến khuya thì ngủ say như chết. Khi ngọn lửa bùng cháy lớn, chúng mới bừng tỉnh kêu la báo động. Tốp lo chữa cháy, tốp lo mở cuộc lùng soát kẻ gian.

Trong khi đó, Tín Nhi cùng bốn nghĩa binh sau khi xong việc liền chia nhau bỏ chạy theo kế hoạch đã bàn định trước. Tín Nhi và Hoàng Bá đều giỏi khinh công nên chẳng mấy chốc đã đến được bờ tường của kho lương. Cả hai nhún chân tung mình lên đáp xuống thành tường, vừa định nhảy xuống bên dưới thì đột nhiên có một loạt tên bắn đến. Hai người vội múa kiếm bảo vệ toàn thân nhưng vì quá bất ngờ nên Hoàng Bá đã trúng một mũi tên vào đùi phải. Hắn la lên một tiếng rồi nhảy xuống. Tín Nhi vừa múa kiếm vừa nhảy theo xuống cạnh hỏi nhanh:

- Anh có sao không?

Hoàng Bá đáp:

- Không sao, chân phải bị trúng tên khá sâu nhưng cũng có thể chiến đấu được.

Lúc đó, từ trong bóng đêm có mười hai tên lính chạy ra bao vây hai người lại. Chúng đồng loạt thổi vang còi báo động để đồng bọn của chúng biết đường kéo đến. Một tên trong bọn, có lẽ là trưởng toán quát hỏi:

- Hai ngươi là ai sao dám lẻn vào đốt kho lương của huyện nha? Mau buông kiếm chịu trói để ta đưa về trình lên quan huyện.

Tín Nhi một tay đỡ Hoàng Bá, một tay khoa kiếm cười nói:

- Buông kiếm chịu trói cái đầu bò các ngươi, thiếu gia nhà mi còn muốn đốt luôn cả cái phủ chúa nữa là đằng khác. Sá gì một cái kho lương nhỏ xíu này.

Rồi hắn lướt tới xuất ngay chiêu đầu của Bạch Long tam kiếm đâm thẳng vào tên toán trưởng. Tên này chưa kịp trở tay đã bị mũi kiếm xuyên tâm nhào ra chết tại chỗ. Tín Nhi ra chiêu đắc thủ liền tấn công luôn những tên lính trước mặt. Hoàng Bá cũng múa kiếm chém vào mấy tên bên cạnh. Lại có thêm bốn tiếng rú thất thanh nữa vang lên. Tín Nhi nói:

- Chúng ta chạy nhanh nếu không sẽ rắc rối lắm.

Hắn liền dìu Hoàng Bá lẩn mình vào bóng đêm. Nghe tiếng còi báo động, một đám lính khác hàng mấy mươi tên kéo đến đuổi theo và bắn tên vào hai người. Hoàng Bá thấy tình thế nguy hiểm liền nói:

- Đội trưởng hãy chạy trước đi, đừng lo cho tôi. Nếu không thì hai ta sẽ cùng bị chúng bắt cả đấy.

Tín Nhi vừa chạy vừa nói:

- Chúng ta sống chết có nhau!

Khi chạy ra gần đến mé rừng thì họ bị một toán lính khác chặn mất lối đi, toán đuổi theo ban nãy cũng vừa chạy đến. Tín Nhi trông thấy vòng vây đông nghẹt toàn những lính là lính liền nói với Hoàng Bá:

- Coi bộ đêm nay phải đại khai sát giới rồi. Anh còn chịu đựng nổi không?

Hoàng Bá đáp:

- Có hơi bất tiện nhưng vẫn chiến đấu được, đội trưởng đừng lo. Nếu có chết, mạng của tôi cũng phải đổi ít nhất được mười mạng của bọn lính chó này.

Dứt lời, cả hai cùng vung kiếm xông vào tấn công. Đám lính đồng loạt múa binh khí phản công vì chúng đã được tập luyện thuật tác chiến đồng đội rất nhuần nhuyễn. Lưỡi kiếm của Tín Nhi nhanh chóng hạ thủ bốn tên lính đứng gần đó. Hoàng Bá cũng tỏ ra không kém, tuy xoay trở hơi chậm nhưng hắn cũng đã hạ được mấy tên. Dù vậy hai người vẫn không thể nào phá vỡ được vòng vây vì bọn lính cứ liên tục thay nhau tấn công bốn phía. Tiếng đao kiếm chạm nhau chan chát, tiếng người rú lên thảm thiết gây chấn động cả một vùng trời đêm. Lại có thêm mười mấy tên lính nữa ngã gục trước mũi kiếm của Tín Nhi và Hoàng Bá. Bù lại, Hoàng Bá cũng đã bị chém trúng thêm mấy nhát ở tay và bụng. Hắn vừa ra chiêu vừa la lớn:

- Tôi không xong rồi! Đội trưởng chạy đi, đừng ở lại đây mà chết hết cả hai.

Tín Nhi nói:

- Tôi không thể bỏ anh lại được, để tôi gọi con Hãn Huyết Câu đến rồi mình mở đường máu cùng thoát thân.

Hắn toan chúm miệng huýt gió thì bỗng có một tiếng quát lớn vang lên, nghe thật phách lối:

- Dừng tay! Các ngươi lui ra!

Mọi người giật mình quay lại nhìn. Đám lính cùng reo lên mừng rỡ:

- A! Ngài đề lĩnh đến rồi! Chúng tôi kính chào quan đề lĩnh.

Rồi chúng vẹt sang một bên, chừa chỗ cho một người mặc y phục trắng đang chậm rãi bước đến. Người này vừa từ chỗ của quan huyện Chu Bách về, trông hắn thật hách dịch kiêu kỳ, như thể cả thế gian này buộc phải cúi đầu mỗi khi hắn đi qua. Một tên toán trưởng vội chạy đến trước mặt hắn khúm núm nói:

- Đề lĩnh đến thì may cho bọn chúng tôi quá. Hai tên này là thủ phạm đốt kho lương đấy, chúng tôi chưa bắt được vì võ nghệ của chúng cũng khá lắm. Nhưng giờ đã có đề lĩnh đến thì bọn chúng ắt phải chịu chết rồi.

Tên đề lĩnh chỉ “hừ” một tiếng chứ không nói gì. Hắn bước đến thêm vài bước nữa để nhìn cho rõ mặt hai tên thủ phạm. Hắn tỏ ra kinh ngạc vì trước mặt hắn là một thiếu niên mới chừng mười sáu tuổi, nét mặt tỉnh khô đang chống kiếm đứng nhìn. Hắn thấy Hoàng Bá đã bị thương nên không thèm để ý đến, hất hàm hỏi Tín Nhi:

- Nhỏ ngươi là do bọn cướp Truông Mây phái đến phá phách à?

Tín Nhi nhìn thấy điệu bộ hống hách kiêu ngạo của tên đó cảm thấy ứa gan, hắn quẹt mũi một cái rồi đáp:

- Thiếu gia đúng là nghĩa sĩ Truông Mây. Thiếu gia đến đây để đốt kho lương của bọn ngươi chứ không phải phá phách.

Tên đề lĩnh nghe giọng nói giễu cợt của thằng nhỏ thì vừa giận vừa tức cười, nhưng hắn vẫn hỏi bằng giọng lạnh tanh:

- Có đởm khí lắm. Ngươi tên gì?

- Thiếu gia là Tín Nhi. Còn ngươi tên gì?