Kẻ Khôn Đi Lối Khác - Chương 32
Chương ba mươi hai
Ngồi bên thần chết
Nhiều tháng đã trôi qua kể từ cuộc nói chuyện với Maya Angelou, cảm xúc bình lặng mà bà đã trao cho tôi cũng dần vơi bớt. Tôi bất ngờ phải trải qua cung bậc đau buồn mà tôi không biết mình nên cảm thấy thế nào. Bố tôi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy.
Ông mới chỉ 59 tuổi. Tôi nhìn ông tiều tụy hơn từng ngày. Nhìn thấy mái đầu đầy tóc rụng bớt, thấy ông sụt gần 20kg, nghe tiếng ông khóc vào nửa đêm, cảm giác đau đớn ấy chẳng bao giờ có thể diễn tả bằng lời. Tôi cảm thấy bất lực và tuyệt vọng sâu sắc, như thể mình đang ở trên một chiếc bè, nhìn bố vùng vẫy giữa biển sâu, nhưng dù cho tôi có với tay xa đến mức nào cũng không thể chạm tới ông.
Nhưng cho dù bị nhấn chìm bởi hàng loạt suy nghĩ, đây không phải là nơi để tôi gặm nhấm nỗi đau. Lúc này, tôi đang ngồi tại đại sảnh của trụ sở Công ty Honest, vài phút nữa, tôi sẽ có cuộc phỏng vấn với Jessica Alba. Điều đó có nghĩa là trong một tiếng sắp tới, tôi cần phải bình tĩnh, tập trung vào sứ mệnh và ngừng suy nghĩ về cái chết.
Tôi được hộ tống đi dọc theo hành lang. Ánh mặt trời rực rỡ tràn ngập khắp không gian làm việc mở. Trên một bức tường gắn khoảng trăm con bướm bằng đồng. Trên một bức khác là hàng chục chiếc cốc gốm trắng ghép thành chữ “HONESTY” (chân thật). Mọi thứ về công ty đều có vẻ tích cực và tràn đầy hy vọng, tôi cũng mong muốn cuộc phỏng vấn sẽ diễn ra theo chiều hướng đó.
Trên đường rẽ vào văn phòng của Jessica Alba, tôi ngẫm lại những gì cô ấy đã đạt được. Cô là người đầu tiên trong lịch sử Hollywood vừa là một diễn viên hàng đầu vừa là người sáng lập của một công ty khởi nghiệp triệu đô. Công ty Honest đã đạt doanh thu 300 triệu đô-la kể từ khi thành lập, những bộ phim của cô ấy ước tính đạt mức doanh thu 1,9 tỷ đô-la trên toàn cầu. Cô ấy cũng là người đầu tiên trên thế giới từng lên trang bìa của tạp chí Forbes và Shape trong cùng một tháng. Alba không leo ngọn núi này rồi mới chuyển sang ngọn núi khác. Cô ấy leo cả hai ngọn núi cùng một lúc. Và tôi ở đây để tìm hiểu xem cô đã làm thế nào.
Tôi chào cô ấy rồi ngồi xuống chiếc trường kỷ hình chữ L trong văn phòng. Từ những gì đã nghiên cứu, tôi nhận ra rằng bất cứ khi nào nói về mẹ mình, Alba luôn nói những điều tích cực nhất. Vài tuần trước đó, trong lần ăn sáng cùng Larry King, Cal đã chỉ cho tôi một trong những câu hỏi yêu thích nhất của ông: “Bài học tuyệt vời nhất mà bố cô đã dạy cô là gì?” Tôi nghĩ rằng nếu kết hợp hai yếu tố này, chúng tôi sẽ ngay lập tức tạo nên một buổi phỏng vấn tích cực và sâu sắc.
Tôi hỏi Alba bài học tuyệt vời nhất mà cô đã học được từ mẹ mình. Cô ấy dành một phút để suy nghĩ, tay mân mê phần vải tua rua của chiếc quần bò rách. Tôi ngả người ra sau, cảm giác như mình vừa bắn trúng hồng tâm.
“Tôi đã học được,” Alba nói, “cách tận dụng thời gian. Cậu biết đấy, bà ngoại tôi qua đời khi mẹ tôi mới ngoài 20…”
Đừng nghĩ về điều đó. Đừng nghĩ về điều đó.
“Hồi còn là một con bé mới lớn xấu tính,” Alba tiếp tục, “mẹ tôi thường nói: ‘Con nên đối xử với mẹ tốt hơn, bởi vì mẹ sẽ chẳng ở bên con mãi mãi.’”
Cô ấy dừng lại, như thể đang chìm sâu vào suy nghĩ. “Bạn không bao giờ nghĩ là cuộc sống sẽ dừng lại,” cô ấy nói, “cho tới khi nó dừng lại.”
Tôi không thể chịu đựng được nữa. Tôi cần chuyển hướng cuộc nói chuyện.
Tôi đã xem những đoạn phim trên YouTube, trong đó mặt Alba bừng sáng khi kể lại câu chuyện về những ngày đầu sáng lập công ty. Nó xảy đến như thế này: Khi đang mang thai đứa con đầu lòng ở tuổi 26, sau bữa tiệc mừng em bé sắp chào đời, cô mang bộ quần áo một mảnh đặt vào máy giặt và thực sự choáng váng với những chất gây dị ứng trong loại bột giặt “an toàn cho trẻ em”. Điều đó đã truyền cảm hứng cho cô xây dựng một công ty cam kết sản xuất những sản phẩm an toàn và không chứa chất độc hại. Mắt của Alba luôn sáng bừng khi cô nói về việc giúp đỡ cộng đồng tạo ra cuộc sống hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn, điều đó khiến tôi nghĩ đây sẽ là một chủ đề hoàn hảo.
“Chị đã bắt đầu Công ty Honest như thế nào?” tôi hỏi.
“Khi tôi nghĩ về cái chết,” cô ấy nói, “cái chết của chính mình.”
“Ở tuổi 26?”
“Lúc bạn mang một sự sống mới đến với thế giới,” cô ấy nói, rướn người về phía trước, “đó cũng là thời điểm bạn buộc phải đối diện với một sự thật: Sự sống và cái chết rất gần nhau. Bạn nhận ra: Con người này từng không ở đây, và giờ thì họ đã ở đây. Và họ cũng có thể dễ dàng chết đi. Không chỉ đứa trẻ mới cần được tiếp cận những sản phẩm an toàn; mà tất cả mọi người đều cần. Và tôi cũng cần. Tôi không muốn chết sớm. Tôi không muốn mắc Alzheimer. Tôi rất sợ nó. Ông ngoại tôi mắc bệnh đó. Rồi sau đó mẹ tôi bị ung thư. Dì tôi bị ung thư. Bà tôi bị ung thư. Bà trẻ của tôi bị ung thư. Con trai của người họ hàng bị ung thư. Vì vậy… tôi không muốn chết.”
Tôi không biết nên nói điều gì. Nhưng như vậy cũng không hề gì, vì Alba vẫn cứ tiếp tục nói về cái chết và ung thư, cái chết và ung thư, cái chết và ung thư – cho đến khi tôi không thể chịu được nữa.
“Bố em vừa được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tụy,” tôi thốt lên.
Khi lần đầu tiên tôi nói ra những lời này, mắt tôi ngấn nước. Nhiều tuần đã trôi qua, tôi có thể nói với tâm trạng bình tĩnh, nhưng tôi không tin điều đó. Tôi dường như trở nên chai lì. Phản ứng của mọi người khi biết tin đều giống hệt nhau: hoặc vòng tay ôm tôi, nói rằng mọi thứ rồi sẽ ổn thôi; hoặc dịu dàng nói: “Tôi rất tiếc” – điều đó khiến tôi hoàn toàn bị động trước phản ứng của Alba. Cô ấy đập tay xuống trường kỷ và nói: “Ồ, chết tiệt! Khốn kiếp!”
Những lời nói của cô ấy giống như một xô nước đá hắt vào mặt tôi. Và kỳ lạ thay, nó đã nhấc gánh nặng ra khỏi vai tôi dù tôi không biết nó từng ở đó.
Kể từ thời khắc ấy, tôi không còn nghĩ đây là một cuộc phỏng vấn nữa.
Chúng tôi dành 30 phút tiếp theo để nói chuyện về ung thư. Cô ấy kể cho tôi về việc phải đối mặt với những lần hoảng hốt đưa mẹ vào phòng cấp cứu, hay khi bà nôn suốt ba ngày, rồi những lần phẫu thuật cắt bỏ từng phần của ống tiêu hóa. Alba nhắc bố mẹ ăn kiêng theo chế độ đặc biệt, loại bỏ những loại thuốc có hại, sắp xếp cho họ một chuyên gia dinh dưỡng, về sau, cả hai người đều giảm hơn 10kg. Tôi kể với cô ấy rằng mình cũng sắp xếp một chuyên gia dinh dưỡng chuyên giúp đỡ những bệnh nhân ung thư cho bố, nhưng bố tôi không nghe theo lời khuyên của cô ấy, thậm chí còn không muốn gặp cô ấy lần thứ hai.
“Điều đó thật điên rồ,” tôi nói.
“Nhưng tôi nói với bố mẹ mình,” Alba nói, “‘Bố mẹ nghĩ mà xem. Nếu bố mẹ muốn sống và nhìn thấy cháu mình tốt nghiệp cấp ba hay kết hôn, bố mẹ phải tìm ra cách nào đó. Như thế này không được. Bố mẹ phải làm mọi thứ cần thiết.’ Thế là họ chiều theo ý tôi.”
Không hiểu sao mà những lời nói của cô ấy khiến tôi bớt chút lẻ loi.
“Bị bệnh là điều thật kinh khủng,” cô ấy thở dài. “Và rồi, khi tôi nghe nói ngày càng nhiều phụ nữ bị bệnh lạc nội mạc tử cung, phải cắt bỏ tử cung hay bị ung thư hoóc-môn, ung thư vú, ung thư cổ tử cung…, tôi cứ càng bị lún sâu trong đó, cậu hiểu chứ? Tôi cứ nghĩ mãi: Chuyện quái quỷ gì đang xảy ra thế này? Bệnh tật là sự tổng hợp của nhiều yếu tố, và tôi cũng tự hỏi: ‘Mình có thể kiểm soát được gì?’ Và có vẻ như thứ tôi có thể kiểm soát được là những điều trong và xung quanh tôi.”
“Lần đầu tiên em mua hàng từ trang web của chị,” tôi nói, “là sau khi bố em nhận được chẩn đoán. Em biết điều này nghe có vẻ kỳ cục, nhưng căn bệnh ung thư khiến những lần đi ngoài của ông ấy có mùi rất tệ, em thì không muốn mua cho ông ấy sáp thơm hay hộp khử mùi, bởi vì em không biết trong đó chứa những hóa chất gì. Công ty của chị là một trong số ít công ty có các sản phẩm khử mùi không độc hại, hay tinh dầu chiết xuất từ thiên nhiên. Vậy nên em đã nói với bố mình: ‘Đây là người bạn tốt nhất của bố. Bố hãy sử dụng nó hằng ngày.’ Và nó thực sự có hiệu quả.”
Mắt Alba sáng lên, như thể tôi vừa tặng cho cô ấy một món quà.
“Cậu và tôi đều biết những gì chúng ta đưa vào trong cơ thể, những gì chúng ta hít thở, những gì tồn tại trong môi trường – tất cả đều ảnh hưởng đến sức khỏe,” cô ấy nói. “Thế hệ của bố mẹ chúng ta lúc nào cũng nói: ‘Mua ở cửa hàng là được rồi. Họ bán cái gì cũng được.’ Còn chúng ta thì: ‘Không, đám hàng đểu đó không nên sử dụng.’ Bố mẹ chúng ta luôn sợ phải thử thứ gì mới.”
“Em cũng gặp trường hợp đấy,” tôi nói.
“Gần đây, bà tôi phát hiện ra mình mắc bệnh tiểu đường,” Alba tiếp tục. “Tôi chắc chắn bà bị bệnh đó đã lâu, nhưng bà thì chẳng bao giờ đến gặp bác sĩ. Bà tôi từng bị đột quỵ và cũng có các triệu chứng khác, tất cả chúng đều có thể bắt nguồn từ bệnh tiểu đường, nhưng bà không thừa nhận. Thế rồi trong bữa tối hôm qua, ông tôi đã đưa cho bà bánh ngọt và kem. Thế là tôi nói: ‘Bà có thể bị co giật ngay bây giờ và rơi vào hôn mê đấy! Ông bà đang làm gì vậy?’ Họ không muốn chấp nhận thực tế.”
“Nghe thật đáng sợ,” tôi nói. “Em không biết làm thế nào mà chị có thể xử lý hàng tá chuyện như vậy với các thành viên trong gia đình. Em thì đang chết chìm trong những việc này rồi.”
“Tôi nghĩ nếu bố cậu mắc bệnh thì chuyện sẽ khác,” cô ấy trả lời.
“Em cảm giác khi công nghệ phát triển hơn, chúng ta có thể cứu được nhiều người hơn,” tôi nói, “những thứ khiến chúng ta chết dần chết mòn cũng trở nên khắc nghiệt hơn, chẳng hạn như các chất độc hại, ô nhiễm môi trường.”
“Tôi nghĩ đó là lý do tại sao chúng ta quan tâm đến thế,” Alba trả lời, “vì mọi người đều tận mắt nhìn thấy.”
“Điều điên rồ hơn là – em biết công ty chị tập trung vào giúp đỡ trẻ em – nhưng chị cũng đang giúp đỡ bố em. Trên thực tế, chị đang làm việc đó vì điều khiến em đau lòng nhất.”
Mắt cô ấy mở to, và tôi chợt nhận ra điều gì đó. “Đúng là quá điên rồ!” tôi nói, bật dậy khỏi ghế. “Tất cả những điều này…” – tôi chỉ ra khung cảnh bên ngoài cửa kính, nơi 500 nhân viên đang làm việc, “… tất cả những điều này đều xuất phát từ việc chị nắm lấy cổ áo Thần chết, kéo nó ngồi xuống bàn và tự hỏi chính mình: ‘Tôi định làm gì với cuộc sống của mình?’”
Giờ thì cô ấy mới là người vừa bị tạt nước đá.
“Đúng rồi!” cô ấy nói.
“Chị hoàn toàn có thể tiếp tục thành công và hạnh phúc với sự nghiệp diễn xuất của mình, nhưng thay vào đó chị lại…”
“Chính xác!” cô ấy nói.
“Bất ngờ làm sao! Ôi, nếu như…” Cảm xúc của tôi lên cao đến mức không thể thốt nên lời. “Nếu cuộc nói chuyện này diễn ra vào hai tháng trước, chúng ta nhất định sẽ không nói gì về chuyện này. Em chưa từng suy nghĩ về cái chết. Nhưng giờ thì em đã nhìn công ty chị dưới một con mắt khác.”
Rất nhiều người nổi tiếng mở công ty để phô bày cuộc sống trên đỉnh cao của họ. Họ phát triển thương hiệu nước hoa hay nhãn hàng thời trang, nhưng công ty của Alba lại phản chiếu điểm thấp nhất của cô ấy. Cô ấy đã dùng chính tình yêu thương của mình. Cô ấy đã tạo ra thứ gì đó có thể kết nối được với tất cả mọi người. Đó chính là chìa khóa giúp cô ấy lên đến đỉnh núi thứ hai: trước tiên phải lao xuống thung lũng sâu nhất.
“Đối diện với cái chết,” Alba nói, “khiến bạn nhạy cảm hơn với sự sống mong manh. Mọi thứ đều xuất hiện…” – cô búng tay, “… chỉ trong một khoảnh khắc. Nó khiến bạn nghĩ về tất cả những quyết định của mình theo một khía cạnh khác. Thứ gì thực sự quan trọng? Bạn đang làm gì với cuộc đời mình? Bạn sẽ làm gì khi đối diện trực tiếp với nỗi sợ lớn nhất của mình?”
Tôi gần như không nhận ra một tiếng của chúng tôi đã hết, nhưng điều đó không còn quan trọng nữa. Tôi lấy điện thoại và mở bức hình mà Talia đã cho tôi xem, bức hình vẽ một người đàn ông chạy đua với một người phụ nữ, nhưng con đường cô ấy tới đích lại gặp phải hàng loạt chướng ngại vật.
“Em muốn hỏi chị nghĩ gì về bức hình này,” tôi nói.
Alba cầm điện thoại của tôi và nhìn vào bức hình. Đoạn, cô ấy phá lên cười. Tôi đã đưa hàng chục người xem bức hình và chưa ai từng phản ứng như cô ấy. Có thể chỉ là suy diễn của tôi, nhưng tiếng cười của Alba thấm đượm chút gì đó buồn bã.
“Bức ảnh buồn cười… vì nó rất đúng,” cô ấy nói. “Nếu được chọn, hẳn tất cả mọi người đều muốn làm một người đàn ông da trắng ở Mỹ, sinh ra trong một gia đình quan tâm đến giáo dục, bởi vì cuộc sống khi đó sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.”
Alba chăm chú nhìn bức hình. “Tôi nghĩ cậu có thể bỏ đi một số chướng ngại trên đường, nếu như bên cạnh cậu có những người tốt,” cô ấy nói. “Nếu cậu coi mình như một con sói cô đơn, nếu cậu lúc nào cũng giận dữ và muốn đấu tranh với cả hệ thống, sẽ chẳng ai muốn ở cạnh cậu, vì cậu lúc nào cũng điên cuồng, chiến đấu cật lực. Nhưng nếu cậu chạy đua với sự từ tốn, đĩnh đạc và chính trực, việc cán đích sẽ dễ dàng hơn nhiều.”
“Không ai có thể quyết định được việc mình là ai khi ra đời,” cô ấy tiếp tục. “Cậu sinh ra trong một gia đình và hoàn cảnh mà cậu được sinh ra. Vì vậy, cậu chỉ cần đạt được những gì có thể từ điểm xuất phát của mình và đừng nên so sánh bản thân với những người khác. Cậu phải tập trung vào con đường của mình và biết rằng dù cậu có làm gì hay đi đâu trên con đường đó, những trải nghiệm ấy đều là điều độc nhất với cậu. Cậu không phải đi theo một con đường nào khác.”
“Và chúng ta rất dễ phân tâm,” cô ấy nói thêm. “Người đàn ông ở bên trái cậu rồi sẽ đến đích. Anh ta dường như chẳng có gì phải quan tâm. Có thể lúc đầu anh ta cũng nhìn sang phía cậu, nhưng sau đó, anh ta sẽ tập trung vào chặng đua của mình. Nếu cậu liên tục nhìn sang phía anh ta, cậu sẽ không bao giờ hoàn thành cuộc đua. Và cậu biết không? Những trở ngại mà phụ nữ phải đối diện có ích hơn cho việc kinh doanh. Bởi vì chúng tôi biết cách giải quyết khó khăn. Người đàn ông trong bức tranh biếm họa này thì lại chẳng được trang bị gì, cậu chỉ thực sự học được khi cậu đã trải qua nó.”
Alba nhìn bức tranh thêm lần nữa rồi trả điện thoại cho tôi.
“Điều gì thôi thúc cậu thực hiện dự án này?” cô ấy hỏi.
Tôi kể cho cô ấy nghe bắt đầu từ việc dán mắt lên trần nhà, sau đó đến điểm khởi đầu của cuộc hành trình. Rồi cô ấy hỏi không biết tôi có tìm thấy khuôn mẫu chung nào từ những cuộc phỏng vấn của mình không.
“Em muốn nghe ý kiến của chị,” tôi nói. “Em có giả thuyết thế này, mỗi người chúng ta đối xử với cuộc sống và công việc… giống như việc đi vào một câu lạc bộ đêm.”
Cô ấy khẽ cười. Tôi kể cho cô ấy nghe phần còn lại về những điểm liên quan đến Cánh cửa thứ ba, Alba liên tục gật đầu tán thành.
“Tôi thích ý tưởng này,” cô ấy nói. “Nó rất đúng. Những người đồng sáng lập và tôi luôn nói rằng việc tìm được những ứng cử viên vừa thông minh vừa có ý chí quyết tâm, nhưng đồng thời cũng là người mơ mộng rất khó. Mơ mộng chính là một phần của tinh thần khởi nghiệp. Khi mà cánh cửa này đóng, cánh cửa kia đóng và cánh cửa kia nữa cũng đóng, làm thế quái nào để bạn vào được bên trong? – bạn vẫn phải kiên trì tìm kiếm con đường. Bạn cần phải sử dụng trí khôn, tạo dựng các mối quan hệ; tôi không quan tâm bạn đi vào bằng cách nào, nhưng bằng cách nào bạn cũng phải đi vào.”
“Vậy nghĩa là về cơ bản, chị chỉ tuyển người dựa trên Cánh cửa thứ ba?” tôi phá lên cười.
“Đúng vậy! Tôi không quan tâm cậu có tấm bằng đại học từ đâu hay kinh nghiệm trong quá khứ là gì. Tôi chỉ quan tâm đến cách cậu giải quyết vấn đề hay thái độ khi đón nhận thử thách mới. Làm thế nào để cậu sáng tạo nên những cách thực hiện mới? Nơi đây cần sự thôi thúc đó, động lực đó. Chúng là tất cả những gì mà những người tốt nhất ở đây mang trong mình. Tất cả đều liên quan đến Cánh cửa thứ ba.”