Lũ Người Quỷ Ám - Chương 37
3
Đoàn người đã về trên ba chiếc xe ngựa, và bây giờ kéo nhau vào phòng tiếp tân. Có một cái cửa đặc biệt phía bên trái cổng dẫn ngay tới những căn phòng dành cho bà Lembke, nhưng lần này đám bạn của bà tới bằng cửa chính, đi qua phòng tiếp tân. Tôi tin rằng ông Xtepan là nguyên do của chuyện đó, bởi vì cả những gì xảy ra cho ông lẫn biến cố về công nhân xưởng Spigulin đều đã tới tai bà Lembke trong lúc bà ngồi xe vào thành phố: bà đã được Liamsin thông báo. Liamsin, vì phạm một tội nhẹ nào đó, đã bị phạt không cho đi theo; ở lại thành phố, hắn là kẻ đầu tiên trong nhóm biết được sự tình. Như mở cờ trong bụng, hắn thuê một con ngựạ và phi nước đại về hướng Xcvoresniki để gặp đoàn xe trở về, hầu chia sẻ với mọi người tin sốt dẻo. Tôi phỏng đoán rằng, mặc dù sự cương quyết trước đây, bà Lembke vẫn hơi bối rối khi nghe những tin tức bất ngờ như vậy, nhưng, nếu thế bà cũng trấn tĩnh được ngay. Khía cạnh chính trị của nội vụ có lẽ không làm bà lo lắng được - Piot’r đã nhắc đi nhắc lại ba bốn lần với bà rằng những tên vô lại ở nhà máy Spigulin đó phải lấy roi quất cho một trận mới xong; quả thật, không rõ từ hồi nào Piot’r đã có một quyền uy lớn lao dưới mắt bà. Chắc chắn bà đã tự nhủ: “Nhưng, dù sao, ta cũng sẽ làm cho hắn phải trả món nợ này,” và tiếng hắn ở đây dĩ nhiên để chỉ chồng bà. Tôi xin nói qua rằng lần này Piot’r đã không tham dự vào cuộc đi chơi, và suốt từ sáng không ai thấy mặt mũi anh ta đâu. Tôi thấy cũng cần nói thêm rằng, sau khi tiếp đón đám người này tại Xcvoresniki, vì muốn có mặt trong phiên họp cuối cùng liên quan đến buổi tiếp tân ngày mai, bà Varvara đã đi cùng với đám khách của bà ra tỉnh và ngồi chung xe với bà Lembke. Dĩ nhiên, cả bà cũng không khỏi quan tâm, và có thể là xúc động nữa, trước tin tức do Liamsin đưa ra liên hệ tới ông Xtepan.
Bà Lembke thanh toán nợ nần với chồng ngay lập tức. Và chính ông cũng cảm thấy chuyện đó sẽ tới. Mỉm cười một cách cởi mở, bà bước nhanh về phía ông Xtepan, duyên dáng đưa bàn tay đeo găng sang trọng cho ông và tuôn ra những lời xưng tụng tâng bốc nhất, như thể bà chỉ đợi dịp này để chuyển đạt tới ông sự hài lòng của bà về việc ông đã tới nhà bà. Bà không đả động gì về việc bà đã nghe nói vụ khám xét sáng nay mà ông là nạn nhân. Bà không nói một lời với chồng, cũng chẳng nhìn về phía ông lấy một cái, như thể không có ông ở đó. Bà còn đi xa hơn nữa, bà vẫy ông Xtepan vào phòng khách của bà, hoặc vì không nhận thấy ông và chồng bà đang có chuyện phải phân trần, hoặc ngụ ý rằng, dù vậy chăng nữa, sự phân trần bây giờ đã trở nên vô ích. Ở đây tôi xin nhấn mạnh rằng, mặc dù sự khôn khéo, lịch thiệp của bà, lần này bà Lembke đã phạm một khinh suất tệ hại, một khinh suất mà Karmazinov phải gánh một phần trách nhiệm rất lớn. Karmazinov đã tham dự cuộc đi chơi vì sự nằn nì của bà Lembke, do đó, cuối cùng ông đã viếng thăm bà Varvara, và mặc dù đó chỉ là một cuộc viếng không có tính cách cá nhân, bà Varvara vẫn mềm lòng và hết sức hoan hỉ. Theo sau những người khác bước vào phòng tiếp tân, trong khi còn ở ngưỡng cửa, ông nhác thấy ông Xtepan mở rộng đôi cánh tay để ôm, ông la lên, ngắt lời bà Lembke:
- Ồ, người bạn thân mến của tôi! Biết bao năm tháng chưa gặp lại nhau!
Ông ta khăng khăng tiến hành nghi thức ôm hôn, dĩ nhiên ông mở đầu bằng cách chìa má ra để được hôn. Và, trong lúc bất chợt, ông Xtepan đã in một cái hôn lên đó.
Khuya hôm đó, kiểm điểm lại những biến cố trong ngày, ông Xtepan đã nói với tôi:
- Bạn thân mến, bạn hỏi tôi lúc đó tôi nghĩ gì à? Được, lúc đó tôi đang tự hỏi kẻ nào trong hai chúng tôi là kẻ
đáng gờm nhớm hơn. Kẻ đó là hắn, khi ôm tôi chỉ là để làm nhục tôi tại chỗ; hay là tôi, khi ghê tởm hắn và
cái má của hắn mà vẫn hôn thay vì quay đi...
Tởm!
- Nào, kể cho tôi nghe, kể cho tôi mọi chuyện về anh đi.
Karmazinov nói tiếp, vừa nói vừa uốn giọng, làm như trong chốc lát ông Xtepan có thể quay lại khúc phim hai mươi lăm năm trong đời ông. Nhưng khi đó, lời yêu cầu tối dạ, vô nghĩa như vậy lại “đúng điệu” và thời thượng nhất. Ông Xtepan trả lời một cách hợp lý và do đó không được đúng điệu cho lắm. Ông nói:
Chắc hẳn anh nhớ rằng lần cuối cùng chúng ta gặp nhau là trong bữa tiệc mừng Granovxiki và kể từ đó, hai mươi bốn năm đã trôi qua...
Karmazinov vỗ vai ông một cách thân mật hơi suồng sã và ngắt lời bằng một giọng chát chúa:
- Bồ cưng ơi! Bà Lembke, xin bà làm ơn mang ngay chúng tôi vào phòng khách của bà, để ông ấy có thể ngồi xuống
mà kể cho chúng tôi nghe chuyện ông ấy.
Tối hôm đó ông Xtepan bảo tôi, run lên vì giận:
- Trong khi tôi có bao giờ thân thiết với cái lão như mụ già dở hơi đó đâu cơ chứ. Chúng tôi gặp nhau khi còn
nhỏ và ngay hồi đó tôi đã ghét hắn rồi; dĩ nhiên, hắn cũng ghét
tôi.
Phòng khách bà Lembke chẳng mấy chốc chật ních. Bà Varvara rất kích động, mặc dù bà cố tỏ vẻ trầm tĩnh. Tôi bắt gặp một vài cái nhìn đầy căm ghét bà ném cho Karmazinov và một vài cái nhìn giận dữ hướng về phía ông Xtepan, giận dữ từ trước, giận dữ vì sự ghen tuông và thương yêu: nếu lần này ông Xtepan lầm lỗi và giúp Karmazinov cơ hội quật ngã ông trước mặt mọi người, tôi chắc bà sẽ sán vào ông mà đánh. À, suýt nữa tôi quên mất không để cập tới việc Liza cũng ở đó và chưa lần nào tôi thấy nàng tươi tắn như vậy, hớn hở liều lĩnh như vậy, hạnh phúc như vậy. Và, dĩ nhiên. Mavriki cũng ở bên cạnh nàng. Trong đám phụ nữ và thanh niên, phóng đãng hợp thành đám quần thần của bà Lembke (đối với những người này, sự phóng đãng được coi như lối sống vui vẻ trẻ trung và triết lý khinh bạc rẻ tiền được coi là khôn ngoan), tôi nhận thấy ba bộ mặt mới: một người Ba Lan mới ghé qua thành phố này, thấy ai cũng khúm núm, một bác sĩ già người Đức trông khỏe mạnh, chốc chốc lại bật lên cười lớn khoái chí trước những lời pha trò của chính mình,và một công tước nào đó còn rất trẻ ở Petersburg tới, trông đúng là một thứ hình nộm con nít với cái điệu bộ bệ vệ của một chính khách và chiếc cổ cồn cao không thể tưởng tượng được. Bà Lembke coi trọng anh ta ra mặt và hơn nữa, còn lo lắng sợ cái salon của bà có thể không hài lòng anh ta.
Ông Xtepan hờ hững ngồi xuống trường kỷ, phong tư nho nhã. Ông bất ngờ uốn lưỡi điệu bộ đến qua mặt cả Karmazinov:
- Ông Karmazinov thân mến, cho tôi nói điều này: đời một người có chút học thức thuộc thế hệ chúng ta tôi thấy
thật tẻ nhạt, dù cho có tính từng hai mươi lăm năm
một...
Ông bác sĩ người Đức phá lên cười lớn như ngựa hí, như thể ông Xtepan đã nói một điều hoạt kê. Ông Xtepan ngạc nhiên ngước nhìn, nhưng ông bác sĩ có vẻ vẫn không nhận ra. Cậu công tước nhỏ cũng quay về phía người Đức, chiếc cổ cao cũng quay theo, gắn chiếc kính lên mũi và quan sát người đàn ông cười, mặc dù nét mặt không có vẻ gì tò mò.
- Phải, chuyện đó nghe thật buồn tẻ, - ông Xtepan lặp lại, dằn từng chữ - vả lại cuộc đời tôi trong suốt một
phần tư thế kỷ vừa qua quả buồn tẻ thật, và bởi ở đâu người ta cũng thấy thầy tu nhiều hơn lẽ phải93 - một
câu nói mà tôi hoàn toàn đồng ý - cho nên trong suốt một phần tư thế kỷ,
tôi...”
Bà Lembke quay sang thì thầm với bà Varvara ngổi cạnh:
- Dí dỏm ghê, những lời nhận định về các thầy tu.
Bà Varvara nhìn bạn, đầy hãnh diện. Nhưng Karmazinov ức lòng trước sự thành công của ông Xtepan với câu châm ngôn Pháp, và the thé ngắt lời:
- Về phần tôi, tôi đã sống ở Carlxrue94 trên sáu năm nay, cho nên tôi không còn bận tâm về những vấn đề đó nữa.
Năm ngoái, khi hội đồng thành phố quyết định đặt một ống dẫn nước chính, tôi mới thấm thìa rằng cái ống dẫn
nước ở Carlxrue còn đáng quí và quan trọng hơn là tất cả những vấn đề mà người ta gọi là cải cách ở quê
hương yêu dấu của
tôi.
Ông Xtepan thở dài, đầu cúi xuống đầy ý nghĩa.
- Tôi xin bày tỏ thiện cảm, mặc dù tôi không đồng ý lắm.
Bà Lembke thích thú: cuộc đối thoại trở nên thâm thúy và pha mầu sắc chính trị. Vị bác sĩ lớn tiếng hỏi:
- Ông nói một ống cống chính hả?
- Không, thưa bác sĩ, ống dẫn nước chính. Hồi đó tôi còn giúp họ thảo dự án đó nữa cơ.
Vị bác sĩ phá ra cười sằng sặc. Nhiều người khác cười theo, rõ ràng là nhạo viện bác sĩ. Nhưng ông ta không hiểu và còn hài lòng thấy mọi người cùng cười.
Bà Lembke vội vã xen vào:
- Tôi sợ lần này tôi không đồng ý với ông, ông Karmazinov ạ. Cái ống dẫn nước ở Carlxrue thì quí lắm rồi, nhưng
tôi vẫn nghĩ rằng ông ưa đánh lừa người khác và lần này tôi thật không tin ông. Ông cho tôi biết, trong số
tất cả văn sĩ Nga có ai sáng tạo được nhiều mẫu người điển hình tân tiến và đưa ra được nhiều vấn đề đặc thù
bằng ông không? Và có ai vạch ra được những nét lớn của một chính khách ngày nay không? Chỉ có ông - ông, và
không ai khác! Cho nên, làm sao ông có thể nói ông lãnh đạm với quê hương và hoàn toàn bị những ống dẫn nước
ở Carlxrue thu hút được? Ha
ha!.
- Phải, dĩ nhiên, dĩ nhiên, - Karmazinov uốn lưỡi, - trong nhân vật Pogojaev tôi đã trình bày tất cả lỗi lầm
của những người thân Nga và trong nhân vật Nicodimov, tất cả lỗi lầm của những người thân Tây
phương...
Liamsin lẩm bẩm trong cổ họng:
- Tất cả lỗi lầm? Nghi lắm.
- Nhưng đó là nhân tiện tôi làm việc ấy, chỉ để giết thì giờ và thỏa mãn những sự thôi thúc của đồng bào.
Bà Lembke nói với giọng nhiệt thành:
Ông Xtepan, tôi chắc ông cũng đã nghe nói rồi, là ngày mai chúng tôi sẽ được dịp nghe vài lời dí dỏm về một trong những nguồn cảm hứng văn chương đặc sắc mới nhất của ông Carmaxinov - tựa là Cám ơn. Trong bài này ông sẽ loan báo rằng ông sắp gác bút, không có gì có thể khiến ông viết trở lại; dù một thiên thần, hay nói quá đi, tất cả thần tiên trên thiên đàng, có giáng xuống trần và năn nỉ ông, ông cũng không thay đổi quyết định của mình. Tóm lại, ông ấy sẽ vĩnh viễn rửa tay gác bút và bài Cám ơn thanh nhã này là để nói với công chúng, cám ơn họ về sự nồng nhiệt mà suốt ngần ấy năm, họ đã luôn luôn hoan hô sự phục vụ trung kiên của ông đối với tư tưởng Nga chân chính.
Bà Lembke cảm thấy như bay bổng chín tầng mây.
Karmazinov nói, giọng càng lúc càng thêm mủi lòng:
- Phải, tôi sẽ giã biệt, nói với họ lời Cám ơn và rồi lên đường. Rồi, ở đó, ở Carlxrue, tôi sẽ nhắm mắt và...
Giống như nhiều nhà đại văn hào của chúng ta (mà chúng ta có vô số), Karmazinov không thể cưỡng lại được lời ca tụng; ông ta mềm lòng ngay trước những lời đó, mặc dù trí khôn của ông cũng khá. Nhưng tôi nghĩ điều này có thể tha thứ được. Tôi nghe nói một đại văn hào cỡ Shakespeare của chúng ta có lần trong một cuộc nói chuyện thân mật còn bật ra một câu: “đối với chúng ta, những vĩ nhân, là không thể...” và đại khái như vậy, mà vẫn không nhận ra sự lố lăng của mình.
- Phải, ở Carlxrue, nói xa xôi đó, tôi sẽ nhắm mắt. Chúng ta, những vĩ nhân (bây giờ lại thêm Karmazinov), một
khi đã hoàn thành sứ mạng, chúng ta phải nhắm mắt ngay, không tìm kiếm phần thưởng. Và đó đích thực là những
gì tôi định
làm.
Vị bác sĩ nói:
- Cho tôi địa chỉ để tôi tới Carlxrue thăm mộ ông. - Nói xong ông ta cười sằng sặc. Một thanh niên bá vơ bỗng
chen
vào:
- Ngày nay người ta chuyên chở xác chết cả bằng đường hỏa xa.
Liamsin rú lên khoái trá. Bà Lembke cau mày. Đúng lúc đó Nicolai bước vào phòng khách. Anh đi thẳng tới ông Xtepan. Anh nói với ông hơi lớn tiếng:
Sao cháu nghe nói họ đã xúc bác vào bót cảnh sát rồi?
Ông Xtepan trả lời, cố tình chơi chữ:
- À, tôi gặp may - một sự thay đổi chính sách đã cứu tôi khỏi tay cảnh sát đúng lúc ngàn cân treo sợi tóc.
Bà Lembke mau miệng xen vào:
- Nhưng tôi ước mong biến cố này sẽ không khiến ông từ chối lời mời của tôi, và ngày mai ông vẫn tới đọc văn
như thường. Tôi tin chắc rằng, mặc dù vụ bực mình kia - mà lần đầu tiên tôi mới được hay - ông vẫn không lỡ
hẹn với chúng tôi và sẽ không làm chúng tôi mất dịp nghe ông nói chuyện trong buổi văn
nghệ.
- Tôi không chắc, không, tôi...
- Chị Varvara, tôi thật xui xẻo kinh khủng! Cứ nghĩ mà xem, đúng lúc tôi sắp được làm thân với một nhà tư tưởng
Nga độc lập, xuất chúng thì ông ấy bỗng có vẻ muốn xa lánh chúng
ta.
Ông Xtepan nói:
- Tiếng khen tặng đó thốt ra quá lớn khiến tôi không thể giả bộ làm ngơ. Tuy nhiên, tôi không thể tin rằng cái
con người vô tích sự của tôi lại có thể cần thiết đối với buổi tiếp tân ngày mai của quí vị đến như thế.
Nhưng bởi vì, dù
sao...
Bỗng Piot’r ở đâu về nhảy xổ vào phòng và la lên:
- Ồ, quí vị cưng ông ấy quá lắm! Tôi vừa mới kiềm chế được ông ấy xong và chỉ mới rời ra có một bữa mà ông ấy
đã bị nào là khám xét, nào là bắt giữ, nào là bị cảnh sát túm cổ, và cuối cùng được các bà âu yếm trong
phòng khách của quan tổng đốc như thế này! Tôi dám cá là ông ấy đang khoan khoái nở từng thớ thịt - chưa bao
giờ ông dám mơ ước có một phút như vậy! Rồi quí vị sẽ thấy, từ giờ trở đi, ông ấy sẽ bí mật viết thư tố cáo
những người bạn theo xã hội chủ nghĩa của ông nữa cho mà
xem!
Bà Lembke nhiệt liệt đứng về phe ông già và nói:
- Điều đó không thể xảy ra được, Piot’r; xã hội chủ nghĩa là một tư tưởng vĩ đại đến nỗi cha anh không thể không biết tới..
- Đó quả là một tư tưởng vĩ đại thật, mặc dù những kẻ cổ vũ nó không nhất thiết bao giờ cũng là vĩ nhân. Thôi,
không đả động tới chuyện đó nữa, Piot’r - Ông Xtepan nói với giọng dứt khoát và từ tốn đứng
dậy.
Nhưng tới đây một chuyện bất ngờ xảy ra. Không rõ từ lúc nào, ông tổng đốc Lembke có mặt trong phòng khách. Không ai để ý gì tới ông, mặc dù tất cả mọi người đều trông thấy ông vào. Vợ ông tiếp tục chính sách làm ngơ. Ông đã đứng nguyên gần cửa ra vào, rầu rĩ nghe cuộc đàm thoại. Khi ông nghe thấy đề cập tới vụ buổi sáng, ông đã bứt rứt khó chịu và, không hiểu sao, ông cứ dán mắt vào cậu công tước nhỏ, có thể vì bị chiếc cổ cứng hồ bột của anh ta đập vào mắt. Rồi ông nghe giọng nói của Piot’r và trông thấy anh ta chạy vào phòng. Ngay trước khi ông Xtepan nói hết câu, ông đã bắt đầu tiến về phía ông ta. Trên đường đi, ông đã chạm phải người Liamsin. Liamsin giả bộ ngạc nhiên nhảy giật lại, phủi vai và làm như bị đau khi đụng với vị tổng đốc.
- Đủ rồi! - Ông Lembke nói, nắm chặt bàn tay của ông Xtepan lúc đó đang sợ hãi, và bóp mạnh. - Đủ rồi! Những
quân ăn cướp của thời đại chúng ta đã bị lột mặt nạ. Đừng phí lời nữa, mọi biện pháp cần thiết đã được thi
hành.
Ông nói như đinh đóng cột và tiếng ông vang lên khắp phòng. Mọi người đều cảm thấy nhột nhạt. Ai cũng có cảm tưởng có chuyện gì không ổn. Tôi trông thấy vợ ông tái mặt. Và rồi hoạt cảnh kết liễu bằng một vụ nhỏ: sau khi loan báo rằng mọi biện pháp cần thiết đã được đưa ra, ông Lembke quay người và bước nhanh ra cửa; tuy nhiên, còn cách vài bước, ông bỗng vấp phải tâm thảm, chúi tới trước và suýt ngã. Sau khi lấy lại thăng bằng, ông nhìn một giây chỗ bị vấp và nói lớn: “Phải thay mới được!” rồi đi ra. Bà Lembke chạy theo. Khi bà Lembke đi rồi, trong phòng ồn ào như cái chợ, không phân biệt được chuyện gì. Có người nói ông tổng đốc bị khủng hoảng, những người khác nói ông ta hơi bị “mát”, có kẻ lấy tay chỉ lên trán, trong khi Liamsin đứng ở góc phòng lấy hai ngón tay trỏ cắm ngược trên đầu như một cặp sừng. Vài lớp úp mở về chuyện lủng củng gia đình được đưa ra. Dĩ nhiên, những chuyện này chỉ được nhỏ to thì thầm. Không ai có vẻ nghĩ đến chuyện cầm lấy mũ và ra về, mọi người hình như đang đợi chuyện gì. Nhưng năm phút sau, bà Lembke đã trở lại, cố gượng tỏ ra thản nhiên và bình tĩnh; tôi không hiểu trong thời gian đó bà có thể hoàn tất được chuyện gì. Bà nói trắng ra rằng ông tổng đốc hơi bị kích động, nhưng điều đó không có gì quan trọng; rằng ông đã bị những cơn như vậy từ hồi nhỏ, nhưng vì bà đã biết rõ nên không bận tâm; và rằng, dĩ nhiên, cuộc tiếp tân của bà vẫn diễn ra vào ngày mai như đã dự trù. Rồi bà nói thêm một vài lời ca ngợi ông Xtepan, nhưng chỉ cố tính cách đãi bôi, và lớn tiếng đề nghị các nhân viên trong ủy ban tổ chức cứ tiếp tục tiến hành cuộc họp. Sau lời đề nghị này mới thấy những người không có chân trong ủy ban bắt đầu ra về. Nhưng đó vẫn chưa phải là đoạn kết của những biến cố đau lòng trong cái ngày định mệnh đó.
Kể từ lúc Nicolai vào phòng khách, tôi đã nhận thấy Liza cứ chăm chăm nhìn anh, không lúc nào rời mắt, đến độ rốt cuộc nàng làm người ta để ý. Tôi thấy Mavriki từ phía sau nàng trườn tới trước, hình như để thì thầm gì vào tai nàng, nhưng rồi chắc anh ta đổi ý bởi vì tôi thấy anh ta ngồi thẳng trở lại và nhìn quanh với vẻ phạm tội. Nicolai cũng làm mọi người tò mò. Mặt anh nhợt nhạt hơn mọi ngày và anh có một cái nhìn cực kỳ lơ đãng. Sau lời nói đầu tiên với ông Xtepan, Nicolai có vẻ hoàn toàn để tâm trí đâu đâu. Tôi nghĩ là ngay đến việc chào bà chủ nhà anh cũng quên mất. Anh không nhìn Liza lấy một cái và tôi tin rằng điều này không phải cố ý mà chỉ vì anh không nhận ra sự có mặt của nàng. Và tới đây, ngay sau khi bà Lembke mời các ủy viên xúc tiến buổi họp, Liza bỗng cố ý cất cao giọng, lảnh lót nói với Nicoỉai:
- Này anh Nicolai, một ông đại úy nào đó tuyên bố có bà con với anh, anh vợ của anh hay gì đó - tên là
Lebiadkin - hắn cứ viết cho tôi những bức thư nham nhở trong đó hắn cũng phàn nàn về anh và đe dọa sẽ tiết
lộ vài bí mật về anh. Nếu thật hắn có bà con với anh, tôi rất mang ơn anh nếu anh bảo được hắn đừng quấy rầy
tôi nữa để tránh cho tôi quá nhiều phiền
phức.
Trong những lời lẽ của nàng có một sự thách đố hăm dọa mà mọi người có mặt đều nhận thấy. Sự ngụ ý thật hiển nhiên, mặc dù có thể có tính cách bất ngờ đối với chính Liza. Nàng như một người mắt nhắm mắt mở nhảy từ trên mái nhà xuống.
Nhưng câu trả lời của Nicolai còn gây sửng sốt hơn. Anh nói:
- Phải, tôi bất hạnh có bà con với con người đó vì đã cưới em gái của ông ta, nhũ danh là Maria Lebiadkina, từ
năm năm nay. Xin cô cứ yên lòng, tôi sẽ chuyển lời yêu cầu của cô tới ông ta và tôi hứa trong tương lai ông
ta sẽ không làm cô bực mình
nữa.
Tôi không thể quên được vẻ khủng khiếp trên gương mặt bà Varvara. Bà vụt đứng dậy, mặt bà hiện ra vẻ sửng sốt, bà giơ tay lên mặt như thể để đỡ một cái tát. Nicolai nhìn mẹ, nhìn Liza, nhìn đám khách, mỉm cười một vẻ khinh miệt không thể tả rồi thản nhiên bước ra khỏi phòng. Chúng tôi ai cũng thấy Liza bật dậy khỏi ghế ngay khi Nicolai quay đi, rõ ràng là sắp chạy theo anh. Tuy nhiên, nàng tự kiềm chế được và, thay vì chạy, nàng cũng chậm rãi bước ra, không nói một lời hay nhìn ai. Dĩ nhiên Mavriki cũng đi theo nàng.
Tôi sẽ không nói điều gì về sự ồn ào và bàn tán mà chuyện này gây ra trong thành phố. Bà Varvara ở lì trong căn nhà ở tỉnh và người ta đồn Nicolai đã đi thẳng về trại Xcvoresniki mà không tới gặp bà. Tối hôm đó ông Xtepan bảo tôi tới người bạn gái thân mến này để xin bà cho ông gặp; nhưng họ đã không để tôi vào. Ông bị xúc động khủng khiếp và khóc lóc không có cách gì an ủi được, ông cứ nhắc đi nhắc lại:
- Ôi, cưới với kiếc! Chẳng còn ra môn đăng hộ đối gì! Khủng khiếp thay cho gia đình!
Tuy nhiên, sau đó nhớ tới Karmazinov, ông bắt đầu chửi bới lão. Ông cũng cương quyết sửa soạn ngày hôm sau rà mắt trước công chúng và - ôi, cái bản tính nghệ sĩ! - ông diễn thử trước tấm gương, cố gắng ôn kỹ vài lời dí dỏm và chơi chữ thích hợp trong số những lời ông đã thu thập được suốt đời và viết vào một cuốn sổ tay đặc biệt, để xen vào bài nói chuyện. Ông nói với tôi, như tự bào chữa:
- Bạn ạ, tôi làm tất cả những chuyện này là vì một tư tưởng vĩ đại. Anh thấy không, bạn thân mến, tôi đã bất động suốt hai mươi lăm năm và bây giờ tôi bắt đầu nhúc nhích - tôi không biết đi đâu, nhưng chắc chắn tôi đang trên đường đi.