Hồi Ức Chiến Trường K - Chương 79
Chương 20 Cái chết tức tưởi của thằng em Vĩnh phú
* * *
Khoảng 10h trưa tôi tỉnh giấc, ánh nắng mặt trời lên cao xiên vào cái lán C bộ trên con đập chắn nước, cái hố nằm sâu xuống đất đến 30cm nên kín gió khiến không khí càng theo oi bức khó chịu, toàn trận địa vẫn im lặng như tờ, không một tiếng động không một ngọn gió. Lúc khoảng 8h sáng tôi nghe tiếng anh Tập nói với thằng Việt :
- Gọi thằng H dậy, sao ngủ đến tận giờ này, lính tráng mà ngủ như vậy địch nó vào tận nơi nó kề súng vào cổ lúc nào không biết.
Xong tôi nghe tiếng anh Hồng nói :
- Kệ cho nó ngủ, bắt nó dậy sớm làm gì, cả đêm qua nó có được ngủ đâu, lính chiến mà ông cứ làm như trong doanh trại không bằng ấy. Kệ chúng nó, lúc nào nghỉ ngơi được là để cho chúng nó nghỉ cho có sức, biết đâu ngày mai sẽ là những nhiệm vụ gì và vất vả gian khổ đến không thể có thời gian nghỉ ngơi, con người chứ có phải cái máy đâu.
Nghe tiếng ông anh của tôi bênh tôi nên tôi yên tâm ngủ tiếp, anh ấy nói đúng quá ấy chứ, không tranh thủ nghỉ ngơi thì sức quái đâu ra mà đánh nhau, đến voi cũng có lúc phải gục chứ đừng nói đến sức người. Anh Tập cũng là người quý mến tôi nhưng anh ấy muốn rèn dũa chúng tôi theo cách khác, phải chấp hành kỷ luật sinh hoạt nghiêm trong mọi điều kiện, đúng tác phong chính quy trật tự kỷ cương rõ ràng. Còn anh Hồng thì suy nghĩ trái ngược hẳn, đặt nhiệm vụ và trách nhiệm người lính cao hơn tất cả, gì cũng được miễn là hoàn thành nhiệm vụ, vài ba cái vụ sinh hoạt lẻ tẻ cho qua hết. Cả 2 anh đều đúng cả song có lẽ lính thì khoái quan điểm của anh Hồng hơn, nói như vậy cũng không có nghĩa lính không thích anh Tập.
Tỉnh dậy rồi nhưng tôi không dậy ngay cứ nằm thêm chút nữa suy nghĩ miên man, lo lắng chuyện gia đình ngoài Hà Nội, khi quân Trung quốc đánh đến cầu Long biên không biết bố mẹ gia đình, họ hàng bà con nhà tôi sơ tán chạy loạn về đâu? Cuộc sống ra sao? Bao giờ chấm dứt cuộc chiến ai sẽ còn và ai sẽ mất? Mọi người sẽ được gì mất gì ở cuộc chiến tranh này? Mẹ cha cái thằng Pôn Pốt và thằng Tàu khựa tại sao nó gây ra chiến tranh với chúng ta làm gì để giờ đây những thanh niên và mọi gia đình trên đất nước của chúng ta lại phải lao vào cuộc chiến tranh mới.
Nhân dân ta, đất nước ta có mấy chục năm chiến tranh liên miên nên chán ghét chiến tranh lắm rồi, giờ đây chỉ mong được sống hòa bình yên thân xây dựng lại đất nước. Ước muốn giản dị như vậy mà cũng không xong, chúng vẫn thích gây chuyện chiến tranh đau thương tang tóc trên đất nước chúng ta là thế nào nhỉ? Nghĩ mãi rồi tôi cũng chẳng thể tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi đó, chuyện chính trị ở tầm vĩ mô cái đầu nhỏ bé của tôi khi đó làm sao hiểu cho hết. Thôi thì đụng trận nện nhau thật lực là được rồi còn nó muốn tới đâu thì tới muốn ra sao thì ra, thằng Pốt chứ đến bố thằng Pốt mà bố láo thì cũng nện cũng đánh, sợ quái gì chúng nó.
Sau bữa cơm trưa vội vàng, anh em trong đơn vị đang đóng chốt lặng lẽ tìm chỗ nghỉ ngơi tránh nắng, bỗng có tiếng cối 60ly đề pa từ hướng địch, duy nhất một quả không hơn, không có tiếng súng đạn nhọn bắn phụ họa hay bất kể động thái gì khác. Cũng chỉ vài giây sau,một tiếng nổ bên hướng B3, thật không may quả đạn cối mồ côi vu vơ đó rơi trúng cái lán che tạm bằng lá thốt nốt của B3 rồi tiếng gọi thất thanh y tá đâu từ hướng trận địa.
Không may khi đó thằng Diễm y tá vừa mang nồi chậu quân nhu xuống anh nuôi trả và nhân tiện tắm rửa luôn bên cái hồ nước nhỏ trên D bộ. Nghe thấy vậy là tôi biết rồi, vơ nhanh cái túi cứu thương đựng bông băng thuốc men của thằng Diễm, tôi co chân chạy về hướng B3 không quên khoác cái bao xe lên ngực và cầm theo khẩu AKM của tôi, với tôi khẩu AKM luôn theo tôi mọi lúc mọi nơi không bao giờ rời xa. Tôi xuống đến B3 thì trời ơi thằng em Vĩnh phú của tôi bị thương be bét trên người.
Trưa nay vừa ăn cơm xong nó chui vào lán nằm ngủ cho thằng khác gác ca của nó. Nó nằm ngửa gác chân chữ ngũ xỉa răng thì quả đạn cối 60 chết tiệt kia của địch bắn trúng mái lán, mảnh chụp xuống và nó lĩnh trọn. Phần bụng của nó là nặng nhất, một lỗ toang hoác máu chảy đầm đìa, cơm nó vừa ăn xong chưa kịp tiêu hóa phòi ra từ vết thương trộn lẫn cùng máu của nó. Tôi tháo vội túi cứu thương lấy băng cá nhân ra, phải tháo tới 5 cuộn băng Trung quốc ấn vào bụng nó cho máu không tháo ra cái bụng nó mới đầy. Sau đó tôi cùng thằng Hào bê mông của nó lên để luồn cuộn băng, băng lại vết thương dưới phần bụng, ai đó đứng ngoài luôn tay xé những cuộn băng đưa cho tôi. Băng xong phần bụng đến tay chân ngực mặt đầu cho nó, trong lúc chúng tôi băng cho nó thì chỉ nghe vài tiếng rên khẽ từ cổ họng của nó, chắc nó đau lắm nhưng đã mê man từ bao giờ rồi.
Tôi băng cho nó hết đúng cái túi băng cứu thương của thằng Diễm 36 cuộn băng, cả đời lính chiến của tôi chưa bao giờ tôi thấy ai bị thương nặng như nó. Thương nó quá, một thằng em ngoan ngoãn mẫn cán, rất thông minh và sống có trách nhiệm với đồng đội vậy mà chính nó lại gặp phải điều không may nhất. Thương lắm.
Vận tải của D xuống ngay cáng nó về tuyến sau, họ đi lên theo hướng C1 và tôi cũng bám theo về bằng hướng đó, trước đó tôi vừa tiêm cho nó một mũi giảm đau. Khi về ngang với C bộ C2 thì anh Tập chạy tắt qua cái trảng giữa 2 C hỏi tôi :
- Nó còn sống không?
- Còn sống anh ạ, em vừa thấy nó ngáp cái thứ 2 xong.
Anh Tập đang buồn cũng phì cười vì sự ngây thơ quá mức của tôi, anh nói:
- Thôi thế là đi tong mất thằng em rồi, nó ngáp chết đến 2 cái mà mày bảo là nó còn sống được à.
Ừ nhỉ! lúc này tôi mới nhận ra sao mình ngu thế nhỉ, khi nãy khi anh em vận tải bắt đầu cáng nó đi, vừa lên vai tôi thấy nó ngáp một cái, chạy được một đoạn tôi thấy nó ngáp cái thứ 2, tôi đã mừng vì thấy nó ngáp được và biết rằng nó đang còn sống. Ai ngờ đâu nó ngáp bởi phổi thiếu không khí, nó ngáp để giã biệt cuộc đời và tôi cũng thật ngây thơ, đến cái việc sơ đẳng đó cũng không nhớ, trước đây vẫn nghe mọi người nói đến người ngáp trước khi chết vậy mà quên.
Vận tải mang thằng em Vĩnh phú về đến D bộ thì nó hy sinh, anh em làm vệ sinh thay quần áo mới bó buộc cho nó cẩn thận, để trong lùm cây râm mát nhất. Không hương khói, không người thân, không một giọt nước mắt, nó ra đi trong tức tưởi chỉ có tôi đến tiễn đưa nó, chẳng làm được gì hơn là đứng lặng cúi đầu bên cạnh nhìn, tiễn đưa nó trở về với cát bụi.
Chiến tranh là dã man, là tàn bạo ngoài sức tưởng tượng của con người đã cướp đi cuộc sống của biết bao thanh niên Việt Nam chúng ta thời đại đó và thằng em Vĩnh Phú của tôi cũng là một người trong số đó.
Tất cả chúng tôi khi đó thèm được sống trong BÌNH YÊN.