Lũ Người Quỷ Ám - Chương 29
Chương Sáu
PIOT’R VERKHOVENXKI VẤT VẢ
1
Ngày lễ đã ấn định rồi, nhưng ông Lembke càng lo buồn thêm. Ông chỉ thấy toàn là điềm gở, làm bà cũng rối cả ruột. Thật ra, mọi chuyện cũng không được như ý cho lắm. Quan tổng đốc tiền nhiệm vốn người hiền lành đã giao lại cho ông một cái tỉnh chẳng ra gì: nào là mầm bệnh thổ tả, nào là chứng dịch súc vật lên cao tại đôi chỗ, nào là các vụ hỏa hoạn khắp chợ cùng quê suốt mùa hè, và các tin đồn hoang mang về đốt nhà phá hoại ngày càng tràn lan. Con số trộm cướp và bạo hành tăng gấp đôi. Tuy thế, mọi chuyện cũng còn khả dĩ lo cho êm thấm, nếu không có những sự việc khác xảy ra làm quan tổng đốc, từ trước tới nay vẫn hạnh phúc, phải mất ăn mất ngủ.
Điều làm cho bà tổng đốc âu lo nhất là ông ngày càng trở nên lặng lẽ và kín tiếng một cách kỳ lạ. Không biết ông có chuyện gì giấu bà? Thực ra thì ông mấy khi trái nghịch với bà, ông đã cho thực thi vài ba biện pháp nhằm củng cố uy quyền tổng đốc, tuy rằng không được hợp pháp cho lắm. Cũng với mục đích đó, dăm vụ vi phạm thực là nặng nề đã được khoan thứ, và những người lẽ ra phải tống giam hay đày đi Xibir, nhờ bà xin đã được thăng chức hay ban thưởng. Rồi một số vụ điều tra và chất vấn cũng bị cố tình làm ngơ. Tất cả những chuyện đó sau này mới sáng tỏ. Ông Lembke không những bảo gì ký nấy, mà còn không hề thắc mắc gì về việc bà vợ can thiệp vào những việc trong phần vụ của ông. Nhưng có thể bất thần ông làm ầm ĩ lên vì những “cái lăng nhăng”, và điều này luôn luôn làm bà sửng sốt. Hiển nhiên là những phút nổi loạn kia là để bù trừ cho những ngày dài phục tòng. Mặc dù tinh nhanh và trực giác bén nhạy, bà Lembke không sao hiểu nổi cái nhu cầu tế nhị này trong cái nhân cách cao thượng của chồng. Hơn nữa, đầu óc bà còn bận túi bụi bao chuyện khác đâu có rảnh mà lo tìm hiểu. Hỡi ôi, cơ sự vì thế mà sinh ra vô số ngộ nhận.
Ở đây chủ điểm của tôi không phải là những việc ấy. Hơn nữa, tôi thấy mình không đủ thẩm quyển thảo luận. Việc của tôi không phải là bàn về các khuyết điểm hành chính, và tôi sẽ loại bỏ tất cả khía cạnh này của vấn đề khỏi cuốn truyện. Khi ghi lại những biến cố đó, tôi có một chủ đích khác. Vả chăng, cuộc điều tra đương tiến hành ở tỉnh nhà do chính quyền trung ương chắc chắn sẽ đưa nhiều sự kiện ra ánh sáng, chúng ta chỉ cần đợi thêm ít lâu nữa. Tuy vậy, có những điều không giải thích không xong.
Đây nói về chuyện bà Lembke. Tôi thật tiếc thay cho bà. Con người như bà có thể đạt được mọi điều ham muốn (danh vọng cũng như mọi thứ), mà không cần phải đi đến những biện pháp liều lĩnh và dính dáng vào những phong trào bạo động và quái gở, như bà đã nhúng tay vào ngay từ khi mới bước chân đến đây. Không biết đó là do sự lãng mạn quá độ của bà, hay là do những thất bại liên tiếp và đau buồn thời thanh xuân, khi mà vận may thình lình tới, bà cảm thấy mình như được “ơn thiêng liêng” kêu gọi để thực hiện những việc vĩ đại, như một kẻ được “chọn lựa” giữa tất cả mọi người. Trăm thứ rắc rối đều nằm trong cái “ơn thiêng liêng” kia, bởi dù sao nó cũng không phải là một cái búi tó đơn giản nằm yên trên đầu bất cứ người đàn bà nào. Nhưng làm thế nào thuyết phục một người đàn bà chịu nghe ra chuyện đó. Thế cho nên, bất cứ ai vuốt ve cái ảo tưởng kia của bà đều được bà hậu đãi; và thiên hạ thi nhau nịnh hót bà. Chẳng bao lâu, người đàn bà đáng thương đó trở thành cái đích cho đủ mọi hạng người tìm cách lung lạc, trong khi bà cứ ngỡ mình là một nhà tư tưởng độc đáo. Nhiều tay lợi dụng sự ngây thơ cửa bà mà vơ vét trong giai đoạn tại chức ngắn ngủi của chồng bà. Tư tưởng bà rối như mớ bòng bong, trong khi lúc nào bà cũng tự đánh lừa mình là đầu óc phóng khoáng. Bà chủ trương bao nhiêu là ý kiến và quyền lợi mâu thuẫn nhau cùng một lúc: giới đại địa chủ, tầng lớp quí tộc, uy quyền tổng đốc, mà bà ra sức tăng cường; cơ cấu dân chủ mới ở địa phương; trật tự mới trong tương lai; tư tưởng tự do; và các quan niệm xã hội chủ nghĩa đủ loại. Bà bị quyến rũ cả vì cái vẻ thanh lịch khắc khổ của một phòng khách quí tộc, lẫn vì cái vẻ bình dân thô kệch của đám thanh niên vây quanh bà, họ coi nhà bà chẳng khác cái quán. Bà ao ước mang lại hạnh phúc chung, hòa giải cái không thể hòa giải, hay nói đúng hơn là kết hợp mọi người và mọi vật trong niềm kính ngưỡng cá nhân bà. Dĩ nhiên, bà có ưa nhiều người một cách riêng. Bà rất thú vị Piot’r Verkhovenxki vì anh ta nịnh bà không biết ngượng miệng. Ngoài ra, bà còn chú ý tới anh ta vì một lý do khác, rất lố bịch nhưng hoàn toàn tiêu biểu cho con người đáng thương của bà: bà hi vọng anh ta sẽ chỉ cho bà cả một âm mưu lật đổ chế độ hiện hữu. Chuyện khó tin nhưng có thực. Không hiểu sao bà lại yên trí rằng có một âm mưu toan chống chính phủ đang ấp ủ tại tỉnh nhà khi đó, và Piot’r nửa kín nửa hở càng thúc đẩy cho bà bám chặt vào ý niệm kỳ lạ đó hơn. Bà ngỡ rằng anh ta liên lạc với tất cả những phần tử cách mạng hoạt động khắp nước Nga, nhưng đồng thời anh ta lại ngưỡng mộ và hoàn toàn trung thành với bà. Khám phá âm mưu, Petersburg phải biết ơn, cả một sự nghiệp huy hoàng chờ đón bà, ảnh hưởng của bà trên thế hệ trẻ bằng “từ tâm” sẽ giữ cho họ khỏi “quá trớn” - tất cả những điều đó không hiểu sao chung sống được với nhau trong đầu óc rối beng và mộng mơ của bà một cách rất êm thấm. Bà đã chẳng chinh phục và cứu được chính Piot’r rồi đó ư? Bà đinh ninh như thế lắm. Và bà sẽ cứu luôn những kẻ khác. Không để cho một ai bị hư mất. Bà sẽ cứu xét từng trường hợp cá nhân, tường trình, và giải thích duyên do của họ với Petersburg sao cho tất cả không ai việc gì: bà chỉ hành động theo tình lý cao thượng nhất. Rồi, biết đâu lịch sử, và có thể cả phong trào tư tưởng tự do ở Nga, cũng sẽ nêu cao danh thơm của bà. Đồng thời, âm mưu kia vẫn bị vỡ tan. Lợi cả trăm bề.
Tuy nhiên, phải làm cho quan tổng đốc vui lên một chút để dự buổi dạ hội sắp tới. Cần phải cho ông an tâm và khuây khỏa. Chủ tâm như vậy rồi, bà sai Piot’r đến nói chuyện với ông, hi vọng rằng anh ta sẽ giải tỏa được nỗi buồn của chồng. Bà còn dám trông mong rằng Piot’r có thể làm được chuyện đó bằng cách hé mở cho ông biết vài tin sốt dẻo của người ở trong chăn. Bà mặc nhiên tin tưởng vào tài tháo vát của anh ta.
Piot’r đã lâu không vào văn phòng tổng đốc. Lần này anh ta tới đúng ngay lúc “con bệnh” đang cáu kỉnh quá chừng.
2
Ông Lembke đang không biết xoay xở ra làm sao vì một sự cố đặc thù ngẫu nhiên mới xảy ra xong. Gần đây, ngay tại quận mà Piot’r đã du chơi linh đình, có một thiếu úy bị cấp chỉ huy trực tiếp khiển trách ngay trước mặt lính của anh ta. Viên thiếu úy này mới từ Petersburg tới trình diện trung đoàn, là một thanh niên còn rất trẻ. Anh ta ít nói, lầm lì, vẻ trang trọng, mặc dù thấp người, mập mạp và mặt còn bụ sữa. Không chịu được sự khiển trách, anh ta thụp đầu lao thẳng tới sĩ quan thượng cấp và thét lên một tiếng làm cả đại đội kinh hoàng. Anh ta húc toàn lực và ngoạm vào vai viên thượng cấp, mạnh tới nỗi người ta phải khó khăn lắm mới lôi anh ta ra được. Chắc chắn là anh ta nổi mát rồi. Thực thế, hành vi của anh ta trong vài tuần trước đó cũng đã kỳ khôi rất mực. Anh ta liệng hai tấm ảnh thánh của bà chủ ra khỏi nhà mà anh ta đang thuê, rồi còn lấy rựa chẻ vụn một tấm ảnh ra nữa. Trong phòng ngủ, anh ta bày các tác phẩm của Vogt68, Moleschott69, Buechner70 trên hương án và đèn nến thờ phụng nghi ngút. Xét theo sổ sách tìm thấy trong phòng thì anh ta là một người chịu khó học. Nếu có năm chục ngàn quan tiền thì hẳn anh ta đã dong buồm đi tuốt sang quần đảo Macseeva71 giống như chàng “sinh viên sĩ quan” mà Herzen72 đã mô tả lính hoạt trong một cưôn sách của ông. Khi bị bắt giữ, người ta tìm thấy trong tui anh ta và tại phòng trọ bao nhiêu là truyền đơn phản tuyên ngôn nảy lửa.
Tôi nghĩ rằng những truyền đơn như thế rất là thường và không có gì đáng lưu tâm. Chúng ta đã thấy quá nhiều loại truyền đơn như vậy! Hơn nữa những truyền đơn đó cũng không mới mẻ gì; sau này tôi nghe nói người ta tìm thấy những tờ bươm bướm in hệt như vậy tại một tỉnh khác. Liputin hồi sáu tuần trước có đi sang một tỉnh lân cận cũng cam đoan với tôi rằng anh đã thấy chúng có mặt ở đó rồi. Nhưng điều làm quan tổng đốc hoảng kinh nhất là người quản lý ở xưởng Spigulin ngay lúc đó lại giao cho cảnh sát buộc mấy bó truyền đơn giống hệt như thứ tìm thấy trên mình viên thiếu úy. Người ta đem gài chúng tại xưởng thợ vào ban đêm. Sự tình thực ra cũng không có gì quan trọng. Mấy bó truyền đơn còn cột dây, nên thợ thuyền cũng chẳng ai hay biết gì. Nhưng nó cũng làm ông Lembke phải nghĩ ngợi: xem ra nội vụ rắc rối quá chừng.
Mới đây xưởng thợ là nơi diễn ra vụ “ô nhục Spigulin” làm bao nhiêu người trong tỉnh xôn xao và báo chí thủ đô đăng tải lung tung. Ba tuần trước, có một người thợ trong xưởng Spigulin mắc bệnh thổ tả và qua đời. Mấy người thợ khác lây bệnh mà chết theo. Dân trong tỉnh càng phát hoảng, vì nạn dịch tả đã xuất hiện trong mấy tỉnh lân cận. Tôi phải ghi nhận thêm là mọi biện pháp phòng ngừa cần thiết đã được áp dụng để đối phó với tình trạng khẩn cấp, nhưng không hiểu sao xưởng máy của dòng họ Spigulin, là một gia đình triệu phú và quen biết rất lớn, lại bị thanh tra bỏ sót. Bấy giờ dân chúng phẫn uất rêu rao rùm beng lên rằng cái xưởng kia, và nhất là khu gia đình công nhân nằm kề bên, là một ổ truyền nhiễm vì nó dơ dáy quá đến nỗi dù cho xung quanh không có bệnh dịch thì nó cũng phát sinh ra chứ chẳng không. Các biện pháp thích nghi được quyết định ngay tức khắc, và quan tổng đốc khăng khăng đòi phải thi hành liền. Chỉ trong ba tuần, xưởng máy được quét dọn sạch sẽ - nhưng rồi không ai hiểu sao gia đình Spigunn cho đóng cửa luôn. Hai anh em nhà Spigulin thì một người từ lâu đã định cư hẳn ở Petersburg; người còn lại cũng bỏ đi Moskva ngay khi nhà chức trách ra lệnh thanh tẩy xưởng máy. Viên quản lý trả tiền thợ, cho họ nghỉ việc luôn, và sau này chúng tôi khám phá ra rằng lão đã lường gạt họ một cách không hề thương tiếc. Thợ thuyền phản đối, đòi trả lương đầy đủ, và vụng về kéo cả đoàn đi thưa cảnh sát, mặc dù không gây náo loạn vì họ không bị khích động cho lắm. Chính lúc đó viên quản lý phát giác ra mấy bó truyền đơn và đem nạp cho quan tổng đốc.
Bấy giờ Piot’r xông vào văn phòng tổng đốc không hề báo trước; dù sao anh ta cũng là bạn thân, hơn nữa còn đi làm giùm một việc do chính tổng đốc phu nhân nhờ vả. Trông thấy Piot’r, ông Lembke cau mày và đứng khựng lại bên bàn giấy, khó chịu ra mặt. Nãy giờ ông đi lại trong phòng, đang bàn chuyện riêng tư với thuộc sự viên của ông là Blium, một anh chàng người Đức sồ sề và lầm lì mà ông đã mang từ Petersburg theo, mặc cho bà vợ phản đối. Khi Piot’r tiến vào, Blium bước lui lại phía cửa, nhưng không rời khỏi phòng. Piot’r còn có cảm tưởng như hắn liếc mắt ra hiệu cho thượng cấp. Piot’r vừa cười rộ vừa xòe tay đập xuống tờ truyền đơn nằm trên bàn mà nói oang oang:
- A ha, tôi bắt được ông quả tang rồi nhé, nhà chính khách bí mật! Bộ sưu tập của ông thêm được một tờ nữa,
đúng
không?
Mặt ông Lembke đỏ bừng và nhăn nhúm lại. Ông giận run cả người và hét lên:
- Để im đó! Lập tức! Và tôi cấm anh không bao giờ...
- Ông làm sao thế? Ống giận tôi thật đấy à?
- Thưa ông, tôi xin phép được thông báo cho ông hay là từ nay trở đi tôi không thể chịu được cái cung cách vô
lối của ông nữa, và tôi muốn ông nhớ cho
rằng...
- Chết mẹ, ông ấy giận thực rồi!
Ông Lembke giậm chân xuống thảm mà thét lớn:
- Câm ngay, câm ngay! Tôi không muốn nghe...
Câu chuyện giữa hai người không biết sẽ đi đến đâu. Phải nói rằng ông Lembke còn nổi xung vì một nguyên do đặc biệt mà Piot’r (và ngay cả bà tổng đốc) dường như không ngờ tới chút nào. Ông tổng đốc đáng thương bị sa sút tinh thần đến nỗi ông đã bắt đầu ngấm ngầm nghi ngờ mối giao du giữa hai người, và chớm ghen từ ít ngày gần đây. Khi đêm khuya canh vắng một mình, ông thường khắc khoải về chuyện này. Piot’r nói, làm vẻ rất trang trọng:
- Tôi cứ ngỡ rằng một kẻ đã hai đêm liền thức mãi quá nửa đêm để đọc cuốn tiểu thuyết của ông, và muốn xin
thỉnh ý kiến của ông, thì đâu cần giữ những nghi thức đãi bôi đó. Bà Lembke coi tôi như người thân tín, thế
mà ông thì lại... Làm sao tôi không ngỡ ngàng cho được? Đây, cuốn tiểu thuyết của ông
đây!
Anh ta đặt trên bàn xấp bản thảo nặng nề dầy-cộm, cuốn trong giấy bao mầu xanh. Ông Lembke đỏ bừng mặt và cười ngượng ngùng. Ông hỏi dè dặt, cố gắng nhưng cũng không kiềm chế nổi niềm vui đang dâng trào:
- Thế anh tìm ra nó ở đâu vậy?
- Đoán xem. Cuốn nguyên như vậy, no lăn xuống dưới gầm tủ. Người ta tìm thấy nó ngày hôm kia khi lau nhà. Ôi
chao, ông làm tôi mệt với nó
quá!
Ông Lembke nghiêm mặt nhìn xuống. Piot’r tiếp tục:
- Hai đêm liền tôi không hề chợp mắt vì ông đó. Tìm được nó rồi là tôi bỏ suốt hai đêm để đọc, vì ban ngày tôi
không có thì giờ. Tôi phải nói là cuốn truyện không hợp với gu của tôi; tôi không nhìn sự vật theo lối đó.
Nhưng cái đó tôi cóc cần - tôi không bao giờ ưa cái món phê bình văn chương cả. Tuy vậy, không đồng ý về tư
tưởng mà tôi không thể nào ngừng tay bỏ cuốn truyện xuống được. Chương bốn và chương năm thật là, hừm, thật
là quá xá. Ông nhét bao nhiêu là khôi hài vào làm tôi thực tình phải ôm bụng mà cười lăn cười lộn. Tôi phải
nhận rằng ông có biệt tài chọc quê mọi người mà bề ngoài vẫn cứ tỉnh bơ như không. Dĩ nhiên là chương chín
và chương mười bàn về ái tình (không phải là địa hạt sở trường của tôi) rất có tác dụng. Và tôi suýt nữa rớt
một giọt nước mắt khi đọc lá thư tình của Igrenev. Tôi phải nhận rằng chỗ đó ông miêu tả tinh tế lắm. Ông
biết không, lá thư đó rất cảm động, mặc dù ông cũng đồng thời phơi bầy được cái khía cạnh trá ngụy trong con
người hắn, phải không nào? Tôi nói thế có trúng ý tác giả không? Lại còn đoạn kết nữa! Thú thật tôi muốn
đánh đòn ông vì đoạn kết đó quá. Ông định truyền bá cái gì? Ôi, cũng lại vẫn một thứ tôn thờ đời sống gia
đình hạnh phúc xưa hoắc - lấy vợ đi, rồi đẻ con đàn cháu đông, làm giàu, rồi sống ấm êm mãi mãi. Nói cho
đúng, ông làm cho độc giả say mê - ngay chính tôi cũng bị quyến rũ mà tay không rời được sách, nhưng như thế
càng hóa ra nguy hiểm hơn. Người độc giả trung bình thường ngu si, và nhiệm vụ của những kẻ thông minh là
phải khai cái ngu, cho họ nhìn thấy bản chất thực của mọi vật; trong khi đó ông lại đi... Nhưng thôi, tôi
nói thế cũng là lắm lời quá rồi. Xin chào ông. Hẹn lần khác, ông bớt giận hơn. Tôi có dăm ba chuyện hay ho
định đến kể cho ông nghe, nhưng bữa nay sao ông kỳ
quá...
Trong lúc Piot’r nói, ông Lembke lấy cuốn tiểu thuyết đem cất kỹ và khóa kín trong một tủ bằng gỗ gụ, và ra dấu cho người phụ tá ra ngoài. Mặt anh chàng chảy dài ra như người đưa ma, và anh ta chuồn mất. ông Lembke ngồi xuống bàn giấy. Ông cau mày và nói khẽ, không còn vẻ giận dữ nữa:
- Tôi không có gì gọi là “kỳ quá” cả. Đó chỉ là tôi có nhiều mối lo âu quá. Anh ngồi xuống, và nói cho tôi nghe dăm chuyện hay ho mà anh tính kế đó. Đã lâu tôi không gặp anh, anh Piot’r ạ, nhưng từ giờ trở đi có ghé lại đây anh đừng dùng cái lối như gió như giông thế nữa. Đôi khi tôi đang mắc việc, phiền hà lắm; rồi nó sinh ra...
- Đối với ai tôi cũng coi như nhau...
- Tôi biết, tôi biết. Và tôi chắc chắn anh không có ý xấu, nhưng khi con người ta có những chuyện nghĩ ngợi...
Nhưng kìa, anh ngồi xuống chơi
đã.
Piot’r ngả ngay mình xuống chiếc trường kỷ. Một lát sau, anh ta đã bắc chân chữ ngũ ngon lành.