Lũ Người Quỷ Ám - Chương 36

Chương Mười

QUÂN CƯỚP - MỘT SÁNG ĐỊNH MỆNH

1

Biến cố xảy ra trên đường tới dinh tổng đốc thật là kì quặc. Thiết tưởng tôi nên tuần tự kể lại. Khoảng một giờ trước khi ông Xtepan và tôi bước ra đường, một đám già bảy chục thợ thuyền thuộc nhà máy Spigulin đã tuần hành qua thành phố, trước con mắt tò mò của đám đông dân chúng. Đoàn người đã bước đi trong im lặng và trật tự. Về sau, có người nói bảy chục người này đã được bầu ra trong số chín trăm người thợ của nhà máy, để khiếu nại lên vị tổng đốc về viên quản lí (chủ nhà máy đi vắng), sau khi đóng cửa nhà máy và sa thải công nhân, đã lừa gạt họ một cách vô liêm sỉ - một sự kiện nay đã được chứng minh, không còn ngờ vực gì nữa. Những người khác thì cho rằng bảy chục người kia không phải là đại diện của chín trăm thợ thuyền gì cả, bởi vì chẳng bao giờ người ta bầu ra một đoàn đại biểu đông như vậy; rằng họ chỉ là một mớ những cá nhân bất mãn nhất đối với những trường hợp riêng của họ, như vậy, không có vấn đề một cuộc nổi loạn có tổ chức. Một nhóm thứ ba thì một mực cho rằng bảy chục người kia không những là những công nhân nổi loạn, mà tệ hơn nữa, còn là những người làm cách mạng, gồm toàn những kẻ cuồng nhiệt nhất, chắc chắn đã bị lôi cuốn vào cái cơn sốt chính trị này bởi những tờ tuyên ngôn dấy loạn. Nói tóm lại, việc có một ảnh hưởng ngầm hay xúi giục nào hay không, cho đến nay vẫn không minh bạch. Theo quan điểm riêng của tôi, không biết có đúng không, chẳng có tuyên ngôn dấy loạn nào dính líu vào đây cả, dù cho công nhân có gặp hay đọc đi chăng nữa, chắc họ sẽ không hiểu lấy một chữ, bởi vì các tác giả của cái loại văn chương đó viết tối tăm đến nỗi khó mà biết ý nghĩa của nó ra sao. Và bởi vì sự thật các công nhân quả đã bị lường gạt ở nhà máy, trong khi chính quyền cảnh sát mà họ khiếu nại có vẻ thờ ơ với trường hợp của họ, nên họ biết làm gì khác hơn là thử đích thân đi gặp vị tổng đốc, và, nếu có thể, trình một đơn thỉnh nguyện lên cho ngài, quì trước chân ngài như trước đấng Tạo hóa và tin tưởng nơi đức công minh của ngài? Tôi nghĩ ở đây không cần gì phải nổi loạn hay lập một phái đoàn đại diện, bởi lẽ theo một tập tục lịch sử cổ truyền, dân Nga bao giờ cũng thích nói chuyện trực tiếp với “ông lớn”, dù giản dị vì thích như vậy, bất kể những cuộc nói chuyện như thế có thể gây ra những hậu quả gì.

Cho nên tôi tin tưởng rằng nếu Piot’r, Liputin, hay ngay cả Fedca có len lỏi vào đám công nhân (có những bằng chứng cụ thể là chuyện này có) để nói chuyện, họ không thể tiếp xúc với quá hai hay ba người, nhiều nhất là năm người; dù rằng đó chỉ là một cuộc thí nghiệm, rồi ra họ cũng phải hiểu rằng họ chỉ tốn nước bọt vô ích. Còn về chuyện một cuộc nổi loạn - dù cho những công nhân nhà máy có hiểu được tí nào sự tuyên truyền nhắm vào họ, điều chắc chắn là họ sẽ thôi ngay không nghe nữa, bởi vì sự tuyên truyền có vẻ rỗng tuếch và không thích hợp với họ. Tuy nhiên, với Fedca thì lại khác. Hắn có vẻ như thành công hơn Piot’r. Bây giờ, đã có bằng chứng chắc chắn là Fedca và hai công nhân nhà máy đã dính líu trong việc gây ra một vụ hỏa hoạn trong thành phố ba ngày sau đó. Ba tháng sau, ba công nhân khác bị bắt ở quận và bị truy tố về tội đốt nhà. Nhưng dù cho Fedca có lôi kéo được vài ba công nhân hành động trực tiếp, con số cũng chỉ gồm năm người đó, bởi vì không có công nhân nào khác ở xưởng bị buộc vào một tội gì.

Dù sao đi nữa, chỉ thấy các công nhân lặng lẽ tới và đứng thành hàng lối trật tự trong cái quảng trường nhỏ đối diện với dinh tổng đốc. Tôi nghe nói, ngay khi sắp tới dinh vị đầu tỉnh, họ bỏ mũ xuống, mặc dù khi đó vị tổng đốc không có nhà. Các giới chức cảnh sát tới nơi ngay, lúc đầu là những cảnh sát viên lẻ tẻ, sau đó nguyên một phân đội. Dĩ nhiên, họ ra lệnh cho đám người biểu tình giải tán. Nhưng các công nhân đứng nguyên tại chỗ một cách cứng đầu, như một đàn cừu bị dồn vào chân tường, và tuyên bố trắng ra là họ tới để gặp chính vị “quan lớn”. Tiếng la gượng gạo của cảnh sát chấm dứt, nhường chỗ cho những lời bàn cãi thì thào, những lời nhỏ to bí ẩn, và vài cái nhăn mày bất tường của các giới chức cảnh sát có trách nhiệm. Cuối cùng viên cảnh sát trưởng quyết định chờ tổng đốc Lernbke trở về. Chuyện ông Lembke ngồi trên chiếc xe tam mã chạy hết tốc lực và xông vào đám biểu tình, trước khi ông đặt chân xuống đất, là một chuyện hoàn toàn bịa đặt. Mặc dù sự thực ông thích đi xe với tốc độ như bay, trên chiếc xe phía sau sơn màu vàng của ông, và, khi mây con ngựa say tốc độ, càng lúc càng phóng như điên, ông ưa đứng thảng người lên, một tay nắm vào một sợi dây da mà ông gắn thêm vào xe, tay kia đưa thẳng tới trước như một hình ảnh ở khải hoàn môn. Cứ thế ông đi thị sát thành phố, trước sự khoái trá ra mặt của những chủ tiệm tạp hóa. Nhưng trong trường hợp này, ông đã không đối xử mạnh bạo, mặc dù, dĩ nhiên, ông khó lòng dằn được vẻ khó chịu khi bước xuống xe; nhưng ngay khi đó, ông cũng còn để mắt tới tiếng tăm của mình. Còn những chuyện về việc tập họp binh sĩ với súng gắn lưỡi lê, và việc gửi điện tín xin tăng cường pháo binh cùng lính Cozac, còn hoang đường hơn. Đó chỉ là những chuyện giả tưởng và hiện giờ thì không còn ai tin nữa. Chuyện lính cứu hỏa xịt nước vào đám đông cũng hoàn toàn bịa đặt. Huyền thoại đó được tung ra bởi vì viên cảnh sát trưởng trong cơn nóng giận đã la lên với đám đông rằng sẽ không có người nào chạy thoát và tất cả sẽ “ướt như chuột lột khi về đến nhà”. Nhưng những tờ báo ở Moskva và Petersburg đã đăng tin lính cứu hỏa tưới nước như trút vào đám đông. Theo tôi, lời tường thuật đứng đắn nhất là chuyện một vòng đai cảnh sát lập tức được tung ra quanh những người thỉnh nguyện và một chiếc xe cảnh sát chở một thông tin viên đặc biệt được phái chạy về Xcvoresniki, hướng mà nửa giờ trước vị tổng đốc đã đánh xe đi.

Nhưng đến nay, điều đối với tôi vẫn còn bí ẩn là làm sao một nhóm bảy chục người thỉnh nguyện không vẻ gì bất thường đặc biệt lại có thể, trong nháy mắt như vậy, được biến thành một cuộc nổi loạn đe dọa cả những nền móng của xã hội. Tại sao chính ông Lembke lại có nhận định đó khi ông trở về cùng với người thông tin viên hai mươi phút sau? Theo ý riêng tôi, chính vị cảnh sát trưởng nói trên (một bạn thân của viên quản lý nhà máy) vì quyền lợi riêng, đã trình bày về đám đông với vị tổng đốc theo chiều hướng đó, để nội vụ khỏi bị điều tra. Nhưng chính vị tổng đốc mới là người cho ông ta ý kiến trên. Trong mấy ngày trước biến cố, hai người đã bí mật thảo luận hai lần, và mặc dù những cuộc thảo luận này được tiến hành qua những lời lẽ mơ hồ, viên cảnh sát trưởng đã ra về với cảm tưởng dứt khoát và vị tổng đốc đã nhất quyết nghĩ rằng những tờ truyền đơn chính trị đang có hiệu quả, đến nỗi có thể ông sẽ bất mãn nếu những lời đồn đại về một âm mưu nổi loạn trở thành vô căn cứ. Viên cảnh sát trưởng nghĩ thầm: “Chắc ông ta muốn nổi danh và gây tiếng vang ở Petersburg đây. Ờ, tại sao không? Có thể ta cũng có phần vào đó”.

Tuy nhiên, tôi dám chắc vị tổng đốc đáng thương của chúng tôi cũng chẳng trông mong gì một cuộc nổi loạn, dù để có dịp nổi tiếng. Ông là một viên chức tận tâm, cho tới ngày lập gia đình, ông hoàn toàn không có tham vọng gì. Và có thật ông có lỗi khi, thay vì giữ một chức vụ hiền lành dễ thương, lấy một cô vợ người Đức chất phác chăm lo cửa nhà cho ngăn nắp, ấm cúng, và được chính phủ trợ cấp củi, ông lại để vướng mắc vào một bà hoàng đã bốn chục cái xuân xanh và muốn nâng ông lên ngang hàng với mình? Tôi có thể nói hầu như chắc chắn rằng những triệu chứng bệnh thần kinh đó đã xuất hiện lần đầu từ cái buổi sáng định mệnh ấy, khiến cho ông phải sa vào cái dưỡng trí viện nổi tiếng kia ở Thụy Sĩ, nơi hiện ông đang tĩnh dưỡng. Nhưng, nếu chúng ta đồng ý rằng những triệu chứng của một cái gì sáng hôm đó trở nên rõ rệt, chúng ta phải công nhận những triệu chứng tương tự cũng đã có từ trước, mặc dù không rõ lắm. Tôi biết điều đó do những nguồn tin thân cận nhất. (Thôi được, nói trắng ra là sau này chính bà Lembke đã kể cho tôi một phần câu chuyện, khi bà cảm thấy không còn ở trên đỉnh vinh quang nữa và có phần hối tiếc - bởi vì một người đàn bà không bao giờ hoàn toàn hối tiếc). Dù sao, tôi biết rằng đêm hôm trước ông Lembke đã tới phòng vợ vào đúng ba giờ sáng, đánh thức bà dậy, và yêu cầu bà lắng nghe “tối hậu thư” của ông. Thật vậy, ông thôi thúc đến nỗi bà buộc phải xuống giường đầy phẫn nộ, trong khi tóc còn lủng lẳng những lọn quăn. Bà ngồi thẳng người trên chiếc trường kỷ để nghe ông nói hết, mặc dù, quả thật, bà đã cố ý nhăn mặt nhạo báng. Chính lúc đó là lần đầu tiên bà ý thức được ông chồng lên cơn tới mức nào. Bà rùng mình sợ hãi. Đáng ra, đó là lúc để bà tỉnh ngộ và chấp nhận một thái độ dịu ngọt hơn, nhưng bà cố dằn cơn xúc động và càng cứng đầu hơn bao giờ. Giống như tất cả các bà vợ khác, bà có những đường lối riêng để điều động chồng, và, trong lúc sử dụng, bà thường làm cho chồng điên tiết lên. Phương pháp của bà Lembke nằm trong sự im lặng khinh thị có thể kéo dài một giờ, hai giờ, một ngày, và đôi khi lên tới ba ngày. Bà duy trì sự im lặng, không cần biết chuyện gì xảy ra và bất kể chồng bà làm gì, dù ông có hăm dọa nhảy qua cửa sổ lầu ba cũng mặc. Vậy là đủ để đưa một người dễ xúc động tới hoàn toàn mất trí. Dù bà Julia đang trừng phạt chồng vì những nhận định sai lầm của ông trong mấy ngày mới đây, hay vì sự ghen tị của ông đối với khả năng hành chính của bà; dù bà phẫn nộ vì ông đã không tán đồng đường lối mà bà đối xử với đám trẻ, và nói chung đối với xã hội tỉnh tôi, hay tức giận vì sự ghen tuông ngu ngốc của ông về bà và Piot’r - bà quyết định lần này sẽ không chịu thua, bất kể sự khích động bất thường của chồng trong đêm khuya, cũng như bà chưa từng nhượng bộ bao giờ. Đi tới đi lui một cách nóng nảy trên tấm thảm mềm mại trong phòng trang điểm của bà, ông kể lể với bà mọi chuyện, sự thật chẳng ra đầu ra đũa gì nhưng là mọi chuyện đã quấy rầy ông, bởi vì, như lời ông nói, “đã quá sức chịu đựng của ông”. Ông tuyên bố khởi đầu rằng ông đã làm trò cười cho thiên hạ và ông đã tự để “bị xỏ mũi”. Ông la lên lanh lảnh chát tai khi ông nhận thấy cái cười gằn chế nhạo của bà: “Kệ mẹ cái thành ngữ đó. Phải, bị xỏ mũi - đó là sự thật. “Ông nói thêm: “Không, thưa bà, đây không phải lúc để cười hay làm duyên. Đây không phải là một cuộc nói chuyện trong phòng the. Chúng ta giống như hai linh hồn trong một quả bóng bay, bó buộc phải đối diện với sự thật!” Chắc chắn ông đã bị rối trí và không thể tìm những lời lẽ chính xác để diễn tả tư tưởng của mình, mặc dù những tư tưởng đó có thể chính đáng.

- Chính là bà, thưa bà, đã làm cho đầu óc tôi mất bình thường và gán ép cái chức tổng đốc vào tôi để thỏa mãn tham vọng của bà. Tôi thấy bà đang mỉm cười nhạo báng. Khoan, đừng vội đắc chí. Tôi nói cho bà biết rằng lẽ ra tôi thừa sức đảm đang một chức vụ như thế này hay gấp mười thế này, bởi vì tôi có thừa khả năng. Nhưng tôi không thể làm ăn gì được khi có bà bên cạnh, thưa bà, nguyên do là khi bà gần tôi, tôi mất hết khả năng. Không thể có hai trung tâm được, nhưng bà, bà cứ khăng khăng phải có hai trung tâm: một trong văn phòng của tôi và một ở đây, trong phòng the của bà. Tôi sẽ không dung thứ chuyện đó nữa! Trong chính quyền cũng như trong hôn nhân, chỉ có thể có một trung tâm, hai cái thì không còn ra thể thống gì nữa. - Ngừng lại một lúc, ông tiếp tục: - Còn cuộc hôn nhân của chúng ta đã đem lại cho tôi những gì? Suốt ngày, giây phút nào bà cũng cố chứng tỏ rằng tôi vô tích sự, không những ngu ngốc mà còn đáng khinh nữa, trong khi tôi đã cố tỏ ra rằng tôi không đến nỗi vô tích sự như vậy, tôi không ngu ngốc chút nào, và ai cũng phải thán phục vì sự chính trực và cao thượng của tôi. Bà có nghĩ như vậy là nhục nhã cả bà lẫn tôi không?

Tới đây, ông bắt đầu giậm cả hai chân trên thảm và bà cảm thấy bắt buộc phải đứng dậy với một vẻ khiển trách nghiêm khắc và trang trọng. Ông đang thao thao bất tuyệt bỗng câm như hến và quay ra ấm ức một mình. Ông bắt đầu khóc nức nở (phải, khóc nức nở thật), tay đấm ngực. Cứ như thế đến năm phút. Vị tổng đốc, tức điên người vì sự im lặng bướng bỉnh của bà vợ, hoàn toàn mất khôn và buột miệng nói rằng mình ghen với Piot’r. Rồi, nhận ra ngay cái sơ suất chết người của mình, ông càng giận dữ và la lớn rằng sẽ không “điềm nhiên tọa thị để họ chối bỏ Thượng đế”; rằng ông sắp “phá tan cái đám khách trời ơi đó của bà”; rằng bổn phận của một vị tổng đốc Nga là phải tin tưởng Thượng đế, do đó, vợ ông cũng có bổn phận như vậy; rằng ông sẽ không dung thứ “lũ thanh niên kia” nữa. Cuối cùng ông nói, giọng trách móc:

- Còn về phẩn bà, bổn phận của bà là phải hỗ trợ chồng bà, kính nể sự thông minh cũng như khả năng của chồng,

dù cho khả năng đó tầm thường chăng nữa (và tôi mong bà nhớ rằng khả năng của tôi không tầm thường tí nào).

Nhưng trái lại, bà gánh trách nhiệm chính trong việc làm cho những người ở đây khinh rẻ tôi. Chính bà đã xúi

giục họ như

vậy!

Ông la lớn rằng ông sẽ ngăn chặn sự dấy động đòi nữ quyền, không để lại một mầm mống nào; ông sẽ đập tan cái dạ hội ngu ngốc để giúp các cô giáo nghèo của họ (mặc xác các cô giáo nghèo), và rằng hễ thấy bóng dáng một cô giáo là ông sẽ cho lính tống cổ ra khỏi tỉnh. “Rồi bà coi! Rồi bà coi!”

Ông tiếp tục hét lên giận dữ:

- Thế bà có biết chuyện lũ côn đồ của bà đang sách động các công nhân nhà máy Spigulin không? Phải, tôi biết

rất, rõ chuyện đó! Và bà có biết là họ đang gieo rắc những tờ truyền đơn gây loạn khắp nơi không? Tôi còn có

thể nói cho bà biết rằng tôi đã nắm được tên bốn đứa trong bọn côn đồ đó. Ngoài ra, bà có biết rằng tôi sắp

nổi điên không? - phải hoàn toàn điên, vô phương chữa

trị!

Cuối cùng bà Lembke phá vỡ sự im lặng của mình. Bà nói với chồng bằng một giọng nghiêm khắc, kiêu ngạo, là bà cũng biết những âm mưu trọng tội đó từ lâu rồi, nhưng ông chỉ quan trọng hóa chứ thật ra chẳng có gì; rằng về phần những kẻ tinh nghịch đó, không những bà biết bốn đứa mà còn biết tên hết cả đám (bà ta nói dối). Tuy nhiên bà thấy không có lý do gì phải rối rít lên vì chuyện đó, trái lại, nó còn làm cho bà thêm tin tưởng vào phán đoán riêng của bà và khả năng của bà trong việc mang lại một sự thông cảm hòa hợp chung: bằng cách gây hi vọng cho những thanh niên, làm cho họ biết điều hơn, rồi bỗng nhiên tiết lộ cho họ biết rằng âm mưu của họ không có gì bí mật đối với bà, khi đó sẽ hướng họ theo những mục tiêu hợp lẽ phải hơn cùng những hoạt động đáng tán thưởng hơn. Ôi, những lời lẽ của bà với chồng như đổ thêm dầu vào lửa! Nhận thấy một lần nữa lại bị Piot’r đánh lừa, làm cho ông trông như một kẻ ngốc nghếch và, thực ra, anh ta đã nói với Julia nhiều hơn là nói với ông, sớm sủa hơn nhiều là đằng khác; ông chợt lóe lên ý nghĩ rằng có thể chính Piot’r là tác giả của cái âm mưu trọng tội kia, và ông tức điên lên. Hết cả dè dặt, ông thét lớn:

- Tôi muốn bà, người đàn bà lộn xộn độc địa kia, tôi muốn bà biết rằng tôi sẽ tóm cổ cục cưng khốn nạn của bà,

đem cùm nó và nhốt lại: hoặc... hoặc tôi sẽ nhảy ra khỏi cửa sổ ngay trước mắt

bà!

Julia, xanh mặt vì giận, đáp lại những lời mắng chửi này bằng một chuỗi cười như chuông rền, cười rung cả người, y hệt một cô đào Paris trình diễn trong một hí viện Pháp với cái hợp đồng một trăm ngàn rúp để thủ vai một người đàn bà lẳng lơ cười vào mặt người chồng vì ông này dám nổi ghen trước sự chim chuột của mình. Ông Lembke chạy về phía cửa sổ, nhưng đứng khựng lại trước khi tới nơi, ông khoanh tay trước ngực, nhợt nhạt như một xác chết, và thảm đạm nhìn người đàn bà đang cười. Cuối cùng, ông hổn hển lắp bắp nài nỉ:

-  Bà biết không, bà biết không, Julia, tôi, cũng có chuyện tôi dám làm...

Nhưng câu này lại được chào đón bằng một tràng cười ròn tan và to hơn. Vị tổng đốc nghiến răng và rên thành tiếng, phóng mình, không phải ra cửa sổ mà tới bà vợ, tay giữ nắm đấm trên đầu bà. Dĩ nhiên, ông chẳng bao giờ hạ nắm tay xuống - chẳng bao giờ - nhưng ông chỉ cương được đến đó là hết cỡ! Ông chạy về phòng riêng, không hiểu mình đang làm gì; để nguyên quần áo, ông gieo mình úp mặt xuống chiếc ghế dài dùng làm giường của ông và kéo chiếc khăn giường lên người. Ông cứ nằm như vậy, suốt hai giờ không ngủ, không suy nghĩ, với một khối nặng trĩu đè lên tim, và chìm đắm trong một nỗi tuyệt vọng trống vắng, u uất. Thỉnh thoảng toàn thân ông lại run lên bần bật. Những hình ảnh kỳ lạ, rời rạc bềnh bồng trước mắt ông: khi thì ông thấy chiếc đồng hồ treo tường cũ kỹ ở Petersburg mười lăm năm trước, gẫy cả kim chỉ phút; khi thì ông nhớ tới chuyện ông và người bạn đồng học vui tính tên là Milboa có lần đã bắt được một con chim sẻ ở công viên Aleksandrovxki và, chợt nhớ ra rằng họ đều đã có địa vị cả rồi, hai người phá lên cười đến độ cả công viên đều nghe tiếng... Mãi tới khoảng bảy giờ sáng, ông mới chợp mắt ngủ quên lúc nào không hay; ông ngủ một cách ngon lành và mơ được những giấc mơ khoan khoái nhất. Ông thức giấc lúc mười giờ, nhảy khỏi giường và nhớ lại mọi chuyện, ông vỗ mạnh lòng bàn tay lên trán. Ông từ chối bữa điểm tâm, từ chối gặp Blium, từ chối tiếp viên cảnh sát trưởng, và xô đuổi một viên chức vào nhắc nhở ông về chuyện chủ tọa một phiên họp của hội đồng tỉnh sáng nay. Ông không muốn nghe bất cứ chuyện gì, thật ra, ông cũng chẳng hiểu nổi họ đang nói gì. Ông sục sạo chạy vào những căn phòng của vợ như bị ma đuổi. Ông được Sofia Ant’ropovna, một bà sồn sồn gia đình tử tế, ở chung với gia đình ông từ nhiều năm nay, cho biết vợ ông đã đi từ hồi mười giờ, cùng với một đoàn người trên ba chiếc xe ngựa tới Xcvoresniki. Họ đi xem xét địa điểm của bà Varvara, nơi buổi dạ hội thứ nhì được tổ chức hai tuần sau buổi dạ hội từ thiện. Họ đã dàn xếp cuộc viếng thăm này với bà Varvara từ ba ngày trước. Tin đó làm ông sững sờ. Ông trở lại phòng làm việc và ra lệnh lấy xe. Ông không thể chần chừ. Trái tim ông đang khao khát gặp nàng Julia - chỉ để nhìn nàng, ở gần nàng trong năm phút. Có thể nàng sẽ nhìn thấy ông, nhận ra ông, cười nụ cười quen thuộc, và, biết đâu, nàng có thể tha thứ cho ông nữa. Ôi!...

-  Thắng ngựa gì mà lâu thế!

Tay ông vô tình mở một cuốn sách lớn nằm trên bàn. Thỉnh thoảng ông vẫn thường mở ra như vậy và đọc ba dòng đầu trang bên phải để bói. Hôm nay ông đọc: “Tất cả đều tuyệt diệu trong cái thế gian lý tưởng này - Volter Candid”.

Ông nhún vai và chạy vội ra chiếc xe đang đợi.

-  Tới Xcvoresniki!

Sau này tên xà ích kể lại rằng vị tổng đốc suốt dọc đường thúc hắn chạy nhanh, nhưng lúc tới gần ngôi nhà của bà Varvara, ông bỗng ra lệnh cho hắn quành trở lại thành phố.

-  Chạy nhanh lên, nhanh lên!

Tên xà ích kể tiếp, “trước khi xe tới bờ thành quanh thị xã, ông chủ ra lệnh cho tôi ngừng lại, rồi ông bước xuống xe, băng qua đường và đi bộ vào một cánh đồng. Tôi đã tưởng ông muốn đi “trút bầu tâm sự”, nhưng rồi tôi thấy ông đang bứt hoa dại để ngắm, và cứ như vậy một lúc lâu. Tôi thấy thật kỳ lạ và tôi bắt đầu tự hỏi...” Đó là những gì tên xà ích nói lại. Tôi nhớ hôm đó là một ngày tiết thu tháng chín nắng ráo đẹp trời, mặc dù hơi lạnh và có gió. Đứng ở cánh đồng đó bên đường, ông Lembke hướng mặt về phía vùng đất trông trải, phủ rơm rạ, chỉ có gió rít lay động một vài đóa hoa vàng còn sót lại, đã gần héo. Cơ thể ông đã cảm thấy một mối tương lân giữa số phận của ông và số phận của những đóa hoa vàng nhỏ bé đáng thương kia, đang bị gió lạnh vùi dập và sương thu làm tàn úa. Nhưng tôi không suy nghĩ như vậy, quả thế, tôi hầu như chắc chắn rằng suy như vậy là không đúng. Tôi nghĩ ông hoàn toàn không để ý tới những bông hoa, mặc dù những lời kể lại của tên xà ích đã được người cảnh sát thông tin viên, ngồi trên chiếc xe của cảnh sát trưởng và tới nơi vào lúc đó, xác nhận; về sau anh ta quả quyết chính anh ta cũng trông thấy vị tổng đốc đang đứng với một chùm hoa vàng trong tay. Người thông tin viên này là một cảnh sát tên Vaxili Flibuxtierov - một trong số những viên chức sốt sắng. Anh ta mới tới thành phố chúng tôi, nhưng đã được nhiều người biết tiếng vì sự nhiệt thành, sự hăng hái đặc biệt của anh trong khi thi hành bổn phận, và vì cái trạng thái say sưa ngày đêm của anh. Nhảy khỏi xe, và không mảy may tỏ ra ngạc nhiên khi thấy vị tổng đốc đang đứng một cách khá lạ kì giữa cánh đồng, anh ta báo cáo với ông bằng một giọng sảng sốt nhưng chắc nịch như đinh đóng cột:

-  Rối loạn đã bùng nổ trong thành phố, thưa ngài tổng đốc!

-  Hả? Cái gì?

Ông Lembke quay ngoắt lại, ném cho anh ta một cái nhìn nghiêm khắc, tuy không biểu lộ ngạc nhiên cũng không ý thức được những gì đang xảy ra hay ông ta đang ở đâu. Thật khó mà diễn tả được, nhưng có thể ông đã nghĩ ông đang ở trong phòng làm việc của mình.

-  Thưa ngài, tôi là thẩm sát viên Flibuxtierov ở quận Nhất. Thưa ngài, có một cuộc nổi loạn trong thành phố.

-  Bọn cướp92 hả?, - ông Lembke nói như thể đang mê ngủ.

-  Thưa ngài phải. Các công nhân nhà máy Spigulin đang làm loạn!

-  À, bọn Spigulin!

Tên “Spigulin” đã gợi ra trong trí vị tổng đốc một điều gì. Ông giật mình, để một ngón tay lên trán và lẩm bẩm: “Spigulin; Spigulin...” vẫn không trả lời người thông tin viên, ông chậm rãi bước về phía chiếc xe, leo lên, và ra lệnh cho người xà ích đánh về tỉnh. Thông tin viên Flibuxtierov đi chiếc xe cảnh sát theo sau. Tôi nghĩ chắc cũng có nhiều cái lạ lùng lóe lên một cách mơ hồ trong đầu ông trên đường về, nhưng có lẽ ông hoàn toàn không có một tư tưởng rõ nào về những gì sắp làm, khi ông ngồi xe tới quảng trường đối diện với dinh tổng đốc. “Đám bạo động” xếp thành hàng ngũ có trật tự ở đó, bao quanh bởi một vòng đai cảnh sát do viên cảnh sát trưởng có vẻ bất lực (hay cố ý bất lực) cầm đầu. Và ngay khi ông Lembke nhìn thấy họ, ngay khi ông biết mọi người đang chờ ông quyết định điều gì, máu ông dồn về tim. Khi ông bước xuống xe, trông ông nhợt nhạt dễ sợ. Ông nói với “những kẻ bạo động” bằng một giọng khó nghe, không ra hơi:

-  Bỏ mũ ra! Quì xuống!

Ông bỗng hét lên và chính ông cũng ngạc nhiên vì giọng chát tai, the thé của mình. Và có thể đây là một phản ứng bất ngờ đối với ông, quyết định những hậu quả tiếp theo. Như chiếc xe trượt xuống sườn đồi tuyết, ông Lembke không thể ngừng lại được nữa, chiếc xe không thể ngừng lại ở giữa triền dốc. Bất hạnh cho ông, suốt đời ông đã nổi tiếng là không bao giờ mất bình tĩnh, không bao giờ có thói giậm chân, không bao giờ to tiếng - và những người như vậy thường dễ bị tổn thương, một khi họ thấy mình bỗng bị đẩy xuống chân đồi. Vạn vật quay cuồng trước mắt ông.

-  Quân ăn cướp!

Vị tổng đốc hét lên chát chúa và vô lý hơn nữa, giọng lạc đi. Ông đứng đó một lúc và vẫn không biết phải làm gì, nhưng trong thâm tâm ông cảm thấy ông sắp làm một cái gì. Có tiếng nói trong đám đông: “Xin Trời phù hộ chúng ta”. Một thanh niên làm dấu thánh giá. Ba hay bốn người sắp sửa quì xuống, nhưng cả khối người tiến tới trước ba bước và rồi, thình lình, tất cả đồng thanh kêu lên: “Thưa ngài tổng đốc, thưa ngài! Họ không hề trả công chúng tôi trong thời gian... Tên quản lý... hắn không thèm nghe chúng tôi...” Và cứ thế, không còn nghe ra nghĩa lý gì nữa.

Thương thay, ông Lembke là người hiểu ra ít hơn ai hết: ông vẫn còn cầm chùm hoa vàng trong tay. Ông cảm thấy bạo động và bạo lực đã gần kề, giống như mới đây ông Xtepan nhìn thấy trước mắt sự bắt bớ và tù đầy. Ngoài ra, trong trí ông, cứ thấp thoáng hình ảnh của Piot’r trong “đám bạo động”, xúi giục họ làm loạn - hình ảnh đáng ghét đã nhảy múa trong đầu ông từ ngày hôm trước không cho ông một phút nghỉ ngơi. Bất ngờ ông hét lên:

- Lấy roi!

Tất cả im phăng phắc.

Đó là những sự kiện khơi mào mọi chuyện, theo những lời tường thuật đáng tin cậy nhất, mà tôi đã bổ túc với sự phỏng đoán riêng của tôi. Còn những chuyện xảy ra về sau, các báo cáo ít chính xác hơn, và do đó tôi phải dùng sự phỏng đoán nhiều hơn. Tuy nhiên, tôi cũng thâu lượm được một vài sự kiện.

Trước hết, quả thật roi có được ra, và có vẻ nhanh chóng một cách kỳ lạ, như thể đã được sửa soạn từ trước do viên cảnh sát trưởng lo xa. Tuy nhiên, chỉ có hai người ăn đòn - đúng hai người, không tới ba, một điểm mà tôi cần phải nhấn mạnh. Nói rằng tất cả những công nhân ở Spigulin hay một nửa bị trừng phạt là hoàn toàn bịa đặt. Cũng không có một tí sự thật nào trong câu chuyện một bà khả kính nghèo tình cờ đứng gần không hiểu sao cũng bị túm đánh luôn. Thế mà chuyện này về sau tôi thấy có đăng tải trên báo chí ở Petersburg, làm như có xảy ra thật. Ngoài ra, tôi có nghe nhiều người nói về một người đàn bà tên là Avdotia Tarapughina sống trong một viện dưỡng lão gần nghĩa địa. Bà ta trên đường về viện sau khi thăm bạn bè ở thành phố, khi đi ngang qua quảng trường bà ta huých đám đông chen vào xem, do bản tính tò mò. Khi chứng kiến những chuyện xảy ra, bà ta kêu lên “Thật xấu hổ!” và nhổ nước miếng; có thể vì thế mà người ta nói bà ta đã bị bắt và bị “dàn chào” đích đáng. Vụ này đã được tường thuật trên báo; ngoài ra, trong cơn khích động dân chúng trong thành phố chúng tôi đã tổ chức một cuộc lạc quyên cho bà ta. Chính tôi cũng đóng góp hai mươi copec. Thế các bạn cỏ biết chuyện gì xảy ra không? Câu chuyện vỡ lẽ ra rằng không có ai tên là Tarapughina ở viện dưỡng lão cả. Hơn nữa tôi còn tới cơ sở ở gần nghĩa địa đó, nơi người ta cho bà ta đang ở; nhưng không ai từng nghe nói một người nào như thế. Thật vậy, trông họ hơi bất mãn khi tôi kể cho họ về tin đồn đang loan truyền liên quan đến một người của họ. Nhưng tôi đề cập đến chuyện Avdotia Tarapughina bởi vì những gì xảy ra cho bà ta (nếu thực sự có xảy ra, và nếu bà ta có thật đi nữa) hầu như tương tự với những gì suýt xảy ra cho ông Xtepan. Có thể rằng ông là nguyên do đưa đến toàn thể câu chuyện vô lý về người đàn bà kia - tôi muốn nói, câu chuyện nhảm nhí lan rộng, cuối cùng ông Xtepan hóa thân thành người đàn bà không rõ tung tích gọi là Avdotia Tarapughina. Tôi thật không hiểu bằng cách nào ông đã lẩn mất ngay khi chúng tôi tới quảng trường, vốn nghi ngại, tôi đã cố đưa ông đi vòng quảng trường để tới cổng dinh tổng đốc. Mặc dù, trên đường đi, chính tôi cũng bị sự tò mò thúc đẩy và dừng lại để hỏi xem có chuyện gì; đến khi tôi nhìn quanh tìm ông thì ông đã biến mất. Theo trực giác, tôi xông xáo vào nơi nguy hiểm nhất để tìm ông, bởi vì không hiểu sao tôi cảm thấy chính ông cũng như chiếc xe đang trượt xuống đồi tuyết. Và, quả nhiên, ông đang ở ngay trung tâm biến cố. Tôi nhớ có nắm lấy cánh tay ông, nhưng ông nhìn tôi một cách lặng lẽ và kiêu hãnh, có một vẻ điềm tĩnh bất thường nơi ông.

- Bạn thân mến, - ông nói với một giọng nghe như một sợi dây đàn sắp đứt, - nếu họ trâng tráo hành động ngay

tại quảng trường này, ngay trước mắt chúng ta, chúng ta còn trông đợi gì ở con người này, nếu ông ta quyết

thi thố hết quyền uy của

mình?

Run rẩy vì phẫn nộ và nức lòng muốn thách thức, ông Xtepan lấy ngón tay trỏ như buộc tội chỉ vào thẩm sát viên Flibuxtierov đang đứng gần đây và trố mắt nhìn chúng tôi. Viên cảnh sát điên tiết la lớn, tay nắm chặt:

- Ông nói con người này là con người nào? Ai là con người này? Còn ông là ai, hả? Anh ta cố gân cổ gầm lên như

người mất trí. Tôi cũng phải mở ngoặc ở đây mà nói thêm rằng Flibuxtierov đã quá quen mặt ông

Xtepan.

Chỉ một tí nữa là anh ta đã túm lấy cổ áo ông Xtepan. May thay, ông Lembke ngay lúc đó quay đầu về phía chúng tôi; ông chăm chú nhưng đờ đẫn nhìn ông Xtepan, như thể cố nhớ điều gì. Bỗng ông nóng nảy xua tay. Flibuxtierov khựng lại. Tôi kéo ông Xtepan đi, mặc dù tôi nghĩ rằng, lúc đó, chính ông cũng hơi muốn rút lui. Tôi nhắc đi nhắc lại:

- Chúng ta ra khỏi chỗ này đi. Về nhà thôi. Chắc chắn nhờ có ông Lembke chúng ta mới khỏi bị một trận đòn nên

thân.

- Anh cứ đi đi, bạn ạ. Tôi không nên để cho anh mạo hiểm với những chuyện như vậy - anh còn trẻ và anh còn cả

một sự nghiệp trước mặt, còn tôi - giờ của tôi đã

điểm.

Và ông quyết liệt bước vào dinh tổng đốc. Người giữ cửa biết tôi, và tôi bảo anh ta là cả hai chúng tôi tới gặp bà Lembke. Chúng tôi ngồi trong phòng tiếp khách và chờ. Tôi không muốn rời người bạn của tôi, nhưng lúc đó tôi chẳng có gì để nói với ông. Ông làm tôi liên tưởng tới một người sắp sửa hiến thân cho tổ quốc. Chúng tôi không ngồi gần nhau mà ngồi đối nhau trong phòng; tôi gần cửa ra vào, còn ông ở đầu phòng bên kia, đối mặt với tôi. Đầu ông cúi xuống và ông có vẻ trầm ngâm suy nghĩ, một tay tựa hồ vào cây gậy chống của ông, tay kia cầm chiếc mũ rộng vành. Chúng tôi cứ ngồi như vậy suốt mười phút.

2

Chợt ông Lembke đi vào, bước chân vội vã, viên cảnh sát trưởng theo sát đằng sau. Ông ném cho chúng tôi một cái nhìn lơ đãng và có vẻ sắp rẽ về bên phải để vào phòng làm việc của ông, không thèm để ý gì đến chúng tôi; ngay lúc ấy ông Xtepan đứng trước mặt ông chắn lối đi. Thân hình cao quá khổ này gây được hiệu quả. Vị tổng đốc dừng lại.

-  Người này là ai?

Ông nói nhỏ, lúng túng, và hình như là nói với viên cảnh sát trưởng, mặc dù ông không quay lại ông ta hoặc rời mắt khỏi ông Xtepan.

Cúi đầu chào với một vẻ chững chạc uy nghi, ông Xtepan trả lời:

-  Phụ khảo đại học về hưu Xtepan T’rofimovitr Verkhovenxki, thưa ngài.

Vị tổng đốc chăm chú nhìn ông, vẫn hơi đờ đẫn.

-  Có chuyện gì vậy?

Ông hỏi với một giọng vắn tắt của một viên chức cao cấp, hướng tai về phía ông Xtepan, không giấu giếm vẻ nóng ruột và khó chịu. Hiển nhiên ông đã cho rằng ông đang nói chuyện với một người khiếu nại thường, sắp sửa trình lên ông một cái đơn.

- Sáng nay, tôi đã là nạn nhân của một vụ khám nhà do một viên chức thi hành nhân danh ngài, thưa ngài, và tôi

mong

được...

- Tên gì? Tên gì?

Ông Lembke nóng nảy hỏi dồn, như thể bất ngờ trong đầu ông lóe ra điều gì. Ông Xtepan xưng danh lại với một vẻ trang trọng hơn lần trước.

- À há! Thế ra là đây - nguồn gốc của phản loạn. Tôi nói cho ông biết, những hoạt động của ông - ông là một

giáo sư, phải

không?

- Ngày xưa tôi từng có hân hạnh phụ trách một giảng khóa cho các sinh viên đại học.

- Cho các sinh viên! - Vị tổng đốc bỗng giật mình, mặc dù tôi tin chắc ông cũng không hiểu rõ mình nói gì, hoặc

có thể cũng chẳng biết đang nói chuyện với ai. Bỗng ông nổi giận và la lớn: - Này, tôi sẽ không dung thứ

chuyện đó đâu! Tôi sẽ không cho phép những thanh niên đó... Toàn là những truyền đơn làm loạn! Đó là một

cuộc tấn công vào những định chế quốc gia! Một vụ ăn cướp, một vụ cướp cạn! Nhưng mà, ông muốn xin

gì?

- Tôi không xin gì cả. Trái lại, vợ ngài xin tôi ngày mai đọc một bài trước buổi dạ hội của bà ấy. Tôi tới đây

không phải để xin, mà để đòi những quyền pháp định của

tôi...

- Dạ hội của vợ tôi hả? Sẽ không có dạ hội gì cả! Tôi không cho phép một dạ hội như vậy! Vậy ra ông diễn

thuyết? Ông diễn thuyết phải không? - Ông nhắc lại một cách giận

dữ.

- Thưa ngài, tôi cảm ơn ngài rất nhiều nếu ngài chịu nói với tôi một cách hòa nhã hơn, và nếu ngài đừng giậm

chân và la lối tôi như thế tôi là một đứa trẻ

vậy.

Ông Lembke tím mặt nói:

- Ông có biết ông đang nói chuyện với ai không?

- Vâng tôi hoàn toàn biết rõ, thưa ngài.

- Tôi ở đây là để bảo vệ những định chế quốc gia; còn ông đang cố phá hoại chúng! Phải, phá hoại! Chính ông!

Nhưng tôi nhớ ra ông rồi: ông từng làm gia sư trong nhà bà Varvara Xtavroghina, đúng

không?

- Vâng, tôi từng là... từng làm gia sư... trong nhà bà Xtavroghina.

- Và trong hai mươi năm ông đã gieo rắc những hạt giống mà chúng tôi đang phải gặt hái bây giờ. Tất cả đều là

kết quả công lao của ông mà ra. Có phải tôi mới trông thấy ông ở quảng trường vừa rồi không? Này, ông nên

coi chừng, ông nên coi chừng, bởi vì tôi biết rõ lập trường của ông rồi. Không sao, còn có tôi để mắt tới

ông. Tôi, thưa ông, tôi không thể để ông tiếp tục diễn thuyết được, tôi không cho phép! Đừng tới gặp tôi với

những lời xin xỏ như

vậy.

Và ông dợm bước đi.

- Thưa ngài, tôi nhắc lại, ngài nhầm rồi. Chính bà Lembke yêu cầu tôi ngày mai đọc một bài có tính cách văn học

tại buổi dạ hội của bà ấy, không phải một bài diễn thuyết. Nhưng bây giờ trong bất cứ trường hợp nào tôi

cũng từ chối. Tôi tới đây để hạ mình cầu xin ngài giải thích cho tôi rõ, nếu có thể, vì lý do gì và căn cứ

vào đâu mà hôm nay nhà tôi lại bị khám xét? Họ lấy mất vài quyển sách, một ít giấy tờ và thư từ riêng mà tôi

rất quí, chất lên một chiếc xe cút kít và đẩy qua thành phố đi

mất.

- Ai khám nhà ông?

Ông Lembke giật mình, rồi bỗng hiểu rõ câu chuyện và đỏ mặt. Ông liếc nhanh viên cảnh sát trưởng. Đúng lúc đó thân hình vụng về, khòm khòm cao nhòng của Blium xuất hiện ở ngưỡng cửa.

-  Thưa ngài, kia, viên chức đó kia kìa.

Ông Xtepan chỉ vào Blium trong lúc hắn đang bước tới với một vẻ phạm tội nhưng không tỏ ra nao núng chút nào.

- Anh chuyên làm những chuyện bậy bạ. - Ông Lembke giận dữ quát hắn và có vẻ lập tức hiểu rõ tất cả những gì

xảy ra. Đỏ mặt tía tai, ông lí nhí trong một trạng thái cực kì bối rối: - Tôi rất tiếc, tất cả chuyện này...

tất cả rõ ràng là một lầm lẫn, một hiểu lầm... đúng là một sự hiểu

lầm.

Ông Xtepan nói:

- Thưa ngài, có một lần, khi tôi còn là một thanh niên, tình cờ tôi được chứng kiến một vụ rất đặc sắc. Trong

rạp hát, một người bỗng sấn vào một người đàn ông khác và tặng cho ông ta một cái tát nên thân trước mặt

công chúng. Nhưng khi nhìn lại nạn nhân và nhận ra đó không phải là người mình định tát mà chỉ hơi giống là

cùng, kẻ hành hung - hình như đang vội và khá giận dữ - nói đúng như ngài nói mới đây: “Đó là một lầm lẫn,

tôi rất tiếc. Đó chỉ là một sự hiểu lầm”. Và khi thấy phe bị nhục vẫn còn hậm hực, kẻ làm nhục nhắc lại với

giọng bực mình ra mặt: “Nhưng tôi đã giải thích với ông rằng đó là một sự hiểu lầm, sao ông còn chưa

chịu?”

Ông Lembke cười nhăn nhó.

- Câu chuyện thật... thật buồn cười, dĩ nhiên. Nhưng... nhưng ông không nhận thấy rằng chính tôi cũng rất, rất buồn vì chuyện đó hay sao?

Những lời cuối này ông nói như hét, và có cảm tưởng ông muốn lấy tay che mặt. Tiếng la bất ngờ; bi thiết này, gần như kết thúc bằng một giọng nức nở, khiến không ai có thể cầm lòng. Có thể đó là phút đầu tiên ông hiểu rõ hoàn toàn những gì đã xảy ra từ ngày hôm trước. Hiểu ra rồi tức thì ông càng chán nản, một nỗi chán nản khôn nguôi, tủi nhục, tràn ngập trong lòng. Và, biết đâu, một giây nữa, căn phòng tiếp khách đã vang tiếng nức nở của ông nếu không có ông Xtepan, lúc đầu há hốc nhìn ông chưng hửng, hầu như ngay sau đó cúi đầu và hỏi bằng một giọng đầy xức động:

- Xin ngài đừng để tâm tới lời than phiền nóng nảy của tôi nữa. Chỉ cần bảo họ gửi trả tôi sách vở và thư từ...

Ông không nói được hết câu. Ngay lúc đó, bà Lembke với đám bạn tháp tùng về tới dinh tổng đốc. Nhưng thiết tưởng tôi nên tả lại đầy đủ chi tiết hơn.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3