Lũ Người Quỷ Ám - Chương 38
PHẦN THỨ BA
Chương Một
DẠ HỘI BẮT ĐẦU
1
Dạ hội vẫn diễn ra đúng kì hạn, dù cho ngày hôm trước có vụ thợ thuyền xưởng Spigulin lộn xộn. Tôi cho rằng dù ngay chính ông Lembke có qua đời đêm hôm trước thì buổi sáng hôm sau dạ hội cũng cứ diễn ra, bởi cái tầm mức quan trọng đặc biệt mà bà tổng đốc đã gán cho nó. Hỡi ôi, bà ta bưng mắt trước thực tại và hoàn toàn không nhận ra tâm trạng đang ưu thắng lúc ấy. Ngày đó càng đến gần thì người ta càng không ai cho rằng nó sẽ đi qua mà không xảy tới một cái gì gây nên một vụ tai tiếng ghê gớm - hay như một số người xoa tay vào nhau mà phỏng đoán, mọi chuyện sẽ “mở gút”. Mặc dù nhiều kẻ cố tỏ vẻ cau mày bất đồng hay bất can dự một cách khôn khéo, hầu hết vẫn chờ đón một vụ tai tiếng công khai, vì người ta có thể nói là dân Nga nói chung hết sức khoái tỉ trước mọi vụ tai tiếng hay bêu riếu. Tuy nhiên, trong đó cũng có một cái gì nghiêm trọng hơn là lòng thèm khát tai tiếng. Có một sự bực bội chung, một cái gì ác hận khôn nguôi: dường như đột nhiên ai cũng đâm ra chán ghét mọi sự và trông đợi một sự thay đổi nào đó. Tâm trạng bao trùm tất cả là một sự khinh bạc vô liêm sỉ, một thứ vô liêm sỉ gượng gạo, tự chế. Chỉ có một tình tự rõ rệt, ít nhất là trong giới các bà, đó là nỗi thù hằn đằng đẵng đối với bà Julia fon Lembke. Mọi phe phái phụ nữ đều đồng ý về điểm ấy. Thế mà người đàn bà đáng thương kia không màng hiểu một tí gì; cho đến phút cuối cùng bà vẫn ngờ là quanh mình toàn là những kẻ ủng hộ “nhiệt tâm trung thành” với bà, như bà thường nói một cách thích thú.
Trước đây tôi đã ghi nhận là có nhiều nhân vật kì khôi xuất hiện trong tỉnh nhà. Vào những lúc rối ren, nửa nạc nửa mỡ, những giai đoạn chuyển tiếp bao giờ họ cũng mọc ra ở khắp nơi khắp chốn. Ở đây tôi không nói đến những phần tử “cấp tiến” luôn luôn hối hả và mối quan tâm chính (dù cho ngốc nghếch) là đi trước mọi người trong việc theo đuổi một mục tiêu rõ rệt ít nhiều. Không, ở đây trong đầu tôi chỉ nghĩ đến bọn cặn bã. Bọn cặn bã này, trong xã hội nào cũng có, đến lúc rối ren thì nổi lên trên mặt. Không những chúng thiếu bất cứ một mục tiêu ý thức hệ riêng rẽ nào, - chúng còn chẳng có nổi một tư tưởng trong đầu óc; sự xuất hiện của chúng chỉ đơn thuần là triệu chứng của sự bất ổn và nóng nảy chung. Không ý thức được điều đó, hầu như chúng luôn luôn trở thành công cụ cho các phe nhóm “cấp tiến” nhỏ bé theo đuổi những mục tiêu rõ rệt và lái cái đám nhân loại vật vờ kia theo bất cứ chiều hướng nào họ thấy cần thiết - nghĩa là trừ khi chính những phe nhóm nọ lại gồm toàn các kẻ đần độn, điều mà ta phải nhận là cũng thường xảy ra lắm. Trong tỉnh tôi, bây giờ khi mọi chuyện đã xong xuôi, người ta nói rằng Piot’r Verkhovenxki nằm dưới quyền điều động của Phong trào Quốc tế, và anh ta điều động bà Lembke, còn đến lượt bà này thì điều động đám cặn bã của xã hội theo chỉ thị của Piot’r. Những bộ óc tiếng tăm nhất trong tỉnh tôi vẫn còn thắc mắc không hiểu sao bọn kia lại chịu cho xỏ mũi dẫn đi như thế. Điều gì đã gây ra sự bất ổn chung, và nếu nó là một giai đoạn chuyển tiếp, thì chuyển từ cái gì và tiếp tới cái gì - tôi tin là cả tôi lẫn bất cứ ai cũng không giải thích nổi, ngoại trừ có lẽ mấy ngưòi khách từ ngoài tỉnh đến. Dù sao đi nữa, nó đã xảy ra - đủ loại nhân vật tối tăm vô nghĩa, trước kia không bao giờ dám mở miệng, bỗng nhiên lên chân và khỏi sự vung vít phê bình mọi định chế thiêng liêng của chúng ta, trong khi những người cho đến lúc đó vẫn giữ các vị trí lãnh đạo lại bắt đầu im lặng, cúi đầu lắng nghe chúng, một vài kẻ còn rúc rích tán đồng mà không biết nhục. Những tên Liamsin và Teliatnicov trên đời này; nhưng tay như nhân vật địa chủ Tentetnicoy; những nhãi ranh vườn ti toe làm Radisey - những dân Do Thái với nụ cười buồn và ngạo mạn; những khách bàng quan ghé qua tỉnh, tôi cười lên hô hố; những nhà thơ chính trị từ thủ đô về; những nhà thơ bù đắp cái khiếm khuyết về chính trị, hay cả về tài năng, bằng cách bận quần áo và đi giày dép nông dân; những viên trung tá, đại tá toe toét ba hoa về sự vô nghĩa của binh nghiệp, và nếu được hứa hẹn, kiếm hơn chỉ một đồng rúp cũng sẵn sàng cởi gươm trả lại quân đội và đi xin một chân thư kí hỏa xa; những ông tướng đổi nghề làm thầy kiện; những anh chàng vô nghề nghiệp làm trung gian, “tiến bộ” giữa địa chủ và nông dân; bọn lái buôn có khuynh hướng ham giác ngộ; vô số chủng sinh; những mụ đàn bà bị ám ốp vì nữ quyền - tất cả những kẻ đó đột nhiên lên chân trong tỉnh tôi. Mà lên chân với ai kia chứ? Lên chân đối với câu lạc bộ chúng tôi, với các công chức cao cấp, với những ông tướng chống nạng gỗ, với các bà các cô kiêu sa bắc bực nhất. Bởi vì, nói cho đúng, ngay cả bà Varvara cũng lăng xăng theo đòi và chiều chuộng cái bọn cặn bã kia mãi cho đến lúc cậu con của bà bị tai họa giáng xuống, chúng ta cũng phải viện ra những trường hợp giảm khinh để giải thích những sự lầm lạc nhất thời của các trang quần thoa thông minh khác trong tỉnh. Bây giờ, xét lại, như tôi đã nói ở trên, tất cả đều gán cho bàn tay của Phong trào Quốc tế. Quan niệm này ăn sâu đến nỗi, căn cứ vào đó, thiên hạ tố giác cả với các thanh tra từ bên ngoài tới. Mới đây, một viên tham nghị đã sáu mươi hai tuổi đầu, ngực có đeo huân chương thánh Xtanixlav, tên là Cubricov cũng tự động đến trần tình với nhà chức trách bằng một giọng đầy xúc cảm, rằng trong suốt ba tháng cụ đã chịu ảnh hưởng nặng nề của Phong trào Quốc tế. Tuy nhiên, khi người ta kính nể tuổi già và địa vị của cụ mà xin cụ trình bày minh bạch hơn chút nữa, thì cụ chẳng đưa ra được bằng chứng nào, chỉ quả quyết là cụ “cảm thấy tận trong xương trong tủy”. Và cụ ương ngạnh không chịu lay chuyển lập trường, nên người ta đành thôi không tra hỏi nữa.
Như tôi đã nói, trong đám chúng tôi có một nhóm nhỏ ngay thoạt đầu đã làm cao ngó lơ và còn cấm cung cửa đóng then cài. Nhưng, tôi xin phép hỏi các bạn, then khóa nào có thể đương đầu lại được với các qui luật tự nhiên? Ngay các giả đình nghiêm ngặt nhất cũng sinh ra các cô gái mê khiêu vũ tít thò lò. Thế nên tất cả những kẻ chân chỉ hạt bột kia rốt cuộc cũng mua vé dự dạ hội trợ giúp các cô giáo nghèo. Buổi dạ hội được người ta trông đợi sẽ là một tiết mục sáng chói chưa từng có. Thiên hạ kháo nhau những chuyện tận mây xanh: nào là những ông hoàng đeo kính từ xa đến thăm dự; nào là người thanh niên độc thân tuấn tú vai đeo dải lụa sẽ đứng làm tiếp viên; nào là vài khuôn mặt rất quan trọng ở Petersburg đã là động cơ chính của dạ hội; nào là, để quyến rũ thêm quan khách, Karmazinov đã thỏa thuận bận y phục như một cô giáo trong tỉnh để đọc bản văn Cám ơn của ông; nào là sẽ có cuộc “tứ vũ văn nghệ”, cũng hóa trang, mỗi bộ quần áo đại diện cho một phong trào văn chương. Sau chót, một người tiêu biểu cho cái mệnh danh là “Tư tưởng Nga Chân chính”, và cũng ăn mặc sao cho phù hợp, sẽ trình diễn một điệu nhảy - tất nhiên là phải hoàn toàn tân kì. Vậy làm sao ai có thể cưỡng lại nổi? Mọi người đều ghi tên tham dự hết.
2
Khánh tiết chia ra làm hai phần: một buổi họp văn nghệ sớm, từ trưa đến bốn giờ chiều, và một buổi dạ vũ từ mười giờ tối trở đi, cho tới suốt đêm. Sự sắp xếp này thực ra đã mang sẵn mầm mống rắc rối trong đó rồi. Đầu tiên, không biết sao công chúng lại có cảm tưởng là sẽ có bữa ăn trưa dọn vào quãng giải lao đặc biệt giữa cuộc giải trí văn nghệ - dĩ nhiên là một bữa ăn miền phí với rượu sâm banh. Cái giá vé khá cắt cổ - đến ba rúp - dường như biện minh cho cái cảm tưởng này. Người ta lý luận: “Họ không lẽ nào lại lấy nhiều như thế mà không có gì, vả chương trình trù liệu kéo dài gần suốt cả hai mươi bốn giờ, vậy họ phải cho mình ăn chứ: nếu không thì đói lả còn gì”. Phải nói rằng sự trông chờ tai hại kia cũng là do cái tính nông nổi của chính bà Lembke tạo nên. Một tháng trước, khi ban đầu còn đang mê mẩn với dự án vĩ đại kia, bà đã đi khắp nơi, gặp ai cũng ba hoa về nó, và bà đã gửi cả một mẩu tin cho một tờ báo ở Petersburg trong đó đề cập những lời khánh chúc trong buổi tiếp tân của bà. Lúc đó bà hăm hở về những lời chúc tụng đó hơn bất cứ ai khác; bà muốn đích thân đứng ra nâng cốc chục tụng và cứ sửa soạn dọn đi dọn lại lời lẽ. Các lời chúc tụng đó định là để giải thích tiêu ngữ chính của chúng tôi (tiêu ngữ đó như thế nào tôi không rõ; tôi đánh cuộc là vị phu nhân đáng thương kia cũng không hiểu ất giáp gì sốt), để cho báo chí trong nước tường thuật, để làm nhà cầm quyền cao cấp hài lòng và xúc động và để truyền bá ra khắp hàng tỉnh trong nước, gây sự kinh ngạc và thi đua hào hứng. Nhưng chúc tụng không thể thiếu rượu sâm banh, mà sâm banh lại không thể uống với cái dạ dầy lép kẹp, nên dọn bữa ăn trưa cho quan khách là chuyện tất nhiên. Tuy nhiên, sau này, khi nhờ các nỗ lực của riêng bà Lembke, một ủy ban tổ chức được hình thành, và một đường lối xúc tiến hợp với phương thức kinh doanh hơn được chấp thuận, người ta mới vạch ra cho bà thấy rằng nếu bà cứ nhất định đòi có yến tiệc linh đình, thì tiền bạc chẳng còn được bao nả để giúp các cô giáo nghèo, dù cho số vé bán ra có vượt mọi sự mong ước. Ủy ban này trình bày với bà hai phương thức sau đây để chọn lấy một: hoặc là một yến tiệc ngất trời đủ cả chúc tụng và diễn văn để chỉ còn dư chín mươi rúp cho các cô giáo, hoặc một buổi giải trí thông lệ thôi nhưng giữ nguyên được số tiền kếch xù cho lý tưởng cao đẹp kia. Tất nhiên là ủy ban đưa ra sự chọn lựa thông thiết cho bà Lembke chỉ cốt để gây cho bà ấn tượng cần phải thực tiễn, vì rốt cuộc ngay buổi hội cũng là một sự thỏa hiệp phải chăng: một cuộc tiếp tân khá huy hoàng về mọi khía cạnh, mặc dù không có sâm banh, và còn thừa ra một số tiền khá khẩm - dù sao cũng hơn chín mươi rúp nhiều - để giúp những cô giáo. Tuy thế, bà Julia fon Lembke không đồng ý. Bản chất bồng bột của bà chê cái giải pháp nước đôi thông tục đó. Bà quyết định tức thì là nếu giải pháp đầu thiếu thực tiễn, thì họ phải đi sang cực đoan kia và quyên được một ngân khoản kếch xù cho các cô giáo để mọi tỉnh khác phải trông vào đó mà ganh tị. Bà kết luận bài diễn văn nảy lửa tại ủy ban:
- Sau hết công chúng phải nhận thức được là thành quả của một mục tiêu có ích lợi cho cộng đồng nhân loại hẳn ở một cấp bậc vô cùng đáng quan tâm hơn sự thỏa mãn phù du các thị hiếu của thân xác; rằng, xét cho đến cùng, chủ đích cuộc gặp mặt của chúng ta là sự tuyên dương một tư tưởng vĩ đại và, vì thế, chúng ta phải bằng lòng với một cuộc giải trí thanh đạm, như kiểu người Đức, chỉ dùng như một tượng trưng, vì xem chừng chúng ta không thể bãi bỏ luôn cái mục dạ vũ khốn nạn kia được!
Thực thế, cuối cùng bà đã đâm ra kinh tởm buổi dạ vũ. Nhưng những người khác cũng khuyên được bà là một vừa hai phải thì thôi. Chính ngay lúc ấy họ nảy ra ý tưởng về cuộc “tứ vũ văn nghệ” và các thú vui thẩm mĩ khác để thay thế cho sự thiếu sót các món khoái lạc nặng nề về vật chất hơn. Cũng ở điểm này mà Karmazinov đứt khoát hứa sẽ đọc bài Cám ơn của ông (cho đến bấy giờ ông cứ làm tình làm tội ủy ban với cái thói nửa nạc nửa mở của ông), dự tính là sẽ xóa tan ngay cái ý nghĩ đến thực phẩm khỏi đầu óc của đám công chúng háu ăn kia. Thế là buổi dạ vũ một lần nữa lại trở thành đại hội tưng bừng như đã trù tính từ đầu, mặc dầu trong một phong thái có khác biệt đôi phần. Chót hết, để tránh cho nội vụ khỏi quá thanh tao, người ta quyết định là khởi đầu cuộc tiếp tân thực khách sẽ dùng trà với chanh và bánh ngọt giản dị, sau đó là đồ uống lạnh như là nước cam, nước ngọt, và có thể cả kem nữa. Nhưng tất cả chỉ có thế mà thôi. Còn đối với kẻ nào mà khẩu vị quá lậm, nhất là cần giải khát thêm, một quầy ăn đặc biệt do Prokhorưtr, đầu bếp chính của câu lạc bộ chúng tôi, chủ trì đã có sẵn. Dĩ nhiên ở đó, dưới sự giám sát nghiêm ngặt của ủy ban, thực khách có thể muốn gì có nấy - nhưng phải trả tiền, đó là một điểm sẽ được nêu rất rõ bằng một bản yết thị gần cửa khiêu vũ sảnh, bố cáo rằng quầy ăn không phải là một bộ phận nằm trong chương trình. Tuy nhiên, sau này, người ta gạt bỏ luôn ý kiến sắp xếp quầy ăn trong cuộc họp văn nghệ, vì e rằng nó có thể đánh lạc sự chú ý vào việc giải trí văn nghệ, mặc dầu quầy ăn ở cách xa Bạch sảnh, nơi Karmazinov chấp thuận đọc bài Cám ơn của ông, có đến năm cái phòng. Thật lạ lùng là ngay cả những nhân viên thực tiễn trong ủy ban mà cũng gán cho sự xuất hiện của Karmazinov một tầm quan trọng đến như vậy. Còn những nhân viên cao hứng về nghệ thuật - chẳng hạn như bà nghiệp chủ đầu tỉnh, thì tuyên bố là ngay sau khi ông ta đọc xong, bà sẽ cho gắn vào tường một phiến đá cẩm thạch chạm chữ bằng vàng để thông báo cho hậu thế rằng ngày đó tháng đó một đại văn hào Nga và của cả châu Âu đã quyết định gác bút và đã đọc bài Cám ơn của ông ở đây lần đầu tiên, như thế là nói lên lời giã biệt với công chúng Nga mà tỉnh tôi làm đại diện. Bia đá đó phải đặt cho kịp thời để đến buổi dạ vũ đã có thể đọc được - nghĩa là chỉ năm tiếng đồng hồ sau khi tác giả đọc bài Cám ơn. Tôi biết rành, qua những nguồn tin không thể sai chạy được, là chính Karmazinov đã khăng khăng quyết liệt là bất cứ vì lý do gì cũng không thể mở quầy ăn trong lúc ông đang đọc văn, mặc dù một số nhân viên trong ủy ban phản đối vì đó không phải là lệ thường trong tỉnh chúng tôi.
Tình hình thực sự là như thế; trong khi công chúng chờ mong một bữa tiệc thịnh soạn - nghĩa là một quầy ăn miễn phí cho mãi đến giây phút cuối cùng. Các cô gái nhỏ cũng còn mơ đến vô số kẹo, mứt, và đủ thứ bánh trái. Ai cũng biết là số thu thật khổng lồ, và cả tỉnh xôn xao ngóng đợi ngày đại hội; thêm nữa thiên hạ từ các quận huyện xa xôi còn kéo về chỉ để dự cuộc vui, và vé không đủ để bán ra khắp nơi. Thiên hạ cũng hay là có khá nhiều người tự ý đóng góp một số tiên cao hơn giá vé đã ghi. Chẳng hạn, bà Varvara trả đến ba trăm rúp cho tấm vé của bà và còn tặng thêm hoa trồng trong nhà kính để trang hoàng khiêu vũ sảnh; bà nghiệp chủ đầu tỉnh cho mượn nhà và đài thọ đèn nến; câu lạc bộ thì đặt giàn nhạc, các người giúp việc, và đầu bếp Prokhorưtr dưới quyền sử dụng của ủy ban tổ chức suốt ngày hôm đó. Còn có rất nhiều sự đóng góp nữa, mặc dù không đồ sộ đến thế; nhưng cũng đủ bề thế để những người tổ chức đã có lúc cứu xét việc giảm giá vào cửa từ ba xuống - hai rúp. Thực thế, lúc đầu ban tổ chức ngại rằng các thiếu nữ không chừng sẽ ở nhà nếu phải trả ba rúp mới được vào cửa, và đề nghị phát hành những vé đặc biệt cho gia đình, để nếu nhà nào trả tiền cho một cô thì có quyền mang theo cả mười cô con gái. Nhưng tất cả những mối e ngại này hóa ra vô căn cứ, vì chính các cô là những người đầu tiên lo mua vé. Ngay những viên thư kí nghèo khổ nhất cũng mang theo con gái, và hiển nhiên quá lẽ là nếu trong gia đình họ không có ai đến tuổi cập kê thì ý tưởng mua vé chẳng bao giờ nẩy ra trong đầu óc họ. Một công chức quèn rặt túng bấn mang theo cả bảy ái nữ, bà vợ, và kèm theo một cô cháu gái nữa; nhìn thấy mỗi cô nắm trong tay một tấm vé vào cửa ba rúp là một cảnh tượng thật cảm động. Cứ thử tưởng tượng tất cả chuyện đó gây xôn xao trong tỉnh đến đâu! Chỉ nguyên việc phân chia đại hội thành hai phần cũng hàm ý rằng mỗi bà mỗi cô phải diện hai bộ cánh khác phau - một cho buổi họp mặt văn nghệ chiều, và một cho buổi dạ vũ tối. Sau này mới biết ra, nhiều người lợi tức khiêm tốn phải mang cầm cố cả quần áo cho thương nhân Do Thái trong tỉnh, (một số người Do Thái đã lập nghiệp trong tỉnh tôi từ hai năm trước và còn đang tới thêm nữa). Hầu như tất cả công chức đều xin lĩnh lương sớm và nhiều điền chủ phải bán đi một ít gia súc để cho con gái đua đòi với chúng bạn và trông không thua gì các bà hoàng. Trang phục dịp này đạt tới mức lộng lẫy phá kỉ lục tại tỉnh tôi. Từ nửa tháng trước đại hội cả tỉnh đã xôn xao những chuyện tọc mạch về gia đình người ta, mà đám ngồi lê đôi mách bu quanh bà Lembke vội vã hót lẻo với bà. Những bức hí họa mô tả các hoạt cảnh của một số nhà được truyền từ tay này sang tay khác, và chính tôi được mục kích vài tấm phóng bút như thế trong cuốn lưu ảnh của bà Lembke. Sau này, nạn nhân của những trò đùa kia biết ra sự tình, và tôi cho rằng, đó là một trong những lý do một số gia đình bỗng đâm ra thù hận bà Julia fon Lembke. Bây giờ người ta rủa sả bà và nghiến răng mỗi khi nhớ lại chuyện đã qua, nhung lúc đó hiển nhiên là nếu ủy ban tổ chức phạm phải sơ hở nào nhỏ nhặt nhất và làm công chúng mất lòng, thế nào cũng bùng ra một sự căm phẫn chưa từng có. Bởi thế ai cũng cảm thấy là một vụ tai tiếng âm ỷ, và vì ai cũng mong ngóng nó, làm sao nó không thành hình cho được?
Đúng ngọ dàn nhạc bắt đầu chơi. Bởi lẽ tôi là một trong những tiếp viên, mà tờ chương trình mô tả là “những thanh niên thuộc giới trưởng giả vai trái đeo dây lụa”, tôi chứng kiến lúc khai mạc cuộc lễ đáng tiếc kia. Nó bắt đầu bằng một sự hỗn loạn không thể tả ở các cửa vào. Ngày hôm đó mọi chuyện hỏng ngay từ ban sơ, khởi đi từ sự cảnh sát không thi hành được nhiệm vụ một cách đúng mức. Ở đây tôi không nói đến dân chúng bình thường: các ông gia trưởng không hề xô đẩy. Thực ra, không một ai trong bọn họ lại tìm cách lợi dụng cả đến địa vị xã hội của mình. Trái lại, tôi nghe nói là khi còn ở ngoài đường họ khựng cả lại, sững sờ mục kích một đám đông chưa hề có trong tỉnh. Giống như một mớ loạn dân vây một pháo đài và tìm cách công phá, hơn là một nhóm dân thường chỉ đang muốn vào một căn nhà. Ngựa xe kéo đến nhộn nhịp cả buổi, cuối cùng làm tắc nghẽn luôn đường phố. Bây giờ, khi viết những dòng này, tôi có những căn cứ đáng tin để xác nhận là một số tên thuộc thành phần cặn bã nhất trong tỉnh đã được Liamsin và Liputin, và có lẽ vài tiếp viên khác, cho vào lậu không cần vé. Cũng có thêm những kẻ mà chưa ai thấy mặt bao giờ; họ phải từ ngoài thành, hay có khi từ tỉnh khác đến. Bọn ấm ớ này vừa chân ướt chân ráo vào nhà là hỏi liền lối đi đến quầy ăn. Khi nghe nói không có quầy ăn, chúng hùng hổ hết sức và dùng những lời lẽ lạ hoắc. Thực thì vài tên khi tới đã say mèm. Tuy nhiên phần nhiều bọn lỗ mãng ấy bị choáng váng vì vẻ huy hoàng của căn nhà ông nghiệp chủ đầu tỉnh, chúng chưa lần nào được thấy một cảnh trí tương tự như thế bao giờ. Chúng cứ há hốc mồm mà ngắm, và trong ít phút đầu còn yên tĩnh và chịu phép. Phải nói là gian phòng tiếp tân đồ sộ làm chúng kinh dị đến điều kìa, tuy hơi tàn tạ và cần phải sửa sang, thực ra cũng phong độ lắm. Nó rộng mênh mông, với hai hàng cửa sổ chồng lên nhau và một cái trần kiểu xưa trang sức bằng những mô hình thếp vàng; tường treo gương la liệt và những tấm màn trướng bằng nỉ trắng mẫu hoa đỏ; trong phòng trần thiết nhiều tượng cẩm thạch (dù giá trị nghệ thuật ra sao, đó cũng là tượng), và đồ gỗ nặng nề kiểu đời Napoleon mầu trắng và vàng bọc nhung đỏ. Cuối phòng, một khán đài được dựng lên trong dịp này, lấy chỗ cho các tác giả đọc văn; phần còn lại sắp kín những dãy ghế ngăn bằng lối đi, như trong một rạp hát. Nhưng khi đã tỉnh táo sau cơn kinh dị đầu tiên, bọn lỗ mãng bắt đầu đặt những câu hỏi vô nghĩa lý nhất và tuyên bố một cách động trời nhất.
- Ai thèm nghe đọc văn làm cái khỉ mốc gì?
- Chúng ta đã bỏ tiền ra mua vé! Họ định làm gì đây, đánh lừa công chúng hả?
- Không thể được! Hiện nay chúng ta mới là kẻ ra lệnh, chứ không phải bọn Lembke!
Thực tình, phải nghĩ rằng người ta đã cố tình cho chúng vào lậu để phá rối. Tôi đặc biệt nhớ một sự cố dính dấp đến cậu công tước con đeo cổ cồn cứng nhắc và cao không thể tả, trông như người nộm, mà tôi đã giáp mặt tại nhà bà Lembke ngày hôm trước. Nhờ sự năn nỉ khẩn khoản của bà, anh ta đã chịu đeo dây lụa lên vai trái và đứng vào hàng ngũ tiếp viên chúng tôi. Chẳng được mấy chốc đã thấy rõ là cái thây ma bằng sáp câm như hến đó, nếu không biết nói, thì lại biết hành động, ít ra cũng tạm được. Khi một viên đại úy hồi hưu người ô dề kịch cợm, mặt rỗ hoa, được một đám du côn làm vây cánh, gọi xách mé và đòi dẫn đến quầy ăn, ông hoàng con ra hiệu cho một cảnh sát viên đứng kề bên. Mặc dù bị phản đối kịch liệt, hiệu lệnh kia được thi hành ngay tức khắc, và viên đại úy bí tỉ kia liền bị tống khứ. Trong lúc đó, đám thính giả hợp lệ bắt đầu tới, chật như nêm theo ba lối đi giữa các dãy ghế. Lũ la ó om sòm kia ngớt dần; nhưng đám công chúng mua vé đích thực không khỏi lo âu và bất mãn ra mặt, một số phụ nữ trông còn có sắc kinh hoàng nữa.
Cuối cùng mọi người đều có ghế ngồi và ban nhạc ngưng tấu. Thiên hạ bắt đầu nhìn quạnh và hỉ mũi. Tâm trạng chờ mong này quá căng thẳng và trang trọng, thường đó là một dấu hiệu xấu. Ông bà Lembke vẫn chưa thấy tới. Nhung, lụa, vàng ngọc lấp lánh và ánh lên khắp bốn bề; không khí sực nức mùi nước hoa ngào ngạt. Quí ông đeo hết cả kim khánh huy chương, và một vài người trọng tuổi, chức sắc nhất, còn thắng cả bộ đồng phục95. Sau hết, bà nghiệp chủ đầu tỉnh xuất hiện, có Liza hộ tống. Chưa bao giờ Liza đẹp chói ngời như khi đó, trong bộ phục sức tráng lệ của nàng; tóc nàng uốn từng lọn, mắt nàng long lanh, và một nụ cười nở trên môi nàng làm rạng rỡ cả khuôn mặt. Sự ra mắt của Liza gây cho thiên hạ xao động - người ta ngắm nàng từ đầu tới chân mà trầm trồ. Dăm kẻ bảo rằng mắt nàng tìm kiếm Nicolai trong dám thính giả, nhưng cả mẹ anh lẫn anh đều chưa tới. Lúc đó, tôi khòng hiểu sao nàng lại biểu lộ hạnh phúc, mừng vui, và sống động đến thế; và khi tôi nhớ lại mọi chuyện xảy ra ngày hôm qua, tôi thực tình hiểu không ra lẽ.
Ông bà Lembke vẫn chưa tới - đó là một lỗi lầm tệ hại. Sau này tôi biết ra là bà Julia fon Lernbke đã chờ đợi Piot’r đến phút chót, vì gần đây không có anh ta bà không thể cất nhắc được một việc gì, tuy bà đâu có chịu thú nhận chuyện đó, dù là với chính mình. Tôi cũng phải ghi nhận ở đây là, tại phiên họp chót của ủy ban tổ chức, Piot’r đã từ chối đeo dây tua tiếp viên, và điều này thực tình đã làm bà phát khóc. Sau này, bà càng ngạc nhiên hơn, rồi hóa ra bối rối vô kể (chỗ này tôi đi trước sự việc), khi thấy anh chẳng hề ló mặt trong suốt buổi họp văn nghệ chiều và không ai thấy bóng dáng anh đâu mãi cho đến tối mịt.
Sau cùng, thính giả đâm ra khó chịu một cách công khai. Thế mà vẫn không có ai xuất đầu bộ diện trên sân khấu. Bọn người ở mấy hàng ghế sau bắt đầu đập tay để biểu lộ sự nóng nảy, như thiên hạ thường làm trong rạp hát. Các ông bà trọng tuổi cau mày - họ cho là vợ chồng Lembke làm bộ làm tịch quá đáng. Trong những hàng ghế đầu, toàn là quan khách hạng nhất, người ta xầm xì một ý kiến quái gở là có lẽ sẽ không có đọc văn gì ráo trọi, là tổng đốc Lembke thực sự ngã bệnh, vân vân. Nhưng, nhờ trời, rốt cuộc họ cũng tới; bà đệ nhất phu nhân khoác tay chồng. Tôi phải nói là chính tôi cũng rất lo âu không biết chuyện gì sẽ xảy ra khi họ xuất hiện. Tuy nhiên, xem thể như mọi tin đồn đều thất thiệt và sự thật đã thắng. Công chúng có vẻ nhẹ nhõm hẳn. Trong lúc quan tổng đốc tiến vào, mọi con mắt đều dán lên mình ông, và ấn tượng chung, kể luôn cả của tôi, là ông trông rặt khỏe khoắn. Trong đám xã hội thượng lưu chúng tôi rất ít kẻ cho là ông có chuyện gì bất ổn thực sự; xét đại thể, hành động của ông trông hoàn toàn bình thường; và họ còn tán đồng lập trường của ông tại công viên với đám biểu tình ngày hôm qua nữa. Những nhân vật quyền cao chức trọng này bàn:
- Lẽ ra phải làm thế ngay từ thoạt đầu. Những công chức cao cấp của ta dù cho khi nhậm chức có đóng trò nhân đạo, thì rồi ra kết cuộc cũng phải làm như ông ấy đã làm mà thôi, bởi vì, phân tích cho đến cùng, chính như thế; mới là phương thức nhân đạo nhất. Ở câu lạc bộ, chúng tôi đi đến cái kết luận chung đó. Nếu có ai trách móc vị tổng đốc, thì chỉ là vì ông đã đánh mất bình tĩnh.
Các tay già dặn bình phẩm:
- Những biện pháp như thế phải nên tỉnh trí và chín chắn mà áp dụng, nhưng của đáng tội lão ta cũng mới chân ướt chân ráo tựu chức.
Những cặp mắt cũng hăm hở hướng về phía bà Lembke. Tất nhiên, xin đừng ai đòi hỏi nơi tôi, một người thuật chuyện, quá đầy đủ chi tiết về những gì diễn ra giữa hai bên - ở đây chúng ta chạm phải một bí ẩn, một người đàn bà. Tuy nhiên, tôi biết rõ bà đã cửa đóng then cài ở trong phòng làm việc với ông chồng cho đến quá nửa đêm và, sau khi thứ lỗi cho chồng, bà đã an ủi ông. Hai người đã đồng ý về hết mọi chuyện; mọi mầm bầt hòa đã bị quên lãng; và khi đã giải thích xong xuôi, ông Lembke còn khăng khăng đòi quì gối để thú tội cái sự cố chủ chốt và tối hậu đêm hôm trước, thì bàn tay tuyệt diệu, và rồi đôi môi của Julia đã chặn ngay ngọn triều trần tình hối lỗi dồn dập tuôn ra từ con người hào hiệp bị cảm xúc làm mềm lòng kia. Ai cũng đọc được hạnh phúc trên gương mặt bà. Bà có vẻ thân thiện, thoải mái, và ăn bận lộng lẫy. Xem như thể mọi ước nguyện của bà đã thành sự thật: lễ hội, là chủ đích và tột đỉnh của chính sách của bà, đã thành công. Khi hai người bước về phía ghế ngồi, cả ông lẫn bà đều liên tiếp cúi đầu, ghi nhận sự chào mừng của thính giả. Tức khắc một vòng người bu quanh họ. Bà nghiệp chủ đầu tỉnh đứng dậy tiếp đón quan tổng đốc và phu nhân. Nhưng ngay lúc đó có một sự hỗn độn bất hạnh nhất. Không rõ vì lý do gì, tự nhiên dàn nhạc bỗng tấu lên một khúc nhạc chúc mừng không phải một điệu hành khúc mà là khúc nhạc chúc mừng thường chơi tại cậu lạc bộ trong bữa tiệc mừng sức khỏe của một người nào đó. Sau này tôi biết ra là Liamsin, có chân trong ban tiếp viên, đã nhúng tay vào việc này. Anh đã dặn ban nhạc “nghênh đón” quan tổng đốc và phu nhân bằng kiểu đó. Và, dĩ nhiên, anh lúc nào cũng có thể chống chế là mình đã vô tình sơ suất hoặc làm thế chỉ vì quá nhiệt tâm. Nhưng hỡi ôi, sau này tôi mới khám phá ra, là lúc đó những kẻ ấy đâu có thèm lo tới chuyện bào chữa làm gì, bởi họ tin chắc sau bữa đó mọi chuyện sẽ biến khác hẳn.
Khúc nhạc chúc mừng tò tí te cũng không phải là mức chót. Trong khi đám thính giả trao nhau những nụ cười nửa miệng và những cái nhìn bối rối, thì ở mấy dãy ghế ổ gà phía sau và hành lang tiếng hoan hô nhất tề nổi lên, dường như cũng hướng về quan tổng đốc. Chỉ có dăm người tham dự cuộc biểu tình này, nhưng nó kéo dài rõ lâu. Bà Lembke mặt tái như bị cắt tiết và đôi mắt tóe lửa. Ông tổng đốc đứng chết lịm bên ghế, quay đầu về phía những kẻ reo hò, và ném một cái nhìn nghiêm khắc xuống đám thính giả. Những người quanh ông vội khuyên ông ngồi xuống. Tôi e ngại thấy ông lại mang nụ cười gở lạ, đã xuất hiện trên gương mặt ông trong phòng khách của bà vợ khi ông đứng đực ra ngó một hồi rồi bước lại phía ông Xtepan. Tôi nghĩ rằng bây giờ trên mặt ông cũng biểu lộ một nét gở lạ, và tệ hại hơn đồng thời nó lại có vẻ khôi hài, nét mặt của một người đàn ông đã quyết chí đem thân này cúng dường trên bàn thờ cao vọng của vợ. Bà Lembke vội vẫy tay cho tôi và thì thầm nhờ tôi len lỏi đến chỗ Karmazinov và xin ông tức khắc đọc văn cho. Nhưng, vừa khi tôi quay mình đi để làm điều bà sai bảo, thì một vụ biểu tình thất lễ nữa nổ bùng ra, lần này còn chấn động hơn lần trước. Trong khi những cặp mắt và những chờ mong của thính giả dán vào cái diễn đàn trống vắng, với chiếc ghế chưa có chủ bên cạnh cái bàn có một li nước đặt trên cái khay bạc, thì thân hình ô dề của đại úy Lebiadkin, thắng bộ áo đuôi tôm, cổ thắt lĩnh đai trắng, đột nhiên xuất hiện trên đó. Ông ta có vẻ khá luống cuống và đứng ngây ở phía sau diễn đàn. Rồi, trong công chúng có người la to: “Ê, Lebiadkin, bồ đó ư?”, và khuôn mặt đỏ nhừ ngốc nghếch (ông ta đang say bí tỉ) rạn nứt thành một cái cười toe không hồn. Ông ta giơ một bàn tay lên trán, lau mồ hôi, hất mái tóc bờm xờm lại phía sau, và rồi, xem như sắp lao mình xuống vực thẳm, ông ta bước tới một vài bước và xổ ra một tràng cười, mặc dù không lớn lắm, nhưng rất vang dội, khoái hoạt, và bất tận, làm cả khối thịt trên mình ông ta lắc lư và cặp mắt ti hí như của loài heo nhắm tít lại. Quang cảnh đó làm cho gần phân nửa đám thính giả phá ra cười và hàng chục kẻ vỗ tay. Những thính giả đứng đắn đưa mắt cho nhau rầu rĩ. Màn hoạt cảnh kéo dài chưa đến nửa phút. Thế rồi Liputin, vai đeo tua tiếp viên và có hai người hầu hộ tống, nhảy ngay lên sân khấu. Hai người hầu nắm hai cánh tay viên đại úy, còn Liputin thì nhỏ to điều gì vào tai ông ta. Lebiadkin cau mày, lẩm bẩm: “Được, nếu anh nhất quyết...”, nhún vai, quay tấm lưng cánh phản lại thính giả rồi bỏ đi với người hộ tống. Nhưng, một giây sau, Liputin đã quay lại diễn dàn. Tay anh ta cầm một tờ giấy viết thư, miệng ngoác một nụ cười làm người ta liên tưởng đến đường hòa trong giấm. Anh ta bước đến mép khán đài bằng những bước nhỏ và mau mắn. Anh ta nói với thính giả:
- Thưa quí bà và quí ông, một chuyện hỉểu lầm tức cười vừa mới xảy ra vì sơ suất, và hiện đã được sửa sai. Nhưng bây giờ tôi xin mạo muội làm tròn lời yêu cầu của một thi sĩ tỉnh nhà, và với sự đồng ý của quí vị, tôi hi vọng có thể hoàn tất một cách mĩ mãn. Mặc dù dáng dấp bề ngoài, nhà thơ của chúng ta, xúc động vì cái lý tưởng nhân đạo và cao cả đã tập hợp tất cả chúng ta ở đây - đó là cái lý tưởng lau khô giọt lệ cho những nữ trí thức nghèo tại tỉnh nhà - vị đó, tôi muốn nói... nhà thơ đó, người mong được xem như vô danh thị, rất ao ước nghe đọc bài thơ của ông trước khi chương trình khai mạc. Vậy nên, tuy bài thơ này không nằm trong chương trình, và chỉ mới được trao tay cho chúng tôi có nửa giờ trước đây (Liputin không hề nói rõ “chúng tôi” đây là những ai; tôi chỉ tường thuật ở đây nguyên dạng bài diễn văn khá luộm thuộm của anh ta), chúng tôi nhận thấy rằng, vì tình tự tươi mát lạ thường của nó, và vì quan điểm khinh khoái của thi sĩ, bài thơ này phải được đọc lên, dĩ nhiên không phải như một tác phẩm nghệ thuật, mà chỉ như một cái gì phù hợp với hoàn cảnh cảm động này - tôi muốn nói ý tưởng của chúng ta. Và bởi nó chỉ gồm có ít hàng, tôi nghĩ là tôi sẽ xin phép sự khoan dung tốt bụng của quí thính giả...
Một giọng nói sủa lên từ đâu đó phía cuối thính sảnh:
- Đọc đi!
- Tôi được đọc chứ ạ?
Nhiều tiếng la lên:
- Đọc đi, đọc đi!
- Vâng, được, tôi sẽ đọc, nếu quí vị thính giả cho phép, - Liputin nói, một lần nữa lại phô nụ cười chua ngọt
của anh ta ra. Nhưng anh ta còn ngần ngại, và tôi nghĩ anh ta có vẻ khá lo âu. Dù cho ngạo ngược đến đậu,
những kẻ đó đôi khi cũng chùn bước, mặc dù tôi tin chắc một anh chủng sinh sẽ không khựng đâu. Nhưng, dù sao
đi nữa, Liputin cũng là người thuộc thế hệ
cổ.
- Tôi có hân hạnh - nghĩa là tôi phải báo trước với quí vị rằng bài thơ này không hề là một bài thơ chúc tụng
tí nào. Nó chẳng chút gì giống cái loại thơ thường người ta viết ra đặc biệt cho những dịp lễ lạc như thế
này. Nội cho đúng nó gần với một bài vè hơn, tuy trong cái đùa vui của nó có hòa lẫn tình cảm mà chúng ta
không thể chối cãi được và, tôi xin mạn phép thưa là có cả sự chân xác hiện thực trong đó
nữa.
- Rồi, đọc đi, đọc đi!
Liputin giở tờ giấy ra. Tất nhiên, không ai nhanh trí khôn mà chặn anh ta lại, thêm nữa vì anh ta lại đeo tua chính thức của tiếp viên. Vậy là anh ta sang sảng ngâm lên:
MỘT NGƯỜI THƠ, TRONG NGÀY LỄ HỘI NÀY
GỬI CÁC CÔ GIÁO TÌNH NHÀ TRÊN QUÊ HƯƠNG
Ôi, xin chào các cô giáo nghèo!
Chơi cho khuya, mừng hội thành công.
Dù phản động hay theo George Sand.
Cần quái gì, cứ nhót tưng bừng!
Một vài giọng hét lên:
- Ủa, thơ Lebiadkin đây mà! Đích thị là của hắn!
Có tiếng cười vang và reo hò, nhưng không đông cho lắm.
Cặm cụi dạy tiếng Tây vỡ lòng,
Cho lũ trẻ, thò lò mủi xanh.
Để thoát kiếp hẩm hiu, cô ơi,
Vớ ông từ cũng sướng bỏ đời!
- Hoan hô! Hoan hô!
Nhưng thời đại tân tiến bấy giờ,
Muốn ông từ cũng khó lắm cơ.!
Không hồi môn thì phú cô về,
Ngày lại ngày ôm ABC.
- Có thế chứ, có thế chứ, đó là hiện thực chủ nghĩa. Không có hồi môn thì làm sao câu được một anh chồng!
Chúng tôi nay nhậu nhẹt no say,
Tiền tứ phương tuôn về nơi đây.
Dạ hội rồi dấn vốn có ngay,
Sol đố mì, nào ta cùng quay.
Dù phản động hay theo George Sand,
Cần cóc gì cứ chơi cho lừng.
Cô giáo ơi, hồi môn giắt lưng,
Phỉ nhổ tuốt, cứ từng tứng tưng!
Tôi không dám tin vào tai mình nữa. Bài thơ hỗn láo một cách quá trắng trợn nên không thể nào đổ cho sự thiếu óc phán đoán của Liputin. Điều tối thiểu có thể nói được về con người ấy là anh ta không có khờ một li nào cả. Chủ đích của nó, ít ra đối với tôi, rõ như ban ngày: đó là một âm mưu cố ý gây rối. Việc đọc một số câu trong bài thơ xuẩn động kia, chẳng hạn như câu chót, không thể nào cho là chỉ vì ngốc nghếch mà ra. Và, thực thế, Liputin hình như cảm thấy anh ta làm quá lố. Anh ta dường như choáng váng vì sự táo gan của chính mình. Thay vì rời diễn đàn, anh ta đứng sững trên đó như thể muốn biện bạch điều gì. Tất nhiên; anh ta đã chờ đợi một phản ứng khác hẳn, vì ngay những tên du đãng đã vỗ tay và hò reo trong lúc đọc thơ bây giờ cũng im như tờ, như thể bị khớp. Điều ngu si nhất là một số lớn trong bọn họ, thay vì xem đó như một bài vè ngớ ngẩn, thì lại ngỡ đó là bài thơ châm biếm thứ thiệt tả chân và hiện thực địa vị các cô giáo, có khuynh hướng tự do chủ nghĩa đàng hoàng. Nhưng, sau rốt họ cũng nhận ra cái giọng điệu bình dân phóng túng của nó. Còn phản ứng chung của thính giả thì không những chưng hửng mà còn phẫn nộ nữa. Tôi tin chắc rằng mình không lầm về ấn tượng chung của mọi người. Bà Lembke sau này kể lại rằng nếu nó kéo dài thêm một phút nữa thì chắc bà đã ngất xỉu. Một trong những bậc lão thành khả kính nhất trọng tỉnh tôi kéo bà già ngồi bên cạnh đứng lên, rồi cả hai bỏ về; có nhiều con mắt lo âu nhìn theo. Không biết chừng khối kẻ khác cũng noi gương họ, nếu không có Karmazinov xuất hiện ngay lúc đó trên diễn đàn. Ông ta bận một chiếc áo chùng, cổ thắt lĩnh đai trắng, và tay cầm một cuốn vở. Bà Lembke hàm ơn nhìn ông ta, như nhìn một vị cứu tinh - nhưng lúc đó tôi lao ngay vào hậu trường, đi lùng Liputin. Tôi túm lấy cánh tay anh ta, giận dữ nói:
- Anh chủ tâm làm chuyện đó!
- Không, không có đâu, tôi bảo đảm với anh; tôi đâu có ngờ, - anh ta lấp liếm và co rúm người lại. Anh ta giả
đò hết sức áy náy về toàn thể câu chuyện kia. - Tôi chỉ được người ta trao cho bài thơ; tôi ngỡ nó sẽ giúp
vui thính
giả...
- Anh đâu có nghĩ như thế! Làm thế nào anh lại thấy một bài thơ con cóc bẩn thỉu như thế có thể giúp vui ai
được?
- Phải, tôi thấy nó vui.
Anh nói dối. Và sự thật cũng không phải là họ mới đưa cho anh nữa. Chính anh đã cùng với Lebiadkin soạn nó, trễ lắm là ngày hôm qua, chính cốt để gây tai tiếng. Câu thơ chót phải là của anh, cả chỗ nói về ông từ nữa. Và lý do gì mà Lebiadkin lại đóng bộ tươm tất, như vậy khi xuất hiện? Bởi anh còn định để lão đọc bài thơ, nếu lão ta không quá chén mà say nhừ từ trước.
Liputin ném cho tôi một cái nhìn lạnh như tiền và ra chiều chế giễu. Anh ta chợt hỏi tôi, tỉnh khô lạ lùng:
- Việc này có can hệ gì tới anh cái đã?
- Can hệ gì tới tôi ư? Anh cũng mang tua tiếp viên như tôi, chứ sao... À, Piot’r đâu rồi?
- Tôi không rõ, chắc đâu quanh đây. Anh hỏi làm gì?
- Bởi vì bây giờ tôi nhìn thấu rõ hết rồi: đó chỉ là một âm mưu chống bà Lembke - bằng cách gây ra một vụ tai
tiếng để phá ngày
hội...
Liputin lại liếc xéo tôi. Anh ta cười gằn và nói:
- Chuyện không ăn nhằm gì tới anh cả!
Anh ta nhún vai rồi bỏ đi. Tôi cảm thấy lảo đảo. Vậy là mọi ngờ vực của tôi đã được xác nhận! Cho đến giây phút chót tôi vẫn hi vọng rằng mình lầm. Phải làm gì bây giờ? Tôi nghĩ đến việc tham khảo ý kiến ông Xtepan, nhưng ông còn đang bận xem lại các ghi chú, và đang thử cười duyên nhiều kiểu trước gương. Theo chương trình ông phải lên diễn đàn ngay tiếp theo Karmazinov, và ông không còn bụng dạ nào để ý đến chuyện của tôi. Hay tôi chạy đến và báo cho bà Lembke biết? Bà chắc chẳng đời nào tin tôi, cần phải có nhiều chứng cớ cụ thể hơn mới thuyết phục nổi bà rằng quan niệm có một “mớ đồ đệ” và giới trẻ “nhiệt tâm trung thành” của bà chỉ là một ảo tưởng. Bà hẳn sẽ gạt phắt những lời cảnh cáo của tôi, đinh ninh rằng tôi chỉ đặt chuyện hão. Sau này tôi tự nhủ: “Thây kệ, đúng như hắn nói, chuyện đó có ăn nhằm gì tới ta; và khi nó bắt đầu, ta chỉ có việc cởi dây tua và bỏ về nhà”. Đó là nguyên văn những gì tôi thầm nghĩ - khi nó bắt đầu - tôi nhớ rất kĩ.
Nhưng bây giờ tôi còn phải đi nghe Karmazinov cái đã. Tôi nhìn quanh một lần nữa và thấy là có nhiều người lạ mặt, kể cả mấy mụ đàn bà, cứ lai vãng trong hậu trường. “Hậu trường” này là một khoảng khá hẹp, hoàn toàn ngăn cách với thính giả bằng một tấm màn và dẫn tới một hành lang đưa đến những phòng khác. Những người đọc văn đợi phiên mình ở đây. Đảo mắt một vòng, tôi đặc biệt để ý đến người sẽ lên diễn đàn sau ông Xtepan. Ông ta cũng là một thứ giáo sư, đã từ chức tại một đại học nào đó sau một vụ tai tiếng có dính líu đến đám sinh viên của ông ta - cho đến ngày nay tôi cũng không biết đích xác ông ta là ai. Ông ta đến tỉnh tôi chỉ mới được có mấy ngày, có trời mới biết vì công chuyện gì, và được giới thiệu với bà Lembke và bà này tiếp đón ông ta cực kính cẩn. Tôi chỉ biết rằng ông ta mới giáp mặt bà có một lần trước đây, vào tối hôm qua, và trong dịp đó ông ta không hề thốt ra một lời nào; ông ta chỉ mỉm cười ra cái điều hiểu biết, trước các câu khôi hài và ngữ khí cuộc đàm thoại của đám người bu quanh bà, gây nên một ấn tượng khó chịu đối với mọi người vì cái vẻ trịch thượng của ông ta đi kèm với một sự quá mẫn bệnh hoạn. Chính bà Lembke yêu cầu ông ta đọc một bài trong buổi tiếp tân của bà.
Hiện giờ ông ta đang bách bộ, miệng lẩm nhẩm một mình giống như ông Xtepan, nhưng cúi đầu nhìn xuống đất thay vì ngó vào trong gương. Ông ta không thèm bận tâm học cách cười duyên, mặc dù ông ta lúc nào cũng nhếch mép một cách tự động và độc địa. Hiển nhiên là không thể trò chuyện với ông ta được nữa rồi. Ông ta trạc tứ tuần, lùn và hói; ông ta có một chòm râu ngắn và hoa râm, và ăn mặc chững chạc. Nhưng cái làm tôi chú ý là mỗi lần đổi hướng ông ta lại giơ nắm tay phải lên khỏi đầu và giật xuống thật mạnh, như thể đập tan một địch thủ nào. Ông ta cứ diễn đi diễn lại như thế mãi, làm tôi bắt đầu cảm thấy bực bội. Thế nên tôi bỏ đi và nghe Carmaxinov đọc văn.
3
Lại có chuyện gì gở lạ dường như bảng lảng trong đám thính giả. Tôi xin giải thích điểm này: tôi tôn thờ thiên tài. Nhưng điều tôi không hiểu được là tại sao bao thiên tài của chúng ta, đến chót đỉnh của những năm vinh quang, lại xử sự như bọn trẻ nít thế? Lẽ nào ông không nhận ra rằng, dù cho tên ông có là Karmazinov đi chăng nữa, và dừ ông có ngất ngưởng bước lên diễn đàn trịnh trọng như thể năm vị ngự tiền đại thần nhập làm một, ông cũng không thể nào giữ một đám thính giả như thế suốt cả giờ đồng hồ bằng cách đọc cái bài văn kia của ông được. Nói chung, tôi đã quan sát thấy rằng ngay một siêu thiên tài cũng không thể nào bắt được công chúng chú tâm quá hai mươi phút trong một buổi đọc văn nhẹ nhàng như thế này, mà không sợ gây ra những hậu quả không hay. Nói cho ngay, sự xuất hiện của con người xuất chúng kia trên sân khấu cũng được chào đón một cách khá kính trọng. Những bậc lão thành nghiêm nghị nhất tỏ ra hơi tò mò và tán thưởng, trong khi các phu nhân của họ còn biểu lộ ít nhiều nhiệt tâm. Tuy nhiên, sự vỗ tay ngắn ngửi và có phần lạc điệu. Nhưng ít ra phía hậu sảnh cũng không biểu tình gì mãi cho đến khi ông Karmazinov thực sự bắt đầu lên tiếng, và ngay cả lúc ấy cũng không có gì đáng gọi là đối nghịch đặc biệt, chỉ là hiểu lầm sơ sơ. Như tôi đã thưa trước, giọng nói của Karmazinov hơi the thé, lại gần giống đàn bà một chút, thêm nữa nhà đại thi hào nói còn uốn lưỡi một cách quí phái chân chính. Thế nên, ông vừa nói vài lời, là có kẻ bắt đầu cười hinh hích, có lẽ là một tên ngu xuẩn khờ khạo nào đó cả đời chưa bao giờ gặp ai sang như thế cả. Nhưng không có đối kháng gì. Thực ra, người ta còn xuỵt tên ngốc, làm hắn im luôn. Nhưng ông Karmazinov lại ỏn à ỏn ẻn mà tuyên bố rằng “thoạt tiên ông tuyệt đối không chịu nghe nói đến chuyện đọc văn” (tuyên bố rõ hay chửa!), rằng “có những hàng tự thâm tâm vọt ra, như một khúc ca, nên không thể nào đọc to lên, và những cái thiêng liêng đó thực ra không nên mang hiến cho công chúng” (thế tại sao ông đem “hiến” làm gì?). Nhưng “thiên hạ năn nỉ quá nên tôi quyết định đem cống hiến,” và bởi ông sẽ gác bút một lần và cho đến mãi mãi và đã thề không viết nữa, nên thôi thì ông cũng đành lòng mà viết ra tác phẩm tối hậu này; và bởi ông cũng đã thề không đọc cái gì trước công chúng nữa, nên thôi thì ông cũng đành lòng mà đọc bài văn cuối cùng này trước công chúng, và cứ thế vân vân và vân vân.
Nhưng, ngay cả mọi chuyện đó cũng không quan hệ cho lắm; ai cũng thừa biết lời tựa của các tác giả ra sao rồi - mặc dù, xét vì tình trạng thiếu văn hóa của thính giả và sự dễ nổi sung của mấy hàng ghế sau, nó có thể gây một hậu quả đáng tiếc. Phải chi ông đọc cho chúng tôi nghe một trong những truyện ngắn, cực ngắn, như ông thường viết, hơi trau chuốt và có phần làm dáng, nhưng cũng hóm hỉnh lắm. Nó hẳn sẽ cứu vãn tình thế. Nhưng ông không hề nghĩ gì đến việc đó; thay vì thế, ông lại cho một bài thuyết giảng luân lý tràng giang đại hải. Trời đất, cơ man nào là những thứ ông nhét vào trong đấy! Tôi dám chắc ngay một đám cử tọa ở Petersburg cũng phải chết giấc, chứ đừng nói là đám cử tọa ở tỉnh tôi. Các bạn thử tưởng tượng xem, cả mười ngàn lời ba hoa chích chòe một cách giả tạo và rỗng tuếch nhất kết thành một bài, in ra phải kín đặc trên ba chục trang giấy, và tệ hại hơn nữa, tác giả đọc một cách hợm mình với dung nhan buồn muôn thuở như thể rủ lòng ban ơn cho chúng tôi, thật chẳng khác nào chửi vào mặt thính giả. Còn chủ đề của ông - bố ai mà biết ông đang nói gì? Nó là một thứ kỹ thuật về những ấn tượng và hồi ức gì đó; nhưng cái gì gây ấn tượng cho ông và ông đang hồi ức cái gì thì vẫn tù mù. Trong nửa phần trước tác phẩm của ông, giới trí thức hàng đầu trong tỉnh tôi hết sức nhíu mày nhưng cũng chịu không thể hiểu được đầu đuôi xuôi ngược ra sao, nên trong phần thứ hai chúng tôi xả hơi cho khỏe và chỉ nghe vì lịch sự. Nói cho ngay, có rất nhiều chỗ nói về ái tình - ái tình của một thiên tài với một tiểu thư nào đó - nhưng tôi phải thú thật là nghe ấm ớ bỏ xừ. Tôi cảm thấy khó tin vì thân xác lùn tịt và tròn quay của nhà đại văn hào xem ra không ăn khớp với câu chuyện ông kể về nụ hôn đầu đời cửa ông. Và cái làm cho thực tình bực mình là những nụ hôn của ông hoàn toàn không giống với cả thiên hạ - hễ có hôn hít xảy ra là bao giờ cũng có mấy bụi duối hay kim tước hoa mọc bên cạnh, hoặc một thứ cây lạ hoắc nào mà ta phải giở sách thực vật học ra mới nhận diện được. Và bầu trời bao giờ cũng phải pha một mầu tím thẫm mà người trần mắt thịt trước đó chưa từng nhận ra - nghĩa là họ có thấy, nhưng chưa hề có ai nhận ra, cho đến khi ông, Karmazinov, nhìn thấy và mô tả cho chúng ta, hỡi lũ ngốc kia ơi, như thể một vật tầm thường nhất. Cái cây dưới đó cặp tình nhân đáng kể lựa ngồi chém chết cũng phải là mầu vàng cam. Họ ngồi ở đâu đó trong nước Đức. Thình lình họ thoáng bắt gặp Pompei96 hay Casius97 trước bữa ra quân, và một luồng tê mê chạy dài suốt xương sống của họ. Rồi có một nữ thủy thần tru tréo trong bụi cây, và giữa đám lau sậy chính Gliuc98 kéo vĩ cầm. Ngay cả bài nhạc ông chơi cũng được kể ra nguyên văn - rõ từng chữ - nhưng chưa ai từng nghe thấy và bạn phải đi kiếm một cuốn từ điển về âm nhạc mà tra. Trong lúc đó sương lam bắt đầu dâng, mỗi lúc mỗi dầy đặc đến nỗi làm ta liên tưởng đến cả triệu tấm nệm hơn là một lớp sương lam. Chợt tất cả tan biến, và chúng ta thấy một vĩ nhân thiên tài vượt sông Volga băng giá trong một ngày đông ấm áp. Cuộc vượt sông kéo dài hai trang rưỡi, tuy vậy ông cũng tìm cách lọt xuống mốt cái hố băng cho được. Thế vị thiên tài chết đuối hay sao? Ồ đâu có, ông không có chút ý định nào chết đuối cả; ông chỉ cho nó vào để kể cho bạn nghe rằng khi ông sắp sửa chìm nghỉm và đang uống nước lạnh, bỗng chợt ông thấy một phiến băng tí hon, nhỏ vừa bằng hạt đậu, tinh khiết và trong suốt - “giống như một giọt lệ đông” - và trong phiến băng đó, ông thấy phản ánh cả nước Đức, hay nói cho chính xác hơn, cả bầu trời Đức; và cái long lanh rực rỡ của nó làm ông nhớ lại giọt lệ mà, “nhớ chăng em, nó lăn trên má em khi đôi ta ngồi dưới cây bích ngọc và khi em kêu lên trong niềm hoan lạc: “Đâu có gì là tội lỗi!” và anh đáp lại qua màn lệ: “Phải, nhưng cũng không có ai là thánh thiện nữa. Thế rồi chúng ta nức nở và chia tay nhau mãi mãi”. Nàng đi đến một vùng bờ biển nào đó, còn chàng thì đi thăm vài hang động nào không biết, và rồi chàng cứ xuống sâu mãi, sâu mãi, sâu mãi trong ba năm trường - chuyện này xảy ra ở Moskva, dưới tháp Sukharev - rồi bỗng chợt trong một hang động ở tận ruột trái đất, chàng thấy một ngọn đèn thờ và phía trước là một ẩn sĩ đang cầu nguyện. Vị thiên tài áp mặt vào những thanh cửa sổ tí teo và thình lình nghe thấy một tiếng thở dài. Ở đây chắc bạn nghĩ là nhà ẩn sĩ thở dài chứ gì? Nhưng việc quái gì chàng bận tâm tới nhà ẩn sĩ? Tiếng thở dài đó gợi chàng nhớ lại tiếng thở dài đầu tiên của nàng ba mươi bảy năm về trước khi, “nhớ chăng em” đôi ta ngồi dưới gốc cây mã não, ở Đức, và em nói với anh: “Yêu làm gì? Hãy nhìn kia, cây chu sa đang đơm hoa quanh khắp đôi ta và em yêu anh, nhưng khi cây chu sa hết trổ bông, tình em cũng tàn phai”. Tới chỗ này sương lam lại bắt đầu dâng lên, Hoffmann99 xuất hiện trên sân khấu, một ngư nữ huýt sáo một điệu nhạc của Chopin100, và thình lình cái đầu choàng vòng hoa nguyệt quế của Anc Marxi101 ló ra trong màn sương vượt khỏi nóc những đền đài La Mã. Một rung cảm xuất thần xâm chiếm người họ, và họ chia tay đến đời đời, vân vân và vân vân. Tôi không thuật lại một cách đúng đắn, và không thể nào tường trình một cách thật chính xác được, nhưng đại khái đó là những gì ông lảm nhảm. Và, ở đây tôi cũng phải than phiền về cái thói một số đại trí thức nước ta sính chơi văn giỡn chữ một cách cao kì bắc bực. Các triết gia lớn, các học giả trứ danh, các nhà phát minh, các bậc anh hùng, các vị tuẫn đạo của Âu châu - tất cả những ai đã gắng sức và đau khổ mênh mông, đối với đấng thiên tài của nước Nga chẳng khác nào bọn con hầu đầy tớ trong bếp: ông ta là chủ; họ phải ngả mũ cầm tay trình bẩm sẵn sàng chờ lệnh mỗi khi ông sai bảo. Sự thực, ông cũng nhạo báng luôn cả nước Nga nữa và nóng lòng muốn phô bày sự phá sản của nước nhà với những bậc đại trí thức châu Âu. Nhưng khi đến lượt ông - ồ, không! - Ông đặt mình tót vời lên trên cả những bộ óc lớn nhất của châu Âu, đối với ông họ chẳng là gì hết ngoài chất liệu sống cho những nhận xét dí dỏm của ông. Để làm vậy, ông nắm lấy tư tưởng của một người khác, gán ép cho nó một câu phản đề - thế là ông có sẵn ngay một nghịch lý: có tội ác - không có tội ác; không có công lý - không có ai là thánh thiện; vô thần - chủ nghĩa tiến hóa của Darwin102, những quả chuông ở Moskva... Hỡi ôi, ông không còn tin vào các quả chuông nhà thờ ở Moskva nữa, ông cần La Mã và các vòng nguyệt quế - nhưng không, nguyệt quế cũng không ổn nữa, vậy nên ông nổi cơn u uất đúng qui ước kiểu Byron, mặt cười nhăn nhó kiểu Heine103 lượm lặt đôi điều trong nhân vật Petrorin của Lermontov104 - và bộ máy của ông cứ thế mà lăn, mà xịt khói, và bóp còi inh ỏi. Dường như ông muốn ngụ ý:
- Nhưng các bạn hãy ca tụng tôi, ca tụng tôi đi, tôi khoái chuyện đó lắm; việc tôi gác bút chỉ là một lối nói -
tôi sẽ còn giáng cho các bạn ba trăm lần nhiều hơn thế nữa và các bạn chỉ có mà đọc bở hơi
tai...
Khỏi cần phải nói cũng biết thừa là cơ sự không thể kết thúc êm thắm được; nhưng tệ hại nhất là chính do Karmazinov gây ra. Từ hồi nào dân chúng đã kéo lê chân, hỉ mũi, ho, và làm tất cả những tiếng động người ta thường nghe khi một diễn giả, bất kì là ai, giữ đám cử tọa lâu quá hai mươi phút trong một buổi họp văn nghệ chiều. Nhưng nhà văn hào thiên tài đó không hay biết gì cả. Ông cứ tiếp tục, tiếp tục mãi, hoa hòe hoa sói và uốn éo giọng đọc, hoàn toàn không thèm biết đến thính giả đang mỗi lúc một thêm hoang mang và nóng nảy hơn. Rồi, đột ngột từ các hàng ghế sau vang lên một tiếng nói thật lớn:
- Trời đất, toàn là nhảm nhí!
Tiếng kêu bật ra này tôi tin chắc là hoàn toàn vô tâm và không hề là một phần của bất cứ sự ó ré có tổ chức nào. Một người nào đó chỉ tự nhiên đâm chán và chịu hết nổi. Nhưng ông Karmazinov ngừng lại, ngó xuống công chúng một cách khinh khỉnh và thương hại. Rồi ông uốn giọng cất tiếng hỏi với cái khẩu khí của một vị ngự tiền đại thần bị xúc phạm:
- Thưa quí bà và quí ông, dường như tôi làm cho quí vị ngán ngẩm một cách phát ớn, phải vậy không?
Đó là chỗ ông phải chịu trách nhiệm về những gì xảy ra. Cái sơ suất của ông là đích thân nói ra trước tiên; vì khi nêu ra câu hỏi đó, chẳng khác nào ông cho bọn vô lại cặn bã kia có dịp để đáp lại một cách có thể gọi là chính đáng. Phải chi ông nhịn được, có thể họ sẽ chỉ hỉ mũi một hồi, rồi chuyện đại khái cũng sẽ qua đi. Có lẽ ông hy vọng rằng đáp lại câu hỏi của ông thiên hạ sẽ vỗ tay hoan nghênh, nhưng chuyện đó chẳng hề có. Trái lại, dường như ông đã làm họ phát ớn; họ âu lo rút người lại và im bặt.
Một giọng nói bực bội, gần như nổi đóa, chợt phát ra từ đám thính giả:
- Và tôi bảo cho ông biết ông chưa bao giờ ngó thấy Ancus Marcius cả. Toàn nói hươu nói vượn!
Một giọng khác phụ họa ngay:
- Phải đó! Ngày nay làm gì có ma, chỉ có khoa học tự nhiên. Vậy có lẽ tốt hơn ông nên đối chiếu những gì ông
nói với khoa học tự nhiên
đã!
Nhà đại thiên tài, vì ở Carlxrue, quên bẵng tính khí của đồng bào nước ông, ngạc nhiên la lên:
- Tôi phải nói, thưa quí bà và quí ông, là không bao giờ tôi lại ngờ có những lời phản đối như kiểu đó.
Một thiếu nữ chợt nói tía lia:
- Thời buổi chúng ta mà cho rằng cả thế giới đứng trên ba con cá105 thì thật là một điều ô nhục. Ông,
Karmazinov, ông không thể nào đi xuống hang động mà gặp vị ẩn sĩ kia. Hơn nữa, ngày nay có ai còn bàn đến
chuyện ẩn sĩ
gì?
- Điều làm tôi u buồn hơn cả, thưa quí bà và quí ông, là chuyện này trở nên quá nghiêm túc. Thực ra quí vị hoàn
toàn có lý. Không có ai tôn trọng sự thật hơn là
tôi...
Tuy ông vẫn còn cười mỉm một cách kẻ cả, rõ là ông đã bị tổn thương. Gương mặt ông như muốn nói với họ: “Tôi không phải là cái mà quí vị nghĩ chút nào hết. Quí vị không thấy là tôi đứng về phía quí vị và tất cả những gì tôi muốn chỉ là lời tán tụng của quí vị sao? Làm ơn ca tụng tôi, ca tụng tôi hết sức mình đi. Quí vị không khi nào ngờ được tôi khoái được ca tụng như thế nào!”. Sau cùng bị chạm nọc, ông la lên:
- Thưa quí bà và quí ông, bây giờ tôi ý thức được rằng bài thơ xuôi bé bỏng đáng thựơng của tôi ở đây không hợp
chỗ, và tôi đoán là luôn cả tôi cũng thế - dường như tôi cũng không hợp chỗ ở
đây.
Một tên ngu xuẩn, say rượu không chừng, gào gân cả cổ:
- Ông nhắm con quạ chẳng may lại trúng con bò!
Hiển nhiên, tốt nhất là làm ngơ trước lời nhận xét đó, tuy rằng sự thật trong đám thính giả có tiếng cười xấc xược.
Karmazinov đốp lại ngay, giọng càng the thé hơn bao giờ hết:
- Phải bạn nói tôi trúng con bò không? À, về chuyện quạ với bò, tốt hơn tôi không nên bình luận gì, thưa quí bà
và quí ông, bởi vì tôi rất tôn trọng người ta, dù đó là ai, để mang ra mà so sánh, kể cả những người hiền
lành nhất. Tuy nhiên, tôi cho
rằng...
Một kẻ ở mấy dẫy ghế sau la lên:
- Thôi, bỏ qua đi, ngài!
- Nhưng tôi chỉ cho rằng, bây giờ là lúc tôi gác bút và giã từ công chúng, quí vị hẳn sẵn lòng nghe những gì
tôi muốn
nói...
Một vài người ở mấy hàng ghế đầu cuối cùng đã thu hết can đảm để hét lên:
- Phải, phải, chúng tôi muốn nghe, chúng tôi muốn nghe.
Một vài giọng đàn bà hào hứng phụ họa - “Đọc, đọc đi”. Và sau cùng có vài tiếng vỗ tay rời rạc.
Chính bà nghiệp chủ đầu tỉnh cũng không tự chế nổi mà hô to:
- Ông Karmazinov, hãy tin rằng đó là một hân hạnh rất lớn cho chúng tôi.
Giữa phòng chợt vang lên một giọng nói trẻ trung tươi tắn:
- Ông Karmazinov! - Đó là một thầy giáo rất trẻ, mới tới, và gây cho chúng tôi ấn tượng là một thanh niên trầm
tĩnh và tự trọng. Anh ta còn nhổm lên khỏi ghế. - Ông Karmazinov, điều tôi muốn nói là nếu tôi có cái may
mắn tương tự như ông vừa mô tả, chắc chắn không bao giờ tôi đề cập đến mối tình của tôi trong một bản văn để
đọc trước công chúng. - Nói xong thầy giáo mặt đỏ như gấc. Karmazinov gào
lên:
- Tôi đã hết. Xong xuôi. Tôi sẽ nhảy lướt qua đoạn cuối và từ giã. Chỉ xin phép cho tôi đọc cho quí vị nghe sáu
hàng kết
luận.
Nói rồi ông đọc liền bản thảo, không ngồi xuống nữa:
- Phải, độc giả thân mến ơi, giã từ! Vĩnh biệt, bạn ơi. Thực vậy, tôi cũng không nằn nì quá khăng khăng là
chúng ta chia tay nhau như bạn bè, vì tôi đòi hỏi phiền bạn như thế làm chi? Bạn còn có thể thóa mạ tôi -
tha hồ cho bạn thóa mạ, nếu điều đó làm bạn vui thích chút nào. Điều hay nhất là nếu chúng ta lãng quên được
nhau một lần và mãi mãi. Và dù cho tất cả các bạn, hỡi những độc giả của tôi, có tử tế mà quì gối và van nài
tôi trong khi nước mắt chẩy ròng ròng trên má: “Viết cho chúng tôi đi, Karmazinov, xin ông làm ơn tiếp tục
viết cho nước Nga, cho con cháu chúng ta, cho các vòng hoa nguyệt quế vinh quang!”, phải, ngay lúc đó, tôi
cũng sẽ nói với các bạn - ồ, dĩ nhiên, là sau khi đã hết sức lịch sự cám ơn các bạn - Không! Chúng ta đã ở
bên nhau quá đủ rồi, các đồng bào thân mến của tôi ơi, cám ơn các bạn - cám ơn! Đã đến lúc đường ta chia hai
ngả, cám ơn, cám
ơn.
Carmazinov cúi chào lễ phép, và mặt đỏ như ninh như nấu, khởi bước về phía sau sân khấu.
- Không ai thèm quì gối đâu. Thật là lố bịch!
- Tự kiêu tự đại quá!
Có người biết điều hơn bèn chỉnh:
- Ông ta chỉ pha trò đấy mà.
- Xin tha cho tôi cái lối pha trò của các ông.
- Của đáng tội, lão cũng gân đấy chứ!
- Thôi, rốt cuộc cũng thoát nợ!
- Ôi chao, chán mớ đời đi được!
Tất cả những nhận xét vô phép vô tắc này từ mấy dẫy ghế cuối (tuy không phải chỉ ở mấy dẫy đó) lấp lửng trong tiếng hoan hô của đám cử tọa còn lại. Có những tiếng kêu Karmazinov trở lại. Một nhóm các bà, dẫn đầu là bà Lembke và bà nghiệp chủ đầu tỉnh, chen chúc trước diễn đàn. Bà Lembke tay cầm một vòng hoa nguyệt quế rực rỡ đặt nằm trên nệm nhung trắng có vành hoa hồng tươi bao quanh.
Karmazinov mỉm cười phơn phớt và hơi khinh khỉnh và nói:
- Nguyệt quế! Tôi cảm động, dĩ nhiên, và lẽ tự nhiên là tôi rất bồi hồi đón nhận vòng hoa đã sửa soạn từ trước
và chưa kịp héo này. Nhưng, thưa quí bà và quí ông, tôi đoan chắc với chư vị là tôi đã có tầm mắt hiện thực
hơn, đến nỗi tôi cảm thấy vòng hoa nguyệt quế này đặt vào đôi tay của một đầu bếp khéo còn hữu ích hơn
choàng lên đầu
tôi.
Anh chàng chủng sinh đã đến dự buổi họp ở nhà Virghinxki la lên:
- Phải, và một bác đầu bếp hữu ích cho chúng tôi hơn.
Một sự hỗn loạn tiếp theo. Nhiều người đúng dậy để ngắm lễ trao tặng vòng hoa. Có tiếng phụ họa cực lớn, không còn nghi ngờ gì đó là sự cố tình phá rối:
- Thà tôi trả ba rúp cho đầu bếp còn hơn trả cho lão, bất kì lúc nào!
- Tôi nữa!
- Tôi cũng thế!
- Và tại làm sao lại không có quầy ăn?
- Tôi bảo thực đây chỉ là một sự lừa bịp trắng trợn!
Tuy nhiên, phải ghi phận là tất cả những phần tử vô trật tự đó cũng còn rất e dè vì sự có mặt của các quan lớn, nhất là ông cảnh sát trưởng cũng có mặt trong đám thính giả. Vậy nên, chỉ trong khoảng mười phút, tất cả ngồi xuống ghế. Nhưng trật tự lúc khởi đầu thắng thế không bao giờ tái lập được nữa. Và thế là ông Xtepan đáng thương rơi tòm ngay vào cảnh hỗn mang treo chờ sẵn.