Những Âm Mưu Từ Đảo Jekyll - Chương 09

Chương 9 KHOA HỌC BÍ MẬT Lịch sử được viết súc tích về hệ thống ngân hàng dự trữ cục bộ; tài liệu chưa bị phá hủy về sự gian lận, bùng nổ, suy thoái và hỗn loạn kinh tế; sự thành lập Ngân hàng Anh, ngân hàng trung ương đầu tiên của thế giới trở thành mô hình cho Cục Dự trữ Liên bang. Những ngân hàng tiền gửi xuất hiện đầu tiên vào thời kỳ đầu Hy Lạp, gắn liền với sự phát triển của chính hệ thống đúc tiền. Chúng được biết tới ở Ấn Độ vào thời kỳ A-lếch-xan-đơ Đại đế. Chúng cũng hoạt động ở Ai Cập như một phần quan trọng không thể thiếu của hệ thống kinh tế chung, chúng còn xuất hiện ở Damascus vào năm 1200 và ở Barcelona vào năm 1400. Và bất kể thế nào thì đó cũng được coi là một thành phố độc lập chủ quyền ở Venice, nơi được xem như cái nôi của ngành ngân hàng mà chúng ta biết ngày nay. NGÂN HÀNG VENICE Năm 1361, một hành động bất lương trong ngành ngân hàng đã diễn ra tới mức mà Thượng nghị viện Viên đã thông qua luật cấm các chủ ngân hàng tham gia bất cứ mục đích thương mại nào khác, theo đó, sự cám dỗ trong việc sử dụng những nguồn vốn của người gửi tiền cho các hoạt động kinh doanh của bản thân đều bị bãi bỏ. Các ngân hàng cũng được yêu cầu mở các sổ sách kế toán của mình để thanh tra công khai đồng thời giữ cho kho dự trữ tiền của họ luôn sẵn có cho việc rà soát vào tất cả thời gian hợp lý. Năm 1524, một hội đồng các nhà kiểm tra ngân hàng đã được thành lập và hai năm sau, tất cả chủ ngân hàng được yêu cầu thanh toán các khoản nợ với nhau bằng tiền mặt chứ không phải bằng sổ sách. Tuy nhiên, bất chấp những biện pháp đề phòng này, ngân hàng của Pisano và Tiepolo - ngân hàng lớn nhất lúc này - vẫn tiếp tục cho vay trong khi nguồn dự trữ có hạn, và năm 1584, ngân hàng này đã bị buộc phải đóng cửa vì không đủ khả năng trả lại tiền cho người gửi. Chính phủ đã chọn ngay những ví dụ đó và ngân hàng nhà nước được thành lập có tên Banco della Piazza del Rialto. Rút kinh nghiệm từ vụ phá sản mới nhất, chính phủ đã cấm ngân hàng mới không được phép đưa ra bất cứ khoản vay nào. Ngân hàng được yêu cầu duy trì hoạt động độc lập từ các khoản phí lưu kho, trao đổi tiền tệ, quản lý các nghiệp vụ chuyển khoản thanh toán giữa các khách hàng và các dịch vụ công chứng. Công thức đảm bảo sự trung thực của ngành ngân hàng đã được tìm ra. Ngân hàng trở nên thịnh vượng và nhanh chóng trở thành trung tâm thương mại của Viên. Những hóa đơn giấy của ngân hàng được chấp nhận rộng rãi vượt ra khỏi cả lãnh thổ quốc gia và trên thực tế, thay cho việc bị giảm giá trong sự chuyển đổi sang đồng tiền vàng như thực tế thường thấy, chúng thực sự có tầm quan trọng hơn những đồng tiền đó. Đó là bởi có quá nhiều loại tiền đúc được lưu thông và chính sự đa dạng khác nhau về chất lượng trong cùng loại tiền đúc như vậy mà ai cũng phải trở thành chuyên gia định giá giá trị tiền. Còn ngân hàng thực hiện dịch vụ này một cách tự động khi đưa những đồng tiền đúc đó vào trong kho dự trữ. Theo từng loại được định giá mà hóa đơn đưa ra là một sự phản ánh chính xác về giá trị nội tại của nó. Vì thế, dân chúng ngày càng thích giá trị của những tờ hóa đơn hơn là việc có nhiều tiền đúc và tất nhiên sẵn sàng trao đổi nhiều hơn một chút. Đáng tiếc là, thời gian qua đi cùng với sự phai mờ trong kí ức về những hành động bất lương trong lĩnh vực ngân hàng trước đó, Thượng nghị viện Viên cuối cùng đã ngừng kháng cự sự lôi cuốn của tín dụng. Do kẹt nguồn vốn và không muốn đối mặt với các cử tri bằng việc tăng thuế, các chính trị gia đã quyết định sẽ ủy quyền một ngân hàng mới mà không hạn chế đối với các khoản vay, buộc ngân hàng tạo ra tiền mà họ cần và sau đó đem “cho vay”. Vì thế, năm 1619, Banco del Rialto đã được thành lập và giống bậc tiền bối phá sản của mình, nó nhanh chóng bắt đầu tạo ra tiền từ không khí với mục đích cho chính phủ vay. Mười tám năm sau, Banco della Piazza del Rialto đã bị chuyển thành ngân hàng mới và ngọn lửa nhỏ đầu tiên về ngân hàng có tiếng của lịch sử đã lụi dần và tắt ngấm. Trong suốt các thế kỷ mười lăm và mười sáu, các ngân hàng mọc lên rất nhiều trên khắp châu Âu. Tuy nhiên, gần như không có ngoại lệ, các ngân hàng này đều tuân theo thực tế tạo lợi nhuận của việc cho vay tiền - điều không thực sự có sẵn cho khoản vay. Chúng đã tạo ra nguồn trái phiếu dư thừa trong sự tương phản với những khoản dự trữ của mình và kết quả tất yếu là mọi ngân hàng đều phá sản. Điều đó không có nghĩa rằng những người sở hữu và các vị giám đốc đã không thành công. Nó chỉ có nghĩa rằng những người gửi tiền của họ bị mất tất cả hoặc một phần tài sản của mình khi “giao trứng cho ác”. NGÂN HÀNG AMS-TÉC-ĐAM Ngân hàng Ams-téc-đam được thành lập vào năm 1609 và chúng ta tìm thấy ví dụ thứ hai về những thực tế có căn cứ trong lĩnh vực ngân hàng và kết quả gần giống với những trải nghiệm trước đây của Banco della Piazza del Rialto. Ngân hàng chỉ được chấp nhận các khoản tiền gửi và kiên quyết từ chối đưa ra những khoản vay. Nguồn thu nhập của nó chỉ được lấy từ các khoản phí dịch vụ. Tất cả mọi khoản thanh toán trong và ngoài phạm vi Ams-téc-đam nhanh chóng được thực hiện bằng tiền giấy do ngân hàng phát hành và trên thực tế, loại tiền tệ đó chứa đựng tầm quan trọng hơn so với bản thân tiền đúc. Các thị trưởng và hội đồng thành phố được yêu cầu tuyên thệ hàng năm rằng nguồn dự trữ tiền đúc của ngân hàng còn nguyên. Galbraith nhắc lại cho chúng ta thấy: Cả một thập kỉ sau khi được thành lập, ngân hàng đã hoạt động một cách có ích với tính chính trực nghiêm túc đặc biệt. Những khoản tiền gửi là tiền gửi và ngay từ đầu, kim loại vẫn được cất giữ cho người sở hữu đến khi anh ta chuyển nó sang cho người khác. Không khoản nào được cho vay. Năm 1672, khi những đội quân của vua Louis XIV tiếp cận Ams-téc-đam, một sự cảnh báo nghiêm trọng đã hiện diện. Các thương gia vây lấy ngân hàng, một số nghi ngờ rằng của cải của họ có thể không còn tồn tại ở đó. Tất cả đều đòi được thanh toán cho số tiền của mình và khi nhận thấy điều đó là thừa khả năng thì họ lại không muốn nữa. Như thường được quan sát trong tương lai, bất kể người ta mong muốn rút tiền khỏi ngân hàng đến mức nào nhưng khi chắc rằng mình có thể lấy được nó thì họ lại không muốn thực hiện nữa.[1] Tuy nhiên, các nguyên tắc của tính trung thực và sự tự chủ vẫn không tồn tại được. Sức hấp dẫn của khoản lợi nhuận dễ dàng từ việc tạo ra tiền rõ ràng là quá lớn. Vì thế, ngay đầu năm 1657, các cá nhân đã được phép rút vượt số tiền ra khỏi tài khoản của mình, dĩ nhiên điều này có nghĩa rằng, ngân hàng đã tạo ra tiền mới từ khoản nợ của họ. Những năm sau, các khoản vay khổng lồ đã được công ty Dutch East Indies tạo ra. Cuối cùng, vào tháng Giêng năm 1790, dân chúng đã biết hết sự thật và kể từ đó, nhu cầu đòi lại những khoản tiền gửi đã diễn ra đều đặn. Mười tháng sau, ngân hàng đã công bố vỡ nợ và được thành phố ở Ams-téc-đam tiếp quản. NGÂN HÀNG HAMBURG Kinh nghiệm thứ ba và cuối cùng về sự trung thực của ngành ngân hàng diễn ra ở Đức với Ngân hàng Hamburg. Hơn hai thế kỉ, ngân hàng đã giữ vững được sự trung thành với nguyên tắc tiền gửi an toàn. Vì ngân hàng được quản lý quá cẩn thận nên khi đánh chiếm ngân hàng vào năm 1813, Napoleon đã tìm thấy 7.506.956 đồng mác bằng bạc được cất giữ để dành trả cho các khoản nợ trị giá 7.489.343 mác. Như vậy, đã có nhiều hơn 17.613 mác so với mức thực sự cần thiết. Hầu hết tài sản tích lũy của ngân hàng mà Napoleon lấy đi đã được chính phủ Pháp khôi phục lại dưới hình thức chứng khoán vài năm sau đó. Không rõ liệu những chứng khoán đó có nhiều giá trị không, thậm chí nếu có thì chúng cũng không bằng được với số bạc đó. Vì sự xâm chiếm của nước ngoài nên tiền tệ của ngân hàng không còn đủ khả năng chuyển đổi hoàn toàn thành tiền đúc như tiền hóa đơn nữa. Lúc này, nó đã trở thành tiền dự trữ và cơ chế tự phá hủy được thiết lập hoạt động. Ngân hàng đã tồn tại thêm năm mươi lăm năm nữa cho tới năm 1871 khi được lệnh phải thanh lý tất cả các khoản nợ của mình. Đó chính là đoạn kết của câu chuyện về sự trung thực trong lĩnh vực ngân hàng. Từ giờ trở đi, hệ thống dự trữ cục bộ trở thành thực tế chung. Song hệ thống này vẫn có nhiều điều ngoắt ngoéo thú vị trong sự phát triển của mình trước khi sẵn sàng cho một thứ được coi là hết sức tinh vi với tên gọi Cục Dự trữ Liên bang. NGÀNH NGÂN HÀNG THỜI KỲ ĐẦU Ở ANH Ở Anh, tiền giấy đầu tiên chính là hóa đơn kho bạc thời Charles II. Đó là tiền pháp định thuần túy và dù được ra sắc lệnh là tiền tệ chính thức, nó vẫn không được sử dụng rộng rãi. Đến năm 1696, nó được thay thế bằng hóa đơn kho bạc. Hóa đơn này được đền bù bằng vàng và chính phủ đã tiến được những bước dài thành công nhằm khẳng định rằng thực sự có đủ số tiền vàng hoặc thỏi vàng thực hiện tốt cho khoản thế chấp. Nói cách khác, nó là tiền hóa đơn thực sự và được chấp nhận rộng rãi như phương tiện trao đổi. Hơn nữa, hóa đơn đã được cân nhắc như những khoản vay ngắn hạn đối với chính phủ và thực sự được thanh toán lãi đối với người giữ hóa đơn. Năm 1707, không bao lâu sau khi được thành lập, Ngân hàng Anh đã được trao trách nhiệm quản lý thứ tiền tệ này. Tuy nhiên, ngân hàng này đã nhận ra nhiều cơ hội lợi nhuận trong việc lưu thông những chứng nợ ngân hàng của riêng mình - những thứ dưới dạng tiền dự trữ và được sinh ra nhờ thu lãi chứ không phải thanh toán nó. Do đó, các hóa đơn chính phủ dần dần không được sử dụng và thay vào đó là các chứng nợ ngân hàng, nhờ vậy mà đến giữa thế kỷ thứ mười tám, chúng đã trở thành tiền giấy duy nhất của Anh. Phải hiểu rằng vào thời gian này, Ngân hàng Anh vẫn chưa phát triển đầy đủ như ngân hàng trung ương. Nó từng được phép độc quyền về phát hành các chứng nợ ngân hàng trong phạm vi Luân Đôn và những vùng địa lý quan trọng nhưng vẫn chưa được nhận sắc lệnh thành tiền tệ chính thức. Không một ai bị ép dùng chúng. Chúng chỉ là những hóa đơn kim loại tư nhân thay cho đồng tiền vàng do ngân hàng tư nhân phát hành mà dân chúng có thể chấp nhận, từ chối hoặc bán giảm giá ở mức vui vẻ. Tình trạng tiền tệ chính thức không được hội ý theo tiền ngân hàng cho tới năm 1833. Trong khi đó, Quốc hội từng công nhận các hiến chương đối với vô số ngân hàng khác như hành động hào hiệp và không có ngoại lệ, sự phát hành tiền dự trữ dẫn tới thất bại sau cùng của các ngân hàng cùng với sự phá sản của những người gửi tiền vào các ngân hàng đó. Shaw nói: “Thảm họa đã liên tiếp tấn công đất nước” vì “sự thờ ơ của chính phủ đối với những chứng nợ bằng giấy cá nhân đơn thuần này.”[2] Tuy nhiên, Ngân hàng Anh được chính phủ ủng hộ đã vượt lên tất cả và dần dần, theo thời gian, được Quốc hội cứu khỏi tình trạng vỡ nợ. Cách thức mà ngân hàng này thoát ra khỏi tình trạng vỡ nợ chính là một câu chuyện hết sức thú vị. NGÂN HÀNG ANH Cuối cùng, nước Anh cũng trở nên kiệt sức sau nửa thế kỷ chìm ngập trong cuộc chiến tranh chống quân Pháp và vô số cuộc nội chiến nổ ra chủ yếu chống lại khoản thuế quá cao. Đến khi xảy ra cuộc chiến của Liên Minh Augsberg năm 1693, Vua William đã có yêu cầu nghiêm túc về ngân khố quốc gia mới. Hai mươi năm trước, Vua Charles II đã thẳng thừng từ chối trả khoản nợ hơn một triệu bảng mà ông từng vay của hai mươi thợ kim hoàn, kết quả là khoản tiền tiết kiệm của mười nghìn người gửi đã bốc hơi nhanh chóng. Điều này vẫn còn mới nguyên trong kí ức của mọi người và chẳng cần nói, chính phủ không còn muốn cân nhắc nguy cơ rủi ro cho một vụ đầu tư tốt. Không đủ khả năng tăng các khoản thuế cũng như cho vay, Quốc hội trở nên liều lĩnh để có được cách thu tiền khác. Như Groseclose nói thì mục đích không phải để đưa “cơ chế tiền tệ theo sự kiểm soát thông minh hơn mà để tạo ra phương tiện ngoài những nguồn thuế nặng nề và những khoản vay dân chúng cho những yêu cầu tài chính của một chính phủ túng quẫn”.[3] Có hai nhóm người nhận thấy được cơ hội duy nhất xuất hiện dành cho nhu cầu này. Nhóm thứ nhất bao gồm các nhà khoa học chính trị trong chính phủ. Nhóm thứ hai gồm các nhà khoa học tiền tệ từ hoạt động kinh doanh ngân hàng mới nổi. Nhà tổ chức và người phát ngôn của nhóm này là William Paterson đến từ Scốt-len. Paterson từng tới Mỹ và trở lại với âm mưu đại quy mô nhằm đạt được bản hiến chương của Anh dành cho công ty thương mại để thực dân hóa Eo biển Panama mà sau này được biết đến như Darien. Do không hề quan tâm tới điều đó nên Paterson đã chuyển sự quan tâm của mình vào mưu đồ - mưu đồ tạo ra tiền để làm lợi cho bản thân. Cả hai nhóm này cùng xuất hiện và thành lập một liên minh. Mà không, cụm từ này quá mềm mại. Từ điển Di sản Mỹ định nghĩa bè đảng như “Một nhóm bí ẩn của những kẻ bày mưu hoặc những kẻ có sự vận động ngầm”. Không có từ nào khác có thể mô tả quá chính xác như vậy về nhóm này. Với sự bí mật và bí ẩn nhiều như nhau, giống như cuộc họp trên đảo Jekyll, Bè đảng đã gặp nhau tại nhà thờ của Mercer ở Luân Đôn và nghĩ ra bản kế hoạch bảy điểm sẽ được dùng cho những mục đích chung của mình: 1. Chính phủ sẽ công nhận hiến chương cho các nhà khoa học tiền tệ thành lập ngân hàng. 2. Ngân hàng sẽ được độc quyền phát hành tiền giấy ngân hàng và loại tiền đó sẽ được đưa vào lưu thông như tiền giấy của Anh. 3. Ngân hàng sẽ tạo ra tiền từ không khí với chỉ một phần nhỏ trong tổng số tiền của nó được bảo đảm bằng tiền đúc. 4. Các nhà khoa học tiền tệ sau đó sẽ cho chính phủ vay tất cả số tiền cần thiết. 5. Tiền được tạo ra cho những khoản vay của chính phủ sẽ được bảo đảm chủ yếu thông qua các phiếu nợ (IOU) của chính phủ. 6. Mặc dù tiền này được tạo ra từ không khí và không mất phí để tạo ra, nhưng chính phủ sẽ thanh toán “lãi” theo tỉ suất 8%. 7. Các phiếu nợ của chính phủ sẽ được xem xét như “các nguồn dự trữ” trong việc tạo ra khoản tiền vay bổ sung cho thương mại tư nhân. Những khoản vay này cũng sẽ có được mức thu lãi. Do đó, các nhà khoa học tiền tệ sẽ thu hai lần lãi từ không khí.[4] Thông tư được phân loại để thu hút những người góp tiền cho đợt chào bán cổ phiếu lần đầu của Ngân hàng đã giải thích: “Ngân hàng có được ích lợi của khoản lãi dựa trên tất cả tiền do Ngân hàng tạo ra từ không khí.”[5] Hiến chương ngân hàng đã được ban hành vào năm 1694 và hình hài của một âm mưu lạ lùng đã bắt đầu được hình thành. Đó chính là ngân hàng trung ương đầu tiên của thế giới. Rothbard viết: Tóm lại, khi không có đủ những cá nhân tiết kiệm sẵn sàng cống nộp tài chính cho khoản thâm hụt, Paterson và nhóm của mình đã sẵn sàng mua các trái phiếu chính phủ một cách hòa nhã, miễn là họ có thể cũng làm như thế với tiền giấy được tạo mới từ không khí với rất nhiều đặc quyền. Đây là thỏa thuận tuyệt vời dành cho Paterson và công ty, còn chính phủ được hưởng lợi từ trò lừa bịp của việc cấp vốn do ngân hàng trông có vẻ hợp pháp thực hiện cho các khoản nợ của chính phủ… Ngay khi Ngân hàng Anh được ban đặc quyền vào năm 1694, bản thân Vua William và nhiều thành viên khác của Quốc hội đã trở thành những cổ đông của nhà máy in tiền mới vừa được họ tạo ra.[6] KHOA HỌC BÍ MẬT CỦA TIỀN Cả hai nhóm trong Bè đảng đã được tưởng thưởng hậu hĩnh cho những nỗ lực của mình. Các nhà nghiên cứu chính trị đã từng tìm kiếm được khoảng 500.000 bảng để chu cấp cho cuộc chiến hiện tại. Ngân hàng đã nhanh chóng đưa ra số tiền gấp đôi khoản tiền đó. Các nhà khoa học tiền tệ đã bắt đầu bằng khoản đầu tư vốn được thế chấp trị giá 1.200.000 bảng. Những cuốn sách giáo khoa kể cho chúng ta rằng khoản tiền đó đã được chính phủ vay với mức lãi suất 8%, nhưng điều luôn bị bỏ qua chính là thực tế rằng, khi khoản vay được đưa ra, chỉ có 720.000 bảng được đầu tư và như thế có nghĩa là Ngân hàng “đã cho vay” nhiều hơn 66% so với những gì nó thực có.[7] Hơn nữa, Ngân hàng được hưởng đặc quyền tạo ra ít nhất một khoản tiền tương đương dưới dạng những khoản vay cho dân chúng. Vì thế, sau khi đem tiền cho chính phủ vay, họ vẫn còn khả năng cho vay tiếp lần hai. Khoản vay trung thực trị giá 720.000 bảng của ngân hàng với lãi suất 8% sẽ tạo ra 57.600 bảng tiền lãi. Nhưng với khoa học bí mật mới, các ngân hàng đã đủ khả năng thu được mức lãi 8% trên 1.200.000 bảng đưa cho chính phủ cộng với một khoản ước tính 9% trên 720.000 bảng dành cho dân chúng. Như vậy là có thêm 160.800 bảng, nhiều hơn 22% trên khoản đầu tư của họ. Tuy nhiên, điểm mấu chốt thực sự là, trong những hoàn cảnh này, mức lãi suất chẳng có ý nghĩa gì. Khi tiền được tạo ra từ không khí thì mức lãi suất thực sự không phải là 8%, 9% hoặc thậm chí 22% mà là vô cùng. Theo đạo luật chính thức này của ngân hàng trung ương đầu tiên trên thế giới, chúng ta có thể thấy được yêu sách quan trọng tiêu biểu cho tất cả những thứ được thực hiện theo sau. Ngân hàng đã ngụy tạo để đưa ra khoản vay nhưng điều thực sự được thực hiện là nhằm mục đích sản xuất tiền cho nhu cầu tiêu dùng của chính phủ. Nếu chính phủ trực tiếp thực hiện điều này, bản chất pháp định của tiền tệ sẽ ngay lập tức được nhận ra và hầu như sẽ không được chấp nhận theo đầy đủ danh nghĩa trong thanh toán chiến phí. Tuy nhiên, nhờ việc tạo ra tiền thông qua hệ thống ngân hàng mà quá trình này trở nên khó hiểu đối với dân chúng. Những tờ giấy bạc được tạo mới hoàn toàn không thể phân biệt được so với những loại tiền từng được bảo đảm bằng đồng tiền vàng trước đó và dân chúng lại càng không có kinh nghiệm hơn. Do đó, thực tế về các ngân hàng trung ương - hay chúng ta không được quên rằng Cục Dự trữ Liên Bang chính là âm mưu như vậy - chính là, dưới chiêu bài mua những trái phiếu chính phủ, các ngân hàng này hoạt động như những cỗ máy in tiền ngầm có thể được vận hành bất cứ khi nào các chính trị gia muốn. Đây chính là điều may mắn cho những nhà nghiên cứu chính trị, những người không còn phải phụ thuộc vào các khoản thuế hoặc tín dụng của ngân khố nhằm tăng nguồn tiền. Việc này thậm chí còn dễ dàng hơn cả chuyện in tiền và bởi vì không được dân chúng hiểu lắm nên quá trình này thực sự an toàn về mặt chính trị. Dĩ nhiên, các nhà nghiên cứu tiền tệ được trả thù lao quá mức cho dịch vụ này. Để che đậy hoạt động của mình, ngân hàng nói rằng họ thu lãi nhưng đây chỉ là sự nhầm lẫn về thuật ngữ bởi vì tổ chức này không cho vay tiền mà tạo ra tiền. Vì thế, sự đền bù của họ nên được gọi là phí nghề nghiệp, tiền hoa hồng, tiền tác quyền hoặc tiền “lại quả”, phụ thuộc vào cách nhìn nhận của bạn nhưng không phải là lãi suất. TỪ LẠM PHÁP TỚI RÚT TIỀN ÀO ẠT RA KHỎI NGÂN HÀNG Tiền mới do Ngân hàng Anh tạo ra đã trút xuống nền kinh tế như mưa tháng Tư. Những ngân hàng quốc gia nằm ngoài khu vực Luân Đôn cũng được ủy quyền để tạo ra nguồn tiền riêng của mình nhưng phải nắm giữ tỉ lệ phần trăm nhất định theo tiền đúc hoặc chứng chỉ của Ngân hàng Anh trong dự trữ. Do đó, khi những tờ giấy bạc ngân hàng dồi dào này rơi vào tay mình, các chủ ngân hàng nhanh chóng cất ngay vào trong kho dự trữ và sau đó phát hành các chứng chỉ của riêng mình với số lượng thậm chí còn lớn hơn. Như kết quả của ảnh hưởng hình tháp, giá cả đã tăng 100% chỉ trong hai năm. Sau đó, điều không thể tránh được cũng đã diễn ra: đợt rút tiền ào ạt ra khỏi ngân hàng và Ngân hàng Anh đã không thể tạo ra tiền vàng. Khi không thể thanh toán đúng hạn được những hợp đồng của mình nhằm phân phát tiền vàng hoàn trả cho các hóa đơn thì thực tế là các ngân hàng đã bị phá sản. Chúng nên được chấp nhận rút khỏi hoạt động kinh doanh và thanh lý tài sản để thỏa mãn yêu cầu của chủ nợ, giống như bất cứ hoạt động kinh doanh nào khác. Trên thực tế, đó là việc thường xảy ra đối với những ngân hàng đã cho vay hết các khoản tiền gửi của mình và tạo ra tiền dự trữ. Hành động này từng được cho phép tiếp tục, có chút ít nghi ngờ rằng mọi người cuối cùng sẽ hiểu được và sẽ không muốn tiến hành kinh doanh với những kiểu ngân hàng đó. Nhờ quá trình tự mò mẫm đầy đau khổ nhưng hiệu quả cao mà nhân loại đã học được việc phân biệt tiền thật từ vàng của kẻ khờ. Còn ngày nay, thế giới sẽ trở nên tốt hơn nhiều vì điều đó. Dĩ nhiên, điều đó sẽ chẳng bao giờ được phép diễn ra. Bè đảng là liên minh và từng nhóm trong đó đều cam kết bảo vệ lẫn nhau, không phải vì lòng trung thành mà vì lợi ích chung của bản thân. Chúng biết rằng nếu một trong hai cái bị phá hủy thì cái còn lại cũng không thể tồn tại được. Hơn nữa, chẳng có gì ngạc nhiên khi Quốc hội can thiệp nhằm ngăn cản làn sóng rút tiền ào ạt khỏi Ngân hàng Anh. Tháng Năm năm 1696, chỉ hai năm sau khi Ngân hàng được thành lập, luật pháp đã thông qua việc ủy quyền cho Ngân hàng nhằm “trì hoãn việc thanh toán bằng tiền đúc”. Nhờ áp lực của luật pháp, Ngân hàng lúc này đã được miễn thanh toán đúng hẹn hợp đồng của mình trong việc hoàn trả vàng. MÔ HÌNH BẢO VỆ ĐƯỢC THIẾT LẬP Nhờ có tiền lệ mà kể từ đó trở đi, điều này đã trở thành sự kiện quyết định trong lịch sử tiền tệ. Ở châu Âu và Mỹ, các ngân hàng luôn hoạt động với giả định rằng các đối tác của chúng trong chính phủ sẽ ra tay hỗ trợ khi ngân hàng gặp vấn đề. Các chính trị gia có thể diễn thuyết về “việc bảo vệ dân chúng”, song thực tế cơ bản lại cho thấy rằng chính phủ cần tiền pháp định do các ngân hàng sản xuất. Do đó, các ngân hàng - ít nhất là những ngân hàng lớn - không được phép phá sản. Chỉ có tổ chức lũng đoạn với sự bảo vệ của chính phủ mới có thể được hưởng sự cách ly như vậy từ những công xưởng của thị trường tự do. Qua quan sát chung trong thời kỳ hiện đại, chúng ta thấy rằng, những kẻ tội phạm thường được đối xử nhẹ nhàng khi ăn trộm đồ hàng xóm. Nhưng nếu chúng ăn trộm của chính phủ hoặc ngân hàng, các hình phạt lại thực sự nghiêm khắc. Đây đơn thuần chỉ là cuộc thị uy khác của liên minh Bè đảng. Trong con mắt của chính phủ, các ngân hàng là đặc biệt và đó cũng là cách thức hiện diện ngay từ khi bắt đầu mối quan hệ cùng chí hướng của họ. Để lấy ví dụ, Galbraith kể cho chúng ta nghe: Năm 1780, khi lãnh chúa George Gordon dẫn đám lính của mình qua Luân Đôn nhằm phản đối các Hành động Cứu tế của Đạo Thiên chúa, Ngân hàng đã trở thành mục tiêu chính. Nó được báo hiệu cho Giới cầm quyền. Ngay lập tức các quận theo Đạo Thiên chúa ở Luân Đôn bị cướp bóc, còn giới chức sắc trì hoãn phản ứng. Khi cuộc bao vây Ngân hàng bắt đầu, mọi thứ trở nên nghiêm trọng hơn. Quân đội liền can thiệp và ngay lúc đó những người lính được cử ngay đến để bảo vệ Ngân hàng cả ban đêm.[8] NHỮNG CUỘC BÙNG NỔ VÀ PHÁ SẢN NGÀY NAY ĐƯỢC ĐẢM BẢO Một khi Ngân hàng Anh được bảo vệ hợp pháp do hậu quả của việc chuyển nợ thành tiền, nền kinh tế Anh phải chịu đựng chuyến đi gập ghềnh đến phát nôn của lạm phát, bùng nổ và phá sản. Kết quả tất yếu và tức thì là việc viện trợ những khoản vay quy mô lớn chỉ dành cho bất kỳ âm mưu man rợ nào có thể hình dung được. Tại sao không? Không mất tiền chi phí còn lợi nhuận tiềm năng thì khổng lồ. Vì vậy, Ngân hàng Anh và những ngân hàng quốc gia đã tạo ra nguồn cung ứng tiền của riêng mình theo hình tháp trên đỉnh của nguồn cung ứng Ngân hàng đồng thời bơm nguồn tiền mới ổn định vào nền kinh tế. Những công ty cổ phần lớn được thành lập và được cấp vốn nhờ khoản tiền này. Những kẻ vì mục đích tát cạn biển Hồng Hải để mò vàng đã mất xác bởi dân Ai-cập khi truy đuổi người Do thái. 1.500.000 bảng đã được chuyển thành những dự án mơ hồ và không có kết quả ở Nam Mỹ và Mê-hi-cô. Kết quả của dòng tiền mới này - lịch sử phải lặp lại nó bao nhiêu lần? - là những gì hơn cả nạn lạm phát. Năm 1810, Hạ nghị viện đã lập ra ủy ban đặc biệt được gọi là Ủy ban Đặc biệt theo Giá Cao của Vàng Thỏi nhằm khám phá vấn đề và tìm ra giải pháp. Phán quyết được đưa ra trong bản báo cáo tài chính là mô hình của sự rõ ràng cho biết giá cả không tiếp tục tăng. Giá trị tiền tệ tiếp tục đi xuống và điều đó diễn ra là bởi sự thật rằng nó đang được tạo ra theo tốc độ nhanh hơn so với việc tạo ra hàng hóa để mua bán. Giải pháp ư? Ủy ban khuyến cáo rằng tiền giấy của Ngân hàng Anh được tạo ra có đủ khả năng chuyển đổi đầy đủ thành đồng tiền vàng, do đó hãm lại nguồn cung ứng của tiền mà nó có thể được tạo ra. SỰ PHÒNG THỦ CỦA BẢN VỊ VÀNG Một trong những người đề xuất thẳng thắn nhất về bản vị vàng thực sự là David Ricardo - nhà môi giới chứng khoán gốc Do Thái ở Luân Đôn. Ricardo đã biện luận rằng một tiền tệ lý tưởng “nên bất biến tuyệt đối về giá trị”.[9] Ông thừa nhận rằng, xét về mặt này, các kim loại quý không hoàn hảo bởi chúng dịch chuyển theo sức mua ở cấp độ nhỏ. Ông nói: “Dù thế nào, chúng vẫn là tốt nhất so với cái mà chúng ta đã quen thuộc”.[10] Phần lớn mọi người trong chính phủ đều đồng ý với sự đánh giá của Ricardo, song, sự thật mang tính lí thuyết đang chống chọi lại một trận thua trông thấy với tính cần thiết của thực tế. Quan điểm của con người về hình thái tốt nhất của tiền tệ chỉ là một nhẽ. Còn chiến tranh với Napoleon lại là nhẽ khác và nó đòi hỏi một nguồn chi ổn định về tài chính. Nước Anh tiếp tục sử dụng cơ chế ngân hàng trung ương để bòn rút ngân khố từ dân chúng. ĐÌNH TRỆ VÀ CẢI CÁCH Năm 1815, giá cả lại tăng trở lại lần nữa và sau đó sụt giảm chóng mặt. Đạo luật về Ngũ cốc (Corn Act) được thông qua năm đó nhằm bảo vệ những người nông dân trồng trọt địa phương khỏi việc nhập khẩu giá thấp. Sau đó, khi giá ngũ cốc và lúa mì bắt đầu nhích lên dần, bất chấp thực tế mức lương và giá các mặt hàng khác đang giảm xuống, sự bất bình và tình trạng nổi loạn đã lan rộng. Roy Jastram giải thích: “Đến năm 1816, nước Anh đã rơi vào tình trạng sụt giá sâu. Sự đình trệ về công nghiệp và thương mại nói chung đã diễn ra; các ngành công nghiệp về sắt và than đá bị tê liệt… Những cuộc nổi loạn diễn ra đột ngột từ tháng Năm tới tháng Chạp.”[11] Năm 1821, sau khi chiến tranh kết thúc và không còn nhu cầu cấp vốn cho các chiến dịch quân đội, áp lực chính trị về bản vị vàng trở nên quá mạnh để kháng cự và Ngân hàng Anh đã trở lại việc chuyển đổi tiền giấy của mình thành đồng tiền vàng. Tuy nhiên, cơ chế ngân hàng trung ương không bị phá bỏ. Nó chỉ bị hạn chế bởi công thức mới liên quan tới tỉ lệ cho phép về các khoản dự trữ. Ngân hàng tiếp tục tạo ra tiền từ không khí vì mục đích cho vay và trong một năm, cây hoa của cuộc bùng nổ hoạt động kinh doanh đã được mọc lên. Sau đó, tháng Mười một năm 1825, hoa đã kết thành trái được định trước. Cuộc khủng hoảng bắt đầu bằng sự sụp đổ của công ty thuộc quyền sở hữu của Nam tước Peter Cole và sau đó được tiếp nối bởi sự vỡ nợ của sáu mươi ba ngân hàng khác. Sự thịnh vượng bị phá hủy hoàn toàn và nền kinh tế đã bị nhấn chìm vào tình trạng đình trệ. Khi khủng hoảng tương tự với những đợt vỡ nợ ngân hàng lớn hơn quay trở lại vào năm 1839, Quốc hội đã nỗ lực ngăn chặn vấn đề. Sau hơn năm năm phân tích và bàn cãi, Nam tước Robert Peel đã thành công trong việc phê chuẩn đạo luật cải cách ngành ngân hàng. Việc làm này đã đối mặt với nguyên nhân của những cuộc bùng nổ và phá sản ở Anh: một nguồn cung ứng tiền mềm dẻo. Những gì mà Đạo luật Ngân hàng của Peel năm 1844 cố gắng làm là nhằm hạn chế khoản tiền các ngân hàng có thể tạo ra đối với số tiền xấp xỉ sẽ có vì tiền giấy ngân hàng được bảo đảm bằng vàng hoặc bạc. Đây là sự cố gắng tuyệt vời nhưng cuối cùng đã bị thất bại bởi không đạt được ba tiêu chuẩn sau: (1), đây là sự thỏa hiệp về chính trị và không đủ chặt chẽ, cho phép các ngân hàng tạo ra tiền cho vay từ không khí lên tới 14.000.000 bảng hay nói cách khác, số lượng “dự trữ” được xem như an toàn vào thời điểm này; (2), giới hạn được áp dụng chỉ dành cho tiền giấy do Ngân hàng phát hành. Nó không áp dụng cho tiền séc và điều đó sau này trở thành hình thức trao đổi ưu đãi. Do đó, cái được gọi là cải cách này thậm chí đã không được áp dụng cho khu vực, nơi sự lạm dụng đang diễn ra với số lượng và tần suất kinh hoàng; và (3), khái niệm cơ bản được phép duy trì sự đồng thuận rằng, theo sự suy xét thường tình về chính trị vô cùng tận của mình, con người có thể xác định được nguồn cung ứng tiền tệ nào hiệu quả hơn so với hệ thống khó kiểm soát về vàng hoặc bạc đáp ứng được quy luật cung - cầu. TRÒ LƯỢN CAO TỐC LẠI TIẾP TỤC Trong vòng ba năm thực hiện chính sách “cải cách”, nước Anh đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng khác với các vụ vỡ nợ ngân hàng và thua lỗ. Nhưng khi Ngân hàng Anh sắp bước tới bờ vực phá sản thì lại một lần nữa, chính phủ ra tay can thiệp. Năm 1847, Ngân hàng được miễn giảm những yêu cầu dự trữ chính thức do Đạo luật Peel ban hành. Điều đó chính là tính cơ sở vững chắc của những giới hạn do con người đề ra đối với nguồn cung ứng tiền tệ. Groseclose tiếp tục câu chuyện: Mười năm sau, năm 1857, cuộc khủng hoảng khác lại xuất hiện do việc cho vay quá mức và không thận trọng như hậu quả của thái độ quá lạc quan về triển vọng ngoại thương. Ngân hàng đã tự nhận thấy tình huống tương tự như năm 1847 và những biện pháp tương tự đã được đưa ra. Trong trường hợp này, ngân hàng bị buộc sử dụng quyền tăng lợi tức tín dụng của mình [tiền dựa trên khoản nợ] vượt ra khỏi giới hạn mà Đạo luật Hiến chương Ngân hàng đã áp đặt… Cho đến năm 1866, mức tăng trưởng của ngành ngân hàng với sự thiếu vắng mối quan tâm đầy đủ tới tính thanh khoản và việc sử dụng tín dụng ngân hàng nhằm hỗ trợ sự say mê của mọi người trong việc đầu cơ tích trữ… đã dọn đường cho sự suy thoái và rốt cuộc là phá sản của ngân hàng nổi tiếng Overend, Gurney & Co. Đạo luật năm 1844 lại một lần nữa bị hoãn lại… Năm 1890, Ngân hàng Anh một lần nữa đối mặt với khủng hoảng, lần này lại là kết quả của sự đầu cơ tích trữ quá mức và lan rộng về chứng khoán nước ngoài, cụ thể là chứng khoán Mỹ và Ác-hen-ti-na. Lần này, nó là sự thất bại của Ngân hàng Baring Brothers.[12] CƠ CHẾ TẢN RA CÁC NƯỚC KHÁC Có một thực tế không thể tin được về lịch sử rằng, bất chấp những thất bại định kỳ và phổ biến của Ngân hàng Anh trong suốt những năm này, cơ chế ngân hàng trung ương vẫn hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu chính trị và tiền tệ tới mức nó trở thành mô hình cho cả châu Âu. Ngân hàng Phổ trở thành Reichsbank. Napoleon đã thành lập Banque de France. Vài thập kỷ sau, khái niệm này đã trở thành mô hình được Cục Dự trữ Liên bang sùng kính. Ai là người quan tâm nếu âm mưu này bị phá hủy? Đây chính là công cụ hoàn hảo trong việc đạt được nguồn vốn vô hạn dành cho các chính trị gia và lợi nhuận vô cùng đối với các chủ ngân hàng. Và hết thảy, những kẻ ti tiện thanh toán những hóa đơn cho cả hai nhóm chẳng hề hay biết về những gì sẽ được thực hiện cho họ. Các nhà lãnh đạo của những quốc gia xã hội chủ nghĩa không phải là ngoại lệ. Họ từng là những nhà phê bình thẳng thắn nhất về hệ thống ngân hàng của Các Quốc gia Tây Âu. John Maynard Kenes viết: Lê-nin từng tuyên bố rằng, cách tốt nhất để phá hủy Hệ thống Tư bản Chủ nghĩa chính là làm cho tiền tệ hư hại. Bằng quá trình gây lạm phát liên tục, các chính phủ có thể sung công một phần quan trọng của cải của dân chúng một cách bí ẩn và tinh vi. Nhờ phương thức này, họ không chỉ sung công mà còn sung công một cách chuyên quyền và trong khi đẩy nhiều người vào cảnh bần cùng thì quá trình này lại khiến cho một số kẻ giàu lên trông thấy… Ngay khi lạm phát dần xuất hiện từ tháng này sang tháng khác và giá trị thực của tiền tệ thay đổi một cách bất thường thì tất cả mối quan hệ cố hữu giữa con nợ và chủ nợ - mối quan hệ được coi là nền tảng của chủ nghĩa tư bản - sẽ trở nên bị rối loạn hoàn toàn và hầu như vô nghĩa, còn quá trình trở nên giàu có đã biến hóa thành trò súc sắc. Lê-nin đã đúng. Không có sự khôn khéo, chắc chắn không có phương tiện để vượt qua được nền tảng xã hội đang tồn tại nhằm làm hư hại tiền tệ. Quá trình này cổ vũ cho tất cả lực lượng ngầm của luật kinh tế theo hướng phá hủy và thực hiện theo kiểu mà không một ai trong cả triệu người đủ khả năng chẩn đoán được.[15] TỔNG KẾT Hoạt động kinh doanh ngân hàng bắt đầu diễn ra ở châu Âu từ thế kỷ thứ mười bốn. Chức năng của nó là định giá, trao đổi và giữ an toàn cho những đồng tiền của người gửi. Ban đầu, các ngân hàng hoàn toàn trung thực và hoạt động một cách hiệu quả khác thường khi xem xét phần lớn những đồng tiền đúc khác nhau mà họ nắm giữ. Các ngân hàng cũng phát hành các hóa đơn giấy thực sự đáng tin cậy, vì vậy, chúng được lưu thông tự do như tiền và không lừa dối bất kỳ ai trong quá trình đó. Nhưng nhu cầu về số lượng lớn tiền bạc cùng nhiều khoản vay đã càng ngày càng tăng lên, và sự cám dỗ sớm khiến cho các chủ ngân hàng theo đuổi những cách thức kinh doanh dễ dãi hơn. Họ bắt đầu đem cho vay hết các mảnh giấy của mình và nói rằng chúng là những hóa đơn dù thực tế là giả tạo. Dân chúng đã không biết được sự thật đó nên đã chấp nhận cả hai hóa đơn như một loại tiền tệ. Từ đó trở đi, các hóa đơn được lưu hành vượt quá số vàng có trong dự trữ và kỷ nguyên của hệ thống dự trữ cục bộ được hình thành. Điều này ngay lập tức dẫn tới nhiều vấn đề kể từ đó đến nay: lạm phát, bùng nổ và phá sản, sự đình trệ các khoản thành toán, vỡ nợ ngân hàng, sự không thừa nhận tiền tệ cùng những cơn bùng phát định kỳ về tình trạng hỗn loạn kinh tế. Ngân hàng Anh được thành lập năm 1694 nhằm thể chế hóa hệ thống dự trữ cục bộ. Với tư cách là ngân hàng trung ương đầu tiên của thế giới, Ngân hàng Anh đưa ra khái niệm về mối liên minh giữa các chủ ngân hàng và các chính trị gia. Các chính trị gia sẽ nhận khoản tiền có thể tiêu được (do các chủ ngân hàng tạo ra từ không khí) mà không cần phải tăng thuế. Đổi lại, các chủ ngân hàng sẽ nhận tiền hoa hồng theo giao dịch - được gọi một cách lừa bịp là lãi - điều sẽ mãi mãi diễn ra. Vì tất cả điều này dường như được bao trùm bằng những nghi lễ huyền bí của lĩnh vực ngân hàng mà người bình thường không mong chờ hiểu được, thực tế đã không có một sự chống đối nào đối với âm mưu này. Bản thỏa thuận đã chứng minh khả năng lợi nhuận cho những người tham gia tới mức nó nhanh chóng lan sang nhiều quốc gia khác ở châu Âu và cuối cùng là tới Mỹ.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Nhấp vào liên kết https://temu.to/k/ujciw7voi7k để nhận gói giảm giá 1.500.000đ!! 
Một bất ngờ khác cho bạn! Nhấp https://temu.to/k/uh1qtggbvfr để kiếm tiền cùng tôi!