Ngân Hàng Đột Phá - Chương 11

Chương 11

Tiền có thể mua được hạnh phúc!

Thẻ tín dụng rất tốn kém. Theo trang BankRate.com, lãi suất thường niên trung bình đối với thẻ tín dụng tại Hoa Kỳ là 15,35%(1), tuy nhiên con số này đã giảm dần trong những năm gần đây. Trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế, một vài sản phẩm thẻ tín dụng của các ngân hàng Hoa Kỳ có lãi suất lên đến 39,6%(2), các ngân hàng như Bank of America thì tìm cách bù đắp cho các rủi ro ngày càng cao, hay thậm chí thu hồi các khoản tín dụng rủi ro cao mà họ đang phải gánh chịu. Tại nước Anh, vào năm 2011 lãi suất thẻ tín dụng đã lên đến mức cao nhất trong vòng 13 năm trở lại, trung bình 18,9%/năm(3).

1 BankRate.com, 09/2013, Lãi suất điều chỉnh thường niên (15,35%), lãi suất cố định thường niên (13,02%), www.bankrate.com/finance/credit-cards/rate-roundup.aspx.

2 Xem tại http://piggington.com/what_is_the_highest_credit_card_apr_you_are_seeing.

3 Sean Poulter, “Lãi suất thẻ tín dụng đạt mức cao kỷ lục trong 13 năm trở lại đây, bắt chẹt nhiều gia đình ở mức lãi suất trung bình 18.9%”, Daily Mail, 02/02/2011, http:// www.dailymail.co.uk/news/article-1352671/Credit-card-rates-hit-13-year-h... average-18-9.html#ixzz2jcTzKFAK.

Đối với người tiêu dùng hiện nay, vấn đề chính của thẻ tín dụng nằm ở chỗ, về cơ bản chúng được thiết kế nhằm khuyến khích chi tiêu, từ đó đem về doanh thu cho công ty và ngân hàng phát hành thẻ. Trong số các sản phẩm thẻ, nhóm thẻ ghi nợ thường có mức lãi suất tốt hơn, nhưng vì người tiêu dùng cũng không nhìn thấy được số tiền chi tiêu và phí thấu chi nên trung bình mỗi năm, một người tiêu dùng Hoa Kỳ cũng phải trả đến 225 đô la tiền phí cho thẻ ghi nợ/tài khoản thanh toán(4) – đã tính cả các tài khoản thanh toán “miễn phí” nhưng lại chẳng hề miễn phí chút nào.

4 Nghiên cứu được thực hiện bởi cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng, trích dẫn bởi CNNMoney, tháng 06/2013, http://money.cnn.com/2013/06/11/pf/overdraft-fees/.

Theo nghiên cứu của trang CreditCards.com và TransUnion xuất bản vào tháng 5 năm 2013(5), tiền nợ thẻ tín dụng trung bình trên mỗi người trưởng thành tại Hoa Kỳ (trừ các thẻ không có số dư và thẻ của các cửa hàng) là 4.878 USD. Nếu tính theo lãi suất thường niên trung bình thì con số này tương đương với chi phí lãi suất mỗi năm mà mỗi người tiêu dùng phải trả, chưa tính tiền gốc – và nó có thể lên đến hơn 600 USD. Bất kể cơ chế hoạt động là gì, những loại thẻ này đều gây nhiều tốn kém đối cho người tiêu dùng.

5 Nợ thẻ tín dụng trung bình: ecreditdaily.com, http://ecreditdaily.com/2013/05/average-credit-card-debt-4878-1q-2013-tr....

Nếu là một ngân hàng hoặc tổ chức phát hành thẻ, làm thế nào bạn thuyết phục được người tiêu dùng chịu trả hết tất cả những loại phí đắt đỏ đó, chịu sử dụng thẻ thường xuyên hơn cũng như sử dụng thẻ nhiều hơn cho các khoản chi tiêu đắt tiền? Câu trả lời hiển nhiên là: các chương trình “trả thưởng”. Người dùng càng chi tiêu nhiều thì càng nhận được nhiều quà tặng, thậm chí còn được hoàn tiền cho các khoản chi tiêu đó.

Các chương trình trả thưởng có lịch sử bắt đầu từ tận năm 1896, khi Thomas Sperry và Shelly Hutchinson sáng lập ra công ty phát hành “Tem xanh S&H” (hay còn gọi là con tem Tấm khiên xanh), người tiêu dùng có thể thu thập những con tem này khi mua sắm tại các siêu thị, cửa hàng, trạm xăng và nhà bán lẻ có tham gia vào “chiến dịch tiếp thị” này. Trong thập niên 1960, cuốn catalog quà tặng của S&H đã trở thành một trong những ấn phẩm có số phát hành lớn nhất tại Hoa Kỳ, có người cho rằng trong thời kỳ đỉnh cao của mình, S&H đã phát hành lượng tem lớn gấp 3 lần Bưu điện Hoa Kỳ(6). Trong những năm 1970, các hãng hàng không hồ hởi tham gia thị trường trả thưởng, nhưng phải đến gần 2 thập niên sau đó các nhà phát hành thẻ tín dụng mới bắt đầu dùng cơ chế trả thưởng nhằm kích thích người dùng chi tiêu. Thậm chí, ngân hàng cũng không phải là nhóm doanh nghiệp đầu tiên dùng điểm thưởng cho thẻ tín dụng – đó là nhà mạng viễn thông AT&T. Vào năm 1986, AT&T tung ra thẻ tín dụng Universal Card với chương trình “Quà tặng tri ân”(7), ngay sau đó là chương trình “hoàn tiền” của thẻ Discover. Ngày nay, hơn 60% các loại thẻ tín dụng tại Hoa Kỳ có liên kết với các chương trình trả thưởng(8).

6 Greg Hatala/The Star Ledger, bài “S&H Green Stamps: In the Sixties, Americans Were Stuck on Them”, ngày 04/11/2013, www.nj.com/business/index.ssf/2013/11/ made_in_jersey_sh_green_stamps.html.

7 Xem www.universalcard.com/us/cards/ucs/personal/onlineservices.jsp.

8 Theo CreditCard.com.

Vấn đề ở đây là các chương trình trả thưởng này được thiết kế để khuyến khích việc chi tiêu thường xuyên hơn. Đối với các hãng hàng không, đây là cách khuyến khích hành khách bay nhiều hơn. Đối với thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, đây là cách khuyến khích khách hàng chi tiêu nhiều hơn, dù điều đó đồng nghĩa với việc trả chi phí nhiều hơn.

Nguyên tắc của các chương trình này khá đơn giản. Các doanh nghiệp sẽ không bao giờ áp dụng trả thưởng, nếu các chương trình này chưa từng thành công vang dội trong việc tạo ra doanh thu nhằm chi trả cho chính các giải thưởng đó. Dù cũng có một vài người dùng hưởng được lợi ích từ các chương trình này, nhưng họ chỉ là thiểu số. Các giải thưởng tự bản thân nó được thiết kế để những người dùng thẻ hay dùng dịch vụ của các hãng hàng không phải trả một mức phí nhất định thì mới nhận được những phần thưởng lớn, khiến cho phần lợi của người dùng bị triệt tiêu.

Và kể cả khi tham gia các chương trình trả thưởng, phần lớn người dùng vẫn không nhận phần thưởng của chương trình mà họ đăng ký. Clear Point Credit Counseling Solutions tính toán rằng hơn 1/3 số người dùng thẻ tín dụng không quy đổi điểm thưởng của mình mỗi năm.

Đây thật sự là tình trạng khá phổ biến, có khoảng 1/3 số người có điểm thưởng đã quên không đổi điểm thành tiền, tức trung bình mỗi người dùng đã bỏ phí khoảng 205 đô la.

– Rebecca Gershowitz, Clear Point Credit Counseling Solutions(9)

9 NBC News, “Điểm thưởng không được đổi”.

CHI PHÍ THẬT CỦA SỰ TRUNG THÀNH VÀ TIÊU DÙNG THƯỜNG XUYÊN

Vào đầu những năm 2000, tôi thường xuyên làm việc với Cathay Pacific, cụ thể là cho chương trình tích lũy dặm bay Asia Miles của họ. Cathay đã luôn tìm cách khuyến khích khách hàng chuyển đổi những dặm bay chưa dùng đến, vì nhờ vậy họ có thể thực hiện chương trình trả thưởng của mình với chi phí thấp hơn, thậm chí họ còn có thể trao đổi các chương trình khuyến mãi và cho phép mua bán dặm bay với các doanh nghiệp khác để đưa sản phẩm vào catalog của Asia Miles. Đây luôn là thử thách với doanh nghiệp, vì chương trình Asia Miles là chương trình tích điểm, và người dùng thì luôn luôn hướng đến việc “bay miễn phí nhanh nhất”. Những hành khách trung thành nhất của Cathay Pacific, những thành viên hạng Marco Polo Club, thường là những người lãnh cảm với các chương trình đổi dặm/trả thưởng, vì đối với họ điều quan trọng nhất là được trân trọng – được nâng hạng ghế, chỉ phải đứng trong những hàng chờ ngắn hơn, được lên máy bay nhanh hơn, vào phòng chờ hạng thương gia, vân vân và vân vân.

Thế nên từ đây nảy sinh ra vấn đề: Những người dùng thấy được giá trị lớn nhất của chương trình điểm thưởng thường là những người ở phía cuối của cán cân tạo lợi nhuận. Cho dù chương trình trả thưởng có thể kích thích việc bay thường xuyên hơn (và thực tế vẫn chứng minh được điều này(10)), nhưng nếu muốn có lợi nhất, hãng hàng không phải hướng sự quan tâm đến và chăm sóc sự trung thành cho các khách hàng mang lại lợi nhuận cao nhất – những người ở đầu cán cân lợi nhuận.

10 Tham khảo bài “Consumer Psychologist Examines Effectiveness of Reward Programs” trên trang Phys.org.

Tuy vậy, đến cuối cùng, khi xét về khía cạnh hiệu quả gầy dựng lòng trung thành chương trình trả thưởng, chúng ta sẽ thấy hiện tượng mọi việc được xem là suôn sẻ, chỉ cần có đủ số lượng người tham gia chương trình nhưng không sử dụng hết điểm thưởng, khiến điểm thưởng mất giá trị. Đây rõ ràng là một thử thách – nghiên cứu của Aité Group năm 2009 cho thấy hầu hết các chương trình thẻ tích điểm thưởng hiện hành không thu lại được lợi nhuận tương xứng kỳ vọng. Nghiên cứu của trường Đại học Ryerson tại Ontario, Canada vào năm 2013 thì cho thấy sự hài lòng của người tiêu dùng đóng vai trò quan trọng đối với khả năng sinh lời của các chương trình khách hàng thân thiết, theo đó, có lẽ cách tối ưu nhất để thu hút và duy trình sự trung thành của khách hàng thật ra chẳng mấy liên quan đến chuyện quà tặng hay giải thưởng(11).

11 “Financial Services Rewards Programs: The Quest for Profitability”, Aité Group, 2009.

TIẾN VÀO KỶ NGUYÊN KHÁCH HÀNG TRUNG THÀNH QUA ĐIỆN THOẠI THÔNG MINH

Điện thoại thông minh ngày nay đã làm giảm đi đáng kể những phiền phức khi đăng nhập và đổi quà tặng, điểm thưởng hay dặm thưởng. Trong khi các công ty như Starbucks và một vài nhà bán lẻ hàng điện tử đã sử dụng cách này để kích thích mua sắm, thì việc đơn giản hóa quá trình và từ đó tăng tỷ lệ đổi thưởng lại gây khó khăn cho các chương trình khách hàng thân thiết của thẻ tín dụng.

Theo nghiên cứu gần đây của CloudZync, một nhà cung cấp sản phẩm ví điện tử, người tiêu dùng thông thường hiện nay có thể truy cập đến 6 chương trình khách hàng thân thiết khác nhau chỉ trên điện thoại của mình. Dù nghiên cứu của CloudZync chủ yếu dành cho thị trường Anh, nhưng nó phản ánh việc sử dụng các chương trình khách hàng thân thiết đã gia tăng khắp các ngành và đã tác động đáng kể lên một vài lĩnh vực như bán lẻ điện máy, siêu thị và chuỗi bán lẻ thời trang(12).

13 A. Gandomi và S. Zolfaghar, bài “Profitability of Loyalty Reward Programs: An Analytical Investigation”, Omega 41, số 4 (tháng 08/2013).

Khi việc sử dụng điện thoại thông minh lan rộng và việc quy đổi giải thưởng trở nên dễ dàng, sẽ có sự sụt giảm số lượng khách hàng không quy đổi điểm thưởng, vì thế làm ảnh hưởng đến khả năng sinh lời.

Thế hệ 9X dường như đã quen thuộc hơn với các chi phí cơ hội thường gặp khi dùng các chương trình trả thưởng vốn được thiết kế đặc biệt cho thẻ tín dụng, và không dễ gì thuyết phục họ đánh đổi lãi suất cao và chi tiêu thường xuyên để lấy những giá trị thực tế của giải thưởng. Kể cả đối với việc hoàn trả tiền mặt, chỉ cần một vài tháng trả không dứt nợ là người tiêu dùng đã trừ hết phần tiền được hoàn lại.

Sự minh bạch với các khoản phí đã trở thành mối bận tâm lớn hơn nhiều đối với người tiêu dùng so với thời kỳ mới khai sinh ra thẻ tín dụng ở những năm đầu thập niên của 1990. Khi việc thanh toán dần chuyển sang “ứng dụng” nhiều hơn trên di động, thể thức sử dụng thẻ sẽ tập trung nhiều hơn vào tiện ích thanh toán, tài khoản và các chức năng ví thanh toán, cũng như cách sử dụng tiện lợi đã kích thích chi tiêu nhiều hơn là giải thưởng. Trên thực tế, có vẻ như việc sử dụng thể thức sử dụng thẻ thanh toán trên điện thoại mọi lúc mọi nơi, cộng với sự minh bạch về số dư và các khoản phí thực sự, sẽ dẫn đến việc ngừng sử dụng tất cả các loại thẻ có khuynh hướng kích thích hành vi chi tiêu.

Trong kỷ nguyên của những cá nhân biết tự tính toán, những người dùng có ý thức tốt về bản thân sẽ không đưa ra những quyết định chi tiêu chỉ dựa trên việc nhận tiền hoàn lại, hay dặm thưởng, hay quà tặng kèm. Tôi nghe nhiều ý kiến cho rằng người tiêu dùng không muốn đổi thẻ vì họ sợ bị mất quà hay hoàn tiền, nhưng thực tế là thẻ tín dụng thông minh ngày nay có thể giúp chúng ta tiết kiệm nhiều tiền hơn rất, rất nhiều lần so với khi tham gia chương trình hoàn tiền hay trả thưởng.

Và 3-4 năm sau, khi người tiêu dùng đã hiểu ra họ cần những công cụ tài chính thông minh hơn chứ không phải các chương trình trả thưởng nhiều hơn, hầu hết các chương trình thẻ sẽ trở thành chuyện của quá khứ, vì giờ thì tôi không quan tâm đến việc bạn muốn tôi chi tiêu tiền đến thế nào – nếu tôi không đủ khả năng chi trả, tôi sẽ không tiêu khoản tiền đó.

Làm thế nào chúng ta có thể thay đổi các trải nghiệm ngân hàng mỗi ngày để giúp bản thân có được tình trạng tài chính vững mạnh hơn, thay vì cứ phải chạy theo các sản phẩm luôn tìm mọi cách khiến chúng ta chi tiền nhiều hơn?

Lúc này tôi nghĩ tôi cần trao đổi với tác giả đến từ Harvard, Micheal Norton – tác giả cuốn sách bán chạy Happy Money: The New Science of Smarter Spending(14), để tìm hiểu về cách tiếp cận hoàn toàn mới với vấn đề chi tiêu và tiết kiệm có vẻ như đang ở ngay trước mắt.

14 Tạm dịch: Đồng tiền hạnh phúc: Phương thức mới giúp bạn chi tiêu thông minh hơn mỗi ngày.

Brett: Michael, từ đâu mà anh có ý tưởng viết một cuốn sách về việc chi tiêu thông minh hơn? Đâu là động lực đã thúc đẩy anh? Điều gì đã khiến anh bắt đầu viết cuốn Đồng tiền hạnh phúc?

Michael: Đồng tác giả Liz Dunn và tôi đã gặp nhau ở trường đại học, tức là thời mà cả hai đều nhẵn túi. Chúng tôi đã quá may mắn khi cùng tìm được việc làm và có thu nhập. Đều là những con mọt sách, chúng tôi nhìn quanh và quan sát, “Liệu có ai có thể hướng dẫn mình biết làm cách nào để sử dụng những gì kiếm được và khiến cuộc sống hạnh phúc hơn? Mình nên làm gì mỗi khi vừa kiếm được một ít tiền?”. Có rất nhiều cuốn sách nói về đầu tư và tiết kiệm, những điều này đúng là quan trọng thật, nhưng chúng tôi vẫn nhận thấy có quá ít sách nói về việc bạn cần phải làm gì với tiền của mình để có được hạnh phúc – để khiến bạn vui vẻ hơn. Đó chính là điều thúc đẩy tôi. Chúng tôi đã nói với nhau, “Có lẽ chúng ta nên làm vài nghiên cứu và tìm hiểu xem có cách nào giúp mọi người sử dụng tiền theo hướng tối ưu hóa hạnh phúc hay không”.

Brett: Liệu anh có nghĩ đây là một vấn đề ở các nước phát triển như Hoa Kỳ, khi mà gần một nửa dân số thực chất đang sống trong cảnh ngày nào hay ngày đó? Tiền bạc là nguyên nhân của nhiều căng thẳng, làm thế nào anh chuyển hóa chúng thành hạnh phúc?

Michael: Đây là việc vô cùng khó nếu xem xét từ một vài khía cạnh, bởi dường như hầu hết chúng ta, dù dư dả hay thắt lưng buộc bụng, đều không hài lòng với cách dùng tiền của bản thân. Vì thế, cuốn sách chúng tôi viết không nhất thiết là dành cho những người siêu giàu đang tìm hiểu xem mình nên mua hòn đảo nào. Nó dành cho tất cả những ai đang phân vân: “Mình biết làm gì với 5 đô la đây nhỉ?”.

Ví dụ, chúng tôi nhận thấy nhiều người đang tiêu rất nhiều tiền để mua cà phê uống hằng ngày. Một ly cà phê chỉ tốn có vài đô la, vậy thì sao lại không mua một ly để tự thưởng cho mình mỗi ngày? Vấn đề là vài đô la mỗi ngày, nếu tiêu vài đô mỗi ngày cho cà phê trong suốt một năm, tổng cộng bạn tiêu hàng trăm đô la tiền cà phê, thay vì dùng tiền đó để làm một điều gì đó có ý nghĩa hơn cho cuộc sống. Tôi không nói rằng cà phê là xấu; chỉ là chúng ta thường chỉ tập trung vào những quyết định chi tiêu nhất thời thay vì nhìn rộng ra tổng thể ngân quỹ của mình. Vậy nên, chúng ta đang lãng phí tiền bạc vào những thứ không làm chúng ta hạnh phúc.

Brett: Cuốn sách đã được đón nhận nồng nhiệt. Vào lúc tôi viết những điều này thì cuốn sách đang đứng thứ 2 trong danh sách của Kindle Store về danh mục “Sức khỏe tâm lý”, còn trong danh mục “Chủ nghĩa tiêu dùng” thì nó đứng hạng 3. Độc giả đã phản hồi thế nào cho ý tưởng “quản lý chi tiêu” – chẳng hạn, việc không mua một cốc cà phê và để dành tiền đó cho những cơ hội tương lai?

Michael: Hầu hết cho rằng cuốn sách đưa ra những thông tin hữu ích. Một vài nguyên tắc cho họ cảm giác mình đã biết điều này rồi nhưng lại chưa từng áp dụng vào cuộc sống. Một ví dụ, chúng tôi nói với mọi người rằng họ nên mua trải nghiệm chứ không phải là mua đồ vật. Không phải họ chưa bao giờ mua trải nghiệm. Hiển nhiên tất cả chúng ta đều từng mua trải nghiệm, đó có thể là ăn tối trong nhà hàng, thăm thú nơi này nơi kia, và những việc tương tự. Nhưng đây là lời nhắc nhở, khi bạn đang định mua bất cứ thứ gì: “Liệu tôi có đang thật sự dùng tiền theo cách giúp tôi tối ưu hạnh phúc của mình không? Hay là tôi nên dừng lại một giây và suy nghĩ: Có lẽ mình chẳng cần đồ vật này. Có lẽ mình nên mua một trải nghiệm thì hơn”. Những phản hồi mà tôi nhận được từ độc giả cho thấy điều này xảy ra trong rất nhiều quyết định nhỏ mỗi ngày. Chỉ cần thay đổi những điều nhỏ nhặt trong cách sử dụng tiền, chúng ta sẽ tích lũy được tốt hơn, và rồi sẽ trở nên hạnh phúc hơn.

Nếu chúng ta suy nghĩ kĩ về cách chi tiêu của mình, chúng ta sẽ nhận ra rằng mình thường chi tiền vào những việc không giúp chúng ta sống tốt hơn. Một ví dụ là khi chúng ta quyết định mua một căn nhà bề thế ở ngoại ô. Đó có thể là một căn nhà cực đẹp, nhưng chúng ta đã quên đi rằng cùng với nó, chúng ta đã mua luôn 2 giờ đồng hồ di chuyển mỗi ngày cho đến hết đời.

– Michael Norton, giáo sư Harvard, tác giả cuốn Đồng tiền hạnh phúc

Brett: Đúng là hầu hết chúng ta mắc một căn bệnh chi tiêu, phần lớn là do bản thân mỗi người không thật sự nhìn thấy rõ mình đang tiêu tiền như thế nào. Khi đến một cửa hàng và rút thẻ hay tiền mặt ra, chúng ta không thật sự thấy ngay được những quyết định chi tiêu nhỏ nhặt hằng ngày khi cứ tích lại thì sẽ gây tác động thế nào. Vậy làm sao có thể hướng dẫn một người học cách nhìn rõ hơn, để thấy được những quyết định nhỏ rồi sẽ tạo nên ảnh hưởng rất lớn về sau?

Michael: Đó là việc rất khó. Ai trong chúng ta cũng đều gặp phải những vấn đề này trong cuộc sống của mình. Một lát pizza mà tôi ăn chẳng thể làm tôi tăng cân được; nhưng nếu tôi ăn một lát mỗi ngày, tôi lại nhận được một hệ quả tổng hợp. Chúng ta thường gặp những vấn đề như thế khi làm những việc có vẻ như chẳng ảnh hưởng gì đối với bản thân, chúng ta hiếm khi nhìn lại tất cả những hành vi của mình để suy nghĩ về cách chúng ta sử dụng tiền. Chúng ta ăn uống như thế nào trong suốt thời gian qua, việc này ảnh hưởng thế nào đến tương lai của chúng ta?

Chúng tôi từng làm việc với một ngân hàng. Khi một khách hàng nhận được sao kê thẻ tín dụng (đôi khi sao kê này có phân loại thành những nhóm chi tiêu khác nhau vào cuối năm), chúng tôi nhận thấy danh sách ấy gần như chỉ là một bản danh sách những thứ anh đã mua cùng với ngày mà anh mua chúng. Hãy tưởng tượng nếu sao kê thẻ tín dụng được chia thành những nhóm khác nhau do anh tự chọn và anh đang tìm cách theo dõi. Và khi đó anh có thể thấy mỗi tháng: “Ôi! Tôi đã tiêu nhiều tiền cho cà phê tháng này quá. Tôi không hề biết điều này. Có lẽ tôi nên chuyển tiền đó sang dùng cho một thứ khác có thể khiến tôi hạnh phúc hơn”. Một khi chúng ta nhận được phản hồi từ những hành vi của mình, như một bảng thống kê hằng tháng chẳng hạn, chúng ta thường có cảm giác biết được những gì mình đã thật sự làm. Nhưng chúng ta có thể tự giúp mình bằng cách tổ chức và sắp xếp lại danh mục chi tiêu theo một cách dễ dàng để có thể nhận ra mình là ai (có thu nhập và nhu cầu chi tiêu thực sự ở mức nào) và mình đã làm gì.

Brett: Anh vừa nhắc đến việc chọn mua trải nghiệm thay vì đồ vật.

Và trong sách anh đề cập đến 5 nguyên tắc. Anh có thể giúp chúng tôi hiểu hơn về 5 nguyên tắc này, chúng có ý nghĩa gì trong tổng thể ý tưởng đồng tiền hạnh phúc?

Michael: Nguyên tắc đầu tiên là “Hãy dừng việc mua quá nhiều thứ, thay vào đó hãy bắt đầu mua trải nghiệm”. Có rất nhiều lý do đứng sau nguyên tắc này. Khi chúng ta mua những trải nghiệm, chúng ta trông đợi nhiều hơn vào những trải nghiệm đó, và sự trông đợi là tốt. Khi chúng ta trải nghiệm một việc gì đó, chúng ta có cảm giác lý thú hơn và mức độ hài lòng sau trải nghiệm là cao hơn rất nhiều so với việc mua xong một cái ti vi (và rồi ngồi xem một mình). Và khi chúng ta nhớ lại những trải nghiệm, chúng ta sẽ có những kỷ niệm đẹp hơn rất nhiều so với khi chúng ta mua một chiếc ti vi. Toàn bộ trải nghiệm (tính cả thời gian trước, trong và sau trải nghiệm đó) thật sự có khả năng thỏa mãn cao hơn việc sở hữu và sử dụng những đồ vật. Đây là nguyên tắc đầu tiên mà chúng tôi xác định.

Nguyên tắc thứ hai là “mua thời gian”. Tức là, nếu chúng ta suy xét kĩ về cách chi tiêu của mình, chúng ta sẽ nhận ra rằng mình thường chi tiền vào những việc không giúp bản thân sống tốt hơn, đáng hài lòng hơn. Một ví dụ thường gặp và rất dễ hiểu, khi chúng ta quyết định mua một căn nhà bề thế ở ngoại ô (một căn nhà cực đẹp), nhưng chúng ta đã quên mất rằng nếu dùng nó thì chúng ta sẽ tốn thêm 2 giờ đồng hồ di chuyển mỗi ngày.

Liệu đó có phải là cách sử dụng tốt nhất đối với từng đồng thu nhập của anh? Liệu anh có hạnh phúc hơn vào giây phút nhận ra quyết định mua sắm của mình, hóa ra đã không cân nhắc đến quá nhiều thiệt hại? Rõ ràng là, thay vì tập trung vào thỏa mãn từng niềm vui nho nhỏ, sẽ tốt hơn nếu anh đầu tư tiền để có được hạnh phúc “tổng cộng” và hoàn toàn trọn vẹn.

Brett: Thế còn thẻ tín dụng thì sao?

Michael: Chúng tôi chú trọng vào nguyên tắc “Chi trả trước, tiêu dùng sau”. Trong khi đó thẻ tín dụng thường khuyến khích chúng ta làm điều ngược lại: “Tiêu dùng trước, chi trả sau” (Tôi có thể quẹt thẻ và mua bất cứ thứ gì tôi muốn ngay bây giờ. Tôi có thể tải một album nhạc trực tuyến, tôi có thể mua cốc cà phê ngay lập tức, và hóa đơn chỉ đến sau đó rất lâu). Quá trình này không tốt cho chúng ta chút nào, vì khi trả tiền ngay, anh không phải chờ đợi, trong khi chờ đợi lại là điều nên làm và phải làm để có được những cân nhắc tốt hơn cho hiện tại, cho những tác động đến dần dần sau đó, cho tổng thể ngân sách.

Còn khi trả tiền sau, anh mang nợ, anh có nghĩa vụ trả nợ; anh trở nên lo lắng về khoản nợ đó – một trạng thái vô cùng khó chịu. Chúng tôi khuyên mọi người nên làm điều ngược lại, tức là “chi trả ngay bây giờ” (thanh toán trước cho mọi thứ bạn có từ bây giờ), sau đó mới dùng những thứ đó sau. Lấy ví dụ, hãy thanh toán cho chuyến du lịch nhiều tháng trước khi bạn lên đường, và trả toàn bộ khoản tiền này, sau đó mới đi du lịch. Cho đến khi bạn đi thì chuyến du lịch đó là hoàn toàn miễn phí, thay vì việc bạn ghi nó vào thẻ tín dụng và mỗi lần bạn quẹt thẻ để trả tiền trong chuyến đi bạn lại thấy đau đớn vì mình lại phải trả tiền từ đầu.

Brett: Quả là như thế!

Michael: Nguyên tắc tiếp theo được gọi là “xem việc đó như một phần thưởng”. Đây là một điều rất khó với chúng ta, và khi nói tới chúng ta, tôi bao gồm cả bản thân mình trong đó, vì nguyên tắc này buộc chúng ta phải từ bỏ điều mà chúng ta rất thích. Lấy ví dụ như cốc cà phê, nếu anh là một người thích uống mỗi ngày một ly cà phê latte, anh sẽ cảm thấy chán nó. Ngay cả với những điều tuyệt vời nhất trên đời – nhưng với bản chất của con người – chẳng chóng thì chầy chúng ta cũng sẽ thấy chán. Cách để khiến những điều đó trở nên thú vị trở lại là từ bỏ chúng trong một thời gian. Nếu anh bỏ cà phê trong một tuần và uống lại vào thứ Hai tuần sau, anh sẽ thấy còn thích cà phê hơn nữa. Nếu anh xem bản thu lại của một chương trình truyền hình suốt từ tập đầu đến tập cuối, tất nhiên anh vẫn thấy vẫn hay, nhưng trải nghiệm sự chờ đợi – nghỉ một tuần rồi xem tập tiếp theo – sẽ khiến anh thấy thích chương trình đó hơn. Biến mọi trải nghiệm trở thành một phần thưởng thật sự có thể giúp anh chi tiêu ít đi, vì khi ngưng việc lập tức ném tiền vào một số thứ, đến cuối cùng anh lại thấy hạnh phúc và thỏa mãn hơn với tiền trong túi và với những gì đã được chi tiêu đúng.

Brett: Còn nguyên tắc cuối cùng? Theo tôi biết, đó là điều khá bất ngờ?

Michael: Đúng thế, phần nhiều trong những nghiên cứu mà Liz và tôi thực hiện là về sự thay đổi căn cốt trong hành vi chi tiêu. Thay vì lúc nào cũng tiêu tiền cho bản thân, hãy thử thỉnh thoảng tiêu tiền vì một người khác. Mua một món quà tặng cho một người bạn, hay quyên góp tiền từ thiện, hay giúp đỡ một người vô gia cư. Chúng tôi đã nhận thấy ở nhiều trường hợp, nhìn chung khi anh tiêu tiền cho bản thân, anh không làm gia tăng mức độ hạnh phúc của mình lên là bao; nhưng tiêu tiền cho người khác lại khiến chúng ta hạnh phúc hơn nhiều.

Brett: Quả là lý thú. Toàn bộ ý tưởng các anh đưa ra về cách thức chi tiêu đúng quả là rất ấn tượng. Nhưng một trong những vấn đề mà chúng ta gặp phải trong xã hội ngày nay, lại là việc luôn chịu thôi thúc phải mua một thứ gì đó. Anh biết đấy, văn hóa tiêu dùng, rồi thẻ tín dụng ở ngay đó – rất tiện lợi. Xét trên phương diện quản lý niềm hạnh phúc thông qua chi tiêu và quản lý sức khỏe tài chính cá nhân, anh nghĩ điều đó phụ thuộc vào việc lên kế hoạch chi tiêu thay vì cứ tiêu theo ý thích ra sao, và đến mức độ nào? Chúng ta có thể làm gì để “giải quyết” sự thôi thúc đó, và có thể thay thế nó bằng điều gì mang tính kế hoạch và dễ dự đoán hơn chăng? Đó có phải là một phần của bí quyết đồng tiền hạnh phúc hay không?

Michael: Chính xác là thế. Thường thì mọi người rất ngạc nhiên khi nhận ra mình đã chi tiêu bao nhiêu phần trăm ngân sách, và chi tiêu cho các khoản mục nào. Chúng ta vẫn có thể biết được điều này ở một mức độ nào đó, nhưng về cơ bản thì chúng ta không thể biết được chính xác mình đã tiêu bao nhiêu tiền cho khoản X hay khoản Y, hay có thể có được sự so sánh đúng lúc với những thứ chúng ta ước ao. Tôi nghĩ rằng việc cho mọi người thấy được họ cần làm gì có thể giúp họ hoạch định tốt hơn cách chi tiêu của mình trong tương lai. Nhưng một mặt khác, chúng tôi cũng chỉ ra rằng có rất nhiều cuốn sách (và nhiều cuốn trong số đó là những cuốn sách tuyệt vời) nói rằng anh nên giảm chi tiêu và tăng tiết kiệm vì điều này sẽ tốt hơn cho hạnh phúc về lâu về dài của anh. Đương nhiên, chúng tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm ấy, nhưng nếu nói điều đó với người đang muốn chi tiêu thì chẳng khác nào nói rằng: “Này, tôi biết bạn rất thích ẩm thực, nhưng đừng có mà ăn thêm gì nữa”. Nó gây cho người đối diện tâm lý họ bị kìm hãm, và điều này có thể gây phản tác dụng.

Xét cho cùng, chúng ta vẫn là con người. Dẫu có biết được điều gì là tốt cho bản thân, chúng ta sẽ cố gắng làm, nhưng rồi cũng lại nhanh chóng bỏ cuộc. Và thường thì đó lại là: tiết kiệm, kiểm soát chi tiêu, quản lý tài chính cá nhân.

Vì vậy, một trong những điều chúng tôi muốn truyền đạt thông qua cuốn sách của mình là: “Bạn là con người. Và bạn muốn tiêu tiền. Bạn đã làm việc cật lực để kiếm được số tiền đó, giờ bạn muốn dùng nó cho những thứ bạn thích. Khi bạn có suy nghĩ đó, thì chí ít bạn cũng nên dùng tiền cho điều sẽ khiến bạn hạnh phúc thực sự. Hy vọng rằng bạn sẽ tiết kiệm được tiền trong quá trình đó, nhưng ít nhất thì khi bạn tiêu tiền, hãy tiêu tiền vào những điều có thể gia tăng niềm hạnh phúc của bạn”.

Brett: Michael, hãy nói cho chúng tôi về công việc của anh tại Harvard và những ảnh hưởng phía sau đó và điều anh đang cố gắng xây dựng một cách có hệ thống.

Michael: Một phần công việc của tôi là làm việc cho các doanh nghiệp.

Nếu chúng tôi có một hiểu biết gì về cách khiến con người hạnh phúc hơn khi họ tiêu tiền, các doanh nghiệp có thể sử dụng dữ liệu và kiến thức đó để thay đổi cách khách hàng chi tiêu và khiến khách hàng hạnh phúc hơn phải không? Và cũng có thể thay đổi cách chính các nhân viên chi tiêu, để nhân viên được hạnh phúc hơn phải không? Chúng tôi cố gắng suy nghĩ rộng ra về cách các tổ chức có thể khuyến khích những thành viên chủ chốt, như khách hàng hay nhân viên để khi tiêu tiền có thể nhận được nhiều giá trị hơn. Và như thế, hy vọng là chính những người này sẽ mang lại giá trị cho doanh nghiệp đã giúp mình đạt được điều đó. Khách hàng sẽ trở nên trung thành hơn, hay nhân viên làm việc cần mẫn hơn và mang lại cho công ty thành tích tốt hơn.

Brett: Hãy kể cho tôi nghe về những doanh nghiệp mà anh đã cộng tác, hoặc một vài tổ chức mà anh từng liên hệ làm việc cùng.

Michael: Chúng tôi đã nói về lợi ích của việc tiêu tiền cho người khác thay vì cho bản thân mình, nó sẽ giúp chúng ta hạnh phúc hơn. Đối với một công ty thì sao?

Chúng tôi đã từng làm một nghiên cứu – hãy tưởng tượng, một người nhận được một lá thư từ Crate & Barrel(15), thay vì “Tặng bạn 50 đô la cho lần mua sắm sau” như những kiểu khuyến mãi thông thường, anh ta lại nhận được một tấm phiếu có ghi “Đây là 50 đô la quyên góp từ thiện. Cảm ơn bạn đã trở thành khách hàng của chúng tôi. Và nhân đây, có một tổ chức từ thiện phi chính phủ tên DonorsChoose.org. Họ hỗ trợ giáo viên tại các trường công, chủ yếu là từ các thành phố và thị trấn có thu nhập thấp có thể đăng tải các dự án và bạn có thể đóng góp trực tiếp”. Nếu bạn là người nhận, bạn sẽ thấy thế nào? Một vài người đã giúp ngay lập tức. Sau đó, họ được Crate & Barrel gửi một bằng chứng nhận của Donors Choose.

15 Crate & Barrel: chuỗi cửa hàng bán lẻ chuyên về trang thiết bị gia đình, đồ nội thất và dụng cụ trong nhà. (ND)

Đây là một mô hình ứng xử hoàn toàn khác với khách hàng, so với “Giảm ngay 25 đô la khi bạn mua một đơn hàng trị giá 100 đô la”, hoặc tương tự.

Tất nhiên, khách hàng vẫn hưởng ứng những chương trình khuyến mãi và quà tặng, vì thế đó không phải là một chiến lược sai lầm. Nhưng hãy nghĩ về sự thay đổi trong tình cảm của khách hàng dành cho một doanh nghiệp biết nghĩ đến việc giúp người dùng làm những điều tốt đẹp cho thế giới. Liệu khách hàng có quay lại và trở nên trung thành với doanh nghiệp hơn không?

Brett: Khoảng 60% những bức thư tôi nhận được vẫn là khuyến mãi từ các công ty dịch vụ tài chính, khuyến khích tôi tiêu nhiều tiền hơn trên thẻ tín dụng để nhận được các ưu đãi. Hiện nay chúng ta đã có một hệ thống, dường như đang hoàn lại tiền cho việc anh tiêu tiền, và hệ thống này được thiết kế để hướng con người tiêu ngày càng nhiều tiền hơn. Làm thế nào chúng ta có thể thay đổi điều này? Làm thế nào chúng ta thay đổi được cách tiếp cận đã thành hệ thống này, hệ thống mà các ngân hàng tưởng thưởng cho việc bạn tiêu tiền nhiều hơn bất kể điều đó là tốt hay xấu, hay có khiến bạn hạnh phúc hơn hay không?

Michael: Đây là một câu hỏi rất khó trả lời, bởi lẽ, hiển nhiên các ngân hàng thu được tiền nếu chúng ta tiêu tiền. Một vài ngân hàng đang nghĩ nhiều hơn đến việc quản lý khách hàng thay vì việc kiếm lợi nhuận trước mắt. Nhưng đây là sự thay đổi tư duy rất chậm rãi. Thay vì gửi các quảng cáo khuyến mãi thẻ tín dụng, hàng triệu khuyến mãi như thế mỗi năm, điều gì sẽ xảy ra nếu các ngân hàng nghĩ nhiều hơn đến khách hàng? Điều gì sẽ xảy ra nếu các ngân hàng có thể giúp khách hàng trở thành người tiêu dùng tốt hơn? Điều này là tốt cho khách hàng vì họ có thể có điều kiện tài chính tốt hơn, nhưng đồng thời cũng tốt cho ngân hàng vì họ có thể bán cho khách hàng những sản phẩm khác có khả năng thu lời và có lợi nhuận cao hơn. Đây là cách nhìn rất dài hơi về quản lý khách hàng. Trong nhiều ngành công nghiệp, điều này chẳng bao giờ xảy ra. Chúng tôi đã trao đổi với một vài người với suy nghĩ “Làm thế nào chúng ta có thể giúp mọi người chi tiêu tốt hơn? Đằng nào họ cũng sẽ tiêu tiền, chí ít hãy giúp họ tiêu tiền một cách tốt hơn; và có thể chúng ta sẽ biến họ thành những khách hàng dài lâu và thật sự giúp họ, và kiếm được lợi nhuận nhiều hơn”.

Brett: Điều này đã xảy ra chậm rãi trong khoảng 30 đến 40 năm trở lại đây trong ngành tín dụng, nhưng để sử dụng ví dụ của anh trong quá trình ra quyết định, việc này cũng giống như khi bác sĩ nói với anh: “Nào, tôi muốn đưa ra một lời khuyên cho sức khỏe của anh. Hãy đến gặp tôi và tôi sẽ đưa ra những lời khuyên tốt nhất giúp anh khỏe mạnh hơn và sống lâu hơn”. Và khi anh bước chân vào đó, bác sĩ sẽ nói: “Đây, hãy ăn vài lát pizza, vài miếng sô cô la, và ăn hết nhé!”. Vì vấn đề này; các ngân hàng lẽ ra phải giúp chúng ta tiết kiệm và trở nên lành mạnh hơn về tài chính, nhưng dường như các ngân hàng đã mất đi nhiệm vụ này. Ngân hàng nào đang thật sự cố gắng để thay đổi mô hình này?

Michael: Có một vài doanh nghiệp như thế. Ví dụ, một vài người có thể thấy quảng cáo mới của Prudential, họ đã dùng những nhà xã hội học để nói về những lợi ích của việc thay đổi cách chúng ta chi tiêu và suy nghĩ đến lúc về hưu. Có cảm giác rằng nếu người tiêu dùng thay đổi hành vi chi tiêu tốt hơn, đúng, nó sẽ tốt hơn cho bản thân họ, đồng thời cũng có thể tốt hơn cho doanh nghiệp trong dài hạn. Vấn đề mới chỉ bắt đầu diễn ra sau thời kỳ khủng hoảng kinh tế, và các doanh nghiệp cũng như các ngành công nghiệp cần phải mất thời gian rất lâu mới có thể thay đổi. Chúng ta sẽ xem trong tương lai những dự án này có thể thành công và kéo dài hay không.

Brett: Hiện nay, chúng ta có rất nhiều công nghệ mới thú vị đang xuất hiện và ngày càng phổ biến hơn. Chúng ta cũng có điện thoại thông minh, hiển nhiên là ngày càng trở nên phổ biến và đang tác động sâu sắc đến cả những hoạt động cơ bản nhất, như ngân hàng chẳng hạn. Chúng ta có những thiết bị mới như Google Glass và khả năng truyền đạt thông tin đúng thời điểm. Theo anh thì những công nghệ mới này, khả năng sử dụng dữ liệu hoặc môi trường đan xen phong phú này có thể giúp chúng ta thế nào trong việc quản lý chi tiêu? Hoặc những công cụ nào anh nghĩ sẽ xuất hiện để có thể giúp chúng ta trong việc này?

Michael: Cũng như nhiều thứ khác trong cuộc sống, những công nghệ này có khả năng giúp đỡ chúng ta nhưng cũng có thể hại chúng ta. Ví dụ như việc quảng cáo trên điện thoại. Khi tôi vừa đi qua cửa hàng McDonald’s và tôi lựa chọn đọc tin nhắn của họ, họ có thể gửi cho tôi tin nhắn khuyến mãi giảm giá một nửa đối với sinh tố khi tôi đang đứng ngay trước cửa hàng. Tôi không biết anh có giống tôi không, nhưng tôi thì hầu như không thể kiềm chế được. Có những cách khuyến khích chúng ta tiêu tiền nhiều hơn và dường như ít lành mạnh hơn. Nhưng anh cũng có thể nghĩ theo cách rằng những công nghệ này giúp chúng ta dùng tiền tốt hơn. Chẳng hạn, chúng ta vừa thảo luận về một ngân hàng phát triển một ứng dụng cho phép người dùng xem lịch sử tín dụng của mình, và khi mua một sản phẩm thì sẽ tính được chính xác chi phí đối với người dùng. Và anh sẽ thấy được những thông tin này ngay trước khi anh mua hàng. Sản phẩm có thể chỉ trị giá 200 đô la, nhưng với những khoản nợ hiện tại và khả năng chi trả của anh, có thể món hàng đó sẽ có chi phí lên tới 480 đô la. Liệu anh có còn muốn mua nó không? Còn có trường hợp – chúng tôi hy vọng ứng dụng này sẽ được phát triển sớm – công nghệ cho phép chúng ta tính toán tác động lâu dài đối với hành vi chi tiêu của mình. Mối lo ngại ở đây dĩ nhiên là người dùng sẽ chỉ liếc qua ứng dụng này một lần và không muốn sử dụng nó nữa. Cũng như tất cả mọi việc trong cuộc sống, luôn có những vấn đề phải đấu tranh.

Brett: Có nhiều điều liên quan đến tâm lý học liên quan đến vấn đề này. Khi anh tìm cách thay đổi hành vi của một người nào đó về cách chi tiêu của họ, những cơ sở tâm lý nào có thể giúp chúng ta thay đổi những việc chúng ta làm theo bản năng, như mua một ly cà phê mỗi ngày chẳng hạn?

Michael: Nhìn chung là vô cùng khó để thay đổi những thói quen. So sánh tôi thường dùng là việc ăn uống vì tôi nghĩ cũng khá tương đồng. Dù tôi có thể nói với anh mỗi ngày là anh nên ăn uống lành mạnh và tập thể dục, và anh cũng biết điều đó, anh biết tất cả các nghiên cứu và số liệu, nhưng mỗi ngày chúng ta vẫn cứ ngồi ỳ ra đó và ăn pizza cùng nhau thôi. Phải mất nhiều thời gian và công sức để thay đổi thói quen. Có rất nhiều nghiên cứu đưa ra những gợi ý có thể giúp ích. Nếu tôi khuyến khích anh tự chủ động chi tiêu tốt hơn, thì điều đó có lẽ sẽ tốt hơn cho anh.

Brett: Làm thế nào để chúng ta tạo ra những tình huống thúc đẩy người dùng đi đến những quyết định tốt hơn thay vì nói, “Hãy nghĩ đến khoản chi tiêu này” và “Có lẽ tiêu tiền sẽ không tốt cho bạn?” Có những cách nào tích cực và chủ động hơn mà chúng ta có thể thực hiện mỗi ngày?

Michael: Đây là một câu hỏi tuyệt vời, và chúng tôi cũng đang suy nghĩ rất kĩ lưỡng về vấn đề này. Về cơ bản, “Tiêu tiền rất vui, và bạn sẽ nhận được một thứ gì đó sau khi tiêu tiền”. Và “Tiết kiệm thì rất tệ và bạn chẳng nhận được gì cho mãi đến 50 năm sau”. Việc phải đánh đổi giữa 2 điều này – rõ ràng không cần suy nghĩ nhiều; đương nhiên anh sẽ tiêu tiền của mình rồi. Có cách nào để giúp việc tiết kiệm trở nên vui hơn không? Ví dụ mà tôi hay sử dụng là chúng ta biết rằng tiết kiệm là rất chán vì ngay từ khi còn bé, chúng ta đã phải làm cho việc tiết kiệm vui hơn nếu không chúng ta sẽ không làm. Ý tưởng về con heo đất – và tại sao heo đất lại trở nên phổ biến, tại sao trẻ con lại thích chúng? Vì đó là một chú heo, và chúng ta sẽ cho heo ăn; rồi sau đó chúng ta phải đập vỡ heo để lấy tiền ra.

Không có chương trình nào mà chúng ta đang có trên thị trường hiện nay có thể biến việc tiết kiệm trở nên vui vẻ hơn hay làm cho việc ngừng tiết kiệm trở nên khó khăn hơn khi anh muốn thay đổi hành vi của mình. Chúng tôi đang cố gắng suy nghĩ đến những cách khiến việc tiết kiệm trở nên vui vẻ cho mọi người để tạo động lực giúp họ tiết kiệm. Anh có thể tưởng tượng chẳng hạn như thử thách thi đua tiết kiệm giữa mọi người, khi đó một nhóm bạn sẽ đăng ký và ai tiết kiệm được nhiều hơn sẽ nhận được tiền thưởng của ngân hàng cho phần tiết kiệm nhiều nhất của mình. Mọi người đều có lợi. Ngân hàng sẽ được lợi vì khách hàng tiết kiệm nhiều hơn và ngân hàng có nhiều vốn hơn. Chúng ta cũng có lợi vì tiết kiệm được nhiều hơn. Và vì tôi chiến thắng tất cả mọi người trong tháng này, tôi có thêm 25 USD tiền thưởng chẳng hạn. Chúng tôi không biết liệu điều này có thành công không, nhưng đó là một trong những ý tưởng chúng tôi đang suy nghĩ để xem có thể làm gì khiến việc tiết kiệm trở nên hào hứng chứ không nhàm chán như hiện nay.

BÀI HỌC RÚT RA

Một cách thầm lặng, đang có một xu hướng diễn ra tại Bank of America, Chase, HSBC, và nhiều ngân hàng khác đang từ bỏ các khách hàng mang lại tỷ lệ lợi nhuận thấp. Trong khi một số người có thể nói rằng việc này có thể mang lại lợi ích cho các ngân hàng cộng đồng địa phương và các sản phẩm trả trước như Bluebird, Green Dot, NetSpend, và những ngân hàng tương tự đang dần chiếm thị trường, đã xuất hiện một nhận định rộng rãi rằng có một phân khúc khách hàng ngày càng mở rộng không mang lại lợi nhuận. Trừ khi khách hàng có sở hữu tài sản và sử dụng nhiều sản phẩm và dịch vụ ngân hàng cùng lúc, khả năng cao là họ không phải là khách hàng tiềm năng mà nhiều ngân hàng lớn nhắm đến trong trung hạn.

Chi phí quản lý và chi phí vận hành cơ sở hạ tầng ngân hàng hiện nay ngụ ý rằng có một gánh nặng về tính hiệu quả trong chi phí cần phải đạt đến trước khi một khách hàng được nhìn nhận là mang lại lợi nhuận. Đây là một ý tưởng khá mới mẻ. Trước đây, các ngân hàng thường chủ trương giữ các khách hàng ít mang lại lợi nhuận với tài khoản tiết kiệm, vì những khoản tiết kiệm này có thể làm đòn bẩy tín dụng. Tuy nhiên hiện nay, những khoản tiết kiệm này chỉ còn là trách nhiệm, và các ngân hàng phải nhờ vào thị trường huy động vốn cho các dịch vụ tín dụng. Thể thức đã thay đổi. Và đó chính là vấn đề. Theo dữ liệu gần đây, khoảng 45 đến 70% khách hàng tại Hoa Kỳ không có khoản tiết kiệm hoặc dự phòng nào – và nếu điều này có ý nghĩa như chúng ta nghĩ, thì trong thập kỷ tiếp theo các ngân hàng lớn sẽ có xu hướng từ bỏ tất cả các khách hàng ngoại trừ các khách hàng có khả năng mang lại lợi nhuận cao, tức là các khách hàng giàu có nhất. Một lựa chọn khác là các ngân hàng có thể xây dựng những sản phẩm riêng nhằm mô phỏng cấu trúc đơn giản của các dịch vụ trả trước mà chúng ta đã thấy trên thị trường, nhưng dĩ nhiên phải bỏ qua hành vi đơn giản nhất của tài khoản thanh toán. Không có động lực nào để họ đưa thêm giá trị, thông tin hay lời khuyên cho khách hàng đang cần đến điều đó nhất vì những hoạt động này không giúp đem lại lợi nhuận cao hơn – mà ngược lại còn khiến phí dịch vụ đắt hơn, và khiến dịch vụ thấu chi và tín dụng bị cản trở chẳng hạn.

Đã có nhiều đề xuất cho một lời thề Hipocrates đối với các ngân hàng và tổ chức quản lý ngân hàng(16), cũng như các nỗ lực từ CFPB(17) và các tổ chức khác tại Hoa Kỳ cũng như nhiều nước để khuyến khích ngân hàng hành xử đúng đạo đức hơn, nhưng cuối cùng, dường như để có được hạnh phúc từ tiền của mình, phần lớn phụ thuộc vào việc bạn có quản lý đồng tiền hiệu quả hay không.

16 “Cần lời thề Hippocrates đối với Quản lý”, American Banker, 19/12/2013:

www. americanbanker.com/bankthink/hippocratic- oath-for-regulatory-guidance- needed-1064348-1.html.

17 CFPB: Cục bảo vệ tài chính người tiêu dùng. (ND)

Điều mà Michael Norton và những người khác đang nói với chúng ta chính là có nhiều yếu tố tâm lý liên quan đến việc chi tiêu. Chúng ta đã biết rằng thế giới vận hành dựa trên tiền, nhưng nếu bạn cảm thấy mất kiểm soát, hay không biết mình đang đứng đâu, điều này sẽ dẫn đến căng thẳng nặng nề. Chúng ta cần phải có kiểm soát tốt hơn và nhận biết rõ ràng hơn về tác động của những quyết định chi tiêu nhỏ cứ cộng dồn lại qua thời gian và làm thay đổi tình trạng tài chính của chúng ta. Chúng ta cũng có thể sử dụng công nghệ trò chơi và các kỹ thuật khác, những công cụ đã được sử dụng rất thành công trong ngành công nghiệp thể thao ngày nay, để khuyến khích sự thay đổi tích cực trong hành vi của con người.

Hạnh phúc với tiền của mình không có nghĩa là phải thay đổi cách nghĩ hay thái độ; mà đúng hơn là có được những công cụ phù hợp để làm những điều có ý nghĩa cho sức khỏe tài chính của bạn mỗi ngày, khi bạn đưa ra những quyết định chi tiêu.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3