Nổi loạn ở địa ngục - Tập 2 - Chương 20 - Luyện thép (2)

Tiểu Văn đã hoàn toàn đúng khi phán đoán về dòng sông dung nham. Khi mới tìm thấy hồ nước, anh đã nói là nhất định phải có một dòng sông dung nham ở gần đó cung cấp hơi nước tới trần hang đá để ngưng tụ thành nguồn nước của hồ. Nhưng sau đó mọi người cũng không cất công tìm kiếm dòng sông dung nham bởi còn quá nhiều việc khác phải làm. Giờ đây, do yêu cầu của sư phụ Thiết Thủy, việc tìm kiếm dòng sông dung nham đó đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng. Lúc đầu các anh em chia nhau ra tìm kiếm theo các nhánh hang chưa được khai phá ở khu vực loanh quanh gần hồ nước, nhưng mãi không thấy gì. Sau đó anh em thay đổi phương pháp. Họ để ý thấy có những khe thông hơi rất nhỏ ở những vách đá gần hồ nước. Khi kiểm tra phát hiện có những luồng không khí từ những khe này thổi ra có nhiệt độ nóng ấm hơn bình thường. Rõ ràng đây chính là những luồng không khí nóng mang hơi nước. Mọi người bèn mạnh dạn đào rộng các khe hở đó ra để có thể đi vào đó mà tìm đến ngọn nguồn của luồng hơi nóng. Và rồi cách này đã cho kết quả. Cũng chỉ mất công vất vả đào đá một đoạn khoảng vài trăm mét thì đã thấy đường thông sang một nhánh hang động rộng rãi mênh mông và đặc biệt là ở đó sáng bừng một thứ ánh sáng hồng rực. Đi vào đó các anh em dễ dàng thấy ngay một con sông dung nham chầm chậm chảy giữa lòng hang, tất nhiên dung nham chỉ chảy ở khu vực trũng nhất, vì hang rất rộng nên vẫn có đường cho các anh em đi lại thoải mái. Hang này cũng được đâm ra nhiều hệ thống phân nhánh chằng chịt và có lẽ cũng sẽ có đường nối về hang căn cứ khác với đường tắt anh em vừa đào nhưng để tìm hiểu hết những con đường đó có lẽ còn phải mất nhiều thời gian nữa.

Nhiệm vụ quan trọng thứ hai là phải tìm được quặng sắt, hóa ra lại là một nhiệm vụ chẳng khó khăn gì. Theo lời sư phụ Thiết Thủy, Tiểu Văn ra lệnh cho các anh em đi tìm kiếm những nơi mà đá có màu sắc khác biệt. Ngay khi nghe mệnh lệnh, một người anh em đã đáp rằng anh ta từng tò mò về những vân đá màu nâu xuất hiện ở một vách đá trong một nhánh hang sâu. Tiểu Văn liền bảo người đó dẫn các anh em và cả sư phụ Thiết Thủy đến vị trí đó. Vừa tới nơi, sư phụ nói ngay đó chính là quặng sắt. Mọi người cùng đào vách đá đó ra thì bên dưới toàn là những đá với những vân màu nâu như vậy. Càng đào càng thấy nhiều, chứng tỏ trữ lượng sắt ở đây không ít.

Vậy là những yếu tố cần thiết để luyện thép đã có đủ. Sông dung nham này, quặng sắt này, gỗ này, đất sét thì cũng đã được lấy dễ dàng từ dưới lòng hồ. Sư phụ Thiết Thủy tỏ ra rất hứng khời bắt tay vào việc. Tiểu Văn thì khỏi nói, đương nhiên rất vui mừng tập trung hết tâm trí, sức lực của mình vào đó. Những ngày này anh luôn ở bên sư phụ, nghe và ghi nhớ từng lời ông nói, quan sát tỉ mỉ từng việc ông làm, tận tay giúp ông làm mọi việc, đáp ứng mọi điều ông yêu cầu. Đồng thời anh cũng lựa chọn trong đám lính ra mười người có chút hiểu biết về kỹ thuật, đồng thời có sức khỏe để thường xuyên phụ giúp sư phụ và cũng tranh thủ học nghề của ông luôn. Trong số này có cả Tiểu Giới, cậu ta vẫn luôn tỏ ra là một người chịu khó tìm hiểu về lĩnh vực này.

Cơ sở sản xuất được đặt ngay bên bở sông dung nham, bởi vì mọi thứ khác đều có thể dễ dàng đưa đến đây chứ con sông thì không thể mang đi chỗ khác được. Con đường dẫn đến con sông vốn là đường do anh em tự đào nay được mở rộng để việc đi lại và vận chuyển nguyên vật liệu được thuận lợi. Khi mọi thứ sẵn sàng, Tiểu Văn nói với sư phụ:

-          Sư phụ, mọi thứ sư phụ yêu cầu đã đủ cả. Chúng ta bắt đầu thôi ạ!

Sư phụ hào hứng nói:

-          Ừ, bắt đầu thôi. Chà! chà! Đủ hết rồi nhỉ? Nên bắt đầu tư đâu nhỉ?... ờ… đất sét, phải bắt đầu từ đất sét.

-          Dạ! – Tiểu Văn vừa vẫy tay ra hiệu các anh em khênh cái thùng gỗ đựng đất sét đến vừa nói: - Đất sét đây sư phụ. Trước hết ta làm gì với nó ạ?

Sư phụ vừa cười vừa nói:

-          Ha ha! Hãy làm một cái nồi đất.

-          Nồi đất ư? Dùng nồi đất để nấu sắt ư?

-          Các cụ dạy rồi: “nồi đất nấu sắt, nồi sắt nấu nhôm”. Chứ không dùng nồi đất thì cái gì mới nấu được sắt đây?

Tiểu Văn há hốc mồm nghe rồi gật đầu lia lịa:

-          Ah… phải… phải rồi. Muốn nung chảy sắt thì phải là nhiệt độ rất cao, sắt cũng nóng chảy thì cái gì cũng sẽ chảy, vậy chỉ có nồi đất mới dùng được.

Tiểu Giới đứng một bên nghe chuyện, đến đây như không kìm chế được sự tò mò, chen vào hỏi:

-          Ô, nói như vậy thì cứ nấu sắt là phải dùng nồi đất sao? Nghe có gì đó sai sai ấy nhỉ?

Sư phụ nhìn Tiểu Giới cười:

-          Ha ha! Đúng thế nhóc. Đều phải dùng đất sét hết. Chỉ có nấu sắt ở quy mô lớn thì người ta phải dùng lò luyện, mà lò thì cũng đắp bằng đất sét cả thôi.

Tiểu Giới lại hỏi:

-          Vậy sao chúng ta không làm cái lò như vậy cho được nhiều, sư phụ?

-          Vấn đề là phải có than đá mới đốt lò được. Còn ở đây chúng ta dùng nguồn nhiệt của dung nham. Hơn nữa, chúng ta cũng chỉ làm một số lượng nhỏ thôi nhóc con ạ. Thôi, tập trung vào làm đi!

Sư phụ vừa làm vừa giảng giải cho mọi người biết để cùng phụ giúp. Đất sét phải được nhào thật kỹ, phải liên tục đập mạnh cả tảng đất sét xuống nền để đảm bảo khi tạo hình sẽ không có những vết nứt ngầm bên trong. Rồi đất sét được nặn thành hình một chiếc nồi liền khối, chắc chắn. Đúng ra có thể gọi là một cái chảo vì nó mang hình dạng của một nửa quả cầu, bởi vì hình cầu sẽ giúp phân phối nhiệt được đều nhất. Cái nồi này không có quai cầm tay mà được thay thế bằng một cái chuôi dài để có thể đứng từ xa đưa nó vào nguồn nhiệt nóng bỏng. Sư phụ phải bảo anh em tìm trong quân lấy một thanh kiếm rất dài để làm cái chuôi đó cho chắc chắn. Không những thế sau khi cắm thanh kiếm vào thì sư phụ lại còn đắp thêm đất sét kín hết cả thanh kiếm, mục đích chính là để cách nhiệt. Sau khi nặn xong, chiếc nồi không được sử dụng ngay mà còn phải phơi khô. Đương nhiên ở đây không có mặt trời nên chỉ có thể phơi bằng cách đặt chiếc nồi nằm bên bờ sông dung nham để hong khô bằng nguồn nhiệt của con sông. Cái sự phơi khô nói vậy mà cũng không đơn giản, không thể để gần con sông quá vì đất sét khô quá nhanh sẽ bị nứt nên phải để phơi từ xa, sau vài ngày mới mang lại phơi gần hơn, rồi vài ngày nữa lại đưa vào phơi gần hơn nữa. Tới khi khô hẳn, cái nồi đã chắc chắn như một cái bình gốm thì sư phụ mới đem đặt nó lên mặt sông dung nham, không phải đặt xuống để sử dụng nấu sắt ngay mà chỉ đặt một chút lại nhấc lên để nguội, rồi lại đặt xuống, nhấc lên nhiều lần lặp đi lặp lại khiến cho cái nồi dần dần được nung thành màu đỏ, rồi chuyển dần sang màu sẫm. Mục đích của việc này chính là để tôi cho cái nồi thật cứng rắn rồi mới dùng được.

Tới khi đánh giá cái nồi đã sẵn sàng thì sư phụ mới bỏ nguyên liệu vào nấu sắt. Nguyên liệu chính là quặng sắt và khoáng chất trừ tà được đập nhỏ vụn như cám rồi trộn thật đều vào nhau theo một tỷ lệ nhất định. Sau khi bỏ nguyên liệu, nồi nấu được đặt xuống giữa dòng sông dung nham như một cái thuyền chở hàng lênh đênh trên một dòng nước sáng rực. Bản thân cái nồi cũng dần dần nóng đỏ lên và nguyên liệu bên trong nó cũng dần dần nóng chảy ra. Vị trí đặt nồi cũng phải chọn chỗ nào dòng dung nham chảy mạnh nhất. Nhìn dòng sông dung nham đều đều chảy liên tục như vậy thôi nhưng để ý kỹ sẽ thấy những vị trí giữa dòng chảy khá nhanh còn những vị trí gần bờ thì chảy khá chậm do dung nham là một dạng nỏng đặc quánh chứ không đồng nhất như nước. Nếu đặt nồi nấu ở chỗ gần bờ thì dung nham chảy chậm khi chạm vào đáy nồi sẽ dễ bị nguội đi và bám dính vào nồi khiến cho nhiệt độ truyền vào nồi không cao. Đặt nồi ở giữa dòng thì không những nhiệt độ cao hơn mà còn liên tục được cung cấp những luồng nhiệt mới khiến cho nhiệt độ nồi nấu liên tục tăng thêm.

Chẳng mấy chốc nguyên liệu trong nồi đã nóng chảy hoàn toàn và dần dần sôi lên. Lúc này sư phụ mới dùng một cái muôi bằng đất đã chuẩn bị sẵn để khuấy đều chất lỏng trong nồi. Càng khuấy thì càng thấy có những lớp váng nổi lên, đó là vì thứ được đưa vào nấu không phải sắt mà là quặng với thành phần sắt chỉ chiếm phần nhỏ còn đa phần là tạp chất, những tạp chất nhẹ sẽ bị cháy, bị bay hơi, một số không bay hơi được thì kết váng nổi lên, phải vớt bỏ đi. Một số tạp chất nặng hơn cả sắt nóng chảy sẽ chìm bên dưới, vì vậy sau khi nấu thì đổ sắt thành phẩm ra sẽ phải chú ý bỏ lại một lớp cấn đọng dưới đáy nồi. Chung quy đó cũng là nguyên lý cơ bản của việc luyện thép, chính là dùng nhiệt độ cao làm cho các thành phần của quặng tách biệt nhau ra để có thể lấy thành phẩm là phần chứa hàm lượng sắt cao. Nhưng trước khi đổ thành phẩm ra vẫn còn một động tác quan trọng nữa, đó là phải cho thêm gỗ vào nồi. Nguyên lý luyện thép phải đưa thêm một tỷ lệ cacbon nhất định vào để cho thép không bị giòn và dễ vỡ. Với những lò luyện thép lớn người ta phải dùng than cốc còn ở đây sư phụ dùng thứ gỗ quyết cổ xưa này, thành phần chính cũng là cacbon. Gỗ không được trộn với nguyên liệu từ đầu vì như thế nó sẽ bị cháy và bốc hơi hết, phải đợi đến khi nấu gần xong, sắt đã nóng chảy rồi mới cho gỗ vào, khuấy đều, một phần gỗ sẽ bị bốc cháy nhưng một phần khá lớn cacbon vẫn hòa vào trong thép nóng chảy. Sau đó sư phụ lại vớt xỉ một lần nữa. Rồi sư phụ nhấc nồi lên, đổ thép nóng chảy vào một cái khuôn đã chuẩn bị sẵn. Khuôn này được sư phụ đắp bằng cát ướt bởi vì cát chịu nhiệt rất tốt, cũng dễ tạo hình, mà sau khi đổ thép thì có thể tháo dỡ rất dễ dàng.

Sau một lúc chờ đợi cho thép nguội, sư phụ bắt đầu dỡ khuôn. Mọi người xung quanh đều chăm chăm đôi mắt nhìn, trong lòng hồi hộp chờ đợi mẻ sản phẩm đầu tiên không biết có thành công không. Sau một tiếng “bụp” nhẹ nhàng, khuôn được tháo, lớp cát rơi xuống xung quanh để lộ ra một vật hình khối màu đen xì trơ lại. Mọi người xung quanh đều căng mắt nhìn. Chỉ có sư phụ lên tiếng:

-          Ái cha! Thành công rồi đấy. Thuận lợi quá nhỉ!

Nghe thấy thế Tiểu Văn mới reo lên:

-          A! Thành công rồi! Làm được ra sắt rồi. Hoan hô!...

Bấy giờ các anh em đứng xung quanh mới đồng loạt hò reo, vỗ tay, nhảy múa:

-          A ha! Thành công rồi!

-          Hoan hô! Thành công rồi!

-          Có sắt rồi! Cuối cùng cũng làm được sắt rồi. Hoan hô!...

Sau giây phút hân hoan, Tiểu Giới mới lại gần sờ thử vào cục sắt thành phẩm rồi nói:

-          Ha ha! Đúng là sắt rồi này. Cứng ghê!... Vẫn còn nóng hổi này.

Sư phụ cũng chạm vào cục sắt nhưng chỉ là để kiểm tra xem nó đã nguội chưa. Rồi sư phụ mới nhấc cục sắt lên, rũ cho chỗ cát còn bám vào đó rơi hết ra, rồi ông cầm lấy một hòn đá gõ gõ mấy cái vào cục sắt kêu mấy tiếng “Keng… keng…”. Sau một hồi, ông khẽ nhăn mặt nói:

-          Hừ, chưa được tốt lắm. Có vẻ tỷ lệ nguyên liệu chưa chuẩn rồi. Lần sau sẽ điều chỉnh lại một chút vậy.

Tiểu Văn cũng lại gần cầm lấy cục sắt nói:

-          Hì hì! Không sao đâu sư phụ. Mới mẻ đầu tiên, chưa chuẩn là chuyện bình thường. Ra được sản phẩm thế này là tốt lắm rồi.

Tiểu Giới nhìn vào cục sắt nói:

-          Ủa, mà Sư phụ đúc ra cái hình dạng gì vậy trời?

Sư phụ đáp:

-          Sao mày dốt thế! Nhìn thế này mà không thấy nó là cái búa à?

Tiểu Giới há hốc mồm rồi gật gật:

-          A, há a! Đúng! Đúng! Là cái búa thật. Tại chưa tra cán vào nhìn nó lạ quá. Ơ mà sao sư phụ không làm đao kiếm, là thứ đang cần? Chứ làm cái búa làm gì?

-          Nhóc con! Đúng là “trẻ người non dạ”. Mày tưởng thứ sắt này đã đem dùng được ngay à? Thứ này mới chỉ là phôi thôi nhé. Thứ này có đem làm cày, cuốc thì cũng chỉ bổ xuống đất mấy cái là gãy. Muốn làm thành vũ khí thì phải cho vào lò rèn. Phải đập, phải nung nóng, phải nhúng nước lạnh nhiều lần nữa mới thành thép được. Vì thế mẻ đầu tiên tao phải làm cái búa, mẻ sau tao sẽ làm thêm cái đe nữa thì mới thành một cái lò rèn. Hiểu chưa?

-          À! Ra vậy. Thế thì còn vất vả rồi. Hic!

-          Chứ sao, làm gì có kết quả gì tốt đẹp cho thứ lười biếng.

-          Ủa! Mà sao… cái này làm cái búa thôi thì làm sao sư phụ phải cho chất trừ tà vào làm gì?

-          Ờ thì… tao làm mẫu một lần cho chúng mày xem thì phải làm đầy đủ vậy thôi, hì hì!

Nghe nói đến đấy Tiểu Văn chen vào hỏi:

-          À đúng rồi sư phụ, khoáng chất trừ tà thực chất nó là chất gì mà có thể tác dụng mạnh tới linh hồn như vậy?

Trái với sự mong đợi của Tiểu Văn, sư phụ chỉ lắc đầu đáp ngắn gọn:

-          Chịu. Đào dưới đất lên thế nào thì dùng vậy thôi.

Tiểu Văn chưa nói thêm được gì thì Tiểu Giới đã nhanh nhảu:

-          Nghe tên là biết rồi mà. Chắc thứ do trời sinh ra để trị ma vậy thôi, hi hi!

Tiểu Văn lắc đầu:

-          Anh không nghĩ vậy đâu. Sau bao nhiêu thứ đã được chứng kiến thì giờ anh không nghĩ có thứ gì do trời sinh ra đâu.

Tiểu Giới vẫn tếu táo:

-          Thì cái gì không giải thích được ta cứ cho là “trời sinh ra thế”, ha ha!

Sư phụ giờ mới chậm rãi nói:

-          Tao cũng chẳng biết. Từ khi bắt đầu làm vũ khí thì đã được những người đi trước chỉ dạy cách dùng nó và gọi là khoáng chất trừ tà rồi. Chứ tao cũng đâu phải nhà hóa học đâu mà biết bản chất nó là gì. Nhưng mà tao nghĩ thành phần của nó đa phần là “chì” thôi.

-          Chì ư? Sao lại là chì? Chì thì làm sao có thể…?

-          Không biết. Nhưng mà tao thấy nó cũng chẳng có gì đặc biệt. Thế thử đoán xem cái gì đen, nặng, dễ gia công, và cũng chẳng hiếm hoi gì? Tao chỉ nghĩ ra một chất như thế thôi.

Tiểu Văn nghe mà cứ ngẩn người, rồi anh lẩm bẩm nhắc lại:

-          Chì ư?... là chì sao?... chì… không lẽ… có lẽ nào…

Anh cứ thế lẩm bẩm một mình, đầu óc như chìm vào những suy nghĩ xa xôi.

*

*          *

Trong phủ của Lê Vinh – Đô đốc quân đội ngục Đại Ngàn, những tiếng nói oang oang như cãi nhau đang vang lên trong một căn phòng khá rộng, được bày biện rất sang trọng. Hai người đàn ông đang nói chuyện với thái độ có vẻ mất bình tĩnh, đó chính là Phạm Thanh và Lê Vinh. Ngoài ra, trong phòng còn có sự hiện diện của Khát Máu, lúc này đang đứng bên Phạm Thanh, về phía Lê Vinh thì cũng có hai võ tướng đang đứng sau ông ta nhưng không hề nói gì, cảm giác đó chỉ là hai kẻ sai vặt.

Phạm Thanh nói gắt gỏng:

-          Chúa Ngục sắp cạn hết kiên nhẫn rồi đấy, hôm nay trên điện ông không thấy sao?

Lê Vinh thì nhăn mặt đáp:

-          Thì cũng phải từ từ, trên điện tôi cũng nói rồi đó thôi, Quách Đông vẫn đang làm chủ tình hình, cứ cho hắn thêm thời gian, hắn sẽ sớm kết thúc mọi chuyện.

-          Chờ! chờ! chờ! Sao lúc nào ông cũng bảo phải chờ với phải thêm thời gian thế?  Người ta cần những kết quả cụ thể, chứ cứ nói chờ… chờ… ông tưởng là đang dỗ con nít à? – Rồi Phạm Thanh chỉ sang Khát Máu: -  Nhìn xem, ta có đội trưởng mới cho đội thanh tra rồi đây. Hôm nay, ta đưa hắn đến để cảm ơn ông đấy, nhờ ông mà hắn mới được lên thay cái chức của Trương Tư. Nếu ông cứ làm ăn thế này thì rồi chả mấy chốc ta sẽ có thêm vài tên đội trưởng mới nữa thôi.

-          Ơ, việc đó cũng trách tôi à? Cái thằng Trương Tư bất tài, nó chết là đáng lắm rồi chứ liên quan gì tới tôi?

-          Còn không liên quan nữa à? Bọn ta đã bắt được thằng Cung Đội Trưởng, rõ ràng nó ra ngoài đi theo Ma Hiệp, vậy mà giờ còn dám cả gan quay lại đây làm loạn. Đủ thấy chúng nó tự do thoải mái ra vào, gây sự, đánh lén, chẳng coi ai ra gì rồi. Cứ thế này thì sau này ai còn dám nhắm mắt lại nghỉ ngơi nữa hả?

-          Ơ hay! Chuyện an ninh trong ngục là trách nhiệm của ông chứ, sao lại trách tôi?

-          Á ha! Còn dám đổ thừa cho ta nữa. Ta hỏi ông, không phải người của ông phụ trách giữ thành sao? Các ông giữ chặt được cái thành đó thì bọn chúng độn thổ chui được vào đây chắc?

-          Chưa chắc đã là từ bên ngoài vào đâu. Tôi nghĩ rồi, vừa rồi chúng ta mất một lượng khá lớn các loại khí giới và cả tù binh khổ sai. Để vận chuyển từng ấy thứ qua hàng rào đâu có dễ, vậy mà bọn tôi chẳng mất một thằng lính canh nào. Tôi nghĩ mấy việc này là do người trong ngục làm thôi.

-          Người trong ngục? Ý ông là sao?

-          Ông quên những gì Thái Yên đã làm rồi sao? Lấy gì bảo đảm là không còn kẻ nào làm những việc như vậy nữa?

Phạm Thanh chợt im lặng, giây lát hắn mới gật đầu nói:

-          Ừm, cũng có lý!

Được thể Lê Vinh nói tiếp:

-          Đấy! Ta nghĩ ông nên xem xét, điều tra lại theo hướng này xem. Nếu phát hiện có kẻ mưu phản nữa thì ông lại lập đại công rồi.

Phạm Thanh gật gật đầu rồi quay sang Khát Máu nói:

-          Ngươi nghe rồi chứ? Việc này ta giao cho ngươi nhé! Ta đã tin tưởng mà cất nhắc ngươi lên chức đội trưởng. Nay có cơ hội để ngươi chứng tỏ năng lực rồi đây. Đừng có làm ta thất vọng nhé!

Khát Máu cúi đầu đáp:

-          Dạ, đại nhân cứ yên tâm. Đây là thử thách đầu tiên, cũng là cơ hội để thuộc hạ chứng tỏ năng lực và sự tận tụy của mình. Thuộc hạ nhất định sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.

Vậy là không khí trong phòng đã thân thiện trở lại. Phạm Thanh và Lê Vinh tiếp tục chuyển sang những chủ đề công việc khác cùng một số nội dung xã giao như thường lệ họ vẫn nói chuyện với nhau.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3