Nghệ Thuật Xoay Chuyển Tình Thế - Chương 10

5. VƯỢT QUA GIỚI HẠN BẢN THÂN NĂNG LỰC CÁ NHÂN

Càng chăm chỉ, tôi càng gặp nhiều may mắn.

— ARNOLD PALMER —

Trong chương 4, chúng ta đã xem xét các phương pháp tác động tới sự hài lòng để thay đổi những hành vi mang tính quyết định. Một điểm cần bổ sung nữa là có thể chúng ta đang tự giới hạn thành công của bản thân khi cho rằng nguyên nhân của thất bại là do thiếu động lực. Chúng ta mắc phải lỗi mà nhà tâm lý học Lee Ross gọi là “lỗi quy kết cơ bản”. Chúng ta cho rằng mọi người không thay đổi chỉ đơn giản vì họ không muốn thay đổi. Khi mắc phải lỗi này, chúng ta sẽ đánh mất đòn bẩy quan trọng tạo nên sự thay đổi.

Ngay cả khi nhận thấy con người thiếu khả năng thực hiện hành vi mang tính quyết định, chúng ta vẫn đánh giá thấp sự cần thiết phải tìm hiểu và thực hiện hành vi đó. Các nhà lãnh đạo tập đoàn mắc lỗi này khi họ cử nhân viên đi tham dự buổi đào tạo chuyên sâu về kỹ năng lãnh đạo mà ở đó chỉ có mỗi việc lật qua lật lại các trang sách hoặc lắng nghe những câu chuyện hấp dẫn mà không hề có thời gian thực hành các kỹ năng. Và do đó, những người tham dự sẽ cho rằng lý thuyết và thực hành kỹ năng lãnh đạo chỉ là một. Tất nhiên, chúng không hoàn toàn giống nhau, song nhìn chung, những người tham dự thường trở về văn phòng và chỉ áp dụng một phần rất nhỏ những gì đã học được.

Khi các nhà lãnh đạo và các chuyên gia đào tạo đưa ra quá nhiều động lực song lại có quá ít cơ hội để phát triển năng lực, thay vì tạo ra sự thay đổi, họ chỉ tạo ra sự phẫn nộ và chán nản. Các bậc thầy xoay chuyển luôn lựa chọn thủ thuật ngược lại. Họ tái đầu tư vào các chiến thuật giúp tăng cường năng lực. Họ thường tránh giải quyết các vấn đề về năng lực với các biện pháp động lực mạnh mẽ hơn.

Chúng ta rất dễ nhầm lẫn giữa các vấn đề về động cơ và năng lực, vì vậy, hãy quay trở lại với Henry ― anh bạn đang cố gắng giảm cân.

LUÔN CÓ HY VỌNG CHO MỌI NGƯỜI

Một trong những hành vi mang tính quyết định của Henry ‒ chỉ ăn cà rốt thay cho sôcôla ‒ hiện đang gặp trở ngại. Ngay lúc này, Henry đang đút thanh sôcôla dở dang vào vỏ. Henry biện hộ rằng anh không mua thanh kẹo này. Một đồng nghiệp biết anh rất thích sôcôla nên đã tặng. Nó đã nằm trên bàn làm việc của anh hơn một tuần.

Ít phút trước, Henry cầm thanh kẹo lên chỉ để cảm nhận sức nặng của thanh kẹo ra sao. Anh thấy giấy bọc đã bong ra, để lộ phần sôcôla đỏ bóng đầy cám dỗ ở ngay bên trong.

Tiện tay, Henry giật nốt lớp vỏ khỏi thanh kẹo. Vài giây sau, anh cảm thấy mình không còn đủ tỉnh táo nữa. Không chút nghĩ ngợi, Henry kéo ngược phần giấy bọc trên cùng của thanh kẹo, làm phô ra thanh kẹo thơm ngon. Mùi hương sôcôla quyến rũ đưa anh về với bao kỷ niệm ấu thơ, những ngón tay anh chạm vào phần sôcôla nâu đen ― thật khiêm nhường, vô hại nhưng lại vô cùng sảng khoái. Anh đưa kẹo lên miệng và thế là hết. Thanh sôcôla bắt đầu quá trình chuyển hóa từ cacao, chất béo và đường thành những ngấn mỡ thừa trên cơ thể.

Vấn đề là ở đó. Đáng lẽ Henry được tận hưởng niềm vui thích thầm kín của mình thì anh lại cảm thấy thất vọng. Mỗi lần cho sôcôla vào miệng anh lại thấy mình đang sao nhãng chế độ ăn kiêng. Rõ ràng, Henry không có chút sức mạnh ý chí nào. Anh là một kẻ yếu đuối. Mới đây thôi, anh đã dũng cảm cắt giảm lượng calo và tự hứa sẽ bắt đầu một chế độ tập luyện. Con người mới đầy sức mạnh của Henry chỉ kéo dài được tám ngày. Sau khi chạm tay vào thanh kẹo, anh đã không cưỡng lại được sức cám dỗ.

Henry tự hỏi liệu mình có thể vượt qua căn bệnh mà anh đã vật lộn bấy lâu khi không thể tuân thủ chế độ ăn kiêng và không thể tập thể thao hiệu quả hay không. Rõ ràng anh phải chịu số phận bi đát của một người béo phì nặng nhọc. Nhưng có một điều mà Henry chưa biết: một cuộc nghiên cứu đã chỉ ra rằng đó không phải là số phận. Anh hoàn toàn có thể học cách vượt qua sức cám dỗ của thanh sôcôla cũng như tăng cường khả năng tập thể thao.

Ngày còn nhỏ, khi mẹ Henry nói rằng anh không phải là người có tài ăn nói, còn cha anh nói anh không khả năng lãnh đạo, Henry đã tin rằng mình sinh ra không phải để làm được điều gì to tát. Trở thành một vận động viên điền kinh đẳng cấp, đó là điều không thể. Âm nhạc cũng không dành cho anh, còn khả năng giao tiếp thì hoàn toàn không tốt. Sau này, anh phát hiện ra tiêu tiền, lao vào trò chơi điện tử và ngốn sôcôla Thụy Sĩ mới là những thứ dành cho anh. Không gì có thể thay đổi được vì Henry, cũng giống bao người khác, không thể chống lại những gì thuộc về di truyền.

May thay, mọi chuyện không phải như vậy. Henry chỉ mắc hội chứng mà Carol Dweck ‒ nhà nghiên cứu thuộc Đại học Stanford, gọi là “niềm tin bất di bất dịch”. Nếu anh tin rằng mình không thể cải thiện cuộc sống của bản thân, anh sẽ không muốn cố gắng và kết quả sẽ xảy ra như điều đã tiên đoán. Nhưng Henry đã gặp may. Gien di truyền không đóng vai trò gì trong việc quyết định thể lực, sức mạnh tinh thần và tất nhiên, cả tính kỷ luật. Những đặc điểm mà các học giả từng cho là do yếu tố di truyền hay các đặc điểm tồn tại suốt đời hóa ra có thể học được, nó cũng giống như trẻ em học đi, học nói và học huýt sáo. Điều đó có nghĩa là Henry có thể thoát khỏi tình trạng hiện tại. Anh có thể áp dụng cái mà Dweck gọi là “niềm tin gia tăng”. Henry chỉ cần học cách phát triển các kỹ năng và kỹ thuật mà các bậc thầy xoay chuyển thường sử dụng. Anh phải học như thế nào? Cũng giống như hầu hết chúng ta, Henry sinh ra để làm những điều tốt đẹp; chẳng qua là anh chưa tìm ra cách phát huy chúng mà thôi.

Để minh họa cho điều này, hãy xem các nhà nghiên cứu tiến hành một cuộc điều tra để tìm ra yếu tố quan trọng nhất của tính kỷ luật. Đây là nét tính cách đáng để tìm hiểu. Nếu bạn vượt qua được sức cám dỗ của mùi sôcôla hay những sản phẩm mới bóng bẩy trước khi có tiền chi trả ― tức là khả năng kiềm chề cơn thèm khát ― thì đó không phải là một nét tính cách, vậy nó là gì?

Giáo sư Walter Mischel thuộc Đại học Stanford đã tiến hành nghiên cứu vấn đề này vì muốn tìm hiểu tại sao con người khó cưỡng lại sự cám dỗ. Liệu có phải một số người có những tính cách tốt còn người khác thì không? Và nếu như vậy, liệu những tính cách đó có quyết định toàn bộ sự thành bại trong cuộc đời? Điều mà Mischel khám phá đã thay đổi vĩnh viễn ngành tâm lý.

PHẦN LỚN Ý CHÍ LÀ KỸ NĂNG

Khi Timmy, một bé trai bốn tuổi, ngồi trong phòng thí nghiệm của khoa tâm lý học thuộc Đại học Stanford, cậu bé nhìn thấy một viên kẹo dẻo trên bàn. Đây là thứ mà mẹ Timmy hay cho vào cốc sôcôla nóng của cậu. Timmy rất muốn ăn nó.

Người đàn ông đã đưa Timmy vào phòng cho cậu hai lựa chọn. Hoặc ông sẽ ra khỏi phòng trong giây lát và Timmy có thể ăn viên kẹo ngay nếu cậu muốn. Hoặc Timmy đợi ít phút cho đến khi ông quay lại và cậu sẽ được ăn hai viên.

Sau đó, người đàn ông rời phòng. Timmy nhìn chăm chăm vào chiếc kẹo ngọt hấp dẫn, cựa quậy trên ghế, chân đá lung tung, cậu đang cố gắng tự chủ. Nếu đợi được, cậu sẽ có hẳn hai viên kẹo dẻo! Nhưng sức cám dỗ mạnh hơn, cậu dướn người qua bàn, với lấy viên kẹo, hồi hộp nhìn quanh rồi đút cả viên kẹo vào miệng. Rõ ràng, Timmy và Henry đều có nét giống nhau về điểm này.

Timmy là một trong số hàng chục đối tượng mà tiến sĩ Mischel và các đồng sự đã nghiên cứu trong hơn 40 năm. Ông muốn tìm hiểu xem bao nhiêu phần trăm những người trẻ tuổi có thể kiềm chế sự thèm muốn và những hậu quả từ hành vi đó ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống sau này của họ. Giả thuyết Mischel đặt ra là những đứa trẻ có khả năng tự chủ từ nhỏ thì sau này sẽ thành công hơn.

Trong các cuộc nghiên cứu, Mischel quan sát và tiếp xúc với những đứa trẻ cho đến khi chúng bước vào độ tuổi trưởng thành. Ông phát hiện khả năng kiềm chế sự thèm muốn có ảnh hưởng sâu sắc hơn cả dự đoán. Chỉ theo dõi bọn trẻ trong vài phút, các nhà nghiên cứu đã thu được những kết quả rất ấn tượng. Những đứa trẻ đợi để có viên kẹo thứ hai sẽ trở thành người giao thiệp tốt, tự tin, đáng tin cậy và có thể giải quyết mọi phiền toái. Trong kỳ thi SAT, chúng cũng đạt điểm cao hơn những đứa trẻ chọn ăn kẹo ngay lập tức, trung bình là 210 điểm. Điều này thật sự rất đáng chú ý.

Các cuộc nghiên cứu trong những thập kỷ sau đó được áp dụng với nhiều lứa tuổi khác nhau (gồm cả người lớn) đã xác nhận những cá nhân rèn luyện được tính tự chủ sẽ thành công hơn những người khác. Nếu có khả năng tự chủ tốt, học sinh trung học sẽ ít mắc các vấn đề về ăn uống, sinh viên đại học cũng đạt kết quả học tập tốt hơn, còn những người đã lập gia đình hay đi làm cũng tạo dựng được những mối quan hệ tốt đẹp và sự nghiệp thành đạt hơn. Thực tế, những người kém tự chủ rất dễ nổi giận, mắc lỗi, gặp phải những vấn đề sức khỏe và những thứ tương tự…

Có thể thấy, dường như Mischel đang mắc vào đặc điểm di truyền bẩm sinh. Những đứa trẻ có khả năng cưỡng lại sự cám dỗ trước bẩm sinh sẽ thành công hơn trong cuộc đời. Sự thật là phản ứng của đứa trẻ bốn tuổi trước một viên kẹo có thể giúp ta dự đoán nó sẽ thành công hay thất bại trong cuộc đời ― đứa trẻ rất hứng thú hay chán nản ― phụ thuộc vào việc bạn có khả năng “chờ” hay “đòi ăn” luôn. Hoặc bạn sẽ vượt qua được những cám dỗ trong cuộc đời hay sẽ phải trả giá đắt cho hành động vui thú hiện tại ― cũng giống như tình trạng mà Henry phải gánh chịu.

Nhưng đây có phải là điều thật sự diễn ra đối với những nghiên cứu này không? Có phải một số người sinh ra là để thành công còn kẻ khác thì thất bại?

Điều có thể thấy rõ qua các nghiên cứu này là khả năng kiềm chế sự thèm muốn có thể dự đoán được nhiều kết quả lâu dài trong tương lai. Kết quả nghiên cứu với chiếc kẹo dẻo không có gì để nghi ngờ. Tuy nhiên, trong nhiều năm, các nhà khoa học vẫn tiếp tục bàn cãi về nguyên nhân của hiệu ứng mạnh mẽ này. Liệu tính tự chủ có gốc rễ từ tính cách bướng bỉnh hay từ cái gì đó mà ta có thể học được?

Năm 1965, tiến sĩ Mischel cộng tác với Albert Bandura trong một nghiên cứu công khai với giả định ý chí là một đặc điểm bẩm sinh không thể thay đổi. Là nhà nghiên cứu về nhân học, Bandura làm việc với Mischel nhằm thiết kế một thử nghiệm để kiểm chứng tính ổn định của những đối tượng đã từng kiềm chế được sự thèm muốn. Trong một thí nghiệm tương tự với chiếc kẹo dẻo, hai học giả đã quan sát các học sinh lớp bốn và năm trong những hoàn cảnh tương tự. Họ để những em không kiềm chế được sự thèm muốn tiếp xúc với những tấm gương mẫu mực về khả năng kiềm chế. Chúng thấy những người này chợp mắt một lát hoặc thực hiện một vài hoạt động thư giãn. Những em bé vốn là đối tượng “đòi ăn ngay” này phát hiện ra thủ thuật nhằm kiềm chế sự thèm muốn và thực hiện y như vậy.

Chỉ ngay sau khi tiếp xúc với tấm gương mẫu mực này, những đứa trẻ từng thất bại trong việc kiềm chế nay chợt trở thành “ngôi sao” trong chính việc này. Thú vị hơn, trong các nghiên cứu sau đó, những em học được cách kiềm chế vẫn duy trì những điều đã học chỉ sau một buổi làm mẫu ngắn ngủi. Vậy còn vấn đề về đặc điểm di truyền hay nét tính cách bẩm sinh?

Lời giải đáp cho câu hỏi quan trọng này chính là tin tốt lành cho tất cả chúng ta và chắc chắn mang lại hy vọng cho Henry. Khi Mischel quan sát kỹ những cá nhân cố gắng đạt được phần thưởng lớn hơn, ông rút ra kết luận là những người kiềm chế được sự thèm muốn thực ra là những người khôn khéo tránh được những cám dỗ trước mắt mà thôi. Họ không tránh né cám dỗ mà sử dụng những thủ thuật có thể áp dụng dễ dàng và cụ thể giúp họ không tập trung vào cơn thèm hiện tại và hướng vào mục tiêu lâu dài là có được chiếc kẹo dẻo thứ hai.

Như vậy, Henry có thể học được cách kiềm chế cơn thèm của mình nếu học được những thủ thuật đó. Nhưng liệu điều này có giúp anh trở thành người khỏe mạnh bình thường như mong muốn? Anh không phải là vận động viên đi bộ hay vận động viên nâng cử tạ, anh sợ tất cả những gì liên quan đến thể dục thể thao. Chắc chắn những yếu tố về thể lực, dung tích phổi và cơ bắp là những dự đoán chính xác về khả năng luyện tập thể dục thể thao của một người. Henry không có hy vọng trở thành vận động viên của các câu lạc bộ sức khỏe. Hay vẫn có hy vọng?

SỰ TINH THÔNG PHỤ THUỘC PHẦN LỚN VÀO LUYỆN TẬP

Nhà tâm lý học Anders Ericsson đưa ra lời giải thích thú vị về cách mà nhiều người đạt được trình độ tinh thông. Ông không tin rằng sự tinh thông có thể đạt được nhờ những thế lực vô hình hoặc những thuộc tính nổi bật của thể chất hay tinh thần. Sau khi dành cả cuộc đời nghiên cứu về việc tại sao có những người thực hiện một công việc cụ thể tốt hơn những người khác, Ericsson có thể chứng minh có hệ thống rằng những người đạt đến đỉnh cao trong bất kỳ lĩnh vực nào đã làm lu mờ những người khác bằng chính sự chuyên tâm luyện tập.

Chúng ta thường nghe nói rằng luyện tập chưa hẳn đã đem lại kết quả, mà chỉ có sự luyện tập hoàn hảo mới đem lại kết quả hoàn hảo. Ericsson đã dành phần lớn cuộc đời mình để chứng minh điều này đúng. Trong khi nhiều người tin rằng họ sinh ra đã có những hạn chế cố hữu về khả năng thể dục thể thao, Ericsson lật lại rằng không có bằng chứng nào cho thấy con người có thể đạt đến những thành tích phi thường nhờ duy nhất một phương tiện là sự tập luyện có hướng dẫn cẩn thận ‒ sự tập luyện hoàn hảo. Nghiên cứu của ông chứng minh rằng sự tinh thông, siêu đẳng hay phi thường ‒ tùy cách bạn gọi ‒ hoàn toàn không phải do tài năng bẩm sinh. Điều đó còn do biết cách tăng cường kỹ năng thông qua sự chuyên tâm luyện tập.

Chẳng hạn, Ericsson miêu tả các vận động viên trượt băng cừ khôi tập luyện khác nhau như thế nào. Những người muốn đi thi Olympic sẽ tập luyện các kỹ năng họ chưa đạt được. Ngược lại, những vận động viên ở cấp câu lạc bộ chỉ chú tâm thực hành các kỹ năng họ đã nắm vững. Những người không chuyên có xu hướng dành một nửa thời gian luyện tập để tán gẫu với bạn bè, thậm chí không tập luyện. Nói đơn giản, dù lượng thời gian tập luyện như nhau, nhưng các vận động viên khác nhau sẽ đạt được những kết quả khác nhau. Trong nghiên cứu của Ericsson, phát hiện này còn đúng đối với tất cả các kỹ năng khác, bao gồm kỹ năng nhớ một danh sách dài phức tạp, chơi cờ, chơi viôlông thành thạo hay chinh phục các môn thể thao. Nó cũng đúng với những tương tác phức tạp như diễn thuyết, sống chan hòa với mọi người, kiểm soát các cuộc nói chuyện nhạy cảm và vô bổ.

Trước khi tiếp tục, chúng ta hãy cẩn thận né tránh một cạm bẫy rất nguy hiểm. Có một thực tế là những tiến bộ trong thành tích nhờ chuyên tâm luyện tập chỉ có ý nghĩa khi nó được áp dụng với những hoạt động như trượt băng nghệ thuật, chơi cờ hay học chơi đàn viôlông. Tuy nhiên, rất ít người, nếu không muốn nói là không có ai, nghĩ đến chuyện luyện tập với huấn luyện viên để học cách sống chan hòa với đồng nghiệp, thúc đẩy các thành viên của nhóm cải thiện thành tích, tiếp xúc với những thiếu niên có vấn đề hay nói chuyện với thầy thuốc về một sai sót liên quan đến thuốc thang. Hầu hết chúng ta không nghĩ rằng mình phải học những kỹ năng giao tiếp mềm, chứ chưa nói đến việc luyện tập với một huấn luyện viên.

Nhưng đó lại là điều cần thiết. Hãy xem xét một vấn đề phổ biến trong bệnh viện. Một bác sĩ phẫu thuật vừa phạm một sai lầm y học. Trong khi thực hiện ca phẫu thuật ung thư vú, cô đã vô tình rạch đường cơ bảo vệ khoang ngực của bệnh nhân. Bác sĩ gây mê thấy đồng hồ đo nhảy kim, một lá phổi không tiếp nhận khí vào nữa. Hai y tá trợ giúp ca mổ cũng thấy dấu hiệu đáng buồn này. Nếu đội ngũ y bác sĩ không khắc phục nhanh chóng, có lẽ bệnh nhân sẽ không thể qua khỏi. Nhưng trước khi điều này xảy ra, hoặc vị bác sĩ phải là người chịu trách nhiệm hoặc một đồng nghiệp khác phải có trách nhiệm lên tiếng báo động tình trạng của bệnh nhân.

Chúng ta hãy chú ý đến các thành viên trợ giúp ca mổ và đoán xem họ sẽ làm gì. Hầu hết mọi người có lẽ sẽ do dự vài giây trước khi lên tiếng. Họ do dự vì nếu không xử lý tình huống khéo léo, hậu quả là họ sẽ trở thành kẻ lố bịch hoặc không biết “phải trái”. Trường hợp này liên quan đến cả vấn đề pháp lý, vì thế mà nó càng thêm phần tế nhị. Trước đây, họ từng chứng kiến các đồng nghiệp khác bày tỏ ý kiến, nhưng ý kiến đó sai và họ phải chịu hình phạt nặng nề. Cách tốt nhất là để kẻ khác lên tiếng. Những giây phút quý giá cứ thế trôi đi.

Những lỗi y học kiểu này vẫn có thể xảy ra vì các nhân viên được đào tạo chuyên môn nhưng lại không được đào tạo để đối đầu với một đồng nghiệp ‒ thậm chí ghê gớm hơn ‒ là một bác sĩ. Họ không biết mình cần nói gì và làm gì. Họ thiếu tự tin cho một việc đòi hỏi sự luyện tập.

Tất nhiên, y tế không phải là lĩnh vực duy nhất mà sự thiếu hiểu biết giao tiếp có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng. Mỗi khi ông chủ đưa ra một ý tưởng nửa vời, thậm chí là nguy hiểm, các nhân viên lại im lặng vì sợ bị khiển trách. Vì vậy, những ý tưởng hay không có cơ hội ra đời và cả ê-kíp làm việc sẽ thực hiện những quyết định sai lầm. Phát biểu ý kiến trước một chuyên gia đòi hỏi phải có kỹ năng, còn kỹ năng đòi hỏi phải thực hành. Điều này cũng đúng khi đối mặt với người chồng nghiện rượu, “đầu gấu” ở trường học hay đơn giản là nói “không” với ma túy. Hãy thử làm việc đó mà không sợ bị chê cười hay thất bại. Sự tương tác giữa người với người rất phức tạp và sẽ chỉ cải thiện sau khi các cá nhân được hướng dẫn kèm với sự chuyên tâm luyện tập.

Hãy xem xét vấn đề mà bác sĩ Wiwat Rojanapithayakorn mắc phải khi ông cố gắng khích lệ các cô gái nghèo hành nghề mại dâm từ chối “đi” với các quý ông già nhiều tiền nếu khách hàng từ chối sử dụng bao cao su. Lúc đầu, các cô gái cũng từ chối, nhưng họ thường bị các khách hàng lớn tiếng quát mắng. Vì không biết phải nói gì và nói như thế nào, họ thường nhượng bộ và đặt mình, cũng như hàng nghìn người khác, vào sự rủi ro.

Cuối cùng, Wiwat yêu cầu những người hành nghề mại dâm có kinh nghiệm đào tạo những cô gái trẻ để họ có thể tự bảo vệ sức khỏe của mình, ví dụ, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế giúp họ không gây xúc phạm mà vẫn tạo được mối quan hệ bền chặt với khách hàng. Các cô gái này sẽ học thuộc lòng và thực hành các đoạn hội thoại cho đến khi đủ tự tin để sử dụng trong công việc. Trong trường hợp đặc biệt này, việc đào tạo có hướng dẫn và phản hồi về việc sử dụng bao cao su đã tăng từ 14% lên 90% chỉ trong một vài năm. Do đó, hàng triệu người được bảo vệ.

Nhiều vấn đề hóc búa và dai dẳng mà chúng ta phải đối mặt phần nhiều do thiếu kỹ năng hơn là do di truyền, do thiếu can đảm hay thiếu sót trong tính cách. Kỷ luật ‒ đức tính mà mọi người tin rằng là do yếu tố bẩm sinh và nỗ lực phi thường cũng có nguồn gốc từ việc thực hành có hướng dẫn. Hãy học cách luyện tập những hành động đúng đắn, bạn có thể làm chủ mọi thứ, từ việc chống lại sức cám dỗ của sôcôla đến việc giải quyết một cuộc thảo luận rắc rối với ông chủ.

NHỮNG KỸ NĂNG PHỨC TẠP HOÀN HẢO

Hãy quay trở lại điểm thảo luận trước. Không phải việc thực hành nào cũng tốt. Đó chính là lý do tại sao nhiều công việc chúng ta thực hành ở nhà hay ở cơ quan thường bị “chững” lại. Với những việc đơn giản như đánh máy, lái xe, chơi golf và tennis chúng ta đạt mức thành thạo nhất sau 50 giờ thực hành; sau đó, những kỹ năng ấy trở thành tự động. Chúng ta có thể thực hiện chúng dễ dàng, nhưng hướng cải thiện để tăng thành tích lại chưa biến chuyển. Chúng ta cho rằng mình đã đạt đến trình độ cao nhất và không nghĩ đến các phương pháp mới.

Chúng ta suy tính rằng nếu có cố gắng tìm hiểu hay học thêm phương pháp mới thì mình có thể sẽ đạt được kết quả cao trước đây. Chúng ta cố ý chấm dứt mọi thứ khi chưa đạt đến mức độ tinh thông nhất. Chẳng hạn: chúng ta có thể làm chủ máy tính bằng một vài thao tác cơ bản, nhưng lại không chịu học thêm những kỹ năng khác để có thể sử dụng máy tính thành thạo hơn.

Cách thức làm chững lại sự phát triển như trên có thể xảy ra trên con đường sự nghiệp của chúng ta và mang lại những kết quả không tốt. Một chuyên gia sẽ nỗ lực cho đến khi đạt mức độ “chấp nhận được”, sau đó thì chững lại. Các kỹ sư phần mềm thường đạt đỉnh cao nghề nghiệp sau 5 năm vào nghề. Và rồi trong nhiều năm sau đó, họ sẽ không cố gắng đạt được tiến bộ nào nữa.

Vậy điều gì thật sự tạo nên sự cải thiện? Theo tiến sĩ Anders Ericsson, sự cải thiện không chỉ liên quan đến thực hành mà còn liên quan đến một loại thực hành đặc biệt ‒ thực hành chú tâm. Ericsson khám phá ra dù ở bất kỳ lĩnh vực chuyên môn nào, việc đạt đến trình độ siêu đẳng không phải là nhờ mối liên quan giữa thâm niên trong nghề và trình độ chuyên môn.

Hàm ý từ điều này thật bất ngờ. Một bác sĩ phẫu thuật não với thâm niên 20 năm trong nghề có thể không tinh thông bằng một người mới vào nghề 5 năm. Sự khác nhau giữa hai người này không hề liên quan đến số năm kinh nghiệm mà chỉ liên quan đến sự thực hành chú tâm. Thời gian là cần thiết (hầu hết các cá nhân xuất sắc trong các lĩnh vực như sáng tác âm nhạc, nghiên cứu khoa học, viết văn... đều có thâm niên trong nghề ít nhất 10 năm), nhưng không phải là biến số quan trọng để đạt được sự tinh thông. Nhân tố quan trọng chính là việc sử dụng thời gian khôn khéo. Kỹ năng luyện tập là yếu tố tạo nên sự hoàn hảo.

Chúng ta có đủ chứng cứ cần thiết để khẳng định sự chuyên tâm luyện tập có thể tác động mạnh mẽ lên trình độ chuyên môn. Hãy xem điều gì đã xảy ra đối với khả năng của chúng ta trong việc dạy mọi thứ. Roger Bacon từng nói rằng một người phải mất 30-40 năm mới thành thạo các phép tính đang được dạy ở trường phổ thông hiện nay. Hiện nay, trình độ của các nhạc sĩ thường ngang tầm, thậm chí vượt trội so với các nhạc sĩ huyền thoại trong lịch sử. Trong thể thao, các kỷ lục luôn cần được phá vỡ. Chẳng hạn: khi Johnny Weissmuller ‒ vận động viên được ví với Tarzan của rừng xanh, đoạt năm huy chương vàng Olympic môn bơi lội năm 1924, không ai nghĩ rằng trong nhiều năm sau, các em học sinh trung học có thể bơi nhanh hơn thế.

Vậy thế nào là chuyên tâm luyện tập? Và làm thế nào để áp dụng các thủ thuật đối với những hành vi mang tính quyết định và tăng cường chiến thuật xoay chuyển của mình?

Luôn tập trung cao độ

Chuyên tâm luyện tập đòi hỏi sự tập trung tuyệt đối. Nó không cho phép sự lơ mơ hay làm việc nửa vời. Nó đòi hỏi sự tập trung tối đa khi người học biết chính xác mình đang làm gì, điều gì sẽ mang lại hiệu quả còn điều gì không, và tại sao như vậy.

Khả năng tập trung thường được coi là một thử thách khó khăn – nhất là với các nhạc sĩ bậc thầy và vận động viên đẳng cấp – vì đó là yếu tố hạn chế sự chuyên tâm luyện tập. Hầu hết họ đều chỉ duy trì được sự tập trung cao độ trong một tiếng, thường vào buổi sáng khi đầu óc còn tỉnh táo. Trong các lĩnh vực khác, các cá nhân xuất chúng ít khi làm việc quá năm tiếng một ngày, và họ tập trung được là nhờ ngủ nhiều hơn bình thường.

Cung cấp phản hồi liên tiếp theo một tiêu chuẩn rõ ràng

Số lượng giờ một người dành để luyện tập một kỹ năng không quan trọng bằng việc nhận được phản hồi rõ ràng và thường xuyên theo một tiêu chuẩn nhất định. Chẳng hạn: các kỳ thủ cờ vua nghiêm túc thường dành khoảng bốn tiếng tập luyện một ngày rồi so sánh với thời gian tập luyện của các kỳ thủ quán quân thế giới. Họ thực hiện những nước đi hay nhất và so sánh chúng với nước đi của các chuyên gia. Khi nước đi của họ có sự khác biệt, họ sẽ dừng lại để xác định xem chuyên gia đã thấy gì và liệu họ có đi sai nước cờ nào không. Khi so sánh với các cá nhân xuất sắc nhất, các kỳ thủ nhanh chóng cải thiện được kỹ năng. Nhận được phản hồi liên tiếp, cộng với sự tập trung hoàn toàn sẽ đẩy nhanh tiến độ học. Các kỳ thủ thường học nhanh hơn khi không ở trên sàn đấu và học từ chính các nước cờ sai của mình.

Các ngôi sao thể thao luôn muốn có phản hồi để cải thiện thành tích. Họ có xu hướng tập trung vào những khía cạnh nhỏ nhưng thiết yếu của môn thể thao và cẩn thận so sánh các vòng thi. Vận động viên bơi lội đoạt huy chương vàng, Natalie Coughlin, sử dụng ít động tác bơi hơn đối thủ, nhờ đó cô có sức bền lớn hơn. Cô giải thích: “Bạn phải luôn làm chủ dòng nước. Một chút thay đổi nhỏ khi vung tay cũng tạo ra sự khác biệt quan trọng”. Để hoàn thành một vòng bơi, Natalie luôn biết rõ cần bao nhiêu sải và vị trí tay như thế nào là thích hợp. Cách luyện tập tập trung và chú tâm này giúp nhanh chóng cải thiện thành tích.

Phản hồi nhanh chóng vốn là đặc điểm của phương pháp dạy học truyền thống. Nhiều giáo viên cho rằng kiểm tra luôn khiến cho học sinh cảm thấy sợ hãi và vì thế, nên hạn chế kiểm tra. Các nhà nghiên cứu lại chứng minh điều ngược lại mới đúng. Ethna Reid cho chúng ta thấy một hành vi mang tính quyết định mà các giáo viên giỏi áp dụng là tạo ra khoảng thời gian ngắn giữa dạy và kiểm tra. Khi tiến hành thường xuyên, việc kiểm tra sẽ trở nên quen thuộc, không còn là sự kiện đáng sợ và quan trọng nữa. Nó cũng giúp mọi người biết mình tiến bộ ra sao.

Hãy so sánh giữa sự chuyên tâm luyện tập có phản hồi rõ ràng với cách mà chúng ta đang đào tạo các nhà quản trị hiện nay. Các chuyên gia đào tạo tại các trường quản lý kinh doanh thường không coi khả năng lãnh đạo là một môn nghệ thuật biểu diễn. Họ thường dạy các nhà lãnh đạo cách nghĩ chứ không phải là cách làm. Vì thế, khi các giám đốc điều hành tương lai tham gia một khóa Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) hay khi những doanh nhân quản lý tham gia một khóa đào tạo kỹ năng lãnh đạo, họ thường được yêu cầu phải đọc những bài nghiên cứu thực tế, áp dụng thuật toán và những kiến thức lý thuyết chung chung mà không bao giờ được thực hành.

Các trường kinh doanh thường tổ chức các khóa học đào tạo kỹ năng thuyết trình và diễn thuyết trước công chúng, trong đó, học viên phải thực hành biểu diễn. Nhưng đối với các kỹ năng lãnh đạo quan trọng khác như giải quyết các vấn đề gây tranh cãi, đấu tranh với những hành vi xấu, xây dựng quan hệ hợp tác, tổ chức điều hành một cuộc họp, bất đồng với nhân vật có chức quyền hoặc gây ảnh hưởng đến việc thay đổi hành vi ‒ tất cả đều cần có những hành vi cụ thể và phải được chuyên tâm luyện tập.

Mục tiêu từng bước dẫn tới sự tinh thông

Cần bổ sung một khía cạnh khác của sự chuyên tâm luyện tập. Chúng ta hãy bắt đầu bằng một bài kiểm tra. Bạn sẽ khích lệ một bệnh nhân uống thuốc ngừa đột quỵ ra sao? Nếu họ đã từng bị đột quỵ, việc này có thể rất dễ dàng. Nhưng giả sử thuốc gây tác dụng phụ như bị chuột rút, nổi mẩn đau đớn, mệt mỏi, bị táo bón, đau đầu hay suy yếu chức năng sinh lý thì sao? Họ có thể uống thuốc, và chắc chắn sẽ phải chịu đựng những triệu chứng trên, nhưng về sau, họ sẽ không lo bị đột quỵ nữa. Nhưng để thuyết phục họ chấp nhận điều này không hề dễ dàng chút nào. Thực tế, rất nhiều bệnh nhân không chịu uống thuốc chỉ vì không muốn phải chịu đựng những cảm giác khó chịu.

Mọi việc thay đổi khi các nhà nghiên cứu ngừng tập trung vào các mục tiêu lâu dài (như tránh tái đột quỵ) và đề ra một chế độ điều trị giúp bệnh nhân đạt được những mục tiêu nhỏ, sau đó thường xuyên báo cáo tình hình cho bác sĩ. Các nhà nghiên cứu đưa thuốc, máy đo huyết áp và sổ nhật ký chữa bệnh cho bệnh nhân. Hàng ngày, họ uống thuốc, kiểm tra huyết áp và ghi lại những thay đổi cùng những dấu hiệu tiến triển tốt khác. Những thay đổi tích cực đã xảy ra. Bằng cách đặt ra những mục tiêu nhỏ (kiểm tra, ghi chép hàng ngày) và gặp gỡ bác sĩ, các bệnh nhân đã tập trung vào những thứ mà họ có thể kiểm soát được. Điều này giúp họ cảm thấy phương pháp điều trị và các loại thuốc ngày càng đạt hiệu quả cao, đồng thời khích lệ tinh thần tuân thủ chữa trị. Bây giờ, các bệnh nhân đều sẵn sàng uống thuốc.

Các bậc thầy xoay chuyển từ lâu đã biết tầm quan trọng của việc thiết lập những mục tiêu cụ thể và thực tế. Thứ nhất, họ hiểu tầm quan trọng của việc thiết lập các mục tiêu cụ thể. Người ta thường cho rằng mình hiểu khái niệm này, nhưng ít người thật sự hành động. Chẳng hạn, các vận động viên bóng chuyền trình độ trung bình thường đặt ra các mục tiêu để tăng cường khả năng “tập trung” (thật sự đó là cái gì?), trong khi các vận động viên đẳng cấp lại chỉ cần ném bóng sao cho chính xác và họ hiểu từng yếu tố kỹ thuật của mỗi lần ném.

Ngoài việc tập trung vào các mức độ tiến bộ cụ thể, các vận động viên hàng đầu còn đặt ra những mục tiêu hoàn thiện hành vi và các quá trình, thay vì tập trung vào kết quả. Chẳng hạn, các vận động viên bóng chuyền hàng đầu sẽ đặt ra mục tiêu cho từng bước vào bóng, đập bóng, chặn bóng, v.v… Còn các vận động viên trung bình chỉ mong đạt nhiều điểm và có nhiều tràng vỗ tay. Trong bóng rổ, các vận động viên có khả năng đánh trúng bóng từ 70% trở lên thường luyện tập khác với các vận động viên đánh trúng gần 55%. Sự khác biệt ở đây là gì? Các vận động viên khá sẽ đề ra các mục tiêu kỹ thuật cần đạt được như “luôn giữ đúng vị trí khuỷu tay” hay “duỗi thẳng tay”. Các vận động viên còn lại quan tâm nhiều hơn tới các mục tiêu kết quả như “Lần này mình sẽ đánh trúng 10 quả liên tiếp”.

Mục tiêu khác nhau cũng được thể hiện khi các vận động viên xử lý bóng không tốt. Các nhà nghiên cứu yêu cầu những vận động viên đánh hỏng hai quả giao bóng liên tiếp giải thích lý do. Những vận động viên giỏi có thể chỉ ra rõ những lỗi kỹ thuật của mình (“Tôi đã không giữ đúng vị trí khuỷu tay”). Những vận động viên kém hơn chỉ giải thích mơ hồ: “Tôi mất tập trung”.

Vai trò của các mục tiêu nhỏ trong việc duy trì động cơ cũng rất đáng lưu ý. Khi đạt tới trình độ nhất định, người ta rất sợ thất bại. Khi thất bại, họ thường lo sợ những điều không hay sẽ xảy ra. Khi người ta dự đoán hành động của mình sẽ dẫn tới những kết quả tai hại, chính điều này sẽ làm nảy sinh những hành vi tự chuốc lấy thất bại. Những người bắt đầu với giả thuyết rằng mình sẽ không bao giờ thành công và thất bại sẽ phải trả giá đắt thường có xu hướng đi tìm mọi chứng cứ chứng minh mình sẽ thất bại, như thế, họ mới có lý do để rút lui trước khi cảm thấy ê chề.

Khi nỗi lo sợ thống trị sự mong đợi của một người, bạn không phải chỉ giúp họ nâng cao kỹ năng chuyên môn mà còn phải quan tâm đặc biệt để đảm bảo những kỳ vọng thành công của họ sẽ được đặt đúng vị trí, phù hợp với khả năng của họ. Nhưng làm cách nào? Như chúng ta đã biết, chỉ sử dụng lời lẽ thuyết phục thôi chưa đủ. (“Cố gắng lên, con rắn không cắn đâu mà lo!”) Chẳng hạn, trong một cuộc nghiên cứu, các học giả thấy rằng bạn có thể dạy kỹ năng hẹn hò cho các sinh viên năm nhất e thẹn, nhưng các sinh viên đó cần thấy những bằng chứng thực tế về những tiến bộ không ngừng trước khi họ thú nhận mình đã thật sự học được những gì hoặc trước khi thực hành các kỹ năng mới.

Vậy chúng ta có thể tìm kiếm chứng cứ về sự tiến bộ ở đâu? Câu trả lời là chính từ bản thân quá trình tiến bộ đó. Khi thành công, người ta sẽ thấy được từ kinh nghiệm bản thân – một yếu tố quan trọng để thay đổi sự hiểu biết, còn sự hiểu biết chính là công cụ mạnh mẽ để thay đổi quyết định – rằng họ có thể thật sự đạt được mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, những người hoài nghi thường không dám thử khi họ thấy hành động đó chứa đầy rủi ro, vì thế, họ không bao giờ thành công. Vậy cần làm gì trong trường hợp này?

Bác sĩ Bandura chỉ ra rằng để khích lệ mọi người cố gắng thực hiện điều mà họ sợ, bạn cần cung cấp cho họ những phản hồi nhanh chóng và tích cực giúp họ nâng cao sự tự tin. Hãy giúp họ xác lập các mục tiêu ngắn hạn, cụ thể, dễ dàng và ít rủi ro, xác định chính xác các bước cần thực hiện. Hãy biến những công việc phức tạp thành đơn giản; những việc cần nhiều thời gian thành ít thời gian; những việc không rõ ràng thành cụ thể; những việc nhiều rủi ro thành không còn rủi ro.

Nếu bạn muốn phát huy các mục tiêu ngắn hạn, cụ thể, dễ dàng và ít rủi ro trên một quy mô lớn, hãy quan sát những người bạn ở phố Delancey. Những tên tội phạm và những kẻ bị xã hội ruồng bỏ khi mới vào trại hoàn toàn mù chữ và không hề có kỹ năng gì. Họ không những không có học vấn và trình độ chuyên môn, mà còn thiếu cả kỹ năng giao tiếp và kỹ năng sống.

Vậy bạn sẽ làm gì khi phải dạy các cư dân này rất nhiều các kỹ năng? Hãy bắt đầu từ từ. Lựa chọn một lĩnh vực, chẳng hạn như kỹ năng phục vụ nhà hàng, sau đó lựa chọn kỹ năng nhỏ hơn trong lĩnh vực đó. Ví dụ, ngày đầu tiên, bạn dạy những người mới đến cách dọn bàn ăn, cách xếp dĩa. Sau đó, để họ, vốn là những người từng nghiện ma túy, đang chịu đựng cú sốc văn hóa và các vấn đề thể lực và tinh thần khác, thực hành xếp dĩa cho đến khi thành thạo. Sau đó mới tiếp tục học xếp dao.

Chuẩn bị tinh thần đối phó với thất bại; xây dựng tính bền bỉ

Cũng quan trọng không kém là việc thiết lập các bước đi chập chững để đảm bảo thành công trong giai đoạn đầu của quá trình học, nếu ngay từ đầu, các đối tượng ta muốn thay đổi đã thành công, thì thất bại sau đó dễ khiến họ nản lòng. Sự thành công dễ dàng có thể tạo ra suy nghĩ sai lầm rằng không cần phải cố gắng nhiều. Khi gặp vấn đề rắc rối, họ thường dễ nản chí.

Để giải quyết vấn đề này, ta cần hiểu rằng nỗ lực, sự bền bỉ, và dẻo dai cuối cùng sẽ mang lại thành công. Do đó, chế độ luyện tập sẽ bao gồm những nhiệm vụ tăng dần mức độ nỗ lực và bền bỉ. Khi người học vượt qua những nhiệm vụ khó hơn và khắc phục những thất bại trong quá trình thực hiện, họ sẽ thấy rằng thụt lùi không phải là rào cản mãi mãi, mà chỉ là tín hiệu cho thấy họ cần tiếp tục học.

Khả năng tự nhận biết khó khăn và thất bại trở nên đặc biệt quan trọng khi chúng ta cá cược với bản thân. Khi đối đầu với thất bại, chúng ta phải tỏ thái độ: “À! Ta vừa tìm ra điểm không ổn nằm ở đâu”, chứ không phải “Trời ơi, mình lại thất bại cay đắng rồi”. Chúng ta cần coi những bước lùi là người dẫn đường, chứ không phải là chiếc phanh cản trở.

Thất bại cho chúng ta biết mình cần cố gắng và kiên trì hơn nữa. Đôi khi, nó là tín hiệu để ta thay đổi chiến lược hoặc thủ thuật. Không bao giờ được coi thất bại là dấu hiệu của sự thất bại mãi mãi. Chẳng hạn: bạn thấy mình đang nhìn chằm chằm vào chiếc kem ăn dở trên tay. Bạn kết luận rằng vì đằng nào cũng không trụ được với kế hoạch ăn uống nên cứ ăn cũng chả sao? Hay bạn kết luận rằng nếu cảm thấy khó kiềm chế cơn thèm khi đi ngang qua cửa hàng kem, tức là mình phải thay đổi đường đi? Kết luận đầu tiên đóng vai trò là chiếc phanh cản trở tiến bộ của bạn, trong khi kết luận thứ hai mang lại định hướng đúng đắn giúp bạn điều chỉnh chiến thuật của mình.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3