Én Liệng Truông Mây - Hồi 40 - Phần 4

Nhắc lại Võ Tiến về đến Đạm Thủy liền mở mật thư của Trần Lâm ra xem, sau đó theo lời dặn trong thư gấp rút tiến hành mọi việc. Võ Tiến cho một đội thủy quân mang những chiến thuyền cấp tốc ra khơi để rút về cửa An Dũ, lại giao cho Bùi Tiến Hưng ba trăm quân cung tiễn ở lại giữ thủy trại và dặn:

- Bùi huynh cứ theo lời quân sư làm như vầy... như vầy..., ắt sẽ tiêu diệt được toàn bộ chiến thuyền của địch nếu họ vào đây cướp thủy trại. Việc xong, huynh dẫn anh em lên trấn giữ đèo Ô Phi chờ lệnh.

Tiến Hưng y kế thi hành ngay. Phần Võ Tiến kéo năm trăm nghĩa binh đến phục nơi chân núi, bên bờ hồ Đạm Thủy.

Nói về Nguyễn Cửu Thống đang điều động ba ngàn quân đổ bộ lên cửa Cách Thử, rồi theo đường bộ kéo ra bờ Đạm Thủy để vào Gò Kho. Số chiến thuyền sau đó do tán lý Trần Hoàng cùng năm trăm thủy quân tiếp tục ra khơi, tiến vào cửa Đề Gi để cướp trại Đạm Thủy của nghĩa binh.

Tướng tiên phong là Phạm Kiến Tính đem một ngàn quân đi trước, Cửu Thống cùng tổng nhung Thành dẫn ngàn rưỡi quân đi sau. Quân của Phạm Kiến Tính qua khỏi bờ hồ Đạm Thủy bắt đầu tiến lên vùng Gò Kho thì quân của Cửu Thống cũng sắp ra khỏi đoạn đường giữa chân núi và bờ hồ. Bỗng từ trong mé núi, cung tiễn bắn ra như mưa. Ba trăm nghĩa binh của Võ Tiến được trang bị toàn nỏ liên châu nên tên bắn chẳng khác nào bão cát. Nguyễn Cửu Thống thất kinh, ra lệnh cho quân sĩ vừa đỡ tên vừa tiến nhanh ra khỏi con đường núi chật hẹp. Toán trung quân của Cửu Thống khi thoát ra khỏi đoạn đường đó đã có gần phân nửa bị trúng tên và bỏ lại gần hai trăm xác chết. Phần Cửu Thống nhờ có toán vệ sĩ bảo vệ chung quanh nên mới không bị thương nhưng cũng đã hoảng sợ đến vỡ cả mật.

Toán quân của Cửu Thống vừa rời khỏi thì quân đoạn hậu của tổng nhung Thành áp tải quân lương cũng vừa vào hết trong đoạn đường núi đó. Thấy phía trước có phục binh, ông ta còn ngần ngừ chưa biết quyết định thế nào, bỗng nghe có một tiếng pháo nổ vang, hàng ngàn mũi tên từ trong núi liên tục bay ra. Lại thêm hơn hai trăm trong số năm trăm quân đoạn hậu bị trúng tên. Tổng nhung Thành hốt hoảng giục quân lui lại, lệnh chưa dứt thì trong núi tiếng quân reo dậy đất, hai trăm nghĩa binh đổ ra chém giết quân triều đình tơi bời, người chết như rạ. Tổng nhung Thành vội giục ngựa dẫn quân chạy về phía trước, cố thoát ra khỏi tử lộ này. Bỗng có tiếng hét lớn:

- Tướng triều chớ chạy, có Võ Tiến đây!

Lập tức, Võ Tiến từ trên một tảng đá tung người nhảy xuống chém một đao sấm sét vào đầu tổng nhung Thành. Tổng nhung Thành đang lúc hồn vía lên mây, bị tiếng hét của Võ Tiến làm cho bủn rủn tay chân, bị một đao xả xuống ngang vai rớt xuống ngựa chết ngay tại chỗ. Toàn bộ toán lính triều đình vận lương không một tên nào chạy thoát khỏi cuộc tấn công của nghĩa binh. Võ Tiến cho quân thu thập số quân lương rồi trở lại thủy trại Đạm Thủy. Tiến đoạt luôn con ngựa Thanh Tông của tổng nhung Thành dẫn đầu phóng đi trước. Khi toán quân của Võ Tiến về đến thủy trạo đã thấy lửa cháy ngút trời, mấy chục chiến thuyền của tán lý Trần Hoàng đang bốc cháy dữ dội. Trên bờ, quân lính hai bên đang chiến đấu kịch liệt. Thấy Bùi Tiến Hưng đang giao chiến với Trần Hoàng, Võ Tiến liền hét lớn một tiếng xông vào. Thanh kim đao trong tay Tiến nhoáng lên, chém Trần Hoàng một nhát. Hoàng vừa né khỏi một đường đao của Tiến Hưng, chưa kịp xoay xở đã lãnh trọn một đao của Võ Tiến, rớt xuống ngựa tử trận. Giết được tên chỉ huy, hai tướng đến giúp anh em nghĩa binh tiêu diệt gọn toán thủy quân của triều đình.

Võ Tiến nói với Bùi Tiến Hưng:

- Quân sư dặn chúng ta phải đem toàn bộ quân ở đây ra giữ đèo Ô Phi nhưng nay ta đoạt được rất nhiều lương thảo, vậy Bùi huynh hãy dùng số chiến thuyền chưa bị hủy của địch mà chở ra An Dũ. Phần tôi sẽ đem năm trăm anh em rượt theo Nguyễn Cửu Thống để giúp cho toán kỵ binh của Thiên Tường.

Tiến Hưng hỏi:

- Võ huynh không kéo quân về trấn giữ đèo Ô Phi hay sao?

- Quân của Kiến Tính và Cửu Thống còn rất đông, lại toàn là quân tinh nhuệ, tôi sợ toán kỵ mã của Thiên Tường sẽ bị chúng bao vây tiêu diệt. Xong việc tôi sẽ kéo quân về giữ đèo Ô Phi sau.

- Đã vậy Võ huynh nên thận trọng.

Hai người chia tay, Tiến Hưng đưa toàn bộ lương thảo cướp được xuống gần ba mươi chiến thuyền của tán lý Hoàng còn chưa bị đốt. Trận đánh “không thành kế” vừa rồi, Tiến Hưng thực hiện theo kế sách của Trần Lâm rất thành công. Với ba trăm quân cung nỏ, Tiến Hưng đã bao vây tiêu diệt gọn quân triều đình và dùng tên lửa đốt cháy một số chiến thuyền của địch.

Trong khi đó, đội quân tiên phong của Kiến Tính vừa đến vùng Gò Kho bỗng nghe một tiếng pháo nổ vang. Bốn trăm thiết kỵ quân do Thiên Tường chỉ huy từ sau một gò đất đã lao ra như vũ bão, la hét vang trời xông thẳng vào binh triều thẳng tay chém giết. Toán quân thiết kỵ này hùng dũng phi thường, đám bộ binh của Kiến Tính bị bất ngờ nên đã trở thành những cây thịt để cho đoàn quân thiết kỵ giày xéo. Tuy nhiên, Phạm Kiến Tính là một viên tướng giỏi, nhiều kinh nghiệm, ông vội hô quân gom lại thành một vòng tròn để bảo vệ lẫn nhau. Dù vậy, đoàn quân thiết kỵ như những chiến xa, nhanh chóng xé nát đội hình của toán binh triều và tiêu diệt hàng loạt. Thiên Tường vì muốn tốc chiến nên giục ngựa lao thẳng vào Kiến Tính, tung ra một đường gươm sấm sét. Kiến Tính múa thương gạt đường kiếm của Thiên Tường rồi đâm trả một thương phản công. Hai tướng quần nhau được một lúc thì đại binh của Nguyễn Cửu Thống đã chạy lên đến nơi. Chúng bao vây toán kỵ binh vào giữa. Bỗng nghe Thiên Tường hét lớn một tiếng, rạp người xuống lưng ngựa né mũi thương vừa đâm tới của Kiến Tính. Thanh kiếm trong tay Tường như con rắn, luồn theo cây thương đâm trả vào nách địch thủ. Kiến Tính quả không hổ danh là Càn Dương bất bại tướng, thanh luyện tử kim thương của ông nhanh như chớp đã xoay ngược cán thương trở lại, hất tung thanh kiếm đang lao tới. Tiện thể ông xoay ngựa rồi đâm Thiên Tường một nhát, mũi thương xuyên qua hông, xé rách toạc áo của Thiên Tường, máu tuôn ra lai láng. Thiên Tường cả sợ bèn quày ngựa bỏ chạy. Kiến Tính liền vỗ ngựa rượt theo hét lớn:

- Nếu ngươi chạy thoát được khỏi tay ta thì ta bỏ đời làm tướng.

Thiên Tường đang chạy bỗng quay lại, vung tay phải về phía sau, một mũi phi đao xé gió bay vút vào mặt Kiến Tính. Kiến Tính giật mình nghiêng người sang bên để né mũi phi đao. Gần như đồng thời với tay phải, tay trái của Thiên Tường cũng vung mạnh ra sau, một mũi phi đao thứ hai như vô hình vô ảnh đã găm lút sâu vào giữa trán của Kiến Tính. Kiến Tính hét lớn một tiếng nhào xuống ngựa, kết liễu một đời Càn Dương bất bại tướng ngay trên đất Càn Dương của mình.

Thiên Tường tuy hạ được tướng địch nhưng vết thương bên hông khá nặng. Chàng vội giục ngựa ra ngoài vòng chiến, xé toạc mảnh áo nơi hông, lấy thuốc kim thương rịt vào vết đâm rồi dùng mảnh vải áo quấn tạm lại. Viên đội phó đội kỵ binh thấy Thiên Tường bị thương thì liền cùng năm kỵ mã nữa phóng ngựa đến bao vây chung quanh để bảo vệ chủ tướng. Vừa lúc đó, toán quân của Võ Tiến cũng đã đuổi kịp và xông vào tấn công binh triều. Nguyễn Cửu Thống cùng hai viên vệ trưởng giục ngựa xông ra chặn Võ Tiến lại vây đánh. Võ Tiến một mình phải giao đấu với ba người nên tay chân luống cuống. Cuối cùng bị Cửu Thống hạ một đao nhào xuống ngựa chết tại trận. Thiên Tường thất kinh thét anh em xông vào cướp xác Võ Tiến rồi ra lệnh lui binh theo đường lớn, dọc núi Bà chạy ngược lên trại Phong An. Toán quân kỵ đi sau lập thành hàng rào bảo vệ cho quân bộ của Võ Tiến.

Vì số quân còn lại quá ít mà đa số đều bị thương, trời lại sắp tối nên Nguyễn Cửu Thống không dám cho lính đuổi theo. Ông bèn ra lệnh cho quân sĩ dừng chân tạm nghỉ để lo chữa thương, chờ đạo quân của tán lý Trần Hoàng và tổng nhung Thành kéo lên hợp quân. Đồng thời sai thám mã chạy xuống đầm Đạm Thủy xem xét tình hình. Điểm lại binh mã thấy còn hơn ngàn quân, Cửu Thống ngửa mặt than:

- Truông Mây đúng là một đạo quân hùng mạnh. Trận này nếu ta vẫn không làm nên tích sự gì thì còn mặt mũi nào trở về Phú Xuân?

Thám mã đi hồi lâu về báo lại là thủy trại và chiến thuyền đã bị cháy rụi, không còn một ai ở đó, kể cả quân Truông Mây. Tán lý Trần Hoàng và toán thủy quân đã bị tiêu diệt, xác chết nằm ngổn ngang, còn đạo quân của tổng nhung Thành cũng bị tan tác, quân lương bị cướp sạch. Cửu Thống nghe báo kinh khiếp hỏi chư tướng:

- Ta mới ra quân, chưa kịp lâm trận mà đã bị hao mất ba vị đại tướng, quân lính chết gần nửa, quân lương bị mất sạch, theo ý các ngươi chúng ta nên làm gì tiếp theo?

Viên tả vệ úy nói:

- Quân địch bỏ thủy trại Đạm Thủy chắc là đã kéo về cửa An Dũ để tăng cường rồi. Chúng ta một mặt cho một toán quân trở lại Nước Mặn lấy quân lương, một mặt tiến theo đường tắt qua hồ Hóc Nhạn đánh thẳng vào huyện thành Phù Ly. Nếu đại quân của Tống Phước Hiệp vượt được sông Phù Ly và dồn địch về sẽ bị chúng ta đánh bọc hậu, chừng đó chúng chỉ còn cách chạy theo ngả đèo Màn Lăng mà trốn về Truông Mây thôi. Còn một cách nữa, nếu chúng không phòng thủ ở đèo Ô Phi, ta có thể qua ngả đó đánh úp trại An Dũ để giúp cho cánh thủy quân của tiết chế Nguyễn Phúc Hương.

Cửu Thống mừng rỡ nói:

- Ý của ngươi rất hay, hãy cấp tốc cho quân về lấy lương thảo. Đồng thời cho thám mã đi dò xét lối hồ Hóc Nhạn và đèo Ô Phi xem có phục binh hay không? Sau đó ta sẽ chọn cách hành quân.

Viên tả vệ úy vâng lệnh rồi sai quân đi ngay. Cửu Thống lại sai thám mã đi do thám tình hình của đạo quân Tống Phước Hiệp xem đã đi đến đâu để còn phối hợp.

***

Nói về đại binh của Tống Phước Hiệp trống reo cờ mở rầm rộ từ Kỳ Sơn kéo lên thành Quy Nhơn để hội quân cùng đại binh của Phan Ngọc Chánh. Chiều mồng một, phát pháo khai thành, đoàn binh rầm rập theo đường lớn tiến về Phù Ly. Trên tường thành Quy Nhơn, cờ xí bay rợp trời, các vọng gác quân lính giáo gươm sáng chói đứng canh, uy thế như có hàng ngàn quân sĩ đương canh giữ trong đó. Sự hư trương thanh thế này là mưu kế nghi binh dụ cho quân Truông Mây đóng tại Phong An kéo về cướp thành của Châu Doãn Chữ.

Nhưng đại quân của Tống Phước Hiệp kéo đến đóng bên bờ nam sông Phù Ly đã qua một đêm mà trại Phong An vẫn im lìm, không thấy động tịnh gì. Sáng hôm mồng hai, Tống Phước Hiệp dẫn các tướng ra bờ sông quan sát. Bên kia bờ bắc, nghĩa binh Truông Mây cờ xí rợp trời, giáo gươm tua tủa đang chuẩn bị nghênh chiến. Tống Phước Hiệp nói với chư tướng:

- Vậy là kế dụ địch “phản khách vi chủ” của chúng ta đã không thành công rồi. Bên kia sông chúng lại dàn trận trường xà, ngăn không cho chúng ta qua sông. Các ông có kế sách gì khác không?

Châu Doãn Chữ nói:

- Bọn Truông Mây quả nhiên có người tài. Chúng không mắc mưu của ta tất sẽ dùng cách dụ chúng ta đem quân ra khỏi thành để đánh bọc hậu và ép ta phải đem binh từ Quy Nhơn ra tiếp cứu. Chừng đó chúng sẽ đưa một toán quân khác đánh bọc bên ngoài.

- Bây giờ chúng ta phải làm sao?

- Tin cho biết toán quân Phong An của địch ước chừng ngàn người, chúng ta cứ làm như vầy... như vầy... ắt sẽ diệt được bọn chúng.

Phước Hiệp mừng rỡ liền kêu Nguyễn Khoa Kiên và phó tướng Đào Thiên lại dặn dò, hai người lãnh mệnh ra đi. Lại thả bồ câu về thành Quy Nhơn báo cho Phan Ngọc Chánh biết, dặn phải y kế mà làm.

Phước Hiệp lại hỏi:

- Còn đạo quân chủ lực của Truông Mây bên kia sông?

Doãn Chữ đáp:

- Nghe nói tên Lía đích thân chỉ huy một ngàn quân đóng bên kia sông. Chúng ta cứ làm như vầy... như vầy... sẽ sang được bên kia sông. Nếu cánh quân Nguyễn Cửu Thống chiếm được Phù Ly rồi, bọn thằng Lía tất phải trốn về Truông Mây.

Phước Hiệp lại sai hai tướng Nguyễn Văn Hưng và Châu Doãn Húc điểm một ngàn quân, chuẩn bị mọi thứ chờ đêm nay hành sự.

Bên kia sông Phù Ly, Lía nói với Lê Trung:

- Lâm đệ có giao một mật thư, dặn khi nào quân Quy Nhơn tới bên kia sông thì hãy mở ra xem. Để cháu coi Lâm đệ đã dặn dò điều gì trong đó.

Chàng bèn mở mật thư ra đọc, xong đưa thư cho Lê Trung xem và nói:

- Cháu sẽ lo mặt tây, chú dàn quân chặn đại binh của địch ở đây và phóng pháo hiệu cho Văn Bảo hay. Cháu quyết tiêu diệt bọn giặc thật nhanh để trở lại giúp chú.

Lê Trung nói:

- Cháu đi đi.

Lía bèn dẫn ba trăm nghĩa binh lên phục phía tây. Đêm đầu tháng trời tối như mực. Lía quan sát thấy mực nước sông vẫn y nguyên, không rút thì biết ngay bọn giặc sẽ thả bè sang sông như Trần Lâm đã dự đoán. Chàng bèn ra lệnh anh em ai nấy chuẩn bị sẵn sàng. Khoảng quá nửa đêm, từ bên kia sông cả ngàn chiếc bè nhỏ chở bọn lính triều đình lặng lẽ trôi sang bờ bên này. Lía chờ cho bọn địch lên bờ được một nửa mới hét lớn một tiếng. Tức thì, ba trăm nghĩa binh từ các bụi rậm ở mé sông đồng loạt hò hét rồi xông ra chém giết đám binh triều. Toán phục binh của Lía là những nghĩa binh trong toán cảm tử quân nên võ nghệ rất giỏi, đám lính triều đình không sao chống đỡ nổi. Nguyễn Văn Hưng và Châu Doãn Húc cũng đã dự trù tình huống bị phục binh ngăn chặn nên đã chuẩn bị tinh thần trước cho binh sĩ. Thế là một trận ác chiến đã diễn ra bên bờ Phù Ly trong bóng tối dày đặc. Lía trông thấy Nguyễn Văn Hưng vừa từ chiếc bè lớn giục ngựa lên bờ biết ngay là tên chỉ huy, chàng bèn vỗ ngựa xốc tới hét to một tiếng nói:

- Tướng giặc chịu chết đi! Có ta là Lía Truông Mây chờ ngươi ở đây đã lâu!

Vừa hét chàng vừa vung đao chém Nguyễn Văn Hưng. Hưng vung đao ra đỡ. Một tiếng chát chói tai vang lên, thanh đao trong tay Hưng bị bạt ra xa dưới sức mạnh kinh hồn của Lía. Hắn vội dạt ngựa lùi lại, vừa kịp lúc Châu Doãn Húc thúc ngựa xông tới, vung đao tấn công từ sau lưng Lía để tiếp cứu. Lía vội xoay thanh đao đỡ đường đao của Doãn Húc. Húc bị sức dội khủng khiếp của thanh đao, cả người ngựa phải lùi lại năm sáu bước liền. Hai tướng trong bụng thầm khiếp hãi trước sức mạnh của Lía, vội vàng liên thủ tấn công chàng tới tấp. Nguyễn Văn Hưng vốn là danh tướng dưới trướng của Tống Phước Hiệp, đường đao của hắn lợi hại vô cùng, liên thủ với Châu Doãn Húc cũng tài ba không kém nên đã khiến cho Lía phải chống đỡ rất vất vả. Lía giận dữ thét lên một tiếng, lạng người né đường đao sấm sét của Hưng. Tiện tay, Lía vung luôn đao gạt thanh đao của Doãn Húc đang chém tới, đồng thời tay trái tung một cú đấm thật mạnh vào bụng Doãn Húc. Húc bất ngờ bị trúng một quyền cương mãnh trong Bạch gia cương quyền, thân hình tung lên như diều đứt dây rồi rơi tỏm xuống sông. Nguyễn Văn Hưng thất kinh, tay chân đương luống cuống thì Lía đã lướt ngựa tới, một đao chém rơi thủ cấp. Một ngàn binh sĩ triều đình lúc đó đã bị toán cảm tử quân Truông Mây tiêu diệt gần nửa. Chúng thấy cả hai chủ tướng kẻ bị giết, người bị đánh rớt xuống sông liền hè nhau bỏ chạy. Chúng lao xuống sông, kẻ bơi trở về bờ bên kia, kẻ xuôi dòng nước xuống bến Phù Ly. Lía sau khi tiêu diệt được toán binh triều đã cấp tốc dẫn anh em trở lại giúp Lê Trung. Điểm sơ qua, toán cảm tử quân bị chết gần năm mươi người. Toán quân chủ lực này, Trần Lâm đặc biệt phân công để theo bảo vệ cho Lía.

Tại bến Phú Ly, Tống Phước Hiệp đợi đến quá nửa đêm hôm đó, đinh ninh rằng bọn Nguyễn Văn Hưng đã đưa quân qua sông, bèn cùng Châu Doãn Chữ, Châu Văn Tiếp và Châu Doãn Chấn ra lệnh cho binh sĩ mỗi người một phao tre nhỏ, trải hàng ngang dọc theo bờ sông rồi thả trôi sang bên kia. Lê Trung đã phục binh chờ sẵn, đợi cho binh triều tấp vào bờ liền đốt pháo hiệu nổ vang, ánh đuốc sáng lòa, đồng thời phóng một chiếc pháo hoa lên trời theo lời dặn của Trần Lâm trong mật thư. Ngay sau đó, toàn bộ nghĩa binh hò reo ầm ĩ lao ra tấn công địch. Toán quân đổ bộ của Tống Phước Hiệp đông gấp đôi số quân của Lê Trung cho nên dù bị nghĩa binh tấn công dữ dội nhưng quân triều đình cũng đã lên được bờ rất nhiều. Khi bộ binh lên tới bờ, Phước Hiệp và các tướng cùng toán quân kỵ thả ngựa bơi sang. Một trận kịch chiến long trời lở đất diễn ra tại bến đò Phù Ly, quân lính hai bên thay nhau ngã xuống.

Nhắc lại Trương Văn Bảo và Đinh Cường, theo mật thư của Trần Lâm chỉ dẫn đã cho phục sẵn quân bên mép núi Bà. Khi thấy pháo hiệu từ bến đò Phù Ly bắn lên, cả hai liền dẫn anh em tràn xuống tấn công hậu quân của Tống Phước Hiệp. Khi nghĩa binh vừa đến nơi, bỗng nghe một tiếng pháo nổ vang, có tiếng hét lớn:

- Bọn cướp Truông Mây các ngươi đã trúng kế của ta rồi, mau bó tay chịu chết đi.

Dưới ánh sao lờ mờ sáng, có hai viên tướng cầm thương cưỡi ngựa xông ra chặn lại. Đó chính là Nguyễn Khoa Kiên và Đào Thiên. Văn Bảo cười ha hả nói:

- Kế mọn này của các ngươi làm sao qua mắt được quân sư của Truông Mây. Hãy xem ai bó tay chịu chết cho biết.

Chàng liền vỗ ngựa xốc tới, giao chiến cùng Khoa Kiên. Bên kia, Đinh Cường cũng vung đồng côn tấn công Đào Thiên. Bốn tướng đúng là kỳ phùng địch thủ, đánh nhau gần một canh giờ vẫn chưa phân hơn kém. Đám nghĩa binh Truông Mây tuy quân số ít hơn nhưng chiến đấu rất dũng mãnh, toán quân thiện chiến đông đảo của Tống Phước Hiệp không cách nào áp đảo được họ. Hai bên đang hăng say chiến đấu thì bỗng từ phía nam, có một đạo quân mấy ngàn người ngựa ào ạt kéo tới. Viên tướng đi đầu tay cầm đồng côn hét lớn:

- Bọn cướp Truông Mây, các ngươi đã bị bao vây rồi, mau bó giáo quy hàng may ra còn mạng để sống.

Rồi liền hô quân xông vào vòng chiến. Bỗng có tiếng thét vang lên từ phía sau:

- Phan Ngọc Chánh, ngươi đã trúng kế điệu hổ ly sơn của chúng ta rồi. Mau bó giáo quy hàng để còn mạng sống.

Trương Bàng Châu từ mé núi dẫn một toán nghĩa binh xông ra đánh tập hậu đạo quân của Phan Ngọc Chánh. Ngọc Chánh nghe tiếng Bàng Châu bèn quày ngựa lại nói lớn:

- Trương Bàng Châu, người theo giặc cướp làm loạn, hôm nay tình nghĩa của chúng ta chấm dứt, ta quyết diệt ngươi và cả Truông Mây để báo mối thù hôm trước.

Rồi ông vung thiết côn, vỗ ngựa lướt tới tấn công Bàng Châu. Bàng Châu cũng vút thanh đồng côn trong tay ra đánh trả. Quân triều đình đông hơn gấp bội nên nghĩa binh Truông Mây yếu thế thấy rõ. Văn Bảo đang chiến đấu kịch liệt với Nguyễn Khoa Kiên, người mang mấy vết thương, thấy anh em nghĩa quân bị chết nhiều quá bèn nghĩ: “Nếu không tốc chiến e quân mình sẽ bị tiêu diệt”. Chàng hô lớn:

- Anh em hãy coi như chúng ta chết rồi, phải làm cho quân địch chết chung với chúng ta.

Nghĩa binh Truông Mây nghe chủ tướng nói vậy liền cùng nhau reo hò ầm ĩ, mọi người chẳng còn coi mạng sống của mình ra gì nữa, lăn xả vào quyết chết chung với quân địch. Văn Bảo quyết giết cho được Nguyễn Khoa Kiên nên khi đường thương của Kiên đâm tới, chàng không màng né tránh mà cứ giục ngựa xông thẳng vào, lãnh trọn một thương ngang hông. Rồi một tay giữ chặt cây thương, tay kia chàng dùng hết sức phóng thanh kiếm vào bụng địch thủ. Khoa Kiên không ngờ tướng giặc lại liều chết kiểu đó nên không kịp né tránh, đành để thanh kiếm cắm sâu vào bụng. Kiên la lên một tiếng ngã nhào xuống ngựa, Văn Bảo cũng bị cây thương đẩy rớt xuống ngựa theo. Quân sĩ hai bên thấy vậy liền hô nhau xông vào cứu chủ tướng của mình.

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3