Én Liệng Truông Mây - Hồi 40 - Phần 5

Bên kia, Đinh Cường bị Đào Thiên và viên phó tướng của Phan Ngọc Chánh là Trương Hưng vây đánh thương tích đầy người, máu nhuộm ướt cả chiến y. Thấy Văn Bảo bị giết thì liền hét lớn một tiếng, thanh đồng côn trong tay như vũ bão liều mạng công vào Đào Thiên. Thiên thất kinh vung đao ra đỡ rồi dạt ngựa né sang bên, vung đao chém trả. Đinh Cường điên tiết, vũ lộng đồng côn đỡ thanh đao rồi liều mạng xông vào quyết chết với địch thủ. Đào Thiên khắp người mang thương tích chẳng kém gì Đinh Cường, may mà có Trương Hưng tiếp sức nếu không đã bị giết chết lâu rồi. Thấy tướng địch liều mạng, Đào Thiên tức giận hét lớn một tiếng, ráng chịu để một côn của Đinh Cường quất trúng mà mượn thế, vung đao chém chéo vào vai đối phương. Cả hai đồng la lên rồi ngã nhào xuống ngựa. Trương Hưng thấy vậy liền xốc ngựa tới, vung đao định chém đầu Đinh Cường thì bỗng có tiếng vó ngựa rầm rập phía sau, một viên tướng trẻ hét lớn:

- Chớ hại bạn ta!

Lập tức, một chiếc phi đao đã bay vút tới cắm đúng vào vai của Trương Hưng, thanh đao trong tay hắn rơi xuống đất. Hắn chưa kịp hoàn hồn thì ngựa của Thiên Tường đã phóng tới, thanh kiếm trong tay lia ra một nhát. Trương Hưng rơi đầu, thủ cấp lăn lông lốc. Thiên Tường hét lớn:

- Anh em mau cứu Văn Bảo và Đinh Cường!

Sau đó, chàng giục ngựa xông vào đám loạn quân để tiếp trợ cho Bàng Châu. Toán kỵ binh hung hãn của Thiên Tường vừa đến nơi đã làm thay đổi tình hình cuộc chiến. Anh em Truông Mây thấy có quân tiếp viện nên vui mừng, sức lực như được hồi sinh. Trận đánh kinh hồn này kéo dài đến lúc mặt trời hé mọc ở đằng Đông. Thiên Tường thấy quân mình lớp chết lớp bị thương nhiều quá bèn hô rút lui rồi cùng Bàng Châu dùng kỵ binh đoạn hậu. Theo lời dặn của Trần Lâm, họ kéo quân lên Vĩnh Thạnh để trở về trấn giữ đèo Màn Lăng. Trong trận này, Thiên Tường đã giết chết hai tướng triều đình là Phạm Kiến Tính và Trương Hưng. Tuy nhiên mình chàng cũng bị ba bốn vết thương chí mạng, máu nhuộm đỏ cả người. Dù vậy, chàng vẫn có thể đưa anh em chạy về tới Truông Mây an toàn khiến cho quân địch nghe tên đã khiếp đảm. Anh em nghĩa binh hết mực tôn sùng chàng là một viên tướng trẻ tài ba, gan dạ ít người sánh kịp.

Điểm lại quân số, phe Truông Mây thiệt mất hai kiện tướng Trương Văn Bảo và Đinh Cường, toán kỵ mã bị hao mất hai trăm người, hơn ngàn quân của Phong An cùng toán bộ binh của Võ Tiến chỉ còn lại ba trăm anh em, mà đa số mình mang thương tích. Nghĩa binh nhìn xác Văn Bảo và Đinh Cường ai nấy đều không khỏi rơi lệ. Bàng Châu cho nghĩa binh đưa xác họ về Truông Mây.

Trong khi đó, Phan Ngọc Chánh điểm lại binh mã thì thấy chết mất ba viên phó tướng, Nguyễn Khoa Kiên bị thương nặng đang nằm hôn mê chưa biết sống chết thế nào, quân sĩ gần bốn ngàn người giờ chỉ còn lại hai ngàn. Bản thân Ngọc Chánh cũng bị trúng mấy đồng côn của Trương Bàng Châu, hộc máu ướt cả vạt chiến bào. Sau đó, Chánh cho quân đưa Khoa Kiên về thành Quy Nhơn để cứu cấp rồi thu thập quân sĩ kéo qua sông Phù Ly tiếp viện cho Tống Phước Hiệp.

Nhắc lại toán quân cảm tử của Lía khi diệt xong đạo quân của Nguyễn Văn Hưng thì trời đã tờ mờ sáng, họ liền kéo xuống hỗ trợ cho Lê Trung. Toán quân của Lê Trung đang bị Tống Phước Hiệp và anh em Châu Văn Tiếp, Châu Doãn Chữ bao vây trùng điệp tấn công, nghĩa binh bị chết rất nhiều. Lía vừa xuống đến nơi, nhìn thấy cảnh đó thì giận vô cùng. Chàng thét anh em cảm tử quân xông vào tấn công quân địch. Phần chàng xốc ngựa tới, khoa đao phá vòng vây để cứu Lê Trung. Đường đao của Lía đến đâu, đầu binh triều rơi đến đó. Chàng la lớn:

- Chú Lê Trung chớ sợ, có Lía đến đây!

Châu Văn Tiếp nghe tiếng Lía thì liền vỗ ngựa xốc tới, vung đao chém một nhát. Lía đưa đao đón đỡ. Hai thanh đao chạm nhau vang lên một tiếng “choang” chát chúa. Cánh tay phải và thanh đao của Văn Tiếp bị bật ngược ra sau trước sức mạnh kinh hồn của Lía. Lía cười ha hả nói:

- Châu Văn Tiếp, ta tưởng ngươi là kẻ anh hùng, rạch ròi nghĩa lý, biết phân biệt phải trái đúng sai. Lúc trước ta vì lòng nhân nên tha mạng cho cả nhà các ngươi, không ngờ ngươi lại quên ơn, sinh oán, theo bọn tham quan nuôi chí báo thù. Biết điều thì hãy buông đao mà kéo về Phú Yên sống yên ổn, bằng không đừng trách ta hạ thủ bất dung tình.

Châu Văn Tiếp giận dữ nói:

- Ngươi ép cha ta phải tự vận, cả nhà ta phải bỏ xứ ra đi. Nay lại làm loạn muốn đối đầu cùng phủ chúa. Về công, về tư, hôm nay anh em ta quyết giết ngươi để vẹn hai đường.

- Hay lắm! Đã vậy để ta xem Châu gia đao pháp của ngươi và ngón Khô lâu cách sơn quyền lợi hại thế nào cho biết. Bốn anh em nhà ngươi hãy cùng lên một lượt đi!

Văn Tiếp và Doãn Chữ cùng nhau vung đao xốc ngựa tới tấn công. Lía múa đao đón đỡ rồi ra chiêu phản công. Ba người quần nhau loạn đả, đao ảnh mịt mờ. Lúc này trời đã sáng tỏ, Doãn Chấn thấy hai anh mình coi bộ kém thế hơn nên đã vỗ ngựa xông vào tiếp sức. Lía một mình đánh với ba anh em họ Châu mà vẫn không hề nao núng, đường đao của chàng như con giao long uốn lượn giữa vùng đao ảnh của ba địch thủ. Bốn người đang đánh thì bỗng có tiếng thét lớn:

- Ba anh chớ sợ, có em đến tiếp sức đây!

Đó là tiếng thét của Châu Doãn Húc. Húc bị Lía đấm một quyền rơi xuống sông nhưng đã được một kỵ binh vớt được. Tuy cú đấm làm cho Húc mang chút nội thương nhưng nhờ vội vàng uống hai viên linh đơn của Châu gia nên sau một lúc nghỉ ngơi thì sức khỏe đã dần hồi phục. Húc bèn lấy con ngựa của một tên kỵ binh rồi xông vào vùng giao chiến. Thế là một mình Lía, với tấm áo da hắc hổ trên người, thanh Đoạn Hồn đao cán ba khúc trên tay và con ngựa bạch khởi đã đương cự với Châu gia tứ long một trận kinh thiên động địa. Năm con ngựa quần nhau khiến bụi bay mờ mịt cả một góc trời. Thanh Đoạn Hồn đao của Lía rất đặc biệt, lúc đánh dưới đất bằng, cán của nó ngắn như một thanh đao thường nhưng khi lâm trận trên mình ngựa thì cán có thể kéo dài thêm hai khúc nữa để trở thành cây đại đao. Trận đánh kinh hồn này đã khiến cho binh sĩ hai bên quên cả giao chiến, Tống Phước Hiệp và Lê Trung bèn gom quân mình lại để đứng lược trận, la ó cổ vũ vang trời. Lía thấy đánh lâu sẽ bất lợi cho mình nên bèn hét lớn một tiếng, chém Châu Doãn Húc một đao sấm sét. Văn Tiếp hốt hoảng vội vung đao đón đỡ cho em mình. Trong khi đó, Doãn Chấn lia một đường đao ác liệt vào lưng của Lía. Lía giật mình quày ngựa bỏ chạy. Doãn Chấn một đao cả thắng liền giục ngựa đuổi theo. Văn Tiếp thất kinh kêu lớn:

- Đừng rượt...

Doãn Chấn nghe tiếng la hoảng của Văn Tiếp định dừng lại nhưng đã thấy Lía bằng một thế đà đao tuyệt đẹp, trở ngựa chém xéo về phía sau. Doãn Chấn hết hồn vội nằm rạp xuống lưng ngựa né tránh. Dù vậy, lưỡi đao của Lía cũng đã lướt qua tiện đứt cánh tay trái của Chấn. Ba anh em Văn Tiếp vội vàng xông tới tiếp cứu.

Hai bên lại lăn vào hỗn chiến. Đang đánh nhau bỗng thấy một toán quân từ mé đông kéo lên, có tiếng Nguyễn Cửu Thống hét lớn:

- Tống Phước Hiệp chớ sợ, có đại binh của Nguyễn Cửu Thống tiếp trợ đây.

Rồi hô quân xông vào bao vây nghĩa binh Truông Mây. Lê Trung thấy binh Cửu Thống kéo tới bèn ra lệnh:

- Tất cả anh em mở đường máu rút lui!

Nghĩa quân nghe lệnh xông lên đột phá trùng vây. Mấy trăm cảm tử quân như những con thú dữ tiến lên trước mở đường máu để anh em thoát ra ngoài. Lía chém một đao mãnh liệt cuối cùng rồi cười ha hả nói:

- Châu Văn Tiếp, tha mạng cho bốn anh em ngươi hôm nay, lần sau gặp lại, ta sẽ lấy mạng tất cả.

Đoạn, để Lê Trung dẫn quân chạy trước, một mình Lía trên lưng con Bạch khởi ung dung cưỡi ngựa cầm đao đi sau đoạn hậu. Họ kéo quân chạy miết về trấn giữ đèo Lại Khánh. Bốn anh em Châu gia tứ long thấy Doãn Chấn bị chém đứt một tay, Doãn Chữ cũng bị một đao lướt qua lưng thương tích khá nặng nên giận lắm. Nhưng qua trận đấu vừa rồi, họ thật sự đã kinh sợ trước sự kiêu dũng và tài nghệ siêu quần của chàng Lía nên đành ghìm ngựa tức tối nhìn theo.

Trận giao chiến bên bờ sông Phù Ly vừa rồi, Lía một mình chém rơi đầu đại tướng Nguyễn Văn Hưng, chặt đứt tay Châu Doãn Chấn, đánh bị thương Doãn Chữ và Doãn Húc khiến cho ai ai nghe thấy cũng đều há hốc mồm kinh sợ. Cả trẻ con trong phủ Quy Nhơn, đêm nghe nhắc tới chàng Lía cũng không dám khóc. Trận đánh đó đã để lại một dấu ấn khủng khiếp trong lòng tướng sĩ triều đình và một niềm kiêu hãnh tột bậc cho nghĩa binh Truông Mây. Đâu đâu cũng nghe rao truyền trận chiến: “Chàng Lía chiến tứ long”. Có người lại gọi đó là cuộc chiến: “Nhất hổ chiến tứ long”. Kẻ hiểu biết, người hay nói chuyện Tàu còn đem trận chiến này ra so sánh với trận “Lữ Bố chiến tam anh” thời Tam Quốc. Họ cho rằng Lữ Bố đánh với ba anh em Lưu Bị, Quan Công và Trương Phi cũng không kiêu dũng bằng hắc hổ Truông Mây đánh với tứ long của Châu gia.

Tống Phước Hiệp nhìn theo đám quân Truông Mây bình thản rút đi mà buông tiếng thở dài ngán ngẩm. Ông bèn quay lại hội quân với Nguyễn Cửu Thống, nói:

- Đa tạ nguyên soái đã tiếp cứu kịp thời. Bọn thằng Lía dũng mãnh quá, thật khó mà thắng nổi chúng. Bây giờ theo ý của nguyên soái thì ta phải làm gì?

Cửu Thống nói:

- Ông hãy hội quân cùng Phan Ngọc Chánh rồi đem quân đoạt lại huyện thành Phù Ly. Tôi sẽ kéo quân đi tắt qua đèo Ô Phi để đánh úp cửa An Dũ giúp cho Nguyễn Phúc Hương. Cánh quân bên kia sông của Ngọc Chánh ra sao rồi?

- Cũng chưa biết thắng bại lẽ nào. Trời đã sáng, tiếng quân sĩ đánh nhau đã im, có lẽ chúng ta sẽ có tin ngay thôi.

Phước Hiệp quay sang chỗ Văn Tiếp đang chăm sóc cho Doãn Chấn hỏi:

- Thương thế thế nào?

Văn Tiếp buồn bã đáp:

- Cánh tay trái đã bị chém đứt, cần phải được dưỡng thương.

- Tướng quân hãy đưa cậu ấy về phủ Quy Nhơn nghỉ ngơi, việc ở đây để chúng tôi lo liệu.

Văn Tiếp cặp mắt đỏ ngầu vì tức giận nói:

- Tôi phải ở lại tham chiến để trả mối hận này!

Lúc đó, cánh quân của Phan Ngọc Chánh đã kéo đến bên kia sông và đang cho quân sĩ vượt sang bờ bên này. Ngọc Chánh vừa lên bờ, Phước Hiệp liền hỏi ngay:

- Tình hình bên đó thế nào?

Ngọc Chánh lắc đầu buồn bã đáp:

- Nguyễn Khoa Kiên bị một kiếm xuyên bụng, thương thế rất nặng, giờ đang hôn mê chưa biết sống chết thế nào. Tôi đã cho người đưa về phủ rồi. Đại binh nay chỉ còn lại chừng hai ngàn quân. Thảm hại ê chề.

Cửu Thống nói:

- Cánh quân của tôi cũng thiệt hại nặng nề, bị mất ba viên đại tướng và hơn ngàn quân sĩ. Bây giờ các ông hợp quân đuổi theo bọn thằng Lía, phần tôi sẽ dẫn toàn bộ quân kỵ đi tắt qua đèo Ô Phi để đánh úp cửa An Dũ. Ở đây còn lại được bao nhiêu kỵ binh?

Phước Hiệp đáp:

- Phần tôi chỉ độ ba trăm nhân mã.

Ngọc Chánh nói:

- Quân tôi còn được hơn bốn trăm.

Cửu Thống nói:

- Đủ rồi, ông dẫn bốn trăm kỵ binh theo tôi. Ta phải đi thật nhanh mới kịp giúp Phúc Hương.

Rồi ra lệnh cấp tốc lên đường. Đội kỵ binh hơn năm trăm nhân mã như một trận cuồng phong ào ạt phóng về phía núi Lạc Phụng.

***

Nhắc lại Đinh Hồng Liệt và Hoàng Bá đang giả dạng làm ngư phủ, trang bị đầy đủ những thứ cần thiết và dùng một chiếc ngư thuyền bơi ra gần cửa Lở sông Vệ, tấp vào một bãi biển vắng. Thừa lúc trời tối, cả hai lẻn đến gần đồn Sa Băng cạnh chân núi Đảo Sơn, nơi có kho lương Phú Đăng. Lúc gần đến nơi, Hồng Liệt dặn Hoàng Bá:

- Ngươi ẩn thân nơi đây chờ ta, ta đi một vòng xem qua tình hình rồi sẽ trở lại ngay.

Hồng Liệt lẩn mình trong đêm tối, vận dụng tuyệt đỉnh khinh công chạy đến bờ lũy của đồn Sa Băng. Bên trong bờ lũy là một dãy nhà kho dài và lớn, có lẽ toàn bộ lương thực của huyện Mộ Hoa đều được cất giữ ở đây. Quanh nhà kho, bốn mặt đều có hàng rào bao bọc và có rất nhiều chòi canh, mỗi chòi có hai hoặc ba tên lính gác. Trên chòi có treo một chiếc phèng la dùng để báo động. Bên dưới, mấy toán lính tuần tiễu gươm giáo sáng quắc thay nhau đi tuần liên tục. Hồng Liệt nghe trong nhà kho có tiếng nói chuyện vẳng ra, có lẽ bọn coi kho đang chuẩn bị để sáng mai xuất lương cho toán quân của Nguyễn Cửu Dật. Hồng Liệt quan sát toàn cảnh xong liền băng mình trở lại chỗ Hoàng Bá. Ông nói:

- Khoảng cách giữa hàng rào và nhà kho khá xa, nhưng với loại nỏ liên châu đặc biệt này thì hi vọng có thể vừa mút tầm tên. Bọn chúng canh gác rất kỹ, khó đột nhập vào tận nơi mà không bị phát hiện. Chỉ còn một cách là chờ đến khuya, ta sẽ liều mạng mang lưu huỳnh vượt bờ lũy rồi nhảy lên nóc kho rải dài trên mái, sau đó vượt hàng rào phía tây mà thoát ra. Phần ngươi cứ chạy dọc theo hàng rào bên ngoài, dùng ba chiếc nõ liên châu này cài sẵn tên và châm lửa rồi bắn vào. Xong việc thì trở về bãi biển lên thuyền chờ ta. Nếu gần sáng mà chưa thấy ta trở lại thì cứ trở về đèo Cung Quảng báo cho Trần Lâm biết.

Hoàng Bá hỏi:

- Sao chúng ta không ở bên ngoài bắn tên lửa vào để đốt kho mà phải mạo hiểm vào tận bên trong?

- Không ăn thua gì. Bọn lính canh ở đây rất đông, một vài mũi tên lửa thì làm sao đốt được cái kho khổng lồ này. Cho nên cần phải rắc bột lưu huỳnh lên mái, như vậy mới hi vọng lửa cháy lớn để chúng không chữa kịp.

- Nhưng như vậy thì nguy hiểm quá. Đinh lão nên suy tính lại.

- Không phải suy tính gì nữa cả. Đạo quân của Nguyễn Cửu Dật rất mạnh, nếu ta đốt được kho lương thực này, chỉ cần Trần Lâm cố giữ đỉnh đèo được trong một thời gian thì bọn chúng ắt phải rút về. Nếu không, với lực lượng năm ngàn quân tinh nhuệ của Phú Xuân, ta sợ toán nghĩa binh ít ỏi của ta ở Thạch Tân sẽ không thể nào cầm cự nổi.

Hoàng Bá biết Đinh Hồng Liệt đã quyết ý liều mạng nên không nói gì nữa. Hắn lo chuẩn bị cung nỏ và diêm lửa để nửa đêm hành sự. Vào khoảng đầu giờ sửu, mọi tiếng ồn đã lắng xuống, cảnh vật quanh đồn Sa Băng như ngủ say trong màn đêm đen kịt. Hồng Liệt lưng giắt kiếm, vai mang bao bột lưu huỳnh nương mình theo bóng tối, lặng lẽ vượt rào lũy vào bên trong sân kho. Tuy khinh công của ông đã đạt đến trình độ xuất quỉ nhập thần nhưng cũng không thoát khỏi hàng trăm con mắt của bọn lính canh trên chòi và bọn lính tuần tiễu. Khi vừa đến chân tường nhà kho, ông bị một tên lính tuần tra phát hiện. Hắn liền hô hoán lên, thế là bao nhiêu tiếng phèng la, tiếng còi báo động vang lên inh ỏi. Hồng Liệt nhún chân vọt thẳng lên mái nhà rồi chạy một mạch dọc theo chiều dài của kho, vừa chạy vừa rải số bột lưu huỳnh trong bao xuống. Mười mấy tên lính canh trên mái kho khi kịp phát hiện ra bóng đen thì Hồng Liệt đã chạy băng qua mặt chúng rồi. Những tên lính này vội reo hò báo động và bắn tên theo.

Hồng Liệt chạy đến cuối mái kho thì bao lưu huỳnh cũng vừa trút sạch. Ông ngồi xuống, đánh đá bật lửa lên rồi mồi vào chiếc bao lưu huỳnh. Lửa phựt cháy mạnh, ông thả chiếc bao xuống nóc kho. Khi ngọn lửa vừa bén bột lưu huỳnh phát cháy dữ dội thì một loạt tên cũng rít gió bay tới. Hồng Liệt rút kiếm múa thật nhanh để gạt tên nhưng cũng đã bị hai mũi tên cắm phập vào chân và vai trái. Ráng nhịn đau, ông phóng người nhảy xuống đất.

Khi ngọn lửa ở đầu này vừa bốc lên thì đầu bên kia cũng phát hỏa vì những mũi tên lửa từ ngoài hàng rào bắn vào. Chỉ một thoáng sau, phần giữa mái cũng bốc cháy theo. Mái kho lợp bằng lá dày, lượng lưu huỳnh rắc trên mái lại khá lớn nên đã bốc cháy dữ dội. Hoàng Bá bắn thêm một đợt tên lửa nữa vào, trên mái kho dài giờ đã có bốn đám cháy. Lửa theo bột lưu huỳnh lan ra rất nhanh. Chẳng bao lâu cả mái kho lương đã bị phủ trùm bởi ngọn lửa đỏ rực.

Hồng Liệt chân vừa chấm đất định vọt người phóng về phía hàng rào thì đã có hàng trăm mũi tên từ trên các chòi canh và nơi bờ rào xé gió lao tới. Ông múa tít thanh kiếm trong tay, hàng loạt mũi tên lả tả rơi xuống. Nhưng tiếp liền sau đó, một loạt tên khác lại vùn vụt bay tới. Dù cố sức cản đỡ nhưng ông vẫn bị trúng ba bốn mũi tên nữa vào người. Mũi tên ác hại nhất đã cắm đúng vào bả vai phải của ông. Thanh kiếm trên tay do đó mà chậm hẳn lại. Khi đợt tên thứ ba vun vút bắn tới thì người ông đã bị tên cắm vào tua tủa như lông nhím. Hồng Liệt biết mình không thể thoát được nên ngửa mặt lên trời, cười khan một tiếng rồi cố xoay ngược thanh kiếm đâm vào tim mình. Ông chết mà vẫn đứng sừng sững giữa sân, trong ánh lửa rực trời của kho lương Phú Đăng. Hay sao, xác ông ngã xuống cùng lúc với mái kho lương từ trên cao đổ ập xuống.

***

Hoàng Bá theo lời dặn, chờ đến gần sáng vẫn không thấy Hồng Liệt trở lại bèn dong thuyền trở về Thạch Tân. Trần Lâm nghe báo lại tình hình, mắt chàng rưng rưng ngấn lệ còn Tín Nhi thì khóc ngất, luôn mồm gọi sư phụ. Trần Lâm tuy biết tình trạng của Hồng Liệt mười phần chắc chín đã lâm nguy nhưng chàng vẫn an ủi Tín Nhi, cố nuôi một hi vọng cuối cùng. Đương lúc đó bỗng có một nghĩa binh vào báo là toán quân triều đình do Nguyễn Cửu Dật chỉ huy đang tấn công lên đèo. Trần Lâm vội ra trước trận quan sát thì thấy năm sáu trăm tên lính triều tay cầm mộc đỡ tên đang chạy lên dốc. Chờ bọn chúng đến ngay đoạn dốc hẹp, chàng phất tay một cái. Hàng trăm khối đá lớn từ trên dốc đèo đùng đùng lăn xuống, toán lính triều bị đá đè nát, xác lăn theo đá rơi xuống lại chân đèo. Số đi sau nhanh chân chạy thục mạng trở lại nhưng cũng có ít nhất hơn trăm tên bị đá đè chết. Sau đợt tấn công đó, chúng rút lui ra xa án binh bất động. Trần Lâm sợ chúng đang đêm lẻn lên tấn công nên đã cho canh phòng cẩn mật. Một đêm yên bình trôi qua. Ngày hôm sau, bọn lính triều lại tổ chức một cuộc tấn công nữa. Và chúng lại bị đá lăn đuổi xuống dốc, không dám tấn công tiếp. Trần Lâm lấy làm lạ khi thấy đại binh của Cửu Dật chỉ tấn công một cách cầm chừng, chàng nghĩ hẳn là chúng có âm mưu gì đó. Chàng bèn sai nghĩa binh đi dò xét nhưng chẳng phát hiện được điều gì bất thường cả.

Sáng hôm sau, có tin thám mã từ Lại Khánh chạy ra báo cáo tình hình các mặt trận phía nam. Trần Lâm nghe tin Văn Bảo, Đinh Cường và Võ Tiến tử trận, còn Thiên Tường bị thương nặng thì thương tiếc vô cùng. Nhưng điều làm chàng lo sợ nhất chính là Võ Tiến đã bỏ trống ngả đèo Ô Phi. Chàng vội dặn tên thám mã:

- Ngươi mau chạy xuống An Dũ báo tin cho Đặng Thông và Lam Tiểu Muội biết, bảo phải đề phòng bọn binh triều theo ngả đèo Ô Phi đánh tập hậu.

Tên thám mã vội vàng phóng ngựa đi ngay. Trần Lâm lại dặn một thám mã khác:

- Ngươi lập tức chạy về đèo Màn Lăng bảo Thiên Tường nếu hắn không đi được thì cho người lập tức điều động toán thần mã xuống tiếp viện cho An Dũ. Dặn Trương Bàng Châu phải cố thủ cho được đèo Màn Lăng.

Tên thám mã vâng lệnh ra đi. Trần Lâm nói với phó tướng Trịnh Tòng:

- Nguyễn Cửu Dật chỉ tấn công cầm chừng, có lẽ hắn đang chờ viện lương hoặc giả là chúng muốn cầm chân ta ở đây để giúp cho mặt trận phía nam dễ thành công hơn. Ta sẽ kêu Lưu Đằng kéo quân qua đây, hai người ráng giữ cho được đèo này càng lâu càng tốt. Nếu nhắm không cự nổi thì cứ rút về nhánh sông An Lão rồi qua sông phòng thủ mặt bắc Truông Mây cho ta.

Trịnh Tòng nói:

- Dạ, quân sư.

Trần Lâm dặn dò xong liền cùng Tín Nhi và năm mươi kỵ binh lập tức phóng ngựa trở về Lại Dương để tiếp viện cho An Dũ. Chàng chỉ mong sao toán quân của triều đình theo ngả Ô Phi đến An Dũ chậm hơn chàng một bước.