Những Bông Hồng Đầu Hạ - Chương 16

Khoảng cuối tháng tám, chủ nhân của lâu đài Arnelles tiếp đón vợ chồng Quận công Đức Hoà, ông bà của Công Nguyên. Ông bà Quận công này rất khả ái và dễ thương, họ đã không ganh ghét những kẻ hơn mình. Họ là những người thiếu may mắn, họ bị một vết thương đau đớn nhất trong đời là cái chết của người con trai độc nhất trong một cuộc thám hiểm Phi Châu. Công Nguyên là đứa cháu gần nhất, là kẻ thừa kế chức Quận công, được hai ông bà thương yêu rất mực. Họ thường công bố là Công Nguyên rất tốt và tế nhị, lúc nào cũng tận tâm giúp đỡ họ. Những kẻ nghe thấy điều này thường không tỏ vẻ phản đối vì kính nể chàng, nhưng đã nghĩ thầm, “Vợ chồng Quận công phúc hậu đó vì quá yêu thương mù quáng cháu mình mà nghĩ thế, chứ chắc chắn Công Nguyên khác xa những gì họ tưởng”.

Vì không có mặt ở Ba Lê trong thời gian Thiếu Lan lưu lại nơi này nên hai ông bà chưa biết mặt cháu dâu. Nay, ngay khi gặp, nàng đã chiếm trọn vẹn cảm tình của hai ông bà. Và trong khi bà Đức Hoà nói chuyện với Thiếu Lan, ông Đức Hoà khẽ thì thầm vào tai Công Nguyên:

- Các nơi quen thuộc đều ngạc nhiên về việc cháu ẩn náu ở nơi hẻo lánh này. Nhưng nếu gặp vợ cháu, họ sẽ hiểu ngay, phải không Công Nguyên?

Công Nguyên mỉm cười đáp:

- Thưa ông, nhưng ông đừng khen tặng Thiếu Lan trước mặt nàng nhé. Cháu nghĩ nàng không thích ai khen mình quá.

- Vừa đẹp lại vừa khiêm nhượng! Thế thì cháu thật là người sung sướng nhất đời. Nhưng cháu yên chí đi, chúng tôi sẽ hết mực cưng chiều cô cháu gái này.

- Vâng, cháu cám ơn ông lắm.

- Không, ta nghĩ là chính cháu cũng yêu thương nàng lắm phải không?

Ông Đức Hoà hỏi trong khi bà Đức Hoà nắm tay Thiếu Lan kéo sát lại bên mình, vui vẻ nói:

- Cháu ơi, ta rất tiếc không được quen biết cô cháu dễ thương này sớm hơn. Ta sẽ khó lòng tha thứ cho Công Nguyên về tội giấu kín cháu quá lâu. Nhưng ta sẽ trả thù bằng cách yêu mến cháu gấp bội, Thiếu Lan ạ.

Người đàn bà phúc hậu hôn lên vầng trán của người vợ trẻ kia, trong khi nàng đang đỏ rừ mặt vì cảm động và vui sướng trước cái thiện cảm và chân thành đó.

- Phải chi ta có một đứa con gái như cháu thì ta sẽ sung sướng biết bao nhiêu. Than ôi, gia đình ta đã hiu quạnh quá lâu rồi.

Sự xúc cảm đau đớn làm giọng nói bà như nghẹn lại. Thiếu Lan âu yếm nắm lấy tay bà:

- Thưa bà, xin bà cho phép cháu được yêu quý bà, được biểu lộ sự thương yêu đối với bà bằng tất cả tấm lòng của cháu, dù nó không đáng gì so với tình thương bà đã mất.

- Không đâu con gái cưng của ta ơi, tình thương của con sẽ sưởi ấm hai trái tim già đau khổ này, nó sẽ là hạnh phúc, là lẽ sống cho quãng đời còn lại của chúng ta!

Bà Đức Hoà vừa nói vừa ôm hôn Thiếu Lan. Ông Đức Hoà cắn môi đè nén sự cảm động, trong khi Công Nguyên hơi cúi mặt xuống, lơ đãng vuốt tóc Lãm Thuý đang đứng cạnh chàng.

- Ta tin chắc là con sẽ đem lại hạnh phúc cho những người xung quanh, Thiếu Lan à. Cứ nhìn con bé Lãm Thuý thì rõ, thật khác xưa, phải không ông?

- Đúng vậy! Bây giờ đôi mắt nó thật sống động, vui vẻ. Đôi mắt của cháu đó Công Nguyên, và những lọn tóc nâu xinh đẹp này cũng giống hệt bố mày. Chỉ có gương mặt là của họ ngoại thôi.

Vàng trán thoáng hiện một nếp nhăn. Công Nguyên lẩm bẩm:

- Lạy trời nó không phải là một con búp bê nhẹ dạ nông nổi như mẹ nó, dù mặt nó giống nàng.

Năm nay mẹ chàng đến Arnelles sớm hơn thường lệ. Bà mong mỏi đối diện với con người mà bà thầm cho là “kẻ thù” để biết rõ chỗ đứng của Thiếu Lan trong trái tim đứa con trai cưng của bà. Bà phải giấu kín sự khó chịu của mình khi thấy Công Nguyên chối bỏ mọi cuộc vui trưởng giả để về ẩn dật ở Arnelles, bên người đàn bà trẻ tuổi xinh đẹp mà lúc đầu chàng giả vờ bỏ bê. Dù có mù quáng cách mấy bà cũng biết là có thể vì kiêu ngạo mà con bà đã lưu tâm đến người con gái có cái nhan sắc đủ để làm thoả mãn tự ái của một người đàn ông khó tính nhất. Và bà cũng biết bà sẽ chỉ là một bóng mờ bên cạnh người đàn bà trẻ tuổi luôn luôn nhận được tất cả sự tôn kính, những lời khen tặng từ các khách khứa của bà.

Đã có một thời gian thấy Công Nguyên không lưu tâm đến vợ và hưởng thụ một mình cuộc sống trưởng giả xa hoa, bà đã hy vọng tràn trề là Thiếu Lan sẽ mang bé Lãm Thuý về Hauts Sapins trong suốt mùa săn ở Arnelles. Một hôm bà đã nêu lên vấn đề này khiến Công Nguyên ngạc nhiên chàng chua chát nhìn bà:

- Mẹ nghĩ gì kỳ vậy, nếu Thiếu Lan có muốn về Jura chơi ít hôm thì chắc chắn là nàng sẽ không chọn lúc này, vì vợ con bắt buộc phải có mặt ở Arnelles để tiếp đãi khách khứa chứ.

Sau đó, sự trở về và lưu lại Arnelles của Công Nguyên khiến bà mẹ thấy sự lãnh đạm của chàng đối với vợ chưa hẳn là đã có thật. Và khi tới Arnelles, trong thấy Thiếu Lan xinh đẹp duyên dáng trong những chiếc áo lộng lẫy do những thợ danh tiếng ở Ba Lê may cắt, bà run lên vì ganh ghét.

Một hôm, Vũ Dương đã phải bảo vợ: “Bà mẹ của Công Nguyên sẽ không tha thứ cho con dâu những lỗi lầm như vậy”.

Thấy mẹ chồng đến, Thiếu Lan thầm sợ hãi. Có nhiều kinh nghiệm hơn, nàng càng hiểu rõ lỗi lầm của mẹ chồng khi kể lể cho nàng tất cả những chi tiết về con người của Công Nguyên, và nhất là đã đoan chắc với đứa trẻ khốn khổ dốt nát đầy thiện chí là chồng nó sẽ không bao giờ yêu thương nó. Nhưng vì lòng tốt, nàng không trách bà thâm hiểm, mặc dù khi nói với nàng như vậy, bà mẹ chồng đã tỏ ra rất thành thật. Hỡi ơi, những cử chỉ của Công Nguyên đã ăn khớp với lời đàm tiếu này! Tuy nhiên, thâm tâm Thiếu Lan rất e sợ mù mờ đối với mẹ chồng. Đồng thời nàng lo ngại sẽ làm bà buồn giận khi thấy nàng đóng vai nữ chủ nhân tiếp khách.

Nhưng bà mẹ chồng biết rõ tính nết độc đoán của con trai nên không dám nói gì về việc này. Bà phải nén giận để đứng nhìn sự thành công vẻ vang của cô con dâu bên các vị khách của Arnelles.

Luôn luôn, thiệp mời của Công Nguyên được xem là một vinh dự lớn lao mà bao kẻ thèm muốn. Nhưng năm nay, ngoài sự lôi cuốn quen thuộc, được xem mặt người vợ thứ hai của Hầu tước mà những kẻ đã gặp đều khen tặng không tiếc lời, còn là một hứa hẹn đầy quyến rũ nữa. Và, họ cũng muốn quan sát cách đối xử của Công Nguyên với vợ, xem tình cảm của chàng thế nào? Còn những bà, những cô ghen ghét thì muốn xem tận mắt mọi cử chỉ của vị nữ chủ nhân mới này, chờ đợi sự vụng về bất cẩn mà con bé “nhà quê, không kinh nghiệm” chắc chắn sẽ mắc phải trong khung cảnh mới lạ đầy cạm bẫy này.

Nhưng họ đã thất bại nhanh chóng. Với bản tính tự nhiên, sự thông minh kiêu ngạo che kín dưới bề ngoài duyên dáng khiến Thiếu Lan đáp ứng đầy đủ vai trò nữ chủ nhân ở Arnelles. Hơn nữa, chàng đã kín đáo dìu dắt nàng vượt qua mọi mưu kế nhỏ nhất, sự ghen tức, giả dối và những nụ cười thâm hiểm chàng đã quá rõ. Được chồng ân cần nâng đỡ, Thiếu Lan cảm thấy vững lòng tin trong cái thế giới mà tâm hồn thật thánh thiện tốt đẹp của nàng đã sợ hãi.

Không ai có thể phủ nhận sự tự nhiên hoàn toàn của nữ chủ nhân trẻ đẹp, cũng như sự khả ái vô biên của nàng trong việc tiếp đãi khách. Cuộc hôn nhân hoàn toàn vì lý mà bà mẹ chồng nàng tuyên bố, đã tưởng là thật vì cách đối xử của Công Nguyên trong giai đoạn đầu. Bây giờ rất khó ai tin như vậy trước sự duyên dáng của Thiếu Lan. Vả lại có nhiều thay đổi nơi Công Nguyên, những hành động khiến cho ai ai cũng tin rằng lần này “con người sắt đá” đó đã rung động thật sự. Việc chàng chăm sóc thương yêu Lãm Thuý, tránh cho Thiếu Lan những gì có thể làm tổn thương tự ái của nàng, và nhất là cho nàng dự vào đời sống thượng lưu của chàng, đủ chứng tỏ ảnh hưởng của nàng đối với chàng.

Còn nàng? Lẽ dĩ nhiên nàng không thể làm gì khác hơn là yêu thương chàng. Nhưng nàng không bắt chước người vợ trước, mà giấu kín tình cảm của mình, và không tỏ ra ghen tuông. Chắc chắn điều đó làm Công Nguyên vui lòng, vì chàng ghét những bộc lộ tình cảm ra ngoài.

Thiếu Lan biết mình chỉ là cái đích của sự tò mò, ghen ghét, căm thù. Nhưng nàng vẫn dịu dàng, giản dị làm tròn bổn phận. Nàng không còn sợ hãi cái thế giới tầm thường mà nàng đã hiểu rõ mau chóng này. Thánh lễ Misa nàng dự mỗi sáng tinh sương đã giúp cho nàng đủ nghị lực cần thiết để hoà mình vào khung cảnh đầy cạm bẫy trong ngày. Nhờ vậy, lúc nào nàng cũng tỏ ra ân cần và khả ái, tuy trong thâm tâm, Thiếu Lan cảm thấy lạc lõng cô đơn giữa cái thế giới điên cuồng, đưa những khách Arnelles từ những thú vui này qua thú vui khác, từ dạ hội này sang dạ hội khác.

Thiếu Lan buồn rầu khi nghĩ rằng chồng nàng cũng phải tầm thường lắm mới có thể vui thích cuộc sống như vậy. Thực ra, lúc này chàng không tỏ vẻ vui thú và sẵn sàng để cho kẻ khác tổ chức các cuộc vui mà năm nay chàng chỉ tham dự vừa phải, đúng với bổn phận chủ nhà. Về điều này, Thiếu Lan không lo ngại vì mẹ chồng và bà Hoàng Long rất có nhiều sáng kiến bày ra các thú vui. Nhờ vậy, nàng dành thời giờ mỗi sáng đến làm việc với chồng, vì chàng vẫn tiếp tục soạn thảo lại các tập hồi ký của tổ tiên chàng. Chính vào lúc này, chàng thường cho nàng những lời chỉ dẫn khi hỏi ý kiến về những việc làm nàng bận rộn trong bổn phận mới này.

Nàng cũng thấy một người bạn tốt, tận tình giúp đỡ nàng nơi nữ Bá tước Tường Oanh, em út của Công Nguyên. Thành hôn rất sớm với vị lãnh chúa uy quyền người Áo. Tường Oanh đã tìm thấy nơi chồng một trái tim cao thượng. Chàng đứng đắn ngoan đạo, biết hướng dẫn tâm hồn ngay thẳng nhưng suýt bị hư hỏng vì một nền giáo dục nông cạn và giả dối. Ngay lúc đầu, Thiếu Lan và Tường Oanh đã có thiện cảm với nhau. Với lòng nhiệt thành, Tường Oanh đã ca ngợi không tiếc lời chị dâu và ông anh được nàng ngưỡng mộ nhất trên đời.

Từ khi lấy chồng, nàng không ham thích những thú vui trưởng giả và đã tìm thấy nguồn vui trong việc chăm sóc cái gia đình bé nhỏ của mình. Có nhiều khi nàng và Thiếu Lan để cho mẹ và chị cả điều khiển những cuộc vui để đi dạo với mấy đứa nhỏ, cùng với bà Đức Hoà rất yêu các cháu chắt của mình, nhất là bé Lãm Thuý từ khi được Thiếu Lan biến đổi từ một đứa bé buồn bã và hơi man rợ thành vui vẻ khả ái và đầy nhiệt thành.

- Con của cháu được giáo dục hoàn toàn lắm. Một hôm bà nói vậy với Công Nguyên – Ta mong các bà mẹ đều bắt chước Thiếu Lan mà cư xử vừa cương quyết vừa mềm mỏng với các con mình như thế.

Buổi chiều đó trời mưa bão. Một số khách ở Arnelles vẫn rủ nhau đi dạo chơi. Nhưng phần đông không thích mạo hiểm, đã tản mát trong phòng đánh bi-a, phòng nghe nhạc hay ngồi đánh bài tây. Ngồi giữa một đám nhỏ, bà mẹ chồng của Thiếu Lan đang nói chuyện trong khu vườn Mùa Đông, nơi mọi người sẽ dùng trà. Người ta bàn luận về những sách giáo dục hoàn hảo nhất. Công Nguyên đi đi lại lại, nói chuyện với Vũ Dương. Chàng đứng lại bên bà Đức Hoà, vẻ nghiêm nghị:

- Cháu hoàn toàn đồng ý với bà. Thiếu Lan quả thật là một nhà giáo lý tưởng.

- Nhưng anh có tin là sự giáo dục đó có thể sẽ bớt cứng rắn, tốt đẹp hơn nếu không phải là con chồng mà là con ruột thịt?

Đó là giọng nói nhún nhẩy của Mỹ Lệ. Về ở biệt thự Lai Hiên từ ba tuần nay, nàng không bỏ sót một cuộc hội họp nào ở Arnelles, và bà Hầu tước quả phụ lúc trước không chút cảm tình với nàng, bây giờ lại tỏ ra rất lưu tâm.

- Không, tôi chắc chắn là không có chuyện đó. Cương quyết là một bổn phận và đối với vợ tôi, bổn phận là điều luật to lớn mà nàng không bao giờ xao lãng.

- Thật là tuyệt… nhưng khắc khổ quá! Một người đàn bà trẻ có những cử chỉ lả lơi như muốn gây sự chú ý của Công Nguyên, khẽ nói vậy.

- Khắc khổ! Điều đó đúng với những kẻ chỉ muốn vui thú và hưởng thụ cuộc sống. Thật ra, chính sự khắc khổ cho chúng ta hạnh phúc nhiều nhất đó. Công chúa tin tôi đi!

Công chúa Giáng Kiều đỏ mặt dưới tia mắt lạnh lùng mĩa mai của chàng. Vầng trán hơi nhăn lại từ khi câu chuyện liên quan tới con dâu, bà mẹ Công Nguyên xen vào với giọng nói khô khan thường có mỗi khi bà ta khó chịu trong lòng:

- Con trở nên đứng đắn không ngờ được, Công Nguyên ạ! Mẹ không hiểu con có đi đến chỗ giam mình vào một ẩn địa nào đó không?

Chàng mĩm cười:

- Có lẽ đó là một quyết định khôn ngoan. Nhưng bây giờ chưa đến lúc, Ba Lê sẽ còn gặp lại con, lâu mau tuỳ theo vợ con có thích ở đó hay không. Chính nàng sẽ định đoạt lưu lại những nơi nàng muốn. Đối với con không thành vấn đề, đâu cũng được.

Sự im lặng ngạc nhiên bao trùm khắp khu vườn Mùa Đông. Một lời tuyên bố như vậy xuất phát từ người đàn ông kiêu ngạo về uy quyền của mình, cho mọi người thấy rõ địa vị của Thiếu Lan trong cuộc sống của chàng.

Vẻ thích thú trong mắt chàng chứng tỏ chàng biết trước hậu quả gây nên bởi những lời nói đó. Vũ Dương kín đáo liếc nhìn mẹ chàng, khuôn mặt đẹp hơi rung động. Có lẽ lời tuyên bố của Công Nguyên cụ thể hoá những lo âu của bà.

Vũ Dương tò mò nhìn Mỹ Lệ. Đôi mắt xanh đang loé lên ánh thù hận. Lúc đó từ cuối phòng khách, Thiếu Lan bước vào, theo sau có Lãm Thuý, những đứa con cao lớn của Tường Oanh và hai đứa con bà Hoàng Long.

- Mấy đứa nhỏ vào đây làm gì? Mẹ Công Nguyên gay gắt hỏi.

Chính Thiếu Lan lên tiếng trả lời:

- Thưa mẹ, mấy hôm nay chúng tỏ ra ngoan ngoãn nên con đã hứa cho mỗi đứa một ly Chocolat mà chúng muốn uống với người lớn chiều nay. Đó là phần thưởng cho chúng. Nhưng nếu điều đó làm mẹ phiền thì…

Công Nguyên tiến lại vài bước, cắt ngang:

- Trái lại, ý kiến đó rất hay, chúng ta sẽ sung sướng mà yêu chiều những đứa bé ngoan phải không Lãm Thuý?

Chàng nhấc bổng con gái lên, hôn chiếc má hồng đang nũng nịu dựa vào mặt chàng. Thiếu Lan hơi cúi người giữ chiếc nơ trên đầu Lãm Thuý. Con bé đột ngột choàng tay ôm cổ nàng. Làn tóc nâu vàng của Thiếu Lan cùng những lọn tóc của Công Nguyên như quấn vào nhau trên đầu đứa bé, vầng trán họ sát vào nhau. Ánh mắt êm dịu và trìu mến của Công Nguyên đưa từ con qua vợ, trong khi Thiếu Lan thản nhiên buộc lại chiếc nơ hồng, không ngờ đến cái cảnh gia đình đầm ấm mà cả ba vừa tạo nên.

- Cậu có những ý thích thật quái dị, Công Nguyên ạ! Bà Yến Loan chanh chua nói.

- Tại sao chị nói thế? Công Nguyên thản nhiên hỏi lại vừa đặt đứa bé xuống.

- Thì cái tình phụ tử đột ngột đó! Tôi tưởng con người cậu đâu có như vậy?

Chàng cười chế diễu:

- Cảm ơn lời khen tặng của chị! Chị có quan điểm quá tốt đẹp về thằng em trai. Vậy ra chị tưởng tôi không thể làm tròn bổn phận người cha và chị tưởng tôi chỉ hành động như vậy vì một sở thích nhất thời à!

- Nhưng… cậu làm chúng tôi quen điều đó rồi mà!

Công Nguyên đi lại phía bàn nơi Thiếu Lan đang rót trà mời khách, ngồi xuống một chiếc ghế trống thờ ơ tựa người ra sau, rồi lạnh lùng châm biếm:

- Tôi yêu cầu chị nói rõ hơn.

Chàng thường có giọng nói và cử chỉ này, và khi chàng chế ngự kẻ đối diện bằng ánh mắt châm biếm tàn ác, kẻ kia sẽ phải bối rối chịu thua. Yến Loan, mặc dù rất tự tin, cũng không thoát khỏi định luật này và đã hơn một lần bị ông em thẳng tay trừng trị vì sự dương dương tự đắc và những âm mưu nhỏ nhặt, hiểm độc của bà.

Bà lắp bắp nói:

- Có hôm chính cậu đã nói với tôi… Cậu đã tuyên bố là đối với cậu, tất cả chỉ là sở thích nhất thời…

- Thật à? Có thể tôi đã tuyên bố như vậy quả thật tôi là người rất mau chán… trừ điều liên quan đến tình cảm.

- Đúng vậy! Hoàng tử Xuân Kiệt vui vẻ tiếp lời – Tình bạn của chúng ta kéo dài gần hai mươi năm nay rồi và càng ngày càng thân thiết hơn. Đó là một thí dụ.

- Bạn thân! Bà chị tôi sẽ nói với anh là chỉ có anh xứng đáng thôi, vì từ lúc mới mười tuổi đầu chúng ta đã rất thân thiết với nhau ở Cannes, anh đã can đảm chịu đựng những cơn ngông cuồng, những sự ích kỷ, những ý chỉ độc đoán của tôi, người bạn mà anh quý mến, nhưng không được thương yêu lại, và người ta cho rằng tôi không bao giờ có được những tình cảm như vậy. Chàng cất tiếng cười vang, khiến mọi người chung quanh cười theo, và tinh quái liếc nhìn Yến Loan đang câm lặng trước sự chua cay của ông em.

Bà chị này sẽ không được Công Nguyên buông tha nếu không có những người khách khác của Arnelles trở về dùng trà. Khu vườn Mùa Đông sau đó lại vang đầy tiếng cười nói. Thiếu Lan đi rót trà với sự giúp đỡ của Tường Oanh và một cô em họ của Công Nguyên là Diễm Mai, vị hôn thê của Hoàng tử Xuân Kiệt. Lãm Thuý lấy một chiếc ghế đẩu ngồi cạnh bố, chàng vừa đùa nghịch với những lọn tóc dài của đứa bé vừa lơ đãng trả lời Mỹ Lệ, nàng đã kiếm được một chỗ ngồi cạnh chàng nhờ những thủ đoạn điêu luyện. Mỹ Lệ lén nhìn và căm phẫn cùng cực khi thấy tia mắt chàng bị thu hút không ngừng bởi nữ chủ nhân toà lâu đài đang đi lại giữa đám đông.

- Anh có cần một chút café đá không? Thiếu Lan lại gần chồng trên tay bưng một cái khay.

- Có chứ, gì cũng được… gì mà em muốn!

Rõ ràng là chàng lơ đãng trả lời vì quan tâm đến vợ nhiều hơn là ly nước. Mỹ Lệ cất tiếng cười gượng gạo:

- Anh thật là một người chồng nhu hoà. Nàng có thể đưa cho chồng một thứ nước cay đắng nhất, anh cũng sẽ không do dự nhận liền.

- Chắc chắn vậy, vì tôi tin vợ tôi chỉ làm vậy khi có lợi cho tôi. Chàng quay sang Thiếu Lan – Thiếu Lan, trông em có vẻ mệt mỏi quá đó!

- Ồ! Không sao đâu, em chỉ hơi nhức đầu thôi.

- Em uống thuốc ngay đi. Cái không khí giông tố này sẽ làm em ốm mất thôi.

- Vâng, lát nữa em sẽ đi nghỉ.

- Em đi ngay bây giờ đi. Tôi thấy rõ là em đang gượng chống cơn đau đớn. Tường Oanh và Diễm Mai sẽ thay em tiếp khách. Em hãy yên lòng.

- Và hãy nói thêm là anh rất ghét những người hay đau ốm, phải không? Mỹ Lệ tiếp lời, đôi môi nhợt nhạt nóng nảy mím lại – Một sức khoẻ dồi dào đối với anh rất cần thiết, phải vậy không anh?

- Xin lỗi! Cô đừng hiểu lầm như vậy chứ! Tôi không thể chịu nổi những người đàn bà lúc nào cũng tưởng tượng là mình đau ốm và suốt ngày làm bận rộn chồng con. Nhưng tôi rất thông cảm một cơn đau thật sự và muốn làm dứt nó đi. Cô đừng lo, tôi không phải là con quái vật mà cô đã tưởng đâu Mỹ Lệ à.

Chàng nửa đùa nửa thật nói ra như thế rồi cười. Chàng đứng lên đáp lời mẹ đang yêu cầu chàng đàn một bản nhạc do một người La Mã được chàng nâng đỡ vừa sáng tác.

Thiếu Lan bước về phía Diễm Mai nhờ nàng tiếp khách hộ trong chốc lát rồi khi quay người rời khu vườn Mùa Đông, nàng đụng đầu ngay Mỹ Lệ.

- Bà chị thân mến, bà nên đi nghỉ ngay đi. Người đàn bà goá trẻ tuổi thánh thót nói – Mặc dù Công Nguyên nói thế nhưng anh ấy không chịu đựng được những người đàn bà đau ốm. Mẹ của Lãm Thuý cũng vì hay ốm đau mà đã bị chồng bỏ bê để đi Vienne hay Péterabourg, nếu không sang Ấn Độ hay Groenland… Đó là một cách khả ái để giúp cho sự phục hồi của người vợ đau yếu, nhất là bà ta không còn lẽ sống khi xa chồng! Đàn ông! Đàn ông đều như thế đó.

Đôi lông mày đẹp của Thiếu Lan khẽ cau lại, nàng lạnh lùng đáp:

- Thưa cô, rất khó mà biết rõ được trách nhiệm của hai vợ chồng trong gia đình. Tốt hơn hết là ta đừng nên xét đoán, và nhất là đừng nên nhắc lại hoài.

Thiếu Lan lên phòng uống một viên thuốc rồi trở lại xuống ngay, nhưng không ra gặp khách mà lại vào phòng khách trắng. Căn phòng này được dành riêng cho nàng, là nơi nàng làm việc. Căn phòng lúc nào cũng tràn ngập những bông hoa đẹp nhất hái từ nhà kính và các khu vườn của Arnelles do người làm vườn lựa chọn kỹ lưỡng mỗi ngày, theo lệnh của Công Nguyên.

Thiếu Lan mở rộng cửa sổ. Không khí ngột ngạt khó thở. Những đám mây đen nặng nề bao phủ bầu trời khiến mặt nước hồ trở nên âm u. Không một ngọn gió và không gian im lặng nặng nề. Từ phòng nghe nhạc, tiếng đàn dương cầm vọng lại Thiếu Lan nhận ngay ra tiếng đàn vừa im dịu vừa mạnh bạo thật truyền cảm quen thuộc mà nàng thường say sưa lắng nghe.

- Bố à, khi bố chơi đàn mẹ chú ý nghe đến nỗi con lại gần mẹ cũng không biết nữa! Một hôm Lãm Thuý đã nói thế.

Và lúc này nàng cũng đang lắng nghe, run rẩy, cố tìm hiểu tâm hồn người chơi đàn gửi qua tiếng đàn được diễn tả với một sự tế nhị tuyệt vời đó.

Những tiếng sấm vang lên, cơn giông gần tới và những giọt mưa lớn bắt đầu rơi xuống vỡ tan trên nền sân. Nàng lại nghĩ đến Mỹ Lệ, con người ấy càng ngày càng gây ác cảm cho nàng. Thiếu Lan không thể nào không thấy những thủ đoạn, những điệu bộ của cô ta bên Công Nguyên cũng như sự lạnh lùng ngày càng tăng của chàng đối với người bạn gái từ thời thơ ấu này.

Từ ít lâu nay, Thiếu Lan thường tự hỏi những lỗi lầm của chàng với người vợ trước có thật đúng như những gì bà mẹ chồng nàng đã kể khi xưa không? Theo Tường Oanh, Phương Nam rất nhẹ dạ và nông nổi kém thông minh, không hiểu Công Nguyên. Nàng hay ghen tuông đến nỗi theo dõi mỗi bước chồng ra khỏi nhà, nặng lời trách móc chàng kèm theo những cơn giận dữ mỗi khi có một chút nghi ngờ trong đầu. Và chắc chắn đó không phải là cách tốt đẹp để chiếm hữu trái tim một người như Công Nguyên.

Và bây giờ, trong thâm tâm, dù nàng vẫn không giải thích được cách cư xử của chàng hôm đám cưới và những ngày sau đó, Thiếu Lan tin là chàng rất tốt. Những hành vi tế nhị, cách đối xử với nàng chứng tỏ điều này. Từ ít lâu nay, ngày qua ngày, nàng cảm thấy cái hàng rào ngăn cách giữa hai người từ từ sụp đổ.

Một tia chớp soi sáng người đàn bà trẻ và một tiếng sấm theo sau làm rung chuyển các cửa kính. Thiếu Lan lùi lại một cách máy móc. Nàng chợt thấy thật rõ một tình cảm êm dịu đã len lén ngự trị trong lòng nàng. Nàng yêu chồng. Nàng yêu chàng đến nỗi nàng có thể chết được nếu chàng có thể xa lánh nàng lần nữa.

Phải, bây giờ, với chàng, nàng không chỉ còn có bổn phận như nàng tưởng lúc đầu. Nàng đã yêu con người bí hiểm đó rồi, một tình yêu rụt rè không dám bộc lộ và bành trướng vì sự nghi ngờ vẫn còn vưởng vất trong tâm hồn Thiếu Lan như một vết thương còn đang âm ỉ.

Và đúng lúc này, nàng nhớ lại lời hâm dọa của mẹ chồng: “Có thể nó sẽ thích thú gây nơi cô những cảm tưởng mà nó sẽ phân tích trong cuốn tiểu thuyết sắp tới”. À! Nếu thật thế!... Nếu chàng biết… Không! Nàng sẽ không bao giờ để chàng biết chuyện đó! Nàng sẽ dấu kín bí mật kia khi nàng chưa biết điều gì đang ẩn náu dưới ánh mắt dịu dàng trìu mến làm rung động trái tim nàng đó. Nàng lập đi lập lại, giọng vừa lo lắng vừa sung sướng:

- Ta yêu chàng!... Ta yêu chàng!

Ngoài kia mưa rơi như vũ bão. Người đàn bà trẻ đang mãi mê suy nghĩ không để ý đến những giọt mưa hắt đã làm ướt chiếc áo nhiễu gấm màu hồng nhạt, cái áo đã khiến vẻ đẹp hôm nay của nàng thật lạ lùng huyền hoặc. Giờ đây nàng đã hiểu chàng đã cảm thấy gì khi nàng đã thơ ngây thú nhận rằng không bao giờ yêu nỗi chàng. Một lời tuyên bố như vậy đã làm tổn thương sâu xa con người được thần tượng hoá đó, nhất là xuất phát từ một người con gái nghèo khổ mà chàng đã phải hạ mình xuống chọn. Trời ơi! Chàng có sẵn sàng tha lỗi cho nàng không?

Tiếng đàn dương cầm đã ngừng từ lâu. Một bóng đàn ông xuất hiện trên ngưỡng cửa hé mở đúng lúc một tia chớp khác soi sáng người đàn bà đang đứng im lìm.

- Em đang nghĩ gì vậy? Chàng kêu lên, giọng run động và lo lắng.

Bị bắt gặp đột ngột đúng lúc đang nghĩ đến chàng. Thiếu Lan giật mình lùi lại.

- Anh làm em sợ à?

- Không… Nhưng em không nghe tiếng chân anh… Vả lại, em đang bị căng thẳng vì cơn giông. Nàng đỏ mặt, lắp bắp nói.

- Anh xin lỗi em. Quả thật anh vào hơi bất ngờ… Nhưng sao em lại đứng đây với chiếc áo mỏng manh này? Không khí rất ẩm thấp và anh nghĩ điều đó rất bất lợi cho cơn nhức đầu của em… Em còn mệt không? Chàng dịu giọng tiếp – Anh thấy cuộc sống náo động bất thường này làm cho em mệt mỏi. Tối nay em hãy ở lại phòng nghỉ ngơi đi. Anh sẽ lo xin lỗi khách khứa cho em!

- Ồ! Không sao đâu. Em chỉ nhức đầu thôi! Em không quen được chăm sóc như vậy.

- Em nên nghe lời anh. Lần sau nếu trời mưa, em đừng nên đứng gần cửa sổ để hứng mưa nữa nhé.

- Quả thật em vô ý quá!

Nàng khẽ nói và đưa tay vuốt mặt. Thần kinh căng thẳng, nước mắt lưng tròng. Nàng vội đưa tay cho chồng để giấu những giọt lệ.

- Vâng nếu anh muốn, em sẽ đi nghỉ ngay đây. Chào anh nhé.

Tay nàng run rẩy trước nụ hôn của chàng:

- Chào Thiếu Lan! Em hãy nghỉ ngơi đi, mong ngày mai em sẽ khoẻ hẳn!

Chàng đưa mắt nhìn theo cho đến khi nàng khuất bóng, rồi bước lại bên chiếc bàn có để đồ thêu của Thiếu Lan, tay ôm đầu chàng chua chát lẩm bẩm:

- Vẫn sự xa lánh đó… Ta đã thấy những giọt lệ trong khoé mắt nàng. Nàng sao vậy? Cái tâm hồn trong suốt sáng ngời ẩn trong đôi mắt tinh anh vẫn giữ kín một điều bí mật. Nhưng ta không thể sống thế này nữa. Ta phải rõ cái gì ẩn nấp dưới sự phục tùng khả ái, sự duyên dáng dịu dàng kia… Ta phải biết là ta có được yêu không? Vì thật ra, ta hiểu rõ tất cả cái tâm hồn thẳng thắn ngây thơ đó, chỉ trừ điều ấy. Hay có lẽ vì chính nàng cũng không rõ lòng mình?

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3