Lũ Người Quỷ Ám - Chương 45
3
Như thường lệ vào giờ đó, Kirillov ngồi trên chiếc ghế bọc da và uống trà. Anh không đứng dậy khi hai người bước vào, nhưng trân mình thấy rõ và lo lắng nhìn họ.
Piot’r nói:
- Anh đoán trúng - chính vì việc kia mà tôi đến đây.
- Đêm nay?
- Không, ngày mai, khoảng giờ này.
Hắn ngồi vào bàn khá hấp tấp, đăm đăm nhìn khuôn mặt lo âu của Kirillov. Nhưng Kirillov lấy lại ngay được sắc mặt và trông lại bình thường như cũ.
- Những người này vẫn không chịu tin. Tôi mong anh không giận tôi dắt Liputin theo.
- Bữa nay tôi không giận, nhưng ngày mai tôi muốn một mình.
- Nhưng không trước khi tôi tới, vậy muốn khi có mặt tôi.
- Tôi muốn khi anh không ở đây.
- Anh có nhớ đã hứa viết và kí tên bất kì cái gì tôi đọc cho anh.
- Tôi cóc cần. Còn bây giờ, anh ở lâu không?
- Tôi phải gặp một người sau nửa giờ nữa, vậy tôi sẽ phải ở đây nửa giờ.
Kirillov không nói gì. Liputin ngồi xuống cách bàn một khoảng, gần tấm hình ông tổng giám mục. Ý tưởng liều lĩnh khi nãy lóe qua đầu anh ta lại càng ngày càng ám ảnh anh. Kirillov dường như chẳng hề biết đến sự có mặt của Liputin. Liputin biết lí thuyết của Kirillov và luôn luôn cười nhạo, nhưng bây giờ anh ta không nói gì cả, mặt chàu bạu ngó quanh ngó quất. Piot’r kéo ghế xích lại gần bàn và nói:
- Anh cho chút trà uống cũng được. Tôi vừa ăn thịt bò xong, và tôi tin chắc thế nào đến anh cũng có trà.
- Xin cứ tự tiện.
Piot’r đưa ra nhận xét chua chát:
- Anh vẫn thường mời tôi mà.
- Có gì khác biệt? Không chừng Liputin cũng uống nữa?
- Không, cảm ơn... Tôi không quen.
Piot’r quay phắt lại Liputin:
- Bạn không quen hay bạn không muốn?
Liputin cao giọng đáp:
- Tôi không uống trà ở nhà anh ấy.
Piot’r cau mày:
- Mê tín thúi! Ôi, bọn người như các anh là cái giống gì, mẹ kiếp!
Không ai trả lời. Im lặng kéo dài cả phút. Piot’r bất chợt lại cất tiếng:
Nhưng tôi biết một điều. Là không có mê tín nào ngăn cản nổi một người thi hành bổn phận. Kirillov hỏi:
- Nicolai đi rồi chứ?
- Phải.
- Anh ta làm thế là phải.
Mắt Piot’r lóe lên giận dữ, nhưng hắn dằn lòng được.
- Tôi cóc cần anh nghĩ gì, miễn là ai cũng giữ lời.
- Tôi sẽ giữ lời.
- Phải, tội luôn luôn tin chắc rằng có thể hoàn toàn trông cậy anh sẽ làm tròn bổn phận vì anh là một con người
độc lập và tiến
bộ.
- Còn anh thật tức cười.
- Thế tốt. Tôi khoái làm anh cười. Luôn luôn tôi lo lắng phục vụ mọi người.
- Anh muốn tôi tự sát lắm lắm và anh sợ tôi thay đổi ý định, phải không?
- Anh thấy đó, chính anh kết nối kế hoạch của anh với hoạt động của chúng tôi, vậy nên chúng tôi phải hành sự
dựa theo kế hoạch của anh - bây giờ anh không thể thay đổi mà không làm chúng tôi hụt
hẫng.
- Anh không có quyền gì đối với tôi.
- Tôi biết, tôi biết, đó hoàn toàn là ý chí của anh và chúng tôi không là gì hết. Tôi chỉ muốn thấy rằng ý chí
tự do của anh được thực
hiện.
- Và tôi sẽ phải đảm nhận mọi thứ thối tha của anh?
- Nghe đây, Kirillov, không lẽ anh rét rồi? Nếu anh muốn bỏ cuộc, xin nói ngay cho.
- Tôi không sợ đâu.
- Tôi có ấn tượng đó bởi vì anh cứ hỏi lui hỏi tới mãi...
- Bây giờ anh đã đi chưa?
- Đó, anh lại đặt câu hỏi nữa rồi.
Kirillov khinh miệt nhìn Piot’r từ chân lên đầu, rồi lại từ đầu xuống chân. Piot’r tiếp tục, càng lúc càng phát cáu và nói hấp tấp, không tìm ra giọng điệu thích hợp:
- Anh thấy đó, anh thích tôi bỏ đi để anh ở lại một mình tha hồ mà buông trôi theo ý nghĩ riêng. Nhưng tôi bảo
thực, đó toàn là những triệu chứng nguy hiểm, nguy hiểm cho anh hơn ai hết. Anh muốn suy nghĩ nhiều. Nhưng
theo tôi tốt hơn là anh làm chuyện ấy mà đừng suy nghĩ. Quả thực, tôi khá lo lắng về
anh.
- Điều độc nhất làm tôi bực bội, là vào lúc đó tôi còn bị một con vật đáng ghê tởm như anh ở bên cạnh.
- Được, cái đó không sao. Tôi cho rằng tôi có thể đi ra ngoài một phút, và chờ ở cổng chẳng hạn. Nhưng, cái làm
tôi phiền hà là anh không được dửng dưng cho lắm trước sự vật, như lẽ ra anh phải dửng dưng, vì anh quyết
chết. Đó là một dấu hiệu báo nguy. Vậy tôi sẽ đi ra và anh có thể coi như tôi mù tịt mọi chuyện và tôi là
một người thấp kém hơn anh vô
cùng.
- Không, không đến nỗi vô cùng. Anh có khả năng, nhưng có nhiều điều anh không hiểu tí gì bởi vì anh là một kẻ
quá sức ti
tiện.
- Tôi vui mừng. Tôi đã nói từ trước là tôi rất sung sướng giúp được anh giải trí trong một lúc như vậy.
- Anh không hiểu gì cả.
- Nghĩa là tôi... dù sao, tôi cũng xin kính cẩn lắng nghe những gì anh muốn nói.
- Anh không được tích sự gì. Ngay bây giờ, anh cũng không che giấu nổi sự đố kị nhỏ nhen của anh, mặc dù anh có
lợi nếu đừng phô nó ra. Anh sẽ làm tôi phát cáu và tôi có thể thình lình quyết định sống thêm sáu tháng
nữa.
Piot’r nhìn đồng hồ của mình.
- Tôi không bao giờ hiểu được đầu đuôi xuôi ngược cái lí thuyết của anh ra sao, nhưng tôi biết rằng anh phát
minh ra nó không hề có sự trợ giúp của chúng tôi, và vì vậy anh sẽ đem nó ra thi hành mà chúng tôi không hề
nài nỉ. Tôi cũng biết rằng không phải anh chế ngự tư tưởng đó mà là nó chế ngự anh, vì vậy anh không trì
hoãn kì hạn. Sao? Đó là tư tưởng kia chế ngự
tôi?
- Đúng thế.
- Vậy ra không phải tôi chế ngự nó? Phải thế không? Sau rốt anh cũng có được chút xíu hiểu biết. Nhưng anh chỉ
nói như vậy để khích tôi, trong khi tôi hoàn toàn kiêu hãnh về
nó.
- Thế càng hay, đó chính là điều tôi muốn. Tôi muốn anh kiêu hãnh.
- Được, vậy là xong xuôi. Anh đã uống hết trà, bây giờ đi đi.
Piot’r vừa nói vừa chậm rãi đứng dậy:
- A, mẹ kiếp, tôi chắc cũng phải đi thôi nhưng vẫn còn quá sớm đối với tôi. Kirillov, nói cho tôi biết, tôi
liệu có gặp hắn - anh biết tôi định nói kẻ nào rồi - ở nhà vợ lão hàng thịt không, hay hắn lại phét lác cả
với tôi
nữa?
- Anh sẽ không gặp hắn ở đó vì hiện hắn ở đây.
- Mẹ kiếp, anh định nói gì mà bảo hắn ở đây? Hắn đâu?
- Hắn đang ngồi ăn nhậu trong bếp.
Piot’r mặt đỏ tía tai vì giận:
- Hắn to gan lớn mật thật! Người ta đã bảo hắn chờ! Ngu quá là ngu. Hắn không có giấy tờ căn cước cũng như tiền
bạc gì
hết.
- Tôi không biết gì về chuyện ấy. Hắn chỉ tới để chào từ biệt. Hắn ăn bận đàng hoàng và sẵn sàng lên đường. Hắn
sẽ đi không trở lại. Hắn nói rằng anh là một tên vô lại thối tha và hắn không muốn chờ tiền của
anh.
- A ha! Hắn sợ rằng tôi... Được, tôi vẫn có thể làm chuyện đó ngay bây giờ nếu... Vậy hắn ở trong bếp chứ?
Kirillov mở một cửa ngách dẫn sang một căn phòng tí teo tối đen. Từ phòng nhỏ này bước xuống tam cấp là một phần của gian bếp có ngăn màn che và thường kê giường của người nấu ăn ô đó. Hiện giờ nơi ấy Fedca đang ngồi bên một cái bàn gỗ trống trơn trong góc, phía dưới các hình thánh. Trước mặt hắn là một chai rượu vodka, một cái khay đựng chút bánh mì, và một đĩa bằng đất nung chứa một miếng thịt bò nguội và đôi lát khoai tây. Hắn đang nhai uể oải và rõ đã ngà ngà say. Hắn bận một chiếc áo choàng ngắn bằng da cừu, như thể lúc nào cũng sẵn sàng cất bước ra đi. Sau tấm màn, một ấm nước bắt đầu sôi, nhưng không phải cho Fedca, mà là từ trên một tuần nay đêm nào hắn cũng đun cho Kirillov - “Vì ông Kirillov thích có trà ban đêm, biết không”. Và bởi không có ai nấu bếp, món thịt bò và khoai tây của Fedca có lẽ đã do chính Kirillov chuẩn bị từ sớm. Piot’r chạy ào xuống tam cấp quát:
- Tại sao thế này? Sao bác không chờ ở chỗ tôi đã dặn?
Hắn đấm tay xuống bàn. Fedca ưỡn thẳng lưng, chững chạc ngó Piot’r. Fedca khoái cái cảm giác chữ nghĩa trơn tuồn tuột ra khỏi lưỡi:
- Khoan đã, cậu, khoan đã - bình tĩnh lại nào. Trước tiên, cậu nên nhớ là cậu có cái hân hạnh được ông Kirillov
tiếp và cậu không xứng đáng chùi giầy cho ông ta bởi vì ông ta là một người thông bác trong khi cậu chẳng ra
cái thá gì -
chậc!
Và hiên ngang quay sang một bên, hắn giả đò nhổ nước miếng. Có một sự khinh miệt và quyết tâm lồ lộ trong thái độ của Fedca và rõ rệt là cung cách ăn nói từ tốn kia có thể bị cơn bạo động bùng lên cuốn đi, bất cứ lúc nào. Nhưng Piot’r còn thì giờ đâu mà để ý đến những dấu hiệu cảnh giác và, dù sao đi nữa, một chuyện có thể xảy ra như thế không ăn khớp với quan niệm của hắn về diễn biến của sự việc. Những biến cố và thất bại trong ngày đã hoàn toàn làm hắn mê lú. Đứng ở đầu tam cấp, Liputin cực kì chăm chú ngắm cảnh tượng.
- Bác muốn hay không muốn có giấy tờ căn cước an toàn và một xấp bạc để đến chỗ người ta đã căn dặn bác?
- Cậu Piot’r, cậu thấy đó, xét ra ngay từ ban đầu cậu đã ăn gian nói dối với tôi, nên tôi xem như thể cậu là
một kẻ chẳng ra gì. Đối với tôi, cậu là một thú chấy rận trong loài người - đấy, tôi trọng cậu như thế đấy.
Cậu hứa cho tôi thật nhiều tiền để gây đổ máu cho người vô tội và rồi cậu thề thốt rằng đó là làm cho ông
Nicolai, đến bây giờ hóa ra toàn là kế hoạch ác ôn của cậu chứ có ai khác vào đấy. Chính tôi, tôi cũng chẳng
ăn cái giải gì, chứ đừng nói là một ngàn rưỡi rúp, và ông Nicolai vả vào mặt cậu vì cái thói mưu mô của cậu
- người ngoài chúng tôi cũng biết điều đó nữa. Rồi bây giờ cậu lại đến nữa, hăm dọa tôi và hứa cho tôi tiền.
Cậu không hề giải thích thương lượng chuyện gì, nhưng tôi mang máng hiểu là cậu cố thuyết cho tôi đi
Petersburg để trả thù ông Nicolai cho cậu, vì cậu giận ông ta và nghĩ rằng có thể lợi dụng bản tính dễ tin
của tôi lần nữa. Và như thế chính cậu là kẻ sát nhân tồi bại nhất. Và cậu có biết, vì cậu hết tin tưởng vào
Chúa chân thực, đấng Tạo hóa của muôn loài, trong trái tim đen của cậu, cậu đáng bị gì không? Cậu chỉ là một
kẻ ngoại đạo, không hơn gì bọn Thát đát hay bọn thờ ngẫu tượng. Ông Kirillov là một hiền triết thực thụ, và
hẳn ông đã nhiều lần giảng giải cho cậu nghe về Chúa và đấng Tạo hóa chân thực, và kể cho cậu nghe về cuộc
sáng thế và sự chuyển kiếp của chúng ta cũng như từng con thú, từng giống vật theo sách Khải huyền... Nhưng
cậu ngu như phỗng đá và giữ mãi cái tật vừa điếc vừa câm, cậu làm hư hỏng cả thiếu úy Erkel, khiến ông ta
cũng biến thành một giuộc với cậu: cậu là một kẻ cám dỗ xấu xa, vô
thần...
- A, đồ yêu tinh nát rượu! Bác cướp nhà thờ, trộm tượng thánh mà rồi còn dám đi rêu rao về Chúa!
- Để tôi nói cho cậu nghe, cậu Piot’r, đúng là tôi ăn cướp những tượng thánh kia; nhưng cậu thì có biết cái
quái gì. Biết đâu ngay khi tôi lấy đi chuỗi ngọc trai, một giọt nước mắt của tôi có thể biến thành một viên
ngọc trai trong lò cừ trên trời, bởi vì tôi thực giống như tình cảnh đứa trẻ mồ côi kia, cậu biết không,
chẳng có tổ ấm nào để nương náu. Đọc kinh sách hẳn cậu cũng biết chuyện ngày xưa có chú lái buôn kia, cũng
thở dài than vắn khóc lóc như tôi bây giờ lúc trộm một viên ngọc trai gắn ở vòng hào quang của Đức Mẹ Đồng
Trinh, và về sau quì gối đặt hết thảy tiền bạc kiếm ra nhờ viên ngọc trai kia dưới chân Đức Mẹ, trong khi cả
đám đông đứng vây quanh mà ngắm. Thế rồi Đức Mẹ lấy mạng thiêng bao phủ để che chở cho anh trước cả thảy đám
đông thiên hạ, đến nỗi ngay thời bấy giờ dân chúng cũng bảo đó là phép lạ; và nhà chức trách sai ghi chép
lại câu chuyện đúng như nó đã xảy ra. Nhưng còn cậu, cậu thả chuột bọ vào, và như thế có nghĩa là cậu chửi
rủa Tạo hóa! Nếu cậu mà không phải là chủ của tôi từ lúc mới sinh, và tôi không từng bế ẵm nâng niu trên tay
khi tôi còn trai trẻ, thì tôi quật cậu chết đứ đừ ở đây ngay lập
tức.
Piot’r điên lên vì giận.
- Hôm nay bác có gặp Nicolai không? Trả lời ngay!
- Sao cậu lại dám hỏi tôi như thế! Ông Nicolai rất ngạc nhiên về chuyện xảy ra và không có dính líu gì đến đó
hết cả. Ông ấy không hề nhờ tôi làm chuyện đó hay đề nghị cho tôi tiền. Hơn thế nữa, tôi có thể bảo với cậu
rằng ông ấy không ưa chuyện đó. Chính là cậu đẩy tôi nhúng tay vào chuyện đó, bằng cách đánh lừa
tôi.
- Bác sẽ lĩnh tiền ở đây. Sau đó bác có thêm hai ngàn nữa ở Petersburg, bằng tiền mặt và đúng y boong bữa hẹn.
Sau đó, bác còn được thêm
nữa.
- Cậu nói dối rồi, cậu ơi, và thấy cậu ngây ngô như vậy làm tôi cười bể bụng. Thực chẳng khác nào ông Nicolai
đang đứng trên một cái thang chót vót bên trên còn cậu thì chạy lăng quăng bên dưới sủa gầu gâu như một con
chó cún, và ông ấy thấy nhổ nước miếng vào mặt cậu cũng là quá hân hạnh cho
cậu.
Piot’r quay đi và nói:
- Mày biết không? Tao sẽ không để cho mày nhúc nhích khỏi đây một bước, đồ khốn kiếp. Tao sẽ giao thẳng mày cho
cảnh
sát.
Fedca nhảy dựng lên, mắt giận tóe lửa. Khẩu súng trái khế của Piot’r ánh lên trong tay hắn. Tiếp theo là một màn ngắn và ghê tởm: trước khi Piot’r kịp giơ súng lên nhằm, Fedca bước lách sang một bên và táng cho hắn một đòn như trời đánh ngay vào giữa mặt. Rồi thoi thứ nhì, thoi thứ ba, thoi thứ tư - tất cả đều nện vào mặt Piot’r như vũ bão. Piot’r choáng váng, mắt trợn ngược, lầm bầm điều gì đó, rồi té nhào, nằm thẳng cẳng trên nền nhà. Fedca hứng chí reo lên:
- Đó, giao nó cho quí vị mặc tình!
Rồi cầm lấy mũ lưỡi trai, xách tay nải để dưới ghế, dông tuốt. Hơi thở của Piot’r ú ớ trong cổ họng giữa lúc hắn nằm bất tỉnh nhân sự. Liputin ngỡ là Fedca đã hạ sát hắn. Kirillov nhảy xuống tam cấp lao vào bếp. Anh hét lên: “Đổ nước vào người hắn!”, rồi lấy một gầu nước rót đầy cái bình thiếc, anh trút vào mặt Piot’r. Piot’r ngọ nguậy, cất đầu lên, và ngơ ngác nhìn quanh. Kirillov hỏi:
- Anh thấy ra sao?
Piot’r ngó sững bốn phía một cách mơ hồ, như tuồng không nhận ra Kirillov. Rồi, đột nhiên thấy bóng dáng Liputin ở bậc thang trên cùng, một nụ cười ghê tởm làm miệng hắn méo xệch và hắn chộp lấy khẩu súng đang nằm cận kề hắn trên sàn, nhảy nhổm dậy. Piot’r xanh xao và mất hồn. Cơn thịnh nộ xoay sang Kirillov, hắn đột nhiên cất tiếng, vừa nuốt chữ vừa gằn từng câu:
- Nếu ngày mai anh định chuồn như Nicolai, tôi sẽ tìm ra anh, dù cố sang bên kia thế giới. Tôi sẽ treo cổ anh
lên, lên - như một con ruồi - tôi sẽ đập nát anh - nhớ lấy điều
đó!
Hắn đưa mũi súng chỉ ngay trán Kirillov, nhưng hầu như lập tức lấy lại lí trí, hắn rụt tay về, nhét khẩu súng vào túi, và không nói thêm một lời, chạy ra khỏi nhà. Liputin hấp tấp theo sau. Họ lại chui qua cái khe khi nãy và lại phải vịn vào hàng rào khi đi men bờ hào. Ra đến phố Piot’r đi nhanh quá nên Liputin phải khó khăn lắm mới kịp bén gót. Tuy nhiên, đến chỗ rẽ đầu tiên, Piot’r bất chợt dừng lại, quay ra sau, và hỏi Liputin bằng một giọng thách thức:
- Sao?
Liputin, hãy còn run vì cảnh tượng mới mục kích, nhớ lại khẩu súng. Nhưng câu trả lời của anh ta như buột ra khỏi miệng:
- Tôi nghĩ - tôi thấy rằng dường như bây giờ thiên hạ chẳng hề cố nóng lòng chờ đợi vị anh hùng kia từ Xmolenxc
cho đến Taskent gì hết
cả.
- Thế bạn có thấy Fedca uống gì trong bếp không?
- Hắn uống gì à? Dĩ nhiên là rượu vodka.
- Vậy thì, để báo cho bạn biết, đó là lần cuối cùng hắn uống vodka. Tôi khuyên bạn nên nhớ lấy điều đó. Còn bây
giờ, cút xéo. Tôi không cần đến bạn cho tới ngày mai. Nhưng tôi cảnh cáo bạn, đừng có định vớ vẩn với tôi
đó!
Liputin cắm đầu chạy một mạch về nhà.
4
Liputin từ lâu đã làm một giây thông hành mang tên giả. Thật quái đản là cái con người nhỏ bé chân chỉ đó - một nhà độc tài con con trong gia đình, một công chức nhà nước (dù là một tín đồ của Fourier), và trên hết một nhà tư bản và cho vay lãi - lại từ lâu ấp ủ cái quan niệm dị kì là cần phải có một giấy thông hành dởm để có thể trốn ra nước ngoài nếu... Anh ta mường tượng trường hợp cái nếu kia có thể xảy ra. Thực sự thì chính anh ta cũng không thể hình dung rõ ràng mình trông chờ cái gì sẽ đến.
Nhưng bây giờ nó tự hình dung và mang một dạng thức bất ngờ nhất. Ý nghĩ liều lĩnh lóe trong đầu anh ta, khi bị Piot’r sỉ nhục trên đường phố, là bỏ rơi mọi chuyện và sáng mai điều trước nhất là dông thẳng ra nước ngoài. Những ai không tin rằng các chuyện dị kì như thế ấy xảy ra thường nhật ở nước Nga thì nên chịu khó đào sâu vào tiểu sử các kiều dân Nga lưu vong. Chẳng một kẻ nào có được một lí do khá hơn hay thực hơn để bán xới mà đi. Tất cả chỉ là một cõi miền huyễn hoặc mà thôi.
Điều thứ nhất Liputin làm khi về tới nhà là chộp ngay lấy chiếc va li và bắt đầu xếp đồ. Mối lưu tâm chính của anh ta là về tiền bạc - liệu anh ta có thể nhặt nhạnh được bao nhiêu và bằng cách nào. Phải, anh ta cần khẩn cấp, bởi vì không có thể bỏ lỡ một lúc nào, và phải lên đường trước khi rạng đông. Anh ta không biết phải đáp xe lửa như thế nào - lên ở trạm thứ hai hay thứ ba cách thành phố, còn đến đấy có thể đi bộ. Vậy nên, với mọi kế hoạch đó quay cuồng trong đầu, anh ta vội vã dọn hành lí nhưng bỗng liệng tất cả sang bên và nằm dài trên trường kỉ.
Anh ta thình lình nhận thức rõ ràng rằng dù cho có bỏ trốn - và anh ta cảm thấy đó là điều phải làm - anh ta cũng vẫn còn phải quyết định nên trốn trước hay sau khi Satov bị thanh toán. Anh ta cảm thấy không còn chút sức lực nào trong người, rằng bây giờ anh ta chỉ còn là một thân xác thô thiển, vô tri giác, một khối trơ trơ không hơn không kém do một mãnh lực kinh hồn bên ngoài điều động, và rằng, mặc dù anh ta có sẵn giấy thông hành và rất có thể chạy trốn luôn khỏi Satov (vì sự vội vã còn thể là gì khác?), thực sự chẳng phải anh ta trốn trước Satov hay khỏi Satov mà chính là sau Satov, rằng điều đó đã được phán truyền, quyết định, và dứt khoát. Trong nỗi khắc khoải không thể chịu đựng, bối rối, rúng động, hết cầm hơi lại rên la, anh ta lắt léo mà sống cho qua trong căn phòng khóa kín như bưng cho đến mười một giờ sáng hôm sau, thì bỗng một chấn động bất ngờ đã quyết định thẳng thừng đường lối hành động cho anh ta trong tương lai.
Vào lúc mười một giờ sáng, ngay sau khi anh ta mở khóa phòng và trình diện với mọi ngưôi trong nhà, anh ta được họ cho biết là Fedca, tên tù vượt ngục đã gieo kinh hoàng khắp vùng, cướp bóc cả nhà thờ, và mới đây liên can trong vụ ám sát và đốt nhà - con người bị toàn thể lực lượng cảnh sát lùng bắt, nhưng vẫn vuột khỏi tay họ - sáng nay người ta đã tìm thấy nằm chết cách thành phố khoảng năm dặm, tại giao điểm giữa con đường đi Dakharino chạy vắt ngang quốc lộ. Bây giờ cả thành phố đang bàn tán về chuyện ấy. Liputin lao ra khỏi nhà như một thằng điên để tìm hiểu thêm nữa. Trước tiên, anh khám phả ra rằng Fedca bị vỡ sọ và dường như bị lột hết tiền. Sau nữa, anh hay tin cảnh sát rất hồ nghi và còn có chứng cớ rằng kẻ sát nhân là một người thợ trước làm ở xưởng Spigulin tên là Fomca, mà người ta cho là đồng lõa với Feđca trong vụ sát hại gia đình Lebiadkin, và hai bên gây lộn trên đường cái là do Fedca giành món tiền lấy được của Lebiadkin mà không chịu chia phần cho Fomca. Liputin chạy hộc tốc đến nhà Piot’r, và nhờ dỗ dành hỏi han bọn người làm, đã được họ cho biết rằng Piot’r trở về nhà khoảng lúc một giờ sáng, sau đó anh ta ngủ li bì cho đến tám giờ. Dĩ nhiên, không có gì khác thường về cái chết của Fedca - sinh nghề tử nghiệp mà. Nhưng còn có lời hứa hẹn của Piot’r về việc Fedca sẽ uống rượu vodka lần cuối cùng trong đời, và sự kiện rằng lời tiên đoán kia đã trở thành trúng phóc gần như tức thì, Liputin không còn đắn đo gì nữa; anh đã bị chấn động. Như thể một tảng đá khổng lồ đã đè xuống người anh và đóng anh xuống chặt một lần và mãi mãi. Khi về đến nhà, anh rầu rĩ đẩy hành lí vào gầm giường. Tối hôm đó, anh là người đầu tiên đến nơi hẹn với Satov, mặc dầu, nói cho ngay, tờ thông hành vẫn nằm nguyên trong túi áo anh.