Hồi Ức Chiến Trường K - Chương 99
Chương 6 Xây dựng doanh trại
* * *
Chúng tôi được nghỉ mấy ngày trong thời gian đó, tranh thủ học chính trị, nhiệm vụ và công tác trước mắt của đơn vị, cũng cứ tưởng chuẩn bị chiến tiếp ở khu vực nào đó không ngờ đơn vị về đây xây dựng căn cứ ở lại lâu dài. Cứ cũ của chúng tôi nằm trước cổng sân bay Puchentong có rồi cơ mà, sao không về đó mà về đây làm gì? Ai cũng thắc mắc như vậy.
Ở đây chúng tôi mới được biết một từ mới đó là Quân tình nguyện Việt nam, chiến sỹ Quốc tế, được hiểu thêm về chính bản thân mình với những nhiệm vụ của người lính tình nguyện, cầm súng chiến đấu vì cái gì, nhiệm vụ trước mắt, nhiệm vụ lâu dài của người lính tình nguyện trên đất Campuchia. Còn hiện tại phải xây dựng căn cứ, nơi ăn chốn ở cái đã, mọi chuyện tính sau.
Trước đây mấy tháng, vùng này địch tập trung khá đông, nhiều đơn vị chủ lực của chúng co cụm về đây, chúng cũng từng giao tranh nhiều trận với chúng tôi tại đây, địch khá mạnh nếu như không muốn nói có phần trên cơ về số lượng quân số. Ngay trên đoạn đường ngắn, khoảng 7- 8 km trên đường 51 có 3 xe tăng T54 của ta bị địch bắn cháy cùng nhiều xe cơ giới khác thì đủ biết địch ở đây không phải loại xoàng. Nay sau trận đánh vào căn cứ Amleeng thì ở đây thanh bình quá, không một tên địch không một tiếng súng nổ và không có chiến tranh.
Người dân hiền lành luôn len lét nhìn bộ đội trong dãy nhà của công xã, chỉ có trẻ con và người già mới dám lại gần chúng tôi. Cả C2 không ai biết tiếng K, dù chỉ một từ ngoại giao vớ vẩn nhất, ngoài từ " mon ". Dân cũng ít, chỉ vài ba nóc nhà tồi tàn bên ngoài với vài con bò gày nhom và cặp trâu của nhà chênh chếch hướng nhà đại đội ra khoảng 150m. Anh Thành dân vận trên tiểu đoàn bộ xuống dạy cho lính C2 một buổi tiếng K cấp tốc, cũng không gì nhiều chỉ vài từ cơ bản cần thiết khi giao tiếp.
Chiều hôm đó một chuyện cười ra nước mắt vì bất đồng ngôn ngữ và tiếng K của lính. Một cụ già người K hớt ha hớt hải chạy vào C bộ nói gì đó, chỉ nghe được từ Pôn Pốt, thế là báo động đơn vị, báo hại thằng liên lạc tôi chạy loạn lên khắp đội hình đại đội báo các B chuẩn bị chiến đấu. Ông già người K kia xăm xăm dắt chúng tôi lên cách đơn vị khoảng 300m thì chỉ cho chúng tôi một con bò đang lạc đàn ở đâu đó chạy ngang qua đây, trên cổ nó đeo một cái mõ to liên tục kêu lốp cốp mỗi lúc nó lồng lên chạy đi tìm đàn. Thế rồi nói qua nói về, lính cũng hiểu ra, con bò kia là con bò của Pôn Pốt, của công xã, của chung vì trên cổ nó đeo cái mõ to, còn những con bò cổ đeo mõ nhỏ là của dân, là bò có chủ là thứ kéo cày kéo xe, dùng làm sức kéo sản xuất nông nghiệp.
Rồi! Biết rồi, bò Pôn Pốt thì bòm thôi, gì chứ chuyện này lính ai chẳng khoái, lâu nay toàn cá khô với đồ hộp rồi, hôm nay lại được ăn thịt bò thoải mái thì lính không nỡ lòng nào từ chối lòng tốt của Pôn Pốt cả. Thế là lính bắn chết tươi con bò nằm quay đơ ra đó, ông già kia hăng hái về mang xe bò tới chở con bò kia về sân doanh trại. Anh nuôi tay dao tay thớt xung trận, dân K và ông già kia cũng chạy qua lấy phần của mình, dân với lính đoàn kết nhất trí hoàn toàn trên mọi phương diện và đương nhiên là không có chuyện cãi nhau ở đây rồi. Ông già kia cũng rất vui vẻ ở lại giúp lính và dân giải quyết chuyện hậu con bò và tay xách về thêm cái mõ bị vứt lăn lóc gần bụi cây với mấy gốc thốt nốt.
Sang chuyện xây dựng doanh trại, dựng nhà ở tạm, theo sự phân công các B của hôm đầu, về đây cứ thế mà dựng nhà. Hầm hố chiến đấu đào trước, giao thông hào nối liền các hố chiến đấu đào sau và giữa các B với nhau tạo thành thế liên hoàn thì phải mãi sau này mới làm được, một đống công việc cho nhiều thằng lính có cuộc sống, chiến đấu trên một khu đất gần như chẳng có gì cũng cần có nhiều thời gian.
Việc đầu tiên là dựng nhà, gỗ dầu quanh đây nhiều cứ chặt mang về thôi, dao rựa thiếu trầm trọng vì mỗi B chỉ có con mác của Mỹ và dao găm chứ có dao rựa loại to dùng để ngả cây lớn đâu, cưa gỗ được phát trong chiến dịch dùng làm hầm hố thì vứt hết rồi còn đâu. Ra dân, mượn dân là có hết, lúc này dân mới chạy loạn về nên nhà cửa hay công việc khác họ cũng cần dao rựa lắm nhưng lính vào hỏi mượn thì họ không thể từ chối. Lính cũng chẳng muốn làm phiền dân đâu nhưng chuyện này thì không thể không nhờ đến.
Tre thì mấy bụi to gần doanh trại, ra đó mà chặt tự do khỏi cần hỏi ai, mà cũng có ai đâu mà hỏi. Các B anh em hăng hái lao vào dựng nhà, người ít thì thay nhau dựng nhà cho từng B, nhà cũng không to lắm, vẫn cách dựng nhà khá phổ biến thời đó tại miền Bắc vì lính đơn vị toàn lính Bắc cả. 3 gian rộng 7,5m và sâu 3m, thước thợ bằng gang tay, khi dựng lên nó lệch lạc méo mó đến buồn cười.
Anh nuôi, quản lý làm thêm cái nhà cuối căn nhà của công xã làm bếp của C, lấy đất dưới mép hồ về đắp cái lò nấu ăn tập thể. C bộ chúng tôi chặt tre về chẻ ra đan thành phên quây góc đầu hồi vế bên kia tạo thành nhà C bộ, cũng phòng họp giao ban và phòng cán bộ quân sự và chính trị viên riêng biệt. Còn lính tráng bọn tôi thì cần gì chuyện đó, ra ngoài khu vực làm hội trường kia mắc cái võng chỗ mấy cái cột là xong thiết tha gì giường với chẳng chiếu.
Nói chung công tác xây dựng doanh trại đang dần vào ổn định, một điều đáng lo ngại là mái nhà lợp bằng cái gì? Được tin của D xuống, cứ dựng khung xương nhà và quây chung quanh đi, mái sẽ có tôn của E, F chuyển xuống, thế là yên tâm rồi. Lính lo chuyện đắp nền nhà và dựng khung xương cùng vách, nhiều người có ý tưởng dùng tường đất và rơm (tocxi) song khó thực hiện vì ở đây đất pha cát vàng, ngay anh nuôi đắp cái lò cũng còn khó. Không có đất nên ý tưởng này tạm thời bỏ lại, cứ tre nứa lá dựng nhanh cái đã, còn lại tính sau.
Sáng hôm đó một nhóm lính bác bác Hênh vào đơn vị, nhìn quân trang thì biết, có vài ông quần áo đen như lính Pốt, đầu đội khăn cà ma, khoác súng vào doanh trại, nếu mấy ông này đi riêng lẻ không có mấy ông mặc đồ lính bác Hênh đi cùng chắc chúng tôi cho ăn no đạn. Họ vào đơn vị giới thiệu sơ qua về họ, may có anh lính bác Hênh bập bẹ vài câu tiếng Việt nên chúng tôi có thể hiểu nhau nếu không đành chịu chết. Họ nói họ là lính bác Hênh và đây là du kích xã, đây xã trưởng, đây trưởng thôn này, anh này tự giới thiệu tên là Tọc người to cao khoảng 35 tuổi.
Họ nói chính quyền xã ở đây đã được thành lập đại diện cho dân K ở đây, nếu bộ đội Việt Nam cần giúp đỡ điều gì cứ liên hệ với họ để được giúp đỡ, họ rất vui khi có bộ đội Việt Nam về đóng quân trên địa bàn xã...vv. Anh Phượng hẹn họ chiều quay lại làm việc để về D bộ báo cáo xin phiên dịch xuống làm việc cho rõ ràng chứ câu được câu chăng thế này khó có thể hiểu hết nhau. Thế rồi tôi một mình một súng chạy bộ về D báo cáo trên tiểu đoàn chuyện chính quyền K muốn làm việc với bộ đội Việt Nam, đề nghị tiểu đoàn cho anh Thành xuống làm việc.
Chiều hôm đó sau màn chào hỏi giới thiệu xong là quen nhau ngay, tinh thần bàn bạc thống nhất chỉ có vậy, bắt tay nhau vui vẻ, đồng chí đồng đội nhận nhau tưng bừng cả. Ông chủ tịch xã kiêm xã đội trưởng, có vợ con ở phum Peng Lovea trước mặt cách doanh trại 1km, trịnh trọng tuyên bố biếu bộ đội Việt Nam 2 con xa ke và chỉ khoảng nửa tiếng sau thấy mấy thanh niên K khiêng đến 2 con chó bị trói giật cánh khỉ. Buổi làm việc với dân K cùng chính quyền mới thành công rực rỡ ngoài mong đợi của những người lính Tình nguyện chúng tôi.
Từ nay những người đại diện chính quyền K thoải mái ra vào doanh trại liên hệ công tác. Trưởng thôn Tọc đề nghị đơn vị cho du kích thôn mượn một khẩu AK dùng cho việc giữ gìn an ninh thôn khi tuần tra canh gác, anh Phượng nói phải xin ý kiến cấp trên đã và sau này được sự đồng ý của cấp trên, không có gì trở ngại cả.
Chương 7 Làm thợ cắt tóc và thợ may
* * *
Ngay chiều hôm đó 3 xe tải chở đồ xuống C2, 2 xe chở tôn lợp mái nhà và một xe chở ba lô của lính từ căn cứ cũ chuyển về. Thằng Tuấn anh nuôi trông cứ ba lô, sau mấy tháng ở tuyến sau về béo trắng ra, đơn vị lo tác chiến tối mặt tối mày còn nó thì ăn rồi nằm cứ ba lô ngủ no nê. Lính mừng quá, có đồ dùng rồi, ai cũng mong như mong mẹ về chợ, bao nhiều đồ bòn nhặt trong Phnom Penh nằm hết ở đấy chứ trên vai thằng lính những ngày tác chiến có cái gì đâu, vứt hết rồi quân trang đang rách như tổ đỉa cả lũ với nhau đây.
Trên xe hạ xuống những chiếc ba lô lép kẹp chẳng còn gì nữa. Ngày chở ba lô từ C2 lên tiểu đoàn bộ ở Puchentong bàn giao cho thằng Tuấn, anh em tôi vất vả chuyện đẩy xe bò vì ba lô nặng không tả nổi, cái nào cũng căng phềnh, căng đến mức không thể căng hơn được nữa chẳng hiểu chúng nó nhét của nợ của tiều gì trong đó mà lắm thế không biết. Sao hôm nay cái ba lô nào cũng lép kẹp cả thế kia? Anh em hỏi thằng Tuấn lý do, nó lúng búng trong miệng nói chẳng ra đầu mà chẳng ra cuối là :
-Sau khi chúng tôi đi tác chiến thì E, F có lệnh kiểm tra ba lô của lính ở cứ, cái gì vi phạm chính sách dân vận đã bị thu lại hết rồi, ngay đến cuốn sổ tôi lấy được ở kho pháo dùng để viết linh tinh cũng bị chúng nó xé bớt lấy giấy hút thuốc rê.
Thằng lính nào cũng nhìn thằng Tuấn hằm hằm, muốn nện cho nó một trận vì chuyện trông cứ chẳng biết giữ đồ cho anh em,song không ai dám làm vậy. Có người nghi ngờ thằng Tuấn lục đồ của anh em rồi thủ tiêu đồ làm của riêng song tôi không nghĩ vậy, nó không đến nỗi tệ như thế, tôi phải chửi bới đùa nó chuyện nó xé sổ sách của tôi hút thuốc rê làm chuyện hòa hoãn cho vui. Nó bị nghi ngờ oan, chuyện kiểm tra ba lô của lính khi vắng mặt ở Phnom Penh là có thật, cấp trên thu lại thật, thế là của thiên trả địa, tay trắng lại trở về trắng tay.
Chẳng còn gì ngoài mấy thứ lặt vặt vớ vẩn với vài ba bộ quần áo cũ, tác phong nội vụ của chúng tôi vẫn không hơn một lũ cái bang. Nhiều thằng kêu mất quần áo quân trang ỏm tỏi cả thì thằng Tuấn giải thích: anh em bị thương đi viện về lấy đồ mang đi, nó chẳng biết của ai cái gì nên ai muốn lấy gì thì lấy nó không giữ được. Thôi đành chịu với nhau vậy chứ biết nói ai bây giờ, anh em mình với nhau cả, anh em mình dùng thì mình nhịn chứ sao, kêu làm gì cho mang tiếng tiếc cả với mấy thằng thương binh đi viện.
2 xe tôn được ném xuống, thôi thì các loại tôn, các kiểu múi, nát be nát bét, lỗ chỗ thủng, cũ rích, nhiều tấm rỉ đỏ mục hết cả. Lính tranh nhau lấy tôn về lợp mái nhà cãi nhau ỏm tỏi, anh Phượng phát cáu ra mắng cho một trận :
- Chúng mày sống với nhau chẳng ra làm sao cả, sống chết bom đạn còn chia được cho nhau cùng chịu, nay mấy tấm tôn mà cũng cãi nhau. Để hết tôn đấy mai chia, chỗ nào lợp được bằng tôn thì lợp, chỗ nào không lợp được mái thì làm vách, nếu thiếu lợp bằng tranh càng mát. Có thế mà cũng tranh nhau.
Ừ nhỉ, lính thật tệ có thế mà cũng cãi nhau làm gì cho mất tình mất nghĩa, cái đáng quý nhất thì lại chẳng thấy chỉ thấy mấy tấm tôn thủng cũ nát này, cái " Tôi " hay "Chúng tôi " bắt đầu len lỏi trong tiềm thức thằng lính khi vừa im tiếng súng.
Hôm sau anh Phượng đứng ra chia tôn cho các B, cũng khá hợp lý, anh cho xếp đống phân loại tôn ra, loại múi nào riêng biệt, nghe nói tôn này chở từ căn cứ Lai khê qua chứ không phải tận thu trên chiến trường. Anh em sau vụ bị mắng đã hiểu ra vấn đề nên không cãi vã chuyện tôn nữa, tấm tôn nào nát thì làm vách, thủng nhiều quá thì lấy đất sét mà trát vào cho đỡ dột chứ sao nữa mà phải cãi nhau. Thế rồi doanh trại cũng được dựng lên khá khang trang dưới con mắt của lính.
Chẳng có gì ngoài mấy tấm tôn, đến sợi dây thép buộc, cái đinh cũng chẳng có và nếu có đinh cũng chẳng có búa mà đóng, không lẽ vác báng súng ra mà gõ thay búa. Anh em làm giá bát, giá ba lô, sạp nằm ở từng B, thêm cái bàn tre ngồi uống nước hay lấy chỗ họp cấp trung đội, cũng thêm cái chái bếp cấp B khi có cái cải thiện và cả sào phơi mấy bộ quần áo rách của mấy thằng cái bang, thế rồi cũng khâu khâu vá vá sao cho tươm tất nhất lúc có thể. Ai đó còn sót lại cái kéo khá sắc, anh Phượng bảo tôi :
- Mày biết cắt tóc không, cắt cho bọn nó, tóc tai thế kia nhìn khiếp quá cứ như thổ phỉ với nhau một đám cả.
Tôi đâu có biết cắt tóc nên từ chối nhưng anh Phượng bảo, kệ cứ cắt tóc cho bọn nó đi, phải làm nó mới quen mới biết, cứ cắt cho ngắn là được cần gì xấu với chẳng đẹp, ai nó thèm nhìn mà lo xấu. Thế là tôi đè đầu tất cả lính C2 từ ông to đến ông nhỏ của đơn vị cắt tóc hết lượt, lúc đầu không biết, cắt như cóc gặm, đầu như ruộng bậc thang, nhưng sau có kinh nghiệm dần cũng đẹp ra phết. Sau này tôi có tiếng là thằng có mắt thẩm mỹ biết cắt tóc cho anh em và nhiều lần tôi đè cả đầu bố Xuyến bọ tiểu đoàn trưởng D7 ra mà cắt, bắt nghiêng góc nào là phải nghiêng theo góc đó cấm cựa quậy, bố Xuyến có dám cãi tôi đâu.
Phải công nhận lính hay thật, đánh nhau đã đành rồi còn cái gì cũng biết làm, to nhỏ lớn bé làm bằng hết không có cái gì là không biết làm cả, cái gì chưa biết thì anh em bảo nhau cùng làm là xong bằng hết, chẳng thấy có cái gì mà lính nói rằng chịu không làm được cả. Tài thật.
Bãi đất gần sân, chỗ đống tro kia được dùng làm vườn tăng gia của đơn vị, hạt rau muống được cấp trên đưa xuống, thế là cuốc cuốc xới xới với nhau, mỗi B mỗi luống to thi nhau tăng gia trồng rau xanh. Sáng chiều thay nhau tưới tắm cho rau, thùng gánh không có thì buộc nylon đi mưa vào mà cáng nước từ dưới hồ lên mà tưới, những ngày ông Trời tưới rau hộ rồi thì thôi. Chẳng biết thế nào mà anh nuôi trồng một luống hành rõ to, giống bằng củ hành khô mang từ Việt Nam qua, ai đó thật thông minh cấp hành khô cho lính trong khi chẳng có cái gì ăn mà dùng được với hành cả. Đất và nước là nhân tố cơ bản cho món rau mọc lên, thêm chút tro sẵn đó rải phía dưới gốc, thế mà cây lên tốt xanh um sau ít ngày chăm bón tưới tắm của lính, nhưng chưa ăn được vì cây còn bé lắm.
Quân trang bổ sung cho lính được cấp phát, mỗi người mỗi bộ thêm cái áo may ô 3 lỗ của Trung quốc để trong túi nylon trắng tinh rất đẹp. Quân trang may đúng kiểu của lính Việt Nam nhưng màu thì xanh đen, bằng vải gabadin thô thiển chứ không đẹp như vải gabadin Trung quốc mà anh em lính cũ còn sót lại ít bộ từ thời xa xưa. Phải mỗi tội sao nó to thế không biết, ngay người như tôi cũng chui 2 thằng vào mặc chung một bộ vẫn vừa. Buồn cười nhất là thằng Tuấn tréc, nó nhảy vào cái quần kéo lên đến ngực thì đũng quần mới vừa còn dưới chân nó thêm một đống vải ống quần nữa. Cái áo khoác vào thì dài như mặc măng tô, vai áo xuống tận khuỷu tay, trông cứ như cháu mặc quần áo của ông vậy. Chối không thể tả hết được chuyện bổ sung quân trang đợt này.
Hình như đây là quân trang của lính Pốt mà F7 thu được trong kho ở Phnom Penh, mình mang ra phát cho lính. Sau này chúng tôi nghe nói địch mặc loại quân trang này từng đánh sang Việt Nam vào thời điểm 1978 ở hướng Long an Châu đốc gì đó, chắc chúng mặc giả lính Việt Nam mình đánh qua để gây tiếng xấu cho lính Việt Nam mình cũng nên. Đó chắc chắn không phải đồ Việt Nam may, đồ lính Quân khu7 may đẹp lắm, ai mặc cũng vừa với khổ người chứ không phải loại thừa vải như những bộ quần áo này, vừa to rộng, đường may cẩu thả, chất vải thì xấu, màu sắc nhanh bạc, vải sẫm đen như vậy mà sau 2 lần giặt là trắng dần ra rồi.
Lính lại cắt cắt gọt gọt với nhau, khâu vá dồn vào mặc cho vừa người, tôi biết tý chút về máy khâu vì ở nhà có nên cắt sửa rồi mang ra dân máy nhờ. Thì ra vợ ông chủ tịch xã nhà có cái máy khâu cổ lỗ sĩ cọc cạch, may vá cho dân phum Peeng Lovea, chị ta không có chỉ may mà chúng tôi thì thằng nào cũng có vài cuộn. Cả C2 chẳng thằng nào biết may, chỉ có tôi và anh Lâm là biết sơ sơ vậy thôi, thế là mang ra dân may nhờ từ bộ quần áo của mình rồi may hộ anh em khác. Thấy thằng Tuấn tréc mặc bộ quần áo thảm thương quá tôi bảo nó: cởi ra tao may lại cho chứ mặc vậy khó coi lắm, nó cười cười ngại sợ phiền tôi nhưng tôi tình nguyện giúp nó.
Tôi cứ nhận của anh em vài bộ, cắt trước rồi mang ra máy một buổi chiều là xong, mang về trả rồi mới nhận của người khác, anh em trên D bộ biết tiếng tôi sửa quần áo nên cũng mang xuống nhờ thằng liên lạc C2 sửa giúp quần áo. Trên C5 cũng có ai đó biết làm nhưng anh em không tín nhiệm bằng tôi nên toàn mang xuống C2 nhờ, các anh ấy cũng kiếm được cho tôi cái thước dây với vài cục phấn trắng để làm việc này.
Điều khiến tôi lo ngại nhất không phải là chuyện may vá mà là ở cái phum Peeng Lovea kia, nhỡ một mình lúi húi may có thằng Pốt nào nó mò vào dí súng tận mặt thì hết đường chạy với nó nên thường phải có 2 người đi cùng tôi mới đi may quần áo. Mỗi lần tôi đến phum oai ra phết, có 2 lính gác đờ co đi theo, dân không biết cứ tưởng tôi là Lục thum, thấy chúng tôi vào phum là chào Lục thum hết lượt, từ người già đến trẻ con.
Cái phum Peeng Lovea này chính là cái phum cách đây mấy tháng khi chúng tôi rời bỏ vị trí này theo chiến dịch vào giải phóng Âmleeng trên đường hành quân đã gặp lúc nửa đêm với tiếng chó sủa từ trong phum ra, con đường to với 2 dãy nhà lá bên đường với tiếng nói của những người phụ nữ từ trong nhà nói vọng ra. Vậy thì sẽ còn cái phum trước mặt và cái hồ nước nữa nếu đi thêm 2- 3km nữa. Cảnh giác vẫn hơn, chiến trường đâu phải chỗ vui chơi, không nói trước được điều gì và không gì bằng cảnh giác.