Nổi loạn ở địa ngục - Tập 2 - Chương 17 - Sấm Truyền

Con sông dung nham chảy giữa ngục Đại Ngàn, chia ngục này thành hai phần đối lập nhau. Một bên là dãy dài các phòng giam cực hình dành cho các tội hồn, còn bên kia là khu vực của những thành, phủ dành cho các quan chức và binh lính. Tiểu Văn đã hai lần giúp các tội hồn bị giam hãm nổi dậy và trốn thoát. Cả hai lần đó anh đều hướng dẫn mọi người đi dọc theo bờ sông dung nham, tới vị trí cây cầu cuối cùng thì vượt qua cầu sang bờ sông bên kia để đến bức tường thành. Anh chưa bao giờ đi tiếp từ phía bên này bờ sông bởi vì như những gì anh nghe được từ Quế Thanh thì phía bên này bờ sông là đường cụt, cứ đi mãi sẽ đến đoạn cuối của con sông chui vào vách đá và không có cách nào sang bên kia bờ sông cả.

Tuy nhiên, giả sử khi đó Tiểu Văn cứ tiếp tục đi đường mà không rẽ qua cây cầu cuối cùng thì chỉ thêm khoảng vài kilomet anh sẽ thấy một cái lò rèn. Chính là lò rèn của sư phụ Thiết Thủy. Lò rèn này có cái khác so với các lò rèn thông thường trên trần gian ở chỗ nó không dùng nhiệt từ các lò đốt than mà dùng nhiệt từ chính dòng sông dung nham. Cũng phải thôi vì dưới này than chắc là hiếm trong khi dung nham thì lại có ở khắp nơi mà nơi nhiệt độ khiến đá cũng tan chảy thì hẳn là phải hơn lò đốt than rồi. Chính vì vậy mà lò rèn được xây dựng ngay bên bờ sông. Thực ra nói là xây dựng thì cũng không hẳn đúng, vì cơ bản chỉ có đống dụng cụ như đe, búa… được vứt bừa bãi cho thợ làm việc giữa trời, chứ họ đâu có cần nhà xưởng. Tuy nhiên vẫn có một căn phòng nhỏ, kín đáo được xây bằng đá, là nơi làm việc riêng của sư phụ Thiết Thủy. Nói về nhân sự, ở đây ngoài sư phụ Thiết Thủy còn có khoảng hai mươi người nữa, đó là những người vừa phụ việc, vừa học việc. Hàng ngày những người này thực hiện toàn bộ những công việc rèn binh khí theo nhiệm vụ được chính quyền ngục Đại Ngàn giao, chứ sư phụ không hề mó tay. Sư Phụ chỉ thích ngồi một mình trong phòng kín để nghiên cứu, chế tạo những thứ vũ khí đặc phẩm theo tiêu chuẩn riêng của ngài thôi.

Hôm nay, cũng như mọi ngày, sư phụ Thiết Thủy đang ngồi làm việc một mình trong phòng kín. Căn phòng này vốn được xây dựng với một trong bốn vách tường ở ngay trên mặt sông dung nham. Ở giữa vách tường đó khoét ra một mảng dưới chân tường, trông tương tự như cái lò sưởi. Đó chính là chỗ để lấy nhiệt từ sông dung nham, tương tự như một cái lò để chế tác vũ khí. Sư phụ ngồi trước lò, ánh lửa chiếu lên mặt ông hồng rực. Đó là một khuôn mặt với nhiều nếp nheo chằng chịt nhưng những đường nét gương mặt lại sáng sủa cho thấy hồi trẻ sư phụ hẳn cũng rất khôi ngô, anh tuấn. Mặc dù vậy có một chi tiết rất không ăn nhập với sự anh tú đó, chính là đôi mắt to bất thường, lồi ra, nhìn đến sợ. Ngoài ra bộ tóc muối tiêu để rất rậm, dài trùm cả tai cho thấy hình ảnh một người rất luộm thuộm. Tay ông ta đang cầm một cây kiếm, rõ ràng là một sản phẩm dở dang, chưa hoàn thành. Đôi mắt lồi dí sát vào lưỡi kiếm nhìn chằm chằm, một tay rờ rờ từng milimet trên đó, mặt ông cau có, tỏ ra không hài lòng với tác phẩm của mình. Chợt cửa mở nghe tiếng “Ke ẹt… ẹt…”, một bóng người bước vào. Sư phụ làm như không hay biết, vẫn chăm chú nhìn và lần mò trên lưỡi kiếm. Người kia bước lại gần. Sư phụ không hề nhìn ra nhưng đã lên tiếng:

-          Đi nhầm đường rồi. Đây là khu vực cấm.

Người kia đến trước mặt ông, vừa ngồi xuống vừa nói:

-          Sư phụ… con đây… Sư phụ có nhận ra con không?

Sư phụ không hề rời cây kiếm ra, chỉ khẽ ngước mắt nhìn về phía người kia hỏi:

-          Đứa nào ấy nhỉ?...

-          Hì hì, con trước từng học việc ở đây mà… sư phụ quên rồi à? Sư phụ gọi con là G17 mà… Sư phụ nhớ không?

-          Sư phụ vẫn giữ ánh mắt vô hồn, khẽ nhếch mép lên cười rồi lại hạ xuống ngay:

-          Hé… Tao ở đây mấy trăm năm rồi. Có đến cả nghìn đứa tới học… cứ đến rồi lại đi… Tao chỉ đánh số như thế cho dễ gọi, một số có thể dùng cả trăm lượt, miễn là cùng lúc ở đây không có đứa nào số giống nhau là được.

Nhất Xạ tiu nghỉu. Trước khi được Tiểu Văn đặt cho cái tên “Nhất Xạ” thì cậu chẳng có cái tên nào ra hồn, chỉ có cái tên G17 sư phụ Thiết Thủy đặt cho là ấn tượng nhất, nghe nó vừa lịch sự, hiện đại, lại có phần bí hiểm. Vì vậy dù đã rất lâu nhưng cậu vẫn rất nhớ cái tên ấy. Nào ngờ hôm nay mới biết đấy chỉ là cách sư phụ đánh số, chẳng phải tên riêng.

Vậy nhưng sư phụ lại nói tiếp:

-          À, nhưng mà nhìn mày cũng thấy quen quen.

Nhất Xạ chợt vui trở lại, nói:

-          À, ha ha! Sư phụ vẫn nhận ra con à? Mà không nhớ rõ cũng không sao. Hì hì, trò phải nhớ thầy chứ thầy từng dạy biết bao nhiêu trò thì làm sao nhớ hết được.

-          Ừ, thế mày đi khỏi đây xong không chết à? Mà giờ còn quay về đây làm gì?

-          Úi! Sao sư phụ lại nói thế? Con chết thế nào được? Ngược lại con còn đang sống khỏe, sống vui đây. Ha ha!

-          Vui?... Thằng điên… Ở địa ngục còn vui. Bọn chúng mày có rời chỗ này thì đa số cũng thành lính. Giờ này chưa chết là may rồi, còn vui nỗi gì?

-          Hi hi! Vui chứ. Đâu phải địa ngục là không thể vui được đâu. À, cũng vì thế mà con mới quay về đây gặp sư phụ đây.

Nhất Xạ ngồi dịch lại gần sư phụ thêm một chút, làm như có điều gì bí mật muối nói nhỏ vào tai ông ta. Tuy vậy, sư phụ lại tỏ ra chẳng để ý, vẫn dồn hết sự tập trung vào cây kiếm. Nhất Xạ thì thầm nói:

-          Sư phụ có biết Ma Hiệp không?

Sư phụ không rời mắt khỏi cây kiếm, đáp:

-          Ma Hiệp?... À, mày đi theo bọn giặc cỏ ấy à?

-          Ấy, sao sư phụ lại nói thế? Đấy là đội nghĩa quân. Họ đứng lên đấu tranh trống lại chính quyền địa ngục, giải phóng các linh hồn bị tù đày. Đấy! Giữa địa ngục mà họ đem lại niềm vui đấy sư phụ. Hôm nay con về đây chính là để chuyển lời của Ma Hiệp xin mời sư phụ gia nhập nghĩa quân đây. Sư phụ đi với con nhé?

-          Hừ, thôi!... thôi!... tưởng gì. Nếu mày đến đây để nói việc đấy thì thôi. Biến đi! Tao không rảnh mà nghe mấy cái đó.

-          Sư phụ, nghe con nói đã! Họ chính là những người đem lại ý nghĩa cho sự tồn tại của chúng ta đấy. Địa ngục này từ khi có họ đã bắt đầu có niềm vui, có hy vọng…

-          Thôi!... Tao nói thôi cơ mà! Tao không cần vui. Mày biến đi!

Nhất Xạ không ngờ sư phụ lại phản ứng theo kiểu xua đuổi như vậy. Anh đã định nói bao nhiêu điều để thuyết phục ông ta mà giờ chẳng còn biết nói gì nữa. Nghĩ mãi mới nói thêm một câu:

-          Sư phụ, không phải sư phụ cũng rất ghét chúa ngục Hùng Trấn sao? Nay có cơ hội lật đổi lão ta sao sư phụ không nắm lấy?

-          Ha ha ha ha! – Sư phụ chợt bật lên một tràng cười. Rồi ông từ từ hạ cây kiếm xuống. Lần đầu tiên ông thay đổi tư thế ngồi, quay sang Nhất Xạ nói: - Chúng mày là cái gì mà dám mơ lật đổ Hùng Trấn? Đúng là “ếch có lông nách”.

-          Sao lại không chứ? Ma Hiệp là người có tài. Nói như người xưa là có đủ nhân, nghĩa, trí, dũng. Sao lại không thể làm nên chuyện được?

-          Hừ, được. Thằng giặc cỏ ấy làm cái gì thì tao cũng có nghe qua rồi. Nhưng tao chỉ hỏi mày câu này: Nó có phải là tảng đá đen không?

Nhất Xạ nhăn trán hết cỡ. Anh vốn biết sư phụ là người lập dị, nãy giờ ông ta hành động, ăn nói kỳ cục thế nào anh cũng có thể hiểu nhưng đến câu hỏi này thì anh chịu, hoàn toàn không thể hiểu nổi ông ta đang nghĩ gì mà hỏi thế. Anh lắp bắp:

-          Là… là sao ạ?

Sư phụ lại quay đi, không nhìn Nhất Xạ nữa. Ông lại cầm cây kiếm kia lên nhìn, rồi lần sờ lưỡi kiếm. Rồi ông chậm rãi đọc:

“Nơi Đại Ngàn tăm tối

Chôn vùi vạn kiếp đời

Chỉ đá đen trơ lại

Duy nhất làm vua thôi”

-          Câu sấm truyền ấy mà mày không biết à?... Nếu không phải là tảng đá đen thì rốt cuộc không thể làm vua của Đại Ngàn được.

Nhất Xạ giãn cơ mặt:

-          Hì! Mấy câu đó con nghe rồi. Nhưng mà con thấy ý nghĩa của nó đâu phải như người ta suy diễn. Đọc kỹ thử xem. Chẳng qua là câu vè để nói về sự khắc nghiệt của rừng Đại Ngàn thôi mà. Ý nói ở đó chẳng có gì tồn tại được, chỉ có những tảng đá, mà như thế thì chỉ có đá là vua ở Đại Ngàn thôi chứ sao.

Nét mặt sư phụ gần như không có phản ứng gì, ông chỉ khẽ lắc đầu, nói:

-          Oắt con, chưa trải sự đời. Mày không biết thế nào gọi là sấm truyền đâu.

-          Hì! Thì cứ cho đó là lời sấm đi. Nhưng nó từ đâu mà ra? Làm việc lớn sao lại tin vào mấy cái điều mê tín ấy chứ.

Sư phụ bỗng dưng quắc mắt mình Nhất Xạ mắng xối xả:

-          Ừ tao mê tín, tao cổ hủ cũng được. Kệ tao, không cần mày dạy… giờ nói thế đủ rồi. Cút đi!... Biến khỏi đây ngay không thì đừng trách tao! … Cút!… cút!

Vừa nói sư phụ vừa lấy tay đẩy liên tục Nhất Xạ ra phía cửa. Mặc cho anh xin xỏ rối rít, sư phụ kiên quyết đuổi anh ra ngoài rồi đóng sập cửa lại.

*

*          *

Nhất Xạ hậm hực bước đi. Lúc đến, anh lén lút không để ai nhìn thấy nhưng lúc đi ra, tiếng đóng cửa của sư phụ đã khiến mọi ánh mắt của các thợ rèn đang làm việc quanh đó đổ dồn về phía anh. Nhất Xạ cố lấy lại bình tĩnh, anh bước đi rất tự nhiên như thể một vị khách bình thường vừa đi ra khỏi phòng sư phụ sau khi trao đổi công việc vậy. Anh định bụng cứ như vậy đi ra khỏi khu vực lò rèn này và trở về rừng đá, nhưng sau khi đi được vài bước anh chợt dừng lại. Anh nhìn quanh. Những người thợ rèn đã không còn để mắt tới anh nữa, ai nấy đều quay trở lại tập trung vào công việc của mình. Những tiếng búa vẫn đều đều vang lên chan chát. Anh chuyển hướng bước tới bên một người thợ đang làm việc. Thấy có mấy tảng đá nhỏ xếp quanh đó như thể bố trí những chiếc ghế ngồi, anh vừa ngồi xuống đó vừa nói:

-          Hai za! Cho ngồi nghỉ nhờ chút nhé bác cả?

Người kia ngẩng mặt lên tươi cười đáp:

-          Vâng. Người anh em cứ tự nhiên ngồi đi.

Nói rồi ông ta lại quay trở lại chú tâm vào công việc. Người thợ này có dáng vẻ bên ngoài của một người đã có tuổi, tóc chưa bạc nhưng da đã nhăn nheo, dáng ngồi đã hơi lom khom. Ông ta có một người thợ giúp việc là một chàng trai trẻ măng, phải nói là chỉ ở tầm tuổi mới lớn. Mỗi khi người thợ già hơ thanh sắt trên ngọn lửa dung nham tới nóng đỏ rồi nhấc lên, đặt vào chiếc đe trước mặt thì ông ta lại cầm một chiếc búa nhỏ gõ vào thanh sắt, ngay khi chiếc búa nhỏ đó nhấc ra thì chàng thanh niên lại cầm một chiếc búa lớn hơn đập mạnh vào đúng chỗ đó. Cứ đập như thế một lúc ông ta lại nhúng thanh sắt xuống chậu nước bên cạnh, nghe tiếng “xèo… xèo…” một cái. Nhìn quanh thì hình như ở đây mọi người thợ đều có một người giúp việc như thế.

Nhất Xạ ngồi xem ông ta làm việc một lát rồi lân la bắt chuyện:

-          Các bác ở đây làm việc thỏa mái nhỉ? Không bị ai giám sát.

-          Hà hà! Cũng nhờ Thiết Thủy sư phụ cả. Ông ấy đuổi hết bọn lính đi, nói là bọn tôi sẽ chịu trách nhiệm làm đủ số lượng sản phẩm được giao, không cần phải giám sát. Hi hi! Vậy mà bọn lính phải chịu sư phụ đấy.

-          Ôi! Thế thì nhất các bác rồi. Cả cái địa ngục này làm gì có chỗ nào được làm việc thoải mái như các bác.

-          Hi hi! Sư phụ của bọn tôi tính tình ngang ngạnh, lập dị, làm việc với ông ấy nhiều lúc tức phát điên, nhưng mà lại rất biết bảo vệ lính như thế đấy.

-          Ha ha! Sư phụ Thiết Thủy đúng là lắm tài nhiều tật.

Hai người nói chuyện vui vẻ qua lại một lúc thì người thợ rèn hỏi Nhất Xạ:

-          Thế chú hôm nay đến gặp sư phụ làm gì đấy? Đã xong việc chưa?

-          Hai za! Em định nhờ sư phụ tí việc mà chưa kịp trình bày câu nào đã bị ông ấy đuổi đi như hắt nước. Chẳng biết làm thế nào nữa.

-          Thế chú định nhờ ông ấy làm thần binh, bảo kiếm gì vậy?

-          À không. Em có tham bảo vật gì đâu. Chẳng là sắp tới em được giao trông nom khai thác một mỏ sắt nên muốn nhờ sư phụ chỉ dạy cho ít kinh nghiệm khai thác quặng sắt thôi.

-          À, hi hi! Tưởng muốn làm vũ khí gì thì cứ qua đây bọn tôi làm cho. Thần binh, bảo kiếm thì khó chứ vũ khí thông thường thì bọn tôi làm cũng tốt. Còn khai thác quặng thì đúng là chỉ có sư phụ biết. Bọn tôi chịu. Thôi, chú chịu khó hôm khác quay lại đi. Mấy hôm nay sư phụ đang chú tâm nghiên cứu pháp bảo nên không muốn nói chuyện với ai đâu.

-          À thế à? Mấy hôm nay sư phụ đang tập trung làm cái bảo vật gì à?

-          Ừ, mỗi khi sư phụ tập trung nghiên cứu cái gì thường tự giam mình trong phòng kín nhiều ngày. Những lúc đó tốt nhất là đừng làm phiền ông ấy.

-          Thế liệu ông ấy nghiên cứu như thế có lâu không?

-          Cũng tùy. Có khi chỉ một vài ngày, có khi thì cả tháng. Khi nào nghiên cứu ra vấn đề ông ấy mới ra ngoài.

-          À… Vậy hay là các bác cho em ở lại đây mấy ngày để đợi sư phụ nghiên cứu xong vụ này có được không?

-          Hà hà! Chỗ tôi thì thoải mái, chú ở bao lâu chẳng được. Chỉ sợ đợi sư phụ lâu quá thì mất công của chú thôi.

-          Hi hi! Không sao. Em đang rảnh. Tranh thủ thời gian này em ở đây học thêm chút nghề lò rèn của các bác nhé?

-          Ha ha ha! Bọn tôi uổng công sư phụ chỉ dạy, học nghề chẳng tới đâu nhưng nếu chú muốn học chút kinh nghiệm làm mấy thứ vũ khí vớ vẩn thì cứ ở đây học vài hôm là biết hết.

-          Ha ha ha! Vậy tốt quá!… tốt quá!... à, thế tên gọi bác là gì để xưng hô cho tiện ạ?

-          À, tôi được sư phụ đặt cho biệt danh là G30. Ở đây chúng tôi đều gọi bằng biệt danh như thế. Còn thằng cu phụ tá này thì mới đến, sư phụ còn chưa đặt tên cho nó nên tôi gọi là Tiểu Mã. Thế còn chú? Chú tên gọi là gì?

-          Em thì… hì, tên em phức tạp lắm, nhưng mà sư phụ có gọi em là G17. Các bác gọi em như thế có được không?

-          G17 à? Được quá đi chứ, hiện giờ ở đây cũng không có ai tên như thế.

-          Ha ha! Vậy quá tốt rồi. Thế cho em vào việc luôn nhé? Bác chỉ luôn cho em nhé?

-          Hả? Muốn làm ngay á? Cũng được… chú ngồi vào đây… tay này cầm vào đây… tốt… tay này thế này… thế… thế…

*

*          *

Nhất Xạ ở lại với những người thợ rèn để tìm cơ hội thuyết phục sư phụ Thiết Thủy. Mấy ngày trôi qua, sư phụ không hề ra khỏi phòng kín, cũng chẳng ai mở cửa bước vào căn phòng đó. Những người thợ rèn ở đây luôn làm việc rất chăm chỉ mặc dù không có ai giám sát công việc của họ. Gần như cả ngày họ chỉ cắm đầu vào lò lửa với đe, búa. Chỉ đến giờ giới nghiêm họ mới nghỉ tay luyện khí công hoặc ngồi bên nhau trò chuyện đôi chút. Mọi người với nhau rất hữu hảo và họ đối với Nhất Xạ cũng rất cởi mở, tuy vậy hình như tất cả bọn họ đều không có thói quen nói nhiều.

Hôm đó, mọi người đang cần mẫn làm việc thì chợt nghe thấy những tiếng cót két, lạch cạch từ xa vọng lại. Thì ra là một chiếc xe kéo đang đi tới. Chiếc xe được một người kéo và một người đẩy. Nhìn qua thì thấy chiếc xe này chỉ trở một cái thùng to hình tròn như cái trống, tất nhiên là làm bằng gỗ.

Vừa thấy chiếc xe, Bác cả G30 nói:

-          À, xe tiếp nước đến rồi.

Hoạt động của những lò rèn không thể thiếu nước. Bên cạnh mỗi lò lửa đều có một chậu nước để những người thợ nhúng những thanh sắt vào đó để làm nguội nhanh. Việc làm nguội nhanh không chỉ đơn giản là để cho dễ xử lý, tạo hình vật dụng đó mà còn đóng vai trò quan trọng giúp cho sắt được tôi luyện, tăng độ cứng và độ bền. Thế nhưng nước vốn là thứ khá hiếm ở dưới địa ngục. Hẳn là chính quyền địa ngục cũng phải lấy nước từ một số cái hồ nào đó, giống như cái hồ được đám Tiểu Văn phát hiện tại căn cứ mới. Nhưng vị trí cái hồ của chính quyền địa ngục thì luôn là một bí mật mà chỉ có Bộ Khí nắm quyền quản lý, sử dụng. Họ phân phát nước cho những đơn vị cần dùng, như lò rèn này, theo định kỳ bằng những chiếc xe như thế này.

Chiếc xe vừa dừng lại, người kéo xe đã cất tiếng chào:

-          Hai za, nghỉ tay tiếp nước đã các bác ơi!   

Người kéo xe này nhìn qua thật khó mà biết được ông ta là quan chức hay là lính. Ông ta có một thân hình to lớn, bệ vệ nhưng lại có vẻ chậm chạp, luộm thuộm, khuôn mặt thì to nhưng cằm lại dài như lưỡi cày. Bác cả G30 đáp lời ông ta:

-          Lão Tạc đấy à? Đến đúng lịch quá nhỉ!

-          Há há! Đương nhiên phải đúng chứ, uy tín mà.

-          Thế có bổ sung nhiều nước hơn như tôi đã báo không đấy?

-          Có chứ, yên tâm tôi nhớ mà, uy tín luôn mà. Gì chứ chỗ Sư phụ Thiết Thủy thì lúc nào cũng ưu tiên nhất rồi. Cả cái địa ngục này có mỗi chỗ này là vui. Đến đây được cười nói thoải mái. Hà hà hà! Đấy, hôm nay mang thừa nước luôn đấy… Uy tín luôn đấy…

Vừa nói lão Tạc vừa đi về phía những tảng đá nhỏ mà những người thợ ở đây hay ngồi nghỉ ngơi, chắc hẳn ông ta đã không còn lạ gì nơi này. Những người thợ rèn cũng lần lượt nghỉ tay tiến tới vị trí đó ngồi nghỉ. Người đùn xe cho lão Tạc cũng đi theo lão. Lúc này mọi người mới nhìn rõ người đùn xe này. Thật bất ngờ, người này lại có dáng vẻ của một người đã trung tuổi, thân hình khá cao ráo, đặc biệt tai to mặt lớn, trán hói, tóc chỉ mọc hai bên mang tai và sau gáy như một giáo sư. Tuy vậy, nhìn kỹ thì ông ta cũng chậm chạp, đôi mắt ngây dại, không thấy sự sắc sảo nào cả. Thấy vậy Bác cả G30 lại hỏi:

-          Ô, hôm nay lão có người giúp việc mới đấy à?

Lão Tạc vừa ngồi xuống nghe thấy hỏi vậy thì ngẩng lên nhìn về phía người đùn xe đó, đáp:

-          Hả?... À, giới thiệu với các bác đây là giáo sư Ngưu Phù. Mà giáo sư chuyên ngành ngu học, há há há!

Bác cả nhăn mặt:

-          Bậy nào! Sao nói người ta thế?

-          Thì bác không thấy cái mặt nó nhìn như giáo sư sao? Nhưng nó chỉ được cái mặt thế thôi chứ ngu hết sức.

Ngưu Phù có lẽ đã quen với những câu nói thiếu tôn trọng của Lão Tạc nên chẳng nói gì, cứ cắm đầu bước tới. Nhưng khi hắn tới chỗ mọi người đang ngồi thì lại ngơ ngác nhìn quanh. Bởi chỗ đó chỉ có một số tảng đá và đều đã có người ngồi rồi, thành ra hắn ta cứ quay qua ngó lại, loay hoay không biết phải ngồi hay đứng thế nào nữa. Thấy vậy Lão Tạc cao giọng:

-          Sao? Còn định đợi có ghế đệm mới ngồi nữa hả? Thấy hết chỗ thì ngồi xuống đất đi. Hạng mày thì ngồi đâu chả được, đúng là ngu hết chỗ nói.

Ngưu Phù đành cứ thế ngồi xuống. Nhưng vừa khom người định ngồi thì hắn ta lại đứng dậy, di chuyển sang chỗ khác. Có lẽ hắn cảm thấy vị trí đó gần ngay trước mặt Lão Tạc, ngồi không thích hợp. Hắn đi vòng ra sau lưng Lão Tạc. Nhưng lại ngó qua, ngó lại không biết ngồi chỗ nào. Lão Tạc nhìn theo hắn sốt ruột quát:

-          Gì nữa đây? Muốn chọn chỗ ngồi hợp phong thủy nữa hả? Ngu vừa thôi chứ. Có việc ngồi xuống mà cũng không xong nữa… Mà thôi, ngu như mày chắc không thấy mệt đâu. Khỏi phải nghỉ. Đi chia nước đi!

Ngưu Phù đành lặng thinh quay đi làm công việc của mình. Lão Tạc thì ngồi vểnh râu, vắt chân chữ ngũ chém gió. Mọi người nghe Lão Tạc cứ mắng chửi người của mình xơi xơi thì ai cũng thấy ái ngại nhưng không ai nói gì. Lão Tạc nhìn thấy Nhất Xạ có vẻ là lạ mới hỏi:

-          Ơ, chỗ Bác Cả cũng có người mới đấy à?

-          Ờ, thì… cậu này là… - Bác Cả đang định nói thì Nhất xạ đã cướp lời:

-          Dạ, em mới đến đây học nghề thợ rèn. Sư phụ gọi em là G17 ạ.

-          À, thế hả? Học nghề của sư phụ Thiết Thủy thì chuẩn luôn đấy, uy tín luôn đấy, ha ha ha!

Mọi người cứ thế tiếp tục vui vẻ nói chuyện trong khi Ngưu Phù đi chia nước. Có điều không ai để ý, Ngưu Phù từ đầu đến cuối hầu như lúc nào cũng chỉ chăm chăm cúi gằm mặt xuống đất, vậy mà khi vừa nghe Nhất Xạ lên tiếng câu đầu tiên thì hắn lại ngoái cổ lại nhìn anh chằm chằm. Nhưng cũng chỉ nhìn vài giây thì hắn lại quay đi, lại cúi gằm mặt xuống đất. Công việc của hắn chính là đi kiểm tra các xô đựng nước từ vị trí của từng người thợ rèn, xem xô nào hết nước thì mang về xe của mình đổ nước vào và mang trở lại cho thợ rèn. Hắn cứ cần mẫn bê qua, bê lại những chiếc xô như thế, cho đến khi xong việc hắn qua chỗ Lão Tạc nói:

-          Xong rồi Lão Tạc.

Lão Tạc đang nói chuyện rôm rả, quay ra nói:

-          Xong rồi hả? tất cả các xô đều đầy nước rồi chứ?

-          Đầy cả rồi.

Lão Tạc nhìn quanh. Có hai cái xô ở trước cửa phòng riêng của sư phụ, hai cái xô này không đặt cạnh những lò lửa nên chắc là Ngưu Phù chưa để ý lấy nước. Lão Tạc chỉ về hai cái xô đó hỏi:

-          Còn hai xô này?

Ngưu Phù gãi đầu gãi tai:

-          À, hai cái đó thì chưa.

-          Hừ, tao đến phát chán vì những cái “à” của mày. Cứ phải đợi người ta chỉ cho rồi mới “à”. Lần nào cũng “à”… Không biết đường mà ra lấy hai xô đó đi còn chờ gì nữa?

Ngưu Phù lại cắm cúi đi về phía hai xô nước đó. Cả hai xô này đều chưa hết nước, mỗi xô còn tới hơn một nửa. Ngưu Phù loay hoay xếp hai cái xô chồng nên nhau định bê đi. Thấy vậy Lão Tạc lại gắt lên:

-          Ối giời cái thằng! Thằng này ngày xưa chắc mẹ nó quên không cho ăn muối I ốt hay sao á, ngu hết thuốc chữa. Sao mày không biết đường đổ nước từ xô này sang xô kia chứ bê cả hai cái xô đi làm gì?

Ngưu Phù dừng lại, gãi đầu gãi tai, dường như phải suy nghĩ một lúc mới hiểu ý Lão Tạc. Rồi hắn cũng nghĩ ra, đổ nước từ một xô sang xô còn lại cho đầy rồi mới cầm xô kia ra xe lấy nước. Chứng kiến những hành động vụng về của Ngưu Phù, các anh em lò rèn đều cười khúc khích. Lão Tạc quát mắng Ngưu Phù xong thì cũng quay ra cười với mọi người và tiết tục những câu chuyện phiếm. Cho đến khi Ngưu Phù xong việc, Lão Tạc mới chào tạm biệt các anh em thợ rèn rồi cùng Ngưu Phù kéo xe đi.