Một đời như kẻ tìm đường - Chương 07
Chương 7
Những cuộc gặp gỡ đầy lý thú
No choice is the wrong choice as long as you make a choice.
The only wrong choice is choosing not to make one. Đã có gan lựa chọn thì sẽ không bao giờ lựa chọn sai.
Chỉ sai khi nào quyết định không lựa chọn gì cả.
- JAKE ABEL
The decisions you make are a choice of values that reflect your life in every way. Quyết định nào cũng phản ánh những giá trị
mà mình chọn cho cuộc sống.
- ALICE WATERS
Trong chương này, tôi xin chia sẻ với bạn đọc những cảm nhận là bạn lâu năm của tôi, cũng có người tôi chỉ gặp đúng một lần nhưng để lại ấn tượng sâu sắc. Họ không nhất thiết là những người có vị trí hay chức quyền quan trọng ngoài xã hội, nhưng nhất định họ đã suy nghĩ nhiều về cuộc đời, đã lăn lộn, trải nghiệm.
Phần đông trong số họ đã có một thuở hàn vi không một xu dính túi. Nhưng khi đã có tài sản, họ đều có một điểm chung:
“không làm nô lệ của đồng tiền, càng không bị vật chất chi phối.”
Tôi rất thích chuyện trò với những người này, bởi vì họ là cả một khối vĩ đại thông tin và kinh nghiệm mà một người trẻ như tôi vào thời đó khao khát được chia sẻ.
Hầu hết họ là những con người chủ động, can đảm, nhẫn nại, đôi khi còn liều lĩnh. Có lẽ cuộc sống đã cho họ thật nhiều bài học. Tôi đã may mắn gặp họ, trao đổi với họ, và được họ chia sẻ
chân tình.
ÔNG CHO CHOONG HOON
Cách đây hơn 30 năm, hồi trạc 39 tuổi, tôi đã có những lúc chia sẻ thân thiết tại Seoul với một ông bạn người Hàn Quốc, ông Cho Choong Hoon. Ông là người đã thành lập ra Tập đoàn Hanjin,
là chủ sở hữu của cả hãng hàng không Korea Airlines và rất nhiều công ty con khác. Công ty của ông Cho đã làm việc mật thiết với Alsthom trong nhiều năm với nhiều dự án lớn. Vào thời đó, tôi thường sang Hàn Quốc cùng với Chủ tịch tập đoàn của tôi, và cứ
mỗi lần như thế tôi lại được yết kiến ông Cho. Ông hé mở cho tôi biết là ông đã thực sự khởi nghiệp từ khi công ty của ông bắt đầu làm việc tại Việt Nam, cho nên ông đã giữ một cảm tình đặc biệt với đất nước chúng ta. Mỗi lần gặp ông Cho, tôi cảm nhận được cảm tình sâu sắc đó, mà có lẽ ông cũng đặt ít nhiều vào nơi cá nhân tôi. Ông Cho hơn tôi 26 tuổi, đúng bằng tuổi cha tôi. Ông cũng giống cha tôi, không cao lắm, nhưng trông ông bệ vệ, rắn chắc, bước đi chậm rãi và oai phong. Gương mặt của ông có nhiều vết nhăn, có lẽ đó là dấu vết của những nhọc nhằn, lo nghĩ trong suốt nhiều năm cáng đáng công việc quan trọng.
Có lần ông Cho kể với tôi, thuở hàn vi ông đã bắt đầu lập nghiệp bằng một chiếc xe tải cũ kỹ mà ông đã mua với tiền dành dụm trong nhiều năm. Khi nào gặp mặt, ông cũng nhắc lại nhiều lần mấy câu ngạn ngữ, đến nỗi tôi đã thuộc lòng:
“Cuộc đời của mỗi người giống như một dòng suối nhỏ
chảy trên sườn núi. Nước đã xuống thì không bao giờ đi lên trở lại để có thể chọn một lộ trình nào khác. Mỗi bước của mỗi chúng ta giống như những giọt nước. Giọt nước chảy lách qua các viên đá, cây cỏ, không biết có thực sự chọn lộ trình hay không. Nhưng rồi, không có chỗ cho nuối tiếc, đã xuống thì không lên trở lại được nữa. Phải cam chịu với sự lựa chọn, hay tệ hơn, sự không lựa chọn.
Người chủ động là người biết lèo lái giọt nước bướng bỉnh. Tuy nước vẫn xuống, nhưng nước có thể tạo nên một dòng suối, để biến sau đó thành một dòng sông, rồi ra biển rộng. Người thức thời sớm ra biển lớn để vẫy vùng”.
Tôi hỏi ông: “Đã bao nhiêu lần trên đời ông có những quyết định lớn, đã bao nhiêu lần ông đã buộc lòng phải tiến bước cho dù chưa biết hướng đi và chưa có ý niệm về sự chọn lựa?”.
Ông mim cười giải thích: “Đời tôi lúc khởi đầu, giống như
một anh cao bồi chỉ có một khẩu súng vô cùng cũ kỹ. Thực tình, tôi chưa bao giờ được hưởng quy chế của những người may mắn, có thời gian để suy tính, có cộng sự và cố vấn để sử dụng, có bảo hiểm để tự che chở những lỗi lầm. Mỗi lần, anh cao bồi phải rút súng thật nhanh để bắn vì linh tính của anh thúc đẩy anh làm như
vậy. Mỗi lần bắn xong thì tôi mới ngỡ ra sáng của mình chỉ có một viên đạn. Trong trí óc của tôi thời đó, tôi chỉ muốn làm nghề lái xe tải, vì tư duy nhỏ bé của tôi bảo rằng “Hãy đổ mồ hôi để bán dịch vụ chuyên chở hàng hóa và hành khách là sẽ có cơm ăn cả đời!”.
Anh Phan ạ, tư duy của tôi ngày đó chỉ có thế thôi, chẳng có toan tính gì cả. Gọi thế là thành tựu giấc mơ tuổi trẻ cũng đúng, nhưng đó là nói gỡ cho được, chứ làm tài xế xe tải cũ không thể liệt vào danh sách của các giấc mơ tuổi trẻ. Câu chuyện thật ra là một hôm, có người muốn bán cho tôi một xe tải cũ rích, máy đã hư hỏng.
Nhưng thánh nhân đã gửi tới cho tôi một anh bạn thân biết sửa máy. Tôi đã mua xe tải cũ này với giá gần như cho không, đó là khả năng tối đa với số tiền tiết kiệm của tôi, sau khi tôi đã làm đủ
một trăm nghề để kiếm ra nó. Nào ngờ đâu, viên đạn duy nhất tôi bắn đi đã cho phép tôi xây dựng sau này một đế chế!”.
“Vậy ông có bao giờ nghĩ rằng khi họ bán cho ông một xe cũ đã hư hỏng là họ có ý lừa ông không, ông có hoang mang với quyết định của mình không?” – Tôi hỏi.
Ông nói: “Không, vì họ có nói rõ hiện trạng của xe, và họ
gần như cho không. Quyết định là của tôi cho nên tôi không hoang mang. Đã từ lâu tôi muốn tạo nên cơ sở đầu tiên để thoát khỏi cuộc sống bấp bênh với những nghề lặt vặt. Mua một xe tải cho dù cũ
đến đâu cũng là một sự thay đổi về quy mô kinh doanh! Mua rồi là tôi cắm đầu khởi nghiệp không phí một phút, và cũng không tự đặt ra những câu hỏi triết lý! Tôi biết trước rằng sự thành công không tới do sự lựa chọn đơn thuần của mình mà còn tùy thuộc vào cái
vận của mình. Nhưng tính tôi luôn luôn lạc quan nên tôi đã húc đầu đi tới, tin rằng cái vận của mình đã chuyển. Mà nó phải tới, vì khi mình đã trót chui đầu vào lối đi đó, thì hãy gồng mình, cắn răng và một lòng tiến bước. Thành công sẽ tới khi từ một việc tầm thường, như mọi việc tầm thường khác, mình tạo nên một chút giá trị cho xã hội với mồ hôi nước mắt, càng hay nếu đó là một hệ
thống giá trị. Thành công không tới vì sự lựa chọn đơn thuần. Họa may, khi mình lựa chọn đúng, cuộc chiến cho nồi cơm có lẽ bớt vất vả hơn. Khi đi đúng đường thì đường có lẽ sẽ ngắn hơn. Nhưng quan trọng là tạo giá trị trên suốt hành trình. Luôn luôn tạo giá trị
bằng công sức và trí khôn của mình. Mồ hôi và trí óc là hành lý duy nhất của tôi. Linh tính của tôi giống như viên đạn, anh cao bồi là chính tôi đã chi bắn một viên đạn mà cũng chẳng biết trước là thực ra tôi chỉ có một viên đạn duy nhất để bán. Cái khó nhất, anh biết không, chính là rất nhiều chướng ngại sẽ xuất hiện trên con đường. Thậm chí tôi đã gặp nhiều lần những kẻ cướp sẵn sàng tịch thu mọi công lao của mình bằng vũ lực.”
Và ông Cho Choong Hoon dặn dò tôi: “Anh hãy chớ bao giờ ngoảnh mặt lại để nuối tiếc. Nước đã đổ xuống sườn núi, anh hãy vội xuống theo, nước xuống nhanh anh hãy đừng dừng chân suy nghĩ. Phải liên tục tạo giá trị với những giọt nước đang đổ. Đó là chân lý bất di bất dịch của sự thành đạt mà bất kỳ ai cũng không thể hoài nghi... Đôi khi mình còn may mắn hơn bao nhiêu người khác, họ còn không có sườn núi để xem nước đổ! Anh hãy cư xử
chớp nhoáng theo linh tính, vì chọn đường nào rồi cũng tốt thôi.
Nhưng khi đã chọn thì anh hãy phóng con người của anh theo lao, đôi khi hãy vượt lao nếu tình cảnh cho phép. Cuộc đời không phải là một chuỗi làm lại từ đầu, sau khi mất trắng và đơn giản không bao giờ mình mất trắng! Vì anh nên nhớ, cuối cùng nước cũng sẽ
xuống hết dãy núi để nhập vào sông.”
Ông còn nhắc lại: “Tại sao không mất trắng, anh Phan biết không? Đó là vì khi đã mất trắng một lần, hai lần, những lần đó là những bài học quá quý báu mà người khác chưa có cơ hội học được. Nước vẫn tiếp tục đổ xuống sườn núi. Mất trắng vẫn phải được coi như một thành phần cốt yếu trong cả quy trình tiến hóa.
Quy trình này đang biến đổi mình thành một trí óc minh mẫn hơn, sáng suốt hơn, dày dặn kinh nghiệm hơn. Quy trình đang xây dựng trong cơ thể của mình khả năng chịu đựng, tạo nên những bắp thịt cứng như đá, và từ linh tính của một con người tầm thường, quy trình biến nó thành linh tính của con hổ, con báo, con đại bàng.
Những người có tư duy sợ mất trắng sẽ không bao giờ đi đâu xa, vì chân họ chưa có cơ bắp, trí của họ chưa tập nhìn ra giải pháp, linh tính của họ bị chính họ nghi hoặc, và đôi khi những người bạn đồng hành, dưới con mắt của họ chỉ là những người khó lòng đặt niềm tin. Nhưng cái quan trọng nhất là mình hiểu được giới hạn khả năng của bản thân. Người không xông xáo vào trận sẽ không mất trắng bao giờ, nhưng họ sẽ không bao giờ đo được khả năng bẩm sinh và họ sẽ nghi hoặc bản thân suốt đời.
“Không anh Phan nhé, anh kém tôi một thế hệ. Anh còn ở
tuổi tu thân luyện bắp, anh còn phải trải nghiệm, nhưng tại sao tôi chia sẻ chân tình với anh? Đó là vì trước tiên, con người phải có đủ
số vốn can trường và đạo đức thì mới hấp thụ được bài học của tôi.
Anh không cần cầu may, vì căn bản đạo đức sẽ tạo ra cơ may.
Trong mọi trường hợp anh hãy giữ đạo đức, hãy tích cực, hãy can trường”
* * *
ÔNG JEFFREY K00
Cùng một thời kỳ đó trong đời mình, tôi đã được quen biết ông Jeffrey Koo trong một tình cảnh thật đặc biệt.
Ông Koo chủ hữu một trong những ngân hàng lớn nhất Đài Loan, đó là Chinatrust Commercial Bank. Sau này ông còn là Cố
Vấn Đặc Cách của Tổng Thống Tướng Chính Quốc bên Đài Loan (con trưởng của Tướng Tưởng Giới Thạch và bà Tống Mỹ Linh) và làm Đại sứ Đài Loan tại Hoa Kỳ, một vị trí cực kỳ chiến lược cho Đài Loan.
Gia đình ông thật là giàu có và quyền thế. Ông trên tôi độ
mười, mười lăm tuổi. So với những người cùng thế hệ thì ông có thân hình to lớn. Và ông cũng đẹp trai, thần thái sang trọng, lịch lãm, diềm đạm, mắt nhìn dăm dăm, sâu sắc. Nếu ai nhìn ông thật kỹ mới nhận ra vài nét nhăn sâu hoắm của sự đau khổ ngầm, có thể
xuất phát từ những nỗ lực kinh khủng mà ông đã trải qua.
Tôi gặp ông chỉ đúng một lần trên đời, nhưng đây là một trong những cuộc gặp gỡ của định mệnh.
Năm 1987, tôi 41 tuổi. Vào tháng 9 năm đó Jeffrey Koo sang Pháp tỏ ý muốn gặp Chủ tịch Tập đoàn Alsthom. Gặp xong, ông ngỏ lời mời Chủ tịch của tôi đi chơi golf, nhưng Chủ tịch Deugeorges không thạo thể thao nên đề nghị tôi tháp tùng cùng ông Jeffrey Koo. Bạn đọc nên hiểu tập quán của doanh nhân cao cấp, mỗi khi có cuộc gặp gỡ thượng định thì bao giờ cũng kèm theo một cuộc đi chơi thư giãn ngắn, ngụ ý là để quen biết thêm nhau, nhưng cũng là để thử bản lĩnh của nhau qua một cuộc đấu tài.
Hai chúng tôi bay xuống Cannes-Mougin bằng phi cơ phản lực riêng của ông Jeffrey Koo. Trong cuộc chơi, vào lỗ số 8 (nếu tôi không nhớ nhầm), ông Jeffrey Koo vụt một cú tuyệt diệu, bóng bay hơn 150 mét trước khi rơi thẳng vào lỗ. Người Anh gọi cú đánh đó là “hole-in-one” (một cú vào thẳng lỗ).
Phải thưa với bạn đọc là những cú “hole-in-one” cực kì hiếm, mỗi khi nó bất ngờ xảy ra, toàn Câu lạc bộ mở rượu sâm-banh uống để ăn mừng. Ông Jeffrey Koo bên mời tôi uống sâm-banh, mua một đôi cravate giống nhau với mẫu hiệu của Câu lạc bộ CannesMougins để tặng cho cả hai người, tôi và chính ông ấy, để làm kỷ niệm (tôi còn giữ chiếc Cravate màu xanh tươi lá cây, với nhiều sọc chéo). Kỷ niệm này quý vô vàn, vì ông ấy như đã nhìn nhận tôi là một người bạn đồng chí hướng. Và sau đó, ông ấy đăng ký luôn một bàn để ăn tối tại một trong những quán nổi tiếng nhất thế giới vào thời đó.
Thế là suốt buổi tối hai chúng tôi chuyện trò trong khi dùng bữa. Ngồi với tôi, sau một cuộc chơi đáng nhớ, ông quên tuổi của mình, quên luôn tự thế và quyền lực. Ông hân hoan, vui đùa như
đứa trẻ con mới nhận được một món quà quý. Ông khoe với tôi đây không phải là lần đầu ông đạt được thành tích hole-in-one, nhưng đây là lần duy nhất tại nước ngoài trên một sân golf huyền thoại.
Và như thế, tôi đã hưởng ân huệ là được chia sẻ một bữa riêng với một trong những nhân vật quyền lực và nổi tiếng nhất châu Á. Lạ nhất là trong cuộc đàm thoại, ông ấy hỏi đủ điều về tôi.
Tôi tốt nghiệp ngành nào, ở Đại học nào, những ý thích của tôi, những ước mơ, và cả những đam mê. Tôi cũng chia sẻ với ông nỗi khó khăn mỗi khi tôi tới ngã ba đường rồi phải lựa chọn hướng đi tiếp. Tôi hỏi: “Ông đã bao giờ phải lần lữa lâu dài trước khi quyết định chưa?”.
Ông cười và “phang” ngay cho tôi một câu trả lời thật bất ngờ: “Có chứ. Trên đời này tôi chỉ lần lữa có một lần trước khi chọn lựa. Nhưng khi nhìn lại quyết định của mình thì tôi mới hiểu là đáng lẽ tôi phải lấy quyết định ngược lại!”.
Tôi hỏi ông tại sao vậy?
Ông vừa cười vui vẻ vừa giải thích: “Sau khi lấy quyết định trên những dữ kiện khách quan, chính những dữ kiện này đã biến đổi ngay sau đó. Và một quyết định mình nghĩ là đúng, sau khi mình lật lên lật xuống vấn đề một cách chín chắn và tỉ mỉ, rốt cuộc đã trở thành sai. Thà để linh tính phán quyết có lẽ tốt hơn.
“Từ ngày hôm đó, tôi chỉ đi theo sự cảm nhận do linh tính đưa đường cho dù vấn đề có được nghiên cứu kỹ lưỡng, hoặc do ý thích không thể cưỡng lại được. Sau đó, tôi phó mặc hết cho ông Trời. Muốn ra sao thì ra, kết quả thế nào cũng được, mặc kệ, chết thì thôi. Lần lữa là không tốt, nghĩ tới nghĩ lui rồi mình luẩn quẩn.
Tôi may mắn lắm anh Phan ạ, rốt cuộc nhiều lần linh tính đã chọn cho tôi lộ trình phải đi, và kết quả không làm tôi thất vọng”.
Ông kể tiếp: “Chọn lựa, tìm hướng đi, đối với tôi chỉ là một lý luận tri thức. Quan trọng là phần thực hiện. Phương châm phải là chọn nhanh lên rồi tiến bước nhanh hơn nữa. Không một lựa chọn nào tốt cả nếu phần thực hiện lại ngập ngừng. Mọi quyết định trong cuộc đời của tôi đều đã đi tới kết quả mong muốn. Tôi nghĩ
chi 10% là do sự lựa chọn đúng, 40% là do ý chí và tinh thần thực hiện”.
Tôi hỏi ông: “Thế 50% còn lại là gì?”.
Ông trả lời ngay là do may mắn. Ông nói: “Không thể phủ
nhận được là may mắn đóng một vai trò then chốt. Bạn mà không may thì bạn chẳng đi đâu xa được, thậm chí chẳng làm nên trò trống gì mấy. Vận may giống như sóng trào, nó đẩy bạn đi nhanh hơn tự chân bạn có thể bơi, và tất nhiên hướng đi của sóng trào thì không ai cưỡng lại được”.
Nhưng ông nói thêm: “May mắn chỉ tới với những tâm hồn hùng dũng và đạo đức. Có người ví may mắn như một loại cảm tình toàn xã hội dành cho mình. Bạn làm gì mà xã hội cũng hưởng ứng theo thì có thể gọi đó là may mắn! Bạn sẽ gặp nhiều người hỗ
trợ, tham gia. Bạn sẽ thấm tình cảm của những người chỉ mong cho bạn thành công. Nhưng tại sao họ làm vậy, tại sao họ ủng hộ bạn, đó là vì bạn là con người hùng dũng và đạo đức đang tạo một giá trị gì đó cho xã hội, họ mến phục bạn và họ muốn bạn thành công.
Cái may mắn dẫn đường tôi đi một cách khá nhẹ nhàng nếu không nói là dễ dàng. Tôi cũng như mọi người khác đã có thuở hàn vi khó khăn khiêm tốn. Nhưng rồi công ty tôi thành lập đã phát triển rất nhanh, và may mắn nhất là tôi có số mạng thu hút hiền tài, cộng sự của tôi toàn là những trí tuệ xuất sắc, những tay cừ khôi về
kinh doanh, những nhà vô địch về quản trị. Họ nghĩ tôi đã tạo ra họ, nhưng kỳ thực chính họ mới tạo sự nghiệp cho tôi. Sóng trào mạnh là thế, mình đang ngồi ghế, sóng thần tràn vào lôi cuốn hết đi, nhưng rồi khi sóng lắng xuống thì mình thấy mình đang ngồi ghế lãnh đạo của những tập đoàn hùng mạnh nhất. Nghe mà thấy hoang đường, nhưng đôi khi sự nghiệp hoạnh phát như thế, đúng như thế anh Phan ạ.”
Ông ấy nói xong câu này thì nhoẻn miệng cười, không giấu được sự khoái trá.
Tôi hỏi tiếp: “Thế ông đã bao giờ tự thách thức mình để tìm hiểu giới hạn của tài cán cá nhân, thậm chí cả quy chế may mắn mà ông được hưởng?”.
Ông trả lời: “Có chứ. Tôi đã tự thách thức về bộ môn thể
thao tôi ưa chuộng là golf. Anh Phan biết không, khi còn ở tuổi đôi mươi tôi đã tập tành ngày đêm để đem về cho gia đình chiếc Cúp Vô Địch Golf của Đài Loan. Tôi đã giữ ngôi quán quân trong nhiều năm, trước khi tự ý rút lui để chỗ cho thế hệ sau. Tôi nghĩ
một người trí thức, làm việc bằng óc, mà dám thách thức những võ sĩ làm việc bằng cơ bắp, đó mới là thách thức đáng kể”.
Đến khi quán ăn đưa ra món tráng miệng tôi mới hỏi thêm:
“Ông giải thích làm sao sự thành công của mình, nhất là khi ông nói rằng mình chỉ quyết theo linh tính?”.
Ông trả lời một cách hùng hồn: “Anh Phan, chọn hướng đi hẳn có phần quan trọng, nhưng chắc gì phải chọn theo lý trí, anh nhỉ. Chọn theo linh tính thì đã sao? Nhưng có một điều tôi muốn gửi gắm anh, chớ bao giờ quên: Trong mọi việc, khi đã chọn xong phương án, mình hãy đâm đầu cố gắng hết sức, hết sức đến kiệt lực, không ngoảnh đầu lại. Thành công không nằm ở sự lựa chọn hướng đi mà ở tinh thần quyết liệt và tính nhẫn nại vô biên. Khi tôi muốn vô địch thể thao, tôi đã cắn răng làm dau chính có thể của mình, tập ngày đêm, hàng tháng hàng năm. Tôi đã vụt hàng chục ngàn trái bóng để luyện cho cánh tay thuộc lòng được cử điệu hoàn hảo. Tôi đã từng xem trái bóng golf trắng nõn như một tình nhân có tâm có hồn. Tôi đã mua hết tất cả các sách về bộ môn này trên thế giới và tôi đã đọc ngấu nghiến. Tôi đã quan sát các ngôi sao hoàn vũ chơi, tôi đã phân tích cách họ chơi và tôi đã hấp thụ. Bí quyết của thành công không nhất thiết nằm ở sự chọn lựa bộ môn
nào, đi hướng nào, mà ở sự quyết tâm, quyết chí và sự bền bị. Anh mà thách tôi thi đấu bơi lội hoặc gì khác khi còn trẻ thì tôi không sợ cam đoan với anh rằng tôi cũng sẽ đoạt ngôi vô địch. Nguyên lý là cắn răng tiến bước. Nguyên lý đó cho phép bất cứ ai cũng thành công bất cứ cái gì, tôi tin như thế.”
Tôi lại nảy ra một ý nghĩ mới, nên hỏi ông: “Phụ nữ có đóng góp gì cho cuộc đời của ông không?”.
Ông trả lời với vẻ như chuyện đó là dĩ nhiên: “Có chứ, nhiều chứ, trên sức tưởng tượng. Người nào không biết tại sao và không thấu triệt được lợi thế này thì sẽ không bao giờ thành công trọn vẹn”
Ông nói đàn bà không chỉ có nghĩa là vợ mình, nhưng có thể là một phụ nữ đã hỗ trợ cho mình trong một hoàn cảnh nào đó.
Ông thẳng thắng nhìn nhận: “Đời tôi mà không có ba, bốn phụ nữ
đó thì có lẽ đã khác hẳn, không thể tốt đẹp như bây giờ. Anh biết không, anh sẽ phải học tôn trọng phụ nữ để họ yêu anh. Yêu không có nghĩa là chia sẻ chăn gối, tuy điều này không cấm kỵ, vì đây là cái yêu nghiệp chướng. Họ có nợ với mình vào một kiếp trước nào đó, họ không nề hà hùng hục hỗ trợ cho mình, mà chính mình không giải lý được tại sao. Họ cũng chẳng đòi hỏi gì để đến bù công lao. Có một người phụ nữ còn sẵn lòng hy sinh hết vì tôi mà hoàn toàn không phải là tình nhân và cũng không có một đòi hỏi nào cho dù cỏn con.”
Tôi bảo ông đẹp trai và hùng dũng nên ông mới được hưởng quy chế đó. Ông Jeffrey Koo phản ứng ngay: “Tất nhiên rồi, nhưng vẻ đẹp của mình cũng là do sự nghiệp kiếp trước chính mình tạo ra, không ai khác, có phải không anh?”.
Ông nói thêm: “Vai trò người vợ không thể nào bị phủ
nhận. Vợ đóng một vai trò then chốt trong cuộc chinh chiến trên doanh trường. Họ đem lại cho mình nét sang trọng, văn hóa lịch lãm, nếp sống nết na, hình ảnh đạo đức. Người vợ là tất cả, quan trọng hơn đường đi lối bước mình lựa chọn nhiều! Người vợ nuôi mình ăn, dạy mình cư xử, tạo cho mình sự ấm áp, cân đối lại cho mình tư duy, nhắc nhở mình gìn giữ sức khỏe. Người vợ là dĩ vãng tươi đẹp, là hiện tại hoành tráng, là hứa hẹn tương lai êm đềm.
Người vợ là người rót rượu lúc cần thư giãn, là tình nhân nóng bỏng lúc máu nóng dâng trào, nhưng cũng là tách trà êm dịu cho thời gian nghỉ ngơi” Ông Jeffrey đột nhiên hỏi lại tôi: “Vợ anh như
thế nào?”. Tôi ấp úng không trả lời, vì khi ấy chưa bao giờ tôi hiểu vai trò của người vợ rộng và sâu sắc như ông. Thấy tôi ấp úng, ông lại cười.
“Thế ông đã bao giờ có tình nhân song song với vợ ông không?”, tôi mạnh dạn hỏi ông trong bầu không khí thân mật đặc biệt.
Ông không trả lời trực tiếp nhưng ông bình luận: “Người tình nhân là người hỗ trợ bù đắp cho chính người vợ của mình khi mình cần có thêm viện binh, mặc dù người vợ không hay biết.
Tình nhân là hậu cần tạm thời để giải quyết một vấn đề. Trên hết, tôi khẳng định phải biết đãi tình nhân, vì chính họ phải đóng vai có nhiều hy sinh nhất. Họ không được nhận từ mình một mối tình trọn vẹn. Họ không được xã hội nhìn nhận công khai mà ngược lại họ
phải chấp nhận đóng vai vừa lép vế vừa phạm lỗi. Họ không được hưởng gia tài, họ phải yêu mình vào giờ xuất thân chứ không phải là giờ thư giãn. Họ phải sẵn sàng mỗi giây, mỗi lúc, ngược hẳn với người vợ đảm đang đang chủ hữu thường trực người chồng. Tình nhân giống như một con bướm mang mùi thơm tới sớm mai, mang hương nồng tới buổi trưa và nhận cảnh ngộ hy sinh vào buổi tối.
Người đàn ông nào cũng phải và cũng nên có tình nhân, vì vai trò
quan trọng của tình nhân không thể chối cãi trong bước tiến trên lộ
trình. Chính vì vậy mình phải long trọng trân quý họ, thậm chí cả
người vợ của mình cũng phải yêu quý họ, tặng quà họ để cho họ
bớt tủi. Nếu so sánh vợ với nhân tình, chắc hẳn kiếp trước vợ là người đã tu thân tạo đức. Còn nhân tình phải là một nghệ sĩ trác táng vô trách nhiệm, nên kiếp này họ phải nhận số phận tủi hờn và hẩm hiu.”
Có lẽ đây là lời thú nhận gián tiếp rằng ông Jeffrey Koo đã từng có rất nhiều tình nhân. Qua lời nói của ông, đâu đó tôi nhận thấy ông còn âu yếm trong tâm hồn một ai đó đã nhận nghĩa vụ hy sinh nhiều để ông hạnh phúc và thành công.
Tôi im lặng, nhìn ông với tất cả lòng quý mến cho một người mang đầy tính nhân ái, rộng lượng và hiểu đời. Ông biết mình là ai, hiểu sâu sắc xã hội loài người, ông biết nhớ công của người khác và tri ân. Ông là người biết sống!
Ông bất thình lình kết luận: “Anh Phan có tố chất đấy. Tôi rất vui đã có duyên may gặp anh dù anh sinh sau tôi nửa thế hệ.
Anh hãy tự cho quyền tự do gọi điện cho tôi bất cứ lúc nào, anh nhé, vì tôi sẽ không bao giờ quên anh.”
Tôi cảm ơn ông, chẳng nghĩ tới việc khách sáo.
Một cuộc gặp gỡ duy nhất với một con người vĩ đại, hùng dũng và đẹp trên mọi mặt. Ông Jeffrey Koo. Ông đã để lại cho tôi một món quà vô giá: Đó là con người thật hào hùng, hình bóng thật sắc sảo và tư duy thật sắc bén của ông.
ÔNG PAUL JACQUEMIER
Năm 1977, tôi vào làm việc trong một công ty tư vấn về xây dụng bên Pháp. Tại nơi đó, không lâu sau khi tôi bắt đầu công việc thì tôi gặp ông Paul Jacquemier, cũng là cộng sự trong công ty.
Ông chỉ khác tôi trên một điểm là trong khi tôi còn ở đầu sự nghiệp thì ông sắp về hưu.
Ông cao nhưng người gọn gàng nhỏ nhắn. Con người của ông tiêu biểu cho sắc đẹp của đàn ông Pháp, mũi cao, mắt màu xanh trời. Tóc ông đã bạc nhưng còn rậm rạp và quản óng ả. Ông đi bộ nhanh, nhưng khi ông nói thì lại chậm rãi khoan thai.
Vẻ của ông rất khiêm tốn, tuy ông tốt nghiệp từ một trong những trường kỹ sư danh tiếng nhất nước Pháp. Ông rất kiệm lời, đôi khi trong một buổi họp chi phát biểu khi cần, và cũng chỉ gửi gắm hai câu là ý nghĩa đầy đủ.
Tôi không nhớ từ thời điểm nào thì ông và tôi bắt đầu trở
thành hai người bạn trong công ty. Có lẽ từ ngày ông ấy và tôi hợp tác trên một dự án hải cảng mà cả hai chúng tôi phải tính lợi suất nội tại. Qua những ngày làm việc, ông dần dần cho tôi những lời khuyên khiến tôi kinh ngạc. Dù tôi chẳng nói gì cho ông nhưng mắt ông vẫn nhìn thấy hết.
Một lần ông chỉ thốt ra ngắn gọn: “Công ty này quá nhỏ cho khả năng bẩm sinh của anh. Anh cần những thách thức lớn hơn, sau này anh phải đổi công ty để cho phép anh phát huy hết năng lực”. Thế là ông đoán trúng tim đen của tôi. Chẳng phải tôi nghĩ
mình quá giỏi, nhưng quả thực trình độ chung của công ty có vẻ
nhỏ hẹp cho tôi.
Càng ngày tôi càng xem ông ấy như một bậc tiền bối thân thiết. Cứ đến trưa là tôi mời ông cùng đi dùng bữa, và trong những buổi như thế thì tôi dần hiểu hơn về ông.
Ông rất sâu sắc và đọc rất nhiều sách. Ông khoe tủ sách của mình có hơn hai ngàn cuốn, và sở hữu một trí nhớ tuyệt vời, có thể
đọc lại thuộc lòng cho tôi nghe những đoạn tuyệt tác của sách.
Nhưng điều làm tôi có ấn tượng lớn nhất nơi ông là những lời nói của ông dễ in vào tâm khảm của người nghe. Dần dần ông trở
thành người sư phụ mà một kỹ sư trẻ như tôi rất cần.
Ông không mang một chức tước gì to lắm, chỉ làm Giám đốc Dự án, một vị trí khá khiêm tốn ở tuổi gần về hưu. Điều lạ là ông rất vui làm việc với số lượng mà tôi đoán không thực sự cao.
Có lần ông chỉ nói phớt qua một cách đơn giản pha một chút khôi hài: “Có tiêu hết tiền nổi đâu mà đòi thêm làm gì?”. Ông nói thêm:
“Thêm lương là thêm công việc. Tôi thực sự không ngại làm việc, bằng chứng là đôi khi tôi tới văn phòng công ty cả hai ngày cuối tuần và làm việc đến đêm. Nhưng anh Phan ạ, càng trải nghiệm càng thấy người đời làm việc ngược, lý luận không xuôi, chọn lúc không đúng, vội vã tạm bợ đến thảm thương, nhưng cứ cãi cố và cãi bướng. Chẳng việc nào xong thật. Thử hỏi, tăng lương để làm việc nhiều hơn với những người dốt nát nhưng vẫn tưởng mình giỏi để làm gì? Xưa kia, tôi hăng hái lắm. Nhiều việc mình làm, thấy kết quả ấn tượng xuất sắc, chẳng ai khen, chẳng được thưởng mà mình còn bị đốn trong công ty là đằng khác, do có sự ganh tị.”
Và kết luận của ông làm tôi rất ngạc nhiên: “Anh coi đấy, anh đi theo Đạo Phật là đúng lắm. Tôi thì theo Đạo Thiên Chúa, nhưng tôi rất thích nghe giảng kinh Phật. Cuối cùng, mình mà có ngọ nguậy cho lắm thì mình chỉ gây ra thêm nghiệp chướng. Cả
cuộc đời của tôi là để cố gắng làm cho cái nghiệp kiếp này càng nhẹ càng tốt.”
Tôi hỏi ông: “Thế thành công là gì, theo ông?”.
Ông Paul trả lời nhẹ nhàng: “Là được xã hội quý mến, là được gia đình hạnh phúc, là quản lý được tâm hồn thật nhẹ nhàng để gìn giữ sức khỏe, là nâng cao văn hóa bản thân. Nói ngược lại, những người lăng xăng, tham lam vật chất, nói láo với mọi người và cả với chính mình, là những người tự cản bản thân để đạt thành công thật. Có nhiều người mua xe để khoe bạn, mua nhà to để
khoe đại gia đình, thế ra họ không mua cho họ à? Mình sống cho mình hay sống cho con mắt của kẻ khác?”.
Cứ mỗi khi có một thắc mắc gì, tôi lại mượn buổi cơm trưa để tìm câu giải đáp từ ông ấy. Ông Paul Jacquemier nghe tôi xong đôi khi chỉ mỉm cười rồi đánh một câu gọn: “Không nên!”. Nhưng khi ông dùng quá nhiều lần từ ngữ “không nên”, tôi mới hỏi ông:
“Sao chuyện gì của tôi cũng không nên vậy?” Lúc đó ông tươi cười giải thích: “Anh còn trẻ, nhiệt tình còn nóng bỏng, đi đến đâu anh cũng muốn sở hữu, gặp viên sỏi nào anh cũng muốn đá, gặp đối tác nào anh cũng muốn hạ ván. Rồi độ mười, mười lăm năm nữa con người của anh sẽ điềm đạm hơn, tôi chỉ giúp anh chóng đắc đạo hơn thôi. Tất cả chúng ta không thể hạnh phúc nếu chung quanh chúng ta không hạnh phúc. Anh thử nghĩ xem, thái độ êm đềm của tôi trong công ty tạo ra chung quanh tôi một không khí rất ấm áp ân cần, có phải không? Hạnh phúc dễ đạt lắm, nhưng muốn đạt được hạnh phúc thì mình phải giúp cả những người chung quanh mình hạnh phúc”
Tôi lại gạn hỏi: “Thế ông coi thành công chỉ là một giai đoạn để đạt được hạnh phúc à?”.
“Đúng thế.” – ông Paul trả lời.
“Nhưng nếu chúng ta đạt thẳng được hạnh phúc thì có tốt hơn không?”
Ông Paul thẳng thắng đáp: “Anh Phan cứ đấm đá đi, vì ở
tuổi anh, anh cần đo sức với nhiều đối thủ. Anh cũng cần chứng tỏ
cho xã hội và chính bản thân thực lực của mình. Sau này, khi anh đã có đủ số sẹo trên cơ thể thì lúc đó nghĩ tới hạnh phúc thật không muộn. Lúc đó anh sẽ hiểu rõ hơn thế nào là tránh tạo nghiệp.
Thành công trước mắt, trong ngắn hạn chẳng có ý nghĩa gì mấy, họa may làm cho tự ái sảng khoái. Phù du hết, thật đấy anh ạ”.
Năm 1985, khi một nhà sản đầu người (head hunter) tới để
nghị với tôi đổi công ty sang Alsthom, tôi đi hỏi ý kiến ông Paul Jacquemier. Ông chỉ cho tôi đúng một lời khuyên: “Đã từ lâu tôi chờ cho anh một đề nghị tương tự. Alsthom to hơn chúng ta 100
lần. Nơi đó mới đúng là biển lớn để anh vẫy vùng theo đúng khả
năng bẩm sinh. Anh là con rồng của biển lớn. Anh hãy nhận, bất chấp nếu chuyên môn bên đó không phải là những kiến thức anh đã gặt hái tại nhà trường. Ngày hôm nay anh chẳng cần phải suy nghĩ để chọn lựa. Rồng phải ra biển. Trên đời người thú vị nhất là đến lúc mình đang tìm đường, thì con đường tự nó hiện ra trước mặt mình, làm cho mình chẳng còn chọn lựa gì nữa, phải cứ tiến lên thôi!”.
Một tháng sau, tôi chào tạm biệt ông Paul Jacquemier. Một lần nữa, ông cũng không phải nói dông dài: “Au revoir anh, tôi sẽ
nhớ anh khôn xiết khi anh sẽ vắng mặt trong công ty này vĩnh viễn.
Anh nhớ đừng tạo nghiệp nặng nhé.”
Rồi ông nói thêm: “Gió đang thổi để đẩy cánh buồm của thuyền anh đó, chúc anh may mắn”.
Ngồi đây, tôi còn rất nhớ ông Paul Jacquemier, và nhiều khi tôi vẫn cần ông lắm!
* * *
ÔNG CHEAH THEAM SWEE
Suốt 20 năm tôi ở Mã Lai (Malaysia), ông Cheah là người bạn thân nhất. Không tuần nào ông và tôi không gặp nhau ít nhất bốn, năm lần. Ông là người Mã Lai gốc Hoa. Vào những năm 1950, ông là một trong những Bộ trưởng trẻ nhất nội các của Thủ
tướng huyền thoại Tunku Abdul Rahman, người đã thành lập nước Mã Lại ngày nay và cũng là Thủ tướng đầu tiên.
Ông Cheah cao người, thon thả. Ông nghiêm nghị nhưng rất tươi tắn, ôn tồn, rất năng động, sâu sắc nhưng cũng rất nhẹ nhàng trong lời nói.
Đến khi ông mất người ta mới biết ông mang chức Tan Sri (Quan có phẩm hàm rất cao trong Triều đình) và nhất là khám phá ra tài sản của ông để lại vô cùng “lớn”. Ông sống rất khiêm tốn.
Không những ông tự lái một chiếc xe cũ rích, mà quần áo mặc cũng chẳng màu mè lịch lãm dù rất chỉn chu, sạch sẽ. Ông có thừa để phô trương hàng chục siêu xe và biệt thự nếu muốn, nhưng ông không làm như vậy. Chuyện ăn uống của ông cũng rất chừng mực.
Mỗi khi chọn món, ông đều bình luận cho tôi nghe về những chức năng của các loại thực phẩm ông dùng cho cơ thể. Ông thích ăn dưa hấu vì tốt cho tim, thích đu đủ vì tốt cho ruột, và thường xuyên ăn đủ mọi loại chuối vì ông cho rằng đó là món duy nhất có thể
nuôi con người dài dài... Những thứ ông chọn không đắt đỏ, lại càng làm cho ông thêm phần mẫu mực khiêm tốn.
Cuộc sống của ông rất đơn giản. Ông đọc rất nhiều sách, nhất là sách về y khoa. Tuy không phải là bác sĩ, nhưng có lẽ ít bác sĩ nào có thể giải thích tường tận mọi thứ bệnh như ông. Thậm chí ông còn hiếu kỳ đến mức làm cho đối tác phải ngạc nhiên. Ông xem bóng đá và có khả năng giải thích chiến lược của cả hai đội một cách tường tận. Ông xem chơi golf trên tivi và có thể giải thích tinh vi lý lẽ về độ xoáy của trái bóng và ảnh hưởng trên cuộc chơi.
Ông hơn tôi một nửa thế hệ, tuy vậy ông với tôi là hai người bạn thân. Sáng Chủ nhật nào ông với tôi cũng đưa nhau ra chợ trời Imbị để tìm một bát cháo nóng ăn với “Giò cháo quẩy” (hay còn gọi là bánh quẩy), và bà hàng cháo luôn luôn đón chào chúng tôi rối rít. Có lần bà quay lại tôi nói: “Ông Cheah ăn cháo của tôi từ
hơn 40 năm rồi đấy cậu ạ!”. Câu nói này đầy tự hào của bà hàng cháo, vì ai cũng biết ông Cheah là người thân thuộc của Triều đình và đã là một thành viên hiếm hoi của đám cộng sự sát nách của một người huyền thoại trong lịch sử Mã Lai.
Ông Cheah là người giúp cho tôi ý kiến nhiều nhất trong suốt 20 năm. Chuyện gì tôi cũng chia sẻ, chuyện gì ông cũng hứng chí thao thao bất tuyệt với tôi. Nhưng đặc biệt một điểm là với ông, tôi chi chia sẻ triết lý của cuộc đời và ý niệm về thế thăng bằng của thế giới. Ông cũng có nhiều thiện kiến về Việt Nam.
Hồi gặp ông, tôi đang làm Chủ tịch Tổng giám đốc một tập đoàn nhỏ, nên việc thành công trong cuộc đời không là đề tài cho câu chuyện. Thay vào đó, ông chia sẻ sự nuối tiếc của mình. Ông nói: “Tôi chưa bao giờ thực sự thành công, vì tôi đã ở những vị trí
cao quá khi còn quá trẻ! Không hiểu ông Trời xét xử ra sao mà lại cho một người chưa ba mươi tuổi, từ một gia đình nghèo, tại một quốc gia mới lập lại có thể lên những vị trí cao như tôi đã có. Có công đâu mà thành! Vị trí không phải là bằng chứng của thành công, mà chỉ thể hiện sự không may mắn!”.
Tôi hỏi: “Ông nhận thấy mình không may mắn à?”.
Ông trả lời ngay là chẳng thú vị gì khi chưa 40 đã là cựu bộ
trưởng. “Tôi lê thê với chức cựu từ mấy chục năm nay rồi, anh Phan ạ. Công trạng của tôi rất đơn giản. Tunku (hoàng tử Abdul Rahman) đánh giá tôi là một người nắm vững mọi hồ sơ, hiểu sâu những trường hợp tế nhị, và có trí nhớ tốt nên đề bạt tôi. Mình giúp cho người khác làm việc không thể gọi là công trạng. Làm công chức như tôi, cho dù cao cách mấy cũng không thể gọi là công trạng. Không có công trạng là không thành công. Tôi rất tiếc là đã tham gia quá sớm”.
Tôi hỏi ông Cheah: “Vậy tuổi nào là tuổi vừa không quá sớm và cũng không quá muộn?”.
Ông đáp: “Tuổi nào mình cảm nhận được tình thương dân tộc một cách thật chân chính; tuổi nào mình thấu triệt được rằng quyết định của mình tốt cho một số người mà lại không tốt cho số
người còn lại; tuổi nào mà tuy dấn thân hết mình nhưng vẫn có đời sống gia đình êm ấm đầy đủ; tuổi nào mà mình đã sắp sẵn đón nhận mọi rủi ro do công việc và đời thường liên quan mật thiết đến chức vụ. Tuổi đó mới là tuổi trưởng thành, tuổi đó mới không quá sớm. Lúc đó mình mới thực sự yêu dân, yêu giống nòi, yêu mảnh đất trời ban cho dân tộc, mới là không quá sớm. Sớm không phải là một huân chương mình tự đeo cho mình để báo chí và công luận nói ồ ông này giỏi lắm, mới 27 tuổi đã làm bộ trưởng. Có tự hào
thật, nhưng đây là tự hào của sự khoe khoang mình đã chiếm một kỷ lục. Ý niệm này vô nghĩa, vì chuyện phục vụ đất nước là một nghĩa vụ nghiêm túc chứ không phải là một trò chơi!”.
Tôi hỏi lại: “Thế còn có bao giờ quá muộn không?”.
“Không”, ông giải thích ngay. “Càng trải nghiệm, càng có ích cho đất nước, vì bao nhiêu kinh nghiệm sẽ giúp cho tránh khỏi lầm lỗi”.
Và ông nói thêm một điều mà tôi nhớ mãi: “Một nội các giỏi là một chính phủ ít lầm lỗi, chứ không phải một nhóm người đậu bằng cao ở tuổi quá trẻ rêu rao thành tích. Lịch sử của cả thế
giới đã chứng minh rằng những quốc gia làm ít lỗi, đánh giá đúng quyền lợi của dân song song với khả năng kinh tế là những quốc gia có nhiều thành tựu nhất.
“Tuổi trẻ thích sưu tập kỷ lục. Tốt thôi, nhưng chuyện gì cũng có mặt trái của nó. Vì hoàn cảnh riêng của mình mà tôi rất thận trọng khi phải làm cái gì không hợp tuổi của mình”.
“Thế ông đang làm gì?” – tôi hỏi.
“Tôi đang có một dự án về nông nghiệp tại Nam Dương (Indonesia). Chính phủ Mã Lai không thấy thú vị lắm với dự án này nên tôi mang sang Nam Dương để thử nghiệm. Anh Phan biết không, nếu dự án của tôi thành công thì thế giới sẽ kinh ngạc về
cách trồng lúa mới. Tôi tìm được một giống lúa rất đặc biệt. Tương
lai của thế giới là ở nông nghiệp truyền thống và cũng vì vậy mọi người phải yêu nông dân hơn”.
Ông nói thêm: “Không nơi nào thực sự yêu nông dân. Bố
thí cho họ sự giúp đỡ tài chính thì đã tốt lắm rồi, nhưng yêu kiểu đó là yêu kiểu phủi tay. Không! Nông dân là những người can đảm nhất, xứng đáng được chính phủ ân cần hơn. Ân cần hơn là tạo cho họ hệ sinh thái để phát triển. Hệ sinh thái là hệ thống chọn giống, tạo phân bón hữu cơ, dành đất phì nhiêu cho nông nghiệp, tổ chức hệ thống phân phối thật hiệu quả. Có nhiều việc phải làm lắm mà chưa làm, có lẽ sẽ không bao giờ làm. Yêu nông dân có một nghĩa rộng hơn, đó là yêu toàn dân, vì khi nông dân tạo ra nông sản tốt lành thì toàn dân được hưởng qui chế ăn sạch sống khỏe!”.
Có lúc tôi hỏi ông về những chọn lựa trong cuộc đời: “Ông có bao giờ chọn lựa thực sự không? Chọn lựa nào là quan trọng nhất”.
Ông cười, và nói thẳng với tôi một câu trả lời: “Nghĩ cho cùng thì phải thú nhận rằng ai cũng tưởng mình đang lựa chọn, chọn hướng đi, chọn phương án, chọn mọi thứ, nhưng kỳ thực mình ít chọn lắm. Mình chỉ để linh tính phát ra sự thèm muốn rồi mình đi theo bản ngã. Tôi chưa bao giờ thấy ai quật đổ được cái bản ngã của bản thân. Thèm là làm, có thế thôi. Mà có thế mới giải thích được tại sao thế giới này toàn chuyện điên. Bản ngã hết. Lý trí và tình thương chân chính vắng mặt một cách thảm thương. Con người dùng lý trí để giải thích một cách khoa học tại sao mình lấy quyết định này, lựa chọn nọ, nhưng lý trí chi để dùng duy nhất vào cuộc nói dối đó. Chẳng ai dùng lý trí để lựa chọn hết, vì lý trí rất khó động viên, và lý trí làm cho người dùng lý trí có cảm nhận nhọc nhằn. Chúng ta chẳng khác chi động vật trong rừng nguyên sinh. Lý trí chi can thiệp vào lúc duy nhất là lúc mình tự hỏi Mình
có đói không?, rồi nếu đói thì đi săn, chứ chỗ còn lại toàn là linh tính và linh tính”.
Tóm lại chẳng có ai lựa chọn thật hết!
Năm 2016, ông Cheah phát hiện ra bản thân đang mắc bệnh nặng. Lần chót tôi tới thăm ông ở Bệnh viện Prince Court, Kuala Lumpur, thì ông đã gây hẳn đi. Thấy tôi vào phòng, ông chồm dậy.
Tôi đi nhanh tới cầm tay ông. Ông nắm lấy tay tôi thật chặt, chẳng nói một lời... Số người đến đưa ông an nghỉ đông kinh khủng.
Một cuộc đời không có lựa chọn, không được chọn lựa, không phải tìm đường. Nhưng thật trọn vẹn.
* * *
Hàng trăm người bạn khác của tôi cùng lứa tuổi cũng đều chia sẻ những cảm nhận tương tự. Riêng tôi thì mỗi lần toát mồ hôi để tìm đường, tôi chẳng tìm ra. Thực sự tôi chưa bao giờ tìm ra đường phải đi. Nhưng như một phép lạ, như có một bàn tay vô hình nào tạo ra mình, đến lúc phải chọn lựa thì chính bàn tay vô hình đó cũng tạo luôn lộ trình mà mình phải đi.
Liệu bàn tay vô hình có thật không? Liệu phép lạ có đến với chúng ta mỗi khi cần chọn một điều gì đó hay không, bạn nhỉ?