Nếu ngày mai không bao giờ đến - Chương 17

Nếu ngày mai không bao giờ đến
Lời cuối
gacsach.com

Đầu hè năm 2005.

Một cậu học sinh phổ thông ghé thăm tôi. Đó là cậu học sinh mà tôi dạy cho đến khi tốt nghiệp trung học cơ sở, giờ đã học lớp 11 rồi. Cậu ta ngồi xuống ghế, tay ôm cuốn "Sách cho hiền tài" mà tôi viết. Tôi đã được anh trai cậu ấy (cũng từng là học sinh của tôi) cho biết cậu học sinh này khi vừa vào trung học phổ thông thì phát hiện ra có khối u trong não và đã được phẫu thuật một lần, cả tình trạng bệnh hiện nay nữa. Vì thế, tôi hỏi: "Em có khỏe không?", lòng như cảm thấy mình chạm được vào khối u đó vậy.

Cậu ta vốn là một học sinh luôn rất vui tươi suốt từ thời cấp hai. Lúc đó, cậu ấy cũng trả lời tôi rất khỏe: "Có ạ, giờ thì em còn đi học được nữa." Trái với câu trả lời đó, chỉ cần nghe câu sau cũng biết tình trạng chắc hẳn không hề tốt. Nguyên văn lời cậu ấy thế này: "Căn bệnh là một quả bom nổ chậm mà em không biết bao giờ sẽ nổ." Nghe câu ấy, tôi chết lặng. Cậu ấy đã đến gặp tôi bất chấp tình trạng đó.

"Mẹ em bảo hãy đi cảm ơn thầy vì bà nghĩ rằng cuốn sách này giờ đã thành thứ viết ra cho em..." với vẻ ngại ngùng, cậu ta đưa ra cuốn "Sách cho hiền tài" và nói rằng cậu ta muốn tôi viết vài lời và ký tặng. Tôi vừa nghĩ một lúc xem nên viết gì, vừa nghe chuyện cậu ta rồi ký chữ ký mình chưa quen tay vào.

Thế rồi, tôi nhìn theo sau lưng cậu học sinh ấy khi ra về, vẫn chưa nói được nhiều điều. Cái dáng người bước đi chậm rãi liêu xiêu ấy dường như là một người khác so với cậu học sinh vừa mới đây. Vậy mà vừa ra đến cửa, cậu ta đã quay lại "Em cảm ơn thầy ạ" rất lễ phép. Trong lời chào ấy có sự khỏe mạnh khi xưa. Ngực tôi nhói lên vì sự tương phản ấy. Sau đó tôi mới nghĩ ra có lẽ khi ấy, tình trạng của cậu ấy đã thực sự rất tồi tệ rồi.

Mùa thu năm 2005.

Khi đang xây nhà mới thì mẹ vợ đang sống cùng chúng tôi lúc đó qua đời. Mới vài ngày trước đó, cụ vẫn còn khỏe mạnh, vẫn còn giúp bao nhiêu việc nhà, từ dọn dẹp sân vườn đến thay lại giấy dán cửa. Vậy mà cụ đột nhiên bị xuất huyết não và bất tỉnh từ khi được đưa đến viện cho đến lúc ra đi mãi mãi vài ngày sau đó mà chưa kịp được điều trị. Cụ qua đời vào đúng ngày căn nhà mới được hoàn thành, ngày mà chúng tôi đã rất mong đợi.

Cả nhà chúng tôi bị bao trùm bởi sự đau xót trước sự chia ly không báo trước ấy. Đó là một cái chết không cam tâm, đặc biệt là với vợ tôi. Cô con gái một tuổi rưỡi của tôi hằng ngày vẫn được bà đến chơi nên hôm ấy, nó nhìn vào di ảnh của bà ngoại, chỉ vào tấm ảnh vui vẻ bảo tôi: "Bà, bà!". Mỗi lần nghe tiếng gọi ấy là lòng tôi lại trào lên nỗi đau.

Rồi một ngày nọ, chưa đầy một tháng sau đó, tôi lại nghe tin cậu học trò đã tới thăm tôi vào mùa hè cũng đã mất. Thông báo đến với tôi đúng vào khoảnh khắc cậu ấy mãi mãi không có ngày mai nữa.

Tôi nhìn những cô cậu học sinh cấp ba đang đi ngoài phố. Những cô cậu học trò ấy vẫn đang sống và tưởng rằng mình đương nhiên có ngày mai. Mỗi ngày, các em lại đối diện với những khó khăn, và rồi lấy những khó khăn ấy làm lý do để ở yên một chỗ, cứ thế chịu đựng đau khổ tiếp. Các em đang có những nỗi lo rất mơ hồ về tương lai, chẳng có lấy một thứ gì bền vững trong cuộc đời nhưng lại sống như thể thời gian là vô hạn. Có rất nhiều người trẻ như vậy. Mà không phải chỉ có các em. Có lẽ tôi cũng vậy. "Con người không thể biết mình sẽ chết lúc nào" - dù tôi cố gắng để hiểu những câu chữ ấy nhưng sự thật là tôi vẫn đang sống với niềm tin rằng ngày mai sẽ đến.

Một đạo diễn phim nổi tiếng đã từng nói: "Nghĩ đến cái chết chính là nghĩ đến sự sống. Chúng ta không thể chỉ nghĩ đến một trong hai cái đó được Càng nghĩ đến cái chết thì những suy nghĩ ấy càng hóa thành những suy nghĩ về sự sống.". Với tôi cũng vậy, việc hai người thân yêu đã ra đi chính là động lực để tôi nghĩ nhiều hơn về "cách sống". Hơn bao giờ hết, lúc này, suy nghĩ ấy đang trở nên mãnh liệt. Tôi đã cảm nhận được một cách mạnh mẽ cách sống đó là những điều tôi muốn làm chứ không phải là điều tôi buộc phải làm.

Tôi xin chân thành cảm ơn quý độc giả đã đọc câu chuyện của tôi đến cuối. Sáng tác này ra đời khi tôi nghĩ rằng tôi không muốn kết thúc "cái chết" của người thân yêu chỉ bằng "nỗi buồn" mà phải bằng việc nhìn lại về "sự sống". "Bây giờ bạn đang sống. Do đó, bạn có thể làm được bất cứ điều gì!" - Tôi nghĩ rằng tôi đã nhận được thông điệp này từ hai người thân yêu của mình. Hơn thế nữa, chính vì đây là cuộc đời mà chúng ta chỉ một lần được sống nên tôi mong muốn các bạn hãy sống cuộc đời tuyệt vời nhất của chính mình. Đó là lời nhắn của tôi, và tôi đã đưa hai thông điệp trên vào sáng tác này.

Xin chân thành cảm ơn.

Đầu hè năm 2006