Kẻ Khôn Đi Lối Khác - Chương 30

Chương ba mươi

Cuộc chạm trán

HAI TUẦN SAU, SAN FRANCISCO

“Đây là ngài H. Ngài ấy đi khắp nơi cùng tôi.”

Ngay khi vừa bước vào phòng khách sạn của Jane Goodall, bà ấy đã giới thiệu con khỉ bông của mình với tôi.

Goodall ra hiệu cho tôi đi theo bà ấy ra phòng khách, sau đó nhờ tôi cầm hộ con thú bông của mình trong khi bà ấy pha trà. Ngồi cạnh bà ấy, nhà nhân loại học 79 tuổi, cũng không thể khiến tôi thoải mái hơn. Lời chào hỏi này không báo trước trạng thái cảm xúc của tôi sau khi kết thúc cuộc phỏng vấn này – lo lắng, mất phương hướng và hoàn toàn mâu thuẫn. Goodall buộc tôi phải nhìn lại bản thân mình dưới góc nhìn mới, và thẳng thắn mà nói, tôi không hề thích điều mà mình nhìn thấy.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi bắt đầu từ những câu chuyện rất đơn giản, Goodall kể cho tôi nghe về một chú tinh tinh đồ chơi mà bố tặng bà hồi hai tuổi. Món quà vô cùng ý nghĩa, bởi vì khi London bị đánh bom trong Thế chiến II, có những lúc gia đình Goodall thậm chí còn không có tiền để mua một cái kem ốc quế. Goodall mang theo con tinh tinh đồ chơi đó đi khắp mọi nơi và sự ám ảnh của bà với động vật cũng lớn dần theo năm tháng. Người bạn tốt nhất của bà chính là chú chó Rusty; cuốn sách yêu thích của bà là Tarzan of the Apes (tạm dịch: Tarzan cùng những con vượn người) và The Story of Doctor Dolittle (tạm dịch: Câu chuyện của bác sĩ Dolittle); bà mơ tưởng về việc sống chung với những động vật linh trưởng và có khả năng nói chuyện với chúng. Khi lớn hơn, bà quyết tâm theo đuổi mơ ước lớn nhất của mình: nghiên cứu về tinh tinh ở những khu rừng nhiệt đới tại châu Phi.

Goodall không có tiền học đại học, nhưng điều đó không làm bà nhụt chí. Bà tiếp tục nghiên cứu về tinh tinh trong khi làm thư ký và phục vụ bàn, hai trong số ít công việc mà phụ nữ ở Anh có thể làm trong những năm 1950. Năm 23 tuổi, bà cuối cùng cũng tiết kiệm đủ tiền cho một vé tàu thủy đi châu Phi. Sau khi cập bến ở Kenya, Goodall tham gia một bữa tiệc tối, nơi bà kể lại nỗi ám ảnh với động vật của mình cho một vị khách khác, và người này đã gợi ý bà liên hệ với Louis Leakey.

Leakey là một trong những nhà cổ nhân học lỗi lạc nhất thế giới. Ông sinh ra ở Kenya nhưng gốc là người Anh, lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Cambridge, và trọng tâm nghiên cứu tập trung vào quá trình con người tiến hóa từ vượn người. Một người thầy không thể tuyệt vời hơn cho Goodall, duy chỉ có một điều.

Trong khi vợ đang mang thai, Leakey đã tằng tịu với người phụ nữ 21 tuổi, lúc ấy đang làm người minh họa sách cho ông. Cả hai cùng nhau đi du lịch châu Phi và châu Âu, rồi từ đó bắt đầu sống chung. Vợ của Leakey nộp đơn ly dị, ông cưới người minh họa sách và chuyển đến sống cùng cô ta ở Kenya. Rồi Leakey lại ngoại tình lần nữa – lần này với trợ lý của mình. Vợ hai của Leakey phát hiện, ông quyết định chấm dứt mối quan hệ trong bóng tối, và người trợ lý ấy chuyển đến sống ở Uganda. Văn phòng của Leakey đang gấp rút chuẩn bị cho buổi lễ khánh thành, và cũng chính khoảng thời gian đó, ông nhận được cuộc điện thoại từ Jane Goodall.

Hai con người: một người phụ nữ 23 tuổi mang trong mình ước mơ bỏng cháy và một người đàn ông 54 tuổi nắm giữ chiếc chìa khóa của ước mơ đó. Và giờ đây, số phận đã định họ phải chạm trán.

Goodall đến văn phòng của Leakey, nằm trong một bảo tàng ở Nairobi. Họ xem một lượt các hiện vật trưng bày và trò chuyện về thế giới hoang dã châu Phi. Leakey rất ấn tượng và, dĩ nhiên, đã đồng ý nhận bà làm trợ lý của mình. Goodall bắt đầu thân thiết hơn với Leakey. Ông ấy đã dạy dỗ bà. Hai người đồng hành cùng nhau trong các cuộc thám hiểm tìm kiếm hóa thạch. Sau đó, ngay khi Goodall cảm thấy ước mơ được nghiên cứu về những con tinh tinh của mình bắt đầu thành hiện thực, Leakey bắt đầu có hành vi gạ tình bà.

Vì một lý do nào đó, tôi chợt tưởng tượng các chị em gái của mình trong tình huống này. Talia mới 18 tuổi. Briana thì 24 tuổi. Nghĩ đến việc bất cứ ai trong số họ làm việc hàng năm trời để đạt được mục tiêu lớn nhất của mình, quyết tâm đi đến một châu lục khác để đạt được nó, và ngay trước khi họ biến nó thành hiện thực, người thầy nắm giữ chìa khóa lại đưa ra lời ám chỉ rằng: Chỉ cần cô quan hệ với tôi, tôi sẽ cho cô chiếc chìa khóa ấy. Tôi cảm thấy kinh tởm hơn bao giờ hết.

Mặc dù rất kinh hãi và lo sợ trước ý nghĩ sẽ mất đi ước mơ của mình, Goodall nói với tôi rằng bà vẫn từ chối những lời gạ tình của ông ta.

“Cháu có hai người chị em gái,” tôi nói với Goodall, chuyển mình trên ghế. “Khi Leakey gạ gẫm bà, bà đã phản ứng thế nào?”

Tôi đã chuẩn bị bản thân trước một cơn bùng nổ. Nhưng Goodall chỉ trả lời nhẹ nhàng: “Tôi chỉ hy vọng rằng ông ấy sẽ tôn trọng những gì tôi nói. Và ông ấy đã như vậy.” Rồi bà ấy ngả người, như thể đang nói “Hết chuyện”.

Cơn bùng nổ mà tôi mong muốn thậm chí còn chẳng có lấy một tia sáng lóe lên.

“Cảm giác của bà,” tôi hỏi, “vào đúng lúc đó như thế nào ạ?”

“Ồ, tôi đã rất lo lắng,” Goodall nói, “bởi vì tôi nghĩ rằng nếu từ chối lời gạ tình, có lẽ tôi sẽ đánh mất cơ hội của mình. Ông ấy chưa từng công khai đề nghị điều gì; chỉ là cách xử sự của ông ấy hàm ẩn điều gì đó, cậu biết không? Nhưng dĩ nhiên, dù sao thì tôi cũng từ chối nó. Và ông ấy tôn trọng nó vì ông ấy là một người đàng hoàng. Ông ấy không phải là một con quái thú.”

“Chỉ là ông ấy bị thu hút bởi sự quyến rũ của tôi,” bà ấy nói thêm. “Ông ấy thật ra không phải người duy nhất. Vì vậy, tôi cũng quen với việc đó.”

Một phần trong tôi cảm giác như Goodall đang biện minh thay cho Leakey. Trong mắt tôi, ông ta là người thầy của bà và đáng lý ra nên bảo hộ bà. Tôi cảm thấy việc ông ta làm rất bất công. Nhưng câu trả lời của Goodall nghe có vẻ như bà ấy chỉ nhún vai và nói: “Này, đó là cách thế giới vận hành.”

Goodall giải thích không những Leakey tôn trọng quyết định của bà, mà còn tài trợ bà thực hiện nghiên cứu về những con tinh tinh. Sau đó, bà đã dành ba tháng sống trong rừng với lũ tinh tinh hoang, núp mình sau những bụi cây và quan sát cách chúng sử dụng các công cụ như con người. Trước nghiên cứu của Goodall, loài người được định nghĩa là loài duy nhất biết sử dụng công cụ, vì thế những phát hiện của Goodall đã làm rung chuyển toàn bộ cộng đồng khoa học và tái định nghĩa mãi mãi mối quan hệ giữa người và vượn. Kể từ đó, Goodall đã tiếp tục nghiên cứu của mình, xuất bản 33 cuốn sách, nhận được hơn 50 huân chương danh dự, trở thành Hiệp sĩ Hoàng gia Anh và Sứ giả hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Goodall và tôi chuyển sang chủ đề khác. Tuy nhiên, dù có cố gắng tập trung thế nào, tôi vẫn không thể ngừng suy nghĩ về câu chuyện Louis Leakey. Tôi thất vọng với chính mình. Goodall đã nói đó không phải chuyện gì to tát. Nếu nó không khiến bà ấy phiền não, hà cớ gì nó lại gây phiền não cho tôi?

Goodall và tôi kết thúc cuộc phỏng vấn và nói lời tạm biệt. Tôi leo lên một chiếc taxi và đi ra sân bay. Dựa đầu vào cửa sổ xe, tôi không thể ngừng băn khoăn khi nghĩ đến cảm nhận của hai người chị em gái của tôi nếu họ ở trong tình thế mà Leakey đã đặt ra với Goodall.

Rồi sau đó, một ý nghĩ bất ngờ lóe lên trong đầu tôi… Đây là lần đầu tiên tôi rời một cuộc phỏng vấn và muốn chia sẻ chuyện vừa xảy ra với các chị em gái của mình. Thông thường, tôi sẽ gọi cho bạn bè hay người thầy dẫn dắt mình, và tôi chợt nhận ra, họ đều là… đàn ông.

Đầu tôi mường tượng lại tất cả những cuộc phỏng vấn mà mình đã thực hiện đến thời điểm này – Tim Ferriss, Qi Lu, Sugar Ray Leonard, Dean Kamen, Larry King, Bill Gates, Steve Wozniak, Pitbull – như thể lần đầu tiên tôi nhìn vào hình ảnh phản chiếu của mình, tôi nhận ra một điều rõ ràng đến chấn động, và thật xấu hổ, chính là: đàn ông, đàn ông, đàn ông, đàn ông, đàn ông, đàn ông, đàn ông và đàn ông.

Tại sao tôi lại không nhận ra điều này từ trước?

Khi lên danh sách, tôi và những người bạn nam của mình mơ mộng về những người mà chúng tôi muốn học hỏi. Khi lên kế hoạch cho những câu hỏi trước một cuộc phỏng vấn, cũng chỉ có tôi và những người bạn nam của mình nghĩ về điều chúng tôi muốn thu lượm. Trong đầu tôi chưa từng thoáng qua suy nghĩ ai là người mà các chị em gái hay bạn nữ của mình muốn học tập. Tôi mắc kẹt trong quả bóng của chính mình đến nỗi hoàn toàn không nhìn thấy thứ gì ngoài thực tại một chiều chiếu theo quan điểm của mình. Và chỉ vì tôi không biết mình có thiên kiến sai lệch không có nghĩa là tôi không có lỗi. Tôi là ví dụ hoàn hảo về một anh chàng tự coi mình quan tâm đến việc đối xử công bằng, nhưng lại chưa từng tự nhìn vào mình và hỏi liệu tôi đã làm tới nơi tới chốn chưa.

Nó khiến tôi băn khoăn tự hỏi có bao nhiêu người đàn ông giống tôi ngoài kia. Giống như khi tôi ngồi với đám bạn nam của mình và nghĩ về những người sẽ cho vào danh sách, hẳn những lãnh đạo nam cấp cao cũng ngồi trong phòng họp với những người đồng nghiệp nam của mình suy nghĩ về việc sẽ tuyển dụng hay thăng chức ai. Cũng giống như tôi cùng bạn bè mình, những lãnh đạo cấp cao này có lẽ cũng không hề biết bản năng của họ là ưu tiên cân nhắc những người trông giống họ về mặt sinh lý. Chính những thành kiến mà chúng ta không biết rằng mình có là những thành kiến đáng sợ nhất.

Chiếc taxi tấp vào lề đường, tôi đeo chiếc túi du lịch lên vai, nhưng cảm thấy nó thực sự nặng nề. Tôi lê bước về phía cửa ra máy bay. Sương mù San Francisco phủ xuống khiến quang cảnh ngoài cửa sổ trở nên u tối. Tôi đi ra cửa tàu bay và vẫn không ngừng băn khoăn: Tại sao tôi có thể không nhìn thấy điều hiển nhiên đến vậy? Tại sao tôi thậm chí còn không biết mình chính là một phần gây nên vấn đề?

Tôi không biết câu trả lời, nhưng tôi biết mình phải làm việc gì trước tiên.

Tôi đi thẳng đến gặp các chị em gái của mình.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3