Hồi Ức Chiến Trường K - Chương 168
Chương 20 Đi bảo vệ tàu
* * *
Lại một lần nữa D7 chúng tôi có nhiệm vụ mới và tất nhiên C2 phải đi đầu tiên, C2 sẽ bám theo tàu hỏa của một chuyến đi bảo vệ tàu, từ ngã tư đường tàu lên Battambang rồi ngược lại.
Lính C2 chúng tôi nhận lệnh đi bảo vệ tàu hỏa, trong đội hình E209 thì đây là lần đầu tiên đi làm nhiệm vụ này vì vậy cấp trên không có một chút kinh nghiệm nào phổ biến xuống cho anh em binh sỹ như những chiến dịch trước. D7 được chọn đi tiên phong và C2 chúng tôi đương nhiên sẽ là đứng mũi chịu sào. Lính C2 thì thấy cái gì mới mẻ khó khăn cũng dí cũng ủi đơn vị mình nên cũng có thái độ bất mãn, bóng gió chửi đổng cạnh khóe.
-..... cái.... cũng C2.
-..... ị không ra cũng C2.
-..... làm lính C2 nhục như con cún. vv
Nói thì nói vậy thôi, cằn nhằn với nhau thế đấy nhưng cũng bảo nhau lo mà chuẩn bị tư trang vũ khí lên đường, đi nhanh về nhanh hoàn thành nhiệm vụ rồi còn chuẩn bị ăn mừng ngày thành lập quân đội, đón năm mới Tết tây 1980 sang 1981.
Nhiệm vụ lần này của C2 chúng tôi là bám theo tàu hỏa từ ngã tư đường tàu lên đến Battambang rồi trở về ngược lại, sẽ phải rải lính khắp đoàn tàu trong tư thế sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tàu cùng tài sản khác khi bị địch chặn đánh dọc đường sắt. Nhiều đoàn tàu chở gạo từ Battambang về Phnom Penh từng bị địch chặn đánh cướp phá giữa những cánh rừng gây nhiều thiệt hại cho ngành đường sắt K cũng như quân tình nguyệnViệt Nam chúng ta lúc đó. Cùng đi với C2 có thêm một khẩu đội DKZ75ly của C5 cùng một cán bộ E,mộtcán bộF trực tiếp chỉ huy giám sát. Hỏa lực mạnh của bộ binh mang theo hết, mỗi người 3 cơ số đạn, không dùng cối 60ly mà mang theo khẩu đại liên, hỏa lực mạnh của C. Gạo không nhiều,một cơ số và những chiếc bi đông nhựa to 5 lít để tích trữ nước trên dọc đường đi, mùa khô đang dần đến và hành quân tác chiến cơ giới thì chuẩn bị nước dùng dọc đường cũng khá quan trọng.
Tôi không còn nhớ chính xác là ngày nào trong cái tháng 12 năm đó, đúng như kế hoạch lên đường lính C2 chúng tôi hành quân lên D bộ, không nhiều lắm, chỉ khoảng 30 người, vài anh em ốm đau ở lại cứ, còn lại đi hết và đương nhiên ưu tiên mấy ông thương binh nửa vời được ở cứ còn ai muốn đi tác chiến thì không cản. Trên D bộ lính C5 DKZ cũng đang chờ chúng tôi lên để cùng hành quân đi, họ đứng ngồi dưới hàng me tây râm mát trên con đường lộ đỏ về C2. Cũng không nhiều lắm, 6-7 anh em thôi, như vậy là tất cả chúng tôi khoảng trên dưới 40 người. Một đại đội bộ binh chiến đấu với hỏa lực cực mạnh, có cán bộ chỉ huy E, F bám theo, như vậy là mạnh đấy chứ, thời đó với quân số này hỏa lực này, kinh nghiệm chiến đấu này là niềm ước mơ của rất nhiều cán bộ chỉ huy cấp C lúc đó.
Ngày đó lính 1978 chúng tôi là loại bé nhất đơn vị vì sau đó chưa có đoàn lính mới nào bổ sung tiếp, thế mà trong một cuộc họp gần đây có một anh cán bộ trên E xuống họp cùng anh ấy đã từng phát biểu :
- Tôi sẵn sàng đổi 10 thằng lính mới lấy một thằng lính 1978, thà chỉ huy vài thằng mà biết chiến đấu còn hơn chỉ huy nhiều thằng lính ngu ngơ trận mạc. Nhiều quân mà ít kinh nghiệm chiến đấu thì chỉ tổ lo khiêng vác chúng nó chứ béo bở gì.
Tự nhiên tất cả những thằng lính 1978 chúng tôi được nâng lên một cấp ngang tầm với thời đại khiến thằng nào cũng thấy mình vững mạnh hơn cứng rắn hơn và hình như cũng oai hơn một chút, song nhìn ra sau lưng mình thì chẳng thấy có thằng nào nữa.
Bố Xuyến bọ D trưởng ra tận nơi quán triệt nhiệm vụ, động viên binh sỹ đi làm nhiệm vụ mới mẻ độc lập tác chiến này, không rườm rà xếp hàng nghiêm nghỉ lấy oai làm gì mà bố gọi đứng gần lại đây, quây quanh bố như nói chuyện bình thường. Động viên, nhắc nhở dặn dò xong, bố chúc anh em hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao. Anh Tập lúc này đã là chính trị viên phó D7 cũng có vài lời ý kiến với anh em đi làm nhiệm vụ, với C2 chúng tôi anh ấy là người nhà, anh ấy cũng trưởng thành từ C2 mà đi lên, chỉ gần 3 năm trong chiến tranh Việt Nam - Campuchia từ thằng lính liên lạc đại đội lên đến chính trị viên phó D7.
Chúng tôi hành quân bộ lên ngã tư đường tàu, dọc đường đi phải đi ngang E bộ 209, trong E bộ mọi sinh hoạt vẫn bình thường, vài người đứng trong dãy nhà E dõi mắt nhìn ra, chắc họ biết lính tiểu đoàn 7 đang trên đường đi làm nhiệm vụ. Chúng tôi đến ngã tư đường tàu lúc khoảng trên 2h chiều, nơi đây có quá nhiều kỷ niệm với lính D7 và đặc biệt là C2. Cảnh vật vẫn như xưa, chưa có nhiều thay đổi, vài nhà dân mới mọc lên ngay gần đường 51, 1-2 chiếc xe bò của dân thủng thẳng đi lại trên đường, những đứa bé 5-3 tuổi người K trần truồng tồng ngồng, đen nhẻm đen nhèm, mũi dãi thõng thượt, vô tư tung tăng chạy nhảy. Chắc chúng không thể biết được rằng nơi đây từng là quyết chiến điểm của cả 2 bên với những trận đánh lừng lẫy cùng nhiều máu và nước mắt của E209 gần 2 năm về trước. Vẫn còn hoang tàn nhưng bình yên của ngã tư đường tàu ngày hôm nay.
Cũng cỡ gần 6h chiều thì tàu hỏa từ Phnom Penh mới về đến ngã 4 đường tàu, một con tàu cũ kỹ già nua với 8 toa đen chở hàng, ở đầu và cuối đoàn tàu là 2 toa trống chỉ có sàn còn thành mái tàu không có, một toa kéo sau cùng của đoàn tàu và một toa được đẩy trước đầu tàu kéo. Toa đầu, chung quanh thành trước mũi được xếp những bao đất cát tạo thành ụ chiến đấu nổi được đẩy phía trước, khẩu đội DKZ của C5 được bố trí tại đây. Toa trống sau cùng đoàn tàu, cũng những bao đất cát làm ụ chiến đấu di động, bố trí khẩu đại liên. Ngay sau đầu tàu là toa đen dùng làm ban chỉ huy hành quân gồm C bộ C2 và cán bộ E, F, lính các B bố trí dọc theo các toa còn lại. Nhiệm vụ của chúng tôi là bảo vệ an toàn tàu cùng hàng hóa, ngoài ra không gì khác. Lái tàu là nhân viên hỏa xa của chính quyền K, họ bập bõm vài câu tiếng Việt, nhưng hình như có cả người Việt vì nói khá tốt, tôi nghe loáng thoáng ít từ họ phát âm rất chuẩn. Đối với lính chúng tôi họ là ai, người nước nào chẳng phải thứ để mình quan tâm vì đó không phải là việc của chúng tôi, chúng tôi đang đi chung một chuyến tàu và mỗi người mỗi nhiệm vụ.
Khi lính C2 tràn về các toa đen còn lại chia nhau kiếm chỗ ăn nghỉ thì tóe loe ra một việc, khắp các toa đen đều có người dân K ở trong, họ là dân đi buôn từ Phnom Penh lên Battambang đi nhờ. Không biết do lính bác Hênh hay lái tàu nhận tiền của họ rồi nhốt họ vào những toa hàng còn để trống này, họ lên tàu lúc nào, ở đâu không ai rõ chỉ biết lúc này thì a lê hấp, xuống. Họ phân trần rằng đã trả tiền cho chuyến đi nhưng đuổi xuống vẫn là đuổi xuống, lệnh đuổi dân xuống không cho đi nhờ vì sự an toàn của họ, không ai đứng ra chịu trách nhiệm cả khi chiến sự xảy ra. Bắt đầu đã có những thỏa thuận ngầm giữa lính và dân buôn, thì thụt nhấm nháy với nhau, cán bộ C2 quát tháo vậy thôi nhưng cũng lờ đi cho lính đứng ra bảo kê cho dân đi nhờ. Nói nhỏ với nhau, mỗi thằng chỉ được cưu mang một người dân thôi song 2 hay 3 người thì không ai kiểm soát, cán bộ C cũng tranh thủ gửi lính giữ hộ 1-2 người coi như cải thiện cuộc sống lính và đương nhiên là xin mời mỗi người dân tòi ra vài chục ria để có xuất vé tàu đi Battambang. Thế là xuống tàu bao nhiêu người dân K thì cũng lên tàu lại nguyên từng đó, lính đã bắt đầu thấy khoái khi đi làm nhiệm vụ bảo vệ tàu rồi, có người bắt đầu tiếc cho những thằng ở lại cứ mất đi cơ hội biết đây biết đó và kiếm chác thêm được chút đỉnh cải thiện cuộc sống trong cái hoàn cảnh khó khăn này.
Các cánh cửa đẩy bên sườn các toa đen phải được mở rộng hết cỡ để lính có thể chiến đấu khi tàu chạy, dân phải dồn về 2 đầu kín của toa xe, nhưng sau thấy bất tiện lính chúng tôi trèo cả lên nóc tàu. Lúc này mới thấy đám dân K đi buôn thật là rách việc nhất là cái khoản đi vệ sinh của họ nên chúng tôi phải dồn họ nam nữ riêng ra cho tiện sinh hoạt, đoạn đường vài trăm km thôi nhưng đi cũng 3 ngày chứ có phải một sớm một chiều tới ngay đâu, chưa kể những trở ngại tiếp theo chưa biết trên dọc đường. Vì vậy già trẻ lớn bé, đàn bà con gái về riêng một toa còn đám đàn ông thì mặc xác họ miễn là không đi lại lung tung gây mất trật tự là được.
Chuyện ăn uống trên đường của chúng tôi thì đã có 2 bếp nấu nướng ở toa cuối đoàn tàu đến bữa chỉ việc leo lên nóc tàu lộn về đó bê về ăn còn dân K thì kệ họ, bản thân họ cũng có sự chuẩn bị lương thực ăn dọc đường, hơn nữa trên những ga cũ đã bắt đầu có bán đồ ăn cho dân đi buôn đu bám theo đường sắt họ không bị đói đâu mà phải lo. Nhiều người dân xuống các ga còn mua hoa quả mang lên mời lính chúng tôi cùng ăn chắc họ muốn đặt quan hệ lâu dài cho kế hoạch cùng phát triển giữa con tóp Việt Nam và dân buôn.
Ổn định xong thì tàu chuyển bánh trong lúc trời đã tối, tàu chạy chậm như rùa, đường sắt cũ kỹ lắc lư cùng tiếng ken két nghiến trên đường sắt, thằng nào đó nằm trên nóc tàu khi đã no cơm khoan khoái rên ư ử bài hát Rừng lá thấp. Vâng, rừng lá thấp thật vì cành lá cây đang quệt vào mặt hay người nó trên nóc toa tàu và hình như túi quần hay túi áo của nó cũng có đầy những tờ giấy trơn trơn hình chữ nhật thật đáng yêu. Bất chợt tôi sờ lại túi của mình. Ừ nhỉ, nó cũng đầy và căng căng loại giấy đó, hóa ra khi nãy tôi cũng tống lên toa xe gần chục mạng dân K đi buôn chứ không ít .
* * *
Đoạn đường sắt Ngã tư đường tàu trên đường 51 đi Udong, nơi lính C2 xuất quân đi bảo vệ tàu hỏa. Hì..Hì! Ngày đó đường sắt ở K cũng chẳng hơn bây giờ bao nhiêu, vẫn con đường sắt thuộc loại cổ lỗ sĩ nhất thế giới từ thời Pháp thuộc và sau này chiến tranh liên miên thì gần như không được duy tu bảo dưỡng bao nhiêu.
Khu vực ngã 4 đường tàu xưa kia không như ảnh bây giờ đâu, bên trái bên phải bức ảnh đường sắt toàn cây tre gai táo dại và lác đác khóm thốt nốt, cành lá ngọn cây phủ cả ra đường sắt khiến tầm nhìn không xa được như bây giờ. Đoạn ngang chốt C2 cũ thì đường sắt cao hơn mặt đất phum, bên ngoài chốt thì không phức tạp lắm về địa hình nhưng lại bị che khuất tầm nhìn vì cây cối rậm quá, hàng dãy tre gai với bờ thửa là công sự chiến đấu khá an toàn nên rất bất lợi cho lính đánh vận động lúc đó. Đến tận bây giờ mỗi khi nhớ lại vẫn thấy rùng mình vì lần đó địch đánh cắt ngang đội hình C2 khi đang rút chạy về phía sau, lúc đó tôi đang vác tử sỹ trên lưng, nếu chạy được nhanh hơn thì cũng chết mà chạy chậm tý nữa chắc cũng đã toi. Ơn Trời chạy vừa đúng miếng vừa tốc độ và vấp ngã cũng đúng lúc cần ngã. Một mình cùng tử sỹ nằm trên cao nhất của đội hình, bỏ chạy không nổi buộc phải đánh chặn địch tấn công trước mặt và mồm thì phải to như cái loa gọi anh em đánh lên trợ chiến. May anh em nó quay lại chứ nó bỏ chạy thẳng thì có lẽ giờ đây xương chắc cũng không còn.
Xập xình tàu chạy cũng cỡ 2h đồng hồ thì dừng lại tại một cái ga cầu bơ cầu bất nào đó khi đi qua đoạn đường tàu cắt ngang đường 132, nhà ga cũ rích tối thui chẳng nhìn thấy cái gì ra cái gì cả. Theo phán đoán của anh em lúc đó thì điểm đỗ tàu ở đây cũng cỡ ngang ngang với núi Kimry trên bản đồ nếu kéo về hướng đông núi, thôi thì quan trọng gì, ở đâu mà chẳng được, chỗ nào trên cái đất K này chẳng giống nhau và ở đây thì có địch hay không có địch cũng chẳng phải là điều đáng nói. Mấy thằng lính Pốt chết đói ở đây trước kia chúng tôi khinh bằng con tép, chỉ cần thấy thoáng bóng lính quân tình nguyệnViệt Nam là chúng bỏ chạy văng guốc văng dép cả rồi còn đâu mà nói chuyện chinh với cả chiến.
Đêm đến tàu chạy chậm và phải bật đèn pha sáng lên để chạy, lâu lắm rồi chúng tôi không được nhìn thấy ánh sáng điện, ngồi trên nóc tàu thấy ánh sáng chạy trước trên cái đường sắt cũ kỹ lắc lư soi rõ lính DKZ75ly của C5 ngồi dựa vào thành những bao cát trên cái toa tàu trống được đẩy phía trước.
Bộ phận đi đầu và khóa đuôi đoàn tàu thì chẳng xơ múi được gì vì nằm trơ trọi ra đó lấy đâu chỗ kín đáo mà bảo kê cho dân đi buôn nên số khổ vẫn hoàn khổ, vất vả mà chẳng được gì từ vụ làm ăn vừa qua. Lính bộ binh là sướng nhất, lính bộ binh là vua trên chuyến tàu đó, có làm ẩu làm bừa thì cũng chỉ là thằng lính nếu có bị kỷ luật vì chứa chấp dân buôn trên tàu hỏa thì có khi nó lại càng mừng, nhất là những thằng mới nhận quân hàm thượng sỹ đợt gần đây. Chúng nó đang lo sốt vó vụ này chưa biết tính toán sao đây, nhỡ ra nhãng ý đi vài tháng họ gắn cho đôi đũa cả trên ve áo rồi lôi tuốt tuồn tuột 3 sao với cái gạch vàng xuống thì chỉ có nước ngồi đó mà khóc tiếng Thổ nhĩ kỳ cùng với nhà ông Azit Nexin.
Cán bộ của E, F có 2 ông bám theo kiểm soát đoàn tàu thì cũng lượn qua lượn về trên đoàn tàu đó vài lần rồi ngồi thu lu trong cái toa kín mít toàn sắt bọc quanh đó cho nó yên tâm, quá là lô cốt di động, hơi đâu mà thò mặt ra, nhỡ ở dưới đường phía trong những cánh rừng kia nó bòm cho một phát thì dở hơi với mấy thằng lính Pốt tàn quân ngớ ngẩn không tên không tuổi đó. Cán bộ C2 cũng vậy nốt, ra ngoài làm gì, có gì thì lính các B và B trưởng chúng nó lo cả rồi, còn lính thì thuộc loại cùng đinh nhất chẳng ngán chẳng sợ cha con mấy thằng Pốt nên cứ nhơn nhơn với nhau cả lũ. Nếu mày thích chiến thì mời mày ra đây, hàng đại đội lính chiến đấu luôn sẵn sàng tiếp đón chúng mày một cách nhiệt tình nhất xem ai là thằng lỳ đòn hơn cho biết.
Cán bộ C2 rỉ tai B trưởng, B trưởng rỉ tai anh em : Này chia đều đấy nhé, chia bớt cho tất cả anh em cùng hưởng đừng thằng nào ăn mảnh một mình nhé. Thế là những con số thống kê xem thằng A thằng B đã nhập bao nhiêu và cần xuất ra bao nhiêu cho nó đồng đều, chia bớt cho đám anh em ở đầu và cuối đoàn tàu nhiều thiệt thòi hơn kia. Chia thì chia, Campuchia mà, chia bớt cho anh em cũng chẳng sao, có phải của ông của cha mình đâu mà cần, cũng là của chim trời cá nước cả thôi, không lẽ mình hưởng cả để anh em khác nhịn đói thì cũng chẳng đành lòng. Song tính tư hữu cá nhân vẫn còn nặng lắm, nhiều thằng thu vào 10 chỉ báo 5, chẳng dại gì báo nguyên số mình từng nhận lúc trời còn chập choạng tối.
Chuyện đó coi như ổn, ai cũng có chút phần và tất nhiên mấy anh cán bộ của E, F thế nào cũng được cán bộ C2 giải quyết chế độ nên suốt dọc đường đi sau này cũng cứ mặc kệ lính muốn làm gì thì làm, tất nhiên là lính C2 không có thằng nào làm điều gì bậy bạ ngoài việc lấy tiền bảo kê lộ phí cho tấm vé đi Bat Dambang của dân buôn lúc đó.
Thằng Tính vịt chui vào toa đen hỏi dân K :
- Tha lam chụa. (có thuốc rê không?)
Nghe tức cả tai nên thằng khác vặc lại :
- Tha lam chụa cái đầu mày mà tha lam chụa. Phải là Samit biết chưa?
- Ừ thì Samit vậy. Samit, Samit.
Đúng là dân, đúng là lính, dễ trăm đường mà dân " không " cũng chịu, khó trăm đường mà dân " liệu " cũng xong, lính hỏi tha lam chụa mà dân đã " liệu " cho rồi thì được luôn Samit thế mới hay, tình quân dân đúng như kỷ luật quân đội là phải như cá với nước và ở đây chúng tôi với dân K đúng như vậy thật. Cá, nước và hình như cũng có cái thớt bên cạnh.
Khu vực gần cái nhà ga cũ kia cũng có một bộ phận nhỏ lính quân tình nguyệnViệt Nam, đơn vị nào tôi không biết, đóng quân ở đấy, khi tàu vào ga thì vài tay lính mình xách súng ra chỗ đoàn tàu chúng tôi đang đỗ hỏi han cái gì đó người lái tàu, nhưng khi biết có hàng đại đội lính Việt Nam trên tàu cùng cán bộ của E, F7 thì bỏ đi luôn không hỏi han gì nữa. Trong đêm tối chẳng nhìn rõ được cái gì, nhà ga với mái nhà ngói xiêu vẹo cũ kỹ bên trong tối như hũ nút kia chẳng có lấy một ánh đèn dầu, sân ga cũ nát với vài cái toa tàu chỏng trơ trên cái đường ray, lạc lõng đến vô tình giữa một khoảng đen xì của rừng cây cả 3 bề 4 bên. Một cái nhà ga không tên chẳng tuổi đã từng chết từ rất lâu rồi, cái đất nước này thật kỳ lạ tôi chưa từng thấy cái gì của họ có sự sống cùng sự phát triển văn minh của nhân loại thời đó, tới đâu cũng chỉ thấy sự tang thương và tang tóc từng diễn ra ở đây từ nhiều năm tháng rồi, càng ngẫm tôi càng thấy khó hiểu về các nhà lãnh đạo của bè lũ Khmer đỏ đã đưa dân tộc này về thời kỳ ăn lông ở lỗ nhằm mục đích gì không biết? Chỉ có Trời mới hiểu nổi cái chân lý cùng hành động của họ còn tôi thì từ ngày đó cho đến tận bây giờ cũng không thể hiểu nổi. Xin chịu.
Đám dân K đi buôn thì có vẻ thông thuộc hơn hẳn lính chúng tôi, chắc họ đi lại nhiều lần trên đoạn đường sắt này nên cũng hết sức bình thản tìm chỗ móc võng lên mà nằm, họ sống hơi ồn ào, nói cười bô bô. Chúng tôi không quen cách sống này khi đi tác chiến nên hơi bực mình với họ, chúng tôi cần yên lặng giữ trật tự chia nhau canh gác và ồn ào thường gây bất lợi nên phải nhắc nhở họ, trong đêm tối cấm đi lại lung tung tránh tình trạng con tóp Việt Nam banh ngọp nhầm. Khi cần đi vệ sinh trong đêm chỉ cần tụt xuống đường sắt ngay toa tàu của mình và cứ ngồi đó mà thiên nhiên. Dọa họ thế thôi chứ cũng không đến nỗi và người dân thì cứ răm rắp mà tuân thủ không ai dám trái ý lính quân tình nguyệnViệt Nam lúc đó, lôi thôi cho xuống giữa rừng thì chỉ có ngồi đó mà khóc rưng rức.
Đám phụ nữ K bên toa tàu kia thì trật tự hơn chỉ mỗi tội những lúc lên xuống tàu, lòe xòe váy áo xà rông hoa của Thái lan, họ đu bám leo lên cửa tàu thì đến là buồn cười. Cửa bên hông toa đen cao đến gần ngang ngực họ chứ chẳng chơi nên phải người dưới đẩy người trên kéo mới lên nổi và khi đã lên được rồi thì ai cũng rất tự nhiên tháo ra quấn lại cái xà rông cho chặt hơn vì khi leo trèo nó đã tụt rộng bụng ra mất rồi. Cứ thản nhiên như không trước mặt những chú lính quân tình nguyệnViệt Nam trẻ măng chưa từng một lần biết yêu, họ làm cái việc không mấy đẹp mắt đó. Sau này nhiều thằng lính C2 theo dõi họ sinh hoạt trên đường đi, khi tàu dừng ở chỗ nào đó, phụ nữ K cũng rất tự nhiên đi ra xa đường sắt chút ít rồi cứ nguyên như thế họ ngồi xuống và cái xà rông cứ như cái lồng úp lấy phần dưới của họ và họ cũng cứ tự nhiên như vậy mà đi vệ sinh. Ai đi ngang hay nhìn thấy hành động của họ, họcũng không ngượng ngùng, có lẽ lính mình ngượng nhiều hơn khi phải chứng kiến điều đó.
Có một bà già lớn tuổi mặt mũi nghe chừng cũng khá bợm trợn, nơi cổ tay bà ta cũng có vết xăm trổ gì đó được che bằng cái đồng hồ điện tử nhảy số, dây và vỏ bằng sắt mạ, nhưng không che hết vết tích một thời ngang dọc, biết vài câu tiếng Việt bập bẹ. Bà taở trong đám phụ nữ đó như chỉ huy đám này, bà ta nói gì thì ai cũng răm rắp nghe đâu vào đấy, nhìn phong cách của bà ta là biết bà ta là hiện thân của một xã hội âm u nào đó đang lớn dần trong đám phụ nữ dân K đi buôn, tuy không rõ nét nhưng cũng âm thầm đầy quyền lực. Nhìn nét mặt của bà ta kênh kênh khó chịu song bà ta lại là người biết người biết ta nhất, luật do lính quân tình nguyệnViệt Nam đề ra bà ta tuân thủ tuyệt đối vì vậy mọi người cũng cứ thế mà làm cho đến khi tới đích cuối cùng. Khi nào họ khăn gói quả mướp bước xuống tàu thì cũng là lúc bản hợp đồng bảo kê của chúng tôi trên đường đi hết hiệu lực, chúng tôi thì cũng chỉ mong chóng tống khứ họ xuống cho nhanh là thoát nợ. Song nói đến điều đó bây giờ vẫn là quá sớm, chẳng đường đi còn dài.
Sáng hôm sau tàu lại chuyển bánh, đi đêm không an toàn nên dừng lại qua đêm cũng là quy định bắt buộc của ngành đường sắt K thời đó, từ đây những cánh rừng phủ kín 2 bên đường sắt luôn là những bất ngờ cùng bất lợi cho đoàn tàu hỏa, nhưng kinh nghiệm cho thấy lính Pốt không tập kích vào đoàn tàu từ Phnom Penh đi Battambang mà thường nổ súng vào đoàn tàu đi từ hướng ngược lại xuôi về Phnom Penh. Vài thằng lính C2 biết được chuyện này từ những người đi buôn, đúng thế, chúng chặn đánh như vậy may ra kiếm được chút hàng hóa từ Thái lan về chứ từ Phnom Penh đi thì có mà chết đói, làm gì có gì cho chúng cướp phá ngoài những toa đen không, chạy tà tà trên đường sắt.
Sang buổi sáng ngày hôm sau chúng tôi dậy sớm sau một đêm nằm vạ vật khắp đoàn tàu, anh nuôi dậy sớm đốt đống lửa to bên sân ga nấu cơm cho lính chúng tôi ăn, nước đã được anh nuôi gánh theo nên công tác nấu cơm buổi sáng chẳng khó khăn gì.
Cả một đêm nằm trên sân ga lặng ngắt như tờ với đoàn tàu chỏng chơ, người dân K đi buôn theo đoàn tàu cũng khá trật tự, hình như họ rất hiểu quy luật của chiến tranh nên đã tự giác nhắc nhở nhau trong sinh hoạt gần lính quân tình nguyệnViệt Nam. Trong đêm tối họ không đi lại lung tung và chỉ tụt xuống khỏi toa xe trên đường sắt khi đã rõ mặt người, họ đánh tiếng hay hỏi han lính quân tình nguyệnViệt Nam như muốn nói : Tôi cần đi về hướng kia hay góc này, tránh tình trạng lính chúng tôi mắt nhắm mắt mở nhìn gà hóa cuốc bắn nhầm phải họ.
Cái hồ nước nhỏ với những cây hoa sen gầy guộc, lá tươi ít hơn lá khô ủ rũ dưới mặt hồ nước, với ven bờ cây cối rậm rịt, cành lan xuống cả lòng hồ, nguồn sống cần thiết nhất khi mùa khô đang dần đến. Chúng tôi vẫn thường nói đùa với nhau : Lính ở chiến trường K mà chưa từng nếm nước tiểu của đồng đội thì không phải thằng lính chiến, ít nhất ai cũng một lần thấy được nỗi cùng cực của cơn khát cháy cổ họng, khát đến mức thấy nước bọt trong miệng mình nó đặc quánh lại, miệng đắng ngắt, mắt đỏ ngầu vì khát giữa mùa khô và mặt trời như đổ lửa trên đỉnh đầu. Ai từng đi qua thời khắc đó sẽ thấy hết được giá trị từng giọt nước ngọt mùa khô trên chiến trường K nó quý hiếm đến thế nào.
Cái hồ nước nhỏ nằm gần sân ga cách đoàn tàu khoảng 100m và chúng tôi cũng tranh thủ vệ sinh cá nhân buổi sáng, lấy nước dự trữ cho cuộc hành trình trong ngày hôm nay, nhóm anh nuôi thì luôn có những chiếc bi đông nhựa to 5 lít để lấy nước mang theo dự trữ, lính anh nuôi đơn vị tôi là những người rất chăm chỉ cần mẫn với công việc. Họ chăm lo cho anh em như những người thân yêu của mình, họ vui khi thấy chúng tôi khỏe mạnh ăn uống ngon miệng để có sức khỏe công tác, họ buồn khi anh em ốm đau bỏ cơm, họ đã cố gắng hết mình trong điều kiện có thể để lo cho anh em khác. Khi chúng tôi chiến đấu, họ ở lại tuyến sau hồi hộp chờ kết quả trận đánh, nhiều người bỏ nồi niêu xuống là lao vào cứu thương, băng bó cho thương binh hay tẩm liệm tử sỹ, thay cho họ bộ quần áo mới sạch sẽ nhất trước khi chuyển lên tuyến trên, tuy không trực tiếp chiến đấu nhưng họ là những chiến sỹ mà chiến công nào cũng có công sức của họ đóng góp. Hôm nay với hoàn cảnh mới, nhiệm vụ tác chiến mới nhóm anh nuôi cũng vẫn ở bên chúng tôi và họ làm tròn cái bổn phận của người lính đối với đồng đội, một nồi nước to đun sôi để nguội cho anh em tự mang bi đông riêng của mình đến mà rót nước mang theo cho khỏi phải uống nước lã, bữa cơm sáng đạm bạc vẫn món ăn truyền kiếp, cá khô kho mấy khúc trong cái đĩa chia 4 ngăn quân dụng bằng nhôm.
B1 chúng tôi bê nguyên cái chậu cơm lên nóc toa tầu ngồi ăn với nhau, mỗi người xúc bát cơm sáng với mẩu cá khô kho rồi dạt ra một chỗ ngồi ăn, lính chúng tôi mang tiếng là vậy nhưng ăn uống cảnh vẻ lắm, không mấy người ăn khỏe ăn nhiều, cơm sáng mỗi người mỗi bát ai ăn khỏe cũng chỉ sang bát thứ hai là cùng. Cả C2 có thằng Do bên đại liên là ăn khỏe nhất, nó từng quất hết 13 suất cơm sáng của anh em nên cứ B nào thừa cơm thì mang xuống anh nuôi để đấy cho thằng Do nó ăn, thằng này dễ tính, không tự ái bao giờ, ai cho cái gì ăn được là nó ăn ngay không chê và cũng chẳng cần giữ ý, nó tình nguyện vác nặng miễn là được ăn no bụng và nó từng sở hữu cái tầm khẩu đại liên ở đơn vị tôi cho đến hết đời lính, bao nhiêu km đường đất dưới chân chúng tôi thì bấy nhiêu km cái tầm súng đại liên ngự trị trên vai nó. Hình ảnh về nó nằm mãi trong tôi nhiều năm tháng sau này, với bộ quân phục màu cỏ úa bạc phếch, quần ống thấp ống cao, chân đi đôi dép cao su của lính Pốt to và nặng như cối đá mà nó từng lột ở xác chết thằng lính Pốt nào đó, mũ sắt trên đầu cài quai cẩn thận với cái ba lô gạo và tư trang sau lưng, dừng bước xốc lại cái tầm khẩu đại liên gần 20kg trên vai, ngước mắt nhìn lên lưng chừng núi như tự lượng sức mình trên đường vượt dãy Urang cuối mùa khô 1979, với góc nhìn của tôi thì nó là hiện thân của anh nông dân cầm súng.
Tôi ngồi đó nhởn nha nhai cơm sáng mắt lơ đãng nhìn ngắm cái nhà ga này, mái ngói sẫm màu thời gian, rêu phong cũ nát, tường vôi trắng cũng đã trở về màu luôm nhuôm của những vệt nước mưa chảy theo thời gian, một nửa cái mái biến mất đi đâu trơ lại tường bức còn bức đổ, cây mọc gần cửa ra vào nơi có cái cửa vòm cong cong cùng hàng đống đổ nát nằm đó từ bao giở bao giờ chẳng ai rõ, những vết đạn còn nham nhở trên tường nhà ga phảng phất đâu đây từng diễn ra những trận giao tranh ác liệt. Ngoài xa kia, cái tháp nước bằng xi măng với 4 cái chân bê tông lênh khênh lạc lõng giữa rừng cây và rừng cây cũng đang xâm lấn cái nhà ga bỏ hoang này, cái ga xép với 3 đường ray xe lửa cũ kỹ và nhữngđoạn toa xe vết cháy nham nhở cùng đồ sắt thép rỉ toe rỉ toét, có lẽ những toa xe trở hàng này từng nằm ở đây cả trăm năm mất. Lúc đó tuy còn rất ít tuổi nhưng cũng đủ cho tôi hiểu rằng đất nước này nhiều đau thương quá.
Khoảng 7h sáng thì tàu bắt đầu rời khỏi sân ga, nó chẳng vội vã gì cứ từ từ chuyển bánh và lính tráng chúng tôi tìm chỗ nằm nghỉ hay vào vị trí chiến đấu của mình trên đoàn tàu, chúng tôi chẳng ai muốn nhảy vào cái toa có dân để ngồi hay nằm nghỉ. Thật bất tiện khi mình treo võng nằm và họ ở chung quanh, chẳng sợ họ là dân địch bất ngờ cướp vũ khí của mình nhưng không ai thích gần họ, cái chúng tôi cần ở họ thì họ đã đáp ứng và cái họ cần ở chúng tôi thì chúng tôi đang trên đường thực hiện, quan hệ sòng phẳng không ai chịu ơn ai và ai cũng cần đến nhau. Tôi ngồi ngoài cửa một toa xe thò 2 chân xuống bậc cửa, mắt nhìn đoạn đường đi qua ngang tầm mắt, những cánh đồng hay cánh rừng lần lượt qua khung cửa toa tàu, những chùm khóm thốt nốt sau mùa mưa xanh tốt tít tận xa kia và những con đường nhỏ đất đỏ cắt ngang đường sắt. Rồi những phum sóc cũng lần lượt lùi lại phía sau thưa thớt bóng người, tôi đoán chắc đây thuộc tỉnh Kampong Chnang khu vực này chúng tôi từng đi qua, một lần đơn vị càn quét về hướng này, một lần đi Poursat theo đường quốc lộ5. Vùng này địch đã bị những đơn vị của Quân đoàn 4 chúng tôi đánh cho tan tác bỏ chạy khỏi đây từ lâu rồi, chính quyền bạn đã xây dựng xuống đến cấp xã phum cuộc sống nhân dân K đang dần dần đi vào ổn định.
Khi tàu chạy ngang một đoạn có đường đất đỏ cắt ngang đường sắt thì có một chiếc xe bò dừng lại chờ tàu chạy qua, cặp bò trắng to khỏe với cái xe bò rất diêm dúa phất phơ những sợi dây len xanh đỏ trên cái càng cong vút giữa xe, chuông đồng nhỏ 2 chiếc xinh xinh nơi cổ 2 con bò khẽ leeng keeng khi xe bò hơi tuột dốc. Người đánh xe bò là một người đàn ông tuổi khoảng trên dưới 30, mắt anh ta nhìn chúng tôi và đoàn tàu, tôi đọc được ở trong ánh mắt thoáng nhìn đó chút hằn học khó chịu, ít nhiều gì thì chúng tôi, những người lính quân tình nguyệnViệt Nam cũng là kẻ ngoại bang. Tuổi anh ta thì tôi biết chắc là ở tuổi đang cầm súng dưới chế độ Pôn Pốt và cũng có thể trước đây anh ta đã từng đứng ở phía bên kia của cuộc chiến, có thể từng là đối thủ của chúng tôi, nhưng hôm nay anh ấy đã buông vũ khí trở về với cuộc sống gia đình thì chúng ta cũng không nên truy sát hay có thái độ hằn học với họ, hãy để họ được sống yên ấm bên người thân mà xây dựng lại quê hương Tổ quốc của họ. Có thể hôm nay anh chưa hiểu hết việc làm của những người lính quân tình nguyệnViệt Nam chúng tôi nhưng ngày mai anh sẽ hiểu, chúng tôi tới đây chiến đấu hy sinh vì ai và vì cái gì?
Một thoáng nhắc nhở tôi nhớ về quê nhà và những người thân yêu của mình, nhanh quá, đã 2 năm 7 tháng tuổi quân và 2 năm 3 tháng cầm súng, những người lính của C2 chúng tôi từ những ngày đầu tôi về đơn vị chẳng còn bao nhiêu người, các anh ấy cũng lần lượt ra đi khỏi đơn vị với nhiều lý do khác nhau của cuộc chiến. Người đi học, người chuyển đơn vị khác, người lên cơ quan cấp E, F, người hy sinh, người bị thương rồi xuất ngũ không quay trở về đơn vị nữa, lính đoàn tôi 10 thằng về C2 ngày đó giờ điểm lại còn có 4 anh em chúng tôi và ngày trở về của lứa lính chúng tôi trong đơn vị còn mịt mù lắm. Lá cây rừng đã ngày càng che khuất kín hết lối trở về, tôi thấy thương cho mình, thương cho đồng đội và thương cho tất cả những người lính chúng tôi đang chinh chiến nơi xứ người.