Lưỡng triều hoàng hậu - Chương 06

Chương 6

Phá Hồi Hồ, Kiều Thuận tử trận. Đánh Tam Giang, thủy kế công thành

*******************************************

Rạng sáng, người ngựa đã chuẩn bị sẵn sàng để lên đường. Cô Dung cũng thức giấc từ rất sớm để tiễn quân. Sau khi đại quân khởi hành cô sẽ trở về phủ Lê Tộc ở thành Ái Châu. Lần từ biệt này cũng không biết đến bao giờ mới có cơ hội gặp lại. Từ khi tôi đến nơi này cũng may luôn có cô chăm sóc tôi. Hôm nay chia xa, lòng tôi cũng không khỏi thương cảm. Cô Dung vốn là người hầu thân cận của mẫu thân Lê Hoàn, đã từng chăm sóc anh từ nhỏ. Tối qua trước khi đi ngủ, cô Dung còn dặn dò tôi rất kỹ lưỡng những thói quen sinh hoạt hằng ngày của Lê Hoàn, bắt tôi phải thuộc lòng những món anh ta thích, những món anh ta ghét, còn bắt tôi phải hứa sẽ chăm sóc anh ta chu toàn suốt cả chuyến đi, làm tôi cảm thấy trách nhiệm thật nặng nề.

Đoàn quân ba vạn tinh binh của Lê Hoàn hành quân ngày đêm, chỉ sau hơn một tuần đã tiến sát chân Thành Hồi Hồ, anh ta ra lệnh đóng quân năm dặm ngoại thành Hồi Hồ. Tôi đi theo xe ngựa chở quân trang và quân dụng nên cả đoạn đường cũng không có dịp ở cạnh Lê Hoàn. Tới nơi đoàn quân hạ trại, Lê Hoàn an bài cho tôi ở luôn trong đại lán cùng anh, bảo là để dễ bề dòm chừng tôi.

Tôi thấy vậy cũng tốt, đại lán là nơi được canh phòng cẩn mật nhất, nếu có quân địch tập kích bất ngờ, tôi cũng không đến nỗi mất mạng. Lúc đầu tôi nương nhờ Lê Hoàn cũng chỉ đơn giản là tìm một con đường sống trong thời loạn, không ngờ anh ta lại đưa luôn tôi ra đầu chiến tuyến. Giờ nghĩ lại có hối hận cũng đã muộn màng, chỉ mong có thể từng bước tìm cách ứng phó, bảo toàn tính mạng mà thôi.

Lê Hoàn ra lệnh cho toàn quân nghỉ ngơi hai đêm, sáng ngày mốt sẽ chính thức công thành. Theo tin tình báo, hiện tại tại Thành Hồi Hồ[1] có khoảng vài vạn quân, đội tinh binh của Kiều Thuận được tổ chức chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh, luân phiên vừa luyện tập, vừa tuần tra canh gác bảo vệ lãnh địa, toàn quân trên dưới một lòng. Kiều Thuận là cháu nội của Kiều Công Tiễn, kẻ đã phản bội và giết hại Tiết độ sứ Dương Đinh Nghệ, tự lập làm Tiết Độ Sứ và cũng chính là Tiết Độ Sứ cuối cùng của Tĩnh Hải Quân trong lịch sử. Gia tộc họ Kiều là một gia tộc gốc rễ lâu đời ở đất Phong Châu, cho nên dù lực lượng họ Kiều bị cô lập bởi phần lớn nghĩa sĩ trong nước nhưng ở đất Phong Châu uy danh vẫn còn rất lớn.

Lê Hoàn chia hai đạo binh, một đạo tập trung tấn công Thành Hồi Hồ, một đạo vượt sông Nhị[2] tấn công Thành Ma[3], một thành trì liền kề do cận tướng của Kiều Thuận là Ma Xuân Trường trấn giữ nhằm tuyệt diệt đường lui của Kiều Thuận. Sau bảy ngày bảy đêm công thành quyết liệt, Thành Hồi Hồ bị phá, Kiều Thuận phải tháo chạy khỏi thành, còn đạo quân tấn công Thành Ma cũng thuận lợi chiếm đóng được Thành Ma. Kiều Thuận dự định tụ quân với Ma Xuân Trường ở Thành Ma nhưng bị truy binh do Lê Hoàn dẫn đầu cùng Lê Quân từ Thành Ma đánh ra bao vây, ông ta thua tan tác, cuối cùng tự vẫn ở làng Trù Mật[4]. Lê Hoàn đại thắng, chỉ đáng tiếc lại để cho Ma Xuân Trường trốn thoát.

Sau khi vào Thành Hồi Hồ, Lê Hoàn ra lệnh cho quân sĩ không được cướp bóc làm hại bách tính. Anh còn lệnh cho quân sĩ giúp dân chúng sửa chữa lại thành trì, khôi phục sinh hoạt thường ngày, khiến bách tính Hồi Hồ vô cùng cảm kích. Những tướng sĩ đầu hàng thì được xung quân, những kẻ cứng đầu thì hoặc bị giết hoặc bị xung làm tù binh. Đến khi điểm binh thì thu được gần hai vạn hàng binh từ Kiều Thuận.

Khi bọn tôi còn đang ở Hồi Hồ an bài thì nhận được tin Đinh Bộ Lĩnh đã thắng lớn tại Cổ Loa Thành, Lã Xử Bình bị xử tử, Đỗ Cảnh Thạc và Kiều Công Hãn đại bại, toàn quân thương vong quá nửa, đang tháo chạy khỏi Cổ Loa Thành. Lê Hoàn cho cắt cử tướng thân cận và một phần Lê Quân ở lại giữ thành, sau đó lập tức điều động quân đội chuẩn bị tàu thuyền vượt sông Nhị tiến công Bạch Hạc[5].

****************************************************

Khi cách Thành Tam Giang[6]- Bạch Hạc chừng hai mươi dặm, Lê Hoàn cho toàn quân hạ trại. Tối hôm ấy, Lê Hoàn cùng hai bộ hạ cải trang thành thường dân trà trộn vào thành để thám thính tình hình, mà tôi vì ham vui cũng xin theo cùng.

Thành Tam Giang nằm ở ngay vùng ngã ba sông Bạch Hạc, là nơi giao nhau của ba con sông Nhị, sông Đà và sông Lô. Cư dân trong thành chủ yếu sinh sống dựa vào sông nước. Theo như bọn tôi thám thính, tòa thành này đắp bằng đất, thành được xây dựng trên trên vùng địa thế khá trũng, thành hình vuông mỗi bề gần hai dặm. Chung quanh thành có hào sâu chừng hơn một mét, thành cao khoảng hai mét, chân thành rộng khoảng ba mét, mặt thành rộng khoảng hai mét, thành có bốn cửa và bốn góc thành có bốn cồn đất cao. Bọn tôi lại do thám những vị trí đóng quân chủ chốt, số lượng lính canh, thời gian luân ca…Sau khi việc do thám hoàn tất, Lê Hoàn ra lệnh cho hai thuộc hạ quay về trước, còn đồng ý dẫn tôi đi dạo trong thành.

Đêm nay trùng hợp là Đêm hội thờ cúng Thủy Thần Bạch Hạc Tam Giang, cả thành rực rỡ đèn hoa, từng đoàn dân chúng nô nức đi theo kiệu thờ Thủy Thần diễu hành khắp phố thị. Tôi cũng kéo tay Lê Hoàn hòa vào đoàn người đông đúc. Dưới ánh sáng hoa đăng, tôi thấy rõ đêm nay Lê Hoàn mặc một thân lam y, dáng vẻ ung dung, thanh tao nhàn nhã, đôi mắt anh sáng ngời, mày kiếm vi diệu, thân ảnh như tùng như bách, toàn thân toát ra anh khí bức người khiến tôi cảm thấy thật chói mắt, thật không thể nào quên!

Biết bao nhiêu thiếu nữ qua đường vì anh ta mà đỏ mặt thẹn thùng, vì anh ta mà ngơ ngẩn thất thần, mà có lẽ sẽ có người vì anh ta mà tương tư. Tôi bỗng dưng cảm thấy thật khó chịu, thật muốn đứng chắn ngang trước mặt anh ta mà đe dọa các cô gái kia “Không được nhìn nữa, không cho các cô nhìn nữa!”

Lê Hoàn mua cho tôi rất nhiều món đồ chơi nho nhỏ, nhiều món điểm tâm nóng hổi thơm phức. Chúng tôi cứ thế đi mãi đi mãi như thể không gian này thời gian này chỉ có hai chúng tôi mà thôi. Trăng đã lên cao, đường phố thưa thớt dần, chúng tôi vẫn sóng bước cạnh nhau. Chợt tôi nhận thấy bóng hai người đổ xuống đường, tôi vội lùi lại, vẫy vẫy tay nghịch nghịch để bóng tay tôi khoác lên bóng vai Lê Hoàn. Ha ha, tôi đang khoác vai anh ta nè, cũng vui ghê!

Bất chợt, Lê Hoàn đứng phắt lại, làm tôi đang đi theo phía sau không thắng kịp, đụng sầm vào lưng anh ta. Lê Hoàn quay lại nhìn tôi, nhăn mặt nói:

-     Vân Nga, cô không thể cư xử bình thường một chút được à?

Tôi thấy Lê Hoàn đầu mày khóe mắt đều vương tâm sự, bèn kéo ống tay áo anh ta nói:

-     Đi, chúng ta đi uống rượu!

Lê Hoàn bất đắc dĩ thở dài:

-     Cô…

Tôi mỉm cười, lại kéo kéo ống tay áo anh ta:

-     Đi nào!

Bọn tôi đến ngồi ở một quán rượu nhỏ ven đường, cùng thưởng thức món rượu nếp cẩm thơm lừng của đất Phong Châu. Xa xa, bên kia sông vang lên tiếng hát trong trẻo ngọt ngào: "Xinh thay ngã ba Hạc. Đẹp thay ngã ba Hạc. Dưới hợp một dòng. Trên chia ba ngoác. Ngóc ngách khôn đo rộng hẹp, dòng biếc lẫn dòng đào…”

Tiếng hát khiến người nghe lâng lâng không biết mình đang say rượu hay đang say nhạc. Tôi chợt hỏi Lê Hoàn:

-     Tướng quân, ngài đã nghĩ ra kế sách gì để phá Thành Tam Giang chưa?

Lê Hoàn không trả lời tôi, mà chấm đầu ngón tay vào bát rượu, nhẹ nhàng viết một chữ trên mặt bàn. Dưới ánh trăng sáng tỏ, tôi đọc được một chữ “Thủy”.

Quả nhiên là kế sách hay! Chỉ có điều, bách tính ít nhiều gì cũng phải chịu khổ rồi! Tôi thầm chua xót trong lòng, thời loạn lạc là thế, chỉ cầu mong thiên hạ mau chóng được thái bình, để bách tính sớm ngày an cư lạc nghiệp.

Lê Hoàn hỏi tôi:

-     Vân Nga, cô nghĩ đến bao giờ ta mới thống nhất được giang sơn này?

Theo tình thế lúc này, chỉ trong vòng chưa tới hai năm nữa, Đinh Bộ Lĩnh sẽ dẹp xong loạn mười hai Sứ Quân rồi. Tôi cân nhắc một hồi, bèn trả lời anh:

-     Sắp rồi, sắp rồi!

Lê Hoàn lại hỏi tôi:

-     Vân Nga, theo cô đương thời ai là anh hùng trong thiên hạ?

Tôi ngẫm nghĩ thật lâu, cuối cùng đáp:

-      Ngô Sứ Quân Ngô Xương Xí là con cháu của dòng họ lớn, thừa kế cơ nghiệp của cha chú, loạn lạc xảy ra, hắn lại lui về ẩn dật ở xứ Bình Kiều mà dự vào hàng ngũ Sứ Quân, đối với tôi, hắn không phải anh hùng. Ngô Nhật Khánh là quý tộc nhà Ngô, Phạm Bạch Hổ là bộ hạ nhà Ngô nhưng lại không chiến đấu vì Ngô chủ mà tự lui về cố thủ ở đất phong, bọn họ cũng không phải là anh hùng. Đỗ Cảnh Thạc cũng là đại tướng của nhà Ngô, nhưng sau khi vua Nam Tấn Vương chết, hắn lại làm phản tranh giành ngôi vua gây ra đại loạn ở Cổ Loa Thành, hắn càng không phải là anh hùng. Nguyễn Khoan, Nguyễn Siêu là chỉ là những kẻ phương Bắc đến nước ta chờ thời. Lý Khuê, Lã Đường chỉ là những hào trưởng địa phương, sức ảnh hưởng nhỏ, không thể gầy dựng nghiệp lớn. Trần Minh Công Trần Lãm có công đức lớn với Bố Hải Khẩu, giúp khơi ngòi, đắp đập, tạo dựng làng xã và phát triển ngư nghiệp, nhưng đáng tiếc ngài ấy đã qua đời. Anh em Kiều Thuận, Kiều Công Hãn cũng là dòng dõi vọng tộc đất Phong Châu, nhưng Kiều Thuận lại ủng hộ việc bội phản của ông nội hắn là Kiều Công Tiễn mà bị nghĩa sĩ trong nước cô lập. Kiều Công Hãn mặc dù đi theo Tiền Ngô Vương Ngô Quyền lập đại công trong trận Bạch Đằng, nhưng cũng như Đỗ Cảnh Thạc, hắn cũng vì tranh ngôi báu mà gây ra đại loạn ở Cổ Loa, bọn họ cũng không xứng đáng là anh hùng. Vậy, đương thời, chỉ có ngài và Đinh Bộ Lĩnh mới xứng danh là anh hùng trong thiên hạ.

Lê Hoàn lại hỏi tiếp:

-     Theo cô, đến cuối cùng ta và Đinh Bộ Lĩnh ai sẽ là người giành chiến thắng?

Tôi nhìn vào đôi mắt Lê Hoàn, đôi mắt anh nửa như chờ mong lại nửa như lo ngại. Sao tôi có thể nói với Lê Hoàn rằng anh sẽ có một sự nghiệp lẫy lừng, không thua kém gì Đinh Bộ Lĩnh, rằng giang sơn này rồi đây sẽ do một tay anh ta gánh vác. Nhưng đó lại là chuyện của mười mấy năm sau nữa, còn trong trận tranh hùng sắp tới, người giành chiến thắng lại là Đinh Bộ Lĩnh chứ? Từ khi đến thời đại này, tôi luôn canh cánh trong lòng một vấn đề. Theo những gì tôi được dạy ở trường học, Lê Hoàn luôn là đại tướng dưới trướng của Đinh Bộ Lĩnh, theo Đinh Bộ Lĩnh lập nhiều chiến công hiển hách. Nhưng theo những gì tôi thực tế chứng kiến, Lê Hoàn hoàn toàn không hề thua kém Đinh Bộ Lĩnh. Anh hữu dũng hữu mưu, nhìn xa trông rộng, lòng ôm chí lớn, lại có cái cao ngạo, khí phách của bậc đế vương, hoàn toàn có thể nói là nhân trung long phụng. Với bản tính của Lê Hoàn, anh nhất định sẽ không bao giờ chịu đầu quân dưới trướng của Đinh Bộ Lĩnh, lại càng không nói tới việc nếu anh và Đinh Bộ Lĩnh trực tiếp đối đầu, tôi thấy anh thà chết chứ cũng không hàng.

Lê Hoàn thấy tôi khổ sở suy nghĩ, bèn uống cạn bát rượu, rồi vừa rót bát mới vừa nói:

-     Bỏ đi. Sao ta lại đem những chuyện này nói với một cô gái ngốc như cô chứ.

Tôi giật bầu rượu trên tay Lê Hoàn rót vào bát của mình rồi cụng bát với anh.

-     Tướng quân, tôi uống với ngài. Đêm nay chúng ta không say không về!

***********************************************

Những ngày sau đó, Lê Hoàn cho quân chặt nhiều cây đại thụ đem chặn ngang dòng chảy của sông Nhị, nước từ sông Nhị chảy tới gần đoạn ngã ba Bạch Hạc không thể tiếp tục dòng chảy xuống ngã ba liền tràn bờ đổ thẳng về phía Thành Tam Giang. Thành Tam Giang vốn xây bằng đất, địa thế của thành đã trũng lại còn bị ngâm nước mấy ngày, liền bị sụt lún sạt lở. Cộng thêm sức tấn công như vũ bão từ Lê Quân, Thành Tam Giang nhanh chóng thất thủ. Lê Hoàn thuận lợi chiếm được thành.

Sau khi Kiều Công Hãn từ Thành Cổ Loa tháo chạy về Tam Giang Bạch Hạc, trên đường đi nghe nói Hồi Hồ thất thủ, Kiều Thuận tử trận, mà cả Tam Giang Bạch Hạc của ông ta cũng rơi vào tay Lê Hoàn, ông ta bèn đổi hướng, đem tàn quân chưa tới nửa vạn chạy về phía nam hướng Thành Bình Kiều, định đầu quân cho Ngô Sứ Quân Ngô Xương Xí. Không ngờ trên đường lại bị một hào trưởng địa phương dưới trướng của Đinh Bộ Lĩnh là Nguyễn Tấn chặn đón ở Bố Hải Khẩu chém chết.

Vậy là hai Sứ Quân lớn mạnh đương thời là Kiều Thuận và Kiều Công Hãn lần lượt qua đời, toàn đất Phong Châu về tay Lê Hoàn.

-Hết chương 6-

 Chú thích:

[1]Thành Hồi Hồ: Thành cổ Hồi Hồ thuộc làng Hoa Khê, còn có tên là Cẩm Khê, nay là làng Văn Khúc, xã Văn Khúc thuộc huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ

 [2]Sông Nhị: sông Hồng ngày nay

 [3]Thành Ma: sau gọi là thành Mè, nằm rên địa bàn thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ  ngày nay

 [4]Làng Trù Mật: thuộc Xã Văn Lung, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ ngày nay

 [5]Bạch Hạc: vùng ngã ba sông Bạch Hạc, ngày nay thuộc phường Bạch Hạc, Việt Trì, là vùng giáp gianh giữa ba tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hà Nội

 [6]Thành Tam Giang- Bạch Hạc: Thành Tam Giang của Kiều Công Hãn nằm ở vùng ngã ba sông Bạch Hạc, ngày nay thuộc phường Bạch Hạc, Việt Trì, là vùng giáp gianh giữa ba tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hà Nội