Người Chạy Xuyên Không Gian - Chương 03

BA

Chúng tôi đi theo hướng bắc, về phía thành phố trên con đường cao tốc liên bang vắng vẻ. Những tòa nhà chọc trời ngày một gần hơn. Cứ mỗi chặng đường qua đi, tôi cảm thấy mình lấy lại được tỉnh táo rõ rệt hơn, và lý do duy nhất là vì tôi sẽ sớm được về nhà.

Daniela sẽ giúp tôi hiểu được dù cho có chuyện gì đang xảy ra chăng nữa.

Gã tài xế đỗ xe phía bên kia đường của căn nhà đá nâu, và tôi trả gã nốt chỗ tiền còn lại.

Tôi vội vàng băng qua đường, bước lên bậc thềm, lấy chùm chìa khóa rõ ràng không phải của tôi ra khỏi túi. Trong lúc tìm chiếc khóa vừa với ổ, tôi nhận ra đây không phải cửa nhà mình. Ừ thì đúng là cánh cửa nhà tôi. Là con phố nơi tôi sống. Số điện thoại của tôi in trên hòm thư. Nhưng tay nắm cửa không đúng, loại gỗ làm cửa quá đẹp, và các tấm bản lề làm từ sắt, theo lối gothic rõ ràng hợp với một quán rượu thời trung cổ hơn.

Tôi xoay tay nắm cửa.

Cánh cửa mở vào phía trong.

Có gì đó không ổn.

Rất không ổn.

Tôi bước qua ngưỡng cửa, vào phòng ăn.

Thứ mùi tỏa ra từ đây không giống nhà tôi. Không giống mùi của bất cứ thứ gì ngoại trừ mùi bụi bặm ngột ngạt. Như thể đã lâu rồi không có ai sống ở đây. Đèn không sáng, và không chỉ là một vài bóng đèn, mà tất cả bóng điện trong nhà.

Tôi đóng cửa lại và mò mẫm trong bóng tối cho tới khi tay tôi sượt qua một công tắc đèn. Một ngọn đèn chùm làm từ sừng nai tỏa ra ánh sáng ấm phía trên một chiếc bàn thủy tinh tối giản không thuộc về tôi, và một bộ ghế cũng không phải là của tôi.

Tôi cất tiếng gọi: “Xin chào!”

Ngôi nhà lặng như tờ.

Yên lặng một cách đáng sợ.

Trong ngôi nhà của tôi, phía trên lò sưởi đằng sau bàn ăn, có một bức ảnh lớn chụp Daniela, Charlie và tôi đứng tại đài quan sát Inspiration Point trong Vườn Quốc gia Yellowstone[12].

Trong căn nhà này, có một bức ảnh đen trắng với độ tương phản cao cũng được chụp ở hẻm núi ấy. Bức ảnh được chụp rất nghệ thuật, nhưng không có người trong đó.

Tôi di chuyển vào trong bếp, và ở lối vào, bộ phận cảm ứng kích hoạt bật đèn âm trần lên.

Thật là đẹp đẽ.

Đắt tiền.

Và không có sức sống.

Trong nhà tôi, có một tác phẩm Charlie đã làm ra hồi học lớp Một (từ mì macaroni[13]) được gắn bằng nam châm lên chiếc tủ lạnh màu trắng. Mỗi lần thấy nó, tôi lại bật cười. Còn trong căn bếp này, không có đến một vết bẩn trên vỏ thép của chiếc tủ lạnh Gaggenau[14].

“Daniela!”

Ngay cả tiếng vọng của tôi trong căn nhà này cũng khác.

“Charlie!”

Vì có ít đồ đạc nên tiếng vang dội lại càng nhiều.

Khi tôi bước qua phòng khách, tôi nhận ra chiếc máy chơi đĩa cũ của mình được đặt cạnh một hệ thống loa cực kỳ hiện đại. Bộ sưu tập đĩa than nhạc jazz của tôi được xếp cẩn thận theo bảng chữ cái trong những chiếc kệ âm tường được thiết kế riêng.

Tôi đi cầu thang lên tầng hai.

Hành lang tối, và công tắc đèn không còn ở vị trí như mọi khi, nhưng cũng chẳng hề gì. Phần lớn hệ thống đèn được gắn cảm ứng chuyển động, và những bóng đèn âm trần trên đầu tôi lần lượt lóe sáng.

Đây không còn là lớp sàn gỗ cứng của tôi. Nó đẹp hơn, những phiến gỗ rộng hơn, và có phần nhám hơn.

Ở giữa phòng tắm chung của tầng và phòng ngủ cho khách, bộ ba ảnh của gia đình tôi ở thành phố Wisconsin Dells[15] đã bị thay bằng một bức vẽ bến tàu Navy Pier[16]. Vẽ bằng than trên giấy xi măng. Chữ ký của họa sĩ ở góc dưới bên phải khiến tôi chú ý - Daniela Vargas.

Tôi bước vào căn phòng tiếp theo bên tay trái.

Phòng của con trai tôi.

Nhưng không phải. Không có bức họa siêu thực nào của thằng bé. Không giường, không áp phích truyện tranh, không có chiếc bàn lộn xộn vở bài tập của nó, không có chiếc đèn lava[17] nào, không có ba lô, không quần áo vứt bừa bãi trên sàn.

Thay vào đó, chỉ có một màn hình máy tính đặt trên một chiếc bàn đắt tiền, trên mặt bàn đầy những sách và giấy viết.

Tôi bước về cuối hành lang trong tâm trạng sửng sốt. Đẩy cánh cửa trượt bằng kính mờ vào trong tường, tôi bước vào một phòng ngủ lớn sang trọng nhưng lạnh lẽo, và giống như mọi thứ khác trong căn nhà đá nâu này, không hề thuộc về tôi.

Những bức tường phòng được trang trí bởi các bản vẽ bằng than trên giấy xi măng cùng phong cách với bức vẽ ngoài hành lang, nhưng ở chính giữa căn phòng là một chiếc hộp bằng kính gắn trên một cột đỡ bằng gỗ keo. Đèn từ phía dưới hắt lên để chiếu sáng cho một tấm bằng khen gài trong chiếc kẹp tài liệu giả da, dựa vào một chiếc gối nhung sang trọng. Trên một sợi xích mỏng dọc thân cột, có treo một đồng vàng khảm hình Julian Pavia.

Dòng chữ trên tấm bằng khen như sau:

Giải thưởng Pavia được trao cho JASON ASHLEY DESSEN vì thành tựu nổi bật trong việc mở mang tri thức và hiểu biết về nguồn gốc, sự tiến hóa và tính chất của vũ trụ bằng việc đưa một vật thể vĩ mô vào trạng thái chồng chập lượng tử.

Tôi ngồi xuống bên mép giường.

Tôi cảm thấy không ổn.

Thực sự không ổn.

Nhà của tôi lẽ ra phải là chốn dung thân của tôi, một nơi an toàn và thoải mái, có gia đình quây quần. Nhưng nơi này thậm chí không thuộc về tôi.

Dạ dày tôi nhộn nhạo.

Tôi lao vào trong phòng tắm, mở nắp bồn vệ sinh và trút hết những gì có trong ruột vào chiếc bồn sứ trắng tinh khôi. Tôi thấy khát khô cổ.

Tôi mở vòi và đưa miệng hứng lấy dòng nước.

Vã nước khắp lên mặt.

Rồi loạng choạng trở lại phòng ngủ.

Tôi không biết điện thoại di động của mình ở đâu, nhưng có một chiếc điện thoại cố định trên bàn cạnh đầu giường.

Tôi chưa bao giờ thực sự quay số điện thoại di động của Daniela nên phải mất một lúc mới nhớ ra, nhưng cuối cùng thì tôi cũng bấm xong.

Bốn hồi chuông.

Một giọng nam ở đầu dây bên kia, trầm và ngái ngủ.

“A lô!”

“Daniela đâu rồi?”

“Chắc anh nhầm số rồi.”

Tôi đọc lại số điện thoại của Daniela, và anh ta đáp: “Vâng, đúng số anh đã gọi, nhưng là số của tôi.”

“Sao lại như thế được?”

Anh ta dập máy.

Tôi bấm số của cô một lần nữa, và lần này, anh ta nhấc máy sau hồi chuông đầu tiên và nói: “Mới ba giờ sáng. Đừng gọi tao nữa, đồ khốn.”

Lần thứ ba tôi gọi, cuộc gọi được đưa thẳng đến hộp tin nhắn tự động của người đàn ông kia. Tôi không để lại lời nhắn nào.

Tôi đứng dậy, quay lại phòng tắm và tự ngắm mình trong tấm gương phía trên bồn rửa.

Mặt tôi bầm dập, trầy trụa, đầy máu và lấm lem bùn. Tôi cần phải cạo râu, mắt tôi thì đỏ ngầu, nhưng tôi vẫn là tôi.

Cơn mệt mỏi ào đến như một cú đấm trời giáng vào trúng quai hàm.

Đầu gối tôi khuỵu xuống, nhưng tôi đã kịp bám lấy mặt ốp đá của bồn rửa.

Và rồi, dưới tầng một có một tiếng động.

Một tiếng đóng cửa thật khẽ chăng?

Tôi đứng thẳng dậy.

Trở về trạng thái cảnh giác.

Quay vào phòng ngủ, tôi lặng lẽ di chuyển về phía cửa vào và nhìn về đầu kia hành lang.

Tôi nghe thấy những giọng nói thì thầm.

Những tiếng nói bập bõm qua bộ đàm cầm tay.

Tiếng kẽo kẹt khe khẽ của bậc cầu thang gỗ cứng dưới sức nặng bàn chân ai đó.

Những giọng nói trở nên rõ ràng hơn, vọng qua vọng lại giữa những bức tường cầu thang rồi vang lên trên và dọc theo hành lang.

Giờ thì tôi đã có thể thấy bóng của họ hắt lên những bức tường khi họ đang ở cầu thang, di chuyển như những con ma.

Khi tôi bước một bước thận trọng ra hành lang, giọng một người đàn ông bình tĩnh và có chừng mực, chính là giọng Leighton, vọng lên từ cầu thang: “Jason?”

Tôi đi thêm năm bước để đến nhà tắm chung của cả tầng.

“Chúng tôi không đến để làm hại anh.”

Bước chân của họ đã lên đến hành lang.

Một cách chậm rãi, có tính toán.

“Tôi biết anh đang bối rối và mất phương hướng. Ước gì anh kể cho tôi khi còn ở trong phòng xét nghiệm. Tôi đã không nhận ra tình trạng của anh tệ đến thế nào. Xin lỗi vì đã bỏ sót điều đó.”

Tôi cẩn thận đóng cánh cửa sau lưng và bấm khóa.

“Chúng tôi chỉ muốn đưa anh về để anh không tự làm mình hoặc người khác bị thương.”

Phòng tắm này rộng gấp đôi phòng tắm của tôi, với buồng tắm đứng lát đá hoa cương và một bồn rửa đôi hào nhoáng ốp đá cẩm thạch.

Phía bên kia bồn cầu, tôi thấy thứ mình đang cần: một cái kệ lớn âm tường với một cánh cửa dẫn vào máng đựng đồ giặt.

“Jason.”

Phía bên kia cánh cửa nhà tắm, tôi nghe giọng nói trong bộ đàm phát ra.

“Jason, xin anh đấy. Hãy đáp lời tôi.” Bỗng nhiên, giọng anh ta chứa đầy vẻ giận dữ. “Chúng tôi đều đã làm đến kiệt sức để có được kết quả đêm nay. Anh hãy ra mặt đi! Chuyện này thật điên rồ!”

Vào một ngày Chủ nhật trời mưa, khi Charlie mới khoảng chín hay mười tuổi, chúng tôi đã dành cả buổi chiều để giả làm nhà thám hiểm. Tôi cứ thả thằng bé vào máng đồ giặt hết lần này đến lần khác, như thể đó là lối vào một cái hang. Thằng bé thậm chí còn mang theo ba lô và một cái đèn thám hiểm tự chế, chính là một chiếc đèn pin gắn lên đầu.

Tôi mở cửa máng, đu mình lên kệ.

Leighton nói: “Kiểm tra phòng ngủ.”

Có tiếng bước chân dồn dập về đầu kia của hành lang.

Miệng ống máng trông có vẻ nhỏ. Có lẽ là quá nhỏ.

Tôi nghe tiếng cửa phòng tắm bắt đầu rung lên, tay nắm cửa xóc nhẹ, rồi một giọng nữ vang lên: “Này, cửa này bị khóa.”

Tôi chui vào máng trượt.

Tối như hũ nút.

Cánh cửa phòng tắm khá dày nên lần đầu tiên họ tìm cách phá cửa, nó chỉ bị nứt nhẹ.

Tôi thậm chí không thể chui vừa thứ này, nhưng khi họ lao sầm vào cánh cửa phòng tắm lần thứ hai và nó bung khỏi bản lề, đổ sấp xuống sàn, tôi nhận ra mình không còn lựa chọn nào khác.

Họ ùa vào trong phòng tắm, tôi thoáng thấy trong gương bóng Leighton Vance và một trong mấy gã cố vấn an ninh trong phòng thí nghiệm, trên tay cầm một thứ có vẻ là súng bắn điện.

Leighton và tôi chạm mắt qua tấm gương trong khoảng nửa giây, rồi gã cầm súng bắn điện quay lại, giơ vũ khí của gã lên.

Tôi khoanh hai tay trước ngực và thả người trôi xuống theo ống máng.

Tiếng hò hét trong phòng tắm nhỏ dần phía trên đầu tôi, rồi tôi va thật mạnh xuống cái thùng đựng đồ giặt đã trống trơn. Chiếc thùng bằng nhựa nứt đôi, đẩy tôi lăn lông lốc ra giữa chiếc máy giặt và máy sấy.

Tiếng bước chân của họ lại xuất hiện, rầm rầm trên những bậc cầu thang.

Một cơn đau tê tái chạy dọc chân phải của tôi sau cú ngã. Tôi lồm cồm bò dậy và nhào về phía cửa kính dẫn ra phía sau ngôi nhà đá nâu.

Tay nắm cửa bằng đồng đã khóa chặt.

Tiếng bước chân ngày một gần, những giọng nói to dần, tiếng từ bộ đàm nheo nhéo chỉ đạo qua sóng điện từ.

Tôi xoay khóa, giật mở cánh cửa và chạy băng qua hiên nhà bằng gỗ đỏ, trên đó bày một giàn nướng đẹp hơn của tôi và một bể sục tôi chưa bao giờ có.

Tôi chạy xuống những bậc thang, vào sân sau, qua một vườn hồng.

Tôi thử mở cánh cửa gara, nhưng nó đã bị khóa.

Với chừng ấy người đang lùng sục bên trong, mọi ngọn đèn trong nhà đều đã bật sáng. Phải có đến bốn hay năm người đang chạy qua chạy lại dưới tầng một, cố gắng tìm kiếm tôi và quát tháo lẫn nhau.

Một hàng rào cao gần hai mét rưỡi bao lấy sân sau, và trong lúc tôi mở then cửa hàng rào, ai đó đã ra đến hiên nhà và gọi to tên tôi.

Con ngõ không có bóng người, còn tôi không dừng lại để nghĩ xem nên chạy hướng nào.

Tôi chỉ cắm đầu chạy.

Đến con phố bên cạnh, tôi ngoái nhìn lại và thấy hai bóng người đang đuổi theo tôi.

Từ xa, tiếng động cơ xe hơi gầm lên, theo sau là tiếng bánh xe xoay nghiến trên vỉa hè.

Tôi rẽ trái và chạy hết tốc lực cho đến khi tới ngõ tiếp theo.

Gần như sân sau của nhà nào cũng có hàng rào cao để bảo vệ, nhưng hàng rào của ngôi nhà thứ năm tính từ chỗ tôi chỉ cao đến hông, làm từ sắt hàn.

Một chiếc SUV vừa đảo đuôi và tăng tốc tiến vào con ngõ.

Tôi lao về phía hàng rào thấp kia.

Vì không còn sức để nhảy vượt rào, tôi vụng về quăng mình qua những đầu kim loại nhọn đang chĩa lên và ngã nhào vào trong sân sau của ngôi nhà. Tôi bò trên bãi cỏ để đến một cái lán nhỏ cạnh gara, cửa không có móc khóa.

Cánh cửa bật mở, và tôi lẻn vội vào bên trong khi có ai đó chạy ngang qua sân sau.

Tôi đóng cửa lại để không ai nghe thấy tiếng tôi thở hổn hển.

Tôi như muốn đứt hơi.

Trong này tối như hũ nút, thoang thoảng mùi xăng và máy cắt cỏ cũ. Ngực tôi áp vào mặt sau cánh cửa, phập phồng vì thở gấp.

Mồ hôi nhỏ giọt từ cằm tôi.

Tôi đưa tay gỡ một lớp mạng nhện vương trên mặt.

Trong bóng tối, tay tôi lần sờ bức tường ốp gỗ, những ngón tay lướt qua vô số công cụ khác nhau: cặp kéo tỉa cây, một cái cưa, một cái cào, một lưỡi rìu.

Tôi lấy cây rìu từ trên tường xuống và cầm chắc cái cán gỗ của nó, dò dò đầu ngón tay qua phần lưỡi rìu. Tôi không nhìn thấy gì, nhưng có vẻ đã nhiều năm rồi nó chưa được mài - có nhiều vết mẻ khá sâu trên rìu, không còn giữ được lưỡi rìu sắc bén nữa.

Tôi chớp chớp mắt dưới lớp mồ hôi bỏng rát, rồi cẩn thận mở cửa.

Không có tiếng động nào lọt vào trong lán.

Tôi hé cửa thêm một vài phân, cho đến khi có thể nhìn ra sân sau một lần nữa.

Khoảng sân trống không.

Trong khoảnh khắc yên ắng và bình tĩnh này, nguyên lý dao cạo Occam[18] chợt văng vẳng trong đầu tôi: Nếu các yếu tố có giá trị đồng đều nhau, phương án đơn giản nhất thường là phương án đúng đắn. Ý tưởng rằng tôi đã bị đánh thuốc mê, bắt cóc bởi một nhóm thử nghiệm bí mật để phục vụ mục đích kiểm soát tâm trí hay bất cứ mục đích trời ơi đất hỡi nào đó có phù hợp với hoàn cảnh hiện nay không? Không hề. Hoặc là họ sẽ cần phải tẩy não để tôi tin rằng nhà tôi không phải là nhà tôi, hoặc là chỉ trong vòng vài giờ, họ phải trừ khử gia đình tôi và tống khứ hết đồ nội thất trong nhà để tôi không còn nhận ra thứ gì cả.

Hoặc là, liệu có hợp lý hơn không khi nghĩ rằng một khối u trong não tôi đã đảo lộn hoàn toàn thế giới của tôi?

Rằng nó đã lặng lẽ phát triển trong hộp sọ của tôi suốt nhiều tháng hoặc nhiều năm, và cuối cùng đã khuấy đảo quá trình nhận thức của tôi, làm xiên xẹo khái niệm của tôi về mọi thứ.

Tôi chợt cảm thấy chắc như đinh đóng cột về ý tưởng ấy. Bằng không, thứ gì khác có thể ào ào cuốn phăng tôi đi bằng tốc độ gây tê liệt như vậy?

Thứ gì khác có thể khiến tôi quên mất danh tính và thực tại chỉ trong vòng vài giờ, và phải nghi ngờ mọi thứ mà tôi tưởng mình đã biết?

Tôi chờ đợi.

Và chờ đợi.

Rồi tiếp tục chờ đợi.

Cuối cùng, tôi bước ra ngoài thảm cỏ.

Không còn tiếng người nói.

Không còn tiếng bước chân.

Không một bóng người.

Không tiếng động cơ xe hơi.

Đêm trở về tĩnh tại và bình thường trở lại.

Tôi đã biết mình cần đi đâu tiếp theo.

* * *

Bệnh viện Chicago Mercy chỉ cách nhà tôi chừng mười dãy nhà, và tôi bước khập khiễng vào trong ánh đèn chói lòa của phòng cấp cứu lúc bốn giờ năm phút sáng.

Tôi ghét bệnh viện.

Tôi đã phải chứng kiến mẹ tôi qua đời trong viện.

Charlie đã phải ở trong phòng chăm sóc tích cực suốt mấy tuần đầu tiên sau khi ra đời.

Phòng chờ gần như vắng tanh. Ngoài tôi ra, có một anh thợ xây ca đêm đang đỡ lấy một bên cánh tay quấn băng cứu thương đầy máu, một gia đình ba người mang vẻ mặt căng thẳng, người bố bế một đứa bé mặt đỏ gay và đang khóc i ỉ.

Người phụ nữ trực bàn tiếp tân ngước mắt lên từ đống giấy tờ dang dở, trông đôi mắt cô vẫn rất tỉnh táo nếu xét đến cái giờ đêm chưa qua ngày chưa tới này.

Cô ta cất tiếng hỏi từ sau tấm kính plexiglas[19]: “Tôi giúp được gì cho anh?”

Tôi vẫn chưa nghĩ ra mình nên nói gì, làm cách nào để mở lời giải thích những yêu cầu của tôi.

Thấy tôi chưa trả lời ngay, cô ta gợi ý: “Anh vừa gặp tai nạn gì sao?”

“Không!”

“Mặt anh đầy những vết rạch.”

“Tôi không được ổn lắm.” Tôi đáp.

“Ý anh là sao?”

“Tôi nghĩ tôi cần nói chuyện với ai đó.”

“Anh là người vô gia cư à?”

“Không.”

“Gia đình của anh đâu?”

“Tôi không biết.”

Cô ta nhìn tôi từ đầu xuống chân - một màn đánh giá nhanh chóng và chuyên nghiệp.

“Tên anh là gì nhỉ?”

“Jason.”

“Chờ chút nhé.”

Cô ta đứng lên khỏi ghế, rồi biến mất vào góc khuất bên cạnh đó.

Chỉ khoảng ba mươi giây sau, có tiếng ù ù vang lên khi cánh cửa cạnh chỗ cô ta ngồi bật mở ra.

Cô y tá kia mỉm cười. “Quay lại rồi đây.”

Cô ta dẫn tôi đến một phòng bệnh.

“Sẽ có người vào đây với anh ngay.”

Khi cánh cửa đóng lại sau lưng cô ta, tôi ngồi xuống chỗ bàn khám bệnh và nhắm mắt lại để tránh ánh đèn. Đời tôi chưa từng thấy mệt như vậy bao giờ.

Cằm tôi xệ xuống.

Tôi ngồi thẳng dậy.

Tôi gần như đã ngủ gật lúc ngồi.

Cánh cửa bật mở.

Một tay bác sĩ trẻ bệ vệ bước vào, cắp theo một cái bảng ghi chép. Có một y tá khác đi cùng anh ta - một cô nàng nhuộm tóc vàng mặc bộ quần áo phẫu thuật màu xanh dương. Mặt cô nàng hiện rõ vẻ ngái ngủ không buồn che giấu.

“Anh Jason phải không?” Gã bác sĩ cất tiếng hỏi mà không buồn đưa tay ra bắt, cũng không buồn giả vờ che giấu thái độ thờ ơ của người phải làm ca đêm.

Tôi gật đầu.

“Họ của anh là gì?”

Tôi ngần ngừ không muốn khai tên đầy đủ với anh ta nhưng lại nghĩ, có lẽ đó chỉ là do khối u hoặc bất cứ thứ bệnh tật gì trong đầu đang khiến tôi trở nên đa nghi.

“Dessen.”

Tôi đánh vần tên mình trong lúc anh ta viết nguệch ngoạc lên một tờ giấy mà tôi đoán là tờ khai nhập viện.

“Tôi là bác sĩ Randolph, bác sĩ trực. Điều gì khiến anh phải vào phòng cấp cứu đêm nay?”

“Tôi nghĩ tâm trí tôi có vấn đề. Như thể là một khối u hoặc thứ gì đó.”

“Sao anh lại nghĩ như vậy?”

“Mọi việc không giống như tôi vẫn thường thấy.”

“Được rồi. Anh nói rõ hơn được không?”

“Tôi... thế này nhé, chuyện này nghe có vẻ điên rồ. Anh cứ biết là tôi cũng nhận thấy như vậy nhé.”

Anh ta ngước nhìn lên khỏi tấm bảng ghi chép.

“Nhà tôi không phải là nhà tôi.”

“Tôi không hiểu lắm.”

“Như tôi nói đấy. Nhà tôi không phải là nhà tôi. Gia đình tôi không ở đó. Mọi thứ đều... đẹp hơn nhiều. Tất cả đã được cải tạo và...”

“Nhưng đó vẫn là địa chỉ của anh chứ?”

“Đúng vậy.”

“Vậy ý anh là trong nhà thì khác, nhưng phía ngoài vẫn y nguyên?” Anh ta nói như thể tôi là một đứa trẻ.

“Phải.”

“Jason, sao lại có những vết cứa trên mặt anh, và bùn trên quần áo?”

“Người ta truy đuổi tôi.”

Lẽ ra tôi không nên nói ra điều đó, nhưng tôi đã quá mệt nên quên cả lựa lời. Chắc anh ta nghĩ tôi hoàn toàn mất trí.

“Truy đuổi anh?”

“Vâng.”

“Ai truy đuổi anh?”

“Tôi không biết.”

“Anh có biết vì sao họ đuổi theo anh không?”

“Bởi vì... chuyện phức tạp lắm.”

Ánh mắt dò xét, nghi hoặc của anh ta được che giấu thành thục hơn cô y tá trực bàn tiếp tân. Tôi suýt nữa thì đã bỏ qua điều đó.

“Đêm nay anh có dùng thuốc hay uống đồ có cồn nào không?” Anh ta hỏi.

“Tôi có uống chút rượu vang lúc tối, rồi đến rượu whisky, nhưng đã cách đây nhiều giờ đồng hồ.”

“Tôi xin lỗi lần nữa nhé - ca trực này đã khá dài - nhưng điều gì khiến anh nghĩ tâm trí anh có vấn đề?”

“Bởi vì tám tiếng vừa qua thật vô lý với tôi. Mọi việc đều rất sống động, nhưng không thể nào là thật được.”

“Gần đây anh có bị chấn thương ở đầu không?”

“Không. À... ý tôi là, tôi nghĩ ai đó đã đánh vào phía sau đầu tôi. Chạm vào đau lắm.”

“Ai đã đánh anh?”

“Tôi không chắc. Tôi thực sự không chắc chắn về bất cứ điều gì lúc này.”

“Được rồi. Anh có dùng chất kích thích nào không? Hiện giờ hay là trong quá khứ?”

“Tôi hút cần một đôi lần mỗi năm. Nhưng gần đây thì không.”

Gã bác sĩ quay sang phía cô y tá. “Tôi sẽ nhờ Barbara lấy máu.”

Anh ta thả chiếc bảng ghi chép xuống bàn và lấy ra một chiếc đèn bút từ trong túi áo.

“Tôi kiểm tra một chút được chứ?”

“Không hề gì.”

Randolph tiến về phía tôi đến khi hai khuôn mặt chỉ còn cách nhau vài phân, đủ gần để tôi ngửi thấy mùi cà phê đã chua trong hơi thở và nhìn thấy vết xước mới có do cạo râu trên cằm anh ta. Anh ta chiếu thẳng ngọn đèn vào mắt phải của tôi. Trong chớp mắt, chẳng có gì ngoài một đốm sáng lòa ở giữa trường nhìn của tôi, và khoảnh khắc đó như đốt cháy phần còn lại của thế giới.

“Jason, anh có ý nghĩ về việc tự làm mình bị thương không?”

“Tôi không có xu hướng tự tử.”

Ánh đèn chuyển sang mắt trái tôi.

“Anh đã từng phải nhập viện tâm thần chưa?”

“Chưa.”

Anh ta nhẹ nhàng đỡ lấy cổ tay tôi bằng bàn tay mềm và mát, rồi kiểm tra nhịp tim.

“Anh làm nghề gì?” Anh ta hỏi.

“Tôi dạy ở Đại học Lakemont.”

“Kết hôn chưa?”

“Rồi.” Theo bản năng, tôi lần xuống để tìm nhẫn cưới của mình.

Nó biến mất rồi.

Chúa ơi!

Cô y tá bắt đầu xắn ống tay áo bên trái của tôi lên.

“Vợ anh tên là gì?” Gã bác sĩ hỏi.

“Daniela.”

“Hai người vẫn hòa thuận chứ?”

“Vâng.”

“Anh không nghĩ là cô ấy đang băn khoăn xem anh ở đâu à? Tôi nghĩ ta nên gọi cho cô ấy.”

“Tôi đã thử gọi.”

“Khi nào?”

“Khoảng một giờ trước, lúc ở nhà. Một người lạ đã nghe máy. Anh ta nói là gọi nhầm số.”

“Có thể anh bấm nhầm số thật.”

“Tôi biết số điện thoại của vợ tôi chứ.”

Cô y tá hỏi: “Ta dùng kim tiêm được chứ, anh Dessen?”

“Vâng.”

Trong lúc sát trùng vùng da mặt dưới của cánh tay tôi, cô ta nói: “Bác sĩ Randolph, nhìn này.” Cô ta chạm vào vết chích từ vài giờ trước, khi Leighton lấy máu của tôi.

“Vết này có từ khi nào?” Anh ta hỏi.

“Tôi không biết.” Có lẽ tốt nhất là không nhắc đến phòng thí nghiệm mà tôi nghĩ là mình vừa trốn khỏi.

“Anh không nhớ việc có ai đó chọc một cây kim vào tay anh à?”

“Không.”

Randolph gật đầu với cô y tá, và cô ta nhắc: “Sẽ nhói một chút nhé.”

Anh ta lại hỏi: “Anh có mang theo điện thoại di động không?”

“Tôi không biết nó ở đâu.”

Anh ta cầm chiếc bảng ghi chép lên. “Đọc lại tên vợ anh cho tôi. Và số điện thoại nữa. Chúng tôi sẽ thử gọi cô ấy cho anh.”

Tôi đánh vần tên Daniela, rồi hấp tấp đọc số điện thoại của cô và số điện thoại nhà tôi trong lúc máu tôi dần lấp đầy một ống xét nghiệm bằng nhựa.

“Anh sẽ chụp cắt lớp đầu tôi chứ?” Tôi hỏi. “Để xem có chuyện gì không?”

“Chắc chắn rồi.”

Họ cho tôi một phòng bệnh riêng trên tầng tám.

Tôi rửa mặt trong phòng vệ sinh, cởi giày và trèo lên giường.

Cơn buồn ngủ đã kéo đến, nhưng nhà khoa học trong não tôi không chịu nghỉ ngơi.

Tôi không thể ngừng suy nghĩ.

Tôi cứ dựng lên những giả thuyết rồi lại bác bỏ chúng.

Rồi tôi lại vật lộn để lý giải mọi việc vừa xảy ra một cách logic.

Vào lúc này, tôi không có cách nào để biết đâu là thật và đâu là giả nữa. Tôi còn không chắc mình đã từng kết hôn hay chưa.

Không. Khoan đã nào.

Tôi giơ bàn tay trái lên và nhìn thật kĩ ngón nhẫn của mình.

Chiếc nhẫn đã biến mất, nhưng bằng chứng về sự tồn tại của nó vẫn lưu lại, là một vành đai nhạt màu quanh đốt ngón tay của tôi. Nó đã từng ở đó. Nó để lại một dấu vết. Vậy nghĩa là ai đó đã lấy chiếc nhẫn đi.

Tôi chạm vào vành đai mờ kia, cảm nhận rõ rệt cả nỗi sợ hãi và niềm an ủi mà nó mang lại - vết tích cuối cùng cho hiện thực của tôi.

Tôi tự hỏi...

Chuyện gì sẽ xảy ra khi dấu vết vật lý cuối cùng này minh chứng cho cuộc hôn nhân của tôi biến mất?

Khi không còn vật gì để tôi neo vào?

Khi bầu trời phía trên thành phố Chicago nhích dần từng chút về phía bình minh - một màu tím vô vọng và u ám - tôi chìm dần vào trong giấc ngủ.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3