Én Liệng Truông Mây - Hồi 40 - Phần 1
Hồi thứ bốn mươi
Chiến tứ long, chàng Lía hiển oai hùm
Đốt kho lương, Thần Thâu vì nghĩa lớn
Trong khi các tướng sĩ triều đình lo tìm mọi cách để có thể chống lại nghĩa binh Truông Mây thì tại thành Phù Ly, các thủ lĩnh Truông Mây cũng đang họp bàn dự trù các kế hoạch sắp tới. Lía hỏi:
- Binh Quy Nhơn lúc này đã tụ về một chỗ, chúng ta có nên đánh lớn một trận để tiêu diệt chúng không?
Trần Lâm đáp:
- Nguyễn Cửu Thống đã chia quân ra ba nơi là đầm Hải Hạc, Kỳ Sơn và phủ thành Quy Nhơn làm thành thế trường xà, liên minh chống cự với ta. Lực lượng của họ rất lớn, binh đông, tướng mạnh, nếu chúng ta đương trường giao chiến đệ e rằng mình sẽ kém thế nên còn đang phân vân chưa quyết. Ý kiến của mọi người thế nào?
Văn Bảo nói:
- Theo tôi, chúng ta nên thừa thắng mà ra quân tổng tấn công một trận lớn. Nếu chần chừ địch sẽ xin Phú Xuân tăng thêm viện binh ở mặt bắc và nam, chừng đó cả hai mặt của địch đều mạnh thì chúng ta sẽ càng gặp khó khăn hơn nữa.
Trương Bàng Châu nói:
- Ý của Văn Bảo rất hợp với ý tôi.
Các thủ lĩnh khác ai nấy cũng đều tỏ ra đồng tình với ý kiến của Văn Bảo. Trần Lâm nói:
- Tất cả đều muốn đánh thì chúng ta sẽ ra quân. Theo thám mã cho biết, hiện ở đầm Hải Hạc có ba ngàn quân do Nguyễn Cửu Thống chỉ huy, tại Kỳ Sơn có hai ngàn quân dưới quyền của Tống Phước Hiệp và tại phủ thành Quy Nhơn có hơn ba ngàn quân do Phan Ngọc Chánh cùng các tướng chia ra hai nơi là thành Đồ Bàn cũ và thành mới Quy Nhơn án giữ. Ai có kế hoạch gì để chống lại ba đạo binh này không?
Lía nói:
- Chúng đóng ba nơi thì chúng ta cũng chia binh ba đạo mà đánh để khiến cho chúng không thể ứng cứu nhau được.
Văn Bảo nói:
- Ý kiến của đại ca cũng hay, nhưng hai hôm nay bọn chúng án binh bất động trong thế phòng thủ, chắc là để chờ viện binh và chờ mặt bắc cử binh để tạo thành thế gọng kìm đánh chúng ta. Tình hình đó, nếu ta kéo quân đến đánh, chúng sẽ cố thủ không ra, quân ta ít muốn phá được tuyến phòng thủ của chúng e là sẽ rất khó khăn.
Trần Lâm mỉm cười nói:
- Vậy theo tứ ca thì nên thế nào?
- Chúng ta dồn quân đánh thành Quy Nhơn, tất hai nơi kia sẽ phải kéo quân về giải cứu. Chừng đó ta đón đường chúng mà đánh thì sẽ dễ hơn nhiều. Huống chi chúng ta còn có Bát quái trận, dụ được bọn chúng ra khỏi hang thì ta cứ lập trận đó mà diệt chúng.
Lía vỗ tay đánh “bốp” khen:
- Không ngờ tứ đệ lại có tài dụng binh như thế! Ý kiến đó rất hay, Lâm đệ nghĩ sao?
Trần Lâm nói:
- Đệ cũng nghĩ như tứ ca vậy và đang chờ thám mã báo rõ chi tiết hơn về các toán quân của địch rồi mới ra quân. Nhưng điều làm cho đệ chưa muốn ra quân lúc này là do thời tiết sắp tới.
Chú Nhẫn hỏi:
- Thời tiết sắp tới như thế nào?
- Hôm qua cháu xem thiên văn thấy sao Tiết phạm vào cương vực sao Thái Âm, đó là triệu nay mai sẽ có mưa lớn kéo dài. Năm nay hạn dữ, e rằng những trận mưa này sẽ tạo thành cơn hồng thủy cũng nên. Ra quân giữa mùa mưa lớn như thế thật bất lợi, nhất là nếu sử dụng trận pháp Bát quái.
Lía la lớn:
- Lẽ nào lòng trời có ý chống lại chúng ta sao?
Trần Lâm nói:
- Lòng trời khó đoán, chúng ta hãy nương theo các thiên tượng mà tùy nghi hành sự. Đại ca không nên lo lắng làm gì.
Chú Nhẫn chen vào:
- Có việc này chú muốn báo lại để các cháu và Thiên Tường định đoạt.
Lía hỏi:
- Việc gì vậy chú?
- Có một thiếu phụ tên Quỳnh Dao đã đến gặp chú để xin giao trả lại trại gỗ của Thiên Tường mà lúc trước Hoàng Công Đức đã xử cho nàng được quyền thừa hưởng với danh nghĩa là vợ của tên Nguyễn Dao. Chú nghĩ Thiên Tường có quyền nhận lại.
- Người đàn bà này vừa biết điều vừa khôn ngoan đó. Tường đệ cũng nên thu hồi lại cơ ngơi của tổ tiên mình.
Thiên Tường nói:
- Nhận lại thì dĩ nhiên là phải nhận rồi, nhưng chú Nhẫn cứ dùng nó như một cơ sở kinh doanh cho nghĩa binh. Lúc này cháu chưa nghĩ đến việc thu nhận lại tài sản riêng.
Chú Nhẫn nói:
- Nếu vậy chú sẽ đến gặp lại bà ta để làm thủ tục thu hồi. Đang lúc chiến tranh chưa thể hoạt động kinh doanh gì được, tạm thời chú cứ tiếp nhận rồi niêm phong để đó.
Bỗng có tin từ Lại Khánh báo rằng bệnh của cha Hồ đã trở nặng, e khó qua khỏi. Trần Lâm nghe báo vội bảo các đầu lĩnh ai về vị trí nấy rồi cùng Lía và chú Nhẫn lên ngựa phóng sang Lại Khánh. Đến nơi vào thăm thì thấy cha Hồ mặt mày ốm quắt lại, sắc da và mắt vàng tái còn bụng thì trương lớn, hai chân phù to. Trần Lâm bắt mạch xong hỏi:
- Chú thấy trong người thế nào, sao lâu nay chú không cho cháu hay về căn bệnh này?
Cha Hồ cười thảm não nói:
- Chú cũng mới phát hiện ra vùng bụng của mình bỗng cứng lên và đau lâm râm độ chừng hai tháng nay. Tưởng chỉ là đau bụng thường vì khó tiêu hay gì đó, lại thấy cháu bôn ba vất vả đủ chuyện nên không muốn nói ra, sợ cháu lo. Hôm qua nay bụng bỗng trương lớn lên thế này, lại đau thắt từng cơn đến không chịu nổi, hai chân thì mỗi lúc một phù to ra, chắc là bị bệnh cổ trướng trong tứ chứng nan y rồi phải không?
- Phải chi chú nói cho cháu hay sớm thì tốt biết mấy. Bây giờ chú hãy uống mấy viên thuốc này trước đã, nó có công dụng làm giảm các cơn đau rồi cháu sẽ tìm cách chữa trị.
- Cháu không cần giấu chú làm gì. Chú biết tình trạng của mình mà. Đời người sinh tử là chuyện thường, chỉ tiếc là chú không có được diễm phúc nhìn thấy ngày anh em tiêu diệt tên cẩu tặc Quốc phó kia.
Lía nói:
- Chú an tâm, Lâm đệ sẽ có cách chữa trị cho chú mà.
- Không cần đâu, đừng phí công vô ích, hãy để thời gian và công sức mà lo cho đại cuộc.
Chú Nhẫn nắm tay cha Hồ buồn bã nói:
- Anh ráng lên, đừng tuyệt vọng. Cháu Lâm là thần y, chắc thế nào cũng có cách chữa cho anh.
Cha Hồ mỉm cười nói:
- Không cần phí thời gian cho ta làm gì nữa, hãy đưa ta về Truông Mây. Ta muốn được chôn ở đó.
Lía nói:
- Dạ, để cháu đưa chú về đó. Việc ở đây cứ để Phương Tích coi ngó.
Cơn đau bụng lại quặn lên khiến cha Hồ cố bặm môi nhưng cũng không khỏi bật lên tiếng rên, Trần Lâm vội lấy mấy viên thuốc cho ông ta uống, sau đó điểm nhẹ vào thụy huyệt để ông ta ngủ thiếp đi. Lúc ra bên ngoài, Lía hỏi:
- Tình trạng cha Hồ thế nào? Là cổ trướng à?
Trần Lâm thở dài gật đầu:
- Đã quá muộn để chữa căn bệnh nan y này rồi. Không còn lâu nữa đâu, chuẩn bị hậu sự cho chú ấy đi là vừa.
Hai người đang nói chuyện thì có một nghĩa binh vào báo:
- Thưa quân sư, bên ngoài có một tráng sĩ muốn được gặp quân sư.
Trần Lâm và Lía lấy làm lạ bèn cùng nhau ra xem. Vừa nhìn thấy người ấy, Trần Lâm vô cùng kinh ngạc nhưng chàng vẫn ôn tồn hỏi:
- Có phải là Đỗ Thành Nhơn tướng quân không? Tướng quân vẫn khỏe chứ?
Thành Nhơn hơi cúi đầu chào:
- Đỗ Thành Nhơn xin ra mắt quân sư và thủ lĩnh Lía của Truông Mây.
Lía ngạc nhiên hỏi:
- Tướng quân biết ta à? Nghe Lâm đệ kể lại sự can trường và tài ba của tướng quân, ta thật hâm mộ.
Thành Nhơn chắp tay nói:
- Cảm ơn. Uy danh và nhân nghĩa của chú Lía Truông Mây còn ai chẳng biết. Vừa nhìn khí thế của ngài, tôi đã nhận ra ngay.
Trần Lâm nói:
- Hai bên đang giao chiến, tướng quân lại đơn thân độc mã đến tìm chúng tôi chắc là có việc trọng đại. Xin mời tướng quân sang khách sảnh, chúng ta nói chuyện cho phải lẽ chủ khách.
Chàng đưa tay ra dấu mời rồi cùng Lía đi hai bên Thành Nhơn. Thành Nhơn thản nhiên bước giữa hai người, dù là đang ở nơi đất địch, giữa hai thủ lĩnh của Truông Mây nhưng ông ta vẫn ung dung, chẳng có chút sợ sệt. Khi vào khách sảnh của huyện thành, cả ba yên vị xong, Trần Lâm rót rượu mời. Sau khi cùng cạn chung, Trần Lâm hỏi:
- Chẳng hay tướng quân đến gặp chúng tôi có việc gì không?
Thành Nhơn đáp:
- Có người nhờ tôi trao tận tay quân sư một phong thư nên tôi mới bạo gan đến đây.
Nói xong, ông lấy phong thư ra trao sang cho Trần Lâm. Trần Lâm đón lấy, thấy bức thư niêm phong kín, ngoài bì thư có dòng chữ: “Gửi quân sư Truông Mây Trần Lâm”, chàng liền hỏi:
- Tôi có thể biết ai đã gởi phong thư này không?
Thành Nhơn đáp:
- Trong thư có tên của người gởi. Lát nữa quân sư đọc sẽ rõ ngay.
- Có cần tôi đọc ngay để phúc đáp không?
- Không cần. Người gởi thư nói chỉ cần trao nó tận tay quân sư là đủ rồi. Việc đã xong, tôi xin cáo từ. Đa tạ lòng nghĩa khí của các hiệp sĩ Truông Mây đã mở đường cho tôi vào đến nơi đây, lại còn ân cần tiếp đón thế này nữa.
- Hai nước giao tranh không chém sứ giả. Huống chi tướng quân lại là một anh hùng bậc nhất trong thiên hạ đời nay, là rường cột của phủ Chúa, chúng tôi đâu dám không xem trọng.
Thành Nhơn mỉm cười:
- Quân sư mới đúng là thần nhân trong thiên hạ, tôi chỉ là một tên hữu đội trưởng nhỏ nhoi, sao còn mở lời mỉa mai làm gì?
Trần Lâm chặc lưỡi than:
- Tướng quân tài trùm thiên hạ mà chỉ giữ chức hữu đội trưởng thì quả thật phủ chúa có mắt không ngươi.
- Đa tạ quân sư quá khen. Chỉ là vấn đề số mạng và thời cơ.
- Số mạng của anh hùng đều do tự tay họ nắm giữ, thỏa chí vẫy vùng để tạo lấy thời cơ cho bản thân mình. Tướng quân sao lại chịu khuất thân cho uổng đời làm vậy?
Thành Nhơn đứng lên nói:
- Ai có chí nấy. Cáo từ! Nghĩa cử này tuy lớn nhưng mai sau giữa chiến trường thật khó mà trả lễ, xin đừng trách.
Trần Lâm và Lía cũng đứng dậy tiễn khách. Lía nói:
- Tướng quân thật là người nghĩa đảm, dám vì chúa một mình vào hang cọp. Lía tôi rất hâm mộ. Hậu hội còn dài. Thượng lộ bình an.
Đỗ Thành Nhơn ôm quyền chào hai người lần nữa rồi ra nơi cột ngựa, tung mình lên lưng ngựa ung dung rời khỏi huyện thành. Trần Lâm nhìn theo nói:
- Giết hắn thì tiếc, mà để hắn đi là di đại họa cho Truông Mây về sau.
Lía nói:
- Hắn đã dám ngang nhiên một mình đến đây chẳng lẽ chúng ta lại không dám thả hắn về hay sao? Muốn giết hắn thì chờ ra nơi chiến trận cũng chưa muộn.
Cả hai quay vào trong, Trần Lâm bóc phong thư ra đọc. Thư viết:
“Ái Trúc Trai ở Vu Lai kính gởi quân sư Truông Mây Trần Lâm nhã giám.
Kẻ thảo dã này đã lánh đời, không màng đến thế sự nhưng vì sinh mạng của bao nhiêu anh em, đồng bào ruột thịt Việt tộc nên đành viết bức thư này gởi đến nhân huynh như một lời yêu cầu, mong nhận được sự tha thứ và đồng tình.
Kẻ thảo dã này may mắn học được tinh yếu trong cuốn hạ của ngài lão tổ sư Trạng Trình, tuy lòng không muốn nhưng vì lời ghi chú của tổ sư nên mạo muội kính xin nhân huynh bãi bỏ ý định dùng Tiểu trận Bát quái trong cuộc chiến tranh tuy chính nghĩa nhưng mang tính huynh đệ tương tàn này. Xin hãy dành nó trong việc đối phó với giặc ngoại xâm.
Vì đồng bào ruột thịt, vì đức hiếu sinh của đấng Thượng Thiên, vì lời dặn của tổ sư, nay kính bút.
Vu Lai Ái Trúc Trai Ngô Thế Lân.”
Trần Lâm đọc xong bức thư thở dài đưa sang cho Lía:
- Đại ca đọc đi.
Lía cầm bức thư đọc xong hỏi:
- Như vậy là sao?
- Ngài Trạng Trình khi nghiên cứu ra Tiểu Bát quái trận đã căn dặn người lập trận chỉ được dùng nó trong cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm mà thôi. Để phòng ngừa, ngài đã viết ra cuốn hạ dạy phép phá trận. Nếu trận bị phá, sự thiệt hại của đôi bên sẽ như nhau. Ngô Thế Lân vì không muốn ra giúp nhà Nguyễn nên gởi thư này yêu cầu chúng ta đừng dùng trận đồ để tiêu diệt đồng bào mình. Đệ nghĩ chúng ta đành phải nghe theo.
- Không có trận Bát quái chúng ta vẫn có thể thắng địch được mà.
- Đành phải nhờ vào đôi tay của anh em vậy. Thú thật với đại ca, khi nhìn hàng ngàn binh triều bị chết thảm trong trận La Bích hôm rồi, lòng đệ thấy vô cùng bất nhẫn. Ngay cả trời cao cũng không tán thành việc tàn sát với qui mô lớn ấy nên đã đổ trận mưa dông can thiệp. Sát nghiệp của đệ quá nặng rồi.
Lía an ủi:
- Đệ đừng buồn. Chiến tranh là như vậy đó, chúng ta cũng chỉ vì trăm họ mà thôi.
Trần Lâm thở dài như để trút đi bao nhiêu lo âu rồi nói:
- Giờ chúng ta đưa cha Hồ về lại Truông Mây. Không còn bao lâu nữa đâu. Đệ muốn xem tam ca và anh em thương tích thế nào rồi, cả Tín Nhi nữa, tội nghiệp thằng bé. Nó thật ngoan cường!
Hai người bèn sai anh em chuẩn bị đưa cha Hồ về Truông Mây. Chú Nhẫn rơi lệ chia tay để về lại Phù Ly. Khi về đến huyện thành, ông đã thấy Quỳnh Dao đợi ở nơi khách sảnh. Quỳnh Dao hôm nay trang điểm thật lộng lẫy, nàng mặc chiếc áo chẽn bằng lụa màu mỡ gà bó sát. Màu y phục thật hợp với làn da trắng mịn của nàng, như càng làm tăng thêm sức hấp dẫn, khêu gợi. Chú Nhẫn đã gặp người thiếu phụ này hai lần nhưng lần này khi vừa nhìn thấy, ông đã không khỏi giật mình bởi nét kiều diễm và thân hình quyến rũ của nàng. Sau một lúc bàng hoàng, ông niềm nở chào hỏi:
- Hôm nay phu nhân trở lại để hoàn tất mọi giấy tờ bàn giao phải không?
Quỳnh Dao nở nụ cười mỹ miều:
- Dạ đúng vậy. Huyện huynh có thể cùng tôi ghé sang bên đó để tiếp nhận mọi thứ hay không?
- Ngay bây giờ à?
Quỳnh Dao đáp, giọng rầu rầu:
- Dạ đúng vậy. Tôi muốn mọi việc kết thúc sớm để còn trở về quê. Ở đây sắp có chiến tranh, tôi là phận đàn bà lẻ loi, thật sợ lắm.
Chú Nhẫn thông cảm cho nỗi lo sợ của người mỹ phụ. Ông hỏi:
- Phu nhân không có ai thân thích ở đây sao? Rồi phu nhân trở về đâu?
Ánh mắt của Quỳnh Dao đượm một vẻ u sầu man mác, nàng đáp:
- Dạ, không có ai. Tôi không có quê, tôi nói trở về quê là tính trở về Phú Xuân, nơi mà trước kia tôi đã làm nghề ca hát để nuôi thân.
- Phu nhân định quay lại nghề cũ ư?
- Bơ vơ một thân một mình, không sản nghiệp, chỉ có giọng hát làm vốn nuôi thân nên đành chấp nhận. À, thật xin lỗi đã làm mất thời giờ của huyện huynh. Giờ chúng ta đi được chưa?
Quỳnh Dao một điều huyện huynh, hai điều huyện huynh bằng một giọng nói hết sức êm ái, ngọt ngào và ánh nhìn thật đằm thắm khiến cho chú Nhẫn cảm thấy nao nao tấc dạ. Ông là một người đàn ông sống độc thân từ khi còn là kẻ đi buôn, đến khi lên Truông Mây làm ăn cướp và cho tới bây giờ vẫn ở vậy. Lần đầu tiên tiếp xúc với một người đàn bà vừa đẹp, vừa có một hoàn cảnh đáng thương như vậy đã làm ông xuyến xao, động lòng trắc ẩn. Ông vội nói:
- Được, mời phu nhân.
Trại gỗ không xa huyện thành cho lắm, hai người thả ngựa đi nước kiệu một lúc đã đến nơi. Chú Nhẫn nhìn Quỳnh Dao ngồi trên lưng ngựa không khỏi buột miệng khen:
- Tôi cứ ngỡ phu nhân đào tơ liễu yếu, không ngờ lại biết cưỡi ngựa mà còn cưỡi thật khéo nữa. Cứ như một vị nữ hiệp.
Quỳnh Dao cười nói:
- Ở phủ Quy Nhơn này phụ nữ ai cũng biết cưỡi ngựa cả. Lúc trước tôi đâu biết, sau về đây Nguyễn Dao đã huấn luyện cho đấy. Dù vậy tôi cũng rất ít khi cưỡi ngựa một mình.
Đến trại mộc, chú Nhẫn xuống ngựa rồi theo phép lịch sự ông bước đến đưa tay ra cho Quỳnh Dao vịn vào để xuống. Quỳnh Dao đưa bàn tay búp măng cho chú Nhẫn nắm lấy rồi bỏ chân sang một bên để nhảy xuống. Không may, chân của nàng lại vướng vào bàn đạp nên cả thân hình đã té gọn vào lòng của chú Nhẫn. Chú Nhẫn vội vàng ôm đỡ nàng rồi đặt xuống đất. Sự va chạm tuy chỉ trong khoảnh khắc nhưng cũng đủ khiến cho chú Nhẫn rùng mình tê tái. Ông bối rối nói nhanh:
- Xin lỗi phu nhân.
Quỳnh Dao đôi má đỏ ửng trông càng diễm lệ vô song, nàng e thẹn nói:
- Tôi là người xin lỗi huyện huynh mới phải. Mời vào trong.
Hai người vào trong, trang trại vắng tanh không một bóng người. Chú Nhẫn hỏi:
- Không có ai ở đây à?
- Tôi đã cho mọi người nghỉ việc để chờ bàn giao cơ sở lại cho huyện huynh. Huynh có thể kiểm kê rồi tiếp nhận ngay hôm nay.
- Ngay hôm nay à? Rồi phu nhân ở đâu?
Quỳnh Dao hé nụ cười buồn:
- Tôi đã thuê tạm một gian phòng ở khách sạn Phù Ly, chờ xong việc sẽ lên đường.
Chú Nhẫn buông một tiếng thở dài thông cảm. Quỳnh Dao đưa ông đi khắp nơi để xem xét. Cuối cùng nàng nói:
- Vậy là từ nay trang trại này thuộc về các huynh, tôi không còn trách nhiệm hay quyền hạn gì nữa.
- Cảm ơn phu nhân. Chúc phu nhân gặp nhiều may mắn trên đường đời sau này.
Quỳnh Dao nhỏ giọng:
- Cảm ơn huynh, tôi chỉ mong được như vậy.
Bên ngoài trời bắt đầu đổ mưa. Quỳnh Dao vội nói:
- Trời mưa rồi. Chúng ta về nhanh thôi, tôi đã làm mất nhiều thời gian của huyện huynh quá rồi.
Chú Nhẫn mỉm cười nói:
- Không sao, mưa thế này, cưỡi ngựa vừa bị ướt lại vừa nguy hiểm lắm. Chúng ta hãy ráng đợi một lát mưa tạnh, tôi sẽ đưa phu nhân về.
Quỳnh Dao bỗng rùng mình, đưa hai tay ôm trước ngực vì có một cơn gió mang bụi mưa hắt vào qua cửa. Ngoài kia, trời đổ mưa như trút nước. Chú Nhẫn bước đến khép kín cửa lại để gió khỏi hắt vào. Bỗng một tiếng sấm nổ vang, Quỳnh Dao sợ hãi hét lên rồi nhào vào lòng chú Nhẫn và ôm cứng lấy ông. Chú Nhẫn theo phản xạ tự nhiên đã đưa hai tay ôm thân hình nhỏ bé của Quỳnh Dao để che chở cho nàng. Cơn sợ hãi đã qua, cả hai đều bối rối vừa định buông tay ra thì một tiếng sấm nữa lại nổ vang. Quỳnh Dao hoảng hốt hét lên và hai người lại ôm chầm lấy nhau. Mùi hương của mỹ phụ, hơi ấm của người đàn ông lực lưỡng như quyện vào nhau trong bóng tối ở căn nhà vắng đã làm cho họ không còn đứng vững được nữa. Họ từ từ ngã quỵ xuống sàn. Ngoài trời mưa ầm ầm như thác đổ, những tiếng sấm rền vang khiến họ chẳng dám rời nhau. Mưa tuy to, sấm tuy lớn nhưng cũng không át được tiếng thở dồn dập của hai người trong căn nhà vắng.
Thật là:
Ghê thay sóng hạnh khóe đào
Dẫu cho sắt đá cũng nhào cũng xiêu.