Lũ Người Quỷ Ám - Chương 31
4
Piot’r Verkhovenxki có thể không phải là một người ngu xuẩn, nhưng tù nhân khổ sai là Fedca đã nói đúng về anh ta, khi hắn bảo rằng: “Hắn ta sống với mẫu người do hắn bịa đặt ra”. Thế nên, sau khi giã từ ông Lembke, anh ta cảm thấy chắc chắn rằng ông tổng đốc sẽ kín miệng ít nhất trong sáu ngày, một thời gian trì hoãn anh ta cần thiết. Nhưng anh ta tự đánh lừa mình, và cái sai lầm của anh ta là đã tạo trong trí tưởng tượng hình ảnh một ông tổng đốc Lembke ngốc nghếch.
Giống như bất cứ một kẻ nào khác mà nghi ngờ đã trở hành mệt căn bệnh, ông Lembke thoạt tiên bao giờ cũng hớn hở khi một điều mơ hồ bị xóa tan. Ông cảm thấy tình thế đã xoay sang chiều hướng tốt, mặc dù những cái rắc rối phiền hà nó gây ra cho ông. Ít nhất, những điều hồ nghi ám ảnh ông từ trước đã chứng tỏ hoàn toàn vô căn cứ. Thêm nữa, mới đây ông cảm thấy quá mệt, quá kiệt lực một cách vô vọng, tới nỗi tự nhiên ông trông mong an nhàn. Nhưng, hỡi ôi, những điều gở mới lại bắt đầu ùa đến xâm chiếm ông. Khoảng thời gian dài ở Petersburg đã ghi một dấu vết không bao giờ phai nhòa lên con người ông. Ông biết rành về “thế hệ mới”, vì với địa vị chuyên môn của ông, ông quá quen với những hồ sơ mật về họ, và ông còn là một người tò mò ưa sưu tập truyền đơn của họ. Tuy vậy, ông không bao giờ có thể hiểu được gan ruột của họ. Bây giờ ông cảm thấy mình như một đứa bé lạc trong rừng già. Một tiếng nói tự thâm tâm mách cho ông biết rằng có một cái gì chương chướng và giả dối trong những lời lẽ của Piot’r. Ông cãi nhau với nó: “Nhưng, làm thế quái nào mà ai biết được cái bọn “thế hệ mới” đó sẽ làm gì, hay có những chuyện gì xảy ra trong bọn chúng?”
Như để làm ông càng bực mình thêm, cái đầu của Blium ló ra trong khe cửa. Suốt trong thời gian Piot’r có mặt, Blium lúc nào cũng ở lại ngay gian phòng kế cận. Anh chàng Blỉum này là bà con xa với ông Lembke, đó là một điều mà ông tổng đốc bao giờ cũng giấu giếm cẩn thận. Tôi xin cáo lỗi, nhưng tôi cảm thấy rằng, dù cho anh ta không quan trọng mấy, ở đây cũng cần phải nói qua loa về Blium. Đó là một kẻ thuộc cái loại lạ lùng gồm những người Đức “thất bại”, họ “thất bại” không phải là vì họ quá bất tài, mà thực ra không biết vì sao. Nhưng người Đức “thất bại” không phải là những sinh vật hoang đường - họ có thực, ngay cả ở nước Nga nữa - và tự hợp thành một chủng loại riêng. Ông Lembke luôn luôn tỏ ra quan tâm cho Blium một cách rất mực cảm động. Hễ khi nào có thể, và tùy theo bước tiến thân của ông trên hoạn lộ, bao giờ ông cũng chỉ định Blium vào chức vụ nào tốt đẹp nhất dưới quyền của ông. Nhưng Blium chẳng bao giờ gặp may. Hoặc chức vụ của anh ta bị bãi bỏ, hoặc một viên thượng cấp mới không có cảm tình mấy lại được thuyên chuyển đến. Có một lần anh ta suýt nữa phải xách chiếu ra tòa đại hình vì gây gổ với một công chức khác. Anh ta là một người tận tâm, nhưng thường tận tâm một cách không cần thiết, và bẳn tính chỉ làm anh ta thiệt thòi. Anh ta cao lớn, tướng đi hơi còng, tóc đỏ hoe, vẻ mặt u ám, và thực ra khá mẫn cảm. Dù nhiệt thành cách mấy, thường khi anh ta cũng bướng bỉnh như con lừa. Và khi anh ta giữ một lập trường bất di bất dịch, bao giờ anh ta cũng chọn sai mục tiêu và không đúng lúc. Hai vợ chồng anh ta và bầy con đông đảo đều trung thành một cách cuồng nhiệt với vị ân nhân. Ngoài ông Lembke ra chẳng có ai ưa anh ta cả. Bà tổng đốc mới gặp anh ta là đã ghét ngay, nhưng không bao giờ thuyết phục nổi chồng, vì ông vẫn khăng khăng giữ anh ta bên mình. Điều ấy đã là đề mục cho cuộc cãi cọ đầu tiên của hai vợ chồng, và nó xảy ra rất sớm - thực ra là ngay trong tuần trăng mật khi Blium ló mặt trên sân khấu, sau mấy ngày được che giấu trong hậu trường. Bà Julia sững sờ khi biết mối liên hệ họ hàng bí mật và xấu hổ giữa hai người. Mặc dù ông Lembke đã phải chắp tay năn nỉ và kể lại một cách hết sức cảm động tiểu sử buồn đau của Blium, và tình bạn giữa hai người từ hồi thơ ấu, bà Julia vẫn cảm thấy đó là một sự nhục nhã thâm căn cố đế, và bà dùng đủ mọi mưu kế, kể cả việc giả lên cơn động kinh ngất xỉu, để tạo sự đổ vỡ giữa hai người đàn ông. Nhưng ông Lembke không hề lay chuyển, và tuyên bố ông sẽ không chịu để Blium đi. Bà rất ngạc nhiên về sự kiên quyết của ông, và cuối cùng đành nhượng bộ cho phép chồng giữ Blium lại. Tuy nhiên, hai bên thỏa thuận với nhau rằng chuyện Blium có họ hàng với ông Lembke là một điều bí mật càng phải giữ kín hết sức, hơn cả trước kia nữa, và tên cùng phụ danh của anh ta cũng phải thay đổi, vì một sự ngẫu nhiên lạ lùng lại trùng với tên ông. Trong tỉnh Blium không chơi với ai ngoài một nhà bào chế thuốc người Đức. Anh ta không bao giờ đến thăm ai, và cũng như ở các nơi trước, anh ta sống một đời chật hẹp và khép kín. Từ lâu, anh ta đã được biết về những sáng tác văn nghệ thầm kín của ông Lembke. Thường khi, anh ta tình nguyện dự những buổi thính văn bí mật, và ngồi im lặng nghe ông Lembke đọc bản thảo tiểu thuyết, đôi lúc kéo dài đến sáu giờ đồng hồ liền; anh ta ngồi cứng ngắc, mồ hôi nhỏ giọt, hết sức cầm mình cho khỏi ngủ gà ngủ gật và cố giữ nụ cười trên môi. Khi về nhà, anh ta than với vợ, là một thiếu phụ cao và gầy, về cái đam mê khốn khổ của vị ân nhân đối với văn chương Nga.
Bây giờ, khi Blium bước vào, ông Lembke nhìn anh ta một cách thống khổ. Ông nói nhanh, bằng một giọng lo lắng, như sợ rằng Blium nối lại câu chuyện đã bị Piot’r làm gián đoạn:
- Blium, - tôi xin anh để tôi một mình.
Blium năn nỉ, kính trọng nhưng vẫn bướng bỉnh; anh ta khom lưng bước chậm lại phía ông tổng đốc:
- Tuy nhiên, tôi tin là chuyện đó vẫn có thể thu xếp một cách khéo léo và kín đáo, không ai hay biết, ông có đủ
thẩm quyền cần thiết để xử
sự.
- Anh biết không, Blium, anh trung thành với tôi quá, đến nỗi mỗi lần ngắm anh tôi không sao tránh được sợ hãi.
Ông bao giờ cũng thú vị nói những câu hay ho như thế, rồi lát nữa ông cảm thấy không còn gì đáng lo và đi ngủ kỹ, hài lòng về lời lẽ của mình. Nhưng như thế, về lâu về dài, ông chỉ tự hại thôi.
- Anh biết không, Blium, tôi vừa mới rút ra kết luận là bao lâu nay chúng ta đã sai lầm hết.
- Điều gì đã làm ông nghĩ như vậy? Người thanh niện hư hỏng kia, một kẻ mà chính ông cũng ngờ vực, đã nói với ông những gì? Gã đã nịnh hót tài văn chương của ông để chinh phục cảm tình.
- Anh không hiểu tí gì hết. Kế hoạch của anh khờ lắm.
Chúng ta sẽ không tìm thấy gì đâu, chỉ gây ra một loạt phản đối, và thành trò cười cho thiên hạ mà thôi. Rồi lại còn Julia Mikhailovna nữa...
Blium xích lại gần ông Lembke hơn, anh đặt bàn tay mặt lên chỗ trái tim và hỏi:
Tôi quyết chắc chúng ta sẽ tìm thấy những gì trông đợi. Chúng ta sẽ lục soát bất ngờ, vào lúc nửa đêm về sáng, triệt để tuân giữ đúng luật pháp, và kín đáo đến cùng. Mấy gã trẻ tuổi Liamsin và Teliatnicov xác nhận rằng chúng ta sẽ tịch thu được tất cả những gì mong muốn. Họ đã đến chơi nhà ông Xtepan Verkhovenxki lắm bận; không ai ưa ông ta cả. Bà Varvara rõ ràng đã quay lưng đi, và mọi người đàng hoàng - nếu trong đám dân cư thô lậu của cái tỉnh chó ăn đá, gà ăn muỗi này còn kiếm ra được một người đàng hoàng - đều đinh ninh rằng nguồn gốc vô thần và khuynh đảo xã hội đều núp náu ở đó. Tất cả những sách cấm đều chất tại nơi ấy - như cuốn Tư tưởng của Ryleev74 toàn bộ tác phẩm của Herzen, đủ hết. Tôi đã lập sẵn một danh sách gần trọn vẹn, trong trường hợp cần...
- Anh thực ngây thơ quá, anh Blium ạ, ai mà chẳng có những sách đó.
Blium vẫn tiếp tục, không để ý đến sự ngắt lời của ông tổng đốc:
- Nhưng ở đó còn vô số truyền đơn và tuyên ngôn nữa. Sau chót, tôi tin chắc chúng ta sẽ tìm ra được kẻ nào sản
xuất truyền đơn ở tỉnh này. Tôi xern ra Piot’r rất, rất là khả
nghi.
- Xem ra anh lẫn lộn cha với con hết rồi, Blium. Họ có tương đắc tí nào đâu, anh cũng biết chứ. Người con còn
cười thẳng vào mặt cha
nữa.
- Họ chỉ đóng kịch thôi.
- Blum, anh nhất định làm tôi phải phát điên hay sao! Anh thử nghĩ lại một chút xem: dù ai nói sao mặc lòng,
ông ta cũng là một nhân sĩ tỉnh nhà. Ông ta là một cựu giáo sư, có danh phận; rồi ông ta sẽ làm rùm beng
lên, và chúng ta sẽ trở thành trò cười cho thiên hạ; bọn kia lại sổng mất. Hơn nữa, anh thử nghĩ, rồi ra
Julia Mikhailovna sẽ nói
sao.
Nhưng Blium vẫn bướng bỉnh, không chịu nghe gì hết. Anh ta đấm ngực mà nói:
- Ông ta chỉ là giảng viên và chỉ vào ngạch giáo sư phụ tá lúc hồi hưu. Ông ta chưa hề được thưởng huân chương
gì và bị giải chức vì tình nghi hoạt động phản nghịch chống chế độ. Từ đó, ông ta vẫn bị mật vụ theo dõi, và
tôi chắc đến nay vẫn còn. Vì vậy, xét tình trạng bất an hiện nay, ông có bổn phận phải can thiệp. Ông đang
để lỡ cơ hội chứng tỏ khả năng xuất sắc bằng cách khám phá ra thủ
phạm.
Ông tổng đốc chợt la lên, vì vừa nghe thấy tiếng bà vợ ở phòng kế cận:
- Julia! Chuồn đi, Blium!
Blium rùng mình, nhưng chưa chịu bỏ cuộc. Anh ta lấy hai tay đập vào ngực mà nài nỉ:
- Ông cho phép, cho phép tôi hành động.
Ông Lembke nghiến răng khẽ thốt:
- Đi đi, đi đi! Để sau... rồi anh muốn làm sao thì làm. Ôi lạy Chúa!
Tấm màn dày trước cửa rẽ làm đôi và bà Lembke xuất hiện. Bà oai nghi dừng lại, lấy cặp mắt cao kì và khinh thị nhìn Blium từ đầu tới chân như thể ngay sự có mặt của anh ta cũng là một xúc phạm tới bà Blium cúi đầu lễ phép chào bà, và khom mình kính cẩn nhón bước ra phía cửa, hai tay khẽ dang ra.
Dù cho Blium hiểu theo nghĩa đen cái câu bực tức mà ông Lembke thốt ra sau chót - nghĩa là, cho phép anh tùy ý xử sự, - hoặc anh cho rằng làm như thế là tốt cho vị ân nhân của anh, trong niềm tin tưởng rằng anh có thể bảo đảm thành công tối hậu của kế hoạch, chúng ta cũng sẽ thấy là cuộc đàm thoại giữa quan tổng đốc và thuộc viên đó sẽ mang lại những hậu quả bất ngờ nhất. Những hậu quả này làm khối người vui cười, gây tiếng vang lớn, khiến bà tổng đốc nổi cơn thịnh nộ, và hoàn toàn xáo trộn đầu óc của ông Lembke, đẩy ông rơi vào tình trạng bất định thảm hại nhất chính ngay giây phút quyết liệt.
5
Piot’r ngày hôm ấy thực mệt nhoài, ở dinh tổng đốc ra, anh ta hối hả đến đường Giáng sinh, nhưng trên đường đi qua phố Chuồng Bò, anh ta phải tạt ngang nhà mà Karmazinov đang tạm trú. Anh ta chợt nhe răng cười, hin hin mũi, và ghé vào. Anh ta xưng tên và người hầu trở lại thưa:
- Ông chủ đang chờ ngài.
Điều này làm Piot’r khá sửng sốt: anh ta chưa hề hứa hẹn tới thăm Karmazinov bao giờ.
Nhưng sự thực nhà đại văn hào kia đang chờ đón anh ta. Đúng ra, ông đã mong anh ta từ hôm qua, hôm kia. Bốn bữa trước, Karmazinov đã trao cho Piot’r tập bản thảo của ông, nhan đề là Cảm tạ, mà ông định đọc tại buổi họp mặt văn nghệ do bà tổng đốc tổ chức: Karmazinov làm thuần vì lịch sự và chắc rằng hành vi của ông sẽ khiến chàng thanh niên nở mũi, vì nhờ đó có dịp làm quen với danh tác văn chương kia trước mọi người. Piot’r đã nhận thấy từ lâu là con người kiêu ngạo này, người đã bị danh vọng làm hư và cao kỳ bắc bực một cách khiếm nhã đối với kẻ phàm, con người “hùng tài đại trí” này, đang ra mặt vuốt ve chiều chuộng anh ta, đôi khi một cách quá ư lộ liễu. Anh ta phỏng đoán rằng, dù cho bậc vĩ nhân kia không xem anh ta như lãnh tụ thực thụ của toàn thể phong trào cách mạng bí mật, thì ít ra ông cũng cho anh ta là một trong những người thông suốt mọi bí mật của phong trào này ở nước Nga, và có một ảnh hưởng không thể chối cãi đối với thế hệ trẻ. Tâm trạng của “bộ óc thông minh nhất nước Nga” đó làm cho Piot’r chú ý, nhưng vì những lý do riêng, cho đến nay anh ta vẫn tránh không chuyện trò thân mật với ông.
Nhà đại văn hào Karmazinov tạm trú tại nhà của bà chị; bà này kết hôn với một điền chủ địa phương làm thị vệ tại triều. Cả hai vợ chồng đều hết lòng thán phục người em lừng danh, và hiện rất tiếc vì phải lên Moskva mà không ở được tỉnh. Căn nhà vì thế chỉ có một bà già trông nom. Bà này là một người họ hàng nghèo túng của viên thị vệ, và bình thường giữ nhiệm vụ quản gia. Từ khi Karmazinov đến cả nhà bắt đầu bước chân rón rén. Bà hầu như mỗì ngày đều gửi báo cáo về Moskva trình rõ cái ăn cái ngủ của bậc vĩ nhân; một lần bà còn đánh cả dây thép để báo cáo rằng, sau một bữa tiệc tại nhà ông thị trưởng, ông Karmazinov đã phải dùng một muỗng đầy thứ thuốc gì đó. Chỉ trong những dịp rất họa hoằn đặc biệt bà mới dám đặt chân vào phòng ông. Về phần Karmazinov, ông vẫn lịch sự với bà, tuy giọng nói có phần lạnh lùng, và chỉ khi nào cần gì ông mới cất tiếng hỏi bà.
Khi Piot’r bước vào, nhà đại văn hào kia dạng dùng bữa sớm với lườn bò và nửa li rượu vang đỏ. Mọi lần ghé thăm trước, Piot’r bao giờ cũng thấy ông dùng bữa sớm với lườn bò, và ăn ngay trước mặt khách mà không khi nào Karmazinov ra dấu mời chào. Thông lệ là sau món lườn thì tới một tách cà phê nhỏ. Người hầu mặc áo choàng và đeo bao tay, chân đi dép mềm, không gây tiếng động, phục dịch ông.
Karmazinov đang ngồi ở trường kỉ đứng dậy và vui vẻ kêu lên: “A!” Ông lấy khăn ăn chùi miệng rồi vội vã tiện ra để trao hôn với khách, theo thói quen của những người Nga một khi đã nổi danh. Nhưng bằng kinh nghiệm, Piot’r đã thừa biết là Karmazinov chỉ làm ra vẻ ôm hôn người khác, trong khi thực sự ông chỉ giơ má chờ người ta hôn, mặc dù chính ông mở màn cho nghi lễ. Piot’r cũng chìa má của mình ra. Thế là lần này hai má đụng nhau. Karmazinov làm như không nhận thấy thủ đoạn ấy; ông ngồi uống trường kỉ vui vẻ ra dấu cho Piot’r ngồi cái ghế bành đối diện. Anh ta lập tức ngả mình xuống ngay. Trái với lệ thường, Karmazinov lên tiếng hỏi, nhưng ngầm gợi ý một sự từ chối một cách lịch sự:
- Anh hẳn đã dùng bữa rồi chứ?
Hẳn nhiên là Piot’r đáp liền ngay là chưa và anh sẵn sàng dùng bữa. Gương mặt chủ nhân thoáng vẻ ngạc nhiên bất bình. Nhưng nó chỉ lộ trong giây phút. Ống nóng nảy rung chuông gọi người hầu, và dù giọng ông vẫn hoàn toàn nhã nhặn, người ta vẫn nhận thấy một chút gì bực tức gay gắt, khi ông sai người hầu dọn thêm phần ăn cho một người nữa. Karmazinov hỏi:
- Anh thích dùng gì, lườn bò hay cà phê?
Piot’r vừa trả lời vừa chăm chú quan sát trang phục của nhà văn:
- Luôn cả hai chứ: lườn bò và cà phê, và dĩ nhiên, tôi ưa có thêm chút rượu vang nữa. Đói lắm rồi.
Ông Karmazinov mặc một thứ áo chẽn kép trong nhà có gắn khuy xà cừ. Áo khí ngắn và phình căng trên cái bụng to bệu tròn trịa của ông. Nhưng thôi, mỗi người có một thị hiếu. Hai mảnh len đan hình quả trám che đôi đầu gối của ông và chảy dài chạm đất, mặc dù căn phòng cũng ấm áp chán.
Piot’r cất tiếng hỏi:
- Ông bị đau hay sao?
Nhà văn trả lời the thé, nhưng điệu bộ nắn từng tiếng và uốn éo giọng một cách quí phái:
- Không, tôi đâu có đau, nhưng tôi sợ có thể dễ bị cảm với thời tiết này. Tôi mong anh từ hôm qua.
- Sao vậy? Tôi có hẹn sẽ đến khi nào đâu?
- Phải, anh không hẹn, dĩ nhiên rồi, nhưng anh giữ tập bản thảo của tôi. Anh đã đọc chưa?
- Bẳn thảo ư? Bản thảo gì?
Karmazinov hoảng kinh. Ông giật mình đến ngừng cả ăn, mà nhìn Piot’r chòng chọc soi mới.
- Thể anh có mang theo không? Anh có giữ trong mình bây giờ đó không?
- À, ông muốn nói cái xấp Thân chào đó, phải không?
- Cảm tạ...
- Thì Cảm tạ, cũng được. Không, tôi quên bẵng nó mất rồi. Tôi chưa ngó ngàng gì đến nó cả. Bận quá đi mất.
Dường như túi trên, túi dưới gì đều không có cả; chắc tôi để nó trên bàn ở nhà rồi. Nhưng ông đừng lo, thế
nào tôi cũng tìm ra
mà.
- Không được, tôi nghĩ phải sai người đến chỗ anh ở mới được, kẻo nó lạc mất - hay kẻ nào khác lấy trộm mất.
- Ai trên đời này thèm ăn trộm nó làm gì! Mà việc gì ông phải cuống lên? Bà Lembke nói rằng bao giờ tác phẩm
ông cũng có mấy bản, một gửi ở văn phòng luật sư tại nước ngoài, một để ở Petersburg, một để ở Moskva, và
một cất trong tủ sắt của ông ở ngân hàng. Có đúng như vậy
không?
- Nhưng, anh cũng biết, Moskva cũng có thể cháy tiêu với luôn bản thảo của tôi. Không được, tốt hơn tôi nên sai
một người tới ngay nhà
anh.
- Khoan đã, nó đây rồi! - Piot’r thình lình kêu lên, và rút một xấp giấy ở sau túi quần ra. - Xin lỗi, nó hơi
bị nhàu nát. Thử nghĩ xem kể từ lúc tôi lấy của ông, nó vẫn nằm nguyên ở sau túi quần tôi cùng với chiếc
khăn tay. Tôi quên tiệt nó đi
mất.
Karmazinov hăm hở chộp ngay lấy tập bản thảo, ngắm nó tỏ ra hết sức quan hoài, đếm từng tờ, rồi trịnh trọng đặt nó bên cạnh người, trên một chiếc bàn tròn nhỏ, mà chốc chốc ông lại ngó chừng. Ông rít lên, cầm mình hết nổi:
- Anh không có vẻ ham đọc cho lắm.
- Phải, chẳng ham mấy.
- Thế về văn chương Nga hiện đại, anh có đọc cái gì không?
- Về văn chương Nga hiện đại? Xem đã... tôi có đọc... Dọc đường... Lên đường, hay Ngã tư đường gì đó, tôi nhớ
không rõ cho lắm. Tôi đọc đã lâu rồi, năm năm thì phải. Tôi không có lấy thì giờ đọc
nữa.
Một lúc im lặng. Sau một lát, Karmazinov nói:
- Khi tôi mới tới đây, tôi cam đoan với mọi người rằng anh là một người cực kỳ thông minh, và dường như bây giờ
thiên hạ ai cũng say mê anh
cả.
Piot’r trả lời thản nhiên:
- Cảm ơn.
Bữa ăn dọn ra. Chàng thanh niên khoan khoái tấn công miếng lườn ngấu nghiến chỉ nháy mắt là xong. Anh uống li rượu vang, rồi bắt đầu nhấm nháp cà phê. Karmazinov nhai miếng thịt, sau chót, hớp ngụm rượu cuối cùng, khẽ đưa mắt liếc Piot’r và nghĩ: “Tên vô học này có lẽ đã thấu hiểu lời mỉa mai của ta. Chắc hẳn hắn cũng đã say sưa đọc bản thảo của mình - nhưng chỉ khoác lác làm bộ làm tịch. Nhưng biết đâu hắn không phải giả vờ, mà là ngốc thực sự. Nhưng ta thích những thiên tài có đôi phần ngốc nghếch, và không chừng hắn là một thiên tài thực. Dù sao, cũng mặc xác hắn!”
Nhà văn đứng dậy và bắt đầu bước tới bước lui trong phòng cho dễ tiêu. Sau bữa ăn nào ông cũng vận động như thế. Piot’r hỏi ông:
- Ông có ở lại đây lâu không?
- Thực ra, tôi về đây để bán điền sản; mọi chuyện đều tùy thuộc vào viên quản lý.
- Ồ, vậy ra không phải ông về nước vì sợ có nạn dịch xảy ra ở Pháp sau chiến tranh75 sao?
- Khô... ông... đó không hẳn là lý do. - Ông vừa làm duyên uốn éo câu nói vừa bách bộ trong phòng, và mỗi lần
quay lại ông đều gõ bàn chân phải. Ông cười gằn một cách độc địa và nói tiếp: - Mặc dù, tôi nhất quyết sống
dai chừng nào hay chừng ấy. Trong giai cấp thượng lưu Nga có một cái gì mòn mỏi rất chóng, về cả mọi mặt.
Nhưng tôi mong ước càng mòn mỏi chậm càng hay, và vì thế tôi định sẽ ra nước ngoài sống luôn. Khí hậu ở bên
ấy tốt hơn, nhà xây bằng đá hợp vệ sinh hơn, và mọi thứ đều chắc chắn hơn. Tôi nghĩ châu Âu còn vững bền khá
lâu - ít nhất cho đến hết đời tôi. Anh có thấy thế
không?
- Tôi biết thế quái nào được mà ông hỏi.
- Hừ. Nếu cái Âu châu Babylon76 kia có ngày nào sụp đổ thì đó thực là một tai họa vĩ đại. Tôi đồng ý với anh về
điểm đó, mặc dầu, như tôi đã nói, tôi chắc chắn nó còn tồn tại cho đến hết đời tôi. Còn về nước Nga, thì
trái lại, chẳng có gì để sụp đổ cả. Nước Nga thần thánh tuyệt đối không có khả năng kháng cự lại bất cứ cái
gì, thua hẳn các xứ khác. Đám quần chúng ngu ngốc còn bám vào Thượng đế của nước Nga mà tạm sống cho qua
ngày, nhưng theo những báo cáo mới nhất, vị Thượng đế ấy cũng không còn đáng tin cậy nữa và việc giải phóng
nông nô cải cách ruộng đất đã làm ngài đứng không còn vững nữa. Nói cho ngay, ngài đã trở thành rất lung
lay. Bây giờ lại có thêm đường xe lửa và thanh niên các anh... tôi hoàn toàn hết tin tưởng vào Thượng đế của
nước Nga
rồi.
- Thế còn Thượng đế của Âu châu?
- Tôi không tin vào Thượng đế nào cả. Tôi đã bị xuyên tạc trước thế hệ thanh niên nước này. Tôi đồng tình với
hầu hết các vận động của giới trẻ. Tôi đã thấy những truyền đơn lưu hành ở đây. Nhiều người sửng sốt vì lời
lẽ trong đó, tuy nhiên họ không ngờ rằng chính họ đã bị thông diệp mạnh mẽ kia ảnh hưởng. Đã từ lâu tất cả
chúng ta trượt xuống “hố thẳm”, mà cảm thấy không có gì bám víu. Riêng tôi, tôi đinh ninh rằng sự tuyên
truyền bí ẩn kia sẽ thành công, bởi vì nước Nga mới chính cống là nơi trên thế giới mà chuyện gì cũng có thể
xảy ra, không gặp sức kháng cự nào hết. Tôi hiểu rất rõ tại sao những người Nga giàu có lại đổ xô đi nước
ngoài và mỗi năm con số di cư lại mỗi tăng. Họ chỉ hành động theo bản năng đó thôi. Khi cái tàu đắm, lũ
chuột bỏ trốn đầu tiên. Nước Nga thần thánh là một nước nghèo nàn, nhà cửa bằng gỗ, và... nguy hiểm. Đó là
một nước gồm những kẻ ăn mày, thứ ăn mày kiêu căng trong tầng lớp thượng lưu, trong khi đại đa số chui rúc
trong những lều gỗ ọp ẹp. Dân chúng Nga sẽ chào đón bất cứ giải pháp nào, miễn là có người đưa ra. Những kẻ
đương quyền còn cố chống lại, nhưng chỉ còn biết múa dùi cui loạn xạ, đập cả lên đầu chính những kẻ ủng hộ
họ: Mọi thứ ở nước này đều tới số. Nước Nga như hiện tình chẳng có tương lai gì. Tôi đã trở thành một người
Đức, và tôi lấy làm hãnh diện
lắm.
- Ông mới nói đen các truyền đơn; tôi muốn biết thực sự ông nghĩ sao về chúng?
- Ai cũng sợ truyền đơn cả; như vậy chúng phải có tác dụng lớn. Chúng phơi bày các sự giả trá, và chứng minh
rằng trong xứ sở này người ta không thể dựa vào hay trông mong được gì nữa. Chúng nói lên trong khi mọi
người xung quanh đều im hơi lặng tiếng. Điểm mạnh, nhất của chúng - mặc dù lời lẽ và cách hành văn - là sự
táo tợn đối diện với sự vật thực tế. Khả năng đối diện với chân lý chỉ riêng thế hệ trẻ ở Nga ngày nay mới
có. Tại Âu châu, họ chưa táo bạo đến thế; bên đó có những cơ cấu bằng đá và dân chúng còn có cái gì bấu víu
vào. Theo những gì tôi thấy và phán đoán, chủ chổt của tư tưởng cách mạng Nga là sự phủ nhận danh dự. Tôi
thán phục cái lề lối thẳng thắn và táo tợn của họ khi bầy tỏ điều đó. Ở Âu châu người ta chưa hiểu tư tưởng
ấy đâu, nhưng ở Nga đó chính là cái dân chúng sẽ vồ vập lấy. Đối với một người Nga, danh dự không là cái gì
khác hơn một gánh nặng; nó hoàn toàn vô dụng trong suốt lịch sử chúng ta. Nhân dân Nga sẽ nồng nhiệt ùa theo
kẻ nào hứa hẹn với họ cái quyền tha hồ xử sự một cách bất kể đến danh dự. Chính tôi, tôi thuộc vào thế hệ
đứng tuổi, và tôi phải nhận rằng tôi còn bám lấy danh dự. Nhưng cái đó với tôi chỉ là một thói quen không
hơn không kém. Không chừng tôi chỉ thích cái lề lối xưa là vì hèn nhát - thôi thì ai cũng phải sống cho mãn
kiếp, và chết theo những nguyên tắc mà cả đời đã bám víu
vào...
Ông thình lình ngưng nói và mơ màng nghĩ: “Mình nói cho cố mạng trong khi hắn ngồi im giương mắt ra mà ngó. Hắn tới đây mong ta hỏi thẳng một câu, thì ta hỏi cho rồi.”
Nhưng bất chợt Piot’r mở miệng:
- Bà Lembke nhờ tôi đên dây, bằng mọi cách, tìm cho ra ông đang sửa soạn món bất ngờ gì cho buổi dạ hội vào
ngày hôm
kia.
Karmazinov trịnh trọng nói:
- Phải lắm. Tôi có một bảo bối sẽ làm cho thiên hạ phải thực sự ngạc nhiên. Nhưng tôi không tiết lộ bí mật đâu.
Piot’r cũng không nài. Nhà văn hào lại hỏi:
- Anh hẳn biết một tay tên là Satov sống ở đây chứ? Anh thử nghĩ - tôi vẫn chưa có dịp gặp y.
- Tay đó hay lắm. Nhưng ông hỏi làm gì?
- Ồ, không có gì đặc biệt, nhưng dường như hắn đi lung tung nói đủ thứ chuyện. Phải hắn là người đã thoi vào
mặt Xtavroghin đó
không?
- Chính hắn.
- Anh nghĩ ra sao về Xtavroghin?
Piot’r lẩm bẩm:
- Tôi không rõ - dường như cũng chỉ là một thứ chơi bời.
Gần đây, Xtavroghin có vẻ không thèm để ý đến ông nên Karmazinov rất căm. Ông cười giả tạo:
- Nếu có khi nào các điều mà truyền đơn chủ trương được thực hiện, tôi cho rằng kẻ chơi bời đó sẽ là một trong
những người đầu tiên bị treo cổ lên ngọn
cây.
Piot’r nói phắt ngay:
- Có thể trước đó nữa.
Karmazinov không cười nữa; giọng ông nghiêm chỉnh quá là đằng khác:
- Càng tốt cho hắn.
- Ông nhớ không, ông đã nói câu đó một lần rồi, và tôi đã kể lại cho anh ta nghe là chính ông nói.
Karmazinov cười mà hỏi lại:
- Anh bảo với hắn ta thực à?
- Và ông biết anh ta nói gì không? Anh ta bảo rằng trong khi anh ta có thể bị treo cổ lên ngọn cây, thì đối với
ông chỉ cần đánh đòn một trận là đủ - không phải đánh chiếu lệ đâu, mà đánh cho ra trò như kiểu đánh đòn bọn
nông nô
vậy.
Piot’r đứng dậy và quơ lấy mũ. Lúc từ giã, Karmazinov giơ cả hai tay ra bắt. Cái giọng the thé của ông bỗng đổi sang ngọt như đường. Ông vừa cầm lấy đôi tay của Piot’r vừa nói:
- Anh nói cho tôi biết, nếu tất cả những gì dự tính sẽ xảy ra thì... thì... nó đến vào lúc nào?
Giọng Piot’r khá sỗ sàng:
- Làm thế quái nào tôi biết được?
Họ im lặng nhìn vào mắt nhau một hồi. Karmazinov nằn nì, giọng càng dịu êm hơn bao giờ hết:
- Phỏng chừng? Đại khái thôi?
- Ông có đủ thì giờ để bán điền sản và xéo khỏi nơi đây, - Piot’r nói càng thêm sỗ. Họ nhìn nhau đăm đăm trong
im lặng kéo dài trong một phút. Rồi Piot’r đột ngột loan báo: - Nó sẽ bắt đầu vào tháng Năm, và mọi chuyện
sẽ xong xuôi vào tháng
Mười.
Karmazinov nắm chặt hai bàn tay của Piot’r mà nói một cách nồng nhiệt:
- Cám ơn anh, thành thực cám ơn anh lắm lắm!
Ra đến đường, Piot’r nghĩ ngợi: “Mi vẫn còn đủ thì giờ để bỏ tầu, lão chuột già kia ơi! Phải, phải, phải, ngay đến con người “hùng tài đại trí” kia mà còn kín đáo hỏi đến cả ngày giờ, và hạ mình cảm ơn khi ta cho biết, tin như thế đó, thì thử hỏi làm sao chúng ta còn có thể tự nghi ngờ được? - Anh ta cười gằn: - Lão ta thực ra cũng không đến nỗi ngu ngốc, nhưng chỉ là một thứ chuột chạy trốn, - hẳn sẽ không đi chỉ điểm ta. Cái ngữ đó có bao giờ dám.
Thế rồi anh ta hộc tốc băng lại nhà Filippov ở đường Giáng sinh.