Lưỡng triều hoàng hậu - Chương 12

Chương 12

Khổ nhục kế, Vân Nga giúp phá Thành Quèn. Thu phục Đỗ Động Giang, ngọc tỷ về tay Lê Hoàn

****************************************

Mùng mười tháng giêng năm Đinh Mão, Lê Hoàn khởi năm vạn binh mã xuôi về phía tây Giao Châu tấn công đất Đỗ Động Giang[1]. Lê Quân cùng quân của Đỗ Cảnh Thạc giao tranh gần một tháng, trải qua ba bốn trận đánh kịch liệt vẫn không công phá được Thành Quèn[2], Lê Hoàn buộc phải lui quân hai mươi dặm ngoại thành hạ trại.

Thành Quèn được xây dựng trên vùng địa thế dễ thủ khó công. Có dãy Tản Viên vòng phía sau, sông Tích ôm phía trước, núi sông bao bọc như thế rồng chầu hổ phục. Bốn bề thành lại là đầm nước, lau sậy um tùm, phải có thuyền độc mộc mới ra vào được nên việc công thành vô cùng khó khăn. Cũng may mạn bắc Giao Châu đã nằm trong sự kiểm soát của Lê Quân nên việc tiếp tế cho chiến trận ở Đỗ Động Giang phần nào cũng được giải quyết. Ngoại trừ Thành Quèn, một căn cứ quân sự quan trọng khác nữa của Đỗ Cảnh Thạc chính là Đồn Bảo Đà[3] nằm cách Thành Quèn gần hai mươi dặm. 

Thành Quèn không công hạ được khiến tâm trạng của Lê Hoàn gần đây không được tốt. Cũng vì thế mà tôi vô cùng phiền não, ngày đêm suy nghĩ kế sách giúp Lê Hoàn phá thành. Cuối cùng tôi cũng nghĩ ra được một diệu kế. Chỉ có điều kế sách này không dễ bề thực thi nên tôi còn đang phân vân không biết có nên báo với Lê Hoàn hay không.

Ngày mười lăm tháng hai, tôi theo Lê Quân lần nữa tấn công Thành Quèn. Lần này thực sự ra đầu chiến tuyến, tôi mới chân thực cảm nhận được cái gì gọi là sự khốc liệt và thê lương của chiến tranh. Lê Quân dùng hàng chục máy ném đá liên tiếp bắn phá vào Thành Quèn khiến cho các ụ đất ở các góc thành vỡ tan, lại dùng hàng trăm thang vân thê áp sát chân thành hòng trèo lên tường thành. Trong khi đó quân Đỗ Cảnh Thạc không ngừng đổ từng chảo lửa, vạc dầu nóng xuống phá thang, đốt giết binh sĩ Lê Quân. Lê Quân thương vong vô số nhưng các tráng sĩ Lê Quân vẫn hết lớp này đến lớp khác liều chết xông lên phá thành. Bên ngoài thành, Lê Quân dùng nỏ Thần Tí bắn nghìn tên vạn tiễn vào trong thành, mà bên trong Đỗ Quân cũng liều chết chống trả, dùng hỏa tiễn bắn như mưa về phía Lê Quân. Tiếng đao thương, tiếng la hét, tiếng than khóc, tiếng thành trì đổ vỡ, tiếng xương người vỡ nát khi rơi xuống chân thành, từng chút từng chút một tra tấn tôi, xương máu quân tôi vẫn đang đổ, chiến sự vẫn không ngừng.

Lại trải qua một ngày một đêm giao tranh, Lê Quân vẫn thất bại, đành phải tiếp tục lui quân ba mươi dặm ngoại thành hạ trại. Giữa ánh đuốc bập bùng trong quân doanh, Lê Hoàn cùng chúng tướng thương nghị, anh ra lệnh cho chúng tướng:

-       Tất cả các ngươi tạm thời lui về doanh trại nghỉ ngơi, khôi phục lực lượng. Việc tấn công Thành Quèn hoãn lại đợi lệnh ta. Ai dám tranh công tiến đánh Thành Quèn, xử theo quân pháp.

Tướng quân Từ Mục bất nhẫn, lên tiếng:

-       Tướng quân, Thành Quèn sắp chống đỡ không nổi, không nên lui quân lúc này. Mạt tướng xin liều mình đi phá thành một lần nữa, thề không phá được thành sẽ không trở về!

Lê Hoàn tức giận đáp:

-       To gan! Quân lệnh như sơn, ngươi há không theo? Lập tức lui ra cho ta!

Từ Mục lại gào to:

-       Tướng quân!

Lê Hoàn quát:

-       Lui xuống.

Tướng quân Từ Mục bất đắc dĩ phải hậm hực lui ra khỏi đại lán. Các tướng quân khác thấy Lê Hoàn tức giận như vậy, ai cũng sợ hãi, không dám hó hé một lời.

Không ngờ ba ngày sau lại xảy ra một sự việc chấn động. Từ Mục dám nhân lúc đêm tối, bí mật đem Đạo quân của mình đánh úp Thành Quèn, không ngờ kết quả không như mong đợi, toàn quân đại bại, đành ngậm đắng nuốt cay đem tàn quân trở về chịu tội trước Lê Hoàn.

Giữa ba quân tướng sĩ, Lê Hoàn nổi cơn thịnh nộ, ra lệnh chém đầu Từ Mục. Tôi và chúng tướng đều thất kinh, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến Lê Hoàn lên cơn đại nộ như thế. Chúng tướng đều nhất loạt quỳ xuống van xin cho Từ Mục.

Tướng quân Triều Dương can giáng:

-       Tướng quân, xin ngài cân nhắc! Ra trận chém tướng sẽ khiến lòng quân hoang mang. Xin Tướng quân cân nhắc!

Tướng quân Ngô Tử Canh dập đầu:

-       Tướng quân, Từ Phó Tướng cũng chỉ là nhất thời nôn nóng muốn lập công, tội không đến nỗi chết, xin tướng quân giơ cao đánh khẽ, tha cho một mạng này!

Tướng quân Hoàng Thành Nhã cũng không ngừng dập đầu kêu xin:

-       Tướng quân, Từ Phó Tướng đã theo ngài từ những ngày đầu khởi binh, không có công lao cũng có khổ lao, cầu xin tướng quân tha cho Từ Phó Tướng lần này!

Lê Hoàn quát:

-       Ta đã hạ lệnh ai dám tấn công Thành Quèn, xử theo quân pháp.

Chúng tướng lại nhất loạt dập đầu cầu xin, tôi thấy tình hình không ổn cũng vội quỳ xuống khấu đầu.

Từ Mục thấy chúng tướng vì mình mà khổ sở cầu xin, trong lòng hối hận vô cùng, anh ta đưa trường kiếm lên cổ toan tự vẫn. Chúng tướng đều cả kinh. Lê Hoàn nhanh tay phóng chuôi kiếm của anh về phía cánh tay đang cầm trường kiếm của Từ Mục, trường kiếm trong tay Từ Mục rơi tuột xuống đất.

Lê Hoàn nghiêm giọng nói:

-       Từ Mục, ta nghĩ tới công lao ngươi theo ta vào sinh ra tử bao nhiêu năm nay, lại nể tình các tướng cầu xin mà tha cho ngươi lần này. Tội chết có thể miễn nhưng tội sống khó tha.

Nói rồi Lê Hoàn lại ra lệnh:

-        Người đâu, lôi Từ Mục ra ngoài đánh một trăm gậy. Ai dám van xin thêm một lời, xử đồng tội.

Lê Hoàn lại giơ cao trường kiếm lên tuyên bố:

-       Ta đã quyết định sẽ chuyển hướng tấn công Đồn Bảo Đà. Ai còn dám nhắc tới việc tiến công Thành Quèn sẽ như chiếc bàn này.

Đoạn, Lê Hoàn quay lưng dùng trường kiếm chém mạnh xuống chiếc bàn sau lưng. Một tiếng chát vang lên, chiếc bàn lập tức gãy đôi. Chúng tướng ai cũng lạnh toát sống lưng, không ai dám bàn luận thêm lời nào.

Từ Mục bị lôi ra dụng hình trước ba quân tướng sĩ, gậy quất tới đâu, máu thịt của Từ Mục lại nát bươm ra đến đó. Ba quân ai ai trong lòng cũng đau xót, thầm căm hận bản thân không thể nhanh chóng đánh bại Đỗ quân. Dụng hình xong, Từ Mục chỉ còn nửa cái mạng, bị lôi về lều của mình. Khi anh ta bị kéo ngang qua tôi, anh nhìn tôi, nở một nụ cười.

****************************************

Đầu tháng ba, Lê Hoàn đích thân dẫn hai vạn binh mã tấn công đồn Bảo Đà, Đỗ Cảnh Thạc nhận được tin từ trước cũng đưa quân từ Thành Quèn sang trấn thủ Đồn Bảo Đà. Đương lúc Đỗ Cảnh Thạc còn đang giao tranh với Lê Hoàn thì hắn bất ngờ nhận được tin dữ Thành Quèn thất thủ. Thì ra khuya hôm trước, Từ Mục, Triều Dương, Hoành Thành Nhã, Ngô Tử Canh, mỗi tướng quân dẫn năm nghìn tinh binh, nhân lúc đêm tối bao vây bốn mặt thành, đồng loạt đánh úp Thành Quèn. Thành Quèn chống đỡ không nỗi, đã rơi vào tay Lê Quân.

Đến lúc này Đỗ Cảnh Thạc mới biết bản thân đã rơi vào bẫy của Lê Hoàn, hắn cứ tưởng Lê Hoàn đã từ bỏ Thành Quèn nên đã lơi lỏng phòng bị, lại còn điều phần lớn trọng binh sang Đồn Bảo Đà, không ngờ Lê Hoàn lại dùng chiến thuật "Công kỳ vô bị, xuất kỳ bất ý"[4], bất ngờ tập kích Thành Quèn. Còn Đồn Bảo Đà không có thành cao hào sâu như Thành Quèn, dưới sức tấn công mãnh liệt như vũ bão của Lê Quân, đồn Bảo Đà cũng nhanh chóng bị san bằng. Đỗ Cảnh Thạc trên đường tháo chạy khỏi đồn Bảo Đà thì bị thương trong đám loạn tiễn, hắn chạy được đến chân núi Sài Sơn thì không qua khỏi. Đỗ Cảnh Thạc qua đời, toàn bộ đất Đỗ Động Giang rơi vào tay Lê Hoàn. Công cuộc bình định Phong Châu và Tây Bắc Giao Châu của Lê Hoàn đã hoàn thành.

Tối nay trong buổi tiệc khao quân, tôi cùng Lê Hoàn và chúng tướng đều tề tựu đông đủ. Mọi người đều vô cùng vui vẻ, hào hứng, Tướng quân Triều Dương lên tiếng:

-       Dương thư đồng, lần này quân ta phá được Thành Quèn hoàn toàn là nhờ công lao của cậu. “Khổ nhục kế”[5] lần này của cậu đề ra hay lắm, không những lừa được đám tình báo của Đỗ Cảnh Thạc mà còn qua mắt được cả bọn tôi. Khà khà. Đúng là anh hùng xuất thiếu niên! Tôi mời cậu một chén!

Tôi bối rối đứng lên nâng chén rượu đáp lễ Tướng quân Triều Dương:

-       Triều Tướng quân quá lời rồi. Cháu không dám nhận công lao đâu. Lần này công đầu phải thuộc về Tướng quân Từ Mục mới đúng.

Đoạn, tôi lại quay sang nói với Từ Mục:

-          Từ Phó tướng, tôi xin kính ngài một chén. Lần này báo hại ngài phải chịu hình phạt một trăm gậy, thật là có lỗi!

Tướng quân Từ Mục cười sảng khoái:

-       Ha ha. Một trăm gậy này có đáng ngại gì, chỉ cần có thể giúp tướng quân công hạ thành trì, một nghìn gậy Từ Mục tôi đây còn chịu được.

Tướng quân Hoàng Thành Nhã liền châm chọc:

-       Một nghìn gậy sao? Ha ha! Từ huynh, hôm đó chỉ có một trăm gậy mà tôi nghe huynh la hét cũng thê thảm lắm à.

Chúng tướng ai nấy đều bật cười. Tướng quân Ngô Tử Canh cũng nhận xét:

-       Hôm đó Tướng quân và Từ Mục huynh kẻ tung người hứng, diễn cũng thiệt là giống lắm. Làm bọn tôi cứ tưởng Tướng quân muốn giết Từ Mục huynh thật chứ, khiến cả bọn đều kinh hãi.

Lê Hoàn mỉm cười nói:

-       Chúng ta mấy lần bí mật tấn công thành đều gặp sự chống trả quyết liệt của Đỗ Quân, bọn chúng dường như đều có sự chuẩn bị trước. Ta đã nghi ngờ trong quân có tình báo của Đỗ Cảnh Thạc gài vào nên quyết định dùng “Khổ nhục kế” của Dương thư đồng. Quả nhiên đã lừa được địch mắc bẫy, làm bọn chúng tin tưởng chúng ta đã hoàn toàn từ bỏ Thành Quèn. Nhờ vậy mới thuận lợi đoạt được cả Thành Quèn và Đồn Bảo Đà.

Chúng tướng lại đồng loạt:

-       Tướng quân anh minh!

Mọi người lại nhất loạt cạn chén, cùng nói nói cười cười vui vẻ. Hôm nay tôi uống cũng đã nhiều, đầu óc cũng cảm thấy xây xẩm nên bèn tìm cơ hội trốn ra phía sau quân doanh hít thở chút khí trời.

Tôi nằm dài trên mặt đất, ngẩng đầu ngắm cả trời sao sáng, lòng miên man suy nghĩ. Lần này tuy có thể thắng Đỗ Cảnh Thạc, nhưng Lê Quân cũng tử thương vô số. Chiến tranh mà, nói cho cùng thì không ai giành thắng lợi tuyệt đối cả. Tôi vốn sinh ra trong thời bình, sống một cuộc đời vô âu vô lo. Từ khi xuyên không đến nơi này tôi mới thực sự thấu hiểu được cái hoang tàn cũng như cái vĩ đại của chiến tranh. Dẫu biết rằng phải đánh dẹp hết các thế lực cát cứ mới có thể đem lại thái bình thực sự cho trăm họ, nhưng chứng kiến chiến tranh tàn khốc như thế, lòng tôi vẫn vô cùng bất an chua xót.

Một giọng nói quen thuộc chợt vang lên, cắt đứt dòng suy nghĩ của tôi:

-       Mười lần rồi.

Một người không biết đã lặng lẽ đứng bên cạnh tôi từ lúc nào, người ấy nhẹ nhàng ngồi xuống cạnh chỗ tôi nằm. Hóa ra là Lê Hoàn, tôi hỏi anh:

-       Tướng quân, ngài nói mười lần gì?

Lê Hoàn cười đáp:

-       Ta nói nàng đã than vắn thở dài hết mười lần rồi. Một cô nương như nàng có gì phiền muộn mà phải than vắn thở dài như thế?

-       Tướng quân, tôi đang suy nghĩ chiến tranh loạn lạc bao giờ mới kết thúc đây? Nhìn thấy xương máu hai bên đổ xuống, lòng tôi đều đau đớn!

Lê Hoàn khẽ xoa đầu tôi nói:

-       Nàng yên tâm, ta sẽ không để xương máu Lê Quân đổ xuống vô ích đâu. Ta sẽ sớm ngày dẹp yên nội loạn để giang sơn quy về một mối, để lão bách tính được an hưởng thái bình.

Tôi lại nói với Lê Hoàn:

-          Tướng quân, nếu tôi nói với ngài trong tương lai nước ta sẽ là một trong những đất nước bình yên nhất trên thế giới, ngài có tin tôi không?

Lê Hoàn mỉm cười nhìn tôi đáp:

-          Ta tin nàng.

Bọn tôi lại cùng ngẩng đầu nhìn ngắm ánh sao đêm. Một chốc sau, Lê Hoàn lại lên tiếng:

-          Đừng nói những chuyện không vui nữa. Lần này nàng đã lập đại công, nàng muốn ta thưởng gì cho nàng nào?

Tôi tùy tiện đáp vu vơ:

-          Tôi chỉ mong ngài đừng lôi tôi đi đánh trận nữa, để tôi bảo toàn được cái mạng nhỏ này.

Lê Hoàn liền đáp:

-          Được.

Tôi giật mình, vội ngồi dậy, liến thoắng đáp:

-          Tướng quân, Tướng quân! Tôi chỉ nói chơi thôi, ngài đừng có tưởng thiệt nhá, đừng đuổi tôi đi!

Lê Hoàn từ tốn giải thích với tôi:

-          Vân Nga, mùa hạ năm nay ta sẽ cùng Đinh Bộ Lĩnh tiến công Tây Phù Liệt. Nguyễn Siêu thế lực rất mạnh, chiến sự e là sẽ diễn ra trên diện rộng và kéo dài, giao tranh sẽ rất khốc liệt. Ta không có thời gian để mắt đến nàng. Ta muốn nàng về Ái Châu, ở đó có em trai ta Lê Viễn, nó sẽ chăm sóc cho nàng. Bình định Giao Châu xong ta lại quay về Ái Châu tìm nàng.

Tôi cố gắng chống chế:

-          Nhưng mà… Tướng quân… tôi muốn đi theo ngài. Không phải tôi đã hứa với cô Dung sẽ chăm sóc ngài sao? Còn nữa…

Lê Hoàn cắt ngang lời tôi:

-          Vân Nga, không phải nàng vẫn luôn muốn đi du sơn ngoạn thủy ở Ái Châu sao?

Tôi cố sức suy nghĩ tìm nguyên do mà phản bác anh:

-          Nhưng mà…

-          Vân Nga, ý ta đã quyết.

Lê Hoàn nghiêm giọng nói.

Cái tên Lê Hoàn này, điểm nào cũng được, chỉ ngoại trừ cái tính khí cứng đầu cố chấp. Tôi cãi không lại anh, mà cũng cãi không được anh, đành giận dỗi bỏ về lều của mình, mặc kệ anh vẫn đứng nhìn bóng lưng tôi dần khuất trong đêm tối.

Sáng hôm sau tôi theo Lê Hoàn cùng chúng tướng dẫn quân tiếp quản Thành Quèn. Không ngờ trong quá trình lục soát Thành Quèn lại có một phát hiện vô cùng bất ngờ.

 *******************************************

Lê Hoàn đang ở tiền điện Đỗ phủ cùng chúng tướng thương nghị việc sắp xếp an bài Thành Quèn thì Đinh Thừa bước vào quỳ xuống dâng lên một khay phủ lụa đỏ. Khi tấm lụa đỏ được dỡ ra, tôi sau lưng Lê Hoàn nhìn ra trên khay là một ấn ngọc tỷ làm bằng ngọc bích, chất ngọc xanh óng ánh thuần khiết. Ấn cao tầm hơn một tấc, thân ấn vuông vức, quai ấn điêu khắc hình rồng uốn khúc. Lê Hoàn lật ấn lên xem thì thấy dưới mặt ấn là bốn chữ Hán khắc nổi kiểu chữ triện: “Ngô Triều Quốc Bảo”.

Chúng tướng vô cùng ngạc nhiên, đều lên tiếng:

-          Tướng quân, đây là…

Lê Hoàn bình thản đáp:

-          Đây là Ngọc tỷ truyền quốc của nhà Ngô.

Nói đoạn, Lê Hoàn lại hỏi Đinh Thừa:

-          Đinh Thừa, ngọc tỷ này từ đâu mà có?

Đinh Thừa vội thưa:

-          Bẩm tướng quân, trong Thành Quèn có gần năm trăm quý tộc nhà Ngô nương nhờ theo Đỗ Cảnh Thạc từ sau biến loạn ở Cổ Loa. Nay bọn họ thấy Đỗ Cảnh Thạc bị giết, Thành Quèn bị hạ, bèn dâng ngọc tỷ này lên để đổi lấy sự bình an cho gần năm trăm mạng người tộc Ngô.

Lê Hoàn liền đáp:

-          Nếu bọn họ đã đồng ý quy thuận Lê Quân thì ngươi hãy an bài ổn thỏa cho bọn họ. Bổng lộc, huê lợi từ đất đai vẫn chu cấp đầy đủ cho bọn họ như dưới thời Đỗ Cảnh Thạc.

-          Mạt tướng tuân lệnh.

Đinh Thừa đáp lời rồi vái chào Lê Hoàn lui về thực hiện công vụ.

Tướng quân Hoàng Thành Nhã cười rộ lên:

-          Ha ha, tướng quân, trời cũng giúp ta rồi! Mạt tướng xin chúc mừng Tướng quân đoạt được ngọc tỷ!

Các tướng cũng đồng loạt:

-          Chúc mừng Tướng quân đoạt được ngọc tỷ!

Tướng quân Triều Dương vuốt râu cười vui vẻ nói:

-          Năm trước Đinh Bộ Lĩnh bình định Cổ Loa, hắn gần như lật tung cả thành Cổ Loa lên cũng không tìm được ngọc tỷ. Thật không ngờ ngọc tỷ lại theo chân Đỗ Cảnh Thạc về đất Đỗ Động Giang. Đúng là cơ duyên xảo hợp. Chúc mừng tướng quân nghiệp lớn sắp thành!

Tôi lại cảm thấy việc tìm được khối ngọc tỷ này cũng không phải chuyện tốt đẹp gì. Tự xưa đến nay, những người tranh đoạt ngọc tỷ đều dẫn tới họa sát thân, bèn bảo với Lê Hoàn:

-          Tướng quân, thuộc hạ nghĩ việc tìm được ngọc tỷ không nên tiết lộ ra ngoài, tránh dẫn đến những phiền phức không đáng có.

Lê Hoàn ngẫm nghĩ lời tôi rồi hạ lệnh:

-          Dương thư đồng nói không sai. Chuyện hôm nay tìm được ngọc tỷ các ngươi trên dưới phải giữ kín, không được để tin tức lan truyền ra ngoài.

Chúng tướng nhất loạt tuân lệnh.

Đoạn, Lê Hoàn trao ngọc tỷ cho tôi, dặn tôi đem về phòng anh cất kỹ. Tôi ôm khối ngọc tỷ được gói kín trong tay trở về thư phòng Lê Hoàn, lòng cảm nhận được sức nặng của khối ngọc tỷ cũng như sức nặng của đế vị kia. Chỉ có điều, tôi không ngờ rằng khối ngọc vô tri vô giác này ngày sau lại cứu tôi và Lê Hoàn một mạng.

 -Hết chương 12-


Chú thích:
[1]Đỗ Động Giang: phía tây nam Hà Nội ngày nay

 [2]Thành Quèn: thuộc xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, Hà Nội ngày nay

 [3]Đồn Bảo Đà: thuộc thôn Bình Đà, xã Bình Minh, Thanh Oai, Hà Nội ngày nay
[4]Công kỳ vô bị, xuất kỳ bất ý (Tôn Tử binh pháp – Kế thiên): Nhân lúc kẻ địch không phòng bị mà tấn công, dùng phương thức kẻ địch không ngờ tới để tiến đánh.

 [5]Khổ nhục kế  ( Tam thập lục kế- Bại chiến kế): Tự làm mình khổ nhục để đánh lừa quân địch