Lưỡng triều hoàng hậu - Chương 05

Chương 5

Lê Hoàn tặng tên. Vân Nga theo quân đánh Phong Châu

*********************************

Lê Viễn đã quay lại Ái Châu được mấy hôm rồi. Lê Hoàn biết tôi không vui nên gần đây cũng không khiển trách tôi nhiều. Sáng nay tôi ở trong đại lán của Lê Hoàn đọc binh thư. Trong lán của Lê Hoàn thật ra cũng chẳng còn sách gì khác ngoài binh thư, nên những khi rảnh rỗi anh vẫn để tôi đọc để tôi ôn luyện chữ Hán. Thi thoảng anh còn giảng giải cho tôi những đạo lý trong binh thư.

Bất chợt, Lê Hoàn gọi tôi lại bàn, đưa cho tôi một tấm thiếp nhỏ rồi bảo:

-     Cô cũng không thể để bản thân mình không họ không tên, lai lịch bất minh như thế mãi. Sau này ra ngoài có khi lại khiến người khác tưởng cô là nô lệ mất. Ta đã xin mẫu thân ta nhận cô làm nghĩa nữ, sau này cô sẽ theo họ mẫu thân ta, họ Dương, nguyên quán cũng sẽ theo mẫu thân ta. Tên ta cũng đã đặt cho cô rồi. Đây là thiếp hộ tịch của cô, trong đó có ghi rõ họ tên, gia thế, nguyên quán của cô. Thứ này cô nhất định phải giữ gìn thật cẩn thận, nó sẽ là vật chứng minh thân thế của cô.

Tôi đón nhận lấy thiếp, trong lòng nghìn lần cảm thấy thật ấm áp, vạn lần cảm thấy thật cảm kích Lê Hoàn. Không ngờ Lê Hoàn lại vì tôi mà lo nghĩ chu đáo đến thế. Lần trước ở trong rừng trúc có nghe Lê Viễn nhắc đến hộ tịch, chắc là thiếp này rồi. Tôi mở ra xem, đọc dòng đầu tiên thấy bốn chữ: “Tên: Dương Vân Nga”, tôi liền giật mình choáng váng, buột miệng hỏi:

-     Tên Dương Vân Nga sao?

Lê Hoàn nhìn tôi, mặt thấp thoáng ý cười đáp:

-     Đúng vậy. Họ Dương, tên Vân Nga. Cô chẳng phải đã nói mình tên Nga sao? Ta đặt thêm cho cô chữ lót là Vân. Vân Nga có nghĩa là người con gái yêu kiều thướt tha như thiên tiên. Có điều cái tên này hình như có vẻ không phù hợp với tính cách của cô lắm thì phải.

Tôi bỏ ngoài tai lời trêu chọc của Lê Hoàn, lẩm bẩm một mình: Dương Vân Nga, sao lại là Dương Vân Nga? Chẳng lẽ tôi lại chính là Dương Vân Nga đó? Không thể nào! Tuyệt đối không thể nào! Có lẽ chỉ là sự trùng hợp thôi, trên đời này những người trùng họ trùng tên rất nhiều! Tôi tuyệt đối không thể là Dương Vân Nga mà sử sách đã ghi chép được!

Mặc dù tự trấn an mình, nhưng tôi cũng không khỏi lo lắng bất an. Trên đời này có biết bao nhiêu phần trăm cơ hội để một người thời hiện đại xuyên không về thời trung đại? Mà lại còn để người ấy gặp cơ duyên xảo hợp mang trùng họ trùng tên với vị Thái hậu nổi tiếng nhất lịch sử.

Giọng nói đầy mơ hồ của Lê Hoàn cắt ngang dòng suy nghĩ của tôi:

-     Cô không thích cái tên này sao?

Tôi không muốn phụ ý tốt của Lê Hoàn, bèn đáp lời:

-       Không có! Tôi thực sự rất vui, rất thích cái tên này! Tướng quân, đa tạ ngài!

Lê Hoàn đang định nói gì đó với tôi thì chợt có thám tử đưa tin tình báo khẩn yết kiến. Lê Hoàn tiếp nhận phong thư, mở ra xem xong bèn lập tức truyền chúng tướng tụ họp. Tôi cũng được tham dự buổi họp. Dạo gần đây khi Lê Hoàn bàn luận việc quân cơ vẫn giữ tôi lại trong lán. Có lẽ lòng nghi kị của anh ta đối với tôi đã giảm xuống nhiều.

Tất cả bọn họ đều tập trung gần bản đồ quân sự. Đó là một tấm bản đồ da lớn treo ở phía bên phải đại lán, vẽ lại toàn bộ địa hình và ranh giới tám châu Tĩnh Hải Quân[1]. Tôi ở trong quân bấy lâu nay cũng đã nghiên cứu kỹ tấm bản đồ này. Thời kỳ tôi xuyên không đến, Toàn Tĩnh Hải Quân, tức tên gọi của nước ta giai đoạn này chỉ bao gồm tám châu, tính từ Phúc Lộc Châu trở lên đến hết địa phận Quảng Nguyên[2], tức là từ phía bắc Hà Tĩnh ở thời hiện đại trở lên đến Tuyên Quang. Tám châu từ nam ra bắc bao gồm Phúc Lộc Châu[3], Hoan Châu[4], Diễn Châu[5], Ái Châu[6], Trường Châu[7], Phong Châu[8], Giao Châu[9], Lục Châu[10], tương đương với Nam Hà Tĩnh, Bắc Hà Tĩnh - Nam Nghệ An, Bắc Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Phú Thọ, Hà Nội - Bắc Ninh - Hưng Yên, Quảng Ninh ở thời kỳ hiện đại.

Lê Hoàn cất tiếng:

-       Theo tin tình báo, Đinh Bộ Lĩnh sau khi được Trần Lãm dâng tặng đất Bố Hải Khẩu[11] đã kéo quân về kinh thành Cổ Loa mượn danh phò trợ nhà Ngô đánh đuổi loạn thần. Hiện tại quân hắn đang giao tranh kịch liệt với Kiều Công Hãn, Lã Xử Bình và Đỗ Cảnh Thạc. Ngoài ra, đại quân của Nguyễn Siêu ở Tây Phù Liệt cũng đang rục rịch chuẩn bị kéo quân về phía Cổ Loa. Các ngươi có đối sách gì không?

Tôi thầm nghĩ vậy là Đinh Bộ Lĩnh đã chính thức bắt đầu quá trình dẹp loạn mười hai Sứ Quân của ngài ấy rồi. Đinh Bộ Lĩnh khởi binh từ quê nhà Trường Châu, nhờ uy vọng của cha ngài trước đây là Thứ sử Hoan Châu mà dễ dàng thuần phục toàn vùng Hoan Châu, nay lại được Trần Lãm hai tay dâng không toàn vùng Bố Hải Khẩu, đúng là như hổ mọc thêm cánh. Nay thế lực đã lớn mạnh, Đinh Bộ Lĩnh đi đánh Cổ Loa lại hoàn toàn danh chính ngôn thuận, chiến thắng chắc chắn sẽ nằm trong tầm tay. Thành Cổ Loa dù gì cũng là kinh đô của Tĩnh Hải Quân. Các Sứ Quân đều lăm le dòm ngó, ai kiểm soát được thành này coi như tiến gần thêm một bước đến Vương vị rồi.

Một vị tướng quân lên tiếng:

-       Mạt tướng đề nghị chúng ta nên nhân cơ hội này tiến đánh Ngô Sứ Quân Ngô Xương Xí ở Thành Bình Kiều[12]. Thành này cách nơi chúng ta đóng quân không xa. Lực lượng của Ngô Sứ Quân sau khi tháo chạy khỏi chiến loạn ở Cổ Loa đã rất suy yếu, chúng ta ra tay lúc này ắt chỉ một trận là đại thắng.

Tôi nhìn anh ta, thầm lắc đầu. Chậc chậc! Sai quá sai à! Nhà Ngô vẫn còn uy vọng rất lớn trong dân chúng. Đinh Bộ Lĩnh mượn danh “Phò Ngô diệt loạn” mới liên tiếp giành chiến thắng như chẻ tre. Anh lại xúi giục Lê Hoàn đi đánh úp Ngô Sứ Quân lúc này chẳng khác nào đẩy Lê Hoàn vào tội danh bất trung bất nghĩa.

Một tướng quân khác lại đề nghị:

-       Theo mạt tướng, chúng ta nên tấn công phía nam Tây Phù Liệt. Lúc này, đại quân của Nguyễn Siêu đang dồn tinh binh bắc tiến về phía Cổ Loa, chúng ta nhân cơ hội này đánh chiếm vùng đồng bằng trù phú phía nam Tây Phù Liệt thì còn gì bằng.

Tôi lại nhìn anh ta cười thầm. Chậc chậc! Nếu đến cả tôi còn biết chắc Đinh Bộ Lĩnh nhất định sẽ thắng, chẳng lẽ Nguyễn Siêu không đoán được? Huống hồ, Nguyễn Siêu nắm trong tay hơn mười mấy vạn đại quân, với lực lượng của Lê Hoàn lúc này mà đánh Tây Phù Liệt thì đúng là châu chấu đá xe!

Bọn họ mỗi người một câu tranh cãi loạn lên làm tôi nhức cả đầu. Cuối cùng Lê Hoàn cất giọng trầm ổn:

-       Chúng ta tiến đánh Thành Hồi Hồ[13].

Chúng tướng im lặng một hồi, rồi lại nháo nhào, mỗi người một câu:

-       Tướng quân, lúc này tại sao lại đánh Kiều Thuận? Hồi Hồ ở mạn bắc Phong Châu là vùng núi non hiểm trở, dễ thủ khó công, hơn nữa sản vật cũng không phong phú bằng vùng Tây Phù Liệt, trung du Giao Châu, sao lại mạo hiểm tấn công lúc này?

-       Đánh Tây Phù Liệt hoặc Thành Bình Kiều lúc này không phải tốt hơn sao?

-       Giao Châu là cái bụng của thiên hạ, nếu chiếm được Giao Châu thì có thể từ đó nuôi quân chờ cơ hội tấn công các châu lân cận!

Tôi ngẫm nghĩ, Kiều Thuận chính là em ruột của Kiều Công Hãn. Tại sao Lê Hoàn lại muốn đánh Kiều Thuận lúc này? Tôi nhìn chăm chú bản đồ rồi chợt khẽ bật ra một tiếng “À”. Hiểu rồi! Không hổ danh là Lê Hoàn, đúng là tầm nhìn xa trông rộng.

Thái độ của tôi tất thảy đều không qua được cặp mắt tinh tường của Lê Hoàn, anh nhìn thẳng tôi hỏi:

-       Cậu thử nói ý kiến của mình xem.

Tôi thoáng sững sờ, Lê Hoàn đang muốn thử tôi sao? Thôi kệ, cứ trình bày dưới góc nhìn của một người hiện đại vậy, vừa khéo dò ý anh ta một chút.

-       Bẩm tướng quân, theo thuộc hạ, huynh đệ Kiều Thuận và Kiều Công Hãn ở Hồi Hồ và Bạch Hạc[14] luôn hỗ trợ cho nhau kiểm soát toàn bộ đất Phong Châu. Hiện tại Kiều Công Hãn đang mắc kẹt trong cuộc chiến với Đinh Bộ Lĩnh ở Thành Cổ Loa, không thể chi viện cho Kiều Thuận, việc ta lấy được Hồi Hồ sẽ dễ như trở bàn tay. Chúng ta chiếm được Hồi Hồ rồi, có thể lấy đó làm bàn đạp tiếp tục tấn công sang Bạch Hạc của Kiều Công Hãn, như vậy toàn bộ đất Phong Châu sẽ rơi vào tay ta. Sau đó từ Phong Châu có thể tiến xuống đánh Đỗ Động Giang[15] của Đỗ Cảnh Thạc, chiếm một phần phía Tây Giao Châu.

Tôi vừa nói vừa nhìn sắc mặt Lê Hoàn, anh ta mỉm cười động viên tôi, lại nói:

-       Tiếp tục đi.

Tôi hít một hơi, lại nói tiếp:

-       Hiện tại cả Kiều Công Hãn và Đỗ Cảnh Thạc đều đang trực tiếp đánh trận với Đinh Bộ Lĩnh, nếu bọn họ thắng thì lực lượng cũng suy yếu, nếu bọn họ thua thì tinh thần lại càng sa sút. Đường nào cũng có lợi cho chúng ta, trận này chúng ta tất thắng. Còn nữa, hai huynh đệ Ngô Xương Xí ở Bình Kiều và Ngô Nhật Khánh ở Đường Lâm[16]tuyệt đối không thể đánh, chỉ có thể hàn phục. Hiện tại, chúng ta đang kiểm soát Ái Châu, Ngô Sứ Quân ở thành Bình Kiều cách chúng ta không xa, chúng ta vẫn có thể tiếp tục phòng chừng hắn, không cần đánh vội. Sau khi chúng ta giành được Phong Châu và Đỗ Động Giang, tức một phần Giao Châu, lúc này Ngô Nhật Khánh ở Đường Lâm chẳng phải bị kẹp giữa đất của chúng ta sao? Cả hai anh em bọn họ không phải đều sẽ nằm trong tầm khống chế của quân ta sao?

Tôi luyên thuyên cả một tràng dài, cả doanh trướng im phăng phắc.

-       Cậu thông minh hơn ta tưởng nhiều đấy!

Lê Hoàn cuối cùng cất tiếng phá vỡ bầu không khí yên tĩnh. Tôi vội trở giọng nịnh hót:

-       Tất cả đều là nhờ đi theo Tướng quân, được Tướng quân dốc sức dạy bảo thôi ạ!

Lê Hoàn gật đầu, lại quay sang nói với chúng tướng:

-       Dương thư đồng nói đúng. Ta muốn đánh Hồi Hồ để chiếm trọn Phong Châu. Sau đó tùy tình hình thực tế, nếu thuận lợi có thể từ Bạch Hạc đánh thẳng sang Tam Đái[17] của Nguyễn Khoan, chiếm trọn mạn Bắc của Giao Châu, rồi mới lui xuống đánh Đỗ Đỗ Động Giang chiếm phía Tây Giao Châu. Sau khi chiếm được vùng Tây Bắc Giao Châu, cũng coi như phần nào trấn áp bớt thế lực của Nguyên Siêu ở Tây Phù Liệt, trung du Giao Châu.

Một vị tướng khôi ngô hùng vĩ, dung mạo tuyệt đẹp, trạc tuổi Lê Hoàn, nãy giờ vẫn im lặng bèn lên tiếng:

-       Tướng quân, Nguyễn Siêu rục rịch tiến quân về phía Cổ Loa, sợ cũng chỉ là “dương đông kích tây”, có lẽ mục đích thật sự của hắn cũng chính là Hồi Hồ. Từ chỗ hắn đến Hồi Hồ gần hơn chúng ta. Binh quí thần tốc, chúng ta phải nhanh chóng xuất quân trước hắn để chiếm tiên cơ. Nếu chậm trễ e rằng hỏng mất cơ hội lần này!

Vị này chính là Tướng quân Phạm Cự Lang, văn võ song toàn, là bạn thân của Lê Hoàn đồng thời cũng là người Lê Hoàn tin tưởng nhất trong toàn Lê Quân.

Lê Hoàn gật đầu:

-       Không sai. Ta đã quyết định sáng sớm mai lập tức xuất quân. Phạm Cự Lang, lệnh cho huynh ở lại trấn giữ Ái Châu. Lê Nhất, ngươi cũng ở lại hỗ trợ Phạm Tướng Quân. Những người còn lại theo ta tiến đánh Hồi Hồ.

Chúng tướng đồng thanh:

-       Tuân lệnh Tướng quân.

Tôi cũng góp vui:

-       Thuộc hạ ở lại đợi Tướng quân khải hoàn trở về!

Lê Hoàn quay sang tôi, lạnh nhạt buông ra một câu:

-       Cậu cũng theo quân tiến đánh Hồi Hồ.

Tôi kinh ngạc thốt lên:

-       Hả?

Lê Hoàn không thèm để ý đến tôi, chỉ phất tay nói với chúng tướng:

-       Các ngươi đều lui xuống chuẩn bị đi.

Các tướng vái chào Lê Hoàn rồi lục đục kéo nhau đi chuẩn bị khởi quân. Sau khi thấy bọn họ đều đi hết cả rồi, tôi mới lâng la đi theo thủ thỉ hỏi Lê Hoàn:

-       Tướng quân, ngài thật sự muốn đem tôi theo lần này sao?

Lê Hoàn không thèm nhìn đến tôi, điềm nhiên đáp:

-       Dĩ nhiên, quân lệnh như sơn. Cô không nghe vừa rồi ta nói gì à?

Tôi kinh ngạc quá đỗi, lại lẽo đẽo đi theo sau anh ta, làm ra bộ dáng đáng thương nói:

-       Tướng quân, binh đao không có mắt, tôi lại sợ chết như vậy, ngài bảo tôi đi theo quân, thật là khổ thân ta quá mà!

Lê Hoàn giọng có vài phần châm chọc nói:

-       Có ai bảo cô mặc giáp ra trận đâu!

Tôi không cho là đúng liền phản bác anh:

-       Nhưng mà ở đầu chiến tuyến nguy hiểm vô cùng. Tôi tốt nhất vẫn nên ở lại doanh trại này giúp ngài coi giữ Ái Châu!

Lê Hoàn lại nghiêm mặt nói:

-       Ta cần một thư đồng đi theo hầu hạ. Cô mau lui xuống chuẩn bị đi.

Tôi định tiếp tục dùng năn nỉ kế, khổ nhục kế, chai lì kế, thì Lê Hoàn đã ngồi xuống bàn cầm binh thư lên đọc. Tôi biết có nói thêm gì nữa cũng không thay đổi được quyết định của anh, đành quay lưng lủi thủi bước ra cửa lều. Không ngờ khi tôi chuẩn bị rời đi lại nghe giọng anh ta vang lên sau lưng:

-       Đừng sợ. Ta sẽ bảo hộ cô!

Tôi quay phắt người lại nhìn Lê Hoàn. Nét mặt anh vẫn điềm tĩnh như không, ánh mắt anh vẫn chú tâm vào quyển binh thư. Một câu nói này của anh quả thật làm tôi mất hồn mất vía! Từ lúc tôi biết Lê Hoàn đến giờ, đây là lần đầu tiên anh nói một câu dễ nghe với tôi. Trước giờ nếu không phải đe dọa, trách phạt, thì là ra lệnh, châm chọc. Tôi không biết phải đáp sao nên cứ đứng ngay ngốc ở cửa nhìn anh ta. Anh ta đành xua tay:

-       Lui xuống đi.

Tối hôm ấy, cũng không biết là vì lo lắng cho chuyến bắc tiến sắp tới hay vì một câu nói của Lê Hoàn mà tôi không sao ngủ được. Hễ nhắm mắt lại là tôi lại nghĩ đến Lê Hoàn, nghĩ đến câu nói ấy của anh, cứ thế trằn trọc mãi cho tới gần sáng. Ngày mai, tôi chính thức cùng Lê Hoàn lên đường chinh chiến rồi sao?

-     Hết chương 5-

Chú thích:

[1]Tĩnh Hải Quân: là tên gọi Việt Nam từ cuối thời Bắc thuộc lần 3 tới hết thời loạn 12 sứ quân trong lịch sử Việt Nam, kéo dài 102 năm (866-968)

 [2]Quảng Nguyên: Tuyên Quang ngày nay

 [3]Phúc Lộc Châu: phía nam Hà Tĩnh ngày nay

 [4]Hoan Châu: phía bắc Hà Tĩnh- phía nam Nghệ An ngày nay

 [5]Diễn Châu: phía bắc Bắc Nghệ An ngày nay

 [6]Ái Châu: Thanh Hóa ngày nay

 [7]Trường Châu: Ninh Bình ngày nay

 [8]Phong Châu: Phú Thọ ngày nay

 [9]Giao Châu: Hà Nội- Bắc Ninh- Hưng Yên ngày nay

 [10]Lục Châu: Quảng Ninh ngày nay

 [11]Bố Hải Khẩu: thuộc Thái Bình ngày nay

 [12]Bình Kiều: thuộc xã Hợp Lý, Hợp Tiến, Hợp Thành thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa

 [13]Hồi Hồ: thuộc xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ ngày nay

 [14]Bạch Hạc: vùng ngã ba sông Bạch Hạc, ngày nay thuộc phường Bạch Hạc, Việt Trì, là vùng giáp gianh giữa ba tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hà Nội

 [15]Đỗ Động Giang: phía tây nam Hà Nội ngày nay

 [16]Đường Lâm: thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội ngày nay

 [17]Tam Đái: huyện An Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay