Lũ Người Quỷ Ám - Chương 30
3
- Ông nghĩ ngợi chuyện gì? Hẳn không phải cái đồ lăng nhăng đó chứ? Piot’r hất hàm chỉ về phía tờ truyền đơn,
và nói tiếp: - Thứ đó ông muốn bao nhiêu, tôi cũng có thể lấy cho ông được. Tôi đã bắt gặp chúng khối ra ở
tỉnh
Kharkov73,...
- Anh muốn nói khi anh còn ở đó?
- Chứ còn gì nữa? Không lẽ lại bắt gặp khi không ở đó? Có một tờ bên trên còn in thêm một chiếc rìu nhỏ. Ông
cho phép (anh ta cầm lấy một tờ truyền đơn và ngắm nghía). Đúng rồi, cái rìu đây chứ đâu. Đúng là cùng một
thứ.
- Phải, tôi có thấy chiếu rìu. Làm sao anh?
- Sao? Ông sợ một chiếc rìu à?
- Không phải là vấn đề chiếc rìu... Hơn nữa tôi không có sợ cái gì hết, nhưng nội vụ rắc rối... có một số
trường
hợp...
- Trường hợp nào? Việc họ tìm thấy những truyền đơn này ở xưởng Spigulin phải không? Ha ha ha! Tôi nói thực với
ông, nói ra chẳng mấy chốc chính bọn thợ thuyền trong xưởng sẽ viết lấy truyền đơn cho mà
xem.
Ông Lembke trố mắt nhìn anh ta:
- Anh bảo sao?
- Đúng thế đấy. Tốt hơn ông phải canh chừng, ông tổng đốc ơi. Ông mềm yếu quá. Ông đi viết tiểu thuyết văn
chương và các thứ đại loại, trong khi cái cần áp dụng ở đây là những biện pháp
cổ.
-Những biện phâp cổ nào? Anh định nói gì? Xưởng máy cần tẩy uế. Tôi ra lệnh, và nó đã được tẩy uế rồi!
- Nhưng bây giờ công nhân nổi loạn. Cần phải cho họ một trận đòn, thế là xong.
- Nổi loạn? Toàn chuyện phịa! Tôi đã ra lệnh cho tẩy uế, và việc đã được thực hiện.
- Ôi, ông Andrei ơi, ông thực yếu mềm quá!
Ông Lembke lại cảm thấy bất bình, nhưng ông cố nén lòng nói chuyện với Piot’r, hi vọng rằng anh ta sẽ cho biết được điều gì mới. Ông nói:
- Điều thứ nhất, tôi không yêu mềm như anh nghĩ đâu; và điều thứ hai...
- A ha! Lại một cổ vật nữa đây rồi! - Piot’r ngắt lời ông, và chộp lấy một tờ truyền đơn khác đang nằm dưới cái
chặn giấy. Tờ này in ở nước ngoài và bằng văn vần. - Xem nào, bài này nhan đề là Vị anh hùng, và tôi cũng có
thể đọc thuộc lòng cho ông nghe nữa! Phải, đúng là nó - vị anh hùng này tôi đã quen hồi còn ở nước ngoài.
Của này ông đào đâu ra được
đây?
Ông Lembke hỏi, giọng dượm vẻ lo âu và chú ý:
- Anh bảo rằng anh đã trông thấy nó khi còn ở nước ngoài, ư?
- Nhất định rồi, cả bốn hay năm tháng trước.
Ông Lembke nhận xét, một cách khéo léo:
- Thế ra ở nước ngoài anh biết được nhiều chuyện quá nhỉ.
Piot’r phớt tỉnh như không nghe thấy gì. Anh giở tờ truyền đơn ra và đọc to:
VỊ ANH HÙNG
Không phải là con dòng cháu giống,
Anh lớn lên trong đám nhà nông.
Số phận anh mang mãi xiềng gông,
Của thù hận vua quan hào phú.
Dù khổ sở, đớn đau, tù tội,
Lòng son sắt tôi thành thép nguội.
Tiếng anh vang khắp cùng nhân loại:
Tự do, Bình đẳng, Đoàn kết lại.
Thế rồi khởi nghĩa bừng ánh đuốc,
Anh lê gót lánh ra nước ngoài.
Thoát kìm tra, thoát dây treo cổ,
Thoát bàn tay của đao phủ thủ.
Toàn dân đen đau khổ dứng lên,
Đập tan ách nô lệ triền miên.
Từ Xmolen cho đến Taskent,
Xiết hàng ngũ chờ anh hô tiến.
Họ mong anh như vị cứu tinh.
Họ chờ anh để phá tan tành,
Cả đế quốc Nga ô nhục đó.
Để đời họ bừng lên rạng rỡ;
Để đất đai thành của cải chung;
Để hủy diệt một lần cuối cùng,
Gia đình, hôn nhân, và giáo hội,
Tàn tích của thời xưa tăm tối.
Piot’r hỏi:
- Tôi đánh cuộc rằng cái này ông tìm thấy trên người viên sĩ quan kia, phải không nào?
- Vậy ra anh cũng quen với viên sĩ quan đó nữa?
- Hẳn thế rồi. Chúng tôi nhậu nhẹt với nhau suốt hai ngày liền. Anh ta uống cho cố mạng đến gần mất cả trí khôn.
- Biết đâu chừng, có thể anh ta không hề mất trí khôn tí nào.
- Căn cứ vào đâu mà ông bảo thế - hay vì, anh ta nổi chứng cắn thiên hạ?
- Hãy khoan. Nếu anh thấy bài thơ ấy ở nước ngoài, rồi người ta lại bắt gặp nó trên mình viện sĩ quan tại đây...
- Sao, ông định nóị gì? Quan tổng đọc ơi, xem ra ông muốn thẩm vấn cả tôi nữa. Thôi được, để tôi kể cho ông. -
Giọng Piot’r chợt mang vẻ cực kỳ hệ trọng. - Những gì tôi thấy và làm ở nước ngoài, tôi đã tường trình và
giải thích với những người có thẩm quyền, ngay khi tôi hồi hương. Và những lời giải thích đó chắc chắn phải
thỏa đáng, nếu không tỉnh này đã không có cái hân hạnh tiếp đón tôi. Vì thế, tôi xem như trường hợp của tôi
đã kết thúc, và tôi không có gì phải phân trần với ai nữa cả. Tôi chấm dứt mọi chuyện đó cũng bởi vì tôi
không thể làm điều gì khác hơn, chứ không phải tôi là một kẻ phản bội. Những kẻ đã viết thư giới thiệu tôi
với bà Julia biết rành rẽ về quá khứ của tôi và đã chứng nhận rằng tôi là một người đàng hoàng... Nhưng
thôi, kệ xác mấy chuyện đó. Tôi đến đây để kể cho ông một việc rất quan trọng, và tôi mừng là ông đã đuổi
cái tên quét dọn kia ra khỏi phòng. Chuyện này rất quạn trọng đối với tôi, ông tổng đốc ạ: tôi muốn yêu cầu
ông một việc đặc
biệt.
- Yêu cầu hả? Anh làm ơn nói ra xem sao. Tôi phải nhận là tôi cũng nóng lòng nghe anh nói xem là cái gì. Lúc
nào tôi cũng thấy anh khó hiểu
quá.
Quan tổng đốc hơi có vẻ cảm động. Piot’r bỏ chân đang gác chữ ngũ xuống. Anh ta bắt đầu nói:
Ở Petersburg, tôi đã nói thẳng thằn về nhiều chuyện. Nhưng có vài chuyện, chẳng hạn như cái này (anh lấy ngón tay chỉ vào bài thơ Vị anh hùng) tôi không hề động chạm đến, trước tiên bởi vì nó không đáng nhắc nhở tới, sau nữa là bởi vì tôi chỉ trả lời những câu hỏi người ta nêu ra. Tôi không thích hăng hái quá trong những trường hợp như vậy. Theo tôi đó chính là cái khác biệt giữa một tên chỉ điểm phản phúc và một người dàng hoàng bị hoàn cảnh bắt buộc... Hừm, nhưng thôi gác chuyện đó lại. Còn lúc này, khi những kẻ ngu xuẩn kia... Thôi thì mọi chuyện đã vỡ lở và chúng đã nằm trong tay ông, tôi nhận thấy rằng không thể giấu ông được gì cả, vì mắt ông rất tinh tường, tuy ông làm như chẳng hay biết tí gì - và bởi bọn chúng vẫn tiếp tục, tôi,.., tôi..., vâng, thưa ông tổng đốc, tôi đến để xin ông cứu giúp một kẻ ngu xuẩn trong bọn đó. Hắn ta có thể mất trí, nhưng tôi cũng xin ông vì tuổi trẻ, vì các bất hạnh của hắn và bằng lòng nhân đạo của ông... Tôi hi vọng rằng không phải chỉ trong tiểu thuyết ông mới tỏ ra có tình người, mà ông còn thể hiện nó trong đời sống thực nữa. - Anh ta chấm dứt một cách đột ngột và như thể nóng nảy.
Thực ra, Piot’r có vẻ như một người thẳng tính, vụng về, không biết cư xử, và lòng tràn ngập tình nhân đạo, lại quá xúc cảm nữa. Trên hết, anh ta xem như không được lanh lợi cho lắm. Điều này ông Lembke nhận ra ngay với sự sâu sắc cố hữu của ông. Hơn nữa, ông ngờ như thế đã từ lâu, nhất là trong tuần lễ vừa qua, khi ban đêm thanh vắng một mình trong thư phòng ông tự hỏi đi hỏi lại, không biết vì cớ gì người thanh niên kia lại thành công một cách không thể hiểu nổi, trong việc chiếm cảm tình của bà Julia như thế.
Ông tổng đốc hỏi bằng một giọng cửa quyền, cố giấu cái tò mò của mình:
- Thế anh định xin cho người nào? Và đầu đuôi câu chuyện ra sao?
- Hắn ta là... hắn ta là... Thôi thì thôi, tôi không tin cậy vào ông, thì còn biết tin cậy vào ai. Đâu phải lỗi
tại tôi, khi tôi coi ông như người cao quí nhất và hơn nữa, thông suốt nhất, có thể hiểu rõ... Thôi, mặc
xác!
- Rõ rệt là Piot’r cảm xúc quá độ. Anh ta tiếp tục: Ông phải hiểu rằng khi tôi kể tên hắn ta ra, là tôi giao
hắn vào tay ông, cầm bằng như phản bội hắn. Có đúng thế không?
- Nhưng làm sao tôi có thể biết được kẻ đó là ai, nếu anh không cho tôi biết tên?
- Đó, chính vậy? Luận lý của ông sắc bén và bao giờ cũng thắng! Thôi, kệ, được rồi: hắn ta, “vị anh hùng” đó,
chẳng phải là ai khác ngoài Satov. Đó, vậy là bây giờ ông biết hết
rồi.
- Satov? Anh hỏi sao, đó là Satov ư?
- Satov là “vị anh hùng” mà tờ truyền đơn để cập đó. Hắn ta sống ở đây. Trước kia hắn là một nông nô. Hắn là
cái người đã thoi vào mặt Xtavroghin
đó...
- Phải, chuyện đó tôi có biết, - ông nhíu mày, ra chiều hiểu biết. - Nhưng, xin lỗi, tôi không hiểu anh ta bị
khép tội gì, lại càng không hiểu anh thực sự yêu cầu chuyện
gì?
- Tôi xin ông tha cho anh ta mà. Ông hiểu rồi chứ? Tôi đã quen hắn trong tám năm trường và là bạn của hắn, -
Piot’r càng nói càng tăng xúc động. - Dù sao tôi cũng không có bổn phận phải tường trình cho ông về quá khứ
của tôi. - Anh ta vung tay tuyệt vọng. - Câu chuyện không có gì hết. Tất cả chỉ dính líu đến có ba người
rưỡi ở đây, và tính gộp cả ở nước ngoài thì nhiều lắm chỉ đến mười người. Nhưng trong trường hợp này, tôi
trông cậy vào lòng nhân đạo và sự thông cảm của ông. Ông sẽ hiểu rõ hoàn cảnh và đặt nó đúng trong tầm mức.
Đó chỉ là một giấc mộng xuẩn ngốc của một con người rối loạn, đã suốt một đời cùng khốn - xin ông nhớ cho
điều đó - chứ không phải là một âm mưu ghê gớm chống chế độ chế đung gì hết
trọi!
Anh ta nói thở không ra hơi.
- Hừm, vậy thì tôi có thể kết luận rằng Satov là người chịu trách nhiệm về những tờ truyền đơn có in hình chiếc
rìu, - ông tổng đốc tuyên bố một cách long trọng. - Nhưng tôi xin đặt câu hỏi: nếu chỉ có một mình anh ta
dính líu, làm sao anh ta có thể vừa phân phát ở đây, lại vừa phân phát trong các tỉnh lân cận, và ngay đến
cả tỉnh Kharkov tít mù kia được? Và điều quan hệ hơn nữa là do đâu mà anh ta có được những tờ truyền đơn đó?
- Nhưng tôi đã trình bày với ông rằng, dường như nhiều nhất chỉ có năm người dính líu vào; hay nếu ông kể cả
bên ngoài nữa là mười mà thôi. Còn tôi, làm sao tôi biết chắc
được?
- Anh không biết sao?
- Tôi biết thế đếch nào được!
- Thế sao anh biết rằng Satov là một người trong đám âm mưu?
Piot’r nhún vai thất vọng như thể anh đầu hàng trước sự thẩm vấn khôn khéo của ông tổng đốc.
- Thôi được! Ông nghe đây vậy. Tôi sẽ kể cho ông hết đầu đuôi. - Tôi không biết gì về những tờ truyền đơn cả,
không biết một tí gì hết. Ông rõ chưa? Không có gì hết là không có gì. À, có viên thiếu úy đó, một người
nữa, rồi đến Satov, và một người khác nữa, có lẽ thế là hết - ông thấy không, toàn là thứ không ra hồn,
người? Nhưng tôi đến là để xin cho Sạtov, bởi vì hắn ta viết bài thơ đó và đích thân đem in ở nước ngoài.
Điều đó tôi biết chắc chắn, còn, về chuyện truyền đơn thì tôi không hay biết gì
cả.
- Nếu thơ đó là của anh ta, thì truyền đơn cũng phải là của anh ta nốt. Nhưng tôi muốn biết vì những lý do nào
mà anh nghi cho ông
Satov?
Dáng điệu trông như một người rõ rệt đã bị đẩy đến chỗ mất hết kiên nhẫn,- Piot’r móc ví và rút ra một mẩu giấy. Anh ta kêu to khi liệng mẩu giấy lên mặt bàn:
- Lí do của tôi đây này!
Ông Lembke giở tờ giấy, để đọc, thì ra nó viết hồi sáu tháng trước ở đây và gửi đi nước ngoài. Nó chỉ có hai hàng:
“Tôi không thể in Vị anh hùng ở đây, cũng như bất cứ cái gì khác. Xin cho in ở nước ngoài.
Iuan Satov”
Ông Lembke nhìn Piot’r chăm chú. Bà Julia đã nói đúng, khi bà nhận xét rằng đôi lúc ông có cái nhìn của loài bò tót. Piot’r nói vội vã:
- Để tôi giải thích cho ông. Bài thơ đó Satov viết ra đã được sáu tháng, nhưng không làm sao in lậu ở đây được,
vì thế hắn muốn cho in ở nước ngoài. Chuyện như vậy rõ ràng quá, phải không
ông?
Ông Lembke đưa ra nhận xét tinh tế:
- Phải, chuyện rõ ràng quá. Nhưng anh ta viết cho ai để nhờ in? Chuyện đó chưa được rõ ràng cho lắm, phải không
anh?
- Thì cho Kirillov chứ ai! Giấy đó gửi cho Kirillov khi còn ở nước ngoài. Ông không biết sao? Tôi bực mình ghê
vì ông cứ giả bộ không biết gì cả, trong khi thực sự ông biết rành bài thơ kia cũng như các chuyện khác từ
đời tám hoánh nào rồi! Nếu không thì sao trên bàn ông lại có nó? Ông phải khám phá ra rồi. Nhưng nếu thế,
ông còn hành hạ tra hỏi tôi làm
gì?
Piot’r vội lấy khăn lau mồ hôi trên trán, Ông Lembke đỡ đòn một cách khéo léo:
- Phải, tôi cũng nghe được ít nhiều... Nhưng còn Kirillov là ai?
- Viên kỹ sư mới tới đây đó, cái người làm nhân chứng cho Xtavroghin trong vụ đấu súng ấy mà. Anh ta thuộc loại
người cuồng, người điên. Viên thiếu úy của ông có lẽ chỉ nổi cơn có lúc, nhưng tay Kirillov này thì hoàn
toàn mất trí. Tôi bảo đảm với ông điều đó. Ôi, ông tổng đốc ơi, nếu nhà chức trách thực tình thấu rõ những
loại người đó chắc hẳn sẽ không nỡ lòng nào mà bắt họ. Họ đáng phải cho vào nhà thương điên - tuốt luốt. Hồi
ở Thụy Sĩ họ nhóm đại hội, tôi đã tha hồ có dịp mà quan sát
họ.
- Họ ở đó, mà lãnh đạo phong trào trong nước?
- Có lãnh đạo cái khỉ mốc gì! Tổ chức trần ra chỉ có ba mống rưỡi! Nguyên nhìn họ múa may quay cuồng cũng đủ
phát chán mà ngủ gục. Phong trào trong nước ông nói đây, là cái gì? Truyền đơn chắc? Hay đảng viên? Dăm tay
thiếu úy mê sảng, với vài ngoe sinh viên! Ông là người sáng suốt, ông cho tôi đặt một câu hỏi: tại sao không
bao giờ họ tuyển mộ lấy được một người đàng hoàng? Tại sao họ chỉ câu được có đám sinh viên hai chục tuổi
đầu? Mà cũng có nhiều nhõi gì cho nó cam! Người ta tung ra có đến cả triệu chó săn để lùng bắt, mà thử hỏi
tóm được bao nhiêu? Tính đi tính lại chỉ có bảy mạng. Tôi nói thực với ông, bọn chúng rõ chán mớ
đời.
Ông Lembke lắng nghe Piot’r nhưng gương mặt ông như muốn nói: “Cà kê dê ngỗng mãi rồi cũng phải vào vấn đề chứ”.
- Cho tôi hỏi, anh bảo rằng mảnh giấy đó gửi đi nước ngoài. Nhưng tôi không thấy có ghi địa chỉ nào cả. Làm sao
anh biết được là nó gửi cho ông Kirillov, và ở nước ngoài... hơn nữa, nó thực sự là do ông Satov viết
ra?
- Cái đó ông chỉ cần lấy một mẫu thủ bút của Satov và đem đọ là xong. Chắc chắn là trong hồ sơ lưu của ông thể
nào chả tìm được một chữ ký của hắn. Còn về phần Kirillov, thì chính anh ta trao cho tôi xem khi nhận được
mảnh
giấy.
- Vậy là chính anh phải...
- Phải chính tôi. Hồi ở nước ngoài tôi thấy được nhiều chuyện lắm. Còn về bài thơ, dường như nó do Herzen thuở
còn sinh tiền viết cho Satov, khi Satov còn đang phiêu bạt ở nước ngoài. Ông ta viết bài đó để kỷ niệm cuộc
gặp gỡ giữa hai người, như một phần thưởng ngợi khen công tác của Satov. Thực ra, tôi biết thế quái nào
được! Dù sao, Satov cũng đem nó phổ biến trong giới thanh niên, như thể muốn rêu rao rằng: “Hãy nhìn xem,
đây là những gì chính Herzen nghĩ về
tôi”.
- À ra thế; đúng rồi. - Ông Lembke sau cùng hiểu ra. - Có điều tôi không nắm vững là bài thơ kia. Truyền đơn
chính trị - cái đó thì hẳn rồi, nhưng thơ phú để làm
gì?
- Có gì đâu mà ông không hiểu? Nhưng tôi mắc chứng gì mà bữa nay thổ lộ hết cả với ông thế này. Ông hãy nghe
tôi, tha cho Satov, còn bọn kia thì mặc mẹ chúng, - kể cả Kirillov hiện đang cấm cung tại nhà của Filippov.
Satov cũng nương náu ở đó nữa. Bọn họ không ưa tôi bởi vì tôi đã hồi chánh. Nhưng, nếu ông hứa để Satov cho
tôi, tôi sẽ nạp chúng cho ông, cả bọn, dọn nguyên mâm. Xin ông tin nơi tôi, tôi sẽ giúp cho ông được rất
nhiều, ông Lembke ạ! Tôi theo dõi chúng vì lý do riêng. Tôi nói thực, cả cái nhóm khốn kiếp đó chỉ có chín
hay mười mống, và ông đã biết được ba mạng rồi: Satov, Kirillov, và viên thiếu úy kia. Tôi còn phải khám phá
ra những tên còn lại, nhưng ông cứ tin là tôi không đến nỗi đui! Tôi cam đoan rồi chuyện cũng đến như ở tỉnh
Kharkov mà thôi. Ở đó, người ta tóm được một mớ cùng với truyền đơn: hai sinh viên, một học sinh, hai thanh
niên con nhà tử tế, một giáo viên, và một thiếu tá hồi hưu, đã sáu mươi tuổi rượu chè be bét đến mụ cả
người. Tất cả chỉ có thế, tôi cam đoan với ông như vậy. Nhà cầm quyền quả tình chưng hửng khi thấy không còn
gì khác hơn nữa. Nhưng tôi cần sáu ngày. Tôi đã tính toán kỹ lưỡng rồi: phải đúng sáu ngày mới được. Nếu ông
muốn có kết quả, thì ông đừng động tới bọn chúng trước thời gian đó, và tôi sẽ giao bọn chúng cho ông nguyên
cả một xâu. Còn nếu ông tìm cácn can thiệp trước, động ổ bọn chúng sẽ bay hết, mất cả chì lẫn chài. Nhưng
tôi muốn Satov và tôi chỉ bằng lòng thực hiện việc đó nếu ông hứa để hắn cho tôi. Theo tôi nghĩ cách hay
nhất là cho gọi hắn tới văn phòng của ông, một cách kín đáo, và dò hỏi hắn với tư cách một người bạn. Thoạt
đầu, phải cho hắn thấy trước là ông đã tỏ rõ hết ngọn ngành... Tôi chắc chắn hắn sẽ quì sụp xuống chân ông
mà khóc. Đó là một kẻ khốn khổ và rối trí; vợ hắn ta thường lăng nhăng với Nicolai Xtavroghin. Ông cứ đối xử
tử tế là hắn ta sẽ tự kể cho ông nghe hết mọi chuyện. Nhưng, phải chờ cho đủ sáu ngày đã, và cốt nhất là ông
chớ có hé môi, dù chỉ một lời, hay nói bóng nói gió, cho bà nhà biết. Phải tuyệt đối kín tiếng. Ông nghĩ
xem, ông có thể giữ bí mật được
không?
Mắt ông tổng đốc trố ra, ông nói:
- Sao? Tất cả chuyện này anh chưa hề nói một tí gì cho bà Lembke hay cả à?
- Nói với bà ấy? Sức mấy! Đời nào tôi nói. Ông tổng đốc ơi, như ông cũng thấy, tôi hết sức quí mến tình thân
hữu của bà ấy cũng như rất coi trọng bà, và tất cả những thứ đó. Nhưng tôi có ngu gì mà phạm vào một sơ hở
như thế! Tôi không bao giờ trái nghịch lại ý bà ấy, vì như ông chắc cũng thừa rõ, làm thế nguy hiểm lắm. Tôi
có thể một đôi lần nói bóng nói gió một chuyện nào đó với bà bởi vì, bà ấy thích thế. Nhưng có bao giờ tôi
lại đi tiết lộ các tên tuổi cho bà ấy, như đối với ông được? Tại sao bây giờ tôi lại đến nói với ông? Lý do
là bởi vì dù sao ông cũng là một người đứng đắn, giầu kinh nghiệm cai trị. Ông kinh lịch đã nhiều, và tôi
chắc rằng những vụ như thế này ông đã rành từ trong ra ngoài và hiểu từng đường đi nước bước ngay từ thuở
ông còn ở Petersburg. Nếu tôi nêu hai tên kia ra với bà ấy, thế nào mà bà ấy chẳng làm rùm beng lên khắp nơi
khắp chốn. Như ông cũng biết, bà ấy chỉ cốt cho thủ đô phải lác mắt. Không được, ông ạ, bà ấy có nhược điểm
là hấp tấp
quá.
- Phải rồi, bà ấy cũng có phần hơi hăng một chút. - Ông Lembke lẩm bẩm tán đồng, vừa khoan khoái mà cũng vừa
bực mình là sao tên ó đâm này lại dám phê bình bà Julia một cách quá luông tuồng như
thế.
Piot’r, có lẽ nhận thấy rằng mình nói thế chưa đủ, quyết định nịnh nọt và chinh phục ông Lembke thêm chút nữa:
- Vâng, ông nói chí lý: hơi hăng. Bà nhà có thể là một người đàn bà có tài, học thức cao, nhưng nếu để bà dính
vào là thế nào cũng sổng cả bầy. Bà ấy không làm sao giữ bí mật cho được sáu giờ đồng hồ, chứ đừng nói là
sáu ngày! Ôi, ông tổng đốc ơi, chớ có bao giờ bắt một người đàn bà phải lặng im đến sáu ngày. Tôi mong rằng
ông cũng nhận cho là tôi có ít nhiều kình nghiệm, ít ra là trong những vụ như thế này. Tôi biết những gì tôi
đang đề cập, và ông cũng biết là tôi biết. Chắc chắn ông hiểu là tôi không xin ông hoãn lại cho tôi sáu ngày
kia chỉ vì tôi lăng nhăng vô lối, mà vì tình thế bắt
buộc.
Ông Lembke nói đắn đo:
- Tôi nghe nói khi anh ở nước ngoài về, anh có giãi bày với những nơi thích đáng về sự... sự hội ngộ của anh.
- Tôi có giãi bày cái gì, thì việc đó cũng không can hệ gì tới ai.
- Phải, tôi hiểu, tôi không muốn đi sâu vào những gì không liên quan đến mình. Nhưng tôi thấy, dường như cho
tới nay, anh phát biểu tư tưởng tại tỉnh này một cách rất khác - chẳng hạn về Kito giáo, về các cơ cấu xã
hội, và sau rốt, luôn cả về chế độ
nữa...
- Cho dù tôi có nói một số ý kiến, thì đã sao? Tôi vẫn còn giữ nguyên nếp suy tư ấy, có điều tôi cho rằng không
thể thực hành những tư tưởng đó, theo lối của bọn ngu xuẩn kia làm được. Cắn vào vai của sĩ quan thượng cấp
thì ích lợi quái gì? Thế chính ông chẳng đồng ý với tôi là gì, chỉ có phản đối là việc thực hiện còn sớm
quá?
- Khi tôi nói sớm quá, tôi đồng ý với anh về việc khác, đâu phải những thứ đó.
Piot’r tươi tắn nói:
- Ha ha, tôi thấy ông là con người cẩn thận, cân nhắc từng lời như một nhà ngoại giao. Cha nội ơi, chính để tìm
hiểu ông mà tôi nói ướm thử ông như thế. Tôi tìm hiểu thiên hạ toàn bằng đường lối ấy, chứ không riêng gì
với ông. Ông có muốn tôi nói ra cá tính của ông
không?
- Tại sao anh lại cần tìm hiểu cá tính tôi?
Piot’r cười to:
- Làm sao tôi trả lời được tại sao? Ông Lembke thân mến ơi, ông tinh quái lắm, nhưng tôi chưa nói tới chuyện đó
đâu, chắc chắn không đời nào. Ông hiểu không? Có lẽ ông hiểu chứ? Mặc dù tôi có thể đã giải thích ít nhiều
tại một số nơi khi tôi ở nước ngoài về, tôi thấy không vì một lý do gì mà một người có những tin tưởng chân
thành lại không hành động cho xứng hợp với những tin tưởng đó... Tuy vậy, không có ai ở trên đó yêu cầu tôi
dò xét ra tính của ông, và nói chung, tôi cũng chưa bao giờ đảm nhận một công tác như thế với họ. Xin ông
nắm vững cho điều này: lẽ ra tôi rất có thể cho ở trên đó biết tên hai người kia, khi giãi bầy về công việc
riêng tư của tôi, thay vì kể ra cho ông. Nếu tôi chỉ nhằm đến tài chính hay những lợi lộc khác, dĩ nhiên tôi
làm như thế này là ngu si, bởi vì họ sẽ coi là ông có công chứ không phải tôi. Dù sao tôi hành động cũng chỉ
vì Satov (giọng Piot’r cao thượng hẳn lên), tất cả là để cứu hắn ta mà thôi, nhân danh tình bạn trước đây
của chúng tôi. Hẳn nhiên là khi xong xuôi ông viết trình cho họ, nếu muốn, ông có quyền nhắc nhở khen cho
công lao của tôi một lời, nhất định là tôi không kiện ông đâu, hê, hê, hê! Thôi bây giờ xin từ giã. Tôi
viếng thăm quá lố. Chắc chắn, tôi cũng ba hoa quá nhiều, - anh ta nói pha trò thêm và đứng dậy.
Ông Lémbke cũng vừa đứng đậy vừa mỉm cười trước câu nói sau chót của Piot’r.
- Trái lại, trái lại, tôi rất vui mừng là chúng ta đã làm sáng tỏ ít nhiều điều là đằng khác. Tôi rất lấy làm
biết ơn anh đã vui lòng giúp đỡ chúng tôi, và xin: anh cứ yên chí rằng, để đáp lại tấm lòng nồng nhiệt của
anh, tất cả những gì nằm trong quyền hạn của
tôi,...
- Sáu ngày - điều cốt yếu là trì hoãn sáu ngày, và trong kỳ hạn đó ông không được làm gì kinh động. Tôi chỉ cần
có
thế.
- Xong rồi.
- Tôi không trói tay ông đâu, và dĩ nhiên tôi cũng đâu dám phạm thượng như thế. Ông vẫn phải canh chừng họ,
nhưng xin ông làm ơn đừng làm họ hoảng sợ khi chưa tới lúc. Việc này tôi xin trông vào sự sáng suốt và kinh
nghiệm của ông. Tôi tin chắc làm gì ông chả bủa chó săn ra khắp. Ha, ha! - Piot’r tuôn ra một cách vui vẻ
như một chàng tuổi trẻ vô tư
lự.
Ông tổng đốc mỉm cười nói nhún:
- Không, hẳn thế đâu. Thanh niên các anh lúc nào cứ ngỡ là nhà cầm quyền nhiều chó săn lắm... Nhưng này, anh cho tôi hỏi một câu khác nữa nhé. Nếu đúng như anh nói là Kirillov làm nhân chứng cho Xtavroghin trong vụ đấu súng, thì chắc hẳn Xtavroghin cũng...
- Xtavroghin làm sao?
- Tôi muốn nói: nếu họ thân thiết với nhau đến như vậy...
- Không, không, không! Dù thông minh cách mấy, ở điểm này ông cũng lầm rồi. Thực, ông còn làm tôi ngạc nhiên
nữa. Tôi cứ ngỡ là mọi chuyện ông đã rõ hết ngành ngọn rồi. Không, - Xtavroghin hoàn toàn trái nghịch, không
giống một chút gì... xin bố
cáo!
Ông Lembke nói, ra vẻ nghi ngờ:
- Thực vậy sao? Tôi khó tin quá. Nhà tôi bảo rằng, theo nguồn tin bà ta nhận được từ Peterburg thì Xtavroghin là một người có nhận được chỉ thị.
- Tôi không biết, không biết, không biết gì cả. Xin kiếu. Bố cáo. - Piot’r rõ ràng từ chối thảo luận thêm chút
nào về điểm này, anh vừa nói vừa lao ra cửa văn phòng tổng
đốc.
- Hãy khoan, Piot’r, đợi một chút. Tôi có một chuyện nhỏ khác muốn bàn với anh. Tôi không giữ anh lâu hơn đâu.
Ông ta lấy ở trong ngăn kéo bàn giấy một phòng bì.
- Đây là một món cũng nằm chung trong loại đó. Đưa cho anh xem chứng tỏ là tôi hết sức tin cậy anh. Nó đây. Anh
cho tôi biết ý
kiến.
Phong bì chứa một lá thư nặc danh gửi cho quan tổng đốc, mà ông mới nhận được ngày hôm trước. Piot’r chán chường ra mặt và đọc những dòng sau đây:
Thưa ngài:
Chức vụ của ngài đòi hỏi tôi phải xưng hô như trên. Bằng thư này, tôi muốn báo cho ngài hay hiện đang có những âm mưu chống các viên chức cao cấp chính quyền và chống lại xứ sở chúng ta. Sự vật đang đi theo chiều hướng đó. Chính tôi cũng đã phân phát những thứ ấy trong nhiều năm. Vô thần cũng là một lý tưởng nữa. Một cuộc nổi dậy đang được ấp ủ. Có hàng ngàn truyền đơn và cả trăm người sẵn sàng è cổ ùa đi bất cứ nơi nào mà họ sai phái, trừ khi nhà chức trách ra tay. Bởi vì những truyền đơn kia hứa hẹn quá nhiều điều tốt đẹp, mà dân chúng thì ngu ngốc, rồi lại thêm rượu nữa. Tôi sợ cả hai bên, và ân hận về những gì tôi chưa phạm, vì lỗi là do hoàn cảnh. Nếu ngài muốn một sự tố giác để cứu vãn tổ quốc, cũng như nhà thờ và ảnh tượng, thì tôi là người duy nhất có thể làm được điều đó, với điều kiện là Phòng Ba gởi ngay điện văn khoan hồng cho tôi; và chỉ mình tôi mà thôi. Còn những kẻ khác, họ sẽ phải trả lời trước pháp luật. Ngài hãy đốt một cây nến ở cửa sổ của người quản dinh mỗi buổi tối, để làm ám hiệu. Nhìn thấy nó, tôi sẽ tin ngài và đến hôn bàn tay nhà chức trách; miễn là có một khoản trợ cấp cho tôi, kẻo không làm sao tôi sống nổi? Nhưng còn ngài - ngài sẽ không hối tiếc vì chuyện này đâu và ngài sẽ nhận được một bội tinh cao cấp. Nhưng, chúng ta phải làm cho êm! Kẻo không chúng bẻ cổ tôi.
Lúc nào tôi cũng vẫn là kẻ đầy tớ tuyệt vọng quì dưới chân ngài.
Người tự do tư tưởng hối cải.
Nặc danh
Ông tổng đốc giải thích rằng thư đó bỏ vào nhà viên quản dinh ngày hôm qua, trong lúc mọi người vắng mặt.
Piot’r hỏi gần như lỗ mãng:
- Thế ông coi nó như thế nào?
- Tôi cho đó là một trò đùa.
- Tôi nghĩ rằng ông đúng. Tôi thấy khó ai mà lừa ông cho nổi.
- Tôi cho là thế phần lớn bởi vì thực ra nó xuẩn ngốc quá.
- Thế ông có nhận đước lá thư nặc danh nào khác nữa không?
- Có, hai cái.
- Cũng giọng văn như thế? Cũng tuồng chữ đó?
- Giọng văn khác và tuồng chữ khác.
- Nhưng họ viết có pha trò, như lá thư này không?
- Có, họ cũng định pha trò, nhưng thực ra chỉ càng lợm giọng.
- Như ông nói, ông đã nhận được những lá thư khác cùng một loại, thì lá thư này ắt là cũng phải phát xuất từ
một nguồn
đó.
- Đặc điểm chính của những lá thư này là sự xuẩn ngốc. Những người kia là kẻ có học - quyết là họ không viết lăng nhăng như thế này.
- Hẳn rồi. Dĩ nhiên là không.
- Nhưng giả sử người này thực sự muốn cung cấp tin cho chúng ta thì sao?
Piot’r nói cụt lủn cắt ngang:
- Hoàn toàn không thể xảy ra. Nghĩa lý ra làm sao mà lại điện văn của Phòng Ba, rồi lại trợ cấp? Rõ ràng, là chọc quê ông.
Ông Lembke xấu hổ đáp:
- Phải, tôi nghĩ là anh nói đúng.
- Tôi bàn với ông như thế này - để tôi giữ lá thư đó trong một thời gian. Tôi cam đoan sẽ tìm ra được người gửi. Còn sớm hơn là tìm được bọn kia nữa.
Ông Lembke đồng ý, mặc dù hơi ngần ngại:
- Được, anh giữ lấy.
- Thế ông đã đưa cho ai xem chưa?
- Chưa, dĩ nhiên là không. Đời nào tôi mà lại làm chuyện đó?
- Còn bà Lembke thì sao?
- Trời đất ơi! Anh nói cái gì vậy? Cốt nhất, là đừng cho bà ta xem! - Ông tổng đốc hốt hoảng kêu lên. - Nó sẽ
làm bà xỉu... và bà ta sẽ sinh sự với
tôi.
- Phải, bà ấy sẽ trách ông trước tiên, và nói rằng nếu người ta dám viết cho ông như vậy cũng là do lỗi ở ông.
Lý luận đàn bà ấy mà, biết thừa đi. Thôi, xin chào ông nhé. Tôi có thể đem tác giả lá thư này lại nộp cho
ông trong vòng hai hay ba ngày. Nhưng, cần nhất là ông nhớ đến thỏa ước của chúng
ta.