Én Liệng Truông Mây - Hồi 40 - Phần 3

Hồ Bân sau cái chết của cha Hồ và lời cự tuyệt khéo của Lam Tiểu Muội, cõi lòng hắn như tan nát. Trước mắt hắn là cả một màu đen dày đặc, cuộc đời chẳng còn chút lí thú gì để sống nên hắn càng lao đầu vào uống rượu nhiều hơn để quên đi. Lía khuyên can mấy cũng không được nên đành bỏ mặc.

Hôm đó, Hồ Bân đang lặng lẽ ngồi uống rượu một mình nơi quán Qua Đèo cạnh huyện thành Lại Khánh. Hắn nốc rượu liên tục cho đến lúc bình rượu cạn sạch thì gọi lớn:

- Chú Tư, cho tôi một bình nữa đi.

Chú Tư, chủ quán Qua Đèo nghe gọi lắc đầu, uể oải từ trong quầy bước đến cạnh Hồ Bân nói:

- Hồ gia uống nhiều rồi, không nên uống nữa. Vả lại Hồ gia thông cảm cho, cơn bão vừa qua đã thổi tốc cái quán này, chúng tôi phải tốn biết bao nhiêu tiền mới sửa sang lại được. Hồ gia hôm nào cũng ghé uống kiểu này, thật tình chúng tôi đã không kham nổi nữa rồi.

Hồ Bân lè nhè:

- Chú lo gì. Mai mốt đây Truông Mây dẹp được phủ Chúa, tôi là thủ lĩnh, lẽ nào không có đủ tiền để trả nợ cho chú hay sao?

- Chuyện mai mốt hãy còn xa, chỉ biết hôm nay chúng tôi đã cạn kiệt vốn liếng rồi, xin Hồ gia thông cảm cho.

Bỗng trong góc quán bên kia có người lên tiếng:

- Ông chủ quán thật không biết câu: “Anh hùng đoán giữa trần ai mới già”. Hồ gia là người thừa kế Truông Mây, mai này ngôi cao cực phẩm, sá gì mấy bình rượu nhạt mà ông lại làm khó dễ người. Phần nợ của Hồ gia bấy lâu, bao nhiêu tôi trả hết cho.

Người đó nói xong tay cầm bình rượu đang uống bước sang bàn Hồ Bân. Đó là một người đàn ông trẻ ăn vận đơn sơ, đầu đội một chiếc nón rộng vành che khuất nửa khuôn mặt, lưng giắt chiếc quạt dài bằng sắt. Hắn nói:

- Đã buồn, uống rượu một mình sẽ càng buồn hơn. Hồ gia cho phép tôi ngồi uống chung cho vơi bớt nỗi buồn được không?

Rồi không đợi Hồ Bân đồng ý, hắn ngồi xuống chiếc ghế đối diện, rót rượu vào đầy hai ly nói:

- Bình của Hồ gia hết rượu rồi. Để tôi mời Hồ gia một ly vậy. Ông chủ vào mang thêm rượu ra đây đi. Số vàng này gởi ông để thanh toán mọi khoản nợ của Hồ gia đây. Đủ chứ?

Hắn lấy trong túi ra một nén vàng lớn đưa cho chủ quán. Chủ quán cầm nén vàng mừng rỡ nói:

- Đủ chứ, đủ chứ! Tôi đi lấy rượu ngay.

Hồ Bân lừ mắt nhìn người lạ mặt rồi bưng ly rượu lên nốc cạn. Người nọ cũng uống cạn ly. Đoạn đưa bình rót tiếp vào ly nói:

- Nhân sinh mấy nả. Đã biết thế gian này là bể trầm luân sao bôn ba chi cho lắm, rốt cuộc sầu vẫn xây thành. Mời Hồ gia.

Xong hắn uống cạn. Hồ Bân cũng nốc cạn ly rượu trước mặt mình rồi hỏi:

- Anh bạn là ai? Không quen biết nhau sao lại trả nợ cho ta?

- Là người đi giải mọi thứ sầu cho thiên hạ mà không cần mượn rượu như cổ nhân vẫn nói “Dục phá thành sầu tu dụng tửu”.

- Giải mọi thứ sầu là thứ gì?

- Sầu công danh, sầu tình ái, sầu vô sản, vân vân...

- Không mượn rượu, anh bạn giải sầu bằng cách nào?

Người nọ rót tiếp rượu vào ly, bưng ly lên ra dấu mời Hồ Bân rồi uống cạn. Hồ Bân cũng uống theo. Đặt ly xuống bàn, hắn lại rót tiếp nữa và nói:

- Kẻ sầu vì chưa đạt được công danh thì mang công danh đến cho họ. Kẻ không có tiền, vô sản thì mang vàng bạc đến cho họ.

- Anh bạn là ai mà có thể mang công danh, tiền bạc cho kẻ khác?

- Là ai không quan trọng, mang được những thứ đó đến mới là điều đáng nói.

- Nén vàng lúc nãy là cách giải sầu vô sản của anh bạn hay sao?

- Đó chỉ là chuyện vặt vãnh bên lề. Một người có đại chí, đại mạng như Hồ gia đây cần phải có hàng ngàn nén như vậy, họa ra mới xứng với mấy chữ giải sầu vô sản.

- Anh bạn định giải sầu cho ta hay sao?

- Đúng vậy.

- Mọi nỗi sầu?

- Đúng vậy.

- Sầu công danh?

- Cái huyện nhỏ như huyện Hoài Nhơn này là bước một.

- Sầu tình?

- Có địa vị, có tiền tài tự nhiên sẽ có tình.

- Điều kiện thế nào?

- Vô điều kiện.

Hồ Bân uống cạn ly rượu rồi cười ha hả nói:

- Nhảm nhí vô cùng! Ha ha... Anh bạn đang nói chuyện phong thần với ta phải không?

- Hồ gia không tin?

- Chuyện nhảm làm sao bảo ta tin cho được?

Người nọ lấy trong người ra một túi vàng khá lớn, ước chừng vài trăm lạng đặt lên bàn, đẩy sang trước mặt Hồ Bân nói:

- Nếu Hồ gia dám nhận thì chuyện phong thần sẽ trở thành chuyện thật giữa cõi trần gian này. Nhiêu đây có thể giải bớt một phần mười nỗi sầu vô sản của Hồ gia đó.

Rồi hắn đứng lên bỏ ra khỏi quán, lên ngựa phóng đi một mạch mất dạng. Hồ Bân ngơ ngác nhìn theo. Qua cơn bàng hoàng Bân mới mở gói vàng ra xem rồi lẩm bẩm:

- Ba trăm lượng vàng để giải bớt một phần mười nỗi sầu vô sản. Vậy là ba ngàn lạng vàng có thể giải hết nỗi sầu nghèo túng của ta. Ha ha... Ngươi có gan đưa ra thì Hồ Bân này cũng có gan nhận đủ. Ha ha...

Rồi hắn nhét túi vàng vào người. Chủ quán từ phía sau mang bình rượu lên vồn vã nói:

- Không ngờ Hồ gia lại có một bằng hữu tốt như vậy. Nén vàng lúc nãy còn dư để Hồ gia có thể đến đây uống cả tháng nữa đấy.

Hồ Bân cười nói:

- Chú Tư yên chí. Từ nay tôi không uống thiếu của chú nữa đâu.

Nói rồi hắn cầm bình rượu đứng dậy, ngật ngưỡng bước ra ngoài lên ngựa phóng đi.

***

Xuân Kỷ Sửu 1769 lặng lẽ trôi qua cùng những tiếng thở dài của bá tánh sau cơn đại hạn hè - thu và cơn bão lụt mùa đông. Rằm tháng giêng là ngày chấm dứt thời hạn hưu chiến. Triều đình lại rục rịch bàn định kế hoạch ra quân tiễu trừ bọn cướp Truông Mây vì toán quân của Nguyễn Cửu Thống và Tống Phước Hiệp đã tạo gánh nặng cho Quy Nhơn trong việc cung cấp lương thực. Tại phủ thành, Nguyễn Cửu Thống triệu tập các tướng lãnh lại để họp bàn kế sách. Ông nói:

- Trước hết tôi thay mặt Định vương và Quốc phó gởi lời cảm ơn đến các anh em Châu thị huynh đệ một nhà tứ long, nhất phụng đã chịu bôn ba từ Phú Yên ra đây giúp chúng tôi tiễu trừ bọn giặc cướp. Việc xong, tôi nhất định sẽ tâu lên Vương thượng để ban thưởng xứng đáng. Tứ long có đủ mặt đây, còn nhất phụng đâu?

Châu Văn Tiếp nói:

- Nguyên soái không cần bận tâm. Anh em chúng tôi ngoài việc phụng sự đất nước còn có chút tư tình riêng cần thanh toán với tên Lía Truông Mây. Vì vậy nên mới nhận lời tướng quân Nguyễn Văn Hưng ra đây góp sức. Ở đây đủ mặt anh hùng, ngũ muội là phận nữ lưu, chúng tôi đâu dám cho đi theo, e thất lễ.

- Nói rất hay. Nghe nói Doãn Chữ huynh đây là người đa mưu túc trí, xin cho biết chúng ta nên ra quân thế nào?

Doãn Chữ ôn tồn nói:

- Nguyên soái quá khen. Theo ngu ý của tôi, việc trước tiên nguyên soái cần phải xin Phú Xuân điều quân cùng lúc với chúng ta để đánh mặt bắc, chia bớt một phần lực lượng của địch. Ở mặt nam này, thứ nhất, chúng ta phải làm ra vẻ dốc toàn bộ binh mã đi đánh Phù Ly để địch có thể sử dụng kế “phản khách vi chủ” đánh chiếm phủ thành của ta. Sau đó, chúng ta tương kế tựu kế, dùng phản kế “phản chủ vi khách” để phục binh bao vây tiêu diệt toán quân cướp thành của địch; thứ hai, nguyên soái đem một toán quân bộ ra Cách Thử, qua ngả núi Bà, men dọc bờ hồ Đạm Thủy rồi theo sông Phù Ly tiến lên đánh chiếm huyện thành. Toán thủy quân của địch ở đó tất sẽ bỏ thủy trại để đuổi theo tấn công chúng ta. Chừng đó, ta cho một toán quân thủy dùng thuyền đổ vào cướp thủy trại của địch ở Đạm Thủy, sau đó lên bờ chặn đường về của chúng. Phần nguyên soái lúc đó đổi hậu quân thành tiền quân quay lại đánh trả. Địch quân ở Đạm Thủy chỉ có một ngàn người tất sẽ bị nguyên soái diệt gọn; thứ ba, anh em tôi xin được theo cùng đại quân của cai cơ Tống Phước Hiệp, dùng bè nhỏ vượt sông Phù Ly đánh chiếm huyện thành. Nếu cánh quân mặt bắc có thể vượt được đèo Thạch Tân thì chúng ta hai mặt giáp công, dồn bọn cướp về hết ở Truông Mây. Năm rồi hạn hán và bão lụt liên miên, bọn Truông Mây không còn lương thực dự trữ. Chúng ta không cần đánh, bọn chúng cũng sẽ tự nhiên tan rã.

Nguyễn Cửu Thống mừng rỡ vỗ tay khen:

- Hay lắm! Vậy Phan Ngọc Chánh cùng các tướng Quy Nhơn hãy lập kế dụ địch vào cướp thành. Ngay từ lúc này, các ông nên bí mật cho mai phục một toán quân ở thành Đồ Bàn cũ để đổ ra bao vây chúng. Trong thành Quy Nhơn, các ông cũng cho quân sĩ giả dạng thường dân ở lại giữ thành để tránh tai mắt của địch.

Phan Ngọc Chánh nói:

- Tuân lệnh nguyên soái.

Doãn Chữ tiếp:

- Chúng ta sẽ tung tin giả là tập trung toàn bộ lực lượng ở cánh quân tấn công Phù Ly, cho địch có cơ hội cướp thành. Ở cánh của nguyên soái cũng phải tung tin như thế.

Lưu Khâm lên tiếng:

- Nếu các vị có thể dồn bọn cướp về hết trong thành Truông Mây tôi sẽ có cách khiến cho bọn chúng chết sạch không còn một tên mà bên mình không phải hao tổn một binh một tốt nào cả.

Cửu Thống trợn mắt hỏi:

- Ông nói thật đó chứ?

Lưu Khâm rung đùi đáp:

- Hạ quan chỉ có một cái đầu, đâu dám nói giỡn trước mặt nguyên soái và các vị tướng quân ở đây.

- Cách gì, ông nói ta nghe thử. Ở đây toàn là những tướng lãnh trụ cột của triều đình, ông không cần ngại.

Lưu Khâm nghiêm nét mặt nói:

- Quân cơ bất khả lậu. Xin nguyên soái thứ cho hạ quan giữ kín. Đợi chừng nào bọn cướp bị dồn vào hết trong Truông Mây, hạ quan khắc sẽ trình bày lên nguyên soái kế hoạch sau cùng.

- Hay lắm! Ông làm việc như thế mới đúng với binh pháp. Là ta sai. Thôi, các ông ai về lo việc nấy. Ta đã nhận được tin từ Phú Xuân, hẹn cùng nhau ra quân vào đầu tháng sau. Ta cần một viên tướng biết rõ địa hình vùng Đạm Thủy đi theo ta. Ai có thể làm việc này?

Khắc Tuyên nói:

- Phạm Kiến Tính là đại tướng ở Càn Dương, có thể đi theo nguyên soái được.

- Vậy được. Ông bảo ông ấy theo ta.

Cửu Thống lấy trong túi áo ra một phong thư đưa cho Nguyễn Khắc Tuyên bảo:

- Ông cử người đem chiến thư này ra Phù Ly trao cho bọn Truông Mây, báo với bọn chúng là thời hạn hưu chiến đã hết, triều đình sẽ động binh tiễu trừ.

Khắc Tuyên nhận thư rồi sai người mang ra Phù Ly.

Tin tức cánh quân từ phủ Quy Nhơn tiến đánh Phù Ly với số quân lên đến tám ngàn và cánh quân từ Quảng Ngãi do danh tướng Nguyễn Cửu Dật cùng Nguyễn Phúc Hương chỉ huy năm ngàn quân tinh nhuệ của Phú Xuân vào đánh đèo Thạch Tân tới tấp bay về Truông Mây. Trần Lâm họp các đầu lĩnh ở Lại Khánh để bàn cách đối phó. Chàng nói:

- Đây là trận chiến mang tính quyết định, mong tất cả anh em phải hết sức cẩn thận.

Lía hỏi:

- Đệ dự tính đối sách thế nào?

- Nghe nói bốn anh em Chu Văn Tiếp từ Phú Yên ra Quy Nhơn giúp cho Cửu Thống để trả thù đại ca. Họ đều là những người văn võ toàn tài, hợp cùng bọn Tống Phước Hiệp ắt sẽ tạo thành một cánh quân hết sức hùng mạnh.

- Nhà họ Châu đúng là một lũ không biết điều phải trái, nhân quả. Ngày xưa ta vì lời dặn của mẹ không muốn lạm sát kẻ vô can nên mới tha cho bọn họ. Nay họ còn nuôi mộng báo thù thì đừng trách ta độc ác. Ta sẽ lãnh mặt trận phía nam này để xem anh em họ làm gì được ta.

- Ra trận tiền, trước thiên binh vạn mã, mưu trí giữ vài trò quyết định, đại ca nên cẩn thận, không nên ỷ tài. Nếu đại ca chỉ huy cánh nam thì cần phải bàn bạc với chú Lê Trung và tứ ca để cùng nhau hành sự. Đệ sẽ lo đối địch với bọn Nguyễn Cửu Dật ở mặt bắc.

- Ta sẽ lưu ý việc này, đệ cứ an tâm mà lo mặt trận phía bắc. Nguyễn Cửu Dật là hổ tướng bậc nhất của phủ Chúa Nguyễn, họp với bọn Đỗ Thành Nhơn và đám quân tinh nhuệ của Phú Xuân sẽ là đối thủ đáng gờm, đệ phải hết sức cẩn thận mới được.

- Cảm ơn đại ca, đệ sẽ cẩn thận.

Trương Văn Bảo hỏi:

- Lâm đệ nghĩ mưu kế hôm nọ có còn sử dụng được trong lúc này không?

- Theo tin thám báo cho biết thì bọn Tống Phước Hiệp và quân phủ Quy Nhơn kéo toàn bộ lực lượng để đi đánh Phù Ly. Nhưng đệ tin chắc rằng đó chỉ là tin thất thiệt nhằm đánh lạc hướng chúng ta, dụ chúng ta vào cướp thành rồi bao vây tiêu diệt. Đệ tin là họ đã bí mật để quân lại thủ thành và đóng binh bên ngoài chờ bao vây chúng ta. Nếu chúng ta áp dụng kế “phản khách vi chủ” như lần trước sẽ trúng kế của họ.

Văn Bảo giật mình nói:

- Nguy hiểm thật! Nếu không có đệ nhắc thì ta đã trúng kế của địch rồi. Vậy giờ chúng ta phải làm sao?

- Ta sẽ không cướp thành Quy Nhơn mà phải dụ bọn chúng bỏ thành tiến đánh chúng ta rồi cho phục binh bao vây tiêu diệt.

Trương Bàng Châu hỏi:

- Dụ chúng bằng cách nào?

- Tứ ca và Trương huynh cứ theo lời chỉ dẫn trong mật thư này mà làm. Nhưng chờ khi về đến Phong An rồi hãy mở ra xem.

Trần Lâm trao cho Văn Bảo một bức thư. Văn Bảo nhận thư, cất kỹ vào trong người. Trần Lâm lại đưa cho Lía một mật thư khác, dặn:

- Đại ca và chú Trung trấn giữ bờ bắc sông Phù Ly, chờ cho đại quân của Tống Phước Hiệp đến bên kia sông thì mở ra rồi cứ theo đó mà làm.

Đang bàn bạc thì có thám mã từ Phù Ly mang chiến thư của Nguyễn Cửu Thống đến. Lía đọc xong đưa cho Trần Lâm, cười ha hả nói:

- Bọn chúng đưa chiến thư hẹn đầu tháng hai, tức là còn hai hôm nữa sẽ ra quân tiêu diệt chúng ta. Ha ha... Hãy chờ xem ai tiêu diệt ai cho biết.

Trần Lâm đọc qua rồi đưa cho Hồ Bân. Chàng nói:

- Lời lẽ của Nguyễn Cửu Thống đầy vẻ tự tin. Chúng ta không nên xem thường.

Hồ Bân hỏi:

- Trận này Lâm đệ định sai ta làm gì?

- Chúng ta sẽ bỏ thành Phù Ly, tam ca và chú Nhẫn cùng Lưu Phương Tích hãy về cố thủ Truông Mây. Lần này bọn chúng ra quân là có ý muốn dồn chúng ta trở về trong đó rồi bao vây chờ ta chết đói. Tam ca cùng năm trăm anh em ở đó sẽ là rào chắn cuối cùng cho tất cả.

Võ Tiến hỏi:

- Còn cánh quân Nguyễn Cửu Thống, quân sư tính sao?

- Võ huynh gấp rút cho một toán nhỏ anh em đem toàn bộ chiến thuyền ra cửa An Dũ, hội với cánh quân của Đặng tướng quân, bỏ thủy trại Đạm Thủy đi nhưng nhớ là hãy treo cờ xí lên thật nhiều. Sau đó, cứ theo lời dặn trong thư này mà hành sự. Tôi sẽ cho Thiên Tường mang kỵ binh đến tiếp viện. Tướng quân hãy trở về gấp để thực hiện mọi việc ngay hôm nay đi.

Võ Tiến nhận mật thư rồi lập tức lên đường. Trần Lâm đưa cho Thiên Tường một mật thư và dặn:

- Đệ đọc đi rồi làm ngay.

Thiên Tường nhận thư ra đi. Trần Lâm nói:

- Tất cả kế hoạch hành quân ở mặt nam đều đã viết trong các mật thư. Lần này binh triều ra quân với ý muốn báo thù, binh tướng lại đông nên chúng ta cũng cần phải ra trận với ý chí địch không chết thì ta chết mới mong có hi vọng thành công được. Còn ai có ý kiến gì nữa không?

Lía hỏi:

- Tình hình mặt bắc đệ đã có đối sách chưa? Bao nhiêu quân mã đệ đã dùng cả vào mặt nam này, liệu số còn lại có đủ cho đệ dùng không? Còn bản Đá Vách thì sao? Đệ có nhờ đến họ không?

- Không dùng được trận đồ thì chỉ còn dựa vào sự hiểm trở của núi non mà thôi. Đệ đã có chủ kiến. Đại ca an tâm. Bản Đá Vách đã bị đại binh phủ Quảng Ngãi kéo lên trấn đóng nơi Trường Lũy chặn đường rồi. Lần này họ chẳng giúp gì được cho chúng ta cả. Nếu không còn ai có ý kiến gì nữa thì chúng ta ai về lo việc nấy.

Mọi người hăm hở ra đi. Trần Lâm, Lam Tiểu Muội và Tín Nhi cùng với năm mươi kỵ binh hộ vệ và một trăm nhân mã trong toán thần mã vội vã phóng ngựa ra bến Lại Dương. Khi đến bến đò, Trần Lâm dặn Tiểu Muội:

- Muội hãy xuống cửa An Dũ giúp Đặng Thông canh giữ nơi đó. Đã có thêm ba mươi chiến thuyền của Võ Tiến đưa ra tăng viện rồi. Bảo Đặng Thông bằng mọi giá phải giữ vững cho được cửa sông.

Tiểu Muội nhận lệnh phóng ngựa đi ngay. Trần Lâm vội xuống đò qua bến Lại Dương rồi cấp tốc phi ngựa đến đèo Thạch Tân, chuẩn bị chặn đánh toán quân của Nguyễn Cửu Dật.

Nói về Nguyễn Cửu Dật theo lệnh trên sau khi ăn tết Nguyên Đán Kỷ Sửu xong, ngày mười sáu tháng giêng đã dẫn năm ngàn quân tinh nhuệ của Phú Xuân rầm rộ vượt đèo Hải Vân vào đóng tại Mộ Hoa, Quảng Ngãi, chờ ngày ra quân đồng bộ với cánh của Nguyễn Cửu Thống ở Quy Nhơn. Quan huyện Mộ Hoa là Chu Bách hay tin đã vội vàng đích thân đến doanh trại để họp. Nguyễn Cửu Dật hỏi:

- Vấn đề lương thảo ông chuẩn bị thế nào rồi?

Chu Bách nở nụ cười cầu tài đáp:

- Dạ, sau khi kho Long Phượng bị cháy, chúng tôi đã cho tăng cường quân phòng thủ kho Phú Đăng rất nghiêm ngặt, vấn đề quân lương kỳ này tướng quân không phải lo ngại gì cả.

Nỗi sợ hãi gây ra bởi trận đồ Bát quái trong trận chiến lần trước vẫn còn ám ảnh mãi trong đầu Nguyễn Phúc Hương. Tuy Đỗ Thành Nhơn đã nói đi nói lại bao nhiêu lần là Truông Mây sẽ không dám bày trận đó nữa nhưng Nguyễn Phúc Hương vẫn cứ hỏi:

- Ngươi có chắc là bức thư của Ngô Thế Lân có thể buộc bọn Truông Mây không lập lại trận đồ Bát quái nữa không?

Đỗ Thành Nhơn đáp:

- Thưa Tiết chế, cứ theo lời của Thế Lân thì chắc bọn Truông Mây sẽ không lặp lại thế trận đó. Trường hợp chúng vẫn dàn trận để ngăn chúng ta, Thế Lân hứa sẽ ra mặt giúp chúng ta phá trận. Chúng ta hãy chờ xem.

Nguyễn Cửu Dật hỏi:

- Trường hợp địch không lập trận nhưng vẫn cố thủ trên đèo, các ông có kế gì để phá địch không?

Thành Nhơn đáp:

- Hôm trước, khi mang thư của Thế Lân đến Lại Khánh, tiểu tướng có đi qua đèo Cung Quảng và Thạch Tân. Quan sát sơ qua cách phòng thủ của địch thì thấy chúng phòng thủ rất ư là nghiêm mật và hữu hiệu. Tiểu tướng suy nghĩ mãi vẫn không tìm ra được cách nào để có thể đem quân vượt qua đèo, vì vậy tiểu tướng đã bỏ ra nửa tháng trời lặn lội trong vùng núi đó, may thay gặp được một người tiều phu đã chỉ cho một con đường nhỏ vòng qua hồ Đá Giàng lên tới bên kia đỉnh đèo Cung Quảng. Tuy nhiên, cần phải mất một thời gian khai phá mới có thể chuyển quân đi được.

- Giỏi lắm! Ngươi có dám lãnh một ngàn quân phá đường để đánh tập hậu bọn chúng không?

- Tiểu tướng xin nhận trách nhiệm này. Ngày ra quân, tiểu tướng sẽ dẫn một ngàn quân, giả vờ tiến về Trường Lũy theo thượng đạo vào An Lão uy hiếp Truông Mây rồi đang đêm bất thần quay trở lại con đường bí mật ấy. Trong khi đó, hai vị tướng quân phải ra sức tấn công lên đèo để đánh lạc hướng chú ý của địch.

- Nay đã có con đường bí mật đó thì việc phá đèo Thạch Tân không khó nữa rồi. Hôm qua dừng chân ở phủ Quảng Ngãi, tôi có nhờ quan tuần phủ điều vào cửa sông Vệ năm mươi chiến thuyền, ông tiết chế và Trương Kế hãy bí mật mang một ngàn năm trăm quân vào đánh cửa An Dũ, phần tôi sẽ lãnh nhiệm vụ tấn công lên đèo.

Kế hoạch bàn định xong, Nguyễn Cửu Dật kéo đại binh đến đóng bên cạnh đầm Diên Trường, chờ tin của Nguyễn Cửu Thống từ Quy Nhơn đưa ra rồi sẽ tiến quân đánh chiếm đèo Cung Quảng.

Trên đèo Cung Quảng, Trần Lâm từ Lại Khánh ra tới nơi liền họp các đầu lĩnh lại bàn kế hoạch chống địch. Chàng hỏi:

- Tình hình ở Mộ Hoa thế nào?

Đinh Hồng Liệt đáp:

- Thám mã về báo Nguyễn Cửu Dật và Đỗ Thành Nhơn đang kéo bốn ngàn quân tiến về núi Diên Trường. Riêng Nguyễn Phúc Hương và Trương Kế thì dẫn một toán quân xuống cửa sông Vệ, có lẽ bọn họ sẽ tiến đánh cửa An Dũ.

- Cửa An Dũ rất vững vàng, ta không phải lo. Bây giờ nhị ca cùng năm trăm anh em trấn giữ đỉnh đèo Thạch Tân. Đệ và Đinh thúc sẽ đem số quân còn lại đóng ở mặt bắc đèo Cung Quảng để chống địch.

Ngừng lại một lát, Trần Lâm nói tiếp:

- Điều cháu lo là sẽ rất khó đối phó với Nguyễn Cửu Dật và đội binh tinh nhuệ của Phú Xuân. Mặc dù đèo Thạch Tân hiểm trở khó vượt qua nhưng nếu họ liều chết đánh phá thì sự thiệt hại của đôi bên sẽ rất lớn.

Hồng Liệt hỏi:

- Sao lần này cháu không bày trận Bát quái để ngăn địch?

- Hôm trước Đỗ Thành Nhơn có mang thư của Ngô Thế Lân trao cho cháu. Thế Lân khuyên cháu hãy bỏ ý định dùng trận pháp đó để giết đồng bào của mình. Ông ta biết cách phá trận. Cháu nghĩ đến việc cả hai bên đều sẽ có hàng ngàn người cùng thiệt mạng nên không dùng tới.

Tín Nhi bỗng lên tiếng:

- Sao mình không đốt kho lương Phú Đăng của bọn chúng như lần trước để cho chúng vừa bị đói vừa mất tinh thần hở Lâm ca?

Trần Lâm mỉm cười:

- Một kế không nên dùng hai lần. Bây giờ mà đệ dẫn xác tới kho lương thì sẽ bị chúng làm thịt ngay.

Hồng Liệt nói:

- Ý kiến của Tín Nhi hay đó. Ta nghĩ địch cũng nghĩ rằng mình sẽ sợ nên tuy chúng có tăng cường canh gác phòng bị nhưng chắc vẫn có ý khinh thường mà sơ hở. Một mình ta sẽ dễ dàng lọt vào và thực hiện việc đốt kho hơn, nếu không thành, chuyện thoát thân cũng không khó lắm. Cháu nghĩ sao?

- Với thân thủ của chú, việc sẽ khả thi, nhưng cháu e rằng rất nguy hiểm.

- Vào cuộc chiến thì đâu đâu cũng đều nguy hiểm. Nếu phải hi sinh mà có thể mang lại chiến thắng thì cũng đáng lắm chứ.

- Chú đã quyết thì phải chuẩn bị kỹ càng và cẩn thận mới được. Chú dự tính đến đó bằng cách nào?

- Dưới chân đèo Thạch Tân, ở cửa Sa Huỳnh có một xóm chài nhỏ, mình có thể mướn một ngư thuyền ra cửa Mỹ Ý rồi từ đó đến núi Sa Băng. Kho Phú Đăng ở sát chân lũy cạnh đồn Sa Băng.

Tín Nhi lo lắng hỏi:

- Sư phụ cho con đi cùng được không? Hai người bao giờ cũng hay hơn.

- Không được, con phải ở lại để giúp cho Lâm ca của con.

Trần Lâm nói:

- Chú nên đem Hoàng Bá đi theo. Hắn là người có khinh công khá nhất trong toán thiết kỵ, lại có kinh nghiệm và rành rẽ địa thế vùng Mộ Hoa.

Hồng Liệt cười nói:

- Như vậy cũng tốt. Ta phải lên đường ngay. Đêm ba mươi phải cho lửa cháy sáng rực bầu trời Mộ Hoa để đón chào ngày khai chiến trở lại.