Nghiệt duyên - Chương 02

Gần trang cuối của cuốn album là hình một người phụ nữ đang ngồi trên chiếc ghế tay vịn kiểu cổ, mặc quần chông-kra-bên[4], tay áo bó sát từ cổ tay đến khuỷu, rồi bồng từng lớp từ cánh tay đến vai, ngực áo trang trí những chùm ren hoa cùng ghim cài áo, cổ đeo hai sợi dây ngọc trai lồng vào nhau, chân đi giày và tất, hai tay đặt trên thành ghế, cổ tay cũng đeo vòng lắc đủ cả. Khuôn mặt bà trông viên mãn, ánh mắt tươi vui, mái tóc cắt ngắn rẽ ngôi, vuốt mượt. Người đứng đằng sau mặc quân phục hải quân, hai bên vai có chùm bông rủ xuống, tay phải ôm mũ, tay trái đặt trên vai người phụ nữ đang ngồi, trên gương mặt ông là nụ cười mỉm nhẹ nhàng, và đôi mắt sắc sảo. Bên trái ảnh vẫn là nét chữ quen thuộc từ đầu tới giờ, nửa ngoáy nửa nắn nót:

[4] Chông-kra-bên là một loại quần của Thái, thực chất là vải quấn quanh hông, sau đó túm vạt trước, kéo luồn giữa hai chân, vắt ra đằng sau rồi giắt vào cạp.

“Trung úy Hải quân Luang Chalasinthurat.”[5] Bên dưới có nét chữ khác nhỏ hơn, bay bướm viết tiếp: “Orn Chalasin”.

[5] Tên người bố của nhân vật chính là Luang Chalasinthurat phát âm là Luống Cha-la-xín-thũ-rát.

Ở trang cuối là hình cô bé đã đến tuổi biết đứng, đang bám vào chiếc ghế cười toe toét, phía dưới viết:

“Bé gái Angsumalin Chalasin”.

Cô gái gập cuốn album, thở dài... Mỗi lần xem cuốn album ảnh này là một lần cô cảm thấy vui sướng pha lẫn đắng cay. Tuy vậy, hễ mẹ không để ý cô lại không kìm được giở ra xem bởi ít nhất, những tấm ảnh trong album cũng giúp an ủi cô rằng trong quá khứ, cô đã từng nhận được tình thương của người bố mình thế nào!

Khi trung úy hải quân Luang Chalasinthurat mới là một anh sinh viên trường quân sự hải quân Manotch, theo quy định của nhà trường, học viên hải quân phải luân phiên nhau đi chợ hằng ngày. Chính vì thế mà anh sinh viên ấy phải thường xuyên qua lại khu vực bến sông Tian. Cứ mỗi lần đến lượt anh đi chợ là sinh viên cả trường lại được ăn chè và chuối tiêu của cô bán hàng có khuôn mặt dễ thương tên Orn. Sự quyến luyến tăng dần tới mức anh theo cô về tận nhà và tình cảm cứ thế phát triển. Khi cha cô qua đời, chàng trai trở thành chỗ dựa tinh thần cho hai mẹ con cô, đến khi anh tốt nghiệp thì hai người lặng lẽ kết hôn mà không có họ hàng nào phía nhà trai đến dự.

Sau khi hai người có với nhau một cô con gái, anh được cử đi học đóng tàu ở Ý năm năm. Lúc đầu, anh sĩ quan trẻ cũng lo trước nghĩ sau, không muốn đi nhưng người vợ cố gắng động viên với đủ lý do khiến anh bớt lo lắng và đồng ý đi học. Ngày tiễn anh lên đường ở bến sông, họ hàng phía gia đình anh đến đông đủ nhưng chẳng ai thèm để mắt đến cô bé đang đứng cùng mẹ và bà ngoại khiêm nhường một góc. Người bố bước tới chia tay vợ con cuối cùng, hôn con lưu luyến rồi mới dứt áo ra đi... Thời gian đầu, tin tức được chuyển về thường xuyên, thỉnh thoảng lại có quà gửi cho đứa con. Nhưng cùng với thời gian, tin tức cũng thưa thớt dần, cho tới năm cuối cùng thì không còn nhận được tin gì gửi về nữa. Thậm chí ngày trở về người vợ cũng không được biết, trong khi người chồng lại thông báo rộng rãi về quê mình và không lâu sau đó, người chồng đề nghị ly dị.

Người vợ chấp nhận, không hé miệng phản đối một lời, không rơi một giọt nước mắt nhưng chỉ có một điều kiện là người bố không còn bất kỳ quyền gì với cô con gái nữa. Người chồng lưỡng lự hồi lâu nhưng do họ hàng thúc giục nên rồi cũng đồng ý. Sau đó không lâu có tin đám cưới mới của ông được tổ chức linh đình. Cô bé được mẹ và bà nuôi nấng, chăm chút từng li từng tí nhưng phải tuân theo một điều luật nghiêm khắc là cấm không được nói đến cha. Cô thừa hưởng tính cách kiêu hãnh của người mẹ, và là tình yêu lớn nhất, duy nhất của bà ngoại và mẹ.

Về sau, người cha cố tìm cách đề nghị giúp đỡ, bảo trợ con trong việc học hành, nhưng đều bị từ chối. Bởi vậy, cô bé Angsumalin chỉ đi học ở những trường học bình thường gần nhà trong khi những đứa em cùng cha khác mẹ với cô được học ở những trường tốt nhất thời bấy giờ. Nhưng cô gái cũng cố gắng phấn đấu để vào được đại học, tất cả nguồn chu cấp cho cô đều từ mồ hôi công sức của bà và mẹ!

Mùi tôm nướng thơm phức bay vào phòng khiến cô gái vội vàng gấp cuốn album cất vào chỗ cũ, khóa lại, rồi nhanh chóng thay đồ. Mái tóc dài được tết lỏng thành bím quấn quanh đầu, lấy cặp gài qua loa. Cô thay một chiếc váy đen có kẻ ngang màu vàng nhạt cùng bộ với chiếc áo thân hơi dài, cổ tròn, tay lỡ đến khuỷu, màu vàng dịu khiến cô trông rạng rỡ hơn. Cô gái thoa qua chút phấn lên gương mặt trắng hơi gầy, rồi vội bước ra khỏi phòng.

“Thấy im im, bà lại tưởng đi ngắt ngọn sầu đâu ngoài vườn rồi.”

Người bà nói khi trông thấy cô... Hình ảnh bà ngoại co ro quấn khăn lụng thụng ngồi bổ cau làm cô cảm động bồi hồi. Cả bà và mẹ đều làm việc quần quật để gom góp từng đồng bạt cho cô được học đại học. Khi cô vừa tốt nghiệp phổ thông, còn lưỡng lự chưa biết có nên học tiếp theo chúng bạn không, chính bà ngoại là người cất giọng khàn khàn già nua đưa ra quyết định:

“Cháu hãy học tiếp đi.”

Angsumalin còn trêu bà:

“Bà không sợ cháu học cao rồi viết thư tình, viết thơ đối đáp giai ạ?”

“Nếu mà có ý định viết thật thì cháu đã viết được từ lâu rồi. Học đi cháu ạ, biết đâu rồi lại được tước nọ danh kia.”

“Thế còn mẹ, ý mẹ thế nào ạ?”

Đôi mắt mẹ cô lập tức ánh lên:

“Học đi con ạ. Chừng nào mà mẹ còn sức lực thì con cứ học tiếp đi. Học lên cao vào để ai ai người ta cũng thấy rằng mẹ đây có thể nuôi con không kém cạnh gì người khác.”

“Ai ai” mà mẹ nói ấy không thể là ai khác ngoài bố bởi bố từng nói muốn bảo trợ cho cô học tiếp, viện cớ là mẹ cô chắc không làm được như vậy.

“Để cháu giúp bà bổ cau bà nhé.”

“Ừm, cháu đi hái ngọn sầu đâu cho mẹ đi.”

“Nếu bà đói thì cứ ăn cơm trước nhé, không phải chờ cháu đâu ạ.”

Cô gái hơi kéo váy cao lên khi đi xuống cầu thang bởi bậc thang dốc. Mẹ từng nhiều lần muốn thuê thợ mộc về sửa nhưng rồi cứ phải trì hoãn mãi, cũng vì không có tiền. Angsumalin vào vườn, đầu lúc ngẩng lúc cúi để tránh những cành cam trĩu quả lúc lỉu... Năm nay cam sai quả vì trời rét, chắc sẽ bán được khá tiền, mẹ và bà sẽ không phải quá tiết kiệm. Nếu không, chỉ mua một tấm vải may váy mẹ cũng suy đi tính lại, ngược với việc chi tiêu cho cô, xin gì là gần như đều được cả. Mẹ nói:

“Để con cũng có mọi thứ không thua bạn kém bè.”

Nhưng sâu trong lòng, Angsumalin biết mẹ nghĩ gì. Mẹ muốn cho bố và họ hàng bên nhà bố biết là mẹ cũng có thể nuôi con mà không phải cạy cục ai. Mẹ muốn chứng tỏ cho mọi người thấy là hai bàn tay mẹ có thể nuôi nấng cho con sung sướng, đầy đủ không kém con người khác. Cô biết rõ điều này, nhưng bản tính khiêm nhường khiến cô biết cần kiệm, dành dụm, cái gì không nên thì không phí phạm, cái gì không đáng thì không tiêu; ít ra điều đó cũng giúp cho mẹ và bà cô không phải làm lụng vất vả quá sức.

Trong vườn không khí khá lạnh dù sương đã tan đi nhiều. Trên những cành cây ngọn cỏ còn đọng đầy sương mà theo mỗi cử động của cô, những giọt sương lại rớt xuống. Tiếng búa gõ đập kim loại ầm ĩ vang động vì cạnh khu vườn nhà cô là một xưởng đóng tàu nhỏ của tư nhân. Khu đất phía sau con ngòi, cỏ đã bắt đầu mọc lún phún. Việc khơi con ngòi này đáng ra phải của đàn ông, nhưng mẹ cũng cố tự làm, mỗi ngày nạo vét một ít. Dù cô nài nỉ mẹ thuê thêm người nhưng mẹ không chịu, bởi:

“Cũng khá tiền đấy con. Mẹ có thể xoay xở tự làm được.”

Angsumalin định là hôm nay cô sẽ xuống khơi ngòi giúp mẹ... Cây hoàng lan cuối vườn đã trút lá, chỉ còn trơ lại cành. Cô gái mỉm cười khi nhớ lại mấy hôm trước, bà cô vào thăm vườn xong lên nhà than thở rằng:

“Cái cây hoàng lan cuối vườn e là sắp chết rồi.”

Angsumalin còn thêm vào:

“Thế là khỏi hái hoa đem bán rồi.”

Nhưng bà thì lộ rõ vẻ lo buồn trên mặt:

“Hoàng lan là loài cây mà người ta dùng để xem điềm may rủi đó cháu. Nếu cây mà tươi tốt nghĩa là chủ nhân sẽ sống thanh bình, thịnh vượng.”

Cô lén cười bởi không tin, tại sao cuộc đời con người ta lại phụ thuộc vào cây cối kia chứ. Bà cô có vô số loại cây may mắn như xương rồng bát tiên, hoa mẫu đơn, rồi cả mấy họ bạch huệ mà mỗi khi chúng nở hoa lại phải thắp nến thắp hương và thắt nơ đỏ lên cây nữa. Có loại cây còn hễ tới mùa khô thì phải đào lên trước khi trời có sấm bởi bà bảo:

“Nếu không sẽ không thiêng!”

Hai vai cô và vạt váy ướt đẫm sương. Cây sầu đâu ngọt này hơi cao, nhưng cành nhánh cụt cả vì bị chặt gần hết, chỉ còn lại chút ngọn xanh rờn. Angsumalin kéo vạt váy cho gọn gàng, nhìn trước ngó sau rồi nhảy bám vào cành cây thấp nhất, đu lên một cách thành thạo. Cành cây có sương đọng khá trơn. Những cành thấp thấp đều bị chặt cả nên cô phải leo lên những cành cao hơn, càng trên cao thì ngọn sầu đâu càng mềm, mập trắng. Angsumalin khẽ khàng trèo lên trên, khi ngồi được trên chạc cây cao nhất, cô thở phào, rồi từ từ ngắt ngọn sầu đâu vứt xuống dưới. Từ đây chỉ vươn cổ ra một chút là nhìn thấy thấp thoáng mái nhà ga Bangkok Noi[6], tiếng còi tàu âm vang theo gió vọng tới. “Cứu tôi với, ai ném vào đầu tôi!”

[6] Phát âm là Bang-cọc-noi.

Tiếng ồm ồm vừa nói vừa cười vang lên từ phía dưới. Cô gái giật mình, vội kéo vạt váy che kín chân rồi ngó xuống. Chàng trai dáng cao lớn, da ngăm ngăm, mặc quần soóc màu đen, áo phông trắng, eo thắt khăn rằn đang đứng cười khoe răng trắng ở bờ thửa gần đó, cũng là đường phân ranh giới giữa các khu vườn nối nhau liên tiếp.

“Wanas đã đi đâu từ sáng thế?”[7]

[7] Tên của Wanas phát âm là Wa-nắt. Wanas và Angsumalin là bạn thân thiết chơi với nhau từ nhỏ nên dù Wanas lớn tuổi hơn Angsumalin nhưng hai người thường chỉ gọi tên. Trong văn hóa hội thoại của người Thái, giữa hai người quen thân nhau, nhiều khi người ta hay nói trống không, không cần chủ ngữ.

“Ế... sao cây sầu đâu lại có cả ma nữ thế này? Ở trên cây thì như khỉ như vượn, xuống dưới đất có gì ném nấy.”

“Im ngay nhé!”

“Thế sao lại trèo lên cao thế, rồi khéo ngã xuống chết teo cho mà xem.”

“Lên hái ngọn sầu đâu, ăn với tôm nướng.”

“Xuống đi để đây hái cho, nhưng phải cho ăn tôm trả công.”

“Việc gì chứ? Người ta tự hái gần xong rồi, tội gì lại phải chia tôm cho người khác, mất công mò tôm từ sáng lạnh gần chết.”

“Ôi trời, hôm nay rét thế mà còn tự xuống mò tôm ư?”

“Ừ, thấy tôm nó say nước. Thế đi đâu về thế này?”

“Bố sai sang gặp cô Orn để bảo là người buôn cam người ta sẽ đến định giá hôm nay. Hái đủ chưa?”

“Đủ rồi. Lùi ra xa xa đi, rồi quay lưng lại đây.”

“Không, đây cứ đứng thế này đấy, nếu không được chia tôm.” Chàng trai đứng chống nạnh, làm vẻ mặt tỉnh bơ bất cần.

“Này, người gì mà lại đi nhìn con gái leo cây.”

“Con gái leo cây thì thấy thường xuyên, nhưng leo rồi mà...”

“Thôi được rồi... cho ăn nửa con.”

“Hai con!”

“Thôi được rồi, một con, tôm to lắm đấy.”

“Không được ăn gian đâu đấy.”

Vừa nói cậu vừa quay lưng lại, đứng khoanh tay trước ngực, miệng thì hối thúc:

“Xuống chưaaa? Nhanh nhanh lên.”

“Cao gần chết, ai mà xuống nhanh được. Đừng có giục, không là ngã đây này.”

“Xuống chưaaa? Một, hai, ba?”

Tiếng động mạnh khiến chàng trai vội quay lại.

“Ôi...”

Cậu kêu lên và nhảy vọt qua con ngòi, tiến lại gần, cúi xuống chỗ cô gái đang ngồi im dưới gốc cây, mặt nhăn nhó.

“Đau không? Ngã từ chỗ nào, có cao không?”

Bím tóc vấn quanh đầu cô xổ tung, tay áo bị quệt bẩn thành một đường dài.

“Đáng ra không nên nhảy xuống từ trên cao thế.”

“Ai bảo là người ta nhảy, cành cây nó trơn nên bị trượt xuống đấy chứ.” Cự nự cậu xong, cô hất tay vùng vằng, khiến chàng trai cười hự hự:

“Dữ thế không biết. Rồi đây người ta không ở nhà cho mà cáu nữa đâu, người ta sẽ trốn đi thật xa. Không biết đến lúc đấy đằng ấy sẽ cáu với ai!”