Nghiệt duyên - Chương 01

Thời tiết buổi sớm mai mùa đông năm ấy lạnh tới mức sương mù bao phủ khắp nơi. Nước sông Chao-Phraya đầy ứ bởi đang trong mùa lũ. Thuyền bè xuôi ngược trên sông chỉ như những ảnh hình mờ ảo trôi qua lại trong màn sương rồi khuất bóng đi ngay. Nhà cửa hai bên bờ sông cũng bị lớp sương mỏng che phủ, chỉ còn như những hình khối nhòa nhòa.

Làn nước vỡ tan khi một bóng người đang lặn bỗng nhiên nổi lên, bím tóc tết dài lưới thướt, khuôn mặt trắng xanh, đôi môi tái nhợt vì lạnh. Trời lạnh đến nỗi hơi phả ra từ miệng cô trở thành một làn khói trắng dài. Có tiếng gọi vọng đến khiến cô bám vào bậc cầu thang, ngóng về phía cây cầu nối vào bên trong nhà. Ngôi nhà nằm khuất giữa vườn cây, chỉ trông thấy mái nhà cao cao nhô lên thấp thoáng khỏi hàng cây tối thẫm.

“Ang[1] ơi... Ang ơi...”

[1] Tên gọi thân mật của nhân vật chính, phát âm là Ăng.

Tiếng gọi càng lúc nghe càng gần hơn. Cô gái bèn lặn xuống, rồi từ từ ngoi lên, lần này chỉ thấy mỗi gương mặt từ cổ trở lên nổi trên mặt nước phía dưới cây cầu, không để phát ra tiếng động.

Dáng người trắng trắng đang đi xuyên qua làn sương ấy mặc áo rét rồi còn khoác thêm cả cái chăn lếch thếch, vậy mà vẫn phải vừa đi co ro vừa khoanh tay trước ngực. Khi đi hết cây cầu, bà ngó xuống cầu thang dẫn xuống sông và gọi thêm lần nữa:

“Ang... Ang ơi...”

Không thấy tiếng đáp lại, bà lẩm bẩm:

“Đi đâu rồi nhỉ...”

Nhưng khi quay ra thấy tấm khăn tắm lớn còn vắt trên cành cây bần gần đó, bà liền quay lại gọi, nghiêm giọng hơn lúc trước:

“Cái Ang... Lên đây đi. Rét thế này mà còn xuống sông tắm, rồi lại bị chuột rút cho xem... Lên đây mau lên...”

Khuôn mặt trắng xanh dần nhô lên, hiện ra ở chân cầu. Cô thấy bà đang mải nhìn sang hướng khác nên đưa tay nắm lấy cổ chân bà.

“Ối trời...”

Tiếng kêu thất thanh đồng thời với việc người đang đứng giật mình hoảng hết rụt phắt chân lại khiến cho tên đầu trò cười khúc khích.

“Xem kìa, con với cái. Mặt thì tái xanh ra rồi... Rét thế này còn xuống sông tắm làm gì?”

“Mẹ cũng... Ngâm mình trong nước rồi mới thấy ấm, không tin mẹ cứ nhúng tay xuống nước mà xem.”

“Ấm thì làm sao mà môi tái mét thế kia?”

“Thì miệng mình ở trên mặt nước mà mẹ.”

“Đừng có ở dưới đó mà đối đáp chống chế. Lên đây mau... Xuống tắm từ bao giờ không biết, bà ngoại mà không hỏi đến thì cũng không ai biết.”

Thoắt cái, khuôn mặt trắng xanh đã lại biến mất dưới mặt sông, kéo theo tiếng nước bắn tung. Không lâu sau, cái dáng bé nhỏ đã leo cầu thang lên, miệng xuýt xoa khe khẽ.

“Sao bảo không lạnh cơ mà?”

Miệng thì trách cứ nhưng tay bà vội vàng choàng cái khăn tắm lên vai con.

“Con không đem váy quấn ra để thay à?”

“Con vắt ở cành cây kia ạ.”

Người cô run lẩy bẩy khi thay váy. Bà mẹ bèn vuốt mái tóc cô, vắt nước cho đỡ lạnh.

“Tóc tai ướt hết cả. Ai cũng kêu ời ời là rét, chỉ có cái con bé này là lại đi tắm đi bơi. Thật cứng đầu cứng cổ.”

“Đâu có ạ, chỉ là con muốn đẹp hơn thôi mà.”

Vừa nhanh tay thay váy cô vừa biện minh.

“Cái gì? Tắm sông mùa đông cho đẹp hơn? Mẹ chưa từng nghe ai nói thế, chỉ thấy người ta nói ‘xem voi xem mùa lạnh, xem gái xem mùa hè’.”

“Không phải, ý con là nếu bơi lặn thường xuyên sẽ giúp dáng người thon đẹp. Mẹ xem con gầy eo thế này, đến nỗi lũ bạn còn đặt biệt hiệu cho con là Nàng Tôm đấy.”

“Cứ ở dưới nước lâu rồi biến thành thức ăn cho tôm lúc nào không biết ấy, không thì cũng bị chuột rút mà chết đuối. Hôm nay con không phải đến trường à?”

“Mẹ lại quên hôm nay là Chủ nhật rồi.”

“Ơ... thảo nào. Sao cứ để cho tóc tai ướt lướt thướt thế kia?” Vừa nói bà vừa lấy cái chăn đang khoác trên mình ra choàng thêm cho con.

“Năm nay lạnh thật đấy mẹ nhỉ.”

“Ừ. Nước cũng lớn. Năm nay mà ngập thì vườn cam phía ngoài chắc là nguy.”

“Người ta đồn là có thể sẽ xảy ra chiến tranh nữa.”

“Ối... Con bé này, dựa vào cái gì mà nói thế?”

“Thật đấy mẹ. Ở trường đại học, mọi người cũng bàn tán vậy.”

Vừa nói cô vừa kéo cái chăn cho kín người, cúi đầu xuống lau tóc bằng tấm khăn to rồi hất tóc ra đằng sau lưng. Thân hình bé nhỏ, dáng vẻ mảnh mai khuất dưới lớp khăn to khiến trông thoáng qua, cô giống như một bé gái có mái tóc dài đen nhánh, hơi gợn sóng. Trên gương mặt trắng xanh nổi bật là đôi mắt to đen láy, ánh lên nét nghịch ngợm tươi vui.

“Nói gì toàn những điều chẳng lành. Đức vua đã có thánh chỉ gì đâu con.[2]”.

[2] Bối cảnh câu chuyện xảy ra vào thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ II. Lúc này, nền chính trị của Thái Lan đã chấm dứt chế độ quân chủ phong kiến và chuyển hẳn sang chế độ dân chủ vào năm 1932, với Quốc hội và Hiến pháp là hệ thống cao nhất để điều hành đất nước. Nhưng Đức vua và Hoàng tộc vẫn mang tính chất biểu tượng là người đứng đầu đất nước, và vẫn được nhân dân Thái Lan vô cùng sùng kính.

“Nói đến chuyện gì mẹ cũng chỉ chờ nghe thánh chỉ của Đức vua.”

“Nếu mà có xảy ra thì chiến trường cũng ở những nước phương Tây con ơi. Chắc nước ta không dính líu gì với họ đâu. Cứ xem Chiến tranh thế giới lần trước đó, đến khi ta chuẩn bị cử quân đội đi châu Âu thì chiến tranh cũng kết thúc rồi.”

“Nhưng lần này cũng không biết chừng đâu mẹ.”

“Thôi được rồi. Ai có đánh đấm chém giết nhau ở đâu thì cũng kệ người ta, mình cứ làm việc mình. Lên nhà thôi con, lạnh đến tái xanh vào rồi kìa.”

“Từ từ đã mẹ...”

Vừa nói cô vừa cúi xuống gốc cây bần mọc ở mép nước, chỉ giây lát đã kéo lên một sợi dây dài buộc đầy những con tôm cỡ bự.

“Cái gốc này có bao nhiêu là tôm. Lúc đầu con cũng không định tắm, định đợi muộn muộn mới xuống sông. Nhưng rồi thấy bọn tôm nổi lên, thấy cả râu đỏ, nhiều ơi là nhiều nên mới xuống mò ạ, còn hơn làm mồi cho bọn chuyên đi mò tôm ạ. Để đấy mình làm mắm ngọt. Mà cây sầu đâu cuối vườn đã lên ngọn non chưa hả mẹ, lâu rồi con không vào đấy xem.”

“Hôm kia có người đến mua, hình như người ta ngắt hết cả ngọn rồi.”

“Ối... đúng cây sầu đâu con thích ăn. Nhưng biết đâu vẫn còn sót lại, để con đi hái. Mẹ làm mắm ngọt cho con mẹ nhé.”

Nắng bắt đầu nhè nhẹ xuyên qua đám sương, làm cho làn sương khói mỏng manh tan dần. Cây cầu dài nối từ ven sông vào đến con đường nhỏ hai bên trồng hoa hoàng anh. Lối đi này vòng qua bụi dủ dẻ và rặng dừa nước tầm thấp dẫn đến căn nhà sàn cao kiểu Thái truyền thống, phía dưới để trống trông thoáng và sạch. Cầu thang bắc lên nhà hơi dốc, chân cầu thang có xây một bồn xi măng chứa đầy nước sạch để rửa chân. Gần bồn nước là bụi dạ hương sum suê nở hoa trắng cả cây. Đầu cầu thang là chiếc cổng gỗ đã hơi ọp ẹp, những thanh gỗ như được ghép nối với nhau bằng cây hoa chuông với dây leo quấn quýt nở hoa trắng thơm lừng. Lan can gỗ chạy quanh hiên nhà rộng được chia thành từng đường kẻ to, bao lấy những căn phòng đóng kín cửa. Bên tay phải phòng đầu tiên kê thành nơi nấu ăn, dọc theo chái nhà treo đầy các loại rổ rá.

Phía trước khu bếp có xếp mấy buồng cau, bên cạnh là cái mẹt đựng cau đã bổ, cả cau khô lẫn cau tươi. Một bà già đang bận bịu tước vỏ cau, lấy riêng phần lõi quả xếp lại thành đống trên cái mẹt cạnh thớt gỗ to. Một chốc lại thấy bà kéo cái ống nhổ lại để nhả nước trầu. Tiếng cười nói vọng vào từ phía cầu thang làm bà ngơi tay, khoan thai quay đầu lại.

“Phải lôi nó từ dưới sông lên phải không Orn?”

“Mẹ có phải kéo cháu lên đâu ạ, lúc đấy cháu cũng định lên rồi mà bà.”

“Biết ngay mà. Con bé này có chết thì cũng chỉ đi tìm dưới nước may ra mới thấy.”

“Thì cháu là con bộ đội hải quân mà lại.”

Buột miệng nói xong cô mới nhận ra là mình lỡ lời. Mặt mẹ cô lập tức biến sắc, còn bàn tay già nhăn nheo đang giơ ra với cái ống nhổ cũng sững lại. Cô gái được gọi là “cái Ang” vẻ mặt hối lỗi quay ra phía mẹ khẽ nói:

“Con không cố tình ạ.”

Nét mặt cô gái khiến người mẹ tươi lên chút ít.

“Con đi thay đồ đi, để mẹ vào bếp nướng tôm cho.”

“Lấy tôm ở đâu ra thế?”

“Thì vừa rồi nó biến mất là đi mò tôm đấy mẹ.”

“Ôi... Bà biết không, tôm nó giương hết râu đỏ chót lên mặt nước, không thể không bắt ấy ạ.”

“Ối, phải tội... Tôm nó bị say nước đấy, sao không bắt thả vào cái ngòi nước trong vườn.” Nghe vậy, người con và cô cháu gái nhìn nhau mỉm cười.

“Chúng nó chết cả rồi bà ơi. Cháu thèm tôm nướng ăn với ngọn sầu đâu luộc. Bà có muốn ăn tôm nướng chấm nước mắm pha ớt chung không ạ, món ruột của bà còn gì ạ?”

“Ờ... rủ bà ăn thế này là phải tội cả người làm lẫn người ăn đấy.”

Cô gái bật cười khúc khích, đi vòng vào trong bếp, vắt cái váy ướt lên dây phơi dưới, giũ cái khăn lau người ướt rượt vắt lên dây trên rồi nhón mũi chân chạy vào căn phòng cuối cùng nằm đối diện với bếp.

Căn phòng đó không rộng lắm, nhưng vì chỉ kê hai ba thứ đồ đơn giản nên trông thoáng đãng. Một khung cửa sổ trổ ra phía sông, lúc nào cũng buông tấm rèm trắng thêu hình chim công đang xòe cái đuôi lộng lẫy. Dọc theo chái hiên treo những chậu cây làm từ gáo dừa cắt đôi, treo lên bằng dây xích đồng, trồng dây leo đu đưa qua lại lủng lẳng. Cửa sổ bên kia phòng thì mở ra khu vườn, tấm rèm được vén gọn sang một bên, trông thấy toàn cảnh vườn cam đang sai quả khiến cành cây trĩu xuống như sắp gãy đến nơi. Chái hiên phía bên này có những giò phong lan treo thành hàng.

Chiếc giường gỗ thâm thấp kê dọc theo bức tường. Thành giường phía đầu và cuối chạm khắc hình hoa lá rất tinh xảo, gỗ lên nước bóng lộn bởi thường xuyên được lau chùi. Ga trải giường phẳng phiu, được phủ một tấm chăn lụa đơn màu huyết dụ. Cạnh đầu giường có một chiếc bàn học lớn, sách vở xếp gọn gàng bên đèn bàn. Chao đèn làm bằng lụa màu hồng nhạt, có viền ren cùng màu tạo thành mép răng cưa. Góc phòng kê chiếc tủ lớn, rồi đến bàn trang điểm bằng gỗ sồi, kiểu cách hơi cứng và cổ nhưng được trang trí những mảnh ren, cái tròn cái vuông lót bình thủy tinh tròn to nhỏ đủ cỡ nên trông mềm mại hơn. Rồi cả chiếc bình pha lê xanh thẫm cắm một cành hoàng anh nở hoa vàng rực cũng góp phần làm cho căn phòng trông tươi vui, sáng sủa.

Cô gái bước vào phòng, quay mình đóng cửa lại, bỏ cái chăn đang khoác trên người ra, vắt lên thành giường. Chiếc váy quấn ngang ngực chần chỉ ngang xanh nhạt xen kẽ với sợi dọc màu trắng làm nổi bật làn da trắng mịn trông như cẩm thạch. Cánh tay trắng đưa về phía lọ hoa trên bàn, rồi dừng lại đổi ý. Cô liếc nhìn về phía cửa phòng đoạn kéo cái ngăn kéo bàn phía bên tay trái, lấy ra một chùm chìa khóa, chọn một chìa để mở ngăn kéo bên tay phải. Bên trong là các loại hộp to hộp nhỏ sắp xếp theo trật tự, và một album ảnh bìa đen có dòng chữ tiếng nước ngoài mạ vàng đã phai nhạt bởi thời gian. Cô liếc mắt nhìn ra cửa lần nữa rồi lấy cuốn album khẽ khàng mở ra xem. Trang đầu tiên là hình một bé gái nằm sấp trên sàn, xung quanh có rất nhiều búp bê. Đứa bé ấy đang ngẩng lên, miệng mếu máo chực khóc. Góc trái bức ảnh là dòng chữ màu trắng viết bằng bút lông có vẻ nắn nót:

Con gái Angsumalin[3]

[3] Tuy người dịch để tên các nhân vật trong truyện theo phiên âm quốc tế, nhưng vì tiếng Thái Lan là ngôn ngữ có thanh điệu nên sẽ chú thích thêm cách đọc. Trong truyện này, nhân vật chính tên là Angsumalin (phát âm Ăng-xụ-malin). Ngoài ra, tên của người Thái ngày nay thường dài, bao gồm nhiều âm tiết nên mỗi người đều có tên gọi thân mật để dễ gọi, có thể là tên đặt thêm, hoặc gọi theo âm tiết đầu hay âm tiết cuối của tên thật. Bởi vậy, Angsumalin được gọi thân mật là Ang (Ăng).

Được 3 tháng 12 ngày.

Cô gái cười khi thấy tấm ảnh ngộ nghĩnh rồi vội giở xem những trang tiếp theo. Đều là ảnh của cùng bé gái ấy ở những dáng điệu khác nhau và vẫn nét chữ ấy ghi lại độ tuổi và ngày tháng chụp ảnh. Đến gần cuối mới thấy tấm ảnh một người đàn ông trẻ mặc quần lụa và áo vải thô cổ tròn đang chỉ tay cho đứa con xem gì đó, góc dưới ảnh viết:

“Bé Ang... Nhìn mẹ kìa con!”