Lưỡng triều hoàng hậu - Chương 03

Chương 3

Thập nhị Sứ Quân chi loạn. Ái Châu anh hùng Lê Hoàn

*****************************************

Trời vừa sáng tôi đã đến lều trướng của Lê Hoàn, anh ta cũng vừa mới đi luyện binh về. Hôm nay, tôi mặc trên người bộ nam trang màu trắng ngà, đai lưng cũng màu trắng, tóc búi cao cài chặt bằng một cây trâm mộc. Tuy chỉ là một thân áo vải nhưng nhìn tôi cũng rất tuấn tú nha.

Thấy tôi đến, Lê Hoàn tùy tiện chỉ vào một chồng văn thư trên bàn bên cạnh, bảo tôi sắp xếp theo thứ tự ngày tháng.

Tôi lật mở chồng văn thư ra xem, nhất thời liền lặng cả người. Sao tôi có thể quên mất tôi đang xuyên không về thời kỳ trung đại, nước ta giai đoạn này dù đã là nhà nước tự chủ chính trị nhưng sau gần một nghìn năm Bắc thuộc, văn hóa vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi Trung Hoa. Tất cả văn bản biên chép đều dùng chữ Hán, hành văn theo lối Văn Ngôn. Tôi nhìn vào mà đầu choáng mắt hoa. Mặc dù ở trường đại học, tôi có học tiếng Phổ Thông được hơn hai năm, nhưng tôi học là chữ Hán Giản thể, văn viết theo lối Bạch Thoại. Mặt chữ tôi đoán chữ được chữ không, lối hành văn rối rắm khó hiểu, đó là còn chưa kể cách đọc lại theo âm tiếng Việt.

Tôi thầm than khổ trong lòng. Thôi rồi! Không phải bây giờ ở nơi này tôi lại còn trở thành kẻ mù chữ nữa chứ! Ít nhiều gì ở thời kỳ hiện đại, tôi cũng là một trong những sinh viên xuất sắc toàn trường cơ mà!

Nhìn sắc mặt lúc trắng lúc xanh của tôi, Lê Hoàn chợt hỏi:

-       Sao thế?

Tôi thất thần nhìn Lê Hoàn, anh ta lại hỏi:

-       Cô không biết chữ sao?

-       Không… không hẳn vậy.

Tôi ngập ngừng đáp.

-       Tôi ….chỉ là… chỉ là… quên mặt chữ thôi.

Lê Hoàn nhìn tôi, day day trán.

Nguy rồi, nguy rồi, có khi nào anh ta muốn đổi ý không?

Tôi vội đáp:

-       Tướng quân, không phải là tôi không biết chữ đâu! Tướng quân, ngài hãy dạy lại cho tôi đi! Một tháng! Tôi đảm bảo với ngài trong vòng một tháng tôi hoàn toàn có thể đọc được toàn bộ số văn thư, biên chép này. Nếu không được… nếu không được, tôi lập tức rời đi!

Thôi hỏng, sao mồm miệng tôi lúc nào cũng nhanh hơn cái đầu vậy! Một tháng liệu tôi có kịp học không đây? Nếu một tháng tôi học không xong liệu Lê Hoàn có đuổi tôi đi thật không?

Ấy vậy mà Lê Hoàn lại gật đầu đồng ý:

-       Được. Quyết định vậy đi!

Mặt tôi méo xệt, không nhịn được mà buột miệng:

-       Hả?

Lê Hoàn cũng không thèm để ý, lại gọi:

-       Cô lại đây mài mực giúp ta.

A, cái này thì tôi biết, coi trên phim truyền hình thấy hoài, cứ bắt chước theo là được. Một chốc sau, Lê Hoàn lại hỏi tôi:

-       Cô tên gì?

Tôi liền đáp:

-       Nga.

Lê Hoàn lại hỏi:

-       Còn họ thì sao?

Tôi đang định khai đầy đủ họ tên Lý Thiên Nga, bỗng tôi sực nghĩ, không phải mình bị mất trí nhớ sao? Mất trí nhớ thì làm sao biết được đầy đủ họ tên? Nghĩ vậy, tôi liền cười hì hì trả lời anh ta:

-       Tôi thật quên mất rồi. Chỉ nhớ một chữ Nga thôi.

Lê Hoàn lại thở dài không nói gì. Tôi ở trong đại lán cả buổi, đứng sau lưng Lê Hoàn, anh ta sai gì làm đó, kể cả thở mạnh cũng không dám. Đến chiều, cả vai eo của tôi đều đau nhức. Xem ra thời buổi này làm thư đồng cũng không phải công việc nhàn hạ gì.

Đến gần cuối buổi chiều, đám thuộc hạ của Lê Hoàn vào thương lượng việc quân cơ hệ trọng, anh ta mới cho tôi lui về. Trước khi tôi đi, anh lại giao cho tôi một quyển sách dặn dò:

-       Giao cho cô đọc quyển sách này. Chữ nào không biết thì hỏi lại ta. Bắt đầu từ ngày mai, mỗi ngày sau giờ cơm tối cô đến đây tìm ta, ta sẽ dạy chữ cho cô. Nếu sau một tháng cô vẫn không tiến bộ thì tự thu dọn đồ đạc.

Tôi nhìn quyển sách Lê Hoàn đưa, không biết là nên cười hay khóc đây nữa.

Những ngày sau đó, Lê Hoàn thật sự chuyên tâm dạy tôi, mà tôi cũng dốc lòng dốc sức ra học. Mỗi ngày tôi đều học từ sớm tinh mơ đến khi trăng lên cao. Sau một tháng, tôi quả nhiên là có tiến bộ. Mặc dù còn mất thời gian khá lâu để đọc văn tự, nhưng những biên chép cơ bản tôi đều hiểu được, những văn thư phức tạp tôi cũng đọc hiểu được bảy tám phần.

Ở trong doanh trại này, ngoại trừ thời gian làm thư đồng ở chỗ Lê Hoàn thì thời gian rảnh rỗi của tôi cũng tương đối nhiều. Thi thoảng tôi lại đi tìm Lê Nhất nói chuyện. Lê Nhất chính là anh chàng hộ vệ ngày trước cứ đòi chém chém giết giết tôi, giờ thì bọn tôi tương đối thân thiết. Anh ta đã đi theo Lê Hoàn từ nhỏ, vốn không phải họ Lê, về sau mới đổi theo họ Lê Hoàn.

Thông qua lời Lê Nhất kể, tôi được biết trong khoảng mười mấy năm trở lại đây, từ sau khi Tiền Ngô Vương Ngô Quyền mất, Dương Tam Kha cướp ngôi nhà Ngô, tự xưng Vương, thiên hạ trở nên đại loạn. Rất nhiều thủ lĩnh nổi lên cát cứ mỗi người một phương, xung đột triền miên, tranh giành ảnh hưởng, tiêu diệt lẫn nhau. Khắp nơi đều là cảnh binh đao ly loạn. Sau khi Dương Tam Kha bị lật đổ, hai người con của Tiền Ngô Vương cùng làm vua, lấy hiệu là Nam Tấn Vương và Thiên Sách Vương. Nhưng triều đình nhà Ngô khí số đã tận, đến đời Ngô Xương Xí, con Thiên Sách Vương nối ngôi được hai năm thì cả nước đã hình thành cục diện mười hai thế lực chiếm giữ các địa phương, nhà Ngô càng ngày càng suy yếu. Hiện tại Ngô Xương Xí đã rời kinh thành Cổ Loa[1], lui về đất Bình Kiều[2], tự xưng là Ngô Sứ Quân.

Đương thời trong mười hai Sứ Quân, danh tiếng lớn nhất đương nhiên phải kể đến Ngô Sứ Quân Ngô Xương Xí. Dù gì thì nghĩa sĩ trong thiên hạ trung thành với nhà Ngô vẫn còn rất nhiều, họ Ngô trong mắt bàn dân thiên hạ là những anh hùng giải phóng dân tộc. Sau nữa phải kể đến Đinh Sứ Quân Đinh Bộ Lĩnh cát cứ ở Hoa Lư[3], xuất thân từ dòng dõi danh gia vọng tộc họ Đinh đất Trường Châu[4], nổi tiếng về đức độ và lòng ái quốc. Ngoài ra, còn có Nguyễn Hữu Công Nguyễn Siêu ở Tây Phù Liệt[5], nắm trong tay hơn mười mấy vạn binh mã.

Lại nói về Lê Hoàn, anh ta năm mười chín tuổi dựng cờ tự chiêu binh mãi mã ở quê nhà Ái Châu[6], sau sáu năm chinh đông chiến tây hiện tại đang là thủ lĩnh toàn vùng Ái Châu, cũng là một trong những Sứ Quân mạnh nhất đương thời.

Tôi không khỏi cảm thán! So với các Sứ Quân khác vốn đều xuất thân là quý tộc, tướng quân nhà Ngô, hoặc từ danh gia vọng tộc như họ Kiều, họ Đinh, thì Lê Hoàn thật sự là người duy nhất gầy dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng. Một thanh niên hữu dũng hữu mưu, lại ôm trong mình hoài bão lớn như thế, chẳng trách sao này anh lại không lập nên nghiệp lớn. Chỉ có điều, tôi không ngờ rằng ngày sau cuộc đời tôi và anh ta sẽ cùng gắn chặt, cùng trải qua biết bao gian truân thăng trầm.

- Hết chương 3-


[1]Thành Cổ Loa: thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội ngày nay

 [2]Thành Bình Kiều: thuộc về các xã Hợp Lý, Hợp Tiến, Hợp Thành thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa ngày nay

 [3]Hoa Lư: thuộc xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình ngày nay

 [4]Trường Châu: tỉnh Ninh Bình ngày nay

 [5]Tây Phù Liệt: huyện Thanh Trì, Hà Nội ngày nay

 [6]Ái Châu: Thanh Hóa ngày nay