Hái Sao 2 - Chương 05 - Phần 3

Nhà sách là nơi người thô thiển bước vào cũng hóa ra tinh tế, người không nho nhã cũng thành nho nhã, đâu đâu cũng giọng cười nhỏ nhẻ, tiếng nói thầm thì.

Gia Hàng nhắc nhở mình, lực lượng trí thức rất đông đảo, cho nên đi đứng nói năng không được bỗ bã, phải nhã nhặn một chút.

Dạo nhà sách vào giữa trưa là một cách hưởng thụ, vừa được hít thở không khí mát rượi, vừa được đọc quyển sách yêu thích. Trên lầu còn phục vụ cả cà phê và vài món bánh ngọt kiểu Tây. Có một loại bánh bích quy hình động vật, ăn ngon mà lại dễ thương, Gia Hàng định bụng khi nào về sẽ mua một ít cho Phàm Phàm chơi.

Hôm nay Gia Hàng muốn mua mấy quyển lập trình máy tính và truyện nhi đồng phù hợp với trẻ em trước tuổi đến trường.

Ngày hôm ấy đến Trì Sánh, ngay từ đầu cô không hề có ý định thỏa hiệp với Mã Soái, nhưng câu nói tiếp theo của ông ta đã khiến cô phần nào chùn bước.

Mã Soái nói, rất nhiều tác gia ban đầu hành văn sắc bén, đanh thép, nhưng từ khi có con cái ngòi bút của họ thay đổi lớn lao, thậm chí vài người còn viết truyện thiếu nhi vì con mình. Cô không muốn làm chút gì đó cho tiểu thủ trưởng sao?

Mã Soái có trực giác cực kỳ nhạy bén với thị trường game online, ông ta kiên quyết từ bỏ thị trường thanh thiếu niên mà lắm thương gia tranh giành nhau đến đầu rơi máu chảy, trong khi lợi nhuận kiếm được chẳng đáng là bao. Chỉ riêng việc Mã Soái nhìn ra lợi ích và hiệu quả tiềm tàng trong Lệ nhân hành đã chứng tỏ được tầm nhìn của ông ta. Lúc này đây, ông ta lại chuyển mục tiêu sang suy nghĩ của những đứa trẻ trước độ tuổi đi học.

Mã Soái tiếp tục nói, trừ phi cô cho con cô xuyên không đến một trăm năm trước, còn nếu đã sống trong thời buổi hiện đại bây giờ thì nhất định phải tiếp xúc với máy tính và game online. Làm thế nào để vừa tránh cho đứa trẻ sa đà vào chơi game, vừa giúp chúng học hỏi được những điều bổ ích? Muốn vậy, trò chơi phải dễ hiểu, thú vị, giúp ích cho trí não, hình ảnh sống động phong phú. Biến đổi truyện cổ tích thành game online, hay nói cách khác, chính cô sẽ thiết kế game online cổ tích. Tôi sẽ tìm họa sĩ giỏi nhất trong nước phụ trách khâu trang trí, để tạo ra được thành quả như bộ phim hoạt hình đẹp hoàn hảo của Miyazaki. Thế là từ nay các bà mẹ không cần phải buồn rầu vì không lựa chọn được game online phù hợp nữa rồi.

Gia Hàng bị chấn động, và tiếp sau là dao động.

Nhưng lại còn một vấn đề, đó là Gia Hàng chưa từng đọc truyện cổ tích. Thời tấm bé cô được nuôi thả tự do, chị đi học xa nhà, bố mẹ bôn ba tìm kế sinh nhai, thế nên cô chưa bao được nghe kể chuyện cổ tích trước giờ đi ngủ.

Gia Hàng khiêm tốn hỏi ý kiến cô nhân viên nhà sách, “Trẻ con trước tuổi đi học thường thích đọc sách gì?”

Cô nhân viên mỉm cười nói, “Các bé ở độ tuổi này chưa nhận biết được mặt chữ, thích xem báo ảnh nhất. Bình thường bố mẹ đều đọc truyện cổ tích cho các bé nghe. Truyện cổ Andersen có chút huyền bí, nhưng không khó hiểu lắm với bé đang học tiểu học; truyện cổ Grimm cũng hay vô cùng.”

“Trung Quốc mình có truyện nào không?”

Cô nhân viên cười khổ, “Nước mình chỉ có chuyện xưa về danh nhân lịch sử như, Tư Mã Quang đập vại, Tào Trùng cân voi, Lý Bạch mài kim may...”

Gia Hàng cắt ngang lời cô nhân viên, thật sự nuốt không trôi. Cô thà tự mình viết, vì Phàm Phàm mà cống hiến tác phẩm đầu tay còn hay hơn.

“Sách mẹ viết cho con làm sao có chiều sâu, có ý nghĩa giáo dục được?”

“Có chứ! Sách của Long Ứng Đài* hay cực kỳ.”

(*) Long Ứng Đài (sinh năm 1952) là nhà văn nữ nổi tiếng của Đài Loan.

Những cái tựa như, Andre thân yêu, Con ơi, từ từ sẽ được, Hình bóng... thu hút Gia Hàng ngay từ ánh mắt đầu tiên. Cô mua hết một loạt, từ nay mỗi buổi tối cô sẽ đọc một đoạn cho Phàm Phàm nghe, bắt đống sách ấu trĩ kia phải cút đi thật xa. Con của cô, cô có quyền.

Lúc xách hai túi sách to tướng rời khỏi nhà sách, cô trông thấy mấy phòng tranh phía đối diện. Một phòng tranh trong số đó hôm nay tổ chức triển lãm, khách tham quan nườm nượp. Họa sĩ trước kia là người chủ trì chương trình tranh luận trên truyền hình, sau tu thân dưỡng tính, đổi sang nghề vẽ tranh. Chỉ sau một bức vẽ đã nổi tiếng như cồn. Minh tinh, học giả đến ủng hộ đông nghịt. Có điều khách tham quan đến chủ yếu để chiêm ngưỡng minh tinh hơn là ngắm nghía tranh ảnh.

Gia Hàng không dám giả vờ văn nhã, chỉ liếc mắt nhìn nhanh một cái rồi quay đi, song ngay giây sau lại bất cẩn đâm sầm vào một người qua đường đi hướng ngược lại.

Hai người ngẩng đầu nhìn nhau sửng sốt.

Gia Hàng rầu rĩ than khổ trong bụng, kỳ thực cũng không phải ngoài dự liệu, người ra kẻ vào trên con phố nghệ thuật này nhất định là nghệ sĩ, chỉ tại cô đi nhầm đường.

“Cháu chào cô!” Cô gắng nặn ra một nụ cười, lễ phép thưa gửi.

Ánh mặt trời gay gắt không áp đảo được vẻ hờ hững, oán hận, lạnh lẽo toát ra từ trên người bà Trác Dương, “Hừm, ra là cô!”

Gia Hàng lắc lắc túi giấy, “Cháu có việc bận, tạm biệt cô cháu đi trước!” Nếu kéo dài thêm một khắc nữa, cô sợ mình sẽ bị đóng băng.

Vừa bước được một bước, bà Trác Dương gọi cô lại, “Trước sau cũng gặp rồi, đi uống chút gì đi.”

Gia Hàng cười ngượng ngùng, đứng bất động.

“Sao, cô từ chối?” Giọng bà Trác Dương hỏi lạnh căm căm.

“Dạ không, không phải.” Gia Hàng thở dài bất đắc dĩ.

Bà Trác Dương không phải người tùy tiện, tuy nói là uống chút gì nhưng không phải quán nào cũng được. Hai người đi hơn nửa con phố mới tìm ra một quán cà phê. Gia Hàng xách hai túi sách đi dưới ánh nắng chang chang, mồ hôi đổ đầm đìa hai bên thái dương. Cô chẳng nhìn tên quán, hộc tốc xông thẳng vào trong rồi hít một hơi không khí lạnh, sau đó mới thấy mình được hồi sinh.

Quán vắng khách, ông chủ tóc muối tiêu đứng trong quầy bar yên lặng bào đá. Trên quầy đặt một máy hát đĩa kiểu xưa, chiếc kệ phía sau quầy không sắp đĩa CD mà là đĩa LP lâu đời, ước chừng khoảng trăm cái. Bài nhạc kết thúc, kim máy hát tự động bật lên, cần âm thanh quay trở về giá đỡ. Ông chủ đến bên cạnh máy hát đổi đĩa nhạc. Động tác của ông từ tốn chậm rãi, đường chân chim bên khóe mắt hằn sâu như khắc bằng dao khi ông giơ đĩa nhạc lên nheo mắt soi dưới ngọn đèn.

Người phục vụ hỏi bà Trác Dương đi mấy người, bà đáp tôi muốn bàn số 6.

Bàn số 6 rất lớn, thích hợp cho bạn bè hội họp, có thể ngồi năm sáu người. Bàn nằm trong góc, phía trên là ngọn đèn thủy tinh hình hoa bách hợp.

“Cà phê đen ở quán này không tệ, mỗi lần đến tôi đều gọi. Cà phê không thêm đường thêm sữa, nguyên nước nguyên vị mới đúng là cà phê, đừng làm cho nó biến thành Tứ Bất Tượng.” Bà Trác Dương nói.

(*) Tứ Bất Tượng là loài động vật sừng giống hươu mà không phải hươu, móng chân giống bò mà không phải bò, người giống lừa mà không phải lừa, đầu giống ngựa mà không phải ngựa. Tên khoa học là Tùng Lộc.

Gia Hàng chỉ cần một ly nước đá. Cà phê, bất kể là đen hay sữa, cô đều không thích.

Hình như bà Trác Dương đặc biệt đến đây để thưởng thức cà phê. Cà phê vừa bê lên, bà lập tức đắm chìm trong thế giới của riêng mình, quên khuấy Gia Hàng ngồi phía đối diện.

“Ở đây không cho phép hút thuốc, nếu không, hút một điếu sẽ tốt hơn.” Bà Trác Dương lẩm bẩm. “Ông ấy không thích tôi hút thuốc.” Rốt cuộc bà cũng ngẩng mặt lên.

Gia Hàng hơi nhún vai.

“Ông ấy cũng không thích tôi đi xa. Bình thường tôi không muốn chôn chân ở Bắc Kinh vào giữa mùa hè hoặc mùa đông lạnh lẽo. Đôi khi ngẫm lại, ông ấy đối với tôi thật sự không tệ, tuy không thích nhưng luôn chiều theo ý tôi. Tôi nói không muốn sinh con, ông ấy cũng không ép buộc. Khi ông ấy biết trên đời này có đứa con gái, nhìn ông ấy kích động, mừng rỡ như điên tôi mới hiểu thì ra ông ấy thích con cái đến vậy.”

Gia Hàng trầm mặc không lên tiếng.

“Có lẽ các người đều thấy tôi thiển cận, không biết cảm thông. Nhưng nếu cô yêu sâu đậm một người nào đó, tự nhiên cô sẽ trở nên ích kỷ, hẹp hòi, trong mắt không dung chứa nổi một hạt cát... Cô không cần trả lời,” Bà Trác Dương ngăn cản Gia Hàng mở miệng, “Cái bàn hiện tại chúng ta đang ngồi, xưa kia chính là nơi Giai Tịch và Thiệu Hoa gặp mặt lần đầu. Tôi đi cùng Thiệu Hoa, Giai Tịch và mẹ con bé ngồi đối diện. Chúng giống như trúng tiếng sét ái tình, ngày hôm sau Trác Thiệu Hoa chủ động gọi điện thoại cho Giai Tịch, hai đứa hẹn nhau đi xem triển lãm tranh. Nghe những chuyện này mà cô vẫn dửng dưng thế à?”

Thái độ của Gia Hàng điềm tĩnh lạ thường. Có lẽ vì trái tim cô đã trải qua vô số lần rèn luyện, ông Án Nam Phi cho cô sinh mệnh, vì ông, cô hiển nhiên phải chống đỡ trực diện với sự thù hằn, căm ghét từ bà Trác Dương. Chuyện cũ giữa thủ trưởng và Giai Tịch không còn xa lạ gì với cô. Khi Giai Tịch còn sống, chị giảng giải đạo lý cho cô nghe rất nhiều lần. Thủ trưởng cưới Giai Tịch chắc chắn là vì yêu mến, bởi lẽ về mặt tình cảm, anh rất kén chọn.

“Giai Tịch đã mất, cô có thể hết lòng rộng lượng, khoan dung. Nhưng cô đã bao giờ nghe nói người chết là không thể thay thế chưa? Người còn sống, sẽ sống trong nỗi nhớ nhung, ngày qua ngày sẽ tô điểm cho người chết, cho đến khi người chết ấy trở nên hoàn mỹ như thần thánh. Giai Tịch đi đột ngột như vậy, Thiệu Hoa quên nó dễ dàng được sao? Nếu bóng hình Giai Tịch luôn tồn tại trong lòng Thiệu Hoa, cô có để tâm không?”

“Không để tâm.” Dù một người có quá khứ như tờ giấy trắng chăng nữa thì lấy gì để khẳng định rằng ngày sau họ sẽ không bao giờ thay đổi? Ai gặp ai trước, ai rung động vì ai trước, hết thảy đều đã qua đi, quan trọng là hiện tại ai nắm tay mình bước chầm chậm đến năm tháng bạc đầu.

Bà Trác Dương khẽ nhếch miệng cười châm chọc, “Ồ... Thiệu Hoa luôn quan tâm đến cảm nhận của người khác. Nó vì trách nhiệm chăm sóc đứa bé nên trong lòng khổ sở cách mấy cũng không biểu lộ trước mặt cô. Nó giả vờ tài giỏi như thế chả trách cô dám bạo dạn trả lời tôi. Tuần trước Thiệu Hoa đưa em gái Giai Tịch đến gallery xem tranh, ở đó có lưu giữ một bức họa của Giai Tịch khi còn sống. Nó đứng bần thần trước bức họa ấy hơn cả tiếng đồng hồ, không lên tiếng, không cử động. Cô bảo đấy nghĩa là gì?”

Gia Hàng đã rõ mục đích hôm nay của bà Trác Dương, nếu không đâm cho cô đau đớn thì bà nhất quyết không buông tha.

“Cô để tâm, chứng tỏ cô yêu Thiệu Hoa. Cô không để tâm, chứng tỏ từ đầu đến cuối cô chỉ lợi dụng nó, cô hám danh hám lợi. Đừng giả vờ thanh cao, tôi sẽ chóng mắt lên đợi cái ngày tai họa giáng xuống đầu cô, xem cô có dửng dưng nổi không.”

“Tóm lại cô muốn cháu thế nào?” Rẽ trái không được, rẽ phải không xong, Gia Hàng ngồi thẳng tắp, hỏi.

Bà Trác Dương lạnh nhạt cụp mắt, tách cà phê đen đã nguội ngắt từ lâu. “Trước kia tôi khờ dại, bất chấp tất cả làm lớn chuyện, cứ nghĩ chỉ vậy mới có thể xả hết cơn hận trong lòng tôi. Bây giờ tôi đã nghĩ thông suốt, chấp nhận sự an bài của số phận. Tôi không cần phải làm gì hết, cô gả cho Thiệu Hoa, mọi chuyện xem như ván đã đóng thuyền. Nỗi đau tôi phải chịu hôm nay, một ngày nào đó, tôi sẽ trả lại gấp bội cho cô. Thiệu Hoa chỉ yêu Giai Tịch, cả trong quá khứ, hiện tại lẫn tương lai.” Cũng như ông Án Nam Phi, dù ông dễ dàng đoạn tuyệt quan hệ với bà, nhưng bà tin, ông vẫn bận lòng về Gia Hàng từng giờ từng phút. Cơn giận này sao có thể nguôi ngoai?

“Nếu vậy xem như cô thắng rồi phải không?” Gia Hàng hỏi.

“Chí ít tâm lý cũng cân bằng.” Bà Trác Dương thừa nhận.

Nếu không ném mẩu giấy chị Gia Doanh đưa thì giờ này cô sẽ gọi điện hỏi ông Án Nam Phi, năm xưa cưới bà Trác Dương phải chăng là vì muốn dựa hơi bà, không thì làm sao ông chịu đựng được hôn nhân mười năm đằng đẵng cơ chứ? Cô chỉ mới ngồi cùng bà Trác Dương mười phút mà đã muốn phát điên. Bà ta không chỉ bị gia đình làm hư, mà còn quen thói hống hách kiêu ngạo, giẫm đạp lên vai người khác.

Ai biểu cãi lời chị, đáng kiếp! Gia Hàng tự mắng mình một câu.

Gia Hàng không nói tạm biệt, vì thật sự không muốn phải gặp lại bà Trác Dương. Vô duyên vô cớ rước vào người một bụng tức, đến lúc đẩy cửa tứ hợp viện ra, cô choáng váng đầu óc như bị say nắng.

“Ai da, trung tá Gia về rồi. Mau mau, mau trông Phàm Phàm này, thằng nhóc vẽ đầy cả tường, tôi lau nửa ngày cũng chưa sạch.” Dì Lữ vung giẻ lau, nước bọt văng tán loạn.

Phàm Phàm cười khanh khách nhào tới, thím Đường rượt theo phía sau.

“Mẹ, con vẽ cá!” Phàm Phàm ngước mặt lên, hãnh diện mách với Gia Hàng.

Gia Hàng nhìn sang, tường viện trắng tinh vẽ đầy kiệt tác của Phàm Phàm. Có mấy đường lượn sóng nhấp nhô, có rất nhiều vòng tròn, chấm tròn, có... Gia Hàng phút chốc nín thở. Đầu tròn tròn, cặp mắt lồi ra trước, thân hình mập mạp kéo theo cái đuôi nhiều nếp gấp. Giống, rất giống!

“Dì Lữ nóng nảy thế, không tô không vẽ đâu phải là con nít chứ. Để thư thư hẵng lau dọn không được à.” Thím Đường thiên vị, nói đỡ cho Phàm Phàm. “Phàm Phàm nhà chúng ta vẽ rất đẹp, con cá kia sống động như cá thật ấy. Sau này Phàm Phàm nhất định là họa sĩ lớn!”

Phàm Phàm ôm chân Gia Hàng nhảy tưng tưng, “Mẹ, con muốn làm họa sĩ!”

Đùng đùng...

Giữa khung cảnh bình thường như mọi ngày, một viên đạn không biết từ đâu bay tới bắn thẳng vào Gia Hàng. Cô ôm ngực, cảm giác như nơi nào đó trong trái tim bị trọng thương nặng nề.