Kẻ Khôn Đi Lối Khác - Chương 17
Chương mười bảy
Luôn luôn là màu xám
HAI TUẦN SAU, PHÒNG CHỨA ĐỒ
Tôi đi qua đi lại, nhìn vào điện thoại trên bàn. Tôi biết mình nên gọi điện. Nhưng tôi không dám. Ký ức lướt qua đầu tôi.
“Cậu định bỏ học à?” Elliott đã hỏi như vậy.
“Dạ?”
“Cậu nghe thấy tôi hỏi gì mà.”
Anh ấy là người cuối cùng tôi muốn nói chuyện về việc này. Nhưng tôi cũng có cảm giác anh là người duy nhất tôi có thể tâm sự. Tôi với lấy điện thoại.
“Người anh em, có chuyện gì thế?”
“Elliott, em cần anh giúp đỡ.”
Tôi nói với anh ấy rằng người đại diện của tôi nói thời điểm phù hợp nhất để giới thiệu với các nhà xuất bản là tháng sau, nghĩa là trước lúc đó tôi cần hoàn thành đề xuất xuất bản. Nhưng năm thứ ba đại học sẽ bắt đầu trong một tuần nữa.
“Thế vấn đề là gì?” Elliott hỏi.
“Nếu em quay lại USC học kỳ này, bài tập về nhà và bài kiểm tra chồng chất sẽ khiến em không thể hoàn thành việc viết lại đề xuất đúng hạn. Vì thế, em biết rõ mình cần phải làm gì, nhưng điều cuối cùng em muốn làm là đứng trước mặt bố mẹ và nói em sẽ bỏ học.”
“Từ từ nào. Cậu hiển nhiên sẽ không bỏ học.”
Đợi đã – gì cơ?
“Không có ai thực sự thông minh lại bỏ học cả,” anh nói tiếp. “Đó chỉ là mớ tin đồn hoang đường. Bill Gates và Mark Zuckerberg không bỏ học theo cách cậu nghĩ. Nghiên cứu lại mà xem. Rồi cậu sẽ hiểu anh đang nói gì.”
Sau khi gác máy, tôi đưa tay lướt trên giá sách và lấy ra một cuốn mà tôi vẫn chưa mở ra: Hiệu ứng Facebook14, ghi lại quá trình hoạt động từ những ngày đầu khi mới phát triển TheFacebook. Và tôi đã tìm thấy nó, ở trang 52.
Mùa hè trước năm học thứ ba của Mark Zuckerberg, anh ấy đang ở Palo Alto và làm việc cho một vài dự án, một trong số đó là trang web với tên gọi TheFacebook. Trang web này vừa ra mắt vài tháng trước. Cuối mùa hè, Mark Zuckerberg tới gặp người hướng dẫn của mình, Sean Parker và hỏi xin lời khuyên.
“Thầy có nghĩ thứ này sẽ tồn tại lâu dài không?” Zuckerberg hỏi. “Hay nó chỉ là trào lưu nhất thời? Liệu nó có biến mất không?”
Ngay cả khi Facebook đã có gần 200.000 người dùng, Zuckerberg vẫn không ngừng hoài nghi về tương lai của nó. Tôi cảm giác mình vừa phát hiện ra điều gì đó, nhưng lại không thể gọi tên.
Tôi lấy máy tính để tìm kiếm thêm thông tin. Sau khi dành hàng giờ trên YouTube xem các cuộc phỏng vấn của Zuckerberg, cuối cùng tôi cũng tìm được một thứ cho tôi chút manh mối. Vài tuần trước năm học thứ ba, Zuckerberg gặp mặt nhà đầu tư mạo hiểm Peter Thiel để gọi vốn cho Facebook. Khi Thiel hỏi liệu Zuckerberg có định bỏ học không, Zuckerberg nói không. Anh ấy dự định quay lại trường học tiếp.
Ngay trước khi học kỳ mới bắt đầu, người đồng sáng lập kiêm bạn học của Zuckerberg là Dustin Moskovitz phát hiện ra một phương án thực tế hơn. “Cậu biết không,” Moskovitz nói với anh ấy, “chúng ta sẽ ngày càng có nhiều người sử dụng, cũng như có thêm nhiều máy chủ hơn, nhưng hệ thống ấy lại không có người vận hành – việc này sẽ gây nhiều khó khăn. Tôi không nghĩ chúng ta có thể vừa làm việc vừa cáng đáng toàn bộ khối lượng bài vở ở trường. Tại sao chúng ta không bảo lưu một học kỳ để có thể quản lý tốt công việc, rồi quay lại vào học kỳ mùa xuân?”
Thì ra đó chính là điều mà Elliott đang nói.
Kể từ khi xem bộ phim The Social Network (tạm dịch: Mạng xã hội), tôi luôn nghĩ rằng Zuckerberg là một kẻ nổi loạn, bỏ học, ngang tàng và luôn mạnh mẽ tiến về phía trước. Bộ phim chưa từng khắc họa tâm trạng bất an của Zuckerberg khi nghĩ về tương lai của Facebook. Nó chưa từng nhắc đến cảnh anh ấy thận trọng cân nhắc việc bảo lưu một học kỳ.
Trong suốt nhiều năm, tôi chỉ thấy những dòng tít nói “Mark Zuckerberg – tỷ phú bỏ học” và nghiễm nhiên cho rằng quyết định bỏ học của anh ấy là một quyết định dứt khoát. Những dòng tít và bộ phim khiến mọi thứ phân định rạch ròi như hai màu trắng đen. Nhưng giờ thì tôi đã nhận ra: Sự thật không bao giờ có màu đen và trắng. Mà nó mang màu xám. Luôn luôn là màu xám.
Nếu bạn muốn biết toàn bộ câu chuyện, bạn phải bỏ công đào sâu tìm hiểu. Bạn không thể chỉ dựa vào những dòng tít giật gân hay những dòng tweet tủn mủn. Màu xám đó không thể gói gọn trong 140 từ.
Tôi lấy một cuốn sách về Bill Gates, và ở trang 93, tôi lại thấy điều đó.
Gates cũng không bỏ học đại học. Ông ấy chỉ bảo lưu một học kỳ trong năm thứ ba để tập trung toàn bộ thời gian cho Microsoft. Và khi công ty chưa tạo được đà tăng trưởng toàn diện, Gates đã quay lại trường đại học. Một lần nữa, không ai nói về việc đó. Mãi đến năm học tiếp theo, Gates mới tiếp tục bảo lưu thêm một học kỳ, và thêm một lần sau đó nữa, Microsoft mới có bước phát triển vượt bậc.
Có lẽ phần khó khăn nhất khi lựa chọn mạo hiểm không phải là có hay không, mà là khi nào thì mạo hiểm. Bạn không bao giờ biết được bước tạo đà phát triển ở mức nào là đủ để bao biện cho việc bỏ học. Bạn không bao giờ biết rõ đâu là thời điểm phù hợp để bỏ việc. Những quyết định lớn không bao giờ rõ ràng vào thời điểm bạn đưa ra quyết định – chúng chỉ rõ ràng khi bạn nhìn lại. Việc tốt nhất bạn có thể làm là đi từng bước thận trọng.
Mặc dù ý tưởng bỏ học tại USC không khiến tôi thoải mái, nhưng việc theo học và bảo lưu một học kỳ nghe thật hoàn hảo. Tôi lái xe đến trường, nói chuyện với cố vấn học tập của mình, và cô ấy đưa cho tôi một tờ đơn màu xanh lá cây với dòng chữ “Đơn xin bảo lưu”, cho phép tôi khoảng thời gian bảy năm để quay lại trường bất cứ khi nào.
Tôi hớn hở báo tin vui này cho bố mẹ.
“BẢO LƯU MỘT HỌC KỲ?” mẹ tôi hét lên. “Con có mất trí không?”
Bà đang thái cà chua trong bếp.
“Mẹ, chuyện này không nghiêm trọng như mẹ nghĩ đâu.”
“Không, nó nghiêm trọng hơn những gì con nghĩ. Mẹ hiểu tính con. Mẹ hiểu con nhiều hơn con hiểu chính mình. Mẹ biết rằng một khi con bỏ học, con sẽ không bao giờ quay lại.”
“Mẹ, con chỉ…”
“Không! Con của mẹ sẽ không là một đứa bỏ học!”
“Con không nói bỏ học,” tôi nói, vẫy vẫy tờ đơn màu xanh lá cây trên không trung. “Đây chỉ là đơn xin bảo lưu.”
Bà thái cà chua mạnh tay hơn.
“Mẹ, mẹ phải tin con. Anh Elliott nói với con…”
“Mẹ biết ngay mà! Thằng cha Elliott là người đứng đằng sau chuyện này!”
“Chuyện này chẳng liên quan gì đến anh Elliott hết. Con thích trường đại học, nhưng…”
“Thế thì tại sao con lại không ở lại?”
“Bởi vì con phải giành được hợp đồng xuất bản này. Ngay khi con có được hợp đồng, con có thể tiếp cận Bill Gates, và một khi ông ấy tham gia, sứ mệnh con theo đuổi sẽ đạt tới điểm bùng phát và tất cả những người mà con muốn phỏng vấn đều sẽ tham gia. Con cần phải làm được việc này.”
“Nhưng nếu con không thể làm được thì sao? Hoặc giả mọi chuyện tệ hơn, nếu con không nhận ra rằng con không thể làm được thì sao? Nếu như con cố gắng giành được hợp đồng xuất bản và thất bại, rồi con lại thử một lần nữa, thêm một lần nữa. Mất nhiều năm sau đó con mới từ bỏ và quyết định quay lại trường – nhưng họ không cho con quay lại?”
Tôi giải thích cho bà nghe về thời hạn bảy năm.
Mẹ nhìn tôi chằm chằm, nghiến chặt răng, rồi giận dữ bỏ đi.
Tôi quay về phòng và đóng sầm cửa lại. Nhưng ngay khi vừa nằm phịch xuống giường, một giọng nói bên trong tôi trỗi dậy… nếu như mẹ nói đúng thì sao?
Thông thường, mỗi khi tôi và mẹ tranh cãi như thế này, tôi sẽ gọi điện cho bà. Nhưng bây giờ, đó là điều cuối cùng tôi có thể làm. Lòng dạ tôi quặn thắt khi nghĩ về điều đó. Jooneh man.
Tôi đã thề trên mạng sống của bà rằng tôi sẽ không bỏ học. Làm sao tôi có thể thất hứa được.
Nhưng nếu tôi thành thật với lời hứa đó thì nghĩa là tôi đang không thành thật với chính mình. Khi tôi nói những lời đó, tôi không biết cuộc sống của mình sẽ đi về đâu.
Lời khuyên tôi có được từ Dan Babcock ở Summit lóe lên trong đầu: Thành công là kết quả của việc ưu tiên những ước mơ.
Nhưng làm thế nào tôi có thể ưu tiên việc này?
Gia đình luôn là ưu tiên trước nhất, nhưng nếu cứ mãi như vậy thì đến lúc nào tôi mới có thể dừng việc sống cho người khác và bắt đầu sống cho bản thân?
Sự căng thẳng giằng xé trong tôi. Tối hôm đó, tôi gọi điện cho Elliott, lòng ngổn ngang sợ hãi và hoang mang, nhưng giọng nói của anh ấy lại thản nhiên như đang tường thuật sự thật.
“Anh cũng từng trải qua điều tương tự với bố mẹ,” anh ấy nói. “Nhưng rồi anh nhận ra: Tại sao ai cũng cho rằng mọi người đều cần phải đi học? Anh từng nghe đoạn sau trong một bài hát của Kanye vài năm trước:
Tôi nói với họ rằng tôi đã học xong rồi và mở công ty riêng
Họ hỏi tôi: ‘Ồ vậy là anh đã tốt nghiệp?’
Không, tôi chỉ quyết định chấm dứt việc học.”
“Cậu đã đi học,” Elliott nói. “Bây giờ đã đến lúc cậu là chính cậu. Đến lúc cậu phải kết thúc.”
Suốt cả tuần tiếp theo, tôi ngồi trong phòng khách với bố mẹ, cố gắng giúp họ nghĩ thoáng hơn về quyết định của mình. Giờ đã là ngày cuối cùng trước khi tôi nộp đơn xin bảo lưu. Chỉ còn ba tiếng nữa là hết hạn. Tôi đã ký đơn và đang ngồi trong phòng, chuẩn bị lái xe đến trường để nộp.
Càng nhìn tờ đơn màu xanh trên giường, nỗi sợ hãi lại càng bủa vây lấy tôi. Mặc dù những chỉ dẫn của Elliott đã giúp tôi rất nhiều, nhưng 20 phút trò chuyện trên điện thoại với anh ấy chẳng là gì so với 20 năm sống cùng mẹ. Một phần trong tôi cảm thấy có lẽ bà đã đúng – có lẽ 10 năm sau tôi sẽ thấy thất bại, không có hợp đồng xuất bản, cũng không có tấm bằng đại học. Mặc dù tôi biết mình có thời hạn bảy năm và Elliott bảo tôi đừng quá lo lắng, tôi cảm thấy có lẽ mình sắp sửa phạm phải sai lầm lớn nhất trong đời.
Khi tôi đang thắt dây giày thì chuông cửa chợt reo. Tôi nhét tờ đơn màu xanh vào túi, cầm lấy chìa khóa xe và đi ra cửa. Tôi xoay tay nắm và kéo cửa.
Đó là bà tôi.
Bà đang đứng trên bục cửa, run rẩy, nước mắt lăn dài trên má.