Kẻ Khôn Đi Lối Khác - Chương 31
Chương ba mươi mốt
Biến bóng tối thành ánh sáng
Tôi vội vã về nhà với đầy rẫy câu hỏi không có lời giải. Nhưng khi ngồi xuống với các chị em gái của mình trong phòng khách, tôi phát hiện ra thậm chí tôi còn không hiểu là mình đang không hiểu điều gì.
“Em vừa mới có cơ hội phỏng vấn với một trong những người phụ nữ thành công nhất thế giới, và tất cả những gì em có thể kể là việc bà ấy từng bị chính thầy giáo của mình gạ tình ư?”
Đó là Briana. Chị ấy lớn hơn tôi ba tuổi, đang học năm thứ ba đại học luật, và là một người luôn chiến đấu cho điều mình tin tưởng.
“Thậm chí trong cuộc phỏng vấn,” Briana tiếp tục, “em còn hỏi Goodall về chuyện đó một lần nữa, bà ấy đã nói với em rằng nó không có gì to tát. Câu trả lời của bà ấy với lời gạ tình của Leakey thực tế là tất cả những gì chị hy vọng mình sẽ làm được nếu chuyện đó xảy ra với chị.”
Chị ấy đứng dậy khỏi ghế. “Chị biết tại sao em lại thất vọng đến vậy. Bởi vì em coi lời gạ tình giống như hành động của sự không tôn trọng. Đôi khi nó là vậy, nhưng không phải lúc nào cũng thế. Em và bố lúc nào cũng vậy. Bố thậm chí còn từng tuyên bố rằng nếu một người đàn ông có chút xíu quan tâm đến chị hay Talia, đó là hành động khiêu khích – đấy chính là lý do tại sao em lại kích động đến thế.”
“Và chị ngạc nhiên là phải mất nhiều thời gian như vậy, em mới nhận ra rằng phụ nữ luôn luôn phải đối mặt với những điều này. Em sống cùng những người phụ nữ cả đời. Em lớn lên cùng hai chị em gái, một người mẹ và chín người chị họ – những người bạn thân thiết. Thậm chí chị còn nhớ là em từng đọc cuốn I Know Why the Caged Bird Sings (tạm dịch: Tôi biết tại sao những chú chim trong lồng hót) hồi trung học. Nếu có ai đó nên nhận ra điều này sớm hơn thì đó lẽ ra phải là em.”
Tôi cúi đầu nhìn xuống chân. Khi tôi quay sang em gái mình, Talia, nó yên lặng lắng nghe tất cả. Tôi biết con bé sẽ lên tiếng sớm thôi.
“Không phải chị đang đay nghiến em,” Brianna tiếp tục, “chị chỉ cố gắng bày tỏ ý kiến thôi. Nếu thậm chí đến em còn không hiểu những vấn đề mà phụ nữ phải đối mặt, trong khi em lớn lên bên cạnh bao nhiêu người phụ nữ, hãy thử tưởng tượng xem, những người đàn ông không lớn lên cùng phụ nữ sẽ thế nào?”
Sự im lặng bao trùm khắp phòng khách, sau đó Talia lôi điện thoại ra. Con bé mở một bức tranh biếm họa trên Facebook và giơ màn hình ra trước mặt tôi.
Khi tôi nhìn vào bức tranh, Talia nói: “Em đoán là anh đang tập trung nhầm chỗ. Không phải vì tất cả những trở ngại mà phụ nữ phải đối mặt khiến em cảm thấy khó chịu – đó chỉ là tác nhân cuối cùng. Điều khó chịu nằm ở việc hầu hết đàn ông không nhìn nhận được vấn đề của phụ nữ… bởi vì họ chưa từng cố gắng để hiểu.”
Rất khó để biết tại sao tôi không có trải nghiệm giống Briana về hồi ký của Maya Angelou. Khi đọc I Know Why the Caged Bird Sings hồi học trung học, tôi bị choáng ngợp với trải nghiệm người Mỹ gốc Phi đến mức tất cả những gì tôi quan tâm chỉ xoay quanh nó. Maya Angelou sinh ra trong một thời kỳ mà những người đàn ông da đen đu mình trên cây, hay nhìn ra cửa sổ và thấy những thành viên băng đảng 3K24 trùm kín mặt đang châm lửa đốt cây thánh giá. Khi Maya Angelou lên ba, bà ấy cùng người anh trai năm tuổi của mình ở trên một khoang tàu chỉ có hai người đi về phía nam, trên người không có gì ngoài một thẻ ghi tên buộc ở chân. Angelou và anh trai được bà mình đón và đưa về nhà bà ở Stamps, Arkansas, một thị trấn bị chia cắt thành hai khu vực rõ ràng: người da đen và người da trắng.
Chỉ đến bây giờ, khi đọc lại hồi ức của Maya Angelou, tôi mới cố gắng nhìn qua lăng kính giới tính của bà. Một buổi chiều năm tám tuổi, Angelou đang trên đường đến thư viện thì bị một người đàn ông tóm lấy, kéo giật người về phía hắn, tụt quần bà xuống và cưỡng hiếp bà. Sau đó, tên này đe dọa sẽ giết bà nếu bà kể cho người khác nghe chuyện vừa xảy ra. Angelou cuối cùng vẫn trình báo về kẻ đã cưỡng hiếp bà, hắn ta sau đó bị bắt. Đêm sau ngày xử án, người ta phát hiện hắn tử vong, bị đá cho đến chết đằng sau một lò mổ gia súc. Bàng hoàng và chấn động, Angelou nghĩ rằng lời tố cáo của bà đã dẫn đến cái chết của hắn ta. Trong suốt năm năm tiếp theo, Angelou không nói bất kỳ điều gì.
Năm tháng trôi đi, bà thậm chí phải đối diện với nhiều trở ngại hơn nữa. Bà mang bầu năm 16 tuổi, làm gái gọi và tú bà, từng là nạn nhân của bạo hành gia đình. Có lần, một người bạn trai chở bà đến một địa điểm lãng mạn gần bờ vịnh, đánh đập bà đến mức bà mất ý thức và giam giữ bà suốt ba ngày. Tuy nhiên, những sự kiện này không định hình được con người bà. Thứ khẳng định Maya Angelou là cách bà biến bóng tối thành ánh sáng.
Bà đã đưa những trải nghiệm trong quá khứ của mình vào tác phẩm nghệ thuật, từ đó tạo nên những làn sóng biến chuyển lớn trong văn hóa Mỹ. Bà trở thành ca sĩ, vũ công, nhà văn, nhà thơ, giáo sư, đạo diễn điện ảnh và nhà hoạt động xã hội về tự do nhân quyền, bên cạnh Martin Luther King Jr. và Malcolm X. Bà đã viết hơn 20 cuốn sách, và I Know Why the Caged Bird Sings như cuộc trò chuyện trực tiếp với tâm hồn của độc giả, đau đớn đến mức chính Oprah Winfrey cũng phải thốt lên: “Gặp gỡ Maya trong từng trang sách giống như nhìn thấy chính bản thân mình trong một cái tôi hoàn chỉnh. Lần đầu tiên, với tư cách là một phụ nữ da màu, trải nghiệm của tôi đã được công khai.” Angelou giành được hai giải Grammy và trở thành nhà thơ thứ hai trong lịch sử Mỹ, chỉ sau Robert Frost, có vinh dự đọc thơ trong buổi lễ nhậm chức của Tổng thống.
Và bây giờ, tôi đang chuẩn bị nhấc điện thoại và gọi cho bà. Một người bạn đã giúp tôi sắp xếp cuộc phỏng vấn. Angleou khi đó đã gần 85 tuổi và vừa mới ra viện, vì vậy cuộc phỏng vấn chỉ diễn ra vỏn vẹn trong 15 phút. Mục tiêu của tôi rất đơn giản: Không chỉ tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi mà các chị em gái của tôi trăn trở, mà còn để lắng nghe, và hy vọng là, để thấu hiểu.
Các chị em gái của tôi đã giản lược những câu hỏi của họ thành bốn trở ngại chính. Thứ nhất, làm cách nào để đối phó với bóng tối. Theo cách diễn đạt của Maya Angelou là tạo nên “cầu vồng trong mây”. Hay nói cách khác, vào thời điểm tất cả mọi thứ trong cuộc đời đều tối tăm và mù mịt, bạn dường như không tìm thấy tia sáng của hy vọng, cảm giác tuyệt vời nhất xuất hiện khi bạn nhìn thấy cầu vồng trong màn mây mù. Vì vậy, tôi đã hỏi Angelou: “Khi một ai đó còn trẻ và chỉ vừa mới bắt đầu hành trình của mình, người đó cần được giúp đỡ để tìm thấy cầu vồng, để lấy dũng khí bước tiếp, bà có lời khuyên gì cho họ?”
“Hãy nhìn lại,” Angelou nói, dịu dàng và lắng đọng như một người từng trải. “Bà nhìn lại những người trong gia đình, những người quen biết, hay đơn giản chỉ là những người mà bà từng gặp họ qua trang sách. Bà cũng có thể nhìn lại một nhân vật hư cấu, ví dụ như trong A Tale of Two Cities (Hai kinh thành) chẳng hạn. Bà cũng có thể nhìn vào một nhà thơ đã qua đời từ lâu. Hoặc một chính trị gia, hay cũng có thể là một vận động viên. Bà nhìn quanh và nhận ra rằng họ đều là những con người – họ có thể là người châu Phi, là người Pháp, là người Trung Quốc, họ có thể theo Do Thái giáo hay Hồi giáo – bà nhìn vào họ và nghĩ: ‘Mình là một con người. Cô ấy cũng là một con người. Cô ấy đã vượt qua tất cả những việc đó. Và cô ấy vẫn đang cố gắng. Thật kỳ diệu làm sao!’”
“Hãy học hỏi từ những người đi trước càng nhiều càng tốt,” bà nói thêm. “Họ chính là chiếc cầu vồng trong mây của cháu. Dù họ biết tên cháu hay không, hay thậm chí chưa bao giờ gặp cháu, nhưng dù họ đã làm gì, đó đều là vì cháu.”
Tôi lại hỏi bà rằng một người nên làm gì khi họ không ngừng tìm kiếm cầu vồng, nhưng tất cả những gì họ thấy chỉ là mây mù.
“Điều bà biết,” bà nói, “chính là: Mọi thứ rồi sẽ tốt đẹp hơn. Dù nó đang tồi tệ, hay thậm chí có thể tệ hơn, nhưng bà biết, trong tương lai, nó sẽ tốt đẹp hơn. Và cháu phải biết điều đó. Có một ca khúc nhạc đồng quê mà bà ước mình là người viết nó, lời ca khúc như sau: ‘Mọi cơn bão rồi cũng sẽ cạn mưa.’ Bà sẽ ghi lại lời hát đó nếu bà là cháu. Hãy ghi vào sổ tay. Dù cho cuộc sống hiện tại có vẻ u ám và mịt mờ đến thế nào, rồi nó cũng sẽ thay đổi. Nó sẽ tốt lên. Nhưng với điều kiện cháu phải tiếp tục cố gắng.”
Angelou từng viết: “Không có gì làm tôi sợ như viết, nhưng cũng không có gì làm tôi thỏa mãn như viết.” Khi tôi chia sẻ câu nói ấy với các chị em gái của mình, họ nói họ rất đồng cảm với điều đó. Về cơ bản, nó đúng với bất cứ loại hình công việc nào mà bạn yêu thích. Đam mê dành cho chuyên ngành luật giáo dục của Briana đã biến thành ước mơ, nhưng giờ ước mơ đó lại trở thành thực tại lạnh lẽo khi nộp đơn xin việc vào các công ty luật và băn khoăn không biết liệu mình có đủ năng lực không. Tôi đề cập với Angelou câu nói đó và hỏi cách bà đối phó với nỗi sợ hãi.
“Nhờ rất nhiều lời cầu nguyện và sự run rẩy,” bà phá lên cười. “Bà phải nhắc nhở bản thân rằng việc mình đang làm không hề dễ dàng. Và bà nghĩ bất kỳ người nào bắt đầu thực hiện điều mà mình muốn, và cảm thấy thôi thúc phải làm việc đó – coi nó không chỉ như sự nghiệp, mà thực sự là một sứ mệnh – sẽ thấu hiểu điều này.”
“Một đầu bếp, khi chuẩn bị đi vào bếp, họ nhắc nhở bản thân rằng tất cả mọi người trên thế giới đều ăn khi có thể. Tuy vậy, việc chuẩn bị đồ ăn không đơn giản chỉ là sử dụng một nguyên liệu độc đáo lạ miệng. Muốn chuẩn bị thật tốt – mọi người thường thêm một chút muối, một chút đường, một chút thịt, nếu họ có thể, hoặc nếu họ muốn, thêm một chút rau dưa – người đầu bếp phải chế biến chúng theo cách mà chưa ai từng làm. Và điều đó cũng không khác gì việc viết.”
“Cháu nhận ra rằng, tất cả mọi người trên thế giới khi nói chuyện đều dùng từ ngữ. Và thế là cháu phải lựa một vài động từ, một vài trạng từ, một vài tính từ, danh từ, hay đại từ rồi ghép chúng với nhau, tạo nên một câu văn có vần điệu. Đó chẳng phải chuyện dễ dàng. Vì vậy, cháu hãy tự tuyên dương bản thân vì cháu có dũng khí để thử. Cháu hiểu không?”
Trở ngại thứ ba là đối phó với sự chỉ trích. Trong tiểu sử của mình, Angleou từng viết về việc gia nhập một hội nhà văn. Bà đã đọc to một tác phẩm mà mình vừa viết và họ xé tan nó.
“Bà biết rằng tình huống đó buộc bà phải chấp nhận một điều, nếu bà muốn viết,” tôi nói, “thì bà phải có được mức độ tập trung mà hầu như chỉ thấy ở những người chờ bị xử tử.”
“Trong vòng năm phút nữa!” Angelou nói, và lại phá lên cười. “Đúng vậy.”
“Bà có lời khuyên nào cho người trẻ tuổi đang phải đối diện với sự chỉ trích và cần xây dựng mức độ tập trung đó?”
“Hãy ghi nhớ điều này,” bà nói. “Bà mong cháu hãy ghi lại. Nathaniel Hawthorne đã nói: Viết thứ dễ đọc quả là quá khó. Và lật ngược lại, câu nói đó có lẽ cũng đúng, nghĩa là, đọc thứ dễ viết thật quá khó. Hãy viết, hãy làm bất cứ công việc gì, với sự ngưỡng mộ dành cho bản thân và cho cả những người đã từng làm việc đó trước mình. Hãy trở thành chuyên gia trong nghề hết mức có thể.”
“Lúc này, điều bà làm và khuyến khích các nhà văn trẻ nên làm, là hãy ở một mình trong phòng, đóng cửa lại và đọc thứ mình đã viết. Đọc to nó lên, để cháu có thể nghe thấy giai điệu của ngôn ngữ. Hãy lắng nghe nhịp điệu ấy. Lắng nghe nó. Rồi cháu sẽ nghĩ: ‘Ừm, không đến nỗi tệ! Cũng được đấy.’ Hãy làm vậy, để cháu có thể ngưỡng mộ bản thân vì đã thử. Hãy tự khen ngợi bản thân vì đã làm một việc khó khăn nhưng lại rất đỗi ‘ngon lành’.”
Trở ngại thứ tư là vấn đề Briana đang đối mặt. Phần mô tả công việc mà chị ấy tìm thấy đều ghi: “Yêu cầu kinh nghiệm”. Nhưng làm sao mà chị ấy có thể có kinh nghiệm nếu tất cả mọi công việc đều đòi hỏi kinh nghiệm? Trong tiểu sử, Angelou cũng từng phải đối mặt với một vấn đề tương tự.
“Cháu từng đọc, khi ứng tuyển làm phó biên tập của tờ Arab Observer,” tôi nói, “bà đã thổi phồng những kỹ năng cùng kinh nghiệm của bản thân và khi được tuyển, bà thực sự chật vật để vượt qua giai đoạn ấy. Trải nghiệm đó như thế nào?”
“Nó rất khó khăn,” Angelou nói, “nhưng bà biết mình có thể làm được. Đó là việc cháu phải làm. Cháu phải biết rằng bản thân mình có một số năng khiếu bẩm sinh nào đó, và cháu có thể học những kỹ năng khác, vì vậy cháu quyết tâm thử một vài điều. Cháu có thể thử sức với một công việc tốt hơn. Cháu có thể thử sức với một vị trí cao hơn. Và nếu cháu đủ đĩnh đạc, sự đĩnh đạc của cháu cũng khiến cho những người xung quanh cảm thấy an tâm. ‘Ồ, cô ấy đến rồi, cô ấy luôn biết mình đang làm gì!’ Nhưng, sự thật thì cháu phải ở lại thư viện đến tận khuya, nhồi nhét hàng đống kiến thức và lên kế hoạch thực hiện trong khi những người khác chỉ phải làm việc của họ.”
“Bà không nghĩ rằng chúng ta được sinh ra với tài năng nghệ thuật,” bà nói thêm. “Cháu biết đấy, nếu cháu có một con mắt, cháu có thể nhìn thấy hình dáng, bản chất, màu sắc, tất cả những thứ đó; nếu cháu có một cái tai, cháu có thể nghe được những nốt nhạc và dòng giai điệu; nhưng thực tế, hầu hết mọi thứ đều có thể học được. Vì vậy, nếu cháu có một bộ não bình thường, hoặc hơi bất thường một chút, cháu có thể học được mọi thứ. Hãy tin tưởng bản thân.”
Tôi chỉ còn lại một phút. Tôi hỏi liệu bà có lời khuyên nào dành cho những người trẻ khi bắt đầu sự nghiệp không.
“Hãy cố gắng suy nghĩ đột phá,” bà nói. “Thử nghiên cứu Đạo Giáo của người Trung Quốc, nó phù hợp với người Trung Quốc và biết đâu nó cũng sẽ phù hợp với các cháu. Hãy tìm kiếm tất cả những tri thức mà mình có thể. Hãy tìm Khổng Tử; tìm Aristotle; nghiên cứu về Martin Luther King; đọc về Cesar Chávez; hãy cứ đọc đi. Hãy đọc và nghĩ, ‘Ồ, họ cũng là những con người giống như tôi. À, điều này không hoàn toàn phù hợp với tôi, nhưng tôi nghĩ mình có thể áp dụng phần nào đó.’ Cháu hiểu không?”
“Đừng bó hẹp cuộc sống của mình. Bà đã 85 tuổi nhưng bà cũng mới chỉ bắt đầu! Cuộc sống rất ngắn ngủi, dù nó có dài bao lâu đi nữa. Các cháu không có nhiều thời gian. Hãy cứ mạnh dạn dấn thân.”
Thời gian trôi qua, tôi lại càng biết ơn cuộc nói chuyện này, bởi nếu tôi chần chừ lâu hơn, có lẽ nó đã không xảy ra. Gần một năm sau cuộc điện thoại này, Maya Angelou đã qua đời.