Kẻ Khôn Đi Lối Khác - Chương 28
Chương hai mươi tám
Tái định nghĩa thành công
MỘT THÁNG SAU, LOS ANGELES
“Thật hoàn hảo!” Cal nói.
Tôi trở lại bàn ăn sáng với Larry King, và khi tôi vừa thông báo với Larry và Cal biết rằng một vài ngày tới, tôi sẽ có cơ hội phỏng vấn Steve Wozniak, nhà đồng sáng lập của Apple, người đã tạo ra một trong những chiếc máy tính cá nhân đầu tiên từ hai bàn tay trắng. Lời khuyên tạo dựng đường ống của Elliott dường như đã có hiệu quả.
“Điều tuyệt nhất là cậu sẽ không gặp phải vấn đề tương tự như khi phỏng vấn Bill Gates,” Cal nói thêm. “Lần này, cậu không thể tỏ ra quá hồi hộp. Ông ấy chính là ngài Woz.”
“Cậu sẽ phỏng vấn ở đâu?” Larry hỏi.
“Trong một nhà hàng ở Cupertino ạ!”
“Hồi mới bắt đầu,” Larry nói, “tôi từng thực hiện một chương trình phỏng vấn ở quầy đồ ăn nhanh của Pumpernik tại Miami. Nhà hàng là địa điểm rất tốt. Mọi người luôn muốn thấy vui vẻ khi ở đó.”
“Alex, hãy giúp tôi một việc,” Cal nói. “Đừng mang theo sổ tay. Hãy coi đây như là một lần thử nghiệm. Nếu cuộc phỏng vấn thất bại, cậu có thể đổ lỗi cho tôi.”
Tôi hơi do dự, sau những gì đã xảy ra trong cuộc phỏng vấn với Bill Gates, tôi nghĩ nó đáng để thử. Một vài ngày sau, tôi lên máy bay và sau vài tiếng, tôi trên đường đến Mandarin Gourmet, một nhà hàng cách trụ sở của Apple khoảng hai dãy nhà. Đang chần chừ trước cửa thì điện thoại của tôi reo lên. Đó là Ryan, bạn tôi.
“Ngài Woz?” cậu ấy hỏi lại khi tôi nói cho cậu ấy biết mình chuẩn bị làm gì. “Người anh em, tôi biết ông đang gặp vấn đề trong việc thực hiện phỏng vấn, nhưng Woz đã qua thời đỉnh cao từ 20 năm trước rồi. Nhìn danh sách Forbes mà xem. Ông ấy thậm chí còn không có tên trong đó. Tôi không hiểu tại sao ông lại thực hiện việc này. À, thực ra, nghĩ kỹ thì có lẽ phỏng vấn ông ấy cũng là một cơ hội không tồi. Hãy tìm hiểu tại sao Woz chưa bao giờ thành công được như Steve Jobs.”
Trước khi kịp trả lời, qua khóe mắt, tôi chợt thấy bóng Steve Wozniak sải bước về phía mình, chân đi giày thể thao và trên mặt đeo cặp kính mát. Một chiếc bút máy và bút la-de màu xanh lá cây cài trên túi áo ngực. Tôi gác điện thoại và đi tới chào ông ấy, rồi cả hai cùng bước vào nhà hàng.
Nhà hàng phủ kín với một biển khăn trải bàn trắng muốt. Sau khi ổn định chỗ ngồi, tôi vừa cầm thực đơn lên thì Wozniak ra hiệu cho tôi đặt xuống. Ông ấy vẫy người phục vụ bàn và gọi món cho cả hai, trông ông ấy phấn khích như một đứa trẻ khi được ăn tất cả những món tráng miệng mà mình muốn. Bàn của chúng tôi nhanh chóng chật kín đủ loại món ăn: cơm rang, mỳ xào rau, nộm gà Trung Quốc, gà sốt vừng, tôm xào mật ong ăn kèm với hạt óc chó, thịt bò Mông Cổ và nem cuộn giòn tan. Thậm chí trước khi chúng tôi bắt đầu bữa ăn, Wozniak dường như đã trở thành người hạnh phúc nhất mà tôi từng gặp. Dù kể về vợ, về những con chó, nhà hàng yêu thích, hay chuyến đi khám phá tại hồ Tahoe sắp tới, Wozniak yêu thích mọi điều trong cuộc sống hiện tại.
Ông ấy kể với tôi rằng mình gặp Steve Jobs vào năm 1971, chỉ cách chỗ chúng tôi đang ngồi có mấy mét. Jobs khi đó đang học trung học, còn Wozniak thì đã lên đại học. Một người bạn chung là Bill Fernandez đã giới thiệu hai người với nhau. Ngay khoảnh khắc gặp nhau, Wozniak và Jobs nhận ra cả hai vô cùng hợp ý và dành hàng giờ ngồi trên vỉa hè, cười nói và kể chuyện về những trò đùa ác của họ.
“Một trong những trò chơi khăm mà tôi thích nhất là vào năm đầu đại học,” Wozniak kể. “Tôi tự làm một cái máy nhiễu sóng tivi, loại mà cậu có thể giấu trong lòng bàn tay. Cậu có thể xoay nút và làm nhiễu sóng bất cứ chiếc tivi nào mà cậu muốn.”
Wozniak nói, một đêm nọ, ông cùng một người bạn đến phòng sinh hoạt chung của khu ký túc xá khác để bày trò nghịch ngợm. Có khoảng 20 sinh viên đang quây quần bên một chiếc tivi màu. Wozniak ngồi ở phía sau, giấu trong tay máy nhiễu sóng, và khiến tivi gặp chút trục trặc.
“Trong vài lần đầu tiên, tôi khiến bạn mình phải đứng dậy và đập vào tivi – bang – tivi lại chạy tốt! Rồi tôi lại làm nó nhiễu sóng. Một lúc sau, bạn tôi lại đập tivi ngày càng mạnh hơn, nhưng nếu cậu ấy vỗ đủ thì nó sẽ hoạt động trở lại. Mãi đến nửa tiếng sau, tôi khiến nhóm sinh viên liên tục đập chiếc tivi bằng nắm đấm, và nếu đó là một chương trình mà họ thực sự muốn xem, hẳn các cậu ấy đã dùng mấy cái ghế để đập nó.”
Wozniak tiếp tục đến thăm ký túc để xem trò chơi khăm có thể đi xa đến mức nào. Có một lần, ông thấy một vài sinh viên đang vây quanh chỗ tivi để cố gắng sửa nó, và một anh chàng thì đặt tay ở giữa màn hình, một chân giơ lên trời. Wozniak nhanh chóng tắt máy nhiễu sóng đi. Khi anh chàng bỏ tay khỏi màn hình hoặc bỏ chân xuống, Wozniak lại bật máy nhiễu sóng lên. Thế là anh chàng kia cứ đứng đó, một tay đặt ở giữa màn hình và một chân giơ lên trời, duy trì tư thế trong suốt nửa tiếng để mọi người xem tivi.
Đương lúc Wozniak kể cho tôi nghe về trò chơi khăm khác, một người phụ nữ với mái tóc nâu ngắn ngồi xuống bàn của chúng tôi. “Woz,” bà ấy nói, “anh đã cho cậu ấy xem bài kiểm tra bằng bút la-de chưa?”
Wozniak giới thiệu vợ mình, Janet. Ông ấy lấy bút la-de màu xanh lá cây khỏi túi áo và dí nó vào sát mặt tôi, nói với tôi rằng nó có thể phát hiện xem tôi có “những thứ gì trong não”. Khi ông ấy chiếu nó vào tai phải của tôi, bức tường đối diện chợt xuất hiện một điểm sáng xanh.
“Trời đất quỷ thần ơi!” ông ấy nói. “Đầu cậu hoàn toàn trống rỗng.”
Khi liếc nhìn xuống, tôi thấy ông ấy đang cầm một bút la-de thứ hai ở dưới bàn. Woz và tôi phá lên cười. Ông ấy cài lại chiếc bút la-de vào túi áo và kể cho vợ về sứ mệnh của tôi. Ông ấy chia sẻ với bà về tên những người mà tôi đang phỏng vấn.
“Cậu biết không,” ông ấy nghiêng người về phía tôi và hạ giọng nói, “tôi không biết tại sao cậu lại phỏng vấn tôi. Tôi không phải là một ông trùm thành công như Steve Jobs, hay đại loại thế…”
Mỗi từ trong câu cứ kéo dài như thể ông ấy đang nhử tôi trả lời. Tôi cảm giác như ông ấy đang thử mình, nhưng tôi không biết phải nói gì, vì vậy, tôi đã làm điều duy nhất mình nghĩ đến lúc đó – nhét một miếng nem rán giòn vào miệng.
“Khi còn bé,” Wozniak nói, “tôi đặt ra hai mục tiêu cho cuộc đời mình. Thứ nhất là tạo ra một thành tựu kỹ thuật nào đó có thể làm thay đổi thế giới. Thứ hai là sống theo ý mình.”
“Hầu hết mọi người đều làm những việc mà xã hội bảo họ nên làm. Nhưng nếu cậu dừng lại và tính toán một chút – nếu cậu thực sự nghĩ cho bản thân mình – cậu sẽ nhận ra luôn có cách nào đó khiến mọi thứ tốt hơn.”
“Có phải đó là lý do giúp ngài hạnh phúc không ạ?” tôi hỏi.
“Chính xác,” Wozniak nói. “Tôi hạnh phúc vì mỗi ngày tôi đều làm điều mình muốn.”
“Ồ,” vợ ông ấy cười phá lên, “anh ấy thực sự làm chính xác điều mình muốn.”
Tò mò về sự khác nhau giữa Wozniak và Steve Jobs, tôi đã hỏi về khoảng thời gian đầu thành lập Apple khi chỉ có hai người bọn họ. Wozniak chia sẻ rất nhiều câu chuyện, nhưng đáng nói nhất là những câu chuyện nêu bật sự khác biệt về các giá trị mà họ đeo đuổi.
Có một câu chuyện diễn ra trước khi Apple được thành lập. Jobs hồi đó đang làm việc cho Atari và được giao nhiệm vụ tạo ra một trò chơi video. Ông ấy biết Wozniak là kỹ sư giỏi, vì vậy hai người đã có một thỏa thuận: Nếu Wozniak tạo ra trò chơi, họ sẽ chia đôi khoản tiền thưởng 700 đô-la. Wozniak rất biết ơn vì có được cơ hội đó và bắt tay vào thiết kế trò chơi. Ngay sau khi nhận lương, Jobs đưa cho bạn mình khoản tiền 350 đô-la như đã hứa. Mười năm sau, Wozniak phát hiện ra Jobs hồi đó không chỉ được trả 700 đô-la, mà là hàng nghìn đô-la. Khi câu chuyện ấy bị lan truyền trên các trang tin tức, Steve Jobs đã phủ nhận, nhưng ngay cả CEO của Atari cũng thừa nhận đó là sự thật.
Một câu chuyện khác xảy ra vào thời kỳ đầu phát triển của Apple. Ở thời điểm đó, việc Jobs trở thành CEO của công ty là điều hiển nhiên, nhưng Wozniak vẫn chưa được xác định ông ấy phù hợp với vị trí nào trong nhóm lãnh đạo cấp cao của công ty. Jobs đã hỏi ông ấy muốn vị trí nào. Wozniak biết rằng quản lý nhân sự và đối phó với các chiêu trò chính trị trong tập đoàn là việc mà ông ấy không muốn làm nhất. Vì vậy, ông đã nói với Jobs rằng ông muốn vị trí kỹ sư.
“Xã hội nói với cậu rằng, thành công là việc đạt được vị trí quyền lực nhất có thể,” Wozniak nói. “Nhưng tôi thường tự hỏi: Đó có phải là điều sẽ khiến tôi hạnh phúc nhất không?”
Câu chuyện cuối cùng mà Wozniak chia sẻ là vào khoảng thời gian Apple nộp hồ sơ cho lần phát hành cổ phiếu ra công chúng đầu tiên. Jobs và Wozniak chuẩn bị có được số tiền nhiều hơn tất cả những gì họ có thể tưởng tượng. Trước khi buổi gọi vốn diễn ra, Wozniak phát hiện Jobs đã từ chối quyền mua cổ phiếu của những nhân viên đầu tiên tại Apple. Đối với Wozniak, những người này chính là gia đình. Họ đã giúp đỡ xây dựng công ty. Jobs từ chối nhượng bộ. Vì vậy, Wozniak lấy phần của mình tặng cho những nhân viên đầu tiên, để tất cả họ đều được chia sẻ phần thưởng tài chính mà họ góp công tạo nên. Vào ngày công ty phát hành cổ phiếu, những nhân viên đầu tiên này đều trở thành tỷ phú.
Khi tôi nhìn Wozniak ngả người ra ghế, bẻ chiếc bánh may mắn ra và cười đùa vui vẻ với vợ, những lời Ryan nói với tôi trước cuộc phỏng vấn đột nhiên văng vẳng bên tai.
Nhưng điều duy nhất xuất hiện trong đầu tôi là: Ai nói rằng Steve Jobs thành công hơn chứ?