Kẻ Khôn Đi Lối Khác - Chương 23

Chương hai mươi ba

Ngài Kinggg!

Không lâu sau, tôi biết Kevin đã đúng. Sau đại hội cổ đông một thời gian ngắn, bạn gái của Dan gọi điện và nói rằng cô cũng đang nghi ngờ anh ấy. Cô ấy đã liên hệ với trợ lý của Buffett và người ấy tiết lộ rằng Dan chưa từng trực tiếp làm việc cho Buffett.

Tôi không thể nào tin được chuyện này.

Khi tôi gọi điện cho Dan, anh ấy phủ nhận hoàn toàn – rồi sau đó anh ấy hỏi xem có ai khác đang nghe lỏm không. Tôi nói với anh ấy là không có ai, và khi tôi hỏi anh ấy về quá khứ, cuộc trò chuyện trở nên đầy căng thẳng. Anh ấy trả lời những câu hỏi của tôi nhưng chi tiết hoàn toàn không thống nhất với nhau. Dan cúp máy và đó là lần cuối cùng chúng tôi trò chuyện.

Tôi chưa bao giờ cảm thấy phẫn nộ khi bị phản bội như thế. Không phải do một người xa lạ nói dối mà là một người tôi thực sự tin tưởng và quan tâm. Đó là lý do khiến vết thương thiêu đốt đau đớn đến vậy.

Có lẽ, đây là bài học đau đớn của tôi. Một số người không giống như những gì họ nói về bản thân. Vấn đề nằm ở việc tôi quá khao khát được gặp Buffett, do đó tôi đã cố tình lờ đi những tín hiệu cảnh báo về Dan. Bài học quá rõ ràng: Khao khát cùng cực làm mờ đi trực giác.

Nhưng ngược lại, tôi cũng không hề trong sạch. Tôi có động cơ riêng từ giờ phút đầu tiên tôi gặp Dan. Lý do duy nhất khiến tôi kết bạn với anh ấy là để tiếp cận Warren Buffett. Khi ở trên con thuyền của Dan tại San Francisco, tôi ép buộc anh ấy giúp tôi ngay trước mặt bạn gái. Mặc dù anh ấy đúng là có bóp méo sự thật, nhưng chắc hẳn anh ấy sẽ không tiếp tục nói dối nếu như tôi không hối thúc. Những mưu mẹo và động cơ thiếu minh bạch của tôi đã dồn anh ấy vào chân tường. Sự không trung thực đẻ ra sự không trung thực.

Nỗi buồn của tôi vẫn không thể rũ bỏ dù cho đã trở về Los Angeles. Corwin cố gắng vực dậy tinh thần uể oải của tôi bằng cách rủ tôi ăn bánh mỳ kẹp, chúng tôi ngồi trên vỉa hè, ngay trước cửa một tiệm tạp hoá.

“Người anh em,” cậu ấy ấp úng nói, miệng nhai nhồm nhoàm, “tôi biết ông rất thất vọng, và tôi không có ý trách cứ gì ông, nhưng có lúc ông phải quên đi và tiếp tục.”

Tôi thở dài, rồi cắn một miếng bánh.

“Ông phải trở về với công việc hằng ngày của mình,” cậu ấy tiếp tục. “Chẳng phải ông vẫn còn cả tá những người cần phỏng vấn nữa hay sao?”

“Tôi chẳng có gì hết,” tôi nói. “Và dù có, tôi sẽ lại làm hỏng thôi. Ông hãy nhìn lại những chuyện đã xảy ra ở đại hội cổ đông. Khi tôi đưa Andre câu hỏi thuyết phục, tôi đã đưa vào quá nhiều chi tiết khiến Buffett không thể trả lời trực tiếp. Không những không có được cuộc phỏng vấn, tôi còn không biết nên phỏng vấn thế nào nữa.”

“Đừng trách cứ bản thân như vậy,” Corwin nói. “Phỏng vấn không phải một việc dễ dàng. Đó không đơn giản chỉ là hỏi và trả lời. Nó là cả một nghệ thuật.”

Chúng tôi tiếp tục đi dạo, sự kiện ngẫu nhiên bất ngờ nhất trong suốt cả hành trình của tôi xuất hiện. Một chiếc xe Lincoln màu đen có cửa kính một chiều tấp vào lề đường và dừng ngay trước mặt chúng tôi. Cửa xe bật mở và Larry King bước ra.

Một trong những chuyên gia phỏng vấn nổi tiếng nhất thế giới đang đi vào tiệm tạp hóa ngay trước mặt tôi và ông ấy chỉ có một mình. Chương trình của Larry King trên CNN được duy trì suốt 25 năm qua. Ông ấy đã phỏng vấn hơn 50.000 người trong suốt sự nghiệp. Tại sao từ trước đến nay tôi chưa bao giờ nghĩ đến ông ấy? Tôi biết Larry King sống ở gần đây và thực tế thì công chúng đều biết hằng ngày ông ấy ăn sáng ở đâu.

Nhưng tôi ngồi bất động, nhìn bóng ông ấy khuất dần sau cánh cửa trượt.

“Này,” Corwin nói, “bắt chuyện với ông ấy đi.”

Tôi cảm giác như có hàng túi cát đang nèn chặt lên vai mình.

“Cứ vào đi,” Corwin thúc giục.

Tôi không biết là mình đang đối mặt với Ngại ngùng hay do tôi đã bị những lời từ chối và chế nhạo suốt sáu tháng qua làm cho kiệt sức.

“Thôi nào!” Corwin nói, huých vai tôi và đẩy tôi vào bên trong. “Ông ấy đã 80 tuổi rồi. Ông ấy có thể đi đâu xa chứ?”

Tôi nhấc người lên khỏi vỉa hè và đi qua chiếc cửa trượt của tiệm tạp hoá. Tôi nhìn quanh khu đồ ngọt. Không có Larry. Tôi rảo bước đến khu vực nông phẩm với các tháp hoa quả và bức tường rau củ đầy sắc màu. Không có Larry.

Đó là lúc tôi chợt nhớ ra ông ấy đỗ xe ở một khu vực dỡ hàng. Chắc chắn ông ấy dự định rời đi bất cứ lúc nào.

Tôi chạy ra phía cuối cửa tiệm và đảo mắt khắp các dãy hàng, ngó từng dãy. Không có Larry, không có Larry, không có Larry. Tôi quay ngoắt sang bên trái, tránh một tháp cá thu đóng hộp, chạy băng băng qua gian thực phẩm đông lạnh. Tôi chạy ra phía trước cửa tiệm và nhìn từng quầy thu ngân. Vẫn như vậy, không có Larry.

Tôi kiềm chế để bản thân không đá vào dãy xe đẩy. Lại một lần nữa, tôi thất bại. Khi Larry King ở ngay trước mặt, tôi chẳng thể làm gì hết.

Khi thẫn thờ đi ra bãi đỗ xe, tôi vô tình nhìn thấy, ngay trước mặt tôi khoảng 10m, là Larry King.

Trong khoảnh khắc đó, tất cả giận dữ và sức mạnh bị kìm nén trong tôi chợt bùng nổ, ào ào phun ra từ miệng tôi, khiến tôi phải gào lên bằng hết sức bình sinh…

“NGÀIIIII KINGGGGGGGGGG!!!!!”

Larry giật mình dựng thẳng vai. Ông từ từ quay đầu lại; đôi lông mày rướn cao, miệng ông mở ra và tất cả những nếp nhăn trên mặt ông co rút lại. Tôi chạy nhanh đến chỗ ông ấy và nói: “Ngài King, cháu tên là Alex, năm nay 20 tuổi, lúc nào cháu cũng muốn nói xin chào…”

Ông ấy giơ một tay lên: “ĐƯỢC… XIN CHÀO,” rồi rảo bước đi thật nhanh.

Tôi yên lặng đi theo tới tận vỉa hè, ngay trước nơi ông ấy đỗ xe. Ông ấy mở thùng xe, chuyển những món đồ vừa mua vào, mở cửa và chuẩn bị bước vào, thế là tôi lại kêu lên…

“Đợi đã! Ngài King!”

Ông ấy nhìn tôi.

“Cháu có thể… cháu có thể ăn sáng cùng ngài không?”

Ông ấy nhìn xung quanh. Một nhóm người đang đứng trên vỉa hè, quan sát cảnh tượng đang diễn ra.

Larry hít một hơi thật sâu và nói bằng chất giọng Brooklyn sàn sạn: “Được thôi, được thôi, được thôi.”

Tôi nói cảm ơn trong khi ông ấy cài dây an toàn. Trước khi ông ấy đóng cửa xe, tôi gọi to: “Đợi đã, ngài King. Mấy giờ?”

Ông ấy nhìn tôi – sau đó đóng sập cửa.

“NGÀI KING!” Tôi hét qua cửa kính. “MẤY GIỜ?”

Ông ấy khởi động xe.

Giờ thì tôi đang đứng trước mũi xe của ông ấy, đạp hai tay lên trước tấm chắn gió. “NGÀIIII KINGGGGGGG! MẤY GIỜƠƠƠ?”

Ông ấy trừng trừng nhìn tôi, sau đó nhìn đám đông, rồi lắc đầu và nói: “9 giờ!”, sau đó lái xe đi.

Tôi đến nhà hàng vào sáng hôm sau. Larry King đang ngồi ở bàn đầu tiên, cúi người ăn ngũ cốc, ngồi cạnh ông là mấy người đàn ông khác. Phía trên bàn họ treo một khung tranh khổ lớn với bức hình Larry đang phỏng vấn Barack Obama, Joe Biden, Jerry Seinfeld, Oprah Winfrey cùng nhiều người khác nữa. Còn một chỗ ngồi trống ở bàn, nhưng vì quá xấu hổ với cách hành xử của mình hôm trước, tôi không muốn trắng trợn kéo ghế ra và ngồi xuống. Vì thế, tôi đứng từ xa vẫy tay và nói: “Xin chào, ngài King. Ngài khỏe không?”

Ông ấy đáp lại tôi bằng một cái ngẩng đầu, lầm bầm một cách cộc cằn, rồi quay lại với các bạn của mình. Tôi đoán rằng ông ấy muốn tôi quay lại sau vài phút, nên tôi ngồi xuống bàn bên cạnh, chờ ông ấy gọi mình.

10 phút trôi qua.

30 phút.

Một tiếng.

Cuối cùng, Larry đứng dậy và bước về phía tôi. Tôi có thể cảm thấy má mình căng cứng. Nhưng sau đó ông ấy lướt qua tôi và tiến ra cửa.

Tôi giơ tay lên. “Ngài… Ngài King?”

“GÌ ĐÓ?” ông ấy nói. “CẬU MUỐN GÌ?”

Cơn đau đột ngột và thân thuộc nhói lên trong tôi.

“Thành thật thì,” tôi yếu ớt nói, “cháu chỉ muốn xin một vài lời khuyên về việc phỏng vấn.”

Rồi một nụ cười hiền từ từ toát ra trên mặt ông. Đôi mắt ông ấy cứ như thể đang nói: “Tại sao cậu không nói điều đó từ trước?”

“Thế này nhé,” ông ấy nói. “Khi mới bắt đầu và không biết nên phỏng vấn người khác thế nào, họ thường sẽ nhìn vào những người mà họ ngưỡng mộ, có thể đó là Barbara Walters, Oprah hay là chính tôi, xem cách chúng tôi phỏng vấn và cố gắng bắt chước. Đó là sai lầm lớn nhất. Họ tập trung vào việc chúng tôi đang làm gì, chứ không phải tại sao chúng tôi lại làm vậy.”

Ông ấy giải thích rằng Barbara Walters thường đưa ra những câu hỏi được cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng, Oprah thì sử dụng nhiệt huyết và cảm xúc, còn ông ấy thì hỏi những câu hỏi đơn giản mà tất cả mọi người đều muốn được hỏi.

“Khi những người phỏng vấn thiếu kinh nghiệm cố gắng bắt chước phong cách của chúng tôi, họ không hề nghĩ tại sao chúng tôi lại xây dựng phong cách đó. Bởi vì đây là phong cách khiến chúng tôi thoải mái nhất. Và khi chúng tôi thoải mái thì những khách mời của chúng tôi cũng sẽ cảm thấy thoải mái – đó là điều tạo nên những cuộc phỏng vấn tuyệt vời.”

“Bí mật là: Chẳng có bí mật nào hết,” Larry nói thêm. “Chẳng có mưu mẹo nào trong việc là chính bản thân mình.”

Ông ấy kiểm tra đồng hồ.

“Nghe này, cậu nhóc, tôi thực sự phải đi rồi…” Ông ấy nhìn vào mắt tôi, sau đó lắc đầu như thể đang tranh luận điều gì đó. Ông ấy chỉ tay vào tôi và nói: “Được rồi. Thứ Hai! 9 giờ sáng! Gặp lại cậu ở đây!”

Khi tôi xuất hiện vào thứ Hai, tất cả các chỗ ngồi ở bàn của Larry đều chật kín, nhưng ông ấy gọi tôi sang và hỏi tại sao tôi lại quan tâm đến việc phỏng vấn đến vậy. Tôi kể cho ông ấy nghe về sứ mệnh, và ngay sau khi tôi hỏi liệu tôi có thể phỏng vấn ông ấy không, ông liền đáp: “Được thôi, bắt đầu đi.”

Chúng tôi nói thêm một chút về sứ mệnh, rồi ông ấy nói có một người mà ông ấy muốn tôi gặp.

“Này, Cal,” ông ấy nói, quay sang một người bạn. “Cậu có thể cho cậu nhóc này vài phút không?”

Cal đội một chiếc mũ fedora màu xanh da trời và đeo cặp kính gọng sừng. Ông ấy trông như mới ngoài 50, trẻ hơn tất cả những người còn lại trong nhóm.

Larry nói với tôi rằng Cal Fussman là một cây bút của tờ Esquire, ông ấy từng phỏng vấn Muhammad Ali, Mikhail Gorbachev, George Clooney, cùng hàng tá người nổi tiếng khác cho mục “Những điều tôi học được” trên tờ tạp chí. Larry bảo Cal chia sẻ với tôi thêm vài lời khuyên về phỏng vấn.

Sau khi Cal và tôi chuyển sang một bàn gần đó, tôi kể lại cho ông ấy về những cuộc phỏng vấn trước của mình.

“Cho dù cháu có chuẩn bị kỹ lưỡng đến thế nào,” tôi nói, “thì mọi thứ vẫn không diễn ra như cháu đã dự định. Và cháu không hiểu được tại sao lại như thế.”

“Cậu đã thực hiện những cuộc phỏng vấn như thế nào?” Cal hỏi.

Ông ấy gật đầu khi tôi nói rằng tôi đã dành hàng tuần, thậm chí hàng tháng để nghiên cứu những câu hỏi của mình. Rồi lông mày ông nhíu lại khi tôi nói tôi đã mang cuốn sổ tay chi chít câu hỏi tới cuộc phỏng vấn.

“Cậu mang cuốn sổ vì nó khiến cậu thoải mái,” ông ấy hỏi, “hay vì cậu sợ rằng không có nó thì cậu sẽ không biết phải hỏi gì?”

“Cháu không chắc nữa,” tôi đáp lời. “Cháu chưa từng nghĩ về điều đó.”

“Được rồi, hãy thử phương pháp này,” Cal nói. “Hãy quay lại vào bữa sáng hôm sau. Cậu sẽ có một chỗ ngồi ở bàn. Đừng nghĩ nó như một cuộc phỏng vấn. Cứ thoải mái ăn sáng.”

Tôi dành cả tuần tiếp theo chỉ để làm việc đó. Mỗi buổi sáng, tôi ngồi bên cạnh Cal và quan sát cách Larry ăn ngũ cốc với việt quất, cách ông ấy đẩy cái bát ra sau khi ăn trái việt quất cuối cùng, không quan tâm trong bát còn những gì; cách Larry nói chuyện qua điện thoại; cách ông ấy giao tiếp với những người lạ khi họ qua chào hỏi và xin chụp hình. Larry cực kỳ tử tế, điều đó khiến tôi băn khoăn tự hỏi không biết trông mình điên rồ đến mức nào khi đuổi theo ông trước cửa tiệm.

Đến cuối tuần, Cal bảo tôi mang theo máy ghi âm đến bữa sáng ngày kế tiếp. “Nhưng hãy bỏ lại sổ tay ở nhà,” ông ấy nói. “Giờ thì cậu đã thấy thoải mái rồi. Hãy ngồi ở bàn và để mặc trí tò mò đưa ra câu hỏi.”

Sáng hôm sau, tất cả mọi người đều ngồi ở chỗ mình vẫn ngồi. Larry ngồi đối diện với tôi, cắm cúi với bát ngũ cốc; bên phải ông ấy là Sid, một trong những người bạn tốt nhất của Larry suốt hơn 70 năm; kế đó là Brucey, bạn cấp hai của hai người họ; Barry, người bạn nối khố ở Brooklyn; và rồi có cả Cal, vẫn đội chiếc mũ fedora màu xanh da trời. Khi đang ăn được một nửa phần trứng tráng thì tôi hỏi Larry về những ngày đầu trong sự nghiệp phát thanh viên.

“Khi chúng tôi còn nhỏ,” Sid nói xen vào. “Larry thường cuộn tròn những tờ giấy, giả vờ rằng nó là chiếc mic và đọc bản tin về các trận thi đấu của đội Dodger.”

“Nếu Larry miêu tả các bộ phim,” Barry nói thêm, “phần miêu tả của cậu ấy có khi còn dài hơn cả bộ phim đó.”

Ước mơ của Larry là trở thành một phát thanh viên, ông ấy nói với tôi, nhưng ông ấy không biết phải bắt đầu thế nào. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông ấy làm nhiều việc – giao bưu kiện, bán sữa, nhân viên thu tiền – cho đến một buổi chiều năm 22 tuổi. Larry cùng một người bạn đang đi dọc một con phố ở New York thì tình cờ gặp một người đàn ông làm việc cho CBS.

“Ông ấy là người tuyển phát thanh viên truyền hình,” Larry nói. “Người đọc tin giữa các chương trình: Đây là CBS! Đài truyền hình Columbia!”

Larry đã xin ông ấy lời khuyên để bước chân vào ngành này. Người đàn ông ấy khuyên ông nên đến Miami, nơi rất nhiều đài phát thanh độc lập đặt trụ sở. Larry nhảy lên một chuyến tàu đến Florida, ngủ trên trường kỷ của một người họ hàng và bắt đầu tìm việc làm.

“Tôi cứ đến gõ cửa từng đài phát thanh thôi,” Larry nói. “Tôi tham gia bài kiểm tra giọng nói của một đài phát thanh nhỏ và họ nói rằng: ‘Giọng anh nghe khá hay. Khi có vị trí trống tiếp theo, chúng tôi sẽ tuyển anh.’ Thế là tôi cứ quanh quẩn ở đài phát thanh đó, tôi quan sát cách mọi người đọc tin tức, tôi học hỏi, tôi lau nhà. Rồi một ngày, một người bỏ việc vào thứ Sáu và họ nói với tôi: ‘Anh sẽ bắt đầu làm việc vào sáng thứ Hai!’ Tôi thức trắng suốt hai ngày cuối tuần, hồi hộp đến phát điên.”

“Đợi đã, ngài nói gõ cửa từng đài phát thanh là có ý gì?” tôi hỏi. “Ngài làm việc đó thế nào?”

Larry nhìn tôi như thể tôi là đứa nhóc mẫu giáo ngây thơ. “Cốc! Cốc! Cốc!” ông ấy nói, gõ tay xuống mặt bàn.

“Đây không phải là một phép tu từ,” Sid nói. “Larry đã gõ cửa từng nơi. Cậu ấy giới thiệu bản thân và xin việc. Đó là việc chúng tôi làm vào thời đó.”

“Đó là tất cả những gì tôi có thể làm,” Larry nói. “Sơ yếu lý lịch của tôi chẳng có gì cả. Tôi không học đại học.”

“Được rồi, cháu đã hiểu đó là cách ngài làm hồi đó,” tôi nói, “nhưng giả dụ như bây giờ ngài mới bắt đầu, ngài sẽ làm gì ạ?”

“Làm điều tương tự,” Larry nói. “Tôi sẽ vẫn gõ cửa. Tôi sẽ gõ bất cứ cánh cửa nào mà tôi cần phải gõ. Ngoài việc ngày nay có nhiều nơi để gõ cửa hơn, và cậu xem, chẳng có gì khác biệt cả. Chúng ta có mạng Internet, nhưng nó chẳng đem lại điều gì mới ngoài đường truyền. Bản chất con người không hề thay đổi.

Cal giải thích rằng con người vẫn là nhân tố quyết định việc tuyển dụng. Chỉ sau khi nhìn vào mắt bạn, người ta mới có thể cảm nhận được liệu bạn có thật lòng hay không. Từ ngữ bạn sử dụng dù chẳng khác gì trong bức email nhưng gặp gỡ trực tiếp luôn mang lại cảm giác hoàn toàn khác.

“Con người thích sự hiện diện thực tế,” Cal nói. “Người ta không thích những cái tên ngẫu nhiên trong hộp thư điện tử của mình.”

Tôi chợt nhận ra rằng khi Spielberg khích lệ tôi, khi Elliott đưa tôi đến châu Âu, hay khi Larry mời tôi ăn sáng – những khoảnh khắc này đều xảy ra chỉ sau khi tôi gặp họ trực tiếp và nhìn vào mắt họ.

Đợi chút…

Suốt cả năm vừa qua, tôi chỉ là một cái tên ngẫu nhiên trong hộp thư đến của Chánh văn phòng Bill Gates. Ông ấy nhận cuộc điện thoại đầu tiên bởi vì Qi Lu nhờ vả, chứ không phải vì ông ấy quen biết tôi. Tôi lại nghĩ vì không ưa mình mà vị Chánh văn phòng mới ngừng trả lời email, nhưng thực tế dường như hoàn toàn không phải vậy. Tôi chỉ là một cái tên ngẫu nhiên đối với ông ấy.

Và tôi đã biết làm thế nào để sửa sai.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3