Những Âm Mưu Từ Đảo Jekyll - Lời dẫn

Lời dẫn

Trong bộ phim Kẻ hủy diệt (The Terminator) của đạo diễn James Cameron, hệ thống siêu máy tính Skynet do con người tạo ra đã được sử dụng để thống trị thế giới. Câu chuyện khoa học viễn tưởng nổi tiếng được xây dựng như một lời cảnh báo nhân loại ở thì tương lai. Thế nhưng, trên thực tế, một tổ chức có sức mạnh tương tự đã được hình thành cách đây gần 100 năm, bắt đầu tại đảo Jekyll vào tháng 11/1910 với tên gọi Cục Dự trữ Liên bang - FED. Ở đây, thay cho thế giới ảo của phần mềm là nguồn lực ảo của đồng tiền, thay cho hệ thống mạng Internet là hệ thống tài chính toàn cầu. Thế nhưng, sức tàn phá cũng khủng khiếp như nhau mà tác hại mới nhất là sự suy thoái toàn cầu khiến hàng triệu người lâm vào cảnh mất tài sản và thất nghiệp.

Với học thuyết âm mưu nhằm hình thành một trật tự thế giới mới, cùng với thế lực tài chính ngầm đứng sau, FED đã không tạo ra được nhiều vụ mùa bội thu hơn như mong muốn và đã đẩy nền kinh tế thế giới chìm sâu vào cơn bão táp tài chính diễn ra trên quy mô toàn cầu. Nhưng chúng ta vẫn hy vọng rằng, sự việc sẽ diễn ra tích cực hơn nếu FED chung tay với chính phủ các nước để cùng phục hồi lại nền kinh tế thế giới.

Do đó, trong bối cảnh hiện nay, sự xuất hiện của cuốn sách này thật có ý nghĩa cho nhiều người trong chúng ta. Nó như một bản cáo trạng về bộ mặt thật của các tổ chức tài chính quốc tế cũng như thực tiễn của nền tài chính toàn cầu, cung cấp những kiến thức bổ ích cho người đọc dưới nhiều góc độ khác nhau. Đó cũng chính là mục đích của tác giả G. E. Griffin, người đã mất bảy năm làm việc nghiêm túc nhằm tìm tòi và nghiên cứu mọi tư liệu cũng như thực hiện những cuộc trao đổi trực tiếp với các nhân chứng sống của bản cáo trạng đó để xác minh tính chân thực của sự việc. Chính vì vậy, cuốn sách này không đơn thuần là một ấn phẩm mà đã trở thành một công trình nghiên cứu nghiêm túc với nhiều tư liệu khoa học, trong khi nội dung của nó đã vượt quá ý tưởng ban đầu, trở thành một câu chuyện được kể lại với những tình tiết gay cấn như một tiểu thuyết trinh thám hấp dẫn, lôi cuốn độc giả ngay từ trang sách đầu tiên cho tới những dòng cuối cùng.

Trong cuốn sách này, tác giả công bố nhiều tài liệu mới với các nhận định, quan điểm cá nhân đan xen. Vì vậy, nhiều quan điểm của tác giả còn là những vấn đề cần nghiên cứu, tìm hiểu thêm, để nhìn nhận lại thực chất vấn đề. Đơn vị thực hiện cuốn sách này - Công ty Cổ phần Tinh Văn và NXB Tổng Hợp TP. HCM - đều mong muốn rằng, khi ra mắt bạn đọc, cuốn sách sẽ được độc giả đánh giá một cách khách quan và dù sao thì “Những âm mưu từ đảo Jekyll” vẫn được coi là tác phẩm hấp dẫn và hữu ích đối với mọi người, từ các chuyên gia tài chính cho tới những người dân bình thường. Thế nên, khi gấp lại những trang cuối cùng của cuốn sách, bạn sẽ tự cảm nhận và trải nghiệm được nhiều vấn đề gai góc nhưng thú vị trong một thế giới phát triển nhanh đến chóng mặt và đầy biến động - kỷ nguyên toàn cầu hóa.

Tiến sĩ ĐINH THẾ HIỂN

Giám đốc Viện Nghiên cứu Tin học & Kinh tế Ứng dụng TP. Hồ Chí Minh

LỜI NÓI ĐẦU

Liệu thế giới có thực sự cần một cuốn sách nữa nói về Cục Dự trữ Liên bang hay không?

Đây chính là câu hỏi mà tôi từng trăn trở trong nhiều năm. Tủ sách của riêng tôi chính là bằng chứng thầm lặng về thực tế rằng không thiếu những cây bút sẵn sàng vạch trần tội ác của thế lực đen tối này. Nhưng, theo xu thế chung, đại đa số tác phẩm của họ đều bị phớt lờ, còn thế lực ghê gớm đó vẫn nằm yên trong hang ổ của mình. Điều này dường như trở thành một lý do nho nhỏ để tôi cho rằng mình có thể bắt đầu từ nơi mà quá nhiều người đã từng thất bại.

Song, ý tưởng đã trở nên rõ ràng vì trong suy nghĩ của mình, tôi khẳng định rằng Cục Dự trữ Liên bang chính là một trong những âm mưu nguy hiểm nhất nghiễm nhiên tồn tại trên mặt đất này. Hơn nữa, khi việc tìm kiếm sự thật tạo cho tôi cơ hội tiếp xúc với ngày càng nhiều dữ liệu không thể chối cãi, tôi càng nhận ra rằng mình đang nghiên cứu tỉ mỉ một trong những “câu chuyện trinh thám” hấp dẫn nhất lịch sử. Và tôi đã khám phá ra ai là kẻ đã làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

Phải có ai đó kể rõ câu chuyện này cho công chúng. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ là công chúng không muốn nghe. Vì xét cho cùng, đây chỉ là một tin xấu mà chúng ta thì đã có đủ những điều như thế rồi.

Ngoài ra, chính sự lạ thường của câu chuyện cũng là một trở ngại nữa trong việc chuyển tải nội dung tới công chúng, bởi nó không thể tin được. Tính hiện thực của câu chuyện hoàn toàn vượt quá mức độ đáng tin cậy của một câu chuyện hoang đường nhất mà hầu hết mọi người có thể chấp nhận được. Thế nên, bất kỳ ai truyền tải thông điệp này ngay lập tức sẽ bị nghi ngờ mắc bệnh hoang tưởng. Ai mà chịu nghe một người điên kể chuyện?

Trở ngại cuối cùng chính là đề tài của câu chuyện. Nó có thể trở nên khá phức tạp. Hay ít nhất đó cũng là ấn tượng ban đầu đối với độc giả. Những luận thuyết về chủ đề này thường được viết như những cuốn giáo trình giảng dạy về tài chính và ngân hàng. Vì thế, người ta dễ dàng bị gài bẫy trong một mớ bòng bong khó hiểu của các thuật ngữ và các khái niệm trừu tượng. Chỉ có những chuyên gia tiền tệ là có động lực để trau dồi thứ ngôn ngữ mới mẻ này và thậm chí nhận thấy bản thân có những bất đồng nghiêm trọng. Ví dụ, trong một bức thư mới đây được một nhóm chuyên gia tiền tệ truyền cho nhau xem, thứ từng dẫn đến một cuộc đấu khẩu liên tục suốt nhiều năm về các ý tưởng liên quan đến việc cải cách tiền tệ, tác giả đã viết: “Thật thất vọng khi chính bản thân chúng ta không thể tìm thấy được tiếng nói chung về vấn đề sống còn này. Chúng ta dường như quá khác biệt về mặt định nghĩa cũng như về sự hiểu biết chính xác, trung thực, rõ ràng, không thành kiến đối với cách thức hoạt động của hệ thống tiền tệ hiện tại của mình.”

Vậy thì tại sao giờ đây tôi lại gánh lấy trách nhiệm đi tìm hiểu sự thật này? Đó là vì tôi tin rằng có một sự thay đổi rõ ràng về quan điểm của công chúng. Ngay khi cơn bão kinh tế chuẩn bị đổ xuống, ngày càng có nhiều người quan tâm đến bản tin thời tiết hơn - cho dù đó là tin xấu. Hơn nữa, chứng cứ về sự thật của câu chuyện này giờ đây quá thuyết phục đến mức tôi tin rằng bạn đọc sẽ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận nó, mọi câu hỏi về sự sáng suốt đều được xếp sang một bên. Nó cũng giống như việc nếu một thằng khờ trong làng hô hoán rằng quả chuông vừa rơi khỏi gác chuông và đang kéo lê đằng sau, vậy thì…

Cuối cùng, tôi đã phát hiện ra rằng, chủ đề này không phức tạp như diện mạo ban đầu của nó, và tôi kiên quyết tránh sa vào con đường phức tạp thông thường. Do đó, những gì xuất hiện sau đây sẽ là câu chuyện về một tội ác chứ không phải là một khóa đào tạo về tội phạm học.

Ban đầu, tôi dự định hoàn thành cuốn sách này trong vòng một năm với số trang chỉ bằng một nửa so với bây giờ, nhưng ngay khi bắt tay vào việc, cuốn sách đã thực sự tạo nên sức sống của riêng nó khiến tôi chỉ biết làm hết mình vì điều đó. Vì vậy, không còn đơn thuần bị giới hạn trong phạm vi chật hẹp mà giống như vị thần đã thoát khỏi chiếc lọ bị phù phép, khối lượng công việc bỗng chốc trở nên khổng lồ. Và khi đã hoàn thành công việc và có thể đánh giá toàn bộ bản thảo, tôi thực sự sửng sốt nhận ra rằng có đến bốn cuốn sách vừa được viết chứ không phải một.

Cuốn đầu tiên chính là một khóa học cấp tốc về tiền tệ, những kiến thức cơ bản về ngân hàng và tiền tệ mà nếu thiếu nó, người ta sẽ không thể nào hiểu được về sự lừa gạt, thứ giờ đây được chấp nhận như một thực tế trong hệ thống ngân hàng.

Cuốn thứ hai là về cách thức mà các ngân hàng trung ương thế giới, trong đó có Cục Dự trữ Liên bang, trở thành tác nhân gây ra chiến tranh. Đó chính là mồi lửa thực sự cho chủ đề này, bởi nó chứng tỏ rằng chúng ta đang phải đối mặt với không chỉ vấn đề tiền bạc mà còn có cả máu, nỗi đau và sự tự do của nhân loại.

Cuốn thứ ba kể về lịch sử của ngân hàng trung ương Mỹ. Đây là điểm mấu chốt để nhận ra rằng khái niệm đằng sau Cục Dự trữ Liên bang đã được thử nghiệm tới ba lần trước đó tại Mỹ. Chúng ta cần biết điều đó và đặc biệt cần phải biết tại sao những thể chế này cuối cùng đã bị rũ bỏ.

Cuối cùng là nội dung phân tích về chính Cục Dự trữ Liên bang cũng như bản thành tích tăm tối của nó kể từ năm 1913. Đây có lẽ là phần kém quan trọng nhất trong tất cả nhưng lại là lý do khiến chúng ta cầm trên tay cuốn sách này. Được cho là kém quan trọng nhất không phải vì chủ đề này thiếu ý nghĩa, mà vì nó đã từng được viết bởi những tác giả có hiểu biết và kỹ năng hơn tôi rất nhiều. Tuy nhiên, như đã đề cập trước đó, những cuốn sách này nhìn chung vẫn không có ai động đến ngoại trừ các nhà sử học chuyên môn và Âm mưu thì vẫn tiếp tục tồn tại trên những nạn nhân bất hạnh của nó.

Có thể thấy rõ bảy vấn đề lớn được đan xen với nhau trong suốt cấu trúc của cuốn sách này cũng như những nguyên nhân mà chúng đưa ra về việc bãi bỏ Cục Dự trữ Liên bang. Khi được giải thích theo lối mạch lạc nhất mà không cần bất kỳ sự thêm thắt hoặc lý giải nào, những vấn đề này có vẻ nực cười đối với những người quan sát ngẫu nhiên. Tuy nhiên, mục đích của cuốn sách là muốn chỉ ra rằng những tuyên bố như vậy dễ hiểu đến mức không cần phải chứng minh.

Với những lý do sau, Cục Dự trữ Liên bang nên được bãi bỏ vì nó:

• không đủ khả năng hoàn thành được những mục tiêu đã đề ra (Chương 1)

• là một tổ chức lũng đoạn hoạt động chống lại lợi ích của dân chúng (Chương 3)

• là một công cụ cho vay nặng lãi nhất (Chương 10)

• tạo ra khoản thuế gian lận bậc nhất của chúng ta (Chương 10)

• cổ vũ chiến tranh (Chương 14)

• làm mất ổn định nền kinh tế (Chương 23)

• là công cụ của chế độ chuyên quyền (Chương 5 và 26)

Đây là câu chuyện về nguồn tiền không giới hạn và thế lực ngầm toàn cầu. Vì thế, tin vui là cuốn sách này cũng hấp dẫn như bất kỳ tác phẩm tiểu thuyết hư cấu nào khác và tôi tin rằng điều đó sẽ mang lại cả niềm vui lẫn sự thích thú đối với quá trình tiếp thu kiến thức. Song, tin xấu là mọi chi tiết được nêu trong cuốn sách này đều là sự thật.

G. Edward Griffin

LỜI GIỚI THIỆU

Cuộc trao đổi dưới đây được đăng trên Punch, tạp chí hài hước của Anh, số ra ngày 3 tháng Tư năm 1957. Nó được in lại ở đây như một lời giới thiệu thích hợp và một bài tập tư duy nhằm chuẩn bị tinh thần cho những nội dung được nêu trong cuốn sách này.

Hỏi: Ngân hàng để làm gì?

Đáp: Để tạo ra tiền.

Hỏi: Cho khách hàng à?

Đáp: Cho các ngân hàng.

Hỏi: Vậy tại sao quảng cáo của ngân hàng không đề cập đến điều này?

Đáp: Như thế sẽ không hay chút nào. Nhưng điều đó vẫn được đề cập nhờ ngụ ý liên quan đến khoản dự trữ trị giá gần 249.000.000 đô-la. Đó chính là số tiền mà các ngân hàng vừa tạo ra.

Hỏi: Từ các khách hàng à?

Đáp: Tớ cho là vậy.

Hỏi: Các ngân hàng còn đề cập đến Tài sản trị giá gần 500.000.000 đô-la. Có phải họ cũng vừa tạo ra số tiền đó không?

Đáp: Không chắc lắm. Có khi là khoản tiền được các ngân hàng dùng để tạo ra tiền.

Hỏi: Tớ biết rồi. Và họ cất giữ nó ở nơi nào đó an toàn phải không?

Đáp: Hoàn toàn không phải vậy. Họ đem cho khách hàng mượn số tiền đó.

Hỏi: Vậy là họ không có tiền à?

Đáp: Không.

Hỏi: Sau đó tiền trở thành Tài sản như thế nào?

Đáp: Các ngân hàng đảm bảo rằng khoản tiền ấy sẽ trở thành tài sản nếu họ thu nó về.

Hỏi: Nhưng họ phải có một ít tiền ở nơi nào đó an toàn chứ?

Đáp: Đúng vậy, thường khoảng chừng 500.000.000 đô-la. Khoản này được gọi là Nợ phải trả.

Hỏi: Nhưng nếu có tiền thì sao họ lại phải mắc nợ?

Đáp: Vì đó đâu phải tiền của họ.

Hỏi: Vậy thì tại sao họ lại có tiền?

Đáp: Các khách hàng cho họ mượn tiền.

Hỏi: Ý cậu là các khách hàng cho các ngân hàng mượn tiền?

Đáp: Đúng vậy mà. Các khách hàng gửi tiền vào tài khoản của mình, vì vậy thực ra là cho các ngân hàng mượn tiền.

Hỏi: Còn các ngân hàng làm gì với khoản tiền đó?

Đáp: Mang cho những khách hàng khác mượn.

Hỏi: Nhưng cậu vừa nói rằng khoản tiền các ngân hàng cho những người khác mượn là Tài sản phải không?

Đáp: Đúng.

Hỏi: Thế thì Tài sản và Nợ là cùng một khoản tiền à?

Đáp: Thực ra cậu không thể nói như thế được.

Hỏi: Nhưng cậu vừa mới nói thế còn gì. Nếu tớ chuyển 100 đô-la vào tài khoản của tớ thì ngân hàng phải có trách nhiệm trả lại nó cho tớ, vì vậy nó là Nợ phải trả. Nhưng nếu họ lờ đi và đem cho người khác mượn - người sẽ phải có trách nhiệm trả nợ - thì nó trở thành Tài sản. Như vậy vẫn là 100 đô-la đó phải không?

Đáp: Đúng đấy. Nhưng…

Hỏi: Rồi thì thanh toán hết nợ nần. Ý tớ là chẳng phải điều đó có nghĩa là các ngân hàng thực sự không có bất kỳ khoản tiền nào sao?

Đáp: Hoàn toàn đúng về mặt lý thuyết…

Hỏi: Đừng bận tâm tới lý thuyết. Và nếu các ngân hàng chẳng có tí tiền nào thì họ đào đâu ra Khoản dự trữ gần 249.000.000 đô-la.

Đáp: Tớ đã nói với cậu rồi. Đó chính là số tiền mà họ vừa tạo ra.

Hỏi: Bằng cách nào?

Đáp: Quá dễ, khi đem 100 đô-la của cậu cho người khác mượn, các ngân hàng tính lãi với người đó.

Hỏỉ: Bao nhiêu thế?

Đáp: Còn tùy thuộc vào Lãi suất Ngân hàng. Cỡ khoảng 5,5%. Đó là lợi nhuận của các ngân hàng.

Hỏi: Tại sao không phải là lợi nhuận của tớ? Chẳng phải đó là tiền của tớ sao?

Đáp: Theo lý thuyết thực tế hoạt động ngân hàng thì…

Hỏi: Thế khi cho ngân hàng mượn 100 đô-la, tại sao tớ lại không tính lãi họ nhỉ?

Đáp: Cậu có tính đấy chứ.

Hỏi: Có thấy cậu nói đâu. Thế bao nhiêu vậy?

Đáp: Tùy thuộc vào Lãi suất Ngân hàng. Cỡ khoảng 0,5%.

Hỏi: Đúng là tham hết phần của tớ nhỉ?

Đáp: Nhưng mức lãi đó chỉ có được nếu cậu không định rút tiền ra đấy.

Hỏi: Nhưng dĩ nhiên là tớ sẽ rút tiền ra. Nếu không định rút tiền hẳn tớ đã chôn nó sau vườn, phải không nào?

Đáp: Họ sẽ không thích cậu rút tiền ra đâu.

Hỏi: Sao lại không? Nếu tớ để tiền lại đó, như cậu nói thì nó trở thành Nợ phải trả. Chẳng phải họ sẽ vui mừng nếu tớ giảm bớt Nợ cho họ bằng cách xóa hẳn nó đi sao?

Đáp: Không hề. Bởi nếu cậu xóa hẳn nợ thì họ không thể lấy tiền đem cho người khác vay được.

Hỏi: Nhưng nếu tớ vẫn muốn xóa hẳn nợ thì họ vẫn phải để cho tớ làm chứ?

Đáp: Tất nhiên rồi.

Hỏi: Nhưng giả sử họ vừa đem nó cho người khác vay rồi thì sao nhỉ?

Đáp: Thì họ sẽ để cho cậu cầm tiền của người khác.

Hỏi: Nhưng giả sử người đó cũng muốn rút tiền… họ vẫn phải để cho tớ rút tiền ra chứ?

Đáp: Cậu đang cố ý “cùn” rồi đấy.

Hỏi: Tớ nghĩ tớ đang trở nên sắc sảo thì có. Điều gì xảy ra nếu mọi người đều muốn rút tiền của mình ra khỏi ngân hàng cùng một lúc?

Đáp: Theo lý thuyết hoạt động ngân hàng thì điều đó sẽ chẳng bao giờ xảy ra.

Hỏi: Vì vậy, điều mà các ngân hàng trông mong là không phải thực hiện các cam kết của họ chứ gì?

Đáp: Tớ không nói thế đâu nhé.

Hỏi: Đương nhiên rồi. Tốt, vậy còn điều gì khác mà cậu nghĩ là có thể kể cho tớ nghe nữa không…?

Đáp: Đúng vậy. Giờ thì cậu có thể biến đi và mở ngay một tài khoản ngân hàng được rồi.

Hỏi: Còn một câu hỏi cuối cùng?

Đáp: Dĩ nhiên rồi.

Hỏi: Vậy sao tớ không biến đi và mở hẳn một ngân hàng?