Hồi Ức Chiến Trường K - Chương 98
Chương 5 Hành quân bằng ô tô
* * *
Chúng tôi lại tiếp tục hành quân thêm vài ngày nữa thì ra đến khu vực mấy kho thóc mà cách đây cả tháng chúng tôi đã đốt trên đỉnh đồi cao giữa rừng gỗ dầu ấy, cũng tầm chiều chiều rồi mới ra đến nơi. 4- 5 dãy nhà gỗ đã cháy thành than chỉ còn lại một đống than đen với khói đen len lét âm ỷ cháy. Tôi thắc mắc sao cháy lâu thế không biết rồi nhẩm tính thời gian từ ngày vào đây đến ngày chúng tôi ra đến nơi cũng trên một tháng rồi sao lửa cháy vẫn chưa hết.
Ai đó có vẻ am hiểu chuyện này giải thích, thóc không cháy lên ngọnlửa, chỉ âm ỷ thế thôi nhưng cách xuống dưới 1m thóc đã không ăn được nữa rồi, khét mùi lắm mặc dù hạt thóc chưa cháy đến vẫn còn vàng tươi. Ra vậy mình có phải con nhà nông đâu mà biết chuyện này nếu không nghe ai đó có kinh nghiệm nói lại. Thóc ẩm, thóc mốc thì chúng tôi đã từng lấy về giã ra sàng sảy lấy gạo, hạt gạo mông mốc đen đen nấu lên hạt cơm đen như xôi đỗ đen thì chúng tôi đã từng ăn còn thóc cháy thì chưa ăn bao giờ.
Cũng từ đây chúng tôi theo đường cũ đã đi qua mà đi ra thêm 2 ngày nữa rồi đi theo đường mới cắt rừng từng đoạn và cũng có khi đi theo đường đất mà đi, nhiệm vụ là gì đi về đâu cũng không rõ chỉ biết đi, khi nào có lệnh cho nghỉ là nghỉ. Anh Hồng trên tiểu đoàn mỗi lần gặp nhau thì thấy anh luôn cắp bên sườn cái bản đồ cùng bộ phận tác chiến, trinh sát, truyền đạt và liên lạc D. Từ ngày lên nắm chức vụ D phó quyền D trưởng thấy anh Hồng oai hơn giữa đám lính chúng tôi, còn chúng tôi thì như một đám thổ phỉ với nhau cả, ăn mặc tả tơi tóc tai bờm xờm mặt mũi hốc hác và những ông nào râu ria rậm rạp một chút thì thôi rồi. Không thể ngửi nổi với một đội quân mà nội vụ bầy hầy đến thế là cùng.
Cũng phải đi thêm cả tuần nữa chúng tôi về đến thị xã Kampong Speu trong buổi chiều tối hôm đó, mây đen trên trời vần vũ báo hiệu mùa mưa đang đến gần, những bước chân đầu tiên của người lính tiểu đoàn 7 vào thị xã từ hướng trong rừng đi ra. Nơi đây nghe nói mới được giải phóng vài tháng nay, một thị xã nhỏ với vài nóc nhà xây cũ nằm bên cái ngã 3, còn lại dọc theo đường từ hướng chúng tôi đi ra phần lớn là nhà tạm lợp lá thốt nốt hay nhà sàn mái ngói cũ kiểu dân Campuchia vẫn thường gặp, chỉ có điều toàn nhà cũ chắc lâu năm rồi còn sót lại từ thời xa xưa. Vài người dânK thập thò sau cánh cửa nhìn đoàn quân chúng tôi, vài người bạo dạn mở hẳn cửa ra ngoài đường đứng nhìn chúng tôi đi trên đường, chẳng ai nói với nhau câu nào, ai biết tiếng K mà nói và nói cái gì đây?
Anh Phượng sau một thời gian về nắm giữ chức vụ C trưởng C2 đã quen dần anh em trong C, biết dần tên từng người, tính cách ai đó mà anh chưa rõ thì anh hỏi tôi, chúng tôi cũng dần quen nhau hiểu nhau hơn. Từ ngày anh Phượng về C2 chưa từng đánh nhau trận nào bởi vậy anh em C2 thật sự chưa nể chưa phục, vài lời xì xào quanh chuyện anh Phượng, không quá hay nhưng cũng chẳng dở, đến tai tôi. Mấy ông cán bộ B thường hay tầm phào với nhau, lính tráng nghe được, họ đều có nhận xét chung rằng anh Phượng cũng bình thường thôi, không có gì đặc sắc.
Lên đến cấp cán bộ C cũng bởi may mắn nhiều hơn, rồi về C3 khi ở đây hết cán bộ, cũng bởi bên C3 cán bộ chết và bị thương hết rồi còn đâu mà những thằng như nó không lên cán bộ C. Chuyện C3 có thời anh lính Thái bình 1977 cấp bậc binh nhất làm đại đội trưởng, sau này thấy chối quá nên cho đi học trường sĩ quan lục quân2...vv. Nói chung là chuyện lính sau lưng nhau nói sao thì nói song tôi vẫn tin một điều cấp trên không mù đến nỗi giao một đại đội lính chiến lỳ lợm như thế vào tay một người bất tài vô dụng được. Cái gì cũng thế, muốn xác định một cán bộ chỉ huy thật chính xác phải qua những thực tế giữa sống và chết xem anh ta xử lý thế nào lúc đó đánh giá cũng chưa muộn.
Thực tế có rồi, nhiều ông miệng hùm hàm én, râu ria như Trương Phi, khi tác chiến là tìm đường chạy rồi, còn cái thằng tướng tá chẳng ra gì,còm nhỏm còm nhom mặt dơi tai chuột, trông bú lùm không thể tả nổi thì lại là thằng đánh nhau lỳ lợm chưa từng có, chẳng biết sợ là gì. Đời là như vậy đấy, chẳng biết trước nói trước được điều gì, mình văn dốt võ dát cứ cái thực tế mắt thấy tay sờ mà nhìn nhận hay đánh giá bất kể điều gì và muốn có được nhận xét đúng đắn nhất thì cần phải có thời gian, thời gian sẽ trả lời tất cả những câu hỏi phức tạp nhất với những dẫn chứng cụ thể nhất.
Chúng tôi hành quân ra tới ngã 3 đường nhựa quốc lộ4 thì theo đường đó đi ngược về hướng Phnom Penh. Bên phải đường là những dãy nhà kiên cố với vài lính công binh của mình đang chui vào mấy cái kho đạn trong dãy nhà sập đổ moi móc đạn trong đó ra, họ khiêng vác từng thùng đạn cối, pháo ra chất lên xe đỗ sát vệ đường. Ai đó có hỏi vọng sang: các anh đơn vị nào đấy? Lính Quân khu nào đó thì phải và nơi đây trước là kho đạn của địch bị không quân Việt Nam ném bom hay pháo binh mình bắn trúng kho đạn này, hôm nay công binh tới tận thu đạn dược phục vụ cho chiến trường lúc đó. Chịu, nghe vậy biết vậy thôi, mình thằng lính nhỏ bé chiến trường thì rộng lớn biết thế nào hết được, nhưng một điều chắc chắn biết rõ là thị xã Kampong Speu mới được giải phóng khoảng trên 2 tháng trước đây.
Đi qua thị xã khoảng 2km thì có xe của sư đoàn đón chúng tôi sẵn tại đấy, lính lên xe khi trời đang sầm sập tối, mỗi đại đội vẻn vẹn một xe còn rộng chán, quân số hao đi quá nửa so với ngày đầu lúc ở Phnom Penh đi theo chiến dịch. Hy sinh ngay trên trận địa thì đã rõ, số bị thương đi viện rồi cũng chẳng thấy quay về đơn vị nữa, có vài người sau này quay về đội hình của C2 song con số này có thể đếm trên đầu ngón tay.
Xe chạy nhanh trên đường nhựa quốc lộ4 bé tý teo, nhiều đoạn vết đạn pháo cày sới khó đi, xe nhảy xóc tưng tưng trên đường, lính đứng quanh thùng xe ngả nghiêng theo chiều xe và tận hưởng làn gió mát phần phật vào mặt, lâu lắm rồi mới thấy được mát thế này.Hai bên đường cây cối khô cằn, đồng ruộng nứt nẻ chỉ có tre gai và cây dại là um tùm, thật lạ thời tiết khí hậu khắc nghiệt thế này cây cho hoa màu thì chịu chết không lên nổi thế mà mấy cây chẳng ra gì nó cứ mọc tốt um lên.
Vài hạt mưa man mát bay bay đập vào mặt những thằng lính đứng quanh thùng xe, ai cũng cố dướn cái cổ cao lên tận hưởng cái không khí mát mẻ cùng những hạt mưa bay này. Lâu lắm rồi lính chúng tôi không biết hạt nước mưa với không khí mát mẻ là gì, quên hết rồi mùa đông miền Bắc với từng cơn gió đông bắc lạnh thấu xương và những tấm chăn đắp chỉ là thứ bỏ đi đối với lính miền tây nam Campuchia này.
Xe chạy tới đường 51 cắt ngang quốc lộ4 thì rẽ trái sang hướng Udong, núi Lovea bên trái đường nằm sâu bên trong, nơi đây hơn 3 tháng trước chúng tôi đã quần nhau với lính Pốt nhiều trận tơi tả tại đây. Chúng tôi từng lặng lẽ bỏ vị trí này rút đi theo chiến dịch và nay lại quay về đây, ai đó nhìn nhau như muốn hỏi : Lại chiến tiếp ở đây nữa à? Giọng thằng Chuyển nghe khá cùi đời :
- Chiến thì chiến chứ sợ đếch gì mấy thằng lính Pốt, lính thì chỉ có chiến chứ còn việc gì nữa mà phải hỏi?
Thằng Thanh ụ mối và thằng Bích phụ họa theo:
- Ừ! Chiến thì chiến chứ đã làm sao?
Hay! Mấy thằng này được, ăn nói hơi bỗ bã cục súc kiểu lính nhưng nó thể hiện được cái lính từ trong tâm của nó, chấp nhận tất cả, vui vẻ với tất cả và kể cả chiến luôn bây giờ nó cũng chẳng có gì để phàn nàn hết. Với lính đôi khi những lời nói đó lại là những lời động viên nhau thiết thực nhất trước khi vào trận đánh.
Xe chạy vào đến núi Tù chính trị, ngọn núi có tới 3- 400 bộ xương người mà lính Pốt vứt lại trên đó, họ là những người thuộc phe chống đối lại Pôn Pốt bị đầy lên đó và để cho chết đói. Nghe nói có cả hoàng thân quốc thích gì đó với Sihanuc và tướng tá cũ của Lon Nol cũng nằm trong số những xác chết tại đó. Ngọn núi này 4 tháng trước E165 của F7 chúng tôi cũng đánh khá vất vả mới lấy được cho pháo của E210 nằm đó bắn chi viện cho toàn tuyến khu vực này và chúng tôi cũng được pháo 210 bắn chi viện khá đắc lực cũng từ đây. Hôm nay nó thanh bình quá và chuyến xe tải đang leo dốc lên núi, E210 đi dưới đường 51 nhìn lên thấy rõ.
Đi qua khỏi núi Tù chính trị thì xe rẽ trái đi thêm khoảng 2km nữa thì dừng lại, nơi đây những dãy nhà sàn mái ngói dọc đường đi, phía cuối là những dãy nhà lá 2 bên đường. Cạnh đó một ngọn đồi nhỏ thấp thoáng mái chùa lẩn sau những lùm cây rậm, lác đác ít bóng dân trong những bộ đồ đen khăn cà ma quấn trên đầu thập thò đâu đó mấy dãy nhà quanh đây. Tiểu đoàn bộ và C5 xuống xe, các C bộ binh sẽ đi tiếp, đó là lệnh của anh Hồng, các C trưởng xuống xe họp gấp ngay trên vệ đường.
C2 được chấm vị trí cái hồ chứa nước trước mặt tiểu đoàn bộ cách đó 2,5km, C1 cũng cách tiểu đoàn bộ 2km nằm hướng bên phải còn C3 nằm bên trái của tiểu đoàn cũng cách gần 2km. Tiểu đoàn bộ sẽ đóng quân tại đây ngay trong cái nhà gạch xây dưới chân đồi, các A B trực thuộc tiểu đoàn đóng quanh đó. Chắc nơi đây là nơi dừng chân của tăng ni Phật tử dùng làm nơi sắp lễ vật chuẩn bị dâng lên chùa, chung quanh tường vẽ hình Phật với những diễn tả Phật to Phật nhỏ.
Một số dân ở gần doanh trại phải di rời đi nơi khác nhường chỗ cho bộ đội Việt Nam ở, dân vội vã thu dọn đồ đi ngay, họ sợ bộ đội Việt Nam là một chuyện và họ cũng chẳng dám ở gần bộ đội Việt Nam lúc này, nhỡ đánh nhau nữa thì họ nằm giữa 2 làn đạn của cả 2 bên. C5 hỏa lực của anh Ngát đóng quân dọc theo con đường cho đến ngã 3 rẽ về C1, C3. 2 dãy nhà lá bên đường, một phum kiểu mới thẳng tắp với những cây me tây mát rượi, ông Ngát nhận vị trí xong là cười hềnh hệch, trúng ý ông ấy. Lính tráng C5 không phải dựng doanh trại, sẵn nhà đó, lùa dân ra rồi vào mà ở, cả 2 dãy nhà bên đường như vậy ở không hết còn có chỗ làm kho làm bếp thoải mái.
Lính C2 lên xe chạy về hướng hồ nước trên con đường trước mặt, càng vào sâu càng gần núi Lovea trước đây, nhiều thằng đã ngờ ngợ nhận ra khu vực này, nhất là ai đã từng đi bảo vệ đường, bảo vệ xe mỗi khi đi mở đường, ngày chúng tôi còn nằm bên trái núi Lovea này. Tôi cũng nhận thấy rằng từ đây về cái chốt cũ của chúng tôi chẳng còn bao xa, bằng mắt để xác định và linh cảm người lính đã mách bảo việc này.
Hồ nước cách đường khoảng 50m đây rồi, xe đỗ lại, chung quanh vài nhà dân, ngay bên phải đường thấp thoáng ánh đèn dầu im lìm dưới những bụi tre to. Chúng tôi đi về bên kia hồ nước, cái hồ nhỏ thôi nhưng nước trong veo và phía dưới sen hồng với những lá to dày đặc, thoang thoảng mùi sen thơm thơm mát mát. Quanh hồ, thốt nốt to cao và nhiều, một cây xoài to tướng cho bóng mát rộng ngay gần mép hồ và một cái nhà lá thốt nốt, khung gỗ với những hàng cột gỗ to đùng, nền xi măng sừng sững.
Phía trước ba bề bốn bên trống hơ trống hoác , cạnh bên cái sân khá bằng phẳng với đống rơm to đã được đốt thành tro, vài ụ mối to quanh đây với những cây gỗ dầu lớn khô cằn với vỏ cây xù xì trắng mốc. Một con mương khô cạn cuối cái nhà to này, một đầu chạy thẳng tới cánh đồng phía sau lưng và một đầu đi đến đâu thì chẳng ai buồn để ý. C bộ và anh nuôi, quản lý nằm lại cái nhà to này, 2 A hỏa lực bên phải C bộ qua bên kia con mương, B1 bên trái C bộ, B2 thẳng hướng B1 lên 100m nữa, B3 thẳng hướng 2A hỏa lực lên ngang bằng B1, C bộ gác chỗ cây xoài quay mặt về hướng cái hồ nước.
Đội hình C2 dừng lại tại đây, dân có vài gia đình đang ở trong cái nhà to trống hơ trống hoác đó thấy bộ đội đến vội bỏ đi ngay, chúng tôi cũng chẳng thiết tha gì ở gần dân, thời buổi lộm nhộm chẳng biết ta địch ra sao tránh xa nhau càng tốt. Dân cũng chẳng muốn gần chúng tôi và chúng tôi thì luôn cảnh giác, không có gì là không thể trong hoàn cảnh này nhất là ở đây chúng tôi cũng chẳng lạ gì bọn Pốt, chúng cũng lỳ lợm và chiến cũng ra trò lắm chứ.
Chính nơi đây là nơi chúng tôi đã xây dựng doanh trại đơn vị nằm tại đây khá lâu, nhiều lần đi đi về về cũng từ đây, nhiều lần có lệnh chuyển hắn cứ đơn vị vào sâu trong rừng nhưng sau này lại về chỗ cũ một thời gian ngắn rồi lại đi. Nơi đây có rất nhiều kỷ niệm buồn vui của C2 chúng tôi hôm nay và những ngày tháng sau này.
C tôi có thằng Do bên đại liên ăn khỏe kinh khủng, nó đã có vợ con ở nhà, IC hơi có vấn đề, làm gì cũng được chỉ xin cho được ăn no, nó kể chuyện ăn ở nhà chúng tôi cười ra nước mắt.
Ngày Tết bố nó làm mâm cơm mời ông thông gia qua vào sáng mồng 1 tết ta, mâm trên có bố nó và ông bố vợ của nó, các cụ cho phép nó lên ngồi hầu rượu. Hai cụ cứ mải chuyện mải rượu mời mọc nhau đến khi nhìn lại cái mâm cỗ, không còn gì hết, thằng con của hai cụ đã tẩn không còn cái gì nữa. Nó còn hùng hồn tuyên bố : Tao mà gặm xương thì đến chó cũng còn phải khóc. Thử hỏi các cụ còn gì mà ăn nữa.
Năm 1980 khi chúng tôi về cứ Lovea nghỉ, khi đó ăn uống thiếu lắm, mỗi bữa 2 bát cơm rồi nằm nhìn mưa rơi, trời hơi se lạnh lại càng đói tợn, chẳng có gì để ăn với nhau cả. Hôm đó bên A hỏa lực sáng ra thằng Do đi lên anh nuôi lấy cơm, anh em ngồi chờ cơm ăn, càng chờ càng mất hút bóng dáng nó, khoảng cách từ hỏa lực lên anh nuôi chưa tới 50m sao nó đi lâu thế. Cho người chạy lên anh nuôi hỏi thì anh nuôi nói thằng Do bê chậu cơm về cả tiếng rồi, thế nó đi đâu? không ai biết, hay nó bị Pốt phục kích bắt cóc mất rồi.
Đơn vị tá hỏa tam tinh lên cử người chia các ngả đi tìm, người nhận định thế này, kẻ hay là thế kia, cuối cùng có một thằng khẳng định có thể nó bị ma làm nên chui vào đâu đó, bụi rậm hay ngóc ngách nào đó, bây giờ phải gọi vía nó thì nó mới tỉnh được mà về, một mặt chia nhau rúc vào các bụi cây mà tìm. Khoảng 30 phút sục sạo khắp đó đây cuối cùng cũng tìm được thằng Do trong một bụi cây cách lán hỏa lực 30 m. Hỏi nó, chỉ nhận được sự im lặng đầy bí hiểm.
Vài ngày sau trong khi vui vẻ nhất hỏi chuyện nó thì nó kể thật ra, thì ra lúc đó đói quá, nhìn 13 suất cơm sáng thèm quá, nó ôm cả chui vào bụi ăn hết, khi ăn không nghĩ gì hết chỉ biết có cái để ăn và thỏa với cái bụng trống không của nó. Khi nghĩ lại thì thấy sợ nên khi anh em gọi hay đi tìm không dám thưa sợ bị bắt đền. Thương cho nó ăn khỏe mà không có để ăn, được cái nó khỏe vô cùng, cái tầm đại liên nó vác với cái ba lô gạo đầy, nó đi băng băng trong khi chúng tôi thì lê lết theo nó không kịp.
Ngày đó chúng tôi tác chiến trở về cứ Lovea, cũng đi đến gần 4 tháng chứ không ít, đơn vị tôi đóng gần cái hồ nước nhỏ hình tròn, cả C về và chuyện tắm giặt của lính phải làm là đầu tiên, mấy tháng rừng núi bẩn như hủi với nhau cả lũ. Lệnh từ trước tới nay của C là cấm không được lội xuống hồ nước ăn này, phải múc nước lên trên khỏi bờ của hồ nước nhỏ này tắm cho nước xà phòng không chảy xuống lại hồ, một quãng cũng trên 30m mới tới đỉnh cái hồ nước đó.
Vệ sinh sạch sẽ là đúng, mình ở đó ăn ở đó mình phải giữ gìn chứ và ai cũng ý thức điều này. Lúc đó hàng đoàn phụ nữ trẻ em K, người già đi trước trẻ theo sau và bé con đi sau cùng trông ngộ lắm, cứ người cao tuổi hơn nhất là đi trước cứ như đàn vịt hàng một vậy ( không có ý gì đâu nhé ). Trên đầu họ đội cái gì đó không phải cái thúng hay cái mủng như bên Việt Nam mình mà họ đội cái gì bằng tre đan hay lá thốt nốt đan có quai cầm thì phải, nhìn gần giống như cái để xúc lúa vậy, họ đội lên đầu hàng thúng tro bếp lấy từ sân đại đội. Cái nhà và đống tro này của công xã bỏ lại thì phải, toàn tro rơm thành hàng thành đống, dân cứ vào xúc tro mang ra ruộng. Đường họ đi ngang qua bờ của cái hồ nước đó và lính ta cũng tắm ở khu vực đó, tuy không ngay sát nhưng gần nhìn rõ mồn một.
C2 chúng tôi có thằng Nam Angola, to cao, đen hơn cả người K, anh em nhìn cái quảng cáo thuốc đánh răng Hynot ngày xưa thời VNCH sẽ nhận ra thằng Nam này, giống y đúc. Nó lính vào cùng với tôi trước vài ngày, lính Hà Nam Ninh, thằng này hắc lào thì vô địch Đông Nam Á, hắc lào chảy mủ khắp người, lên đến tận mặt, vết sẹo nọ chồng chéo lên vết kia. Cả người nó bây giờ đi khám loại thương binh có lẽ tưởng ngày xưa nó nhiễm chất độc màu da cam mất, loang lổ như rằn ri.
Thằng này rất bướng và ngang như cua, có lẽ dây thần kinh xấu hổ của nó đứt từ lâu rồi cũng nên, khi tắm nó cởi truồng thỗn thện, cứ thế đi xuống múc nước rồi đi lên dội đánh ào rồi lại đi xuống, cứ thế và cứ thế. Anh em nhắc nhở nó lờ đi coi không nghe tiếng thấy, nó cứ thỗn thện cái bộ ấm chén của nó chẳng giống ai hết, chẳng ngượng chẳng xấu hổ với cái đám đàn bà con gái già có, trẻ có và bé con kia cũng có.
Người Việt Nam ta xưa nay có câu " Người dại để hở thì người khôn xấu hổ ". Cái thằng Nam C2 tôi dại thì đã rõ, bởi vậy nó có xấu hổ đâu, cứ trần như nhộng trước mặt bàn dân thiên hạ K, cứ gọi là vô tư không cần phải nghĩ. Thế nhưng cái đám đàn bà con gái và trẻ con nữ kia họ cư xử cũng hết sức lạ lùng, cái này nó ngược với phong tục tập quán hay chuyện người Việt Nam ta xưa nay vô tình gặp phải.
Đoàn đội tro của phụ nữ K đó họ đi ngang thì thấy thằng Nam đơn vị tôi như vậy, nếu theo người Việt Nam chúng ta thì họ cúi mặt đi luôn không nhìn, cũng dễ hiểu thôi vì họ xấu hổ, họ xấu hổ thay cho cái thằng dại để hở kia. Đằng này lại khác, đám đàn bà phụ nữ,con gái trẻ em K kia họ dừng lại đồng loạt quay về hướng thằng Nam, rồi họ cười nói chỉ trỏ, mừng vui ra mặt ( chắc họ đang bình luận ), nhìn thái độ của họ chúng tôi cũng phải phì cười, hình như họ không thấy xấu hổ và coi như trúng sổ xố vậy. Nhìn họ khi đó buồn cười lắm, cứ từ cao xuống thấp với trên đầu cái sọt tro bếp đều tăm tắp thật vui.
Thằng Nam vẫn cứ như vậy thỗn thện thỗn thện, đi lên đi xuống khiến chính trị viên đại đội thấy ngứa mắt quá phải quát ầm lên cho thằng Nam mặc quần vào. Tối hôm đó họp đại đội vấn đề này được bàn rất kỹ và cùng thống nhất từ nay trở đi cấm thằng Nam không được cởi truồng tắm trước mặt dân K nữa.
Chuyện nữa tôi thấy ở dân K trong những lần đóng quân ở đây, cũng chỉ biết tới từng đó rồi hết, có vẽ cũng chẳng biết hơn :
1- Ngày đó, cứ ngày rằm thì phải, thấy dân K làm bún rồi cho vào cái liễn màu trắng bóng có văn hoa rất đẹp, có nhà làm thịt gà rồi nấu cari vàng tươi, có nhà làm cá nếu không có thịt, rồi họ đội lên đầu mang lên chùa cúng hay mời sư. Các sư có ăn hay không thì không rõ ( mình có lên chùa của họ bao giờ đâu mà biết ).
Vậy là lính mình hiểu dòng tu của họ được phép ăn thịt hay sát sinh, không như các cụ sư tu kiểu mình.
2-Ông sư tu ở cái chùa gần đơn vị tôi đóng quân, nghe nói cũng 70 tuổi rồi thì phải, cũng già lắm rồi, ông này cũng ít người biết mặt vì lính cũng chẳng để ý làm gì. Thế rồi đùng một hôm thấy ngoài dân K có đám cưới vui lắm, dân khắp nơi đánh xe bò tới ăn cưới, cái khăn cà ma được buộc một góc với gạo bên trong, tới nơi họ đổ gạo ra như kiểu góp gạo ăn cơm vậy. Gia chủ thịt con bò từ chiều, họ nhảy múa ca hát suốt đêm, với cái thùng sắt gõ theo nhịp họ hát rất nhiều rồi múa dưới ánh lửa bập bùng làm lính trong doanh trại không ngủ được. Họ hát cả bài Túp lều lý tưởng của Việt Nam mình song được dịch sang tiếng K, còn nguồn gốc bài này của ai sáng tác thì tôi không rõ :
- Từ ngày hai đứa yêu nhau mộng ước thật nhiều, từ ngày hai đứa yêu nhau mộng ước bao nhiêu...
Cô dâu trẻ nghe nói có 16- 17 tuổi thì phải, nhìn cô dâu ngồi đó mặt phấn son loè loẹt hoa cài trên đầu trên tóc, không nhận ra là con bé nào ở cái phum này nữa. Sáng hôm sau cũng cỡ 9h rồi 2 xe bò chở cô dâu chú rể cùng tiến lại và họ đến đúng cái ngã 3 đường rẽ vào đơn vị tôi thì dừng lại. 2 bên gặp nhau rồi họ ca hát đối qua đối về ngay trên đường, lính chạy ra xem, hóa ra chú rể là cái ông sư 70 tuổi kia và nghe nói đây là người vợ thứ mấy của ông ta rồi.
Lính tự hiểu, sư bên này được phép lấy vợ và có thể từ 2 vợ trở lên còn chính xác là bao nhiêu thì chẳng rõ nữa. Nói tóm lại dòng tu của họ khác của mình, nhiều cái theo kiểu tu của mình là cấm kỵ thì phía họ lại cho phép.Nói về văn hóa K thì tôi cũng chỉ nhìn thấy từng đó và cũng biết nó như vậy, chẳng biết đúng hay sai nhưng chính mắt chúng tôi từng thấy.