From Hanoi - Chương 08 - 3

Chia tay bà chị xong thì tôi ghé qua quán điện tử dọn đồ. Đồ đạc của tôi mọi người đã giúp xếp gọn vào một góc để lấy phòng cho cậu nhân viên mới sinh hoạt. Cậu ta tỏ ra e ngại nhưng tôi nói đừng nghĩ ngợi gì nhiều, đồ của tôi có giá trị gì đâu, toàn quần áo cũ với chăn chiếu, tôi mà không nghèo quá thì quăng hết đống ấy vào sọt rác cũng được.

Cảnh chuyển nhà của sinh viên mỗi lần nghĩ lại thôi cũng thấy mệt hết người, có thể mô tả việc ấy trong ba từ thế này: khổ sở, lộn xộn và lếch thếch. Tôi đã trải qua tổng cộng tám lần mệt mỏi như vậy từ ngày bước chân ra đời lập nghiệp cho đến khi cuộc sống tạm gọi là ổn định.

Buổi tối hôm ấy cũng rất vất vả, may là chiếc xe của Vũ không biết kêu, chứ không chắc nó cũng đình công trước cái cách tôi bắt nó làm việc mất, bao nhiêu quần áo thì cố nhồi nhét hết vào thùng tôn đặt ở yên sau xe máy, ngoài ra, trên thùng tôn tôi còn cố đặt thêm một chiếc xô chứa những đồ kỷ niệm lặt vặt bên trong được buộc chặt dây cố định vào yên xe, hai móc xe thì tận dụng treo những cái mắc phơi quần áo và vài ba quyển sách đựng trong túi nilon, phía trước thì chèn cái chăn bông vào giữa hai chân rồi cố úp chặt cái chậu nhựa lên trên.

Kể ra thì mấy đồ lặt vặt như móc phơi quần áo và chậu nhựa để lại cũng được, nhưng  tiếc rẻ nên tôi cố thồ về cho Vũ, hắn kinh doanh nhà trọ kiểu gì chả phải dùng đến.

Khi tôi đang loay hoay chỉnh lại thùng tôn ở yên sau thì vô tình anh chủ quán ghé qua, tôi nán lại thêm một lúc nữa để nói chuyện cho có đầu có cuối với người đã giúp đỡ mình suốt mấy năm qua, tính của anh chủ quán rất phóng khoáng và cởi mở, là người hiểu biết nên anh nói chuyện rất hay, duyên dáng và lôi cuốn.

 Chúng tôi hàn huyên với nhau hơn nửa tiếng đồng hồ, trước khi chia tay tôi lại cám ơn sự giúp đỡ của anh một lần nữa, anh cũng chúc tôi gặp nhiều may mắn trên bước đường sắp tới.

Sau này, khi tôi vào miền Nam được khoảng một năm thì nghe Vũ thông báo lại là anh đã đóng cửa quán và sang Nhật Bản du học, kết thúc khóa học, nhờ năng lực cộng thêm một chút may mắn, anh đã xin được việc bên Mỹ và vài năm sau đưa vợ con sang đấy định cư.

 Lại nói tiếp chuyện của buổi tối ngày hôm ấy, đấy thật sự là một buổi tối rất kỳ lạ, một buổi tối với những sự việc mang tính bước ngoặt, trong cuộc đời tôi thỉnh thoảng có những ngày đặc biệt như thế, những ngày mà mọi việc không diễn ra đều đều chán ngắt như thường lệ, chắc là ông trời thấy nhàm chán quá nên xáo tung bộ bài cuộc đời lên xem tôi xử lý thế nào, như hai chị em tôi chẳng hạn, suốt ngày cãi nhau như chó với mèo thì tối nay quay sang làm hòa, còn hai người bạn tâm giao tri kỷ như tôi và Đăng, thì bỗng dưng…

Hồi ấy đường xá đi về khu nhà trọ của Vũ rất nhì nhằng, không đánh số, không biển báo gì, càng ra xa trung tâm thì càng thưa thớt, nhìn quanh hai bên đường chỉ toàn thấy những đồng cỏ rộng lớn im lìm trong bóng tối.

Tôi chỉ biết ghi nhớ đường về nhà qua những cảnh vật hai bên đường, đầu tiên là đi qua những cánh đồng nghĩa trang, rồi qua đường ray xe lửa, đến một ngã tư thấy một nhà sửa xe rất đặc biệt thì rẽ trái, vì nhà dột nát quá nên họ lấy bạt xanh phủ lên hết mái ngói, nhìn rất dễ nhớ, sau đó là đi thêm một đoạn đường không tên không số, đến một ngã tư cắm nhiều bảng thông báo bán đất rồi rẽ phải đi khoảng một cây số nữa là đến khu xóm trọ nhà Vũ.

Từ đoạn ngã tư có căn nhà sửa xe dễ nhớ ấy là cả con đường rộng rãi gần như chỉ còn một mình tôi đi, thỉnh thoảng gặp vài chiếc xe máy nhưng chỉ đi cùng nhau một đoạn rồi họ lại rẽ vào những nẻo đường quanh co nào đó.

Mặc dù con đường rộng rãi và người đã mệt đứ đừ chỉ muốn về sớm nghỉ ngơi nhưng tôi không dám phóng nhanh hơn 30km/ giờ , từ những kinh nghiệm ngã xe phong phú khi đi du lịch bụi khắp các tỉnh miền Bắc mà tôi trở nên đặc biệt nhạy cảm khi ngồi lên những chiếc xe lạ và khi đi vào những cung đường mà mình chưa thông thuộc.

Lần ngã xe nguy hiểm nhất mà tôi từng gặp phải là lần đi du lịch bụi ở Thái Nguyên với Đăng cách đây hơn một năm. Vì đi gấp nên mượn được xe gì thì đi xe ấy, cuối cùng mượn phải ngay một con xe số cà tàng của đứa bạn. Chỉ một tí nữa thôi là tôi và Đăng đã bỏ mạng cùng với con xe ấy.

Chẳng là sau khi vào địa phận Thái Nguyên một đoạn thì chúng tôi gặp một đoạn đường đổ dốc, có một con xe tải cản trước mặt, tôi định vượt nó mấy lần nhưng Đăng ngồi sau cảnh bảo không an toàn nên tôi cứ lên ga rồi xuống ga, ngập ngừng không biết làm thế nào.

Đến một đoạn thấy thích hợp tôi quyết định vượt lên từ bên trái, vừa vượt qua thì thấy bóng dáng một xe ô tô con đang phóng tới, thế là buộc phải cắt đầu xe tải đề về lại làn đường, nếu bình thường tình huống ấy xử lý rất đơn giản, nhưng ai ngờ quá trình lách xe về làn đường cũ ấy xe bị lắc mạnh, mà có những cái xe cũ ai đi nhiều sẽ biết, nếu lắc mạnh là nó có thể nhảy mất số luôn.

Khi tôi hoảng hốt đạp cần số thì thấy xe đã nhảy vào số một rồi, chiếc xe bất ngờ vào số một trở thành một con ngựa hoang cực kỳ khó kiểm soát, cứ ghì lại rồi rồ hú loạn lên và lao hẳn sang giữa làn đường bên kia, phước ba đời cho hai đứa là chiếc ô tô đối diện xử lý nhanh kịp đánh lái tránh chúng tôi, khi nó vừa vụt qua thì xe chúng tôi cũng trượt ngã và bị kéo lê đi một đoạn dài mấy mét trên đường.

Đăng ngồi sau bị văng ra khỏi xe, còn tôi bị kéo lê theo xe đến nỗi rách cả lớp quần bò dày, tay trái thì bị mài một vệt dài dọc chỗ khủy tay. Đấy là kỷ niệm nhớ đời trong hành trình du lịch bụi của tôi, lần đầu tiên tôi cảm thấy tử thần tiến sát đến mình như vậy.

Sự cẩn thận tích lũy từ những kinh nghiệm xương máu ấy tỏ ra rất hữu ích trong buổi tối hôm nay, bởi vì ngay khi đi qua bãi đất trống cắm chi chít biển rao bán đất thì tôi phát hiện ra có tiếng lạo xạo dưới bánh xe của mình. Âm thanh này tôi quá rành rồi, đó là tiếng của cát. Tôi nhíu mày nhìn xuống dưới thì thấy một lớp cát mỏng, không nhiều lắm nhưng kết hợp với mặt đường ướt vì vừa mưa xong thì cũng khá nguy hiểm nếu ai không để ý.

Đang đi như rùa bò bây giờ lại càng phải rón rén hơn, tôi tức tối làu bàu văng tục chửi thằng lái xe chết tiệt nào để chảy cát ra đường thế này. Người tôi lúc ấy như con nhím vậy, dễ văng tục, dễ cáu giận, dễ gai góc với người khác.

Rủa xả chưa hết cơn thì tôi giật thót mình vì phát hiện ra một vật thể to đùng đen xì xì đang nằm giữa đường phía xa xa trước mặt. Chẳng lẽ có con bò nào ra giữa đường nằm à, tôi vội chuyển đèn pha từ gần thành xa để dễ quan sát, đi thêm vài mét thì ánh đèn vừa chiếu tới vật thể lạ ấy, hóa ra nó là một chiếc xe máy.

Khi khoảng cách thu lại còn mấy mét, tôi nhận ra đó là một chiếc xe máy hiệu Wave Alpha, nó nằm xoay đầu về phía trước cùng hướng đi của tôi và bị đổ về bên phải, cùng chiều bên này đường có một ngã rẽ, khả năng là ai đó bẻ cua vào đường này không để ý nên bị trượt bánh.

Khi đến cạnh chiếc xe ấy tôi ngó nghiêng xem có thấy ai xung quanh không, ngã xe thì tháng nào tôi chả gặp, nhưng vụ ngã xe này rất kỳ dị, chỉ nhìn thấy xe mà không thấy người đâu cả. Giữa đêm hôm gặp cảnh tượng này, dù là loại người khá cứng rắn tôi cũng không khỏi cảm thấy lành lạnh sống lưng.

Đây đúng là một chiếc xe rồi, tôi tự trấn an, không phải chuyện ma quỷ gì đâu.

Có khả năng người bị nạn được đưa đi bệnh viện rồi, nhưng như thế phải có ai đó canh chừng ở đây chứ, hoặc ít ra cũng không để xe nằm chỏng chơ giữa đường thế này.

Hay là người chủ xe không sao cả, vì nhìn quanh đây không có vết máu, vết mài trên đường không dài, chắc đi không quá nhanh và tai nạn cũng không nghiêm trọng lắm, hay là… biết đâu hắn ta lại đang chui vào đám bụi cỏ bên đường đi vệ sinh ấy chứ.

Tôi cố căng mắt nhìn vào, thậm chí còn quay đầu xe để chiếu đèn pha vào những bụi cỏ cao bên đường tìm người, nhưng trời quá tối và cánh đồng quá rộng nên không thấy rõ ràng được thứ gì cả.

“Có aiiii… ở đây không?!” Tôi gọi thử nhưng chỉ có tiếng ộp ộp của những chú ếch ngoài đồng phản hồi.

Chuyện chết tiệt gì đang xảy ra thế này?

Trong đầu tôi nảy ra thêm vài kịch bản lý giải chuyện này, nhưng chẳng cái nào thật sự thuyết phục cả.

“Bíp! Bíp! Bíp!” Tôi đập vào còi xe liên hồi để xem có ai ở đây không, ngoài ra cũng để kiểm tra xem đây là thực hay mơ.

Bực bội, khó chịu, điên tiết.

Điều làm tôi tức nhất không phải là việc chưa giải được câu đố bí hiểm này, mà là việc mình không biết nên làm gì bây giờ, nên xuống xe thử tìm hiểu sự việc hay là nhắm mắt làm ngơ phóng thẳng về nhà nghỉ ngơi.

Định bước khỏi xe nhưng đống đồ đạc lích kích làm tôi không nhấc chân ra được, thế là lại thêm phần nản chí. “Chết tiệt! Chết tiệt!” Tôi gắt lên.

Thôi, kệ mẹ cuộc đời đi, nhìn tình cảnh này thì chín phần mười là chuyện không tốt đẹp gì rồi, tôi thầm nghĩ, dây dưa vào làm gì, thời buổi này làm người tốt đâu có dễ, mà hơn nữa, sắp thi rồi, giai đoạn quan trọng này không nên mua dây buộc vào người mình làm gì.

Dù vẫn còn hơi lấn cấn trong đầu, nhưng tôi quyết định sẽ bịt mắt che tay coi như chưa nghe chưa thấy gì cả. Sau đó, rất nhanh chóng, tôi vặn tay ga cho xe đi thật nhanh về xóm trọ của Vũ.

Về thôi.

Về sớm nghỉ sớm.

Chưa đến mười phút sau thì tôi về đến cổng nhà Vũ. Hạ được đống đồ lỉnh kỉnh ở yên sau xong là tôi lấy điện thoại trong túi quần ra gọi lại cho Đăng, lúc tôi đang ở nhà chị thì thấy máy báo có hai cuộc gọi nhỡ của cậu ta, vì đang dở chuyện với chị nên tôi chưa tiện gọi lại.

Trước đây Đăng vẫn luôn cho tôi những lời khuyên sâu sắc, bây giờ tôi càng cần gấp ý kiến tư vấn của Đăng hơn, vì tôi chợt nghĩ ra một vấn đề liên quan đến sự việc vừa rồi, đấy là vấn đề trách nhiệm, nếu tôi bỏ mặc vụ tai nạn bỏ về thế này thì có sợ dây dưa gì đến pháp luật  không.

Đăng nghe máy ngay từ hồi chuông đầu tiên, hóa ra cậu ta đã lên Hà Nội gần một tháng nay rồi, gọi cho tôi thì không được vì dạo ấy tôi tắt máy, mấy lần cậu ta qua quán tìm thì không ai biết tôi đi đâu.

“Tớ vừa đi chở đồ đạc về, giờ mới có thời gian gọi lại cho cậu. Đợt này tớ xuống ở nhờ nhà Vũ.” Tôi nói. “Tớ vẫn ổn thôi. Không vấn đề gì đâu. Kỳ thi quan trọng nên tớ muốn yên tĩnh một chút ấy mà.”

“Vậy à?!” Giọng Đăng có vẻ như không hoàn toàn tin những gì tôi vừa nói, chắc là Trang lại kể gì đó về tôi cho cậu ta nghe rồi.

“Ừ. Điện thoại tớ rơi mấy lần nên dạo này lúc được lúc không ấy mà.” Tôi bịa tiếp. “Mà cậu ôn thi thế nào rồi, dưới này yên tĩnh nên tớ ôn cũng hòm hòm rồi đấy.”

“Tớ á?” Đăng cười và trêu tôi. “Cũng tàm tạm thôi, không định giành thủ khoa như cậu nên cũng vừa ôn vừa chơi thôi.”

“Thủ khoa gì chứ?” Tôi nói. “Một phần vì Vũ mới tậu nhà mới nên cũng muốn rủ tớ xuống ở cùng một thời gian cho vui ấy mà.”

“Được rồi, mấy tuần không gặp được cậu tớ cũng sốt ruột, nghe cậu nói không sao tớ yên tâm rồi.” Đăng nói. “Để hôm nào thi xong mình đi làm một chầu nói chuyện cụ thể hơn nhé. Tớ cũng có mấy chuyện muốn kể đấy.”

“Ừ… mà Đăng này...” Tôi ngập ngừng. “Cậu đừng tắt máy…”

“Sao vậy?”

“Không có gì. Chỉ là…” Tôi ấp úng. “Tớ muốn hỏi, cậu học pháp luật, cậu có biết nếu… nếu thấy tai nạn giao thông mà mình bỏ đi thì có làm sao không?”

“Làm sao… là làm sao cơ?”

“Tức là… có bị pháp luật xử lý gì không?”

“Còn tùy hoàn cảnh, không cứu giúp người trong một số tình huống cũng có thể trở thành tội phạm.” Đăng trả lời, theo phản xạ của một chuyên viên tư vấn luật. “Tức là, ví dụ như cậu nhìn thấy có người bị tai nạn hoặc trong trường hợp khác, đang bị nguy hiểm có thể dẫn đến bị chết, cậu có đủ khả năng nhưng cậu đã không cứu giúp người ta thì có thể phạm tội hình sự, hồi tớ thực tập cũng hỗ trợ tư vấn cho một vụ án như thế, tất nhiên chuyện pháp luật thì phức tạp lắm, dăm ba câu điều thì không nói hết được đâu, để lúc nào trả dư tửu hậu tớ kể cho nghe.”

“À… ừm.”

Thấy tôi ậm ờ, Đăng linh tính có điều gì bất an liền sốt sắng hỏi: “Nhưng sao tự dưng cậu hỏi chuyện ấy? Cậu đang ở đâu đấy?”

“Tớ… tớ vừa chở đồ đạc về nhà Vũ. Ban nãy gần về đến nhà thì tớ gặp một chiếc xe máy đang đổ ngang ở giữa đường. Tớ đoán là tai nạn nhưng không thấy người nào cả.”

“Thật á? Có chuyện lạ thế sao?”

“Tớ đứng lại xem một lúc, nhưng sự việc rất mù mờ, khu này rất rộng và hoang vắng, nhìn quanh không thấy ai cả. Tớ không biết… không đoán được là chuyện gì xảy ra nữa, thấy hơi sợ sợ nên tớ chuồn về luôn.”

“Có thể ai đó đang cần sự giúp đỡ, cậu về chưa, cậu rủ Vũ quay lại xem thế nào, gần nhà thì chắc Vũ sẽ rành khu vực ấy hơn.”

Ý kiến ấy rất hợp lý, nhưng tôi không muốn làm theo, giờ đây tôi không có tâm trí cho những việc không phải của mình nữa.

“Alo? Kiên ơi?” Đăng gọi lại. “Cậu nghe tớ nói không? Sao không nói gì?”

“Thôi, cậu ạ.” Tôi chép miệng mệt mỏi. “Tớ nghĩ mình không nên dây vào, rách việc lắm. Tớ còn phải ôn thi để mà ra trường.”

“Sao cơ??”

“Một ngày ở Việt Nam này có hàng nghìn vụ tai nạn giao thông, rồi cũng giải quyết xong hết ấy mà, một ai đó khác đi ngang qua gặp việc ấy họ sẽ giải quyết thôi.”

 “Nhưng nếu đấy là kẻ xấu thì sao? Thấy không có người ở đấy nó có thể đem chiếc xe đi mất.”

“Thì kệ nó thôi.” Tôi nói. “Chúng ta chỉ nên lo cho mình và những người mình yêu quý thôi cậu ạ!”

“Tớ không tin ở tai mình nữa… cậu có phải là Kiên mà tớ từng biết không, từ bao giờ cậu trở thành người vô cảm như thế??”

“Vô cảm ư?” Tôi gằn giọng. “Sao cậu có thể nặng lời như thế? Nếu là người thân của tớ, hay là các cậu, tớ sẽ có trách nhiệm, nhưng họ có liên quan gì đến tớ đâu? Hơn nữa, cậu biết thừa rồi, giúp người đã chẳng được gì mà không khéo còn dính họa.”

“Thế nên tớ mới bảo cậu rủ thêm Vũ đi. Cậu là một người thông minh mà, tớ tin cậu biết cách ứng phó….”

“Thôi.” Tôi ngắt lời Đăng. “Tớ thà dùng trí tuệ để kiếm tiền còn hơn là lo việc bao đồng, tớ phải về ôn thi, tớ chỉ muốn hỏi lại cậu cho chắc chắn thôi. Lúc đấy chẳng có ai cả, tớ không thấy ai đang nguy hiểm đến tính mạng, cũng không ai biết tớ từng ở đấy thì không có gì phải lo hết đúng không?”

“Cậu…cậu định làm vậy thật sao?!”

Thật không ngờ có một ngày tôi và Đăng đã đi đến một cuộc tranh luận nảy lửa về lẽ sống như vậy, từ trước đến nay chúng tôi chỉ nói về triết lý và đạo đức trên sách vở, ở thư viện, ở những quán café, ở những nơi du lịch bụi và thường là thuận chiều với nhau, nhưng hoàn cảnh thực tế này đây lại là câu chuyện hoàn toàn khác.

“Cậu còn nhớ lần mình ngã xe ở đất Thái Nguyên không?” Đăng nói tiếp. “Hai thằng mình nằm sõng xoài ở mặt đường, cậu còn bị xe đè lên chân nữa, lúc ấy may có mấy người bán nước vỉa hè gần đấy chạy nhanh ra đỡ hai đứa vào quán, rồi cậu còn nhớ họ cho một chai rượu trắng để sát trùng vết rách ở cẳng tay đẫm máu tươi với đất của cậu không? Anh em mình cũng từng bị tai nạn, cũng biết sự giúp đỡ đúng lúc nó quý giá thế nào mà.”

“Tớ không nhớ, tớ quên rồi.” Tôi sửng cồ lên. “Thôi. Tớ chấp nhận mang tiếng là kẻ vô cảm đấy!! Tại sao tớ phải lo chuyện của thiên hạ, thế còn những khó khăn mà tớ đang phải gánh chịu thì xã hội này có ai biết đến không??”

“Không…không!” Đăng lặp lại câu ấy liên tục, có vẻ cậu ta đang rất rối trí về tôi.

“Cậu hãy bình tĩnh lại. Cậu đang rất không bình thường!” Đăng hạ giọng sau một hồi suy nghĩ. “Cậu nói tớ nghe đi. Thời gian vừa rồi đã xảy ra chuyện gì vậy?”

“Không, chuyện quái gì được chứ? Tớ vẫn là tớ thôi.”

“Lại chuyện của Lan đúng không?” Đăng hỏi dồn. “Tớ tưởng cậu xác định chuyện ấy lâu rồi?”

“Cậu đừng nói đến Lan nữa. Tớ không muốn nhắc đến cô ấy.” Tôi cố gạt đi, nhưng có vẻ càng đánh trống lảng thì càng trở thành thú tội trong mắt Đăng.

“Vậy là đúng do chuyện tình cảm rồi.” Đăng nhấn mạnh, cậu ta đã đi guốc vào tim tôi rồi. “Tớ biết cậu đang rất đau khổ, đang sống trong một giai đoạn rất khó khăn. Nhưng không nên vì thế mà chọn cho mình một cách sống thờ ơ và ích kỷ, cậu có chắc cậu làm như vậy sẽ được thanh thản không, cậu có chắc đêm nay về cậu sẽ ngủ thanh thản được không?”

“Được chứ.” Tôi cãi cùn. “Tớ đã có một ngày rất mệt mỏi, giờ chỉ cần đặt mình xuống giường là tớ ngủ được ngay đấy, cậu có tin không?”

Đăng thở dài bất lực trước câu nói ngang ngược của tôi.

“Cậu kiên quyết như vậy thì tớ cũng không biết nói gì nữa.” Đăng nói, giọng lộ rõ sự thất vọng. “Nhưng Kiên ạ, tớ nhớ trong một buổi tối, hai thằng mình uống rượu, cậu có tâm sự là thỉnh thoảng đối diện với những mất mát quá lớn trong cuộc sống, cậu có nghĩ đến việc tự tử, nhưng chẳng bao giờ cậu thực hiện nổi vì bản năng sinh tồn của cậu quá mạnh.”

“Tuy nhiên.” Đăng chậm rãi nói tiếp. “Nếu cậu tiếp tục chọn cho mình cách sống vô cảm như thế này, thì trong mắt tớ, điều ấy còn đáng sợ hơn cả cái chết Kiên ạ!”

“Sao.. sao cơ?” Tôi sững người ra, miệng há hốc không nói lên lời.

Một tiếng tít từ đầu dây bên kia vang lên, không khác gì tín hiệu của Trang hồi chiều cả, thứ âm thanh cụt lủn lạnh ngắt ấy báo hiệu cho tôi biết một điều rằng những người bạn thân thiết đang dần dần xem thường tôi, từ bỏ tôi, xa lánh tôi.

Đáng sợ hơn cả cái chết ư? Tôi đang sống theo một cái cách mà Đăng xem là đáng sợ hơn cả người chết ư?

Tôi đứng trước cổng nhà Vũ thẫn thờ nhìn ra cánh đồng bát ngát tối om trước mắt, đầu óc trống rỗng và mơ hồ, tôi là ai, tôi đang làm gì ở đây thế này, tôi phải đặt niềm tin vào điều gì bây giờ, những câu hỏi ấy cứ chập chờn như sương như khói trong tâm trí, tuy không rõ ràng nhưng lại đầy khắc khoải.

Làm ơn, có ai không, có ai có thể trả lời giúp tôi không?

“Ê!” Người đánh thức tôi lại là một kẻ bô lô ba la không bao giờ bận tâm đến những câu hỏi triết lý ấy, đó chính là Vũ.

“Mày không vào nhà nhanh còn đứng đấy làm gì thế??” Hắn nói.

Tôi quay lại thì thấy hắn đang đứng ở hiên nhà, mặc quần sọc áo ba lỗ đeo dép tông, tay cầm điếu thuốc lá, chắc đang loanh quanh chờ đến giờ xem bóng đá.

“Vũ à!? May quá.” Tôi gọi. “Ra đây đi với tao!”

“Hả?? Gì?” Hắn hét lên. “Sắp đá bóng rồi. Còn đi đâu nữa?”

“Ra đây nhanh lên!” Tôi gào lên, lần đầu tiên tôi hét được to hơn hắn. “Ngoài kia có chuyện rồi!!”