Kẻ Khôn Đi Lối Khác - Chương 22
Chương hai mươi hai
Đại hội cổ đông
BA TUẦN SAU, OMAHA, NEBRASKA
Trời lạnh đến mức tôi cảm giác như má mình bị những chiếc kim bằng băng ghim chặt. Hàng người tiến vào khu hội trường kéo dài nhiều dãy nhà, vòng sang cả phía đối diện. Chúng tôi đã đứng xếp hàng suốt ba tiếng đồng hồ, từ 4 giờ sáng. Lại một lần nữa tôi đối mặt với Omaha. Nhưng lần này, tôi có hậu thuẫn.
Tôi đã kéo những cậu bạn của mình đi cùng.
Có Ryan, anh chàng đam mê số má. Thực ra thì lúc này, anh chàng số má lại đột nhiên chẳng còn hứng thú với việc tính toán. Cậu ấy cúi gập người và run rẩy, cái khăn thít chặt quanh đầu khiến cậu ấy trông chẳng khác nào một xác ướp. Tôi cố gắng tiếp năng lượng cho cậu ấy bằng việc hỏi về xác suất Buffett sẽ trả lời câu hỏi của tôi. Cậu ấy lắp bắp: “Tôi… quá… lạnh… để… có… thể… nghĩ… được… gì.”
Brandon đang chúi mũi vào sách, giơ chiếc điện thoại lên cao quá đầu làm đèn pin. Cậu ấy không thay đổi tư thế suốt 15 phút rồi. Không biết do cậu ấy quá mải mê với cuốn sách hay đã bị đông cứng lại vì lạnh rồi.
Dĩ nhiên, Kevin thì ngược lại. Cậu chàng nhảy nhót qua lại, và cười tít mắt khi phân phát những thanh granola, cố gắng duy trì tinh thần chiến đấu của chúng tôi.
Andre thì không có thì giờ cho những thanh granola. Cậu ấy đang bôi son dưỡng lên môi và tán tỉnh một cô gái ở phía sau, đứng cách chúng tôi vài người. Mặt trời còn chưa kịp mọc thì cậu ấy đã xin được số điện thoại của cô nàng.
Còn Corwin… à, Corwin thì mệt mỏi đến mức chẳng thiết quan tâm đến thời tiết giá rét thế nào. Cậu ấy nằm gục trên vỉa hè, dùng cái áo khoác bằng vải flanen làm chăn, trông như thể còn chưa rời giường.
Ờm, có lẽ chúng tôi không giống lính tinh nhuệ Navy SEAL16 mà giống nhân vật chính trong bộ phim Dumb and Dumber (Siêu ngốc gặp nhau) hơn, nhưng dù sao đi nữa, họ cũng là những người anh em của tôi.
Một người đàn ông phía trước chúng tôi quay xuống hỏi:
“Các cậu làm cổ đông bao lâu rồi?”
Chẳng có ai trong chúng tôi là cổ đông cả, nên tôi không biết phải trả lời câu hỏi này như thế nào. May thay, Corwin đúng lúc đó lao tới giải vây, cậu ấy nhanh nhẹn bật dậy và thít chặt chiếc quần rộng thùng thình của mình. “Thực ra thì thưa ông,” cậu ấy nói, chỉ một ngón tay lên trời, “chúng tôi nhận lời mời trực tiếp từ văn phòng của ngài Buffett.”
Tôi cố nén cười. Mặc dù Corwin nói đúng nhưng cậu ấy đã không nói 99% còn lại của câu chuyện.
Vài tháng trước, trợ lý của Buffett đã có lời đề nghị gửi tặng tôi tấm vé tham dự đại hội cổ đông thường niên của Berkshire Hathaway. Chắc là cô ấy cũng cảm thấy tội nghiệp cho tôi sau bao nhiêu lần bị từ chối. Dù gì đi nữa thì cô ấy cũng vô cùng tử tế. Một chiếc vé tham dự cuộc họp thường niên cũng giống như chiếc vé tới trận chung kết bóng bầu dục Super Bowl17 của Buffett. Chỉ có cổ đông hoặc nhà báo mới được mời tham dự. Ban đầu, tôi không thấy được bất cứ lợi ích nào từ việc ngồi ngơ ngẩn trong đám đông, nhưng sau khi nói chuyện với Dean Kamen, tôi gọi điện lại cho cô ấy và hỏi liệu cô ấy còn giữ vé tặng cho tôi không.
“Dĩ nhiên rồi, Alex. Tôi rất sẵn lòng gửi cho cậu một vé.”
“Cảm ơn chị! Thực ra, không biết em có thể xin thêm một vài cái nữa không?”
“Dĩ nhiên rồi. Cậu muốn bao nhiêu vé?”
“Dạ… sáu vé thì sao ạ?”
“Tôi… tôi nghĩ là được.”
“Cảm ơn chị rất nhiều. Em chỉ muốn hỏi để chắc chắn – trong phần hỏi đáp của sự kiện, những người tham dự có thể đặt câu hỏi cho ngài Buffett phải không ạ?”
“Alex, ôi Alex… Tôi biết cậu đang nghĩ gì. Đúng vậy, người tham dự có thể đặt câu hỏi trực tiếp với ngài Buffett, tuy vậy, cậu nên nhớ, chỉ có 30-40 người có cơ hội đó – nhưng số người tham dự thì lên đến 30.000 người. Chẳng khác nào việc chơi xổ số. Chưa kể nó hoàn toàn ngẫu nhiên. Dù tôi rất trân trọng sự lạc quan của cậu, nhưng đừng đặt quá nhiều hy vọng.”
Không hề gì, tôi là vua của việc đặt hy vọng.
Những tiếng reo hò bùng nổ ra ở phía đầu hàng khi cánh cửa bắt đầu hé mở. Hàng nghìn người xô đẩy nhau, túa vào khu hội trường. Những cánh tay vung vẩy, những cuốn sổ vẫy vẫy trên không; người người hò hét “Xin thứ lỗi! Xin thứ lỗi!”. Toàn cảnh trông không khác gì cuộc chạy đua với bò tót của một đám doanh nhân ăn mặc bóng bẩy.
Tôi cùng nhóm bạn ngụp lặn trong đám đông. Andre nhảy cóc xuống những bậc thang, Corwin thì trượt trên tay vịn, Kevin trèo qua ghế, cuối cùng chúng tôi cũng lách được lên phía trước và giành được sáu ghế gần sân khấu.
Khu hội trường thực sự đồ sộ. Tôi ngoái lại phía sau, nhìn những chỗ ngồi ở trên tầng cao nhất, cách chúng tôi ít nhất sáu tầng nhà. Tôi không kìm được mà nghĩ, cả nghìn chiếc ghế trống này sẽ sớm được những người khao khát trực tiếp đặt câu hỏi cho Buffett lấp đầy. Ngay trước mặt tôi là một sân khấu màu đen khổng lồ với những tấm rèm sẫm màu cao vút và ba màn hình cỡ lớn ở phía trên. Một chiếc bàn được đặt giữa sân khấu cùng hai chiếc ghế, nơi Buffett và vị phó chủ tịch Charlie Munger sẽ ngồi.
Mặc dù ôm nhiều hy vọng, nhưng tôi không có kế hoạch cụ thể khi đến đây. Tôi đoán là chúng tôi có thể tìm ra cách nào đó khi thời cơ đến. Nếu có một thứ tôi học được từ hồi thi Hãy chọn giá đúng thì đó chính là mọi chuyện đều có cách giải quyết.
Và giờ đây, tôi không thể lãng phí một giây nào.
Tôi nhìn thấy một tấm biển đề chữ Trạm số 1. Có một hàng người đang đứng trước nó.
“Ryan,” tôi gọi, “đi với tôi chút!”
Ở Trạm số 1, tôi nhìn thấy tình nguyện viên phát các tờ giấy màu vàng đồng để những người tham dự bỏ vào một chiếc thùng. Phía bên trái chiếc thùng là một bục phát biểu màu đen. Ryan và tôi chạy xuống cuối hàng. Khi đến đầu hàng, người tình nguyện viên đưa cho chúng tôi hai vé quay xổ số.
“Không biết tôi có thể hỏi cô một câu hỏi được không?” Đây là lần đầu tiên chúng tôi ở đây, tôi nói với cô ấy và dò hỏi cách thức thực hiện.
Cô ấy nói tôi cần trình giấy tờ tùy thân để có được một tấm vé, sau đó thả nó vào thùng. “Ngay trước khi cuộc họp bắt đầu, chúng tôi sẽ chọn ra những người may mắn,” cô ấy giải thích. “Đơn giản như chơi xổ số vậy. Tôi hy vọng cậu sẽ gặp may, vì xác suất chỉ là 1/1.000.”
Ryan và tôi bước sang một bên và tìm Trạm số 2. Xa hơn nữa thậm chí còn có cả Trạm số 3. Tôi nhìn thấy những tấm biển nhỏ trên tầng 3, tôi đoán đó là Trạm số 8, 9, 10, 11 và 12.
“Đi thôi,” tôi nói, kéo lấy Ryan.
Chúng tôi đến Trạm số 2 và hỏi tình nguyện viên thêm thông tin, hy vọng có thể có được chút manh mối giúp chúng tôi có thêm lợi thế. Chúng tôi vẫn nhận được những câu trả lời tương tự.
Trạm số 3.
Trạm số 4.
Trạm số 5.
Tôi nói chuyện với tất cả những tình nguyện viên có thể, kể cho họ câu chuyện mình viết thư cho Buffett suốt sáu tháng như thế nào và tại sao tôi lại ở đây cùng những người bạn của mình. Cứ thế, cho tới khi một người kéo tôi sang một bên.
“Đừng nói với ai rằng cậu nghe được điều này từ tôi,” cô ấy nói, “nhưng trong sự kiện năm ngoái, tôi nhận ra không phải tất cả các trạm đều được đối xử như nhau.”
“Ý cô là gì?”
Cô ấy giải thích rằng những chiếc vé không được cho vào một cái thùng duy nhất.
Họ quay từng chiếc thùng ở những trạm khác nhau, tạo ra hàng chục lô xổ số riêng biệt. Các trạm gần sân khấu nhất thì có hàng nghìn lượt quay. Nhưng những trạm ở khu vực xa ư? Có lẽ chỉ một vài lượt.
“Điều đó hoàn toàn dễ hiểu,” Ryan nói. “Những người ngồi phía trước hẳn cũng là những người sống chết muốn đặt câu hỏi. Còn những người ngồi trong bóng tối có lẽ không muốn có bất kỳ sự chú ý nào.”
Mặt Ryan bừng sáng như thể tất cả bộ vi xử lý trong não cậu ấy cùng khởi động một lúc. Cậu ấy nheo mắt nhìn một lượt quanh khu hội trường. “Khu đó có vẻ như có khoảng 3.000; chỗ kia chắc là 1.000; 500 ở đây; 100 ở đây. Và nếu như chúng ta…” Cậu ấy đột nhiên im lặng, những con số lướt qua mắt. Rồi bỗng nhiên cậu ấy reo lên: “Tới Trạm số 8!”
Chúng tôi phi hết tốc lực lên phía trước, réo gọi đám bạn đi theo và chạy thục mạng lên tầng trên. Chúng tôi đến được Trạm số 8, lấy vé số và đặt tất cả vào thùng. Khoảng 20 phút sau, người tình nguyện viên lấy ra những cái tên thắng cuộc.
Cổ họng tôi thắt lại. Đám bạn tôi trông cũng hồi hộp không kém. Chúng tôi biết rằng đây có thể là hy vọng cuối cùng để có thể khiến Warren Buffett trả lời những câu hỏi của mình.
Tình nguyện viên thông báo những người chiến thắng. Mặc dù ai cũng bảo chúng tôi xác suất chỉ là 1/1.000, nhưng trong số sáu người, bốn người đã có vé thắng cuộc.
ÁNH ĐÈN HỘI TRƯỜNG MỜ DẦN. Hai chân tôi co rút vì hồi hộp khi quan sát những khuôn mặt xung quanh mình. Có cả một dãy người bận áo vét, chúi mặt vào sổ tay và máy tính; cũng có dãy ngả người trên ghế, trong tay cầm bánh nướng xốp và cà phê, sẵn sàng đón xem trận Super Bowl Buffett. Có người còn nói với tôi đại hội cổ đông Berkshire Hathaway quan trọng đến mức họ đã đặt lịch cho nó từ tận một năm trước. Có một số người còn đến tham dự suốt nhiều thập kỷ.
Khán giả im lặng khi màn hình khổng lồ chiếu một đoạn phim hoạt hình ngắn, trong đó Buffett và Munger là những giám khảo giả định của chương trình Dancing with the Stars. Buffett liên tục cho những người dự thi 0 điểm trong khi Munger thì nhàm chán chơi Giải đố ô chữ trên điện thoại. Khi người dẫn chương trình hỏi không biết họ có thể làm gì tốt hơn, Munger đáp lại: “Chúng tôi tưởng anh sẽ không bao giờ hỏi!” Hai tỷ phú hoạt hình bật khỏi ghế và nhảy điệu “Gangnam Style”, bài hát nhạc pop Hàn Quốc đã trở thành cơn sốt vào mùa hè trước, cả vũ đài nổ tung với những tiếng cười giòn. “OP OP OP… OPPA GANGNAM STYLE!” vang vọng khắp khán phòng nhưng nhanh chóng bị những tiếng hò reo lấn át.
Sau đó là một phim ngắn chiếu cảnh Buffett ở trường quay bộ phim Breaking Bad (tạm dịch: Biến chất), nhưng thay vì thực hiện một thương vụ buôn bán ma túy, Buffett và Walter White đấu tay đôi để giành thanh kẹo đậu phộng, một trong những loại kẹo mà Buffett thích nhất. Tiếp sau là một bộ phim ngắn của Buffett và Jon Stewart, rồi đến vở kịch trào phúng của Buffett và Arnold Schwarzenegger. Cuối cùng, màn hình chuyển sang màu đen và tôi những tưởng đã đến lúc phải nghiêm túc. Nhưng không – những quả bóng disco được thả xuống từ trần nhà, ánh sáng đỏ xanh lập lòe khiến cả hội trường trông như một câu lạc bộ đêm, bài hát “Y.M.C.A” nổi lên, chỉ khác là bốn chữ trong tên bài hát đã được thay thế bằng “B.R.K.A”, ký hiệu cổ phiếu của Berkshire Hathaway. Đám đông hát theo như thể đó là bốn chữ cái yêu thích nhất trần đời của họ. Rồi từ phía cuối hành lang, một đoàn hoạt náo viên xuất hiện.
Buffett và Walter tiến vào sân khấu từ cánh phải, nhảy và hát “B.R.K.A.!”, những tiếng gầm rú rộ lên khiến cả hội trường rung chuyển như vừa có một trận động đất quy mô nhỏ. Ở lối đi bên trái, ngay giữa cơn hỗn loạn này, Corwin đang lắc hông cật lực và di chuyển gần hơn về phía các hoạt náo viên. Một hoạt náo viên đưa cho cậu ấy một quả cầu tua, thứ mà cậu ấy đang cầm và lắc nó trên đầu, hát B.R.K.A cùng với cô nàng như thể đó là đêm trăng mật đầu tiên của họ.
Buffett ngồi ở bàn và ngả người về chiếc mic. “Phù! Tôi kiệt sức rồi!”
Ông ấy bắt đầu cuộc họp bằng việc thông báo tình hình tài chính của Berkshire và giới thiệu hội đồng quản trị của mình, những người ngồi ở hàng ghế đầu.
“Được rồi,” Buffett nói to. “Bây giờ chúng ta sẽ chuyển sang phần hỏi đáp.”
Tôi biết phần hỏi đáp chiếm gần hết sự kiện. Trên bàn của Buffett và Munger là mấy chồng giấy nhỏ, hai ly nước, hai lon Coca vị sơ-ri và một hộp kẹo đậu phộng See. Bên trái sân khấu là ba phóng viên tài chính của Fortune, CNBC và New York Times. Bên phải là ba nhà phân tích tài chính.
Phần hỏi đáp diễn ra như thế này: Một phóng viên hỏi về thành tích của Berkshire so với chỉ số S&P, sau đó một nhà phân tích hỏi về lợi thế cạnh tranh của một trong những công ty con của Berkshire. Buffett trả lời trôi chảy, bông đùa mấy câu, ăn mấy miếng kẹo đậu phộng, rồi nói “Charlie?” để xem đồng nghiệp của mình có muốn nói thêm gì không. Munger ra hiệu tiếp tục với một câu nói rất ngắn gọn “Không còn gì muốn bổ sung”. Rồi đèn sân khấu chiếu vào Trạm số 1. Một khán giả hỏi về nỗi lo lắng lớn nhất của Buffett về thành tích của Berkshire.
Chu kỳ lại tiếp tục. Phóng viên, nhà phân tích, Trạm số 2. Phóng viên, nhà phân tích, Trạm số 3. Ryan tính toán chúng tôi có khoảng một tiếng trước khi đến người được hỏi đầu tiên. Tất cả chúng tôi tập trung ở ngoài hàng lang để chuẩn bị.
“Đây là năm câu hỏi phỏng vấn của tôi,” tôi nói, lôi một tờ giấy ra khỏi túi. “Andre, vé đầu tiên là của ông, nên ông sẽ đưa ra câu hỏi thuyết phục. Tôi sẽ hỏi câu thứ hai, và Brandon, ông hỏi câu thứ ba, về gọi vốn. Corwin, ông hỏi câu thứ tư về đầu tư giá trị. Mấy ông, hãy đảm bảo rằng…”
“Này,” Corwin thốt lên. “Có ai có dư chiếc thắt lưng nào không?”
Tôi biết lẽ ra mình không nên hỏi, nhưng tôi vẫn nói. “Sao lại có ai mang dư một cái thắt lưng cơ chứ?”
Cậu ấy nhún vai.
“Đợi đã,” tôi nói. “Không phải ông quên mang thắt lưng đấy chứ?”
“Đừng lo. Tôi sẽ tìm ra cách.”
Tôi cố gắng không nghĩ đến vẻ ngoài nực cười của chúng tôi. Giữa một biển người mặc quần âu, tóc chải ngược, vuốt keo bóng lộn, Andre mặc áo sơ mi mở phanh đến tận ngực, Brandon và Kevin mặc áo chui có mũ, còn Corwin thì trông giống như vừa khóa mình trong phòng dựng phim suốt ba tuần liền. Tôi thì mặc chiếc áo phông Zappos của Tony Hsieh và, những mong có thêm chút may mắn, mặc lại chiếc quần lót mà tôi từng mặc hồi đi thi Hãy chọn giá đúng.
Câu hỏi tôi giữ lại cho mình là câu hỏi tôi thích nhất: Danh sách phải tránh. Tôi đã gọi cho Dan một ngày trước để tâm sự rằng tôi sẽ hỏi câu đó nếu như được lựa chọn. Dan nói điều đó nghe rất tuyệt, nhưng vì lý do nào đó, anh ấy bảo tôi đừng nhắc đến tên mình.
Chúng tôi trở về chỗ ngồi. Sau khi Buffett kết thúc câu trả lời cho Trạm số 7, tôi đưa cho Andre tờ giấy ghi lại câu hỏi phỏng vấn và cậu ấy đi đến bục phát biểu của Trạm số 8. Một phóng viên đặt một câu hỏi, rồi đến nhà phân tích, ánh đèn sân khấu sau đó tập trung vào Andre.
“Xin chào, tôi tên là Andre, đến từ California,” cậu ấy nói, giọng cậu ấy phát ra từ hàng trăm chiếc loa, vang vọng khắp hội trường. “Trong những sự kiện trọng đại, như sự cố Sanborn, khi ông mua lại See, hoặc mua cổ phiếu của Berkshire – làm thế nào ông thuyết phục mọi người bán lại cổ phiếu cho mình khi họ thực sự không muốn. Ba chìa khóa thành công trong việc gây ảnh hưởng đến người khác của ông là gì, ở những tình huống cụ thể này?”
“À, phải…” Buffett nói, “Tôi không nghĩ, ừm, cậu lại hỏi về Sanborn và ờ… về See…”
Ban đầu khi viết câu hỏi, tôi thấy nó cũng ổn. Nhưng khi nghe Andre rống “khi họ thực sự không muốn”, nó nghe không giống một câu hỏi mà giống một lời buộc tội.
“Gia đình See…” Buffett tiếp tục, “có người qua đời…”
Tôi lắng nghe để xem Buffett sẽ nói thêm điều gì, nhưng rồi tôi nhận ra ông ấy chỉ đang nói vòng vo. Ông ấy đưa ra một số vấn đề trong See’s Candies và tránh chia sẻ bất cứ lời khuyên nào về kỹ năng thuyết phục, điều mà tôi thực sự muốn.
“Charlie có lẽ sẽ nhớ chuyện này rõ hơn tôi,” Buffett nói, nhưng lại nói thêm một chút và chuyển sang câu hỏi kế tiếp.
Sự kiện See và Sanborn đã xảy ra gần 40 năm trước nên có lẽ chúng là hai trong số những điều mà Buffett không muốn nhắc tới. Đau đớn thay, tôi đưa quá nhiều chi tiết vào câu hỏi và vô tình sử dụng những từ ngữ khiến nó nghe như một lời buộc tội, vậy nên nó đã phản tác dụng.
May mắn là chúng tôi vẫn còn ba câu hỏi.
Chu kỳ tiếp tục, và cuối cùng cũng đến lượt tôi. Người tình nguyện viên kiểm tra vé rồi ra hiệu cho tôi tiến về phía bục phát biểu.
Tôi đi dọc ban công trong bóng tối, nhìn người đàn ông trong bức ảnh được dán trên bàn làm việc suốt sáu tháng qua. Sau tất cả những gì tôi đã trải qua để đến được đây – đào xới hàng nghìn trang sách, nghiền ngẫm hàng trăm bài báo, chật vật suốt hàng chục giờ nói chuyện điện thoại với Dan – tôi cảm giác như mình đã giành được khoảnh khắc này.
“Được rồi,” Buffett nói, giọng ông vang lên từ mọi hướng. “Trạm số 8.”
Đèn sân khấu sáng lên. Nó sáng đến mức tôi gần như không nhìn thấy tờ giấy trong tay mình.
“Xin chào, tên tôi là Alex…” – tiếng vọng dội lại mạnh đến mức suýt khiến tôi mất thăng bằng, “… đến từ Los Angeles. Ngài Buffett, tôi nghe nói một trong những cách để ngài tập trung vào mục tiêu là viết ra 25 điều ngài muốn đạt được, sau đó chọn ra 5 điều, và bỏ qua 20 điều còn lại. Tôi rất tò mò không biết làm cách nào ngài nghĩ ra phương án này, và ngài đã dùng những phương pháp nào để chọn ra các mong muốn ưu tiên của mình?”
“Ồ,” Buffett trả lời, hắng giọng, “thực chất thì tôi còn tò mò hơn là làm cách nào cậu nghĩ ra nó!”
Một tràng cười như sấm rền nổ ra trong đám đông khán giả. Thật khó để diễn tả cảm giác khi cả một biển người cùng cười bạn một lúc.
“Sự thật không hẳn lúc nào cũng như vậy,” Buffett nói. “Nghe qua thì phương pháp đó rất tốt, nhưng nó yêu cầu kỷ luật khắt khe hơn nhiều so với bản thân tôi. Nếu họ giơ thanh kẹo ra trước mặt tôi…” – ông ấy chỉ vào hộp kẹo See, “… tôi chắc chắn sẽ ăn nó!”
Tôi cảm thấy mặt mình bỏng rát dưới ánh đèn sân khấu.
“Charlie và tôi sống rất bình dị,” ông ấy nói thêm. “Nhưng chúng tôi biết mình thích gì và giờ đây chúng tôi có thể lựa chọn làm hầu hết những việc mình thích – Charlie thích thiết kế những tòa nhà. Ông ấy không còn là một kiến trúc sư thiếu quyết tâm. Giờ ông ấy đã là một kiến trúc sư đầy đủ tư cách. Và, cậu biết đấy, cả hai chúng tôi đều rất thích đọc sách. Nhưng thực sự thì tôi chưa từng lập một danh sách nào cả. Tôi cũng không nhớ mình từng lập danh sách nào trong đời chưa.”
“Nhưng, có lẽ tôi sẽ thử!” Buffett nói, chọc thêm nhiều tiếng cười nữa. “Cậu vừa cho tôi một ý tưởng!”
Ngay lập tức, đèn sân khấu vụt tắt.
Tôi loạng choạng trở về chỗ ngồi, không tài nào hiểu được chuyện gì vừa xảy ra. Thứ tôi có thể hiểu là tất cả những lời thì thầm và tiếng khúc khích mình nghe thấy khi đi qua các hàng ghế. Tôi cúi đầu xuống, cố gắng tránh ánh nhìn của người khác.
Sau khi tôi ngồi xuống ghế, Kevin nghiêng người sang và đưa ra một phương án rất hay: Có lẽ hai câu hỏi đầu của chúng tôi đã khiến Buffett ngạc nhiên, nếu chúng tôi muốn có được một câu trả lời hay từ ông thì câu hỏi tiếp theo cần phải đơn giản và đi thẳng vào vấn đề. Tôi đồng ý, thế là cả hai chúng tôi kéo Brandon sang một bên và nói rằng câu hỏi của cậu ấy cần phải cực kỳ rõ ràng để Buffett buộc phải trả lời.
Kevin và tôi bước vào hành lang cùng Brandon để luyện phát âm sao cho tròn vành rõ chữ. Chúng tôi trở về chỗ ngồi, và chẳng bao lâu sau, Brandon lên bục phát biểu.
“Xin chào… Tôi là… Brandon… từ… Los… Angeles.”
Đó là câu nói rõ ràng nhất mà tôi cần. Vấn đề là Brandon nói quá rõ ràng, phát âm quá chậm rãi, đến mức nghe rất đáng nghi.
“Nếu đang trong độ tuổi 20…,” Brandon tiếp tục, “và dự kiến thành lập một công ty hợp danh… ông có lời khuyên nào cho tôi… về việc thuyết phục mọi người… đầu tư… trước khi tôi tạo nên một bảng thành tích ấn tượng… với tư cách một nhà đầu tư độc lập?”
Tất cả mọi người đều đứng hình.
“Ồ,” Buffett nói, “cậu vẫn chưa thuyết phục được tôi!”
Làn sóng tiếng cười lại trào lên từ đám đông.
Tôi băn khoăn không biết Buffett có nhận thấy chuyện gì không. Một chàng trai trẻ ngoài 20, cũng mặc quần bò, cũng đến từ Los Angeles, cũng ở Trạm số 8, và cũng lại đang hỏi một câu hỏi cụ thể đến bất thường, chẳng liên quan gì đến thành tích gần đây của Berkshire.
“Tôi nghĩ mọi người đều nên thận trọng với việc đầu tư,” Buffett nói, “ngay cả khi họ có bảng thành tích ấn tượng. Rất nhiều danh mục thành tích quá khứ chẳng có mấy ý nghĩa. Nhưng nói chung, tôi khuyên người trẻ tuổi nếu muốn quản lý tiền bạc, và về sau muốn kêu gọi vốn, hãy bắt đầu xây dựng một bảng thành tích quá khứ được tính toán cẩn thận, càng sớm càng tốt. Ý tôi là, nó dĩ nhiên không phải là lý do duy nhất mà chúng tôi tuyển dụng Todd và Ted [người quản lý các danh mục đầu tư cho Berkshire], nhưng chúng tôi hiển nhiên có cân nhắc dựa trên thành tích trong quá khứ. Và chúng tôi chỉ nhìn vào một bảng thành tích mà cả hai [Charlie và tôi] đều có thể tin tưởng và hiểu được, bởi vì chúng tôi nhận thấy rất nhiều thành tích không thực sự có ý nghĩa.”
“Nếu cậu tổ chức một cuộc thi tung đồng xu,” Buffett tiếp tục, “với sự tham gia của 310 triệu con đười ươi, chúng có 10 lần tung tất thảy, cậu sẽ có khoảng 300.000 con tung được mặt ngửa 10 lần liên tiếp. Và những con đười ươi này có lẽ sẽ đi quanh để lôi kéo ai đó trợ giúp trong những cuộc thi tung đồng xu tiếp theo.”
“Vì thế, việc của chúng tôi,” ông tiếp tục, “khi tuyển ai đó để quản lý tài chính, là phải xác định được họ là những người tung đồng xu may mắn hay thực sự biết mình đang làm gì…”
“Ồ…”
Một giọng nói ngắt lời Buffett.
“…nhắc đến vấn đề này, chẳng phải ông đã góp nhặt khoảng 100.000 đô-la từ gia đình thân thương của mình sao?”
Người nói là Charlie Munger.
“Đúng rồi,” Buffett nói. “Vậy nên, tôi hy vọng họ vẫn yêu quý tôi sau khi đã đưa tiền cho tôi.”
Buffett bật cười khúc khích.
“Ừm, tôi, nó…” ông tiếp tục, lắp bắp, “nó diễn ra rất chậm, và đúng là nó nên chậm rãi như vậy. Như Charlie đã chỉ ra, một số người nghĩ rằng có lẽ tôi đang làm theo mô hình Ponzi18. Những người khác có thể không nghĩ tới, nhưng việc đánh vào những người hay lo sợ lại có lợi cho họ, bởi vì họ đang bán các khoản đầu tư ở Omaha.”
“Để thu hút đầu tư, cậu phải xứng đáng với số tiền mình kêu gọi. Do đó, cậu nên xây dựng một bảng thành tích để chứng minh mình xứng đáng. Cậu nên giải thích cho người khác biết tại sao bảng thành tích đó lại là một sản phẩm của việc suy nghĩ thấu đáo thay vì chỉ vớ bở khi bắt kịp trào lưu hay chỉ đơn giản là gặp may, phải không Charlie?”
“Cậu bắt đầu cuộc chơi năm 25 tuổi,” Munger nhắc lại với giọng điệu cân nhắc. “Làm sao cậu thu hút được đầu tư?”
Tôi sẽ không bao giờ biết được Munger đang nghĩ gì, nhưng có lẽ ông ấy cũng nhận ra Buffett không trả lời thẳng thắn. Tôi cảm giác Munger đang cố cứu tôi thoát khỏi một lần bẽ mặt nữa.
Ông ấy nói rằng cách tốt nhất để gọi vốn trước khi có thành tích quá khứ là gọi vốn từ những người tin tưởng bạn, bởi vì họ đã thấy những gì bạn làm trong quá khứ. Những người này có thể là gia đình, bạn bè, giảng viên đại học, sếp cũ hoặc thậm chí là cha mẹ của bạn bè bạn.
“Khi cậu còn trẻ thì việc đó sẽ khó khăn,” Munger nói thêm, “và đó là lý do tại sao mọi người lại bắt đầu từ những thương vụ rất nhỏ.”
Cuộc nói chuyện giữa Munger và Buffett chuyển hướng sang quỹ phòng hộ19, rồi họ ra hiệu cho câu hỏi tiếp theo. Brandon quay lại chỗ ngồi. Mặc dù vẫn phải chịu đôi lời cười nhạo, nhưng ít nhất thì chúng tôi cũng có được một câu trả lời.
Chúng tôi vẫn còn một cơ hội nữa. Và nó phụ thuộc vào Corwin.
Sau khi Buffett ngăn một câu hỏi ở Trạm số 7, Corwin tiến đến gần bục phát biểu. Phóng viên đặt câu hỏi, rồi đến nhà phân tích.
Ánh đèn sân khấu chiếu vào Trạm số 8.
Corwin rướn về phía trước, một tay cầm mảnh giấy viết câu hỏi phỏng vấn, một tay kéo chiếc quần rộng thùng thình.
Cậu ấy bắt đầu nêu câu hỏi, nhưng tôi không thể nghe thấy cậu ấy nói gì.
Chiếc mic của cậu ấy đột nhiên bị tắt.
Giọng của Buffett vang lên: “Chúng ta sẽ nghỉ khoảng 5 phút. Tôi cảm ơn quý vị đã đến dự cuộc họp! Và tôi hy vọng quý vị sẽ tiếp tục đến vào năm sau!”
Và như thế, Buffett kết thúc phần hỏi đáp.
Corwin đứng chôn chân tại đó, dưới ánh đèn, một tay nắm quần cho khỏi tuột.
TÔI CÙNG ĐÁM BẠN đi ra khỏi hội trường, chất chứa bao nỗi bối rối và thất bại. Khi chúng tôi bước ra hành lang chật kín người, mọi ánh mắt đều dính chặt lấy tôi. Một anh chàng còn vỗ lưng tôi và nói: “Câu hỏi rất tuyệt, anh bạn ạ! Tôi đã có một trận cười thật sảng khoái.”
Ra đến tận ngoài đường, mọi người vẫn tiếp tục nhìn tôi cười khúc khích. Kevin đặt một tay lên vai tôi: “Đừng quan tâm đến họ,” cậu ấy nói.
Chúng tôi bước đi trong thinh lặng.
Một vài phút sau, Kevin lại nhẹ nhàng lên tiếng. “Thật là kỳ lạ… sao ông có thể lạc đề với những câu hỏi của mình được nhỉ?”
“Tôi không lạc đề,” tôi phản pháo. “Chính Buffett mới lạc đề.”
Tôi nói với Kevin về danh sách phải tránh và lần gặp gỡ với Dan; việc anh ấy hứa giúp tôi tiếp cận Buffett ra sao, về những câu chuyện mà anh ấy đã chia sẻ khi làm việc cho Buffett; và về ý tưởng xây dựng trang web và gửi chiếc giày cho người trợ lý.
Kevin nhướn mày.
“Làm sao Buffett có thể nói rằng ông ấy không biết về danh sách phải tránh?” tôi nói, cố kiềm chế để không hét lên. “Tôi không thể tin được là Buffett lại có thể nói dối như vậy.”
Kevin chỉ nhìn tôi và nói: “Nếu Buffett không phải là người nói dối thì sao?”