Nổi loạn ở địa ngục - Tập 2 - Chương 23 - Ra ngoài

Sảnh chính hang căn cứ tràn ngập những tiếng cười nói rộn rã. Dù vậy thì hôm nay lại không có quá nhiều người, thậm chí là ít hơn hẳn so với ngày thường. Tiếng Tiểu Giới lanh lảnh:

-          He he he! Hôm nay thắng một trận đã quá! Hắc Nhị Ca, hôm nay tất cả là nhờ anh đấy. Đã tưởng là thua trận này thì mất hết tất cả, vậy mà anh xuất hiện lật ngược hoàn toàn tình thế. Hi hi!

Hắc Nhị Ca cười sảng khoái:

-          Hà hà hà! Quan trọng là phải có mặt đúng chỗ vào đúng lúc cần nhất.

Lính Đen cũng tỏ ra hào hứng:

-          Ha ha! Lúc đó thực sự hồi hộp muốn đứng tim. Nếu bọn chúng bất chấp tất cả mà đánh lên đồi thì không khéo toi hết. Đúng là một màn cân não đỉnh cao.

Tiểu Giới lại tiếp:

-          Quan trọng ở cái thần thái thôi. Các anh không thấy sao? Nhìn cái cách Hắc Nhi Ca đứng trên đỉnh đồi uy nghi như một vị thần bọn nó đã sợ vãi đái hết cả. Bởi vậy ngay lúc đó em đã tin chắc là bọn nó không dám đánh lên rồi…

Chợt Tiểu Văn lạnh lùng nói một câu khiến cho ngọn lửa hoan hỉ tắt ngấm:

-          Tại sao anh lại rời bỏ vị trí?

Giờ mọi người mới để ý nãy giờ Tiểu Văn chỉ im lặng, lầm lì ngồi một bên không tham gia câu chuyện. Giờ anh lại nói một câu như vậy khiến những người kia chỉ biết im lặng, ngơ ngác. Tiểu Văn lại nói tiếp:

-          Quân lệnh như sơn, trước khi ra quân đã phân công vị trí, trọng trách của mỗi người rõ ràng như thế rồi. Anh có biết việc anh bỏ vị trí như thế là nguy hiểm như thế nào không? Lại còn đem theo bao nhiêu người khác cùng vào nguy hiểm nữa. Chả nhẽ anh không biết là đem những người chưa được huấn luyện ra trận thì chẳng khác nào ném gà vào lò lửa nướng ư? Còn nữa, cái đám hàng quân, đã nói là không thể tùy tiện đưa ra trận được, thế mà anh chẳng hỏi ai đã tự ý kéo hết ra trận trong một tình huống ngàn cân treo sợi tóc như vậy, anh không nghĩ đến hậu quả ư?

Hắc Nhị Ca ngây người không nói được câu nào. Chỉ có Tiểu Giới với vẻ mặt ngơ ngác nói:

-          Đại ca sao lại nói thế chứ? Hôm nay Hắc Nhị Ca đã cứu tất cả chúng ta mà. Anh ấy làm thế cũng chỉ vì tình thế cấp bách thôi, lúc đó làm gì có thời gian mà chờ lệnh nữa chứ?

Nghe Tiểu Giới nói tới đó, Hắc Nhị Ca mới lại nói:

-          À, lúc đó tôi ngồi nhà mà cứ thấp thỏm lo cho anh em chiến đấu bên ngoài. Vì vậy tôi mới bảo cậu em bên cạnh ra ngoài dò xét tình hình. Khi cậu ấy về báo tin thế trận đang bất lợi, tôi lo lắng quá nên mới nghĩ ra cách làm mạo hiểm này để ra tiếp ứng cho anh em. Quả thật tôi không còn để ý đến việc trái quân lệnh nữa.

Tiểu Giới vừa nghe vừa gật đầu lia lịa:

-          Phải! phải!… dù thế nào thì chẳng phải là cuối cùng mọi chuyện đều êm đẹp sao?

Tiểu Văn gắt lên:

-          Thế ý cậu là anh ấy đã làm đúng à? Kỷ luật là sức mạnh của quân đội, nếu ai cũng tự cho mình là đúng, tự ý hành động, ai cũng muốn làm anh hùng thì sau này chúng ta còn bảo được ai nữa? mỗi mệnh lệnh đưa ra đâu còn giá trị gì nữa?

Mọi người đều im thít. Một lúc Hắc Nhị Ca mới nói:

-          Vâng. Thủ Lĩnh nói đúng. Tôi sai. Không thể lấy kết quả để biện minh cho hành động. Tôi… tôi xin rút kinh nghiệm.

Hắc Nhị Ca nói xong chỉ cúi gằm mặt nhìn xuống đất. Thấy vậy Lính Đen nói:

-          Thôi, dù thế nào chuyện cũng xảy ra rồi. Chúng ta nên tập trung mà lo cho tương lai. Chúng ta đã thắng trận vừa rồi nhưng phần lớn anh em đã nằm gục, chưa thể hồi phục ngay được mà căn cứ thì đã bị lộ. Còn nhiều việc phải lo lắm.

Nghe vậy Hắc Nhị Ca vội nói:

-          À đúng. Tôi phải đi xem tình hình luyện tập của đám lính mới thế nào. Tôi xin phép đi trước nhé?

Tiểu Văn gật gật đầu rồi vẫn ngồi yên trên một phiến đá mà nhìn lảng đi chỗ khác. Vậy là Hắc Nhị Ca bước đi. Tiếp theo đó Tiểu Giới cũng nói:

-          À, em cũng phải đi chăm sóc cho những người đang bất tỉnh.

Nói rồi cũng bước đi luôn. Khi mọi người đã tản đi hết. Lính Đen mới ngồi về bên cạnh Tiểu Văn nói:

-          Tớ thấy gần đây có một số việc liên quan đến Hắc Nhị Ca cậu có vẻ hơi khắt khe quá đấy.

Tiểu Văn vẫn giữ nguyên hướng nhìn, bình thản đáp:

-          Tớ nghĩ mình không làm gì sai. Có thể có nhiều việc liên quan đến Hắc Nhị Ca đều không ổn, nhưng đó là do nó không ổn thật chứ không phải do tớ.

-          Tớ thì không nói những điều đó đúng hay sai, tớ chỉ nghĩ là cậu nên điều chỉnh ứng xử với Hắc Nhị Ca một chút để giữ hòa khí. Chính cậu cũng luôn đề cao sự đoàn kết mà.

-          Ừ…

Tiểu Văn buông một tiếng rồi lại im lặng. Lính Đen hiểu rằng chủ đề này chỉ nên nói đến thế vì vậy anh nói sang chuyện khác:

-          À, bây giờ căn cứ đã bị lộ, bọn lính địa ngục có thể sẽ quay lại tấn công bất cứ lúc nào, chúng ta phải tính phương án phòng thủ đi.

Tiểu Văn quay lại nhìn Lính Đen nói:

-          Ừ, tôi nghĩ rồi. Khi căn cứ đã bị lộ thì chúng ta không nên ở yên trong này nữa. Cửa hang này nhỏ quá, cứ như cái nút chai ấy, mình nằm cả trong chai thì sẽ rất bị động. Khi địch đến phải mất rất nhiều thời gian đưa quân ra ngoài bầy trận. Đối phương chỉ cần đặt mấy tên lính đứng chặn ở cửa hang thì mình không thể ra ngoài được nữa, vì muốn ra khỏi cửa hang này phải xếp hàng một, người nào thò ra sẽ ngay lập tức bị bọn chúng tiêu diệt ngay. Muốn lọt một người ra ngoài dò la tin tức cũng không được, vậy ở trong này khác gì trong tù? Vì vậy giờ cần phải ra ngoài dựng trại phòng thủ chủ động khi chúng còn chưa đến.

Lính Đen gật:

-          Cũng phải, vậy mình nên ra ngoài đóng quân rồi lấy gỗ dựng hàng rào với nhiều trông, gai để phòng thủ.

Tiểu Văn tiếp:

-          Trước mắt chúng ta còn lại bao nhiêu người có thể chiến đấu được đều phải đưa hết ra ngoài đó. Trong giai đoạn căng thẳng này mọi người đều phải cố gắng hết sức mình túc trực chiến đấu ngày đêm, chờ tới khi những người bị thương dần tỉnh lại thì lực lượng đông hơn sẽ có thể thay phiên nhau nghỉ ngơi. Những người chưa có khả năng chiến đấu cũng cần trang bị cho cầm cung hết mà canh gác, ai không thể bắn cung thì cũng đưa ra đó làm nghi binh cho địch tưởng mình vẫn đông người. Tôi nghĩ sau trận vừa rồi địch vẫn đang bán tín bán nghi, không biết chúng ta có còn nhiều người hay không nên giờ nghi binh như vậy chúng sẽ không dám tấn công đâu.

Lính Đen lại tiếp ý:

-          Giả sử chúng có tấn công thật mà chúng ta cảm thấy khó chống đỡ thì lại có thể rút vào trong này, chúng sẽ không thể vượt qua cửa hang chật hẹp được, như vậy cũng coi như có hai lớp phòng thủ. Nhưng trước hết cần phải ưu tiên dựng chòi, đứng trên chòi bắn cung sẽ có rất nhiều ưu thế mà lại vững chắc, chứ như trận vừa rồi đội tiền quân cũng không bảo vệ được cung binh.

-          Ờ phải, nhắc mới nhớ, lúc đó bọn chúng bày trận kiểu gì mà phá trận bên mình dễ dàng thế nhỉ? Làm cho ý đồ phục kích của mình phả sản trong chớp mắt, bực mình thật!

-          Cái này hồi mới tham gia quân ngũ tôi cũng từng được nghe giảng lý thuyết thôi chứ thực tế cũng chưa thấy bao giờ, nay mới thấy quả nhiên là hiệu quả thật. Nếu không nhầm thì trận pháp đó gọi là “Nhạn hình trận” vì nó xếp theo hình đàn chim nhạn khi bay, một con nhạn đi đầu tiên xé gió, kéo theo cả đàn, nếu con nhạn đó có mệt thì sẽ có con khác thay vị trí đó. Xếp trận như vậy dùng để xuyên phá hàng ngũ đối phương, nhanh chóng đánh thọc sâu vào hậu quân của đối phương.

-          Hừ, xem ra cái tên Quách Đông này đúng là nhiều kinh nghiệm trận mạc, tinh thông binh pháp thật rồi. Giả sử lần sau hắn lại dùng trận pháp ấy thì chúng ta phải làm thế nào?

-          Ờ… để xem nào… tôi không nhớ bài học ngày xưa được huấn luyện thế nào, nhưng điểm mạnh của “nhạn hình trận” là mũi nhọn xuyên phá vì vậy tôi nghĩ chúng ta phải bỏ khoảng không ở giữa, chia quân thành hai đạo như gọng kìm đánh vào hai bên mạn sườn của chúng. Khi những cánh quân yểm hộ đằng sau bị cắt đứt thì mũi nhọn kia càng đâm sâu vào trong càng cô độc, một mình đối đầu với cả đội quân thì hắn có mạnh đến đâu cũng nhanh chóng phải nằm xuống thôi.

-          Ừ, đúng đấy. Vậy sau này khi lực lượng hồi phục trở lại chúng ta phải tập luyện thêm về cách đánh này mới được. À, không những thế còn phải nghiên cứu thêm về những trận pháp khác nữa, chứ chắc chắn bọn chúng không chỉ biết một trận pháp vừa rồi đâu.

Hai người tiếp tục trao đổi chi tiết hơn về cách bố trí phòng thủ rồi sau đó họ khẩn trương bắt tay vào triển khai mọi việc.

*

*          *

Kể từ đó, nghĩa quân công khai vị trí đóng quân, không còn chốn biệt trong hang động nữa. Giờ nghĩa quân đã có nhiều gỗ để đóng doanh trại bởi vì đã có cả rìu, rựa, thậm chí cả lưỡi cưa bằng sắt để chặt gỗ được nhanh hơn. Đường zíc zắc dẫn ở cửa hang cũng được cải tạo, khơi thông, giúp di chuyển dễ dàng hơn nhờ vậy mới có thể vận chuyển những cây gỗ ra ngoài. Doanh trại được dựng ngay trước cửa hang căn cứ, ban đầu thì khá nhỏ, chỉ để lực lượng phòng thủ làm chỗ nấp mà bắn tên ra ngoài, sau thì những anh em bị đánh gục trong trận vừa rồi cũng dần bình phục, bao gồm cả các tướng chỉ huy, cùng với đó doanh trại cũng ngày càng mở rộng dần ra và trở thành nơi đóng quân cũng như huấn luyện chính của quân chủ lực. Cửa hang căn cứ vốn nằm dưới chân một một vách đá dựng đứng nên doanh trại cũng có sẵn một mặt là vách núi vững chãi, ba mặt kia đều bố trí nhiều chông gai, chòi canh, cửa chính thì nằm ở phía đối diện với vách núi.

Từ khi nghĩa quân dựng trại công khai, phía quân địa ngục có mấy lần đưa những tốp quân nhỏ đến thăm dò nhưng đều bị nghĩa quân phát hiện, bắn tên như mưa, đẩy lùi. Nghĩ rằng lực lượng phòng thủ của nghĩa quân rất đông nên chúng không dám tấn công nữa. Hai bên cứ như vậy trì hoãn chiến trận cũng đã được một thời gian khá lâu.

Hôm đó Tiểu Văn đến lò rèn tìm gặp sư phụ Thiết Thủy. Vừa gặp sư phụ anh đã hồ hởi chào hỏi:

-          A sư phụ! May quá hôm nay gặp được sư phụ rồi, hi hi!

Trái ngược với sự hồ hởi đó của Tiểu Văn, sư phụ chỉ quay ra nhìn anh rồi lại khinh khỉnh quay đi, khẽ buông một câu:

-          Mày đấy à? Đến đây có việc gì thế?

Tiểu Văn vẫn tươi tỉnh nói:

-          Con đến thăm hỏi sư phụ thôi. Sư phụ vẫn khỏe chứ? Mọi thứ ở đây có được thoải mái không?

Lúc đó ở lò rèn còn có Tiểu giới và mười người khác đang hăng say làm việc. Mọi người đã quá quen với cách ứng xử kỳ quặc của sư phụ nên cũng không mấy để ý, họ chỉ lần lượt cúi chào vị Thủ Lĩnh vừa đến rồi lại tiếp tục công việc. Chỉ có Tiểu Giới là tạm bỏ vị trí, đứng lên đi về phía Tiểu Văn, vừa đi vừa cười nói:

-          A, đại ca đến đấy à? Em có cái này hay lắm, đại ca xem này!

Tiểu Văn chỉ mỉm cười, gật đầu đáp lại Tiểu Giới rồi lại hỏi chuyện sư phụ:

-          Mấy hôm trước con đến tìm sư phụ mới biết sư phụ vừa xây một phòng riêng để được nghiên cứu cho yên tĩnh đấy à?

-          Ừ!

-          Lúc đó các anh em có ý định mở cửa cho con vào phòng gặp sư phụ, nhưng con ngăn lại vì nghĩ là sư phụ đã làm việc trong phòng riêng chắc chắn sẽ không muốn bị làm phiền, phải không sư phụ?

Sư phụ lại trả lời một tiếng cụt ngủn:

-          Ừ!

Tiểu Văn đi về phía căn phòng nhỏ được dựng bằng đá ở gần đó, ngay cạnh dòng sông dung nham. Cách bố trí căn phòng này gần như giống hệt so với căn phòng kín của sư phụ Thiết Thủy khi mà ông còn làm việc tại lò rèn của địa ngục. Sư phụ và Tiểu Giới lần lượt bước theo Tiểu Văn. Khi đến bên cánh cửa gỗ, Tiểu Văn chỉ vào đó hỏi:

-          Con có thể vào trong xem qua một chút không?

Sư phụ vẫn chỉ trả lời bằng một tiếng:

-          … Ừ!

Thấy sư phụ tiết kiệm lời nói như vậy, Tiểu Văn thay đổi cách nói chuyện:

-          Sư phụ xây một cái phòng dành riêng cho việc nghiên cứu như thế này con nghĩ là rất tốt. Bởi vì lao động sản xuất không chỉ đơn giản là làm ra càng nhiều sản phẩm càng tốt mà còn phải biết thường xuyên nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo để làm ra những sản phẩm mới. Giờ lực lượng của ta còn mỏng chứ sau này phát triển thêm thì con sẽ xây thêm nhiều phòng nghiên cứu nữa rồi khuyến khích nhiều người học theo cách nghiên cứu của sư phụ… Hì hì! Thế sư phụ sáng chế thêm được những cái gì rồi?

Trước cách đặt câu hỏi như vậy, sư phụ đã phải trả lời bằng dài dòng hơn:

-          À, đã làm được cái gì đâu. Mấy hôm vừa rồi mới chỉ bắt đầu xây dựng, tao mới chỉ đang sắp xếp một số công cụ làm việc thôi. Tính tao xưa nay vẫn thế, mấy thứ đồ thông thường tao không thích làm nên dạy cho người khác làm được xong thì tao chỉ muốn một chỗ yên tĩnh để nghiên cứu một mình.

Tiểu Giới cười nói chen vào:

-          Ha ha! Đại ca không phải lo thiếu sản phẩm sáng tạo. Đây, chính căn phòng này đã là một thiết kế sáng tạo rồi này. Đại ca nhìn xem! Cái lò này có phải là một thiết kế rất hay không?

Tiểu Giới vừa nói vừa chỉ và cái lò ở chân tường phía trong căn phòng, một cái lò sử dụng sức nóng tự nhiên của dòng sông dung nham chảy qua. Tiểu Văn nhìn theo hướng chỉ của Tiểu Giới mà gật đầu tán đồng. Rồi anh nhìn một lượt quanh căn phòng. Bố trí cũng khá đơn giản. Bên cạnh cái lò là một cái ghế gỗ thấp và một cái đe cùng một cái búa đặt bên trên. Một bên là cái bàn gỗ cao hơn, trên đó bày một số dụng cụ làm việc. Những chỗ khác trong phòng có một số thứ binh khí để rải rác. Chợt Tiểu Văn tập trung sự chú ý vào một vật đặt trên bàn.

-          Ơ, cái này là cái gì đây sư phụ?

Anh vừa hỏi vừa tiến lại và cầm vật đó lên xem. Sư phụ chưa nói thì Tiểu Giới đã nhanh nhảu:

-          À, cái đó là cái đồng hồ cát đấy đại ca.

-          Đồng hồ cát? Ôi, đúng là đồng hồ cát thật. Hay quá nhỉ? Cái này cũng là do sự phụ vừa làm ra đấy à?

Giờ thì sư phụ mới đáp:

-          Ờ, ở đây tụi bay sống chẳng biết giờ giấc gì nên nhiều lúc bất tiện lắm. Nhất là cái khâu nung sắt, không canh thời gian chuẩn thì dễ hỏng. Vì thế tao phải chế ra cái đồng hồ này để theo dõi thời gian cho tiện đấy.

Tiểu Văn không thể rời mắt khỏi vật đó. Đồng hồ cát thì Tiểu Văn chẳng lạ gì, thông thường thì nó làm bằng thủy tinh, chia thành hai khoang rỗng thông với nhau để cho cát chảy qua. Nhưng vật này lại làm chủ yếu bằng sắt, chỉ có một mặt là làm bằng thủy tinh vừa đủ để có thể nhìn thấy cát bên trong. Mà nhìn kỹ thì cũng chẳng biết đó có phải là thủy tinh không vì bề mặt nó xù xì chứ không nhẵn bóng và khá đục nên nhìn vào cát ở bên trong chỉ thấy mờ mờ. Tiểu Văn liền hỏi:

-          Cái này là thủy tinh hay là cái gì vậy, sư phụ?

Sư phụ tỏ ra có chút hứng thú nói:

-          Hà hà! Cái đó không hẳn là thủy tinh nhưng có thành phần cũng gần giống thủy tinh. Muốn sản xuất thủy tinh thì phải nung nóng chảy cát ở nhiệt độ còn cao hơn cả nhiệt độ nung chảy sắt, với cái lò như của chúng ta thì không thể làm được. Thế nhưng trong dung nham nóng chảy đôi khi cũng có lẫn một vài thành phần giống như cát bị nung nóng vì vậy cứ tìm trong đống xỉ khi dung nham bị nguội đi đôi khi sẽ thấy thứ này. Từ thời cổ đại người xưa đã biết dùng thứ này trước khi phát minh ra thủy tinh rồi. Người ta gọi nó là “đá vỏ chai”.

Tiểu Văn gật gù:

-          Ồ, hay thật! Từ lâu con đã nghĩ phải làm thế nào để đo thời gian giống như trong ngục người ta có cái đồng hồ vậy. Giờ có thứ này thì có thể giải quyết được vấn đề rồi. Ha ha!... sư phụ! Sư phụ có thể chế tạo thêm nhiều cái đồng hồ cát như thế này nữa được không?

Tiểu Giới nghe vậy liền nói:

-          Đã chế tạo được một cái thì làm thêm vài cái nữa chắc không khó. Nhưng mà cái này không giống cái đồng hồ trong ngục đâu đại ca. Cái này chỉ dùng để xác định một khoảng thời gian giới hạn, ví dụ khi cát chảy hết một lượt thì mình biết là một giờ đã trôi qua, chứ muốn biết lúc này là mấy giờ thì chịu.

Tiểu Văn nói:

-          Đúng là cái này không thể chỉ giờ, nhưng muốn dùng cái này để xác định giờ giấc cũng không phải quá khó. Chúng ta sẽ làm một cái mặt đồng hồ có kim chỉ giờ mà không cần động cơ, sau đó cho người thay nhau túc trực đo thời gian bằng đồng hồ cát này, cứ mỗi giờ trôi qua thì lại dùng tay đẩy kim đồng hồ thêm một giờ đồng thời lật ngược đồng hồ cát lại để chạy giờ tiếp. Cứ như thế chúng ta có một cái mặt đồng hồ giả nhưng sẽ luôn chỉ giờ đúng một cách tương đối. Điều kiện khó khăn, chúng ta dùng sức người để bù đắp lại sự thiếu thốn về kỹ thuật vậy.

Sư phụ gật gù:

-          Ờ, nghe cũng có vẻ được. Chỉ cần làm một cái đồng hồ như vậy rồi mỗi giờ lại cho người đỉ thông báo khắp căn cứ để mọi người cùng biết thời gian. Biết giờ giấc rồi thì sắp xếp công việc mới dễ hơn. Rồi từ đó còn tính ngày tháng, ghi lịch nữa chứ.

Tiểu Văn khoái chí cười rộn ràng:

-          Phải! Phải! Phải!... ha ha ha!... Vậy sư phụ chế tạo giúp con thêm mấy cái đồng hồ cát nữa nhé! Làm sao có thêm mấy loại khác nhau để có cái chạy ra một giờ, cái ba giờ, cái sáu giờ… cho tiện sử dụng.

Sư phụ nhăn mặt tỏ ý ngao ngán. Thấy vậy Tiểu Giới cười:

-          Hà hà! Đại ca yên tâm! Nói như thế là em hiểu phải làm như thế nào rồi. Cứ để đó em làm hết cho. Hi hi!... À, đại ca ra đây em cho xem cái này nữa, hay lắm!

Vừa nói Tiểu Giới vừa dắt tay Tiểu Văn thoăn thoắt đi ra khỏi căn phòng riêng của sư phụ, đi ra tới vị trí lò rèn Tiểu Giới đã ngồi trước khi Tiểu Văn đến. Tới nơi Tiểu Giới cầm một vật đang đặt bên ghế ngồi ở đó lên đưa cho Tiểu Văn xem. Tiểu Văn vừa cầm thì đã nói:

-          Cái này… là cái nỏ à?

-          Chính xác! Đại ca cũng biết cái nỏ à?

-          Hì hì! Cái nỏ thì có gì lạ đâu. Nguyên lý hoạt động cũng giống như cái cung thôi, người ta vẫn thường thuận miệng nói “cung – nỏ” như là một cặp ấy mà.

-          Đúng, nguyên lý hoạt động thì cũng giống như cái cung thôi nhưng mà cũng không đơn giản mà chế ra đâu. Đại ca thấy đấy, cả cái địa ngục này đã thấy ai dùng nỏ chưa? Phải có đầu óc thiên tài như em mới phát minh ra được. Ha ha!

Sư phụ Thiết Thủy vừa mới lững thững đi theo ra tới đó, nghe thấy thế thì cười khẩy nói:

-          Hứ, cái thứ mày thì phát minh cái gì, dăm ba cái thứ đơn giản, dùng làm đồ chơi thôi chứ có tác dụng gì đâu.

Tiểu Văn gật đầu tán đồng:

-          Ừmh, cái này cũng bắn mũi tên đi dựa vào sức đàn hồi của cánh cung, nhưng khác là dây cung được kéo và mắc trước vào lỗ khuyết này, mũi tên cũng gắn sẵn trên giá này… uhm, hơi bất tiện. Vì mỗi lần muốn bắn một mũi tên phải mất công kéo dây cung rồi lắp tên mất thời gian. Trên chiến trường một giây cũng quý, kẻ địch bắn mấy nhát mình mới bắn được một nhát thì sống sao nổi?

Tiểu Giới tự tin giảng giải:

-          Đương nhiên em biết thế chứ. Có điều nó bất lợi về tốc độ bắn thì lại có lợi về mặt khác. Thứ nhất là mũi tên đặt lên giá thế này thì sẽ giúp ngắm bắn trên một đường thẳng, giúp bắn chính xác hơn. Thứ hai là dây cung kéo sẵn từ trước giúp thiết kế lực kéo mạnh hơn so với bắn cung. Đại ca nhìn xem!... – Tiểu Giới vừa nói vừa làm động tác cho Tiểu Văn thấy luôn. - … em có thể dùng chân để kéo dây cung nhé, như thế có thể kéo lực rất căng một cách dễ dàng… đó, giờ mà bắn thì chắc chắn mũi tên đi mạnh hơn bắn cung nhiều.

Tiểu Văn chăm chú nhìn động tác của Tiểu Giới rồi lại cầm cây nỏ lên xem qua xem lại, trầm ngâm một lúc rồi anh nói:

-          Ta vừa chợt có ý tưởng này. Sư phụ và Tiểu Giới thử nghĩ xem có thể chế ra một cái nỏ liên châu không?

Hai người kia mắt tròn mắt dẹp, đồng thanh nói:

-          Nỏ liên châu ư? Là cái gì vậy?

Tiểu Văn nói:

-          Theo truyền thuyết lưu truyền trên dương thế, ngày xưa có một vị vua được một vị thần Kim Quy cho một cái móng thần để là lẫy nỏ, nhờ đó chế ra được một cái nỏ thần. Nỏ thần bắn một nhát ra hàng ngàn mũi tên, nhờ vậy mà giữ được thành trì, chống trả được sự xâm lược của kẻ thù.

Tiểu Giới bấy giờ mới như sực nhớ ra:

-          À, tưởng gì truyện này em nghe rồi. Truyền thuyết nỏ thần đúng không?

Tiểu Văn gật đầu, nói tiếp:

-          Tuy đó chỉ là truyền thuyết, không rõ bao nhiêu phần là thật nhưng các nhà khoa học cho răng rất có thể người xưa đã thực sự có được bí kíp để chế ra một cây nỏ có thể bắn ra nhiều mũi tên một lúc như thế, gọi là nỏ liên châu. Còn chuyện thần Kim Quy giúp có thể chỉ là cách kể thần thành hóa do dân gian truyền tụng mà thôi.

-          Em hiểu rồi. Ý đại ca là cũng muốn chế ra một cái nỏ thần như vậy hả? Khó lắm! Chẳng phải như nội dung truyền thuyết đó thì rõ ràng việc chế tạo cây nỏ như vậy cũng là một bí kíp tối mật sao, nếu dễ làm thì kẻ thù cũng đã làm được rồi.

-          Ờ thì đương nhiên không dễ. Nhưng anh nghĩ cũng không phải là bất khả thi. Chúng ta phải nhìn nhận vấn đề ở góc độ của những con người thời đại internet chứ, không lẽ mình cũng chỉ biết nghĩ như những người cổ đại thôi ư? Hơn nữa, cần phải nghĩ thế này: Chúng ta không cố gắng chế tạo một cây nỏ thần kỳ có thể bắn một mũi tên lên trời và đợi một cơn mưa tên từ trên trời rơi xuống. Chúng ta chỉ đặt mục tiêu chế tạo một cỗ máy có thể lắp nhiều cây nỏ xếp thành một giàn cạnh nhau để khi một người bấm một cái là cả trăm cây nỏ đó bắn tên ra cùng lúc. Như vậy thì không phải là bất khả thi chứ?

-          Ơ, như thế thì lại không quá khó. Nhưng mà như vậy thì có gì thần kỳ đâu? Mà như thế đi đánh trận chắc gì có hiệu quả vì để bắn được một trăm mũi tên thì lại mất công kéo dây cung một trăm lần, rồi lắp thêm một trăm mũi tên nữa.

-          Sao không hiệu quả? Chúng ta có thể chuẩn bị máy móc từ trước, đến khi ra trận chỉ cần bắn một lượt đầu bằng máy đó, sau đó thì lại chuyển sang bắn cung cũng được mà. Thử nghĩ xem, nếu chúng ta có ba trăm tay cung mà mỗi người có thêm một cỗ máy bắn được một trăm mũi tên, tức là khi vào trận địch phải hứng chịu một lúc ba vạn mũi tên bắn tới. Uy lực rất khủng khiếp đấy.

Tiểu Giới còn đang trầm ngâm nghĩ ngợi thì sư phụ Thiết Thủy đã cười nói:

-          Ha ha! Ta thấy thích ý tưởng này rồi đấy. Để ta sẽ nghĩ cách chế ra cái máy như thế xem sao. Hơn nữa ta nghĩ có thể không phải chỉ bắn được một lần đâu. Hoàn toàn có thể có giải pháp dùng một cái cần gạt để có thể kéo một lúc hàng trăm dây cung. Ngoài ra cũng có thể thiết kế những rãnh trượt giúp lắp tên nhanh hơn, chỉ cần đổ một bó tên vào máy là nó sẽ tự chạy dần mỗi mũi tên đến một rãnh nỏ. Ha ha ha! Lại có cái để nghiên cứu rồi.

Tểu Văn cười rạng rỡ:

Tốt quá! Tốt quá rồi! Có sư phụ nghiên cứu giúp thì giấc mơ nỏ thần chắc không quá xa vời rồi. Đấy, chúng ta có sư phụ có khác nào được thần Kim Quy giúp đâu. Ha ha ha!