Lũ Người Quỷ Ám - Chương 39
4
Tôi cố gạt rắc rối bằng cách lao vội vào hậu trường để cảnh cáo ông. Tôi bảo ông rằng, theo ý tôi, mọi chuyện đã đổ vỡ tan tành, rằng điều hay nhất là ông viện một cớ gì đó, kể cả việc đau bụng, để đừng lên diễn đàn, và về thẳng nhà. Tôi bảo ông là tôi sẽ liệng dây tua tiếp viên của tôi và ra về với ông.
Ông đã trên đường lên diễn đàn và ông cao ngạo nhìn tôi từ đầu tới chân, rồi long trọng tuyên bố:
- Tôi thực tình không thể hiểu sao anh lại có thể coi là tôi làm được một hành vi hèn nhát đến như vậy.
Tôi giật mình. Tôi chắc chắn như hai với hai là bốn rằng nếu ông ra gặp họ thể nào cũng có tai họa. Ngay lúc tôi đứng đó, trong lòng tràn đầy dự cảm tối đen, tôi chợt thấy ông giáo sư theo chương trình sẽ nói kế ông Xtepan và là người mà tôi đã trông thấy cứ mạnh bạo giơ nắm tay lên rồi lại hạ xuống. Ông vẫn còn bách bộ trong hậu trường, khẽ lẩm nhẩm chuyện gì và cười mỉm một cách quỉ quyệt và đắc thắng. Không nghĩ ngợi gì hết, không hiểu tại sao, tôi đến ngay chỗ ông. Có cái gì chẳng rõ khiến tôi lại xía vô. Tôi bảo với ông:
- Ông có biết không, xét đoàn theo nhiều trường hợp, tôi nhận thấy rằng nếu một diễn giả tiếp tục nói trên hai
mươi phút, cử tọa sẽ hết còn nghe ông ta nữa. Dù cho một vị lừng danh cũng không thể đi quá nửa
giờ...
Ông lẩm bẩm một cách miệt thị: “Anh đừng lo chuyện đó”, và đi vượt qua mặt tôi.
Cùng lúc đó, tôi nghe thấy tiếng ông Xtepan từ sân khấu vọng lại.
“Ôi, kệ xác cả đám!” Tôi nghĩ và chạy vụt ra sảnh đường.
Ông Xtepan đã chễm chệ trên ghế trước cả khi sự rối loạn nguôi ngoai. Những cái nhìn không-thiện-cảm-cho-lắm ở những hàng ghế đầu tiếp đón ông. (Gần đây, tại câu lạc bộ, ông dường như không được mọi người ưa, và nói chung uy tín của ông xuống dốc một cách đáng kể). Thật ra, tôi cảm thấy khi ông ra mắt mà không bị huýt sáo là may rồi. Từ hôm qua tôi đã bị ám ảnh bởi ý nghĩ lạ lùng là họ sẽ ó ré ông ngay khi ông mới xuất hiện. Tuy nhiên, trong thực tế, sự xuất hiện của ông không ai để ý vì tiếp ngay sự kích động trước đó. Nhưng làm sao một người như ông có thể trông mong chuyện gì, sau khi chính Karmazinov còn bị đối đãi đến như thế kia? Ông Xtepan tái mặt - đây là lần xuất hiện trước công chúng đầu tiên của ông từ mười năm nay. Biết rõ ông như tôi, bằng vào sự dao động, và thái độ của ông nói chung, tôi có thể đoán được rằng ông trông mong là sự xuất hiện của ông trên diễn đàn đó sẽ định đoạt số phận của ông. Và đó chính là điều tôi hãi. Ông rất thân thiết đối với tôi, và tôi khó mà diễn tả những gì tôi cảm thấy trong lòng khi sau rốt ông mở miệng và tôi nghe những lời mở đầu của ông.
- Thưa quí bà và quí ông, - ông nói đột nhiên, như thể ông thình lình quyết định đi cho đến trót. Giọng ông run run khi nói. - Mới hồi sáng nằm ngay trước mặt tôi là một trong những tờ truyền đơn lậu mà ít lâu nay người ta phân phát ở đây, và tôi tự hỏi có cả trăm lần: Bí mật của nó là gì?
Cử tọa lập tức im phăng phắc, và mọi cặp mắt đổ dồn về ông, một số hết sức sợ hãi. Không còn nghi ngờ gì, ông đã thành công trong việc chiếm được sự chú ý của họ ngay từ những tiếng đầu tiên. Mấy cái đầu từ sau sân khấu ló ra; Liputin và Liamsin háo hức lắng nghe. Một lần nữa bà Lembke lại vẫy tôi. Bà hốt hoảng lắm và thì thầm:
- Chặn ông ta lại, chặn lại - anh hãy làm bất kể chuyện gì để chặn ông ta lại.
Tôi chỉ biết nhún vai. Làm sao ai có thể chặn lại một người đã quyết tâm cho tất cả theo lao? Hỡi ôi, giờ đây tôi đã hiểu những gì ông Xtepan đang có trong đầu.
Những tiếng xầm xì chạy quanh trong đám thính giả:
- A ha, ông ta có chuyên nói về mấy tờ truyền đơn đây.
Cả phòng xôn xao.
- Vâng, thưa quí bà và quí ông, tôi đã thấu suốt cái bí mật về cái công hiệu của nó, và câu trả lời là sự ngu
xuẩn của con người! (Mắt ông rực lên). Vâng, thưa quí bà và quí ông, nếu nó là sự ngu xuẩn cố tình, sự ngu
xuẩn giả đò và tính toán, với một động cơ bí ẩn - thì hẳn đó là một đòn của tay thiên tài chính hiệu! Nhưng
chúng ta phải công bằng với các tác giả của những tờ truyền đơn ấy: ở đây không có ngu xuẩn giả đò gì cả. Nó
là sự ngu xuẩn chân chính nhất, trần truồng nhất, bộc tuệch nhất, đó là sự ngu xuẩn trong cái yếu tính thuần
túy nhất của nó - nó giống như là một đơn chất hóa học vậy. Nếu lời lẽ của chúng chỉ cần bớt lăng nhăng một
tí xíu nữa, ai cũng nhận ngay ra sự phá sản của các dự tính ngu si của chúng. Nhưng cứ như thế này, ai cũng
chỉ băn khoăn, bởi không ai có bao giờ lại ngờ được là chúng có thể vô nghĩa đến như vậy. Người ta tự nhủ:
“Không lẽ nào! Phải có gì khác nữa chứ!” Và ai ai cũng phỏng đoán một ý nghĩa bí ẩn nào nằm sau chúng, và
tiếp tục gắng đọc nghĩa bóng giữa các hàng chữ. Thế là hậu quả ước muốn đã đạt được. Chưa bao giờ trong kinh
nghiệm của nhân loại mà sự ngu xuẩn lại được tưởng thưởng một cách long trọng như thế, tuy là nó thường khi
cũng xứng đáng được thưởng lắm, có Thượng đế chứng giám. Và, xin cho phép tôi mở dấu ngoặc ở đây - cả hai sự
ngu xuẩn và thiên tài vĩ đại nhất đến hữu ích ngang nhau trong việc hình thành định mệnh của nhân
loại.
Một giọng nói khá bẽn lẽn ngắt ngang:
- Ông ta đem câu nghịch lý của thời những năm bốn mươi ra với chúng ta! Tiếp theo là sự náo động và reo hò chung bùng ra. Ông Xtepan, bây giờ hoàn toàn mất tự chủ và sẵn sàng thách thức cử tọa, la lớn:
- Thưa quí bà và quí ông, tôi đề nghị hoan hô sự ngu xuẩn!
Tôi chạy lên chỗ ông lấy cớ là rót nước vào li cho diễn giả.
- Ông Xtepan, làm ơn - bà Lembke năn nỉ ông thôi đi.
- Không, anh thôi đi thì có, mặc tôi, cậu thanh niên vô tích sự! - Ông gân cổ cự lại làm tất cả thính giả đều
nghe thấy, và tôi vội vã chuồn ngay. Ông tiếp tục: - Thưa quí ngài, tại sao lại có mọi sự kích động và phẫn
nộ này? Tại sao tôi lại nghe thấy tất cả những lời la ó kia, khi tôi đi đến với quí ngài với cành lá hòa
bình trong tay? Tôi mang đến cho quí ngài lời nói tối hậu, vì trong vấn đề này hóa ra tôi lại có được lời
nói tối hậu, và rồi chúng ta sẽ dàn
hòa.
Một vài kẻ gào lên:
- Đả đảo!
Những người khác quát:
- Im nào, để ông ta nói!
Tôi để ý thấy người thầy giáo trẻ đã ngắt lời Karmazinov khi nẫy đặc biệt dao động. Dường như đã một lần bạo gan bạo phổi mở miệng rồi, bây giờ anh ta cầm lòng không nổi.
Ông Xtepan tiếp tục:
- Thưa quí ngài, lời nói tối hậu trong công chuyện này phải là sự tha thứ đại đồng. Tôi, một ông già đã kề
miệng lỗ không còn trông mong gì ở trên đời, muốn long trọng tuyên bố rằng sinh khí vẫn còn luân lưu trong
chúng ta, và thế hệ trẻ ngày nay vẫn còn tràn trề sinh lực. Sự hăng say của họ cũng thuần khiết và sáng chói
như của thời đại chúng ta, khi tôi còn thanh xuân. Mọi chuyện xảy ra chỉ là một sự thay đổi mục tiêu, một
quan niệm thẩm mĩ này thay thế chờ một quan niệm khác. Toàn thể sự ngộ nhận bắt nguồn từ những thẩm định giá
trị khác nhạu: cái nào đẹp hơn, Shakespeare106 hay giày dép? Rafael107 hay là dầu hôi?
- Ông ta là điểm chỉ của cảnh sát!
- Ông đang nêu những câu hỏi dụ khị!
- Cò mồi!
Ông Xtepan rít lên, bị kích động cùng độ:
- Nhưng tôi chủ trương, tôi tuyến bố là - đối với tôi - Shakespeare và Rafael có giá trị lớn lao hơn sự giải
phóng nông nô, hơn chủ nghĩa quốc gia, hơn chủ nghĩa xã hội, hơn thế hệ trẻ, hơn hóa học - và có lẽ hơn cả
chính nhân loại! Như thế là bởi họ đại diện cho thành quả cao nhất của con người, một thành quả về thẩm mĩ
mà không có nó, tôi không còn muốn tiếp tục sống làm gì
nữa.
Ông giơ cả hai tay lên trời mà kêu to:
- Thượng đế ơi, mười năm trước đây tôi đã gào lên cũng điều này từ một diễn đàn ở Petersburg, gần như dùng
chính những lời lẽ này và, như quí vị bây giờ, thiên hạ ở đó cũng không hiểu tí gì ráo; họ hỉ mũi, cười to,
và huýt sáo. Ôi, các người nhỏ nhoi đáng thương, trong các người hẳn phải khiếm khuyết cái gì nếu các người
không hiểu được những điều ấy! Tôi xin thưa với quí vị rằng nhân loại có thể tồn tại mà không cần người Anh,
không cần nước Đức, và càng không cần người Nga; rằng nó có thể sống sót không cần khoa học, và không cần
luôn cả bánh mì. Nhưng không thể nào thiếu được cái Đẹp, vì lúc ấy chẳng còn lại gì để cho chúng ta làm trên
đời! Và đó là tất cả bí ẩn và tất cả câu chuyện! Ngay khoa học cũng không thể kéo dài một phút nếu không có
cái Đẹp - các người có ý thức được chăng, hỡi các người hiện đang cười lên hô hố kia? Nó sẽ hóa thành sự ngu
muội tối tăm và không thể nào phát minh dù là một cây đinh cho các người. Không, tôi sẽ không nhượng bộ! -
Ông kết luận bằng một tiếng hét lanh lảnh và chướng tai, đấm mạnh nắm tay xuống
bàn.
Nhưng suốt khi ông la lối một cách lảm nhảm và không ra đâu vào đâu, thì sự náo động trong phòng cứ tăng dần: nhiều người đứng cả dậy và một vài kẻ tiến lên, hướng về diễn đàn. Thực ra, tất cả diễn biến mau hơn tôi mô tả; không có thì giờ kịp làm chuyện gì, và dường như cũng không ai nghĩ đến chuyện đối phó nữa.
- Nói như ông được lắm - người ta bao ông ăn ở không mà; ông chỉ là một thứ nuôi làm cảnh! - anh chàng chủng
sinh đứng dưới diễn đàn la lên, vừa ngoác miệng cười nhạo ông Xtepan vừa tỏ ra khoái trá từng giây từng
phút. Ông Xtepan thoáng thấy và chạy vụt đến mép
bục.
- Không phải là, không phải là tôi vừa mới nói là sự hăng say của thế hệ trẻ thuần khiết và sáng chói không
thua gì khi trước, và sự sai lầm độc nhất của họ là về hình thức của cái đẹp đó ư? Thế chưa đủ cho các anh
à? Và nếu anh xét cho sự kiện là kẻ tuyên bố điều đó là một người cha tan nát cả cõi lòng và bị chà đạp phỉ
nhổ, thì - ôi, những tấm lòng nông cạn! - thì chắc chắn các anh phải hiểu là không thể nào có ai vươn tới
chót đỉnh vô tư và công bằng hơn được chứ? Các anh vô ơn và bất công quá! Sao, hỡi ôi, tại sao các anh không
muốn hòa
giải?
Và ông bật lên khóc như điên như cuồng. Nước mắt ông nhỏ ròng ròng và ông lấy mấy ngón tay chùi. Lồng ngực và vai ông giật từng cơn. Ông không còn hay chuyện gì xảy ra quanh mình nữa.
Cử tọa hoảng kinh thực tình. Bây giờ tất cả hầu như đều đứng dậy, kể cả bà Lembke cũng nắm lấy cánh tay chồng và cố lôi ông lên nữa. Cảnh tượng rối beng không thể nào tưởng tượng nổi.
Tên chủng sinh thú vị rống lên:
- Ông Xtepan! Quanh thành phố này và vùng phụ cận hiện có tên tù vượt ngục là Fedca đang lảng vảng. Hắn cướp
bóc, và mới đây lại giết người nữa. Bây giờ ông cho tôi hỏi câu này: nếu mười lăm năm trước ông không bán
hắn đi làm lính để lấy một món tiền trả nợ về cờ bạc, hay nói cách khác, ông không làm hắn tiêu luôn trong
canh bạc, thì hắn có thể nào mắc vào vòng tù tội trước đã? Có lẽ hắn cũng không phải đi cắt cổ người ta để
cạnh tranh sinh tồn - ông nghĩ sao, hỡi nhà Thẩm
mĩ?
Tôi không sao mô tả được quang cảnh tiếp theo. Thoạt đầu, có những tiếng hoan hô cuồng nhiệt. Có lẽ chỉ một phần năm số thính giả vỗ tay thôi, nhưng họ vỗ cuồng nhiệt. Phần còn lại di chuyển về phía lối ra, và bởi những kẻ vỗ tay lại tiến lên hướng về diễn đàn, nên hỗn loạn phát ra vì kẹt cứng. Các bà la lên; vài cô gái nhỏ bắt đầu khóc và đòi về nhà. Ông Lembke, vẫn còn đứng bên ghế, ngơ ngác nhìn quanh, trong khi bà vợ hoàn toàn mất trí lần đầu tiên kể từ khi bà tới tỉnh tôi. Còn ông Xtepan, mới thoạt đầu dường như ông hoàn toàn bị những lời của tên chủng sinh đè bẹp, nhưng thình lình ông giơ hai cánh tay lên trời, dang ra trên đầu thính giả và thét lên:
- Tôi rũ tay cuốn gói và nguyền rủa các người! Đây là kết cuộc - kết cuộc...
Rồi ông quay ngoắt đi và chạy vào hậu trường, vung tay đe dọa. Một vài kẻ liều mạng hò reo và còn chớm chạy theo ông:
- Hắn đã lăng nhục xã hội chúng ta! Đem hắn ra đây!
Lúc đó không thể nào mà lý luận với họ. Rồi tai họa cuối cùng lại bùng nổ trong tối hội - tác giả thứ ba, lão điên khùng cứ vung nắm đấm lên ở hậu trường, xuất hiện trên sân khấu. Ông ta trông điên cùng cực. Ông quan sát cử tọa đang náo loạn với một cái cười gằn chiến thắng ngoác cả miệng ra, và có vẻ thích thú trước cảnh hỗn mang. Sự kiện là ông phải đọc văn giữa một đám người la ó như vậy dường như không làm cho ông mảy may bận tâm. Trái lại ông hình như sốt ruột muốn bắt đầu. Điều lạ là chuyện đó lại lôi cuốn sự chú ý của mọi người. Họ hỏi nhau:
- Tay này là ai? Ở đâu tới? Hắn muốn gì? Suỵt suỵt, để xem hắn có gì muốn nói!
Lão điên cất giọng cũng the thé chẳng khác nào Karmazinov, tuy không uốn lưỡi một cách quí phái:
- Thưa quí bà và quí ông, hai mươi năm trước đây, khi nước Nga còn đang giao tranh với một nửa Âu châu, nó là
cái lý tưởng của tất cả những ông tham nghị và khu mật đại thần. Nhà nước kiểm soát văn chương của ta, các
trường đại học của ta dạy quân sự học đường, quân đội của ta chẳng khác nào một phường tuồng xa hoa, và đám
dân thường của chúng ta đóng thuế mà không hề kêu rên, dưới ngọn roi của bọn chủ nô, vắt tiền hối lộ của cả
người sống lẫn người chết được coi là ái quốc. Những kẻ nào không chịu nhận hối lộ bị chụp mũ là phản loạn
vì phá rối hòa điệu chung. Bao nhiêu là rừng phong bị truất hữu với danh nghĩa trị an vì họ cần roi để quất.
Cả Âu châu rùng mình. Trong cả ngàn năm sống vật vờ, chưa bao giờ nước Nga sa đọa tới một tình trạng ô nhục
như
vậy...
Ông giơ nắm tay phải lên hăng hái và long trọng vung trên đầu rồi đột nhiên hạ xuống như thể đập tan địch thủ thành cám vụn. Một tiếng hò reo không thể tưởng tượng được hoan hô ông, tiếp theo là vài tiếng vỗ tay cuồng nhiệt; đến bây giờ thì gần cả phân nửa cử tọa đều vỗ tay, luôn những người hiên lành nhất cũng tham gia. Làm sao họ có thể cầm lòng không rú lên vì khoan khoái khi cả nước Nga bị nhục mạ công khai?
- Á, tay này mới thực sự có chuyện đáng nói đây! Ít nhất thế mới nhằm ngay vấn đề! Nghe đó! Chẳng gì bây giờ
chúng ta cũng không còn bàn nhảm về thẩm mĩ
nữa.
Lão điên lại hứng khởi tiếp tục:
- Kể từ đó, hai mươi năm đã trôi qua, nhiều đại học mới đã mở cửa và bây giờ chúng ta có vô số trường đại học,
nhưng quân sự học đường chỉ còn là trong kí ức và chúng ta thiếu hàng ngàn hàng ngàn sĩ quan. Ngày nay đường
xe lửa đã nuốt hết vốn liếng của chúng ta và bao phủ nước Nga như một cái màng nhện, nên trong mười lăm năm
nữa hi vọng chúng ta có thể sử dụng nó để đi nơi này hay nơi khác. Cầu của chúng ta họa hoằn mới cháy, trong
khi ở thành phố hỏa hoạn cứ xảy ra đều đều, đúng trật tự, và có mùa. Tòa án của chúng ta xử công minh chẳng
khác nào vua Salomon, và bồi thẩm đoàn của chúng ta chỉ ăn hối lộ trong cuộc cạnh tranh sinh tồn để khỏi
chết đói. Các cựu nông nô nay đều tự do, và hăng hái quất nhau chứ không còn bị chủ quất như trước nữa. Hàng
biển rượu mạnh vodka của nhà nước nấu được người dân uống sạch để quân bình ngân sách, và ở tỉnh Novgorod,
đối diện với thánh đường Sofia cổ và hoang tàn, là một trái cầu bằng đồng vĩ đại được dựng lên để kỉ niệm
một ngàn năm hỗn mang của chúng ta. Âu châu lại bắt đầu cau mày nhìn chúng ta và xôn xao khó chịu... Mười
lăm năm cải cách! Thế mà chưa, chưa bao giờ, dù trong những thời kì lố bịch nhất, nước Nga chìm xuống vực
sâu...
Những lời cuối cùng không thể nghe được vì bị nhận chìm trong tiếng reo hò của đám đông. Tôi thấy ông lại giơ nắm tay lên và hạ xuống đắc thắng. Sự hân hoan như nước vỡ bờ: người ta hò reo vỗ tay, và vài người đàn bà còn thét lên: “Đủ rồi, thôi đi, nói thế là nhất rồi!” Họ tất cả đều như say sưa.
Diễn giả cặp mắt vẫn lướt trên đám đông, dường như lịm người trong chiến thắng. Tôi để ý thấy ông Lembke, trong một trạng thái cực kì dao động, đang lấy tay chỉ một cái gì; và bà vợ ông mặt tái mét vội vã bảo gã công tước con đã chạy đến bên bà một điều chi đó. Nhưng ngay lúc ấy một tốp năm sáu người có dính líu tới việc tổ chức đại hội từ sau hậu trường nhảy ngay lên diễn đàn, túm lấy diễn giả, rồi lôi tuột ông ra sau sân khấu. Tôi không thể hiểu ông xoay xở bằng cách nào mà thoát được, nhưng ông lại chạy vùng ra mép diễn đàn lần nữa, và vừa vung nắm tay vừa gân cổ hô to:
- Nhưng chưa bao giờ nước Nga lại chìm sâu...
Nhưng ông lại bị lôi đi lần nữa. Rồi tôi thấy một nhóm khoảng mười lăm người, ùa vào hậu trường giải cứu cho ông. Họ không đi qua tấm màn chính, nhưng phá bức bình phong mỏng mảnh ở bên hông mà vào. Thế rồi, không thể tin đôi mắt của mình nữa, tôi thấy cô sinh viên bà con với Virghinxki đứng ngay trên diễn đàn. Cô ta vẫn cầm gói giấy ở trong tay, vẫn ăn mặc như trước, mập mạp và hồng hào chẳng khác gì bữa nọ. Có hai ba người đàn bà và hai ba người đàn ông hộ tống cô; có luôn cả kẻ tử thù của cô là cậu học sinh ở đó nữa. Tôi chỉ nghe được câu sau:
- Thưa quí bà và quí ông, tôi đến đây để lưu ý quí vị về nỗi thống khổ của những sinh viên nghèo khó, và để kêu gọi họ nhất tề phản kháng...
Nhưng tôi chuồn mất. Tôi nhét dây tua tiếp viên vào trong túi, và lần theo các ngõ hậu mà bây giờ tôi đã quá rành, tôi ra được ngoài đường. Dĩ nhiên việc đầu tiên là tôi chạy thẳng đến nhà ông Xtepan.